Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

28/03/2019

Tín dụng đen Trung Quốc len lỏi vào Việt Nam ?

Trung Khang

Thêm một hình thức cho vay được gọi là ‘vay ngang hàng trực tuyến’ đã xuất hiện tại Việt Nam.

tindung1

Chỉ cần ra cột điện thì có hàng chục tờ rơi dán trên cột điện mời chào, chỉ cần gọi số này số kia là trong vòng 15 phút chỉ cần có giấy tờ tùy thân là có thể vay được tiền. Courtesy photo

Thực chất dạng cho vay tiền này là gì ?

Cho vay ngang hàng trực tuyến (Peer to Peer -P2P lending) là hình thức các doanh nghiệp thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối với bên cần vay tiền là người dân hay doanh nghiệp nhỏ, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng, giao dịch mà không qua ngân hàng. Tuy nhiên cũng có nhiều công ty công nghệ cũng chính là bên cho vay.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, khi trao đổi với RFA hôm 27/3 cho biết thêm về hình thức cho vay này tại Việt Nam :

"P2P lending xuất hiện lần đầu tại Việt Nam từ năm 2015, đã phát triển rất nhanh tại Việt Nam. Hiện nay có khoảng hơn 10 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động rất là tích cực và sôi động trên thị trường. Ngoài ra còn có một số công ty nhỏ lẻ khác cũng đã và đang bắt đầu tham gia. Chẳng hạn có những công ty cho vay ngang hàng mỗi ngày có thể kết nối từ 2 ngàn đến 3 ngàn khoản vay khác nhau và cũng đã triển khai tương đối thành công thời gian vừa qua".

Theo Tiến sĩ Cấn Văn Lực, mỗi một nền tảng công nghệ mới đều đem lại mặt tích cực và hạn chế. Về ưu điểm thì nó đem lại phương thức giao dịch mới giữa người cho vay và người đi vay tiền mà không cần qua định chế trung gian. Giúp tiết kiệm thời gian chi phí, đáp ứng nhu cầu vay tiền nóng mà không có tài sản thế chấp. Thế nhưng cũng có rủi ro là nếu phát triển nhanh mà không có hành lan pháp lý kịp thời thì có thể gây xáo trộn xã hội.

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính và ngân hàng, cho chúng tôi biết thêm những mặt tiêu cực và biến tướng của cho vay ngang hàng :

"Mặc tiêu cực của cho vay ngang hàng là chính công ty cung cấp ứng dụng công nghệ thông tin không những là người chấp nối mà cũng có thể là người cho vay. Và rất nhiều người cho vay đó là biến tướng của tín dụng đen, tức là loại cho vay lãi suất rất cao và lãi suất cắt cổ. Bên cạnh đó cũng là hình thức chiếm đoạt tài sản trá hình, tức là họ cho vay trên danh nghĩa với lãi suất hạ, nhưng cộng tất cả các chi phí thì lãi suất có thể lên đến 400%, 500%, thậm chí 700%, 800%, trên cơ sở 1 năm. Khi những người đi vay không có khả năng trả nợ thì những nhóm cho vay sẽ dùng tất cả những biện pháp từ hù dọa đến khủng bố tin thần, và dùng xã hội đen để lấy tiền của người dân vay, trong một vài trường hợp đã đi đến cướp của giết người, làm tổn hại đến tinh thần cũng như thân thể của người đi vay".

Trả lời báo chí trong nước vào những ngày cuối tháng 3, Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Kim Anh cho biết, hiện nay cho vay ngang hàng đang gây ra khá nhiều hệ lụy, biểu hiện rõ nhất là tại Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á. Ông cho rằng, khi chính phủ Trung Quốc thắt chặt thì các công ty chuyển địa bàn hoạt động sang các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Ông cũng cho hay trong 40 công ty cho vay ngang hàng đang hoạt động ở Việt Nam thì có 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, một số công ty trong số 40 doanh nghiệp này đã xuất hiện những hoạt động biến tướng, vi phạm pháp luật về ngân hàng và tín dụng.

