Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2019

Việt Mỹ, tình trong như đã mặt ngoài còn e

Kính Hòa

Việt Nam và Hoa Kỳ chính thức tái lập quan hệ ngoại giao vào năm 1995, hai mươi năm sau cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Trong vòng hai mươi năm đó cũng có các cố gắng tái lập bang giao giữa hai bên nhưng đều không thành.

vietmy1

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng (giữa) bắt tay tiễn Tổng thống Donald Trump sau hội đàm tại Phủ Chủ tịch, Hà Nội, 27/2/2019. AFP

Tuy nhiên quan hệ hai nước lại có vẻ tăng tốc trong ba, bốn năm gần đây với hàng loạt các chuyến thăm qua lại cấp cao của các nhà lãnh đạo hai nước : Trương Tấn Sang, Obama, Nguyễn Xuân Phúc, Trump, Nguyễn Phú Trọng… Đó là chưa kể đến các cấp bộ trưởng bên dưới.

Trong tiến trình tăng tốc ngoại giao đó, người ta thấy một cuộc hội thảo mang chủ đề Khắc phục hậu quả chiến tranh : Chặng đường hòa giải và hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, được tổ chức tại Viện Hòa Bình Hoa Kỳ, thủ đô Washington DC, do hai Bộ quốc phòng hai nước đồng tổ chức, vào ngày 26/3/2019.

Nơi diễn ra hội thảo chỉ cách bức tường đen ghi tên 58 ngàn binh sĩ Mỹ chết trận chỉ vài phút lái xe.

Trong đoàn Việt Nam có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ quốc phòng.

Phía Mỹ có ông Joseph Felter, trợ lý Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách khu vực Đông Nam Á.

Đây là một cuộc hội thảo rất hữu nghị kéo dài trọn ngày. Hai bên bày tỏ ý nguyện hợp tác với nhau giải quyết các vấn đề hậu quả chiến tranh như là rà phá bom mìn và khử chất độc da cam tại Việt Nam, tìm kiếm các quân nhân Mỹ, Việt bị mất tích trong chiến tranh. Và hai bên đều đồng ý rằng việc hợp tác đó sẽ thúc đẩy quan hệ ngoại giao giữa hai nước, một quan hệ mà nhiều người nói rằng phát triển rất ngoạn mục, rất đặc biệt, từ thù thành bạn.

Tuy vậy có một vấn đề mà hai bên đề cập đến khác nhau.

Đó là Trung Quốc.

Một diễn giả Mỹ đã nói trong buổi hội thảo rằng đây là một con voi trong phòng, ý nói rằng nó hiện ra một cách hiển nhiên nhưng người ta lại tránh nói tới.

Nhưng thực ra người Mỹ không tránh nói tới. Những diễn giả và người đặt câu hỏi người Mỹ đã đề cập đến Trung Quốc 5 lần, thậm chí nói đến việc Trung Quốc đang bành trướng lãnh thổ.

Đáp lại phía Việt Nam chỉ có đề cập đến Trung Quốc 1 lần, trong câu trả lời của Đại sứ Hà Kim Ngọc :

"Nhiều người trong chúng ta đề cập đến Trung Quốc, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta còn nhiều chuyện nữa để làm".

Người Mỹ không chỉ đề cập đến Trung Quốc, mà còn đề cập tới một khái niệm gọi là Ấn Độ Thái Bình Dương, được xem như một chiến lược mới của Mỹ, nhằm liên kết các quốc gia trong vùng là Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, để kềm chế Trung Quốc.

Khái niệm này được người Nhật đưa ra từ lâu, nhưng mới được dùng trở lại như một chiến lược toàn cầu của Washington trong hai năm gần đây.

Các diễn giả Mỹ đề cập đến Ấn Độ Thái Bình Dương 12 lần, trong đó có cả những người làm việc cho cơ quan chuyên về phát triển là USAID.

Người Mỹ cho rằng Việt Nam nằm ở trọng tâm việc phát triển chiến lược Ấn Độ Thái Bình Dương của họ.

Phía Việt Nam không một lần nào đề cập đến.

Dường như phía Mỹ mong muốn có một sự đáp trả tích cực hơn từ phía Việt Nam cho chiến lược toàn cầu của họ.

Ông Hoàng Việt, một chuyên viên nghiên cứu về Biển Đông tại Việt Nam bình luận về sự khác biệt này với RFA :

"Nói cho cùng thì Trung Quốc cũng là một cường quốc. Việt Nam mà phát biểu những câu chuyện liên quan tới Trung Quốc thì chắc chắn là sẽ khó khăn cho những người trong chính phủ Việt Nam sau này phải làm việc với Trung Quốc. Vì thế Việt Nam tránh đưa ra những bình luận về Trung Quốc ở chổ công khai".

