Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/03/2019

Liệu Việt Nam sẽ chấm điểm đạo đức công dân như Trung Quốc ?

Kính Hòa

Trung Quốc đã áp dụng trong vài năm nay một hệ thống theo dõi người dân để qua đó nhà nước có thể đánh giá hạnh kiểm của người dân rồi đưa ra biện pháp chế tài.

CHINA TECH SURVEILLANCE 3

Có 17 triệu 500 ngàn người Trung Quốc bị xếp hạnh kiểm kém trong năm 2018. Đường phố Bắc Kinh, 1/2017 - AFP

Đã có những ý kiến cho rằng sẽ áp dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam để đánh giá công dân tốt.

Hệ thống hạnh kiểm của Trung Quốc là gì ? Liệu Việt Nam sẽ áp dụng điều đó ?

Ông Hồ Như Ý, một dịch giả tiếng Trung Quốc, sống ở Hà Nội nói với Đài RFA rằng sự hình thành của hệ thống chấm điểm công dân của Trung Quốc đã bắt đầu từ năm 2013 với những bảng hướng dẫn thực hiện cho các cơ quan hành chính, sau đó Bắc Kinh mới bắt đầu đưa hệ thống này kết hợp với hệ thống mạng điện tử của nước này mà nhà nước kiểm soát hoàn toàn :

"Bắt đầu từ năm 2014 họ bắt đầu phối hợp với các công ty mạng. Đến 2018 họ bắt đầu công bố danh sách những người bị điểm số kém. Họ bị cấm tham gia vào những hoạt động cộng đồng như mua vé tàu xe, máy bay, chọn trường cho con. Năm 2018 có tổng cộng 17 triệu 500 ngàn người bị xếp loại là tín dụng đen, tức là không được tham gia những hoạt động cộng đồng đấy".

Theo ông Ý, hệ thống này đã được sử dụng trước nhất để kiểm soát những người dân thiểu số thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.

Hệ thống này áp dụng việc sử dụng trí khôn nhân tạo, các kỹ thuật tiên tiến về hình ảnh để giám sát hành vi hàng ngày của công dân, để nhận biết là một công dân vi phạm những lỗi lầm gì để trừ điểm.

Theo ông Hồ Như Ý, mới gần đây, Bắc Kinh vừa đưa ra một phần mềm ứng dụng mới để theo dõi sinh viên. Những sinh viên gian lận thi cử, hay là phát biểu trái với đường lối của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên mạng sẽ bị trừ điểm.

Điều quan trọng nhất làm cho hệ thống này bị chỉ trích là không ai được biết nhà nước Trung Quốc đưa ra những tiêu chuẩn gì để xếp loại công dân của họ.

"17 triệu 500 ngàn người này chỉ biết điểm hạnh kiểm của họ khi họ đi mua vé tàu xe hay lên máy bay. Sau đó họ hỏi cơ quan công quyền thì được chỉ cho là họ đã phạm những cái ngớ ngẫn như là có người viết một bài thơ, có người đi thưa kiện bị thua, có người lên mạng câm biếm chỉ trích cái này cái kia".

Cuối trung tuần tháng 3/2019, tại Việt Nam xuất hiện bài báo trên tờ báo mạng Vietnamet về trí khôn nhân tạo, người ta đọc thấy một đoạn như sau :

Đáng chú ý trong số này là bài thuyết trình của ông Nguyễn Anh Tuấn - CEO Diễn đàn Toàn cầu Boston về một xã hội trí tuệ nhân tạo, nơi mà các công dân được đánh giá bằng hệ thống thang điểm xã hội còn chính phủ tạo ra các chuẩn mực chung để dẫn dắt người dân.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên là Tổng biên tập của tờ Vietnamnet, nay sống ở Boston, đứng đầu một tổ chức thường có những hoạt động ở Việt Nam.

Bài viết này của ông Tuấn làm dấy lên lo ngại rằng Việt Nam sẽ bắt chước Trung Quốc thiết lập một hệ thống chấm điểm đạo đức của công dân Việt Nam.

