Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

30/03/2019

Nguyễn Xuân Phúc sau 3 năm điều hành chính phủ : Thành tựu nào ?

Thảo Vy

Ngày 7 tháng 4 năm 2016, với số phiếu tán thành là 446 phiếu, chiếm 90% đại biểu, ông Nguyễn Xuân Phúc trúng cử chức vụ thủ tướng, kế nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng điều hành Chính phủ. Ông Phúc sẽ kết thúc nhiệm kỳ của mình vào giữa năm 2021. Dư luận đồn đoán ông đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam.

nxp1

Dư luận đồn đoán Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang nhắm đến chức vụ cao hơn nữa của thể chế chính trị độc đảng ở Việt Nam

Xét bề nỗi, hiện truyền thông đang o bế về thành tích sau 3 năm ngồi vào ghế thủ tướng của ông Nguyễn Xuân Phúc.

Tham nhũng đã giảm toàn diện ?

Điều tra Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) cấp tỉnh, được Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố sáng 28/3, ghi nhận ‘tham nhũng lớn’ có dấu hiệu giảm bớt, chỉ 30,8% doanh nghiệp cho biết có chi trả cho chi phí không chính thức để thúc đẩy nhanh thủ tục đất đai, giảm 32% so với năm ngoái.

Gần 40% doanh nghiệp cho biết có chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, trong khi năm ngoái là gần 52% [1]. Trong tập hồ sơ điều tra PCI có ghi đây là sản phẩm hợp tác giữa VCCI với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID). 

Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch VCCI, nhận xét rằng "các xu hướng nổi bật đáng mừng là chi phí không chính thức giảm, đặc biệt là tham nhũng vặt, môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn, các cấp chính quyền trở nên năng động hơn, cải cách hành chính có bước tiến, đặc biệt là thanh kiểm tra giảm rõ rệt".

Tuy nhiên, vẫn theo người đứng đầu VCCI thì có tới 58% doanh nghiệp trong nước cho biết còn bị nhũng nhiễu. Có 54% doanh nghiệp được khảo sát cho biết vẫn phải trả chi phí bôi trơn [2]. Như vậy liệu có quá lạc quan khi "tham nhũng lớn lẫn tham nhũng vặt đều giảm" là chỉ số cho thấy tài năng quản trị quốc gia của người đứng đầu chính phủ ?

Một số nhà báo chuyên trách kinh tế ở Sài Gòn nói rằng khi đi thực tế viết bài, họ vẫn nghe chủ doanh nghiệp than thở về chi phí hiện đang rất cao không chỉ ở lĩnh vực xuất nhập khẩu như con số mà báo cáo của VCCI đã nêu, mà còn tại nhiều lĩnh vực khác. Trên báo chí thì chính phủ kiến tạo của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định đang đặt ra mục tiêu giảm chi phí cho doanh nghiệp, nhưng thực chất mọi chi phí vẫn đang tiếp tục được đẩy tăng lên từ các loại thuế, phí.

"Tháng 11 năm ngoái, tôi nhớ tòa soạn có nhận thư yêu cầu của bạn đọc là công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại - Xây dựng Trung Trí ở khu phố 4, thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, tố cáo Đội Quản lý thị trường số 4 thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Ninh Thuận đã liên tục nhũng nhiễu buộc chủ doanh nghiệp phải ‘đóng hụi chết’ cho họ. Đây chỉ là tức nước vỡ bờ thôi, vì doanh nghiệp hiểu một khi đã lên tiếng tố cáo, đồng nghĩa sẽ khó thể tiếp tục làm ăn tại địa phương này. Chính thực tế đó nên con số 12.000 doanh nghiệp được lấy ý kiến ở Điều tra PCI năm 2018 của VCCI, tôi nghĩ rằng phía được điều tra cũng đã tiết chế lắm rồi về các uất ức trước đủ mọi kiểu tham nhũng…". Biên tập viên N.D.T, kể.

Tương tự của câu chuyện hai mặt trong một vấn đề, với thông tin công bố hôm sáng 28/3 của chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc, CPI bình quân 3 tháng đầu năm 2019 ước tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018, là mức thấp nhất trong 3 năm liên tiếp gần đây : quý I/2017 là 4,96%, quý II/2018 là 2,82%. 

Về mặt tích cực, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp liên tục trong 3 năm liền cho thấy chính phủ dường như kiểm soát lạm phát của năm 2019 ở mức từ 3,3-3,9%, vượt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, CPI tăng thấp dưới chỉ tiêu cũng là một điều đáng lo ngại, bởi CPI thấp là biểu hiện rõ nhất của tình trạng sức mua giảm, tồn kho tăng cao, tổng cầu nền kinh tế giảm sút. Từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp, số doanh nghiệp phá sản vẫn lớn, nguồn thu ngân sách giảm, tăng trưởng kinh tế sẽ không như mong muốn.

Độ chênh cách hiểu

Chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích cho rằng để có thể nói về thành tựu như tựa đề bài viết này đặt ra, thì cần có chung cách hiểu về cách tính toán trong phát triển với thế giới.