Phía Mỹ thâm chí đề cập đến cả công ty viễn thông Hoa Vi của Trung Quốc đang bị cáo buộc làm gián điệp tại phương Tây. Công ty này đang hy vọng đạt được những gói thầu lớn về thiết bị Viễn thông tại Việt Nam. Đại sứ Hà Kim Ngọc trả lời về sự quan ngại của các diễn giả Mỹ về Hoa Vi rằng Việt Nam lúc nào cũng buộc các đối tác tôn trọng chủ quyền của Việt Nam.

Ông Hà Hoàng Hợp, một nhà nghiên cứu làm việc tại Singapore nói với RFA :

"Việt Nam ủng hộ Ấn Độ Thái Bình Dương đấy, nhưng chưa có một hành động cụ thể nào cả. cho nên họ không muốn nói nhiều đến. Cái thứ hai là cái Ấn Độ Thái Bình Dương ấy thuộc quyền nghiên cứu của một nhóm của tướng Vịnh. Nhưng họ đi Mỹ lần này là chỉ nói về quan hệ Việt Mỹ, chứ thực ra họ không bỏ qua cái Ấn Độ Thái Bình Dương".

Về mặt chính thức, cố Chủ tịch nước Việt Nam, ông Trần Đại Quang cũng từng lên tiếng ủng hộ Ấn Độ Thái Bình Dương, trong chuyến thăm Ấn Độ của ông vào tháng 3/2018. Trong cùng phát biểu đó, ông Trần Đại Quang cũng có đề cập đến đại dự án Vành đai con đường của Trung Quốc, ông ca ngợi tất cả các sáng kiến hợp tác, dù là của Mỹ hay Trung Quốc, hay Nhật Bản.

Sáng kiến Vành đai con đường của Trung Quốc được xem như một đại dự án phát triển thế lực và ảnh hưởng của Bắc Kinh ra toàn thế giới mà các quốc gia phương Tây, trong đó có Mỹ không ít lần lên tiếng chỉ trích.

Qua những phát biểu chính thức trong vài năm gần đây, Việt Nam lên tiếng tham gia tất cả các định chế do phương Tây hay Trung Quốc đề ra, từ dự án hơp tác phát triển xuyên Thái Bình Dương, gồm 11 quốc gia không có Trung Quốc, cho đến Ngân hàng phát triển cơ sở hạ tầng do Trung Quốc sáng lập.

Những hành động ngoại giao của Việt Nam trong các quan hệ với Mỹ và Trung Quốc được giới quan sát xem là một hành động đu giây giữa hai siêu cường để tránh sự xung đột.

Trong năm 2019 này, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng lại có một chuyến thăm nước Mỹ, người ta đang trông chờ một chuyến đi của ông hay một viên chức cao cấp nào đó đến Bắc Kinh trước, hay sau chuyến đi Mỹ.

Ông Hà Hoàng Hợp nói thêm rằng Việt Nam sẽ tận dụng mọi cái mà các nước lớn đưa ra để giải quyết tốt việc tranh chấp trên Biển Đông.

Biển Đông là vấn đề rất quan trọng đối với người dân Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, trong đó Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm đóng hơn 40 năm nay.

Xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh cho rằng có 90% diện tích là của mình, luôn là vấn đề người Việt Nam quan tâm đến. Có thể nói Biển Đông là lợi ích sống còn của người Việt Nam.

Biển Đông cũng được xem là nơi Mỹ rất cần có sự hiện diện để bảo vệ con đường lưu thông Đông Tây của mình và các đồng minh. Vào năm 2010, bà Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là Hillary Clinton tuyên bố rằng Hoa Kỳ có lợi ích tại Biển Đông. Và trong ba năm trở lại đây Hoa Kỳ liên tục tổ chức tuần tra trong Biển Đông, thách thức sự đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.

Theo ông Hà Hoàng Hợp, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là người phụ trách đối ngoại của quân đội Việt Nam, và người ta thấy rằng cuộc hội thảo tại Viện Hòa bình không phải là lần đầu tiên ông xuất hiện trên đất Mỹ.

Dù không nói đến Trung Quốc, không nói đến Ấn Độ Thái Bình Dương, nhưng tướng Vịnh có hai lần nhấn mạnh rằng Việt Nam và Hoa Kỳ có những lợi ích quốc gia chung.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 28/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 667 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)