Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2019

Châu Âu yêu cầu làm rõ vụ việc Trương Duy Nhất và Bạch Hồng Quyền

Nhiều tác giả

Vụ Trương Duy Nhất - Bạch Hồng Quyền đã lên bản nghị sự Liên Âu

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 29/03/2019

Hôm 29/03, 12 Nghị sĩ Quốc hội EU đã gửi thư thúc giục bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Ủy ban EU ngay lập tức nêu sự việc của Trương Duy Nhất và Bạch Hồng Quyền với chính quyền Thái Lan [1].

bhq1

Bà Federica Mogherini, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Ủy ban Châu Âu

Trong thư, các Nghị sĩ bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc mà họ cho là 'vụ bắt cóc nhà báo độc lập Trương Duy Nhất' diễn ra ở Bangkok, Thái Lan. Các Nghị sĩ nói họ có lý do để tin rằng chính quyền Thái Lan đã cộng tác với chính quyền Việt Nam để cưỡng bức ông Nhất hồi hương và đòi hỏi Thái Lan phải có câu trả lời ngay lập tức về vai trò của nước này trong sự kiện mà họ gọi là 'một vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng'.

Thư cũng xác nhận rằng, Bạch Hồng Quyền - được mô tả là một người tị nạn rời khỏi Việt Nam đến ở Thái Lan từ tháng 5/2017 để tránh những truy bức vì các hoạt động liên quan đến thảm họa môi trường Formosa - đang phải lẩn trốn trong tình trạng cực kỳ nguy hiểm, sau khi cảnh sát Thái đến nhà, vì liên đới đến Trương Duy Nhất cũng như có khả năng cung cấp thông tin về 'vụ bắt cóc'. Các Nghị sĩ tin rằng Quyền không phải là người hoạt động duy nhất đang gặp rủi ro vì bởi liên đới đến vụ bắt cóc.

Cuối thư, các Nghị sĩ nhấn mạnh bà Federica Mogherini phải khẩn cấp nêu vụ việc Trương Duy Nhất với chính quyền Thái Lan để có được thông tin về những bước điều tra đã được tiến hành và đòi hỏi chính phủ nước này, trong sự tôn trọng luật quốc tế, bao gồm nguyên tắc không gửi trả tị nạn, bảo đảm sự an toàn của Bạch Hồng Quyền cùng gia đình của anh ta cùng những người tị nạn khác.

Cũng cần phải lưu ý rằng hiện nay số phận Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) còn đang mờ mịt, chưa biết khi nào được phê chuẩn ở Hội đồng EU và đưa ra Quốc hội EU thì thái độ các Nghị sĩ thế nào. Trong bối cảnh đó, sự việc nêu trên liệu có để lại hậu quả gì với EVFTA không vẫn còn là một dấu hỏi lớn. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 29/03/2019 (nguyenanhtuan's blog)

---

[1] Tin từ cô Zsuzsa, trợ lý của Nghị sĩ Châu Âu người Hungary gốc Rumani László Tőkés - linh hồn của cuộc cách mạng Rumani năm 1989 lật đổ Tổng bí thư Nicolae Ceauşescu và từng là Phó Chủ tịch Quốc hội EU từ 2010-2012, còn hiện là Phó Chủ tịch Tiêu ban Nhân quyền Quốc hội EU.

https://twitter.com/zsuzsettte/status/1111240201530167296?s=08&fbclid=Iw...

https://www.europarl.europa.eu/meps/en/39726/LASZLO_TOKES/home?fbclid=Iw...

*********************

Vụ bắt cóc Trương Duy Nhất được đưa ra Liên Hiệp Châu Âu

Hiếu Bá Linh, Thoibao.de, 29/03/2019

12 Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu ký tên chung một lá thư kêu gọi bà Federica Mogherini, Bộ trưởng Ngoại giao EU, hãy lập tức yêu cầu Chính phủ Thái Lan trả lời về vụ Trương Duy Nhất bị mất tích, đặc biệt là xác định vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ mất tích của ông ta; và yêu cầu Chính phủ Thái Lan bảo vệ an toàn cho Bạch Hồng Quyền và gia đình ông, những người đã đăng ký tị nạn, cho đến chừng nào họ vẫn còn ở Thái Lan trước khi được đi định cư ở một nước thứ ba.

bhq2

Bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU (tương đương Bộ trưởng Ngoại giao EU) và là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu

Ngày 28/03/2019 hôm qua 12 Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu (Quốc hội EU) đã gửi một lá thư cho bà Federica Mogherini, Đại diện cấp cao về Ngoại giao và Chính sách An ninh của EU (tương đương Bộ trưởng Ngoại giao EU) và là Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu.

Lá thư mở đầu như sau :

"Chúng tôi, những Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu ký tên dưới đây, viết thư này kêu gọi bà hãy nêu ra ngay lập tức vụ việc Trương Duy Nhất và Bạch Hồng Quyền với Chính phủ Thái Lan.

Chúng tôi vô cùng lo lắng về vụ bắt cóc nhà báo độc lập Việt Nam và là người bảo vệ nhân quyền Trương Duy Nhất, ông bị mất tích tại Bangkok vào ngày 26 tháng 1 năm 2019. Sau gần hai tháng không có thông tin về số phận hay nơi ở của ông ta, vào cuối tháng 3 chính quyền Việt Nam cuối cùng chỉ thừa nhận rằng Trương Duy Nhất đang bị giam giữ tại Hà Nội. Chúng tôi có lý do để tin rằng các viên chức Thái Lan hợp tác với nhà chức trách Việt Nam trong vụ mất tích hồi tháng giêng và cưỡng bức hồi hương.