Liên quan vấn đề này, Tiến sĩ Cấn Văn Lực nhận định :

"Việc các công ty tín dụng Trung Quốc tràn vào Việt Nam cho vay theo hình thức P2P thì thông tin chưa được thống kê, chưa được thu thập đầy đủ. Nhưng cũng có thể có một số công ty Trung Quốc đã sang thị trường Việt Nam, sang thị trường Campuchia và sang một số thị trường khác để cung cấp nền tản cho vay ngang hàng như vậy. Cái đó thì tôi nghĩ cũng không nên quá trầm trọng hóa vấn đề".

tindung2

Cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P lending) là hình thức các doanh nghiệp thu hút tiền của nhà đầu tư, sau đó kết nối với bên cần vay tiền, với cam kết lợi nhuận cao qua trang web hoặc nền tảng ứng dụng, giao dịch mà không qua ngân hàng. Screen capture

Bởi vì với sự phát triển của công nghệ thông tin thì vấn đề hội nhập, giao dịch xuyên biên giới, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới thì đã và đang xảy ra. Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, cái quan trọng là chúng ta quản lý các công ty cho vay ngang hàng của trong nước và nước ngoài như thế nào chứ không phải là chúng ta phân biệt công ty đó của nước này hay nước khác.

Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu lại cho rằng đây là một rủi ro rất lớn :

"Việc tín dụng đen Trung Quốc lợi dụng cho vay ngang hàng để vào Việt Nam cũng là một rủi ro rất lớn. Chúng ta cũng biết việc cho vay ngang hàng ở Trung Quốc nở rộ, sau đó rất nhiều người đi vay chịu thiệt hại, ngay cả nhiều công ty cho vay ngang hàng bị phá sản vì người vay không trả được tiền. Với hiện tượng như vậy thì dĩ nhiên các tổ chức cho vay P2P lending như thế sẽ tìm đến những vùng lãnh thổ khác, quốc gia khác để khai thác mà trong đó có Việt Nam là một nước cận kề với Trung Quốc. Thành ra những cái xã hội đen, tín dụng đen, tổ chức tín dụng như thế tìm cách len lỏi vào trong xã hội Việt Nam".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu người dân khó có thể nhận ra đó là một tổ chức tín dụng đen của Trung Quốc hay không. Vì các tổ chức tín dụng đen của Trung Quốc khi len lỏi vào Việt Nam thì họ cũng dùng người Việt Nam để phổ biến những sản phẩm của họ. Chỉ cần ra cột điện thì có hàng chục tờ rơi dán trên cột điện mời chào, chỉ cần gọi số này số kia là trong vòng 15 phút chỉ cần có giấy tờ tùy thân là có thể vay được tiền, do đó họ đâu thể dùng người Tàu nói tiếng Trung Quốc. Ông cho rằng để nhận ra đó có phải là tín dụng đen Trung Quốc hay không, là điều không thể.

Chúng tôi liên lạc một công nhân ở Đồng Nai để tìm hiểu thêm về việc này và được cô cho biết như sau :

"Cái đó nhiều lắm, họ đứng đầy trước công ty phát tờ rơi, hỗ trợ vay tiền không thế chấp, nói chung là vay rất dễ dàng…"

Một người dân ở Sơn La cũng cho biết việc tín dụng đen chào mời anh như thế nào :

"Em thấy mấy công ty trên mạng họ hay gọi điện thoại cho em bảo muốn vay tiền không ? Chỉ cần chứng minh thư và sổ hộ khẩu… nhưng em không có nhu cầu".

