Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2019

Nguồn lợi mới : đầu tư vào chùa để làm tiền tín đồ

Nhiều tác giả

Khi sân khấu tín ngưỡng hạ màn

Tuấn Khanh, RFA, 28/03/2019

Có thể thấy rằng vụ bê bối chùa Ba Vàng đang được dàn xếp rất nhanh, gói ghém lại mọi thứ, với mục đích không để công luận xoáy vào và tìm hiểu thêm. Trên website của chùa, hình ảnh liên quan với các quan chức nhà nước cấp cao đã được gỡ sạch trong một đêm. Các quyết định trừng phạt cá nhân nhanh chóng được đưa ra, cùng với việc trụ trì Thích Trúc Thái Minh trở nên im lặng, cho thấy từ bên trên chính quyền đã có một quyết định chung cuộc.

locchua1

Cảnh cúng đường Phật bằng tiền vàng mã và hóa vàng tại chùa - Ảnh minh họa

Tất cả những điều đó, như đang muốn chặn đứng câu hỏi dồn dập từ quần chúng "ai bảo kê cho chùa này ?", "ai đầu tư kiếm lợi từ chùa ?" và số tiền khổng lồ hàng năm không có thuế, chỉ nằm trong két sắt của chùa, hay còn được chuyển vào tài khoản của quan chức nào khác ?

Làm tiền, lũng đoạn tinh thần tín ngưỡng của quần chúng và âm mưu làm băng hoại hình ảnh Phật giáo, là những gì đang diễn ra ở Việt Nam. Chùa Ba Vàng chỉ là một điểm trong tấm bản đồ dày đặc chạy dài suốt Việt Nam. Nên nếu để thông tin tự do lan tràn và đào sâu, chuỗi mạo danh nhà Phật này sẽ bị bóc trần toàn bộ.

Sự kiện chùa Ba Vàng, Quảng Ninh gợi nhớ về những sự kiện tương tự ở người đàn anh vô thần Trung Quốc. Năm 2015, sư trụ trì Shi Yongxin, người được biết đến như là một "CEO Thượng tọa" cho việc kinh tài của Thiếu Lâm Tự, bị tố giác là lạm dụng tiền bạc trong nguồn thu khổng lồ của chùa này, cũng bao gồm từ việc cúng sao, giải hạn, cầu an, bán vé vào cửa… Theo cáo giác, chỉ trong năm 2015, chỉ riêng việc bán vé vào tham quan chùa thôi, với 100 nhân dân tệ/người, Thiếu Lâm Tự đã thu về khoảng 7,3 triệu USD.

Nhưng sự việc không ngừng ở đó, khi mọi chuyện đổ bể, người ta biết được Thiếu Lâm Tự chỉ giữ lại được có 1 phần 3 số tiền đó. Phần còn lại thì được chia cho quỹ đen của chính quyền địa phương. Trong bài phân tích có tựa đề The decline and fall of Chinese Buddhism - how modern politics and fast money corrupted an ancient religion (tạm dịch : Sự suy tàn và sụp đổ của Phật giáo Trung Quốc - làm thế nào mà chuyện chính trị và làm tiền nhanh đã hủy hoại một tôn giáo có từ ngàn xưa) của tác giả Mimi Lau, đăng trên tờ SMCP, tháng 9/2018, có nói rõ rằng Thiếu Lâm Tự cũng như hàng ngàn ngôi chùa mới được xây dựng ở Trung Quốc, luôn có một hội đồng điều hành, mà trong đó các đảng viên CS, quan chức nhà nước cùng tham gia.

Một nghiên cứu của giáo sư Zhe Ji, từ Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông ( Institut National des Langues et Civilisations Orientales) tại Paris, cho thấy ở nhiều chùa, thủ quỹ là người được chính quyền địa phương chỉ định. Chi tiêu riêng cho chùa phải trình lên, trụ trì cũng không được tự quyết".