"Thực hư thành tựu xuất khẩu nông sản ?" là câu hỏi của ông Nguyễn Đình Bích trong một tham luận mới đây. "Không ít quan chức khẳng định Việt Nam đã trở thành cường quốc xuất khẩu nông sản thứ 15 thế giới. Nhưng mọi chuyện có phải như vậy ?". Ông Bích nói rằng đang có sự chênh lệch trong kim ngạch xuất khẩu do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam tuyên bố, với con số do Ngân hàng Thế giới (WTO) xác định những năm gần đây ngày càng lớn, lên tới 23 - 25%. Tất cả là do quan niệm khác nhau về hàng nông sản.

"WTO dựa trên cơ sở pháp lý là Nghị định thư về nông nghiệp (Agreement on Agriculture) được bộ trưởng thương mại các nước thành viên thỏa thuận để xác định đâu là hàng nông sản. Theo đó, hàng nông sản bao gồm 23 mã hàng đầu tiên thuộc danh mục hàng hóa hai chữ số (trừ mã hàng 03. thủy sản) ; 21 mã hàng thuộc danh mục hàng hóa bốn chữ số và 4 nhóm hàng thuộc danh mục hàng hóa sáu chữ số.

Với việc chỉ đích danh những nhóm hàng và mặt hàng được xếp vào nhóm hàng nông sản như vậy, nội hàm của hàng nông sản bao gồm hai phân nhóm : phân nhóm thứ nhất là lương thực và thực phẩm, kể cả thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (food, feed) và phân nhóm thứ hai là nông sản nguyên liệu (raw materials). Như vậy, mọi loại lương thực, thực phẩm, đồ uống và hút cũng như mọi loại thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, bất kể mức độ chế biến sâu nông thế nào, cũng đều thuộc phạm trù hàng nông sản. Trong khi đó, đối với phân nhóm nông sản nguyên liệu, dễ dàng có thể thấy rằng chỉ những sản phẩm thô mới thuộc hàng nông sản". Ông Nguyễn Đình Bích diễn giải.

Sản phẩm cao su theo "thông lệ" quốc tế thì không còn là nông sản bởi nó không phải là sản phẩm của nông nghiệp, mà là của các ngành công nghiệp khác như chế biến nông sản nguyên liệu cao su, nhưng ở Việt Nam nó vẫn được các nhà quản lý coi là nông sản. Không những vậy, điều còn phi lý hơn nữa là nó được tính là hàng nông sản chỉ trong xuất khẩu, còn trong nhập khẩu thì lại không phải là nông sản.

"Khác rất nhiều so với công nghiệp chế biến cao su, công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam đã phát triển ngày càng mạnh trong khoảng hai thập kỷ qua, nên việc vẫn gán sản phẩm gỗ với quy mô ngày càng lớn, chỉ kém nhóm hàng thủy sản đứng đầu, vào nhóm hàng nông sản là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới xuất khẩu nông sản ngày càng 'nở nồi' hiện nay". Ông Nguyễn Đình Bích nhận xét.

Vẫn còn quá nhiều món nợ với nhân dân

Ngày 7/4 tới đây là đúng 3 năm ông Nguyễn Xuân Phúc ngồi vào ghế thủ tướng. Điều 98 của Hiến pháp 2013 đã trao nhiệm vụ cho ông Nguyễn Xuân Phúc là (trích) : "Lãnh đạo công tác của Chính phủ ; Lãnh đạo việc xây dựng chính sách và tổ chức thi hành pháp luật ; Lãnh đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động của hệ thống hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất và thông suốt của nền hành chính quốc gia".

Luật Tổ chức chính phủ, Điều 28 quy định chi tiết về các bổn phận của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (trích) : "Lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội ; Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong quá trình triển khai thực hiện Hiến pháp và pháp luật trong phạm vi toàn quốc".

Như vậy, chỉ mới xem xét ở Điều 25, Hiến pháp 2013 : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định", đã cho thấy thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vẫn chưa thực hiện bổn phận soạn trình các luật liên quan tới quyền biểu tình, quyền lập hội, quyền tự do báo chí đã được hiến định.

Sẽ là một thành tựu đáng được ghi nhận, nếu như ông Nguyễn Xuân Phúc làm tròn được trách nhiệm như luật định trong thời gian còn lại của nhiệm kỳ. Khi đó, ghế tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam cũng sẽ ‘dễ tranh hơn’...

