Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/03/2019

Vấn nạn hàng giả, hàng nhái tại Việt Nam

Thanh Trúc

Những phương tiện sản xuất tinh vi và nhanh chóng, kèm theo điều kiện vận chuyển thuận lợi khiến hàng giả, hàng nhái từ cao cấp như vi tính, máy móc, mỹ phẩm, dược phẩm đến nhu yếu phẩm, thực phẩm, áo quần vân vân… xuất hiện nhan nhản trên thị trường.

hanggia1

Một chiếc đồng hồ Breitling giả được trưng bày Pháp hôm 29/01/2013. AFP

Về mặt hàng cao cấp thì những thương hiệu nổi tiếng bị làm giả hay làm nhái như đồng hồ Rolex, Longines, Piaget, mỹ phẩm thì có Dior, Chanel, thời trang thì có LV, tức Louis Vutton chẳng hạn, giá cả có thể hàng chục đến hàng trăm triệu đồng.

Những mặt hàng phổ thông làm giả hay làm nhái với giá mềm thì có đường, bột ngọt hay mì chính, thực phẩm chức năng, nước tương và thậm chí cả nước mắm mà nhiều phần người mua khó có thể nhận chân thật giả.

Trong thực tế hàng giả, hàng nhái được chế biến và đóng gói rất tinh vi không khác gì hàng chính hãng.

Doanh nhân Nguyễn Trọng Thắng chuyên buôn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam và ngược lại có trình bày về hàng giả, hàng nhái như sau :

Hàng giả là những hàng được làm giả hoàn toàn với mục đích lừa người tiêu dùng, Hàng nhái là hàng bắt chước các thương hiệu nổi tiếng. Thuốc men làm giả là vấn đề liên quan đến đạo đức, còn hàng giả về tiêu dùng là vấn đề liên quan đến kinh tế. Thế nhưng có cái việc là có những người sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái, ví dụ mặt hàng LV Louis Vutton hay hàng giả da cá sấu, có thể người mua cố tình mua những hàng đấy và nghĩ là mình đang được mặc hay sử dụng hàng hiệu. Cũng có người là vô tình thôi, mua mà không quan tâm đến mác ấy là mác gì . Dĩ nhiên cũng có người đủ sức mua hàng hiệu nhưng lại sẵn sàng bỏ một số tiền nhỏ hơn để mua hàng nhái.

Ông Thắng cho biết hầu hết hàng giả hàng nhái như này thường bắt nguồn từ Trung Quốc và được chuyển sang Việt Nam. Thứ hai là những mặt hàng giả xuất phát từ chính bản địa Việt Nam. Ông kể có quen một số người thường lên cửa khẩu trên Lạng Sơn trên Đồng Đăng, khi mua đầu đĩa thì hai người khách đều đưa ra tờ tiền 500.000 đồng. Một người lấy được đầu Samsung, một người thì lấy đầu Sony. Khi người mua được đầu Sony tị nạnh với người mua đầu Samsung, thì người bán hàng lấy ra một vốc những thương hiệu bao gồm LG, Samsung, Sony… bảo thích cái nào thì lấy cái đó gắn vào. Dĩ nhiên trong trường hợp đấy, ông Thắng nói, những người mua biết chắc chắn họ đang mua đồ giả, đồ Trung Quốc, nhưng vẫn sẵn sàng bỏ tiền ra mua.

Ông còn cho biết thêm những hàng tiêu dùng như thực phẩm, mì chính, thịt lợn hay những sản phẩm bảo vệ thực vật, hoặc xoong, chảo, nồi, bát đĩa đều có thể làm nhái cả.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, cô Anh Thư, nhân viên lâu năm của IPP Liên Thái Bình Dương, tập đoàn kinh doanh được coi là hàng đầu trong lãnh vực nhập khẩu và phân phối các mặt hàng cao cấp đủ loại, cũng có nhận định về người mua trong thị trường hàng giả, hàng nhái lẫn lộn :

Người dùng hàng hiệu phải biết là đối với những hàng có giá trị như Rolex hay Cartier thì mức tiền của nó có thể vài ngàn cho đến vài chục ngàn đô. Ở Việt Nam có một hệ thống phân phối đồ hiệu của một vài tập đoàn nổi tiếng, mang hàng chính hãng từ các thương hiệu lớn về Việt Nam, từ túi cho tới đồng hồ. Những hàng đó đều kèm theo giấy tờ như hóa đơn, giấy chứng nhận, phiếu bảo hành, trong đó ghi rõ code của sản phẩm mình mua là gì.

Tuy nhiên có nhiều người ham rẻ đi mua đồ xách tay này nọ. Những cái này không có giấy tờ, không có phiếu bảo hành, tâm lý chung của khách hàng tôi mua đồng hồ Rolex của chị này chỉ 5.000 USD trong khi mua ở cửa hàng là 25.000 USD, mà gần như là hầu hết đó là đồ giả hay đồ kém chất lượng.