Dĩ nhiên, giờ đây, buôn bán thánh thần, và diễn đạt tín ngưỡng dưới ngọn cờ tam vô của chủ nghĩa cộng sản, là những nơi có thể làm ra tiền nhanh và nhiều đến mức chóng mặt.

Cách đây 10 năm, chính quyền Bắc Kinh tìm ra đủ các phương thức mà quan chức tham nhũng giấu hay chuyển tiền đi. Nhưng từ khi việc đầu tư vào xây chùa, đền thề, dựng lễ hội ra đời… là cách thức rửa tiền nhanh và hợp pháp nhất mà quan chức đích thân ra tay, hoặc núp bóng dưới các công ty đầu tư du lịch. Đó là lý do vì sao, chính quyền Bắc Kinh với chính sách nhất quán thù ghét tôn giáo, nhưng lại cho phép xây dựng hàng ngàn chùa, đền, tượng Phật lớn kỷ lục… trong suốt 3 thập niên.

Nói về tốc độ xây dựng chùa, đắp tượng lớn, theo thống kê của Giáo hội Phật giáo quốc doanh Việt Nam, từ năm 1997, đến năm 2007, cơ sở thờ tự Phật giáo chỉ tăng lên vài trăm (từ 14.048 ngôi, lên 14.777 ngôi). Nhưng vào thời gian gần đây, từ 2007 đến 2017, đã có đến 18.466 ngôi. Con số tăng trưởng này, giải thích phần nào tình trạng đột phát các chùa tranh nhau gây quỹ, thu tiền, bịa đặt các nghi thức đắm đuối mê tín… Ghê sợ hơn, qua việc tập hợp đám đông, những nơi như vậy còn dẫn dụ đám đông quên đi hiện thực điêu tàn của đất nước, chia rẽ tôn giáo và thậm chí còn hủy hoại cả lòng yêu nước trước ngoại bang.

Một điều dễ thấy của đạo pháp – xã hội chủ nghĩa, là chính quyền không chủ trương tạo ra những bậc cao tăng, những bậc trí giả Phật giáo để giác ngộ chúng sinh, mà chỉ tạo ra đám đông mặc áo sư cùng chuông đồng và nhang khói. Bởi bản chất của chính quyền tam vô luôn lo sợ các bậc trí giả đó sẽ hướng chúng sanh đi vào chính đạo. Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Mimi Lau, Trung Quốc vĩ đại chỉ có 240.000 đại đức, nhưng hơn phân nửa là từ Tây Tạng. Quốc gia rộng lớn này thu tiền vô kể từ Phật giáo, nhưng chỉ có 41 trường đào tạo Phật học, nhưng người đến học thì bị kiểm soát chặt bởi Ban tôn giáo chính phủ (State Administration of Religious Affairs). Ngay tại Việt Nam, sau 44 năm thống nhất địa lý, nhà nước cộng sản Việt Nam đã không thể có được những bậc trí giả Phật giáo như Tuệ Sỹ, Thích Nhất Hạnh, Lê Mạnh Thát…

Phía sau sự phát triển Phật giáo như một cách kiếm tiền nhanh và lũng đoạn quần chúng là gì ? Các nghiên cứu từ Trung Quốc cho thấy nhiều trụ trì vì ganh tị với cách kiếm tiền của nhau, lại dựa thế có có các quan chức hay giới tài phiệt đỏ chống lưng, nên vẫn tìm cách hãm hại, đạp đổ nhau.

