Thường ai cũng lo và ghét bị mang nợ. Tổng thống Donald Trump là một. Năm 2015, ông tuyên bố : "Khi (nước Mỹ) nợ đến 18-19 ngàn tỷ USD (18-19 trillion USD), họ cần một người như tôi để chấn chỉnh !".
Ai mua công trái (giấy nợ của chính phủ) tức là cho nhà nước Mỹ vay, sẽ được trả lãi và vốn khi đáo hạn. Ảnh minh họa
Ông Trump năm đó cảnh cáo rằng nếu chính phủ Mỹ nợ đến 21 ngàn tỷ USD thì "Obama làm đất nước của chúng ta phá sản" ! Khi tranh cử, ông hứa sẽ giảm bớt số nợ của quốc gia. Sáu tháng trước đây ông còn nói khi tăng thuế nhập cảng sẽ có tiền để chính phủ trả bớt nợ.
Đầu năm 2017, khi Tổng thống Trump nhậm chức, số nợ của chính phủ Mỹ là 19,9 ngàn tỷ USD. Giữa tháng Ba, 2018, tổng số vượt lên hơn 21 ngàn tỷ USD. Và tháng Hai năm nay, đã lên trên 22 ngàn tỷ USD, bằng 78% Tổng sản lượng nội địa (GDP). Tính ra, mỗi người dân Mỹ, người lớn lẫn trẻ em, hiện giờ đang mắc nợ 67.000 USD.
Nhưng không chết con trâu con bò nào hết. Chính phủ nợ nhiều không làm cho kinh tế xuống, mà nợ ít kinh tế cũng chưa chắc sẽ lên. Số nợ của chính phủ Venezuela năm 2017 chỉ bằng 23% GDP, nhưng kinh tế vẫn lụn bại.
Tại sao các chính phủ phải vay nợ ?
Vì ngân sách khiếm hụt, năm này qua năm khác, thu ít, tiêu nhiều, cho nên phải đi vay. Năm ngoái chính phủ Mỹ cắt giảm thuế cho các công ty từ 35% xuống 21%, số thu giảm 1,5 ngàn tỷ USD và số nợ công cũng tăng thêm chừng đó.
Chính phủ vay tiền bằng cách phát hành công trái, từ ba tháng đến 10 năm, 30 năm (gọi là US Treasury bills, notes và bonds). Đứng ra vay và ghi tên trên giấy nợ là Bộ Tài chánh. Ai mua công trái (giấy nợ của chính phủ) tức là cho nhà nước Mỹ vay, sẽ được trả lãi và vốn khi đáo hạn.
Hai phần ba các chủ nợ là công chúng gồm các cá nhân, ngân hàng, công ty, và chính phủ các nước khác. Họ mua qua các cuộc đấu giá, tuần nào cũng có. Một phần ba (27%) giấy nợ bán cho các cơ quan khác trong chính phủ, họ dư tiền nên đem cho Bộ Tài chánh dùng.
Quỹ Hưu bổng xã hội (Social Security Trust Fund) cho chính phủ vay nhiều nhất. Mỗi kỳ lãnh lương quý vị ở Mỹ bị khấu trừ một món tiền thuế cho Quỹ Hưu bổng xã hội, để khi về già được lãnh hưu bổng. Khi số người đi làm đông, số người nghỉ hưu còn ít, quỹ này dư tiền, đem đầu tư vào công trái. Người đi làm ở Mỹ đều gián tiếp cho nhà nước vay qua ngả này.
Chính phủ cũng vay của Ngân hàng Trung ương (Fed). Khi Fed muốn tăng số tiền lưu hành, thay vì giảm lãi suất họ có thể in tiền đem mua công trái trong thị trường. (Vì vậy cái ủy ban ấn định lãi suất họp ba tháng một lần mang cái tên khó hiểu, là Ủy ban Thị trường).