Để tìm hiểu tình hình thực tế, phóng viên Đài Á Châu Tự Do đóng vai một người muốn vay tiền và liên hệ số điện thoại quảng cáo cho vay nóng được dán tại cột điện ở Sài Gòn và được người cho vay nói như sau :

"Cho vay tiền mặt, chỉ cần giấy tờ chứng minh thư gốc và hộ khẩu gốc, kể cả anh vay 1 tỷ cũng được nhưng quan trọng là anh đủ khả năng góp cho bọn em và giấy tờ để lại. Các anh của em làm cái này mấy năm rồi, bọn em có chi nhánh ở khắp Sài Gòn. Anh vay 100 triệu đồng thì anh góp thành 120 triệu trong vòng 30 ngày, mỗi ngày góp 4 triệu là hết cả gốc lẫn lời. Nếu mà anh thấy góp 4 triệu một ngày mà vất quá thì em sẽ kéo dài thời gian cho anh lên 40 ngày, mỗi ngày góp 3 triệu đồng".

Và đúng như lời Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc nhận ra đó có phải là tín dụng đen Trung Quốc hay không là điều không thể, khi chúng tôi liên lạc các công ty có trang web cho vay ngang hàng để tìm hiểu có phải là thuộc Trung Quốc hay không thì chỉ nhận được chung một câu trả lời là không biết :

"Anh chỉ cần chứng minh nhân dân, hô khẩu, và hóa đơn điện… vay theo hình thức hóa đơn điện…"

Theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, mặc dù chính phủ Việt Nam rất cố gắng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng rất cố gắng, nhưng có lẽ tại thời điểm này, diệt trừ tín dụng đen là không thể. Ông cho rằng, trong một xã hội nào cũng có một thành phần đi vào tín dụng đen, đi vay nóng để đáp ứng nhu cầu khẩn trương thiết thực của họ, nhưng cũng có nhu cầu phi pháp như cờ bạc, ma túy.v.v… Họ sẵn sàng chấp nhận tất cả các rủi ro của tín dụng đen, đi vay tiền để thỏa mãn nhu cầu của họ.

Vì vậy theo Ông, vấn đề chính là người dân làm sao để cảnh tỉnh được trước tất cả những rủi ro của tín dụng đen, đừng bao giờ gọi những số điện thoại trên những tờ rơi họ phát ở chợ, công ty, dán trên cột điện : "cho vay rất dễ dàng, chỉ cần chứng minh nhân dân là đủ, lãi suất rất hạ…" đây là những cái bẫy dụ mình vào để gây tổn hại cho mình.

Còn Tiến sĩ Cấn Văn Lực thì cho rằng, trước tiên chính phủ phải hạn chế kiểm soát các công ty P2P lending, phải đưa ra điều kiện tiêu chuẩn để cấp phép cho các công ty cho vay ngang hàng, như điều kiện về công nghệ, vốn.v.v… Ngoài ra cũng cần có một lộ trình mở cửa, chẳng hạng ban đầu công ty P2P lending đó được phép kết nối giữa người cho vay và người vay chứ không được cho vay trực tiếp… Cuối cùng theo Ông là phải có kiểm tra, giám sát từ nhiều ban ngành đối với hoạt động của những công ty này.

Reuters trích số liệu từ p2p001.com cho biết lĩnh vực cho vay ngang hàng của Trung Quốc có giá trị gần 218 tỷ USD. Hình thức này bắt đầu bùng nổ tại Trung Quốc vào năm 2011 và rơi vào tình trạng không kiểm soát được vào năm 2015, khi đó Trung Quốc có khoảng 3.500 doanh nghiệp cho vay ngang hàng.

Từ năm 2015 đến nay, chính quyền Trung Quốc siết việc quản lý mô hình cho vay trực tuyến phi ngân hàng nhằm tháo các ngòi nổ bong bóng nợ và giảm thiểu rủi ro với nền kinh tế trong cả khu vực phi ngân hàng. Do đó, các công ty công nghệ tài chính (Fintech) nói chung và cho vay ngang hàng (P2P lending) nói riêng đổ xô sang các nước xung quanh trong đó có Việt Nam.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 28/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 572 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)