Cũng là chùa dựa vào mê tín, vòi tiền tín hữu… nhưng Thích Thanh Quyết lại mạnh miệng chỉ trích Thích Trúc Thái Minh. Phía sau của Thích Thanh Quyết là một vị thế chính trị vững chắc hơn, đang hậu thuẫn chăng ? Thật khó đoán. Nhưng điều có thể nhìn thấy ngay lúc này, là những kẻ giả sư, giả đạo đang đẩy dân tộc và đất nước vào con đường như điên như dại. Sân khấu tín ngưỡng ấy, cũng đang hạ màn như qua một cuộc giải vong.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 28/03/2019 (tuankhanh's blog)

**************

Những điểm sa lầy tương đồng, giữa Phật giáo quốc doanh Trung Quốc và Việt Nam

Tuấn Khanh, RFA, 28/03/2019

Tương tự như Trung Quốc, mối quan hệ giữa nhà cầm quyền và Phật giáo tại Việt Nam hết sức phức tạp. Đó là mối quan hệ lợi dụng qua lại lẫn nhau, mà các nhà phân tích xã hội gọi đó là bài tính có kết quả tổng bằng không cho cả hai bên. Bởi những người trung thành với lý thuyết cộng sản dần dà tự tìm đến Phật giáo để tự chữa lành phần tinh thần trống rỗng của mình, một mô hình tín ngưỡng duy nhất được cho phép tồn tại đại chúng trong nền chính trị vô thần. Và ngược lại, những người mộ đạo thuần khiết thì dần dần tự rời bỏ không gian Phật giáo quốc doanh, vì nhận ra rằng đó chỉ là một trò mua bán tinh thần được dựng nên bằng tiền và chính trị.

locchua2

Tranh minh họa của họa sĩ Trung Quốc Kuang Bao

Phật giáo ở Trung Quốc được hoạt động bình thường từ thập niên 1980, sau cái chết của Mao Trạch Đông, kẻ đã nhấn Phật giáo ở Trung Quốc xuống tận bùn đen, đẩy các giá trị ngàn đời của Chùa và kính sách vào ô nhục ở cuộc cách mạng văn hóa kéo dài từ 1966 đến 1976. Khởi đầu thì đó chỉ là chính sách sửa sai, nhưng pha trộn âm mưu mô hình Phật giáo do Ban tôn giáo của Trung ương Đảng chỉ đạo, thường được người đời gọi mai mỉa là Phật giáo quốc doanh. Nhưng rồi giới chóp bu ở Bắc Kinh nhanh chóng nhận ra, Phật giáo quốc doanh lại là một nguồn thu khổng lồ, có thể nuôi sống các bộ máy chính quyền hay quan chức địa phương, và lại dễ dàng đối ngoại như một kiểu "tự do tôn giáo".

locchua4

Hình minh họa. Một vị sư có mặt trong số những đại biểu hát quốc ca Trung Quốc tại lễ bế mạc Hội nghị hiệp thương nhân dân chính trị Trung Quốc ở Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh hôm 13/3/2019 - AFP

Ngay lập tức chùa chiền, kinh sách, tượng Phật lớn kỷ lục… được dựng nên bằng tiền của các doanh nghiệp đầu tư, thậm chí tiền bẩn của các quan chức tham nhũng… nhằm thu hút dân chúng. Trong thời đại của Mao, các nhà sư bị đẩy đi làm ruộng, chăn nuôi… để gọi là có ích cho sự phát triển đất nước. Nhưng đến thời đại của Đặng, các nhà sư được ăn mặc đẹp, tổ chức lễ hội… tạo ra nguồn thu lớn, mà nhà nghiên cứu người Trung Hoa Zhe Ji viết trong tiểu luận "Phật giáo và Nhà nước : Mối quan hệ mới" (2008), tạm gọi tên là "Nền kinh tế nhà Chùa" (monastic economy).

Ở Việt Nam, sau năm 1975, tôn giáo bị coi là "thuốc phiện của nhân dân". Chùa bị chiếm, cơ sở Phật giáo và kinh sách vở bị tịch thu, nhiều tăng ni và tín hữu Phật giáo của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất bị bắt, kết án, giam lỏng, tù và đi cải tạo đến chết. Để tạo ra Giáo hội của Nhà nước, một Hội nghị thống nhất Phật giáo Việt Nam đã được tổ chức tại Quán Sứ, Hà Nội, được triệu tập bởi Ban Vận động Thống nhất Phật giáo Việt Nam vào ngày 7 tháng 11 năm 1981, sau đó thành lập nên Giáo hội này, từ đó về sau được định nghĩa là giáo hội quốc doanh bởi tôn chỉ rất rõ "Đạo pháp, Dân tộc, Chủ nghĩa xã hội". Dĩ nhiên, mục đích cũng nhằm thủ tiêu hệ thống Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất.