Nhà hoạt động xã hội bất đồng chính kiến Nguyễn Tiến Trung nói với RFA :

"Nếu đó là một hệ thống như Tàu thì hết sức là bậy bạ. Trước tiên là con người cũng còn không được phép đánh giá xếp loại người khác, huống hồ gì là một cổ máy. Quản lý quốc gia phải bằng pháp luật, chứ không phải bằng hệ thống thông minh nhân tạo như vậy được".

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội tại Hà Nội nói thông minh nhân tạo nếu được dùng thì chỉ được dùng ở những khía cạnh kỹ thuật, như làm sao điều chỉnh giao thông, tránh kẹt xe, chứ không thể được ứng dụng để đụng đến quyền tự do của con người, như thế thì tuyệt đối không được làm.

Việc nghiên cứu trí tuệ nhân tạo tại Trung Quốc cũng thường hay bị chỉ trích rằng nhà cầm quyền Trung Quốc đã toàn quyền thu thậm dữ liệu cá nhân của công dân để làm chuyện này, và đó là một hành động vi phạm nhân quyền.

Trước sự phản ứng khá mạnh mẽ trên mạng xã hội, ông Nguyễn Anh Tuấn đã viết một bài khác cũng trên Vietnamnet, trong đó ông trần tình rằng sáng kiến mà ông đưa ra sẽ không đụng chạm đến sự riêng tư của công dân, chính phủ cũng không thu thập dữ liệu cá nhân, không đánh giá cá nhân, mà những thông tin về cống hiến xã hội của bản thân, hoặc ghi nhận cống hiến qua các cơ quan truyền thông, báo chí, các tổ chức có uy tín.

Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi từ Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, bình luận rằng hệ thống của ông Tuấn nếu cứ cho là khác của Trung Quốc thì nếu đặt vào Việt Nam thì cũng sẽ khúc xạ trở thành giống như Trung Quốc.

Hai nước Trung Quốc và Việt Nam hiện đang theo một chế độ chính trị giống nhau, các cơ quan truyền thông đều do nhà nước kiểm soát.

Chúng tôi có tìm cách liên lạc với ông Nguyễn Anh Tuấn nhưng không được.

Trở lại với việc áp dụng hệ thống chấm điểm công dân bên Trung Quốc, ông Hồ Như Ý nhận xét rằng sự phản kháng của người dân Hoa Lục với hệ thống này là không đáng kể, vì họ đã cam chịu sự đàn áp của Đảng Cộng sản bấy lâu nay.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A chia sẻ nhận định này :

"Trước kia người Trung Quốc cũng rất là mạnh mẽ nhưng đáng tiếc là trong độ khảng 15 năm trở lại đây thì sự áp bức nó lên đến nỗi làm cho người ta bị thui chột cái tinh thần phản kháng. Tôi tin rằng nếu chính phủ Việt Nam có muốn bắt chước thì cũng vô ích vì người dân Việt Nam không chịu cái đấy".

Ông Hồ Như Ý bổ sung rằng ngoài ra Việt Nam không giống như Trung Quốc, Việt Nam yếu kém hẳn về cơ sở hạ tầng để có thể thiết lập một hệ thống chấm điểm công dân tích hợp những tiêu chuẩn đạo đức của đảng với siêu máy tính, với hệ thống nghe nhìn,… để có thể kiểm soát người dân.

Ông Nguyễn Tiến Trung so sánh hệ thống chấm điểm công dân này với hệ thống hộ khẩu vẫn còn đang tồn tại tại Việt Nam và Trung Quốc :

"Cũng là một hình thức như sổ hộ khẩu, để ràng buộc công dân, để ban phát ân huệ của nhà cầm quyền. Nếu anh nghe nhà cầm quyền thì được điểm cao, phản đối, phản biện thì sẽ được điểm thấp. Điều đó rất là bậy bạ".

Một người Việt Nam sống tại Mỹ bình luận trên Facebook của ông Nguyễn Anh Tuấn rằng ở những quốc gia văn minh thì chỉ có người dân mới có quyền chấm điểm nhà cầm quyền chứ không phải là ngược lại.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 29/03/2019

Quay lại trang chủ
Read 618 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)