Khá bất ngờ khi được biết đây là số tiền ngân sách đã chi cho một đề án có tên "tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh".
Tin tức trên báo Tuổi Trẻ cho biết ngân sách đã chi 375.410 tỷ đồng cho một đề án do Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cùng Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải (Bộ Giao thông vận tải) thực hiện chỉ với mục đích khá mơ hồ, gọi là "tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng xe cá nhân". Liệu đây có phải là lời giải của bài toán căn cơ kẹt xe đô thị ? [1]
Nạn kẹt xe ở Sài Gòn
Người viết thực hiện một ghi nhận nhỏ tại Sài Gòn quanh thắc mắc ấy (xem thêm tại [2]).
Ông Hưng Phú : Với số tiền 375.410 tỷ đồng để thực hiện đề án, tôi nghĩ số tiền đó thành phố nên sử dụng mở rộng đường, mở thêm đường để xe buýt vào được các con hẻm, khu phố thì ngay tức khắc mọi người sẽ rời bỏ phương tiện cá nhân và sử dụng phương tiện công cộng.
Báo chí đăng là họ khảo sát rồi đưa ra dự báo năm 2030, phương tiện công cộng mới đáp ứng 37% nhu cầu đi lại. Vậy số còn lại sử dụng phương tiện gì khi thành phố hạn chế phương tiện cá nhân ?
Bà Bích : Tôi có được tham gia làm phiếu khảo sát này, khá nhiều nội dung cần lấy ý kiến. Cơ bản là có đưa ra nhiều phương án để lựa chọn, có cho người làm nêu ý kiến riêng của mình. Về phần kết quả tôi thấy cũng tương quan đó. Tuy nhiên các nhân viên đi lấy ý kiến khi tiếp cận với người lao động phổ thông ngồi cạnh, thì thấy họ thường từ chối cho ý kiến.
Ông Phan Sơn : Tôi ở quận 3, nhưng không hề thấy phiếu khảo sát như báo chí đăng.
Cô Lê Nguyên : Em ở quận 2, sát nhà tổ truởng dân phố mà cũng không biết vụ phiếu khảo sát này luôn.
Ông Đoàn Hòa : Báo chí đăng có 30 ngàn phiếu khảo sát cho các tổ dân phố từ quận 1 đến quận 12 và 7 quận khác. Tôi là tổ trưởng dân phố ở quận 9, và là ủy viên Mặt trận tổ quốc phường, nhưng không biết gì về... vụ khảo sát đó.
Ông Nguyễn Hải Sơn : Chuyện này ở Hóc Môn, tôi cũng không hề hay biết gì. Tôi cứ nghĩ như việc khảo sát được thực hiện với 100 người như chương trình chung sức trên truyền hình. Làm việc phải biết nguyên nhân từ đâu chứ đâu phải việc gì cũng giải quyết phần ngọn như vậy.
Trong khi hệ thống hạ tầng đường xá quá nhỏ hẹp, cái gì, việc gì cũng tập trung ở trung tâm thành phố thì sao mà không ùn tắc. Thêm nữa là các phương tiện công cộng quá bất tiện, chi phí lại quá cao, đi lại càng bất tiện. Nếu đi làm buổi sáng thì phải đi từ mấy giờ để đi 3-4 chặng xe buýt, chi phí phải mất bao nhiêu cho buổi sáng, bao nhiêu cho buổi chiều, chưa kể xe buýt cũng là hung thần xa lộ chứ cũng chẳng vừa.
Tôi thấy làm việc gì cũng phải tìm nguyên nhân chính để giải quyết, đừng giải quyết ở ngọn để rồi quy định này, quyết định nọ chỉ làm cho dân khổ thêm.
Bà Nguyễn Thu Hương : Một ký lúa ở miền Tây có giá bán cho thương lái chỉ từ 4.000 đồng đến 4.600 đồng. Một ngàn đồng có 3 con số 0. Một tỷ đồng có 9 con số 0. Như vậy, có ai tính dùm coi số tiền 375.410 tỷ đồng cho đề án thuần lý thuyết, mà chưa rõ có áp dụng được hay không, nó lớn đến mức nào ?
Tôi nghĩ rằng chắc có nhầm lẫn gì đó ở con số 375.410 tỷ đồng. Ở Mỹ, người ta dùng dấu phẩy để phân cách các con số hàng ngàn, triệu, tỷ, hàng tỷ, triệu tỷ, và tỷ tỷ, dấu chấm cho số thập phân. Ở Đức thì ngược lại với Mỹ. Còn ở Việt Nam, số nào cũng có thể hiểu được, nhưng chủ yếu lại dùng cách của anh người Đức trong sổ sách, riêng mấy phần mềm xài ké như Excel thì lại dùng giống anh người Mỹ.
Vụ rắc rối này chắc chỉ có chủ đề án mới trả lời được. Nhưng mà ngay cả cách hiểu 375,410 tỷ đồng, thì đó vẫn là số tiền quá lớn cho một đề án không thể đưa ra lời giải đáp căn cơ nào hết. Ngân sách là từ tiền thuế của dân, của doanh nghiệp. Không thể chi xài kiểu như vậy. Xem ra tham nhũng đang rành rành ra đó…
Nguyễn Hồng Phúc
Nguồn : VNTB, 08/03/2019
Chú thích :
[1] https://tuoitre.vn/63-nguoi-dan-tp-hcm-ung-ho-han-che-xe-ca-nhan-la-nhung-ai-20190304155335699.htm
[2] http://www.vietnamthoibao.org/2019/03/vntb-nguoi-dan-ong-tinh-han-che-xe-ca.html