locchua3

Bên trong Chùa Ba Vàng, Quảng Ninh -  Courtesy Giác Ngộ online

Phật giáo Việt Nam bị dòm ngó như một loại con rơi, tạm tồn tại trong xã hội cộng sản. Nhưng đến năm 2003, Bộ chính trị cộng sản Việt Nam nhận ra việc cho phép tín ngưỡng tồn tại có lợi cho mình hơn là tiêu diệt đi. Đặc biệt là sau thời gian 1995, khi Việt Nam được bỏ cấm vận và đối diện với Liên Hợp Quốc về nhiều vấn đề Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị, bao gồm tự do tín ngưỡng.

Ngày 12 tháng 3, năm 2003, Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ra nghị quyết số 25-NQ/TW, do đảng trưởng Đảng cộng sản Việt Nam là Nông Đức Mạnh ký, đã xác định một đường lối mới, cho phép tôn giáo được tồn tại trong xã hội, nhưng trong Mục II, phần 4, nhấn mạnh rằng "Công tác tôn giáo là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị".

Kể từ đó, Phật giáo quốc doanh ở Việt Nam được đẩy mạnh hoạt động, không chỉ về mặt vật chất và còn cả về con người được nhà cầm quyền đầu tư đi học lý thuyết Phật giáo, khoác áo làm sư và kiểm soát nhiều tăng viện. Thậm chí luồng nhân lực đó, được đẩy ra hoạt động ở hải ngoại, nơi có các cộng đồng người Việt tự do đang quần cư.

locchua5

Hòa thượng Thích Không Tánh trên đất chùa Liên Trì ở Sài Gòn sau khi bị phá hủy - Courtesy of Quangduc.com

"Giới Phật giáo (quốc doanh) tại Trung Quốc hiện tận hưởng nhiều tự do trong việc xây dựng các chùa chiền, tuyển mộ tăng sĩ, tổ chức các nghi lễ và truyền bá tín ngưỡng theo kiểu của họ" tác giả Raoul Birnbaum trong cuốn Buddhist China at the Century’s Turn (2017) cũng ghi nhận như vậy. Nhưng bên cạnh đó, khi thu được lợi nhuận từ "Nền kinh tế nhà Chùa", nhà nước cộng sản cũng tự lũng đoạn các giá trị thuyết vô thần của mình khi để cho sự sùng bái tín ngưỡng tăng nhanh, hỗn loạn, thậm chí dẫn đến các cực của mê tín.

Điều gì phải đến, rồi đã đến. Các vụ bê bối sư thầy và chùa ở Trung Quốc liên tục xuất hiện trong thập niên 90, qua đến tận lúc này. Rất nhiều lời chỉ trích đã xuất hiện trên các trang mạng Trung Quốc về chuyện các sư xài tiền như nước, và bao quanh là các nữ tín hữu trẻ đẹp. Gần đây lại là các vụ bê bối về tình dục đã bùng nổ, liên quan đến các sư danh tiếng ở Bắc Kinh, Hà Nam… và đó lại là những nơi dẫn đầu về "nền kinh tế nhà Chùa".