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 30/03/2019

[1] hồ sơ 63 tỉnh về PCI

[2] Đọc thêm :

Nạn nhũng nhiễu và phí bôi trơn vẫn ‘hành’ hơn phân nửa doanh nghiệp Việt (RFA, 28/03/2019)

Báo cáo mới nhất do Phòng Thương Mại-Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố ngày 28/3, cho thấy : 58% doanh nghiệp trong nước vẫn còn bị nhũng nhiễu, 54% doanh nghiệp vẫn phải trả phí bôi trơn.

nxp2

Bị nhũng nhiễu và phải trả phí bôi trơn cho các cơ quan chức năng Nhà nước là một thực tế mà các doanh nghiệp trong nước phải đối mặt trong nhiều năm qua. Ảnh minh họa. quangninh.gov.vn

Truyền thông trong nước dẫn lời ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch VCCI – nhận định chi phí không chính thức vẫn ở mức cao là một tồn tại đáng lưu ý trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Theo ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt, nguyên nhân làm phát sinh các loại chi phí không chính thức cần được nhìn từ hai góc độ

"Việt Nam thì chưa thể như các nước Châu Âu, Mỹ…Luật pháp nó có những kẽ hở nên nhiều khi người ta lợi dụng. Cái này không chỉ có nhà nước lợi dụng mà nhiều doanh nghiệp lợi dụng".

Để chứng minh cho luận điểm của mình, ông Nguyễn văn Mỹ nêu ví dụ về một tập quán tâm lý của người Việt :

"Khi qua cửa khẩu Campuchia, hải quan và biên phòng canpuchia, họ buộc khách Việt Nam phải trả một, hai đô la mỹ cho họ và người Việt mình rất vui vẻ chuyện đó. Bù lại sẽ được ưu tiên làm nhanh hơn, nhưng với người nước ngoài, thì (hải quan, biên phòng Campuchia-PV) không dám thu. Người Việt bỏ ra một, hai đồng cho nhanh, để cho ưu tiên cho nó oai hơn là chuyện bình thường. Nhưng với khách Châu Âu, khách Mỹ, họ bảo tiền này, tiền gì, hóa đơn đâu, không đúng họ không chi ?"

Trao đổi với đài RFA ngày 28/3, Kỹ sư Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho rằng :

"Những chi phí đó nó làm tăng tổng chi phí lên doanh nghiệp nói chung, đồng thời nó giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Chi phí ấy không chỉ là tiền bạc mà nó còn là thời gian, là chi phí cả tâm lý nữa nên nó sẽ đè nặng. Nhưng cũng cần nhấn mạnh là hiện tượng này đã cải thiện, nhưng theo cá nhân tôi thì nó vẫn cao. "

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, nói với đài RFA về hệ lụy vấn đề chi phí mà các doanh nghiệp tại Việt Nam phải gánh chịu :

"Ngoài chi phí hoạt động, thì có những chi phí không chính thức, chi phí kêu bằng ngoài luồng, trên bàn, dưới bàn như thế thì nó tạo ra chi phí rất lớn cho các doanh nghiệp và từ đó làm trở ngại cho sự phát tiển của nền kinh tế".

Khi được hỏi, giải pháp nào ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu bôi trơn, ông Lê Anh, chủ cơ sở nước mắm Lê Gia, cho hay :

"Việc tiến tới một chính phủ điện tử cũng như các công cụ là cái bắt buộc là cái mà triển khai càng sớm càng tốt. nó sẽ giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan công quyền, thì khi đấy nó giảm sự nhũng nhiễu, gọi là tham nhũng vặt".

"Ngoài ra trong các văn bản pháp luật phải tạo ra môi trường minh bạch, công bằng cho sự phát triển, công bằng giữa các thành phần kinh tế. Cụ thể là chú ý đến các doanh nghiệp yếu thế và đang cần tiếp nhận nguồn lực".

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là những rào cản do các loại giấy phép con gây ra.

"Một doanh nghiệp , như chúng ta biết, khi đi vào hoạt động cần có các giấy phép con. Thì cái việc mà phải có giấy phép con trong thời gian vừa qua thì Việt Nam cũng đã tiến triển rất nhiều, bỏ đi nhiều giấy phép con, thế nhưng mà nó còn rất cồng kềnh, vẫn còn có những rào cản".

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mỹ, giám đốc công ty du lịch Lửa Việt nhấn mạnh đến vai trò của doanh nghiệp trong việc triệt tiêu nạn nhũng nhiễu, bôi trơn.

"Muốn triệt cái này phải từ hai phía. Phải xử lý nghiêm những người nhũng nhiễu, mà lãnh đạo phải làm gương. Nhưng mà doanh nghiệp cũng phải làm kiên trì các chuyện đó. Còn đằng này mình cứ muốn đi tắt, mình đón đầu, mình có lợi hơn, cho nên là buộc phải bôi trơn để cho được việc thì thành cái thói quen. Nhiều người tự an ủi rằng thôi, ai cũng cho cả, mình cũng cho, cho nó xong. Thì vô hình chung, mình tạo cho người ta cái đó".

Năm nay là năm thứ 14, VCCI và USAID công bố báo cáo thường niên về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tại Việt Nam. Và trong báo cáo năm nay, chỉ số về tình trạng nhũng nhiễu, bôi trơn vẫn ở mức trên 50%. Tỷ lệ này trong báo cáo năm ngoái là 66%.

Xuân Nam

Quay lại trang chủ
Read 855 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)