Chính phủ các nước ngoài mua khoảng 40% các công trái Mỹ. Lý do chính yếu khiến họ đem tiền cho Mỹ vay là vì họ bán hàng sang Mỹ nhiều hơn mua của Mỹ. Dư đô la, họ cho Chú Sam vay, dù chỉ được hưởng lãi suất rất thấp. Chịu lãi suất thấp vì con nợ này rất an toàn, bảo đảm sẽ không vỡ nợ !
Tại sao họ không lo chính phủ Mỹ khai phá sản ? Bởi vì có cả nền kinh tế Mỹ đứng đằng sau. Người cho vay bao giờ cũng xem xét coi con nợ có tài sản hay không, có kiếm ra tiền hay không. Nước Mỹ đủ cả hai điều kiện đó.
Mỹ là một xứ tiền rừng bạc biển, theo nghĩa đen. Chính phủ Mỹ làm chủ 256 triệu mẫu đất, bằng 28% diện tích cả nước. Tính ra cũng khối tiền ! Dân Mỹ làm chủ số lượng dầu lửa trị giá 119 ngàn tỷ USD, hơi đốt 8 ngàn tỷ USD, than đá 22 ngàn tỷ USD. Nhưng thứ làm ra tiền nhiều nhất không phải là khoáng sản mà là cái đầu con người ! Dân Mỹ làm ăn giỏi và nhiều bằng sáng chế có giá trị nhất thế giới.
Bảo đảm lớn nhất cho các chủ nợ là chính phủ Mỹ nắm quyền đánh thuế dân. Dân Mỹ còn làm ăn thì chính phủ khỏi lo. Vì họ làm ra một đồng thì nhà nước thu lấy, trung bình, 17 xu !
Với những bảo đảm trên đây, nước ngoài sẵn sàng cho Mỹ vay nợ. Có lẽ cho vay hoài hoài không ngưng cũng chẳng lo !
Một lợi thế của chính phủ Mỹ là họ đi vay bằng đồng tiền của họ, đô la Mỹ ! Những nước đi vay bằng tiền nước ngoài, như Argentina, Mexico, hay Nga, thì vay đô la cũng phải trả bằng đô la, không thể dùng tiền của họ được. Khi có lạm phát thì Mỹ được lợi, các nước kia thì không.
Đồng đô la cũng các thứ tiền tệ khác năm nào cũng xuống giá vì lạm phát. Mỹ đi vay 100 USD với lãi suất 2% chẳng hạn, nhưng sau một năm đồng đô la xuống giá 1,5% thì trả cả vốn và lãi 102 USD, số tiền đó chỉ giá trị bằng 100,5 USD đồng tiền năm ngoái thôi. Tức là lãi suất thực sự chỉ là 0,5% !
Chính vì lãi suất thấp như thế nên chính phủ Mỹ cứ tiếp tục đi vay mà không sợ khó. Cho nên cứ tiếp tục chi nhiều, thu ít, ngân sách khiếm hụt ! Chính phủ những nước như Hy Lạp, Bồ Đào Nha thì không được dễ dàng như vậy. Họ đi vay là phải trả lãi suất cao hơn. Chủ nợ còn đòi họ phải bớt chi tiêu, tăng thuế má để bảo đảm khả năng trả nợ !
Trong mấy tháng nữa, sân khấu chính trị Mỹ sắp ồn ào vấn đề "trần nợ" (debt ceiling). Hồi xưa, mỗi lần chính phủ Mỹ muốn vay một món tiền là phải xin Quốc hội cho phép, chỉ được vay đúng con số đó. Thế kỷ trước, Quốc hội mới cho chính phủ đi vay thoải mái, chỉ ấn định một con số tối đa. Khi nào nợ "đụng trần" là phải xin Quốc hội nâng lên.
Mỗi lần bàn chuyện này, thế nào đảng đối lập với ông tổng thống cũng eo sèo, than phiền nợ ngập đầu ngập cổ làm sao chịu nổi ! Hồi ông Bush, thì đảng Dân chủ chống. Thời Obama thì đến lượt Cộng hòa chống. Có lúc chính phủ mất khả năng vay tiền mới để trả nợ cũ, dọa tuyên bố phá sản ! Năm nay thế nào đảng Dân Chủ cũng kỳ kèo, không muốn cho ông Trump vay thêm nợ ; có thể lo sẽ đóng cửa nhà nước lần nữa ! Đảng Dân chủ sẽ mặc cả để trao đổi với cái gì ? Ngân sách.