Câu chuyện chùa Ba Vàng chỉ là một trong những nơi đang lạm dụng mê tín, phản bội tinh thần Phật giáo chính tông, phụng sự cho thế quyền và mua bán tín ngưỡng. Từ Nam chí Bắc, những lời ta thán như vậy vẫn xuất hiện không ngớt trên các trang mạng xã hội, cùng hình ảnh tố cáo. Nhưng nếu chú ý, hình thức trừng phạt những người đã tạo ra các bê bối đó - ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc – thường là kiểm điểm hoặc khai trừ khỏi các chức vị. Đó cũng là một biểu hiện cho thấy tổ chức tôn giáo giờ đây cũng hành xử như một chi bộ đảng, điều đó hoàn toàn khác biệt với một tổ chức tôn giáo chân chính.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 28/03/2019

*********************

Đảng hóa Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Minh Châu, VNTB, 28/03/2019

"Tạm đình chỉ tất cả chức vụ với Đại đức Thích Trúc Thái Minh" là nội dung đưa ra của Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại buổi họp nội bộ về vụ việc chùa Ba Vàng ngay tại trụ sở của Giáo hội - chùa Quán Sứ, Hà Nội. [Cổng thông tin Phật giáo Việt Nam thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam].

locchua6

locchua7

Tạm coi đây là hình thức kỷ luật và có vẻ tương tự như mẫu câu quen thuộc trong thời gian gần đây mà Bộ Chính trị hay dùng : "Cách tất cả chức vụ trong Đảng nguyên phó Chánh Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh".

Tuy nhiên nếu căn cứ vào bản Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022) được Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự thay mặt Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam ấn ký Quyết định số 185/QĐ-HĐTS, ban hành vào ngày 18-9-2018, gồm 15 chương, 85 điều, thì vấn đề kỷ luật ở đây phải theo trình tự cụ thể như sau :

"Tùy mức độ phạm trọng giới, mất tư cách tu sĩ, Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, hoặc Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có quyền ban hành quyết định tẩn xuất ra khỏi hàng ngũ Tăng Ni của Giáo hội theo các trình tự :

1) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh ban hành quyết định thì phải do Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đệ trình.

2) Nếu Ban Thường trực Hội đồng Trị sự ban hành quyết định thì do Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh đề nghị và được Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam chuẩn y.

3) Nếu Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh ban hành quyết định thì phải có văn bản báo trình cho Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được biết để xem xét trước khi thi hành" (Điều 74. Ban hành quyết định kỷ luật).

Ở Điều 73 về "Hình thức và biện pháp kỷ luật", ghi (trích) :

"1) Tăng Ni nào vi phạm Giới luật, Trưởng ban Tăng sự tỉnh có nhiệm vụ thẩm tra, tổng hợp dữ kiện, đề nghị Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh thành lập Hội đồng Yết ma theo luật Phật và áp dụng điều 67 Hiến chương Giáo hội để xử lý. Hội đồng Yết ma chỉ có hiệu lực trong thời gian xét xử vấn đề đó. Khi Hội đồng Yết ma [*] kết luận Tăng Ni phạm trọng giới, thì tẩn xuất theo trình tự, thủ tục Giới luật, điều 67 Hiến chương Giáo hội, điều 74 Nội quy này. 

2) Tăng Ni có hành vi làm tổn thương đến thanh danh, vi phạm Hiến chương và các quy định của Giáo hội, Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh có trách nhiệm thẩm tra mức độ phạm lỗi nặng hay nhẹ để xử lý theo một trong các hình thức sau đây : a) Chỉ đạo cho Ban Trị sự huyện tiến hành phê bình, kiểm điểm trên cơ sở tinh thần đoàn kết hòa hợp, chân tình xây dựng, giúp người có lỗi thấy được lỗi lầm, thành thật nhận lỗi và quyết tâm khắc phục, sửa chữa lỗi lầm đã phạm ; Cần kiên trì tiến hành từng bước, lần thứ nhất : Phê bình, kiểm điểm trước Ban Trị sự huyện. Sau thời gian tối đa 6 tháng, nếu người có lỗi chưa chuyển biến tốt, tiến hành lần thứ hai để phê bình kiểm điểm trước toàn thể Tăng Ni trong huyện.

b) Phê bình kiểm điểm trước Ban Thường trực Ban Trị sự tỉnh, có cảnh cáo trực tiếp, người phạm lỗi phải viết bản tự kiểm, lưu trữ tại văn phòng Ban Trị sự để giám sát sự chuyển biến của người phạm lỗi ;

c) Cảnh cáo và thông tri trong toàn tỉnh biết về Tăng Ni đã phạm lỗi với đầy đủ các hành vi phạm lỗi ; d) Tẩn xuất, khai trừ khỏi Giáo hội".