Ngoài lãnh vực hàng hiệu ra thì thông dụng và đa năng hơn nữa là mỹ phẩm, cô Anh Thư trình bày tiếp :

Đa số mỹ phẩm làm giả ở Việt Nam là dòng sản phẩm làm trắng, thường những hàng giả đó đánh vào thị trường thứ cấp có nghĩa là vùng quê, vùng nông thôn. Người Việt đối với mỹ phẩm phải là hàng ngoại, nên là những sản phẩm giả đó đều là Made In Korea, Made In Thailand, Made In Taiwan…

Ví dụ kem trắng da được làm từ kem dưỡng ẩm trộn với nước tẩy trắng quần áo và thuốc kháng sinh nghiền nhỏ ra. Chất tẩy rất mạnh trong kem khi tiếp xúc với da sẽ làm bong tróc lột hết da, khi ra nắng da sẽ bị nám một cách kinh khủng. Những sản phẩm đó chủ yếu bán về khu vực đồng bằng miền Tây. Hàng giả có thể tồn tại trên thị trường đó là họ nắm chắc yếu tố tâm lý quan trọng là ham rẻ.

Những mặt hàng thực phẩm chức năng làm giả hay làm nhái cũng tràn lan trôi nỗi trên thị trường Việt Nam mà giá nào cũng có, trong lúc bao bì mẫu mã cũng rất bắt mắt làm người tiêu dùng cứ ngở là mình đang mua hàng thật.

Nhưng có thể nói tai hại nhất là dược phẩm giả mạo, tiền mất tật mang cho người tiêu thụ. Bác sĩ Huỳnh Loan, một cư dân từ thanh phố Hồ Chí Minh, nêu trường hợp người nhà của bà mua nhầm thuốc giả Amlodipin trị cao máu :

Thuốc viên Amlodipin trị cao máu mà trộn bột mì không, đó là Dược Sông Bé. Mua thuốc thì mình nên chọn những hãng thuốc có uy tín và chất lượng thí dụ Dược Hậu Giang rồi Roussel chẳng hạn. Theo như thông tin trên mạng thì mình thấy thuốc giả thậm chí lấy mẫu mã của những nhà sản xuất có uy tín luôn. Ở Việt Nam có cái rủi ro là khó thể biết được cái nào thật cái nào giả.

Là người hay đi mua thuốc, tháng nào cũng đi mua thuốc cho công ty hết nên mình có những người bán thuốc tin cậy được và người ta sẽ hướng dẫn cho mình biết. Nếu không thường đi mua thuốc và không có chỗ quen thì chuyện nhầm lẫn là chuyện rất có thể xảy ra. Thậm chí thuốc của Pháp như Pfizer chẳng hạn nó cũng làm giả được, nó quá là nguy hiểm.

Trong lãnh vực thực phẩm, các sản phẩm thông dụng hàng ngày như nước mắm, nước tương, bột nêm, đường cũng bị làm giả hay làm nhái. Đây là những thức ăn thức uống có vấn đề an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm, nhẹ thì có thể gây ngô độc cấp tính, sử dụng về lâu về dài sẽ là nguồn gốc những căn bệnh nguy hiểm như ung thư dạ dày, ung thư đại tràng, huyết áp, tim mạch.

Thí dụ cụ thể là Đường Biên Hòa chất lượng cao chế biến từ mía với công nghệ hiện đại, không sử dụng hóa chất, một sản phẩm uy tín được tin cậy lâu nay. Hàng nhái Đường Biên Hòa có mẫu mã và thiết kế gần như 100% hàng thật :

Cũng có nước mắm giả mà người tiêu dùng không phân biệt được, họ copy quá giống từ chai cho tới nhãn mác. Đó là con dao hai lưỡi, nếu sản phẩm gia bắt chước những thương hiệu lớn thì nó ảnh hưởng đến chất lượng của hàng thật và người tiêu dùng không còn tin tưởng những thương hiệu lớn đó nữa...

Từ góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái đã tác hại lớn đến lợi nhuận, uy tín của những doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chân chính.

Theo tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, từng làm việc trong lãnh vực quản lý thị trường, những thông tin về hàng giả hàng nhái thường xuất hiện trên báo đài luôn kèm theo khuyến cáo là người tiêu dùng cần cảnh giác cao, cần chọn lựa những mặt hàng có ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ và nhãn mác, thành phần chế biến cũng như thời hạn sử dụng.

Ông cũng cho biết quan điểm trước giờ của Nhà Nước trong chuyện hàng giả, hàng nhái là quyết liệt và xử phạt nghiêm minh :

Quan điểm rất rõ ràng là kiên quyết chống và khi phát hiện được sẽ xử lý và chế tài. Thậm chí không chỉ xử phạt hình chính mà cả hình sự, bị đưa ra tòa và bỏ tù.

Để phòng chống hàng giả, hàng nhái, Việt Nam đã có Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng hoạt động 30 năm qua. tháng Mười Một năm 2018, Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam ra đời, được coi là một tổ chức xã hội tách ra từ Hội Tiêu Chuẩn Và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Việt Nam.

Một thành viên không muốn nêu tên cho biết tính đến lúc này Hội Bảo Vệ Người Tiêu Dùng ở trung ương đã lập được hội chi nhánh tại 52 trong tổng số 63 tỉnh thành trên cả nước.

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 26/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 573 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)