Chúng tôi chờ đợi câu trả lời ngay lập tức của Chính phủ Thái Lan về vai trò rõ ràng của nhà chức trách Thái Lan trong vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng này, và cuộc truy bức không ngừng những người bảo vệ nhân quyền Việt Nam có liên quan ở Thái Lan, bao gồm cả Bạch Hồng Quyền".

Vụ bắt cóc Trương Duy Nhất không những đã được kể rõ trong thư, mà 12 Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu còn quan tâm đến trường hợp Bạch Hồng Quyền. Lá thư dành nhiều dòng chữ, gần như nửa lá thư là trình bày về việc Bạch Hồng Quyền hiện đang trong tình trạng bị hiểm nguy, và nhấn mạnh Bạch Hồng Quyền không phải là người Việt Nam duy nhất ở Thái Lan  đang bị hiểm nguy :

"Một ngày trước khi mất tích, Trương Duy Nhất đã đi cùng Bạch Hồng Quyền tới đăng ký với Cơ quan tị nạn Liên Hợp Quốc tại Bangkok. Bạch Hồng Quyền là một người tị nạn đã đăng ký, ông ta đã ở Thái Lan từ tháng 5 năm 2017 sau khi chạy trốn khỏi cuộc truy bức chính trị do hoạt động liên quan đến thảm họa môi trường Formosa. Tối hôm đó, Trương Duy Nhất gọi cho Bạch Hồng Quyền nói rằng anh ta bị theo dõi và lo sợ cho sự an toàn cá nhân của mình.

Vào ngày 1 tháng 3 năm 2019, cảnh sát Thái Lan đã đến nhà của Bạch Hồng Quyền. Ông ta bỏ trốn sau đó vì lo sợ bị hiểm nguy cá nhân nghiêm trọng do mối liên hệ với Trương Duy Nhất và là người có thể cung cấp thông tin về vụ bắt cóc. Ông ta đã bày tỏ lo ngại rằng chính bộ phận cảnh sát Thái Lan mà đã tham gia trong vụ mất tích của Trương Duy Nhất, có lẽ họ đã đến tìm ông ta. Chúng tôi có lý do để tin rằng ông không phải là người Việt Nam duy nhất đang bị hiểm nguy tại Thái Lan vì có liên quan đến vụ bắt cóc".

12 Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu viết lá thư này yêu cầu bà Federica Mogherini với tư cách như là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao EU thực hiện những việc cụ thể gì ?

Về Trương Duy Nhất lá thư viết :

"Chúng tôi kêu gọi bà khẩn trương nói chuyện với Chính phủ Thái Lan về vụ Trường Duy Nhất, để có được thông tin cụ thể về các bước thực hiện trong cuộc điều tra, đặc biệt là xác định vai trò của nhà chức trách Thái Lan trong vụ mất tích của ông ta, và để đảm bảo rằng họ sẽ phải chịu trách nhiệm theo luật pháp quốc tế".

bhq3

Nhà báo Trương Duy Nhất viết và nộp đơn xin tin nạn tại Thái Lan trước hôm bị mất tích

Còn về trường hợp Bạch Hồng Quyền, 12 Nghị sĩ của Nghị viện Châu Âu yêu cầu bà Federica Mogherini tìm cách bảo vệ sự an toàn cho ông ta và gia đình

"Trong nhận thức về nghĩa vụ của Thái Lan theo luật pháp quốc tế, và đặc biệt là nguyên tắc không gửi trả [luật quốc tế ngăn cấm một quốc gia nhận người tị nạn trả lại cho một quốc gia mà nơi đó họ có nguy cơ bị trừng phạt], chúng tôi yêu cầu bà có được một sự đảm bảo cụ thể của Chính phủ Thái Lan về việc bảo vệ Bạch Hồng Quyền và gia đình ông, những người đã đăng ký tị nạn, cho đến chừng nào họ vẫn còn ở Thái Lan trước khi được đi định cư ở một nước thứ ba".

bhq4

Blogger Bạch Hồng Quyền.

Lá thư được kết thúc bằng sự quan tâm đến tình trạng từ trước đến nay có những người hoạt động nhân quyền chạy sang Thái Lan xin tị nạn và họ bị nhà chức trách Thái Lan bắt giữ và trao trả cho Việt Nam :

"Hơn nữa, chúng tôi yêu cầu bà bày tỏ mối quan ngại với Chính phủ Thái Lan về cuộc truy bức rộng lớn hơn đối với các nhà bảo vệ nhân quyền Việt Nam tại Thái Lan".

bhq5

Trang 1 lá thư của 12 Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu về vụ bắt cóc Trương Duy Nhất

bhq6

Trang 2 lá thư của 12 Nghị sĩ Nghị viện Châu Âu về vụ bắt cóc Trương Duy Nhất

Hiếu Bá Linh

Nguồn: https://twitter.com/zsuzsettte/status/1111240201530167296?s=08&fbclid=IwAR0YYzdp1En0fsxYUP7RQBrD5lc0qPCsNRvGLHhwxu7LbQFfIKTQEPzWIsg

Quay lại trang chủ
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)