Như vậy, nếu căn cứ theo Nội quy Ban Tăng sự Trung ương khóa VIII (nhiệm kỳ 2017-2022), thì không có bất kỳ điều khoản nào, bao gồm cả khi xử lý ở cấp Hội đồng Yết ma theo luật Phật, có mức kỷ luật "Tạm đình chỉ tất cả chức vụ với…".

Điều này cho thấy việc Đảng hóa tổ chức hàng giáo phẩm cấp trung ương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đã gióng thêm tiếng chuông cảnh báo về tự do tôn giáo ở Việt Nam là buộc phải theo khuôn phép của đảng cộng sản, chứ không phải hệ thống luật pháp quốc gia.

Minh Châu

Nguồn : VNTB, 28/03/2019

Chú thích :

[*] Yết-ma (zh. jiémó 羯磨, ja. katsuma) là từ phiên âm chữ karma trong tiếng Phạn, có nghĩa là Nghiệp, việc làm, hành vi (nghiệp , tác , sự ), nhưng khi dùng cách phiên âm này có nghĩa như sau : Là nghi thức mà giới tử phát nguyện để thụ trì giới ; Là nghi thức tăng sĩ sám hối về giới luật mình đã phạm ; Tiến trình nghi thức được cử hành bởi chư tăng có thẩm quyền (để giải quyết những vấn đề có liên quan đến sự tu tập của tăng chúng). Trong 3 nghĩa nêu trên, yết-ma thường là thuật ngữ chuyên môn được dùng trong Luật tông ; Viết tắt một thuật ngữ chuyên môn của Mật tông là Yết-ma kim cương (zh. 羯磨金剛).

*******************

Đảng cộng sản buôn thần bán thánh

Ngô Nhân Dụng, Người Việt, 26/03/2019

Vụ chùa Ba Vàng bị vỡ lở vì làm tiền bằng cách gieo rắc mê tín dị đoan không phải chỉ là một hành động lẻ loi của một ông sư đảng viên quá tham lam. Cũng không phải chỉ là cuộc tranh chấp giữa một ông sư tỉnh lẻ với một ông sư ở trung ương được báo chí nhà nước hỗ trợ. Nhìn kỹ, thì đây là một "hiện tượng" nổi lên trên mặt nước mà dưới đáy lâu là "bản chất", một chế độ độc tài toàn trị muốn kiểm soát cả các hoạt động tôn giáo.

locchua8

Chùa Ba Vàng ở thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. (Hình : Chuabavang)

Ông sư chùa Ba Vàng, Vũ Minh Hiếu, 52 tuổi, là một đảng viên cộng sản. Ông ta mới cạo đầu năm 1999 sau khi xin vào chùa thực tập năm trước. Ông đã chọn tới xin học tại một thiền viện ở miền Nam do một vị hòa thượng được mọi người kính trọng sáng lập. Chính vị hòa thượng lớn tuổi chắc cũng không biết ông là người thế nào khi ông được xuất gia ; nhưng ông sư trẻ 40 thì được hưởng lây uy tín.

Năm 2001, Vũ Minh Hiếu, hiệu là Thái Minh, trở lại miền Bắc, từ năm 2007 được giao cho coi ngôi chùa Ba Vàng thuộc thành phố Uông Bí tỉnh Quảng Ninh ; lúc đó chỉ là một chùa rất nhỏ. Ông đã làm tiền rất giỏi, trong bảy năm xây nên một ngôi chùa với chánh điện được mô tả là lớn nhất Đông Nam Á !

Nhưng hoạt động kinh doanh của ông đã đi quá đà khi lợi dụng lòng mê tín của người dân một cách quá lộ liễu. Và ông thành công rầm rộ đến nỗi "cấp trên" trong tổ chức tôn giáo của Đảng cộng sản phải ganh tức. Báo chí được khuyến khích đi phanh phui, tố cáo những hoạt động mê tín làm ra tiền này.