Như đã trình bày trên đây, nợ công tăng vì nhà nước chi nhiều trong khi số thu tương đối giảm đi vì cắt thuế. Bản dư thảo chi tiêu của chính phủ Trump, tổng cộng 4,7 ngàn tỷ USD, không tăng thu mà nhắm giảm chi. Đảng Dân chủ sẽ chủ trương không giảm chi mà tăng thu, bằng cách cho đạo luật cắt thuế năm ngoái hết hạn là hết luôn, không áp dụng tiếp.
Phần giảm thu trong ngân sách đề nghị nhắm vào những món chi không phải quốc phòng. Ngân sách Bộ Giáo dục sẽ cắt 10%, những bữa cơm chiều giúp học sinh nghèo sẽ giảm. Cơ quan Bảo vệ Môi trường sẽ bị cắt gần một phần ba ngay trong năm tới. Chương trình Food stamps, đã đổi tên, hiện có bốn triệu trẻ em được hưởng, sẽ cắt bớt 30% trong 10 năm.
Hạ tầng cơ sở nước Mỹ hiện cần hàng ngàn tỷ đô la để tu bổ. Ngân sách mới đề nghị chi 200 tỷ USD trong 10 năm tới. Nhưng ngân sách một số bộ có mục xây dựng đường sá, cầu cống cũng bị cắt, như Công binh (cắt 22%), Nội an (10%) và Giao thông (mất 20%).
Phần chi tiêu bị cắt tiết kiệm được nhiều nhất là Hưu bổng xã hội (Social Security), Y tế cho người về hưu (Medicare) và Y tế giúp dân nghèo (Medicaid hay Medicail ở California) hiện đang cung cấp dịch vụ cho 75 triệu người Mỹ.
Cuộc tranh luận về trần nợ sẽ đưa tới vấn đề lựa chọn cái gì là ưu tiên trong ngân sách chính phủ Mỹ. Vì ngân sách khiếm hụt là nguyên nhân khiến nợ công gia tăng. Chính phủ Mỹ nên cắt giảm chi tiêu hay cắt giảm thuế, mà những người được hưởng thường có lợi tức cao nhất.
Dù nước Mỹ có thể vay nợ dài dài, bao nhiêu người muốn cho vay, nhận lãi suất thấp, nhưng không thể ỷ thế mà vay nợ dài.
Khiếm hụt ngân sách cũng vậy ; không thể tăng lên mãi được. Chính phủ chi nhiều, thu ít vì cắt thuế, có tác động kích thích kinh tế trong ngắn hạn. Nhưng nếu kéo dài thì nợ công sẽ tăng lên theo, ngày càng cao, sẽ tới lúc các chủ nợ đòi trả lãi suất suất cao hơn. Tiền lãi chính phủ phải trả tăng lên.
Năm ngoái chính phủ Mỹ trả 325 tỷ USD riêng cho tiền lãi của các món nợ công. Số tiền đó cao hơn số chi tiêu cho Medicaid. Tới năm 2024 sẽ cao hơn cả ngân sách quốc phòng. Trong 12 năm nữa, cứ theo đà này sẽ lên tới ngàn tỷ.
Nếu lãi suất tăng thêm 1%, trong 10 năm chính phủ Mỹ sẽ phải trả thêm gần 2.000 tỷ USD. Số khiếm hụt ngân sách sẽ tăng thêm 1%. Điều đáng lo nhất, là lãi suất cao sẽ cản đường phát triển kinh tế vì người ta bớt tiêu thụ và đầu tư.
Cho nên, dù chính phủ Mỹ bây giờ vay nợ thoải mái nhưng tình trạng này không thể kéo dài mãi mãi !
Ngô Nhân Dụng