Vũ Minh Hiếu đã tổ chức các lễ "thỉnh vong, giải oan gia trái chủ", được một bà đệ tử góp công vận động qua những bài thuyết giảng, video và tổ chức việc kinh doanh. Họ thỉnh vong, theo phong tục "gọi hồn", khi một người muốn tiếp xúc với vong linh người đã chết. Họ có thể mời vong hồn nhập vào một người, giống như khi "lên đồng". Khi đó "bà đồng" sẽ chữa bệnh và "phán số kiếp" của người đến xin. "Vong" sẽ bắt người thân của mình phải "trả nợ" để chính họ được thoát nợ những tội lỗi đã làm từ kiếp trước. Số tiền gọi là "tiền giải nghiệp", lớn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng Việt Nam.

Vũ Minh Hiếu đã bị mất chức, nhưng chưa thấy nói có mất thẻ đảng hay không. Nhưng qua vụ này người ta thấy bản chất của việc lũng đoạn các tổ chức tôn giáo của Đảng cộng sản Việt Nam.

Bản chất của cộng sản là độc tài toàn trị. Họ muốn kiểm soát tất cả các hoạt động trong xã hội, qua các đoàn thể phụ thuộc, từ các hội nhà văn, công đoàn, cho tới Hội Chữ Thập Đỏ. Họ không thể kiểm soát được Giáo hội Công Giáo, nhưng đã nắm Phật giáo trong tay qua tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, mà người dân gọi là Giáo hội Phật giáo Quốc Doanh.

Từ mấy ngàn năm nay, Phật giáo vốn không có một tổ chức cai quản tất cả các người đi tu và các tu viện, chùa chiền. Thời xưa ở nước ta, các ông vua, họ có thể phong chức "tăng thống" nhưng vị tăng thống chỉ là một người đạo hạnh cao để làm gương chứ không phải là người quản trị, điều hành các chùa hoặc tu viện. Và ông vua không có quyền hành gì trên vị tăng thống, cũng như các chùa chiền.

Tại những nước Nam Tông mà đạo Phật được coi là quốc giáo, vẫn luôn luôn có các vị sư sống độc lập, có khi sống một mình trong rừng. Các Phật tử kính mộ có thể mời vị sư vào một ngôi chùa, mà không cần chỉ thị nào từ trên ban xuống. Miền Nam Việt Nam trước đây vẫn sống trong truyền thống như thế, cho nên mới có những danh tăng nổi tiếng. Phật Thầy Tây An, ông Sư Vãi Bán Khoai, đều là những người tự do hành đạo xây dựng những đạo tràng trong thế kỷ 19. Đức Huỳnh Giáo Chủ đã xây dựng cả một tông phái Phật giáo mới vào đầu thế kỷ trước.

Hiện nay tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam hoàn toàn nằm trong vòng tay kiểm soát của Đảng cộng sản ; đặc biệt tại miền Bắc. Không ai được "tu độc lập, tự do".

Như chúng ta thấy, ông sư Vũ Minh Hiếu đã bị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự của khu vực miền Bắc họp bàn và cách chức. Nhưng trong hội nghị của họ, "có mời đại diện Cục An ninh Nội địa và Ban Tôn giáo Chính phủ cùng tham dự". Chỉ cách chức ông sư tại một ngôi chùa, mà cũng phải mời cả hai ngành của guồng máy nhà nước chứng giám ! Chính những người cầm đầu "giáo hội" chịu cúi đầu khuất phục dưới chế độ độc tài !

Ban Tôn gáo Chính phủ, mà báo Lao Động gọi là "cơ quan có nhiệm vụ theo dõi hoạt động tôn giáo", là một tổ chức vừa lo kiểm soát vừa làm kinh tài của Đảng cộng sản. Họ "chỉ đạo" cho những người cầm đầu "Giáo hội Phật giáo". Không ai được phép trụ trì một ngôi chùa nếu không được đảng cho phép, dù đông đảo Phật tử có kính mộ. Các chùa thu được nhiều tiền sẽ được hỏi thăm.

Cuối cùng, các chùa chiền thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam bị biến thành guồng máy kinh tài cho Đảng cộng sản. Không khác gì các doanh nghiệp nhà nước làm kinh tài cho các bộ công nghệ, bộ canh nông hoặc thương mại.

Một điều đặc biệt là tổ chức kinh doanh tôn giáo này không bị ràng buộc như các "xí nghiệp" khác.

Luật sư Phùng Thanh Sơn ở Sài Gòn viết trên Facebook cá nhân cho thấy "Kinh doanh thần thánh là ngành nghề được ưu đãi và an toàn nhất Việt Nam".

Nghề này được ưu đãi "vì được miễn tiền sử dụng đất, không đóng thuế thu nhập, không bị thanh tra, kiểm tra thuế, không bị nhà nước kiểm toán, không bị xử lý nếu sử dụng tiền (cúng dường) sai mục đích".

Ngoài ra, Luật sư Phùng Thanh Sơn còn nhận thấy "những người có chức sắc không bị xử lý hình sự nếu lấy tiền công đức (tức là thu nhập của công ty) làm của riêng". Trong khi đó, giám đốc các xí nghiệp quốc doanh có thể bị hỏi tội này nếu phe đảng của họ đổ.

Khi một một vụ tham nhũng ở công ty quốc doanh bị khui ra, các chức sắc sẽ bị đưa ra tòa. Còn khi vụ kinh doanh mê tín của Vũ Minh Hiếu bị đổ bể, ông ta mất chức ở chùa, nhưng không biết có bị đưa ra tòa án ngoài đời hay không !

Các ông cựu giám đốc doanh nghiệp nhà nước đang ra tòa có thể khiếu nại : Tại sao, cùng là đảng viên nhận nhiệm vụ do đảng giao phó, mà chúng tôi bị bạc đãi còn các cán bộ đầu trọc được hưởng đủ thứ ưu tiên như vậy ?

Tất cả những tệ nạn mê tín, buôn thần bán thánh như trên, đều là hậu quả của tình trạng Đảng cộng sản kiểm soát tôn giáo, đặc biệt là Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Đảng cộng sản không thao túng được tất cả các chùa chiền và các tăng ni. Rất nhiều chùa bị bắt buộc phải gia nhập tổ chức này, nhưng tăng ni vẫn sống trong thanh quy, giới luật. Họ vẫn giúp các Phật tử tìm về chánh đạo nhờ gìn giữ hạnh tu. Họ không bị Đảng cộng sản sách nhiễu nếu không tỏ ra chống đối nhà nước. Nhờ những người đó mà đạo Phật vẫn còn tương lai ; nhất là khi các tăng ni tu học theo các pháp môn mới, đáp lại nhu cầu tu tập của thế hệ trẻ và có học.

Nhưng không ai tin rằng những người cầm đầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam có thể cải thiện các chùa dưới quyền họ để giảm bớt nạn kinh doanh lợi dụng óc mê tín như ở chùa Ba Vàng. Bởi vì mỗi quyết định của "Giáo hội", ở trung ương và nhất là địa phương, đều phải được các bí thư và đảng ủy phê chuẩn. Một ngôi chùa "phát tài" là một nguồn lợi lớn và an toàn cho các ông bà quan này. Lớn và an toàn hơn các doanh nghiệp nhà nước trong địa phương của họ. Ai muốn giết những con gà đẻ trứng vàng như thế ?

Đại nạn của Phật giáo Việt Nam hiện nay là phải sống dưới một chế độ độc tài toàn trị. Khi nào chế độ đó tan rã, mới có thể xây dựng lại xã hội, xây dựng lại đạo ý, và trùng hưng Phật giáo. 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 26/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 621 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)