Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

31/03/2019

Thực thi Luật Tiếp cận thông tin : Cả nhà nước và người dân chưa sẵn sàng

Nguyễn Trang Nhung

Đã 9 tháng trôi qua kể từ ngày 1/7/2018, thời điểm bắt đầu có hiệu lực của Luật Tiếp cận thông tin. Thời gian tuy ngắn song cũng đủ để đưa ra đánh giá ban đầu về việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin, nhằm có phương hướng cho việc thực thi luật này trong thời gian tới.

info1

Hội trường hội thảo tại khách sạn Hanoi Club, 76 Yên Phụ, Hà Nội

Vì vậy, vào ngày 27/3 vừa qua, Oxfam và một số đối tác đã tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm thực thi Luật Tiếp cận thông tin tại Hà Nội [1]. Hội thảo có sự tham gia của đại diện Bộ Tư pháp, đại diện các Sở Tư pháp tại một số tỉnh, và cùng với đó là các cá nhân và các tổ chức khác.

Qua các tham luận được trình bày tại hội thảo, có thể nhận thấy việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin còn nhiều thách thức. Tựu chung, việc thực thi Luật Tiếp cận thông tin thiếu sự sẵn sàng từ cả hai phía: nhà nước và người dân.

Phía nhà nước tuy được đánh giá bởi đại diện Bộ Tư pháp là đã chủ động và tích cực trong việc triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin, song lại được đánh giá kém khả quan hơn nhiều trong nghiên cứu của Oxfam. 

Đại diện Bộ Tư pháp, bà Nguyễn Quỳnh Liên, cho hay ngay sau khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị về triển khai Luật Tiếp cận thông tin và Chính phủ đã ban hành kế hoạch cho công tác này. Chính phủ cũng đã tổ chức hội nghị trực tuyến để quán triệt tinh thần của luật, cùng các buổi tập huấn chuyên sâu cho các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin và cán bộ đầu mối cung cấp thông tin tại các bộ ngành, địa phương.

Tham luận của bà Liên, tuy nhiên, không chỉ ra được các con số cho thấy độ bao phủ của các buổi tập huấn, cũng như các thông tin cần thiết cho thấy hiệu quả của việc thực thi luật ở cấp trung ương.

Ở một chiều khác, đại diện Oxfam, bà Ngô Thị Thu Hà, cho thấy một bức tranh cụ thể hơn. Qua kiểm tra việc triển khai thực thi Luật Tiếp cận thông tin (về quy trình, đầu mối cung cấp thông tin), nhóm nghiên cứu của Oxfam chỉ thấy 10 trong tổng số 26 cơ quan trung ương đã thực hiện công tác này qua các cổng thông tin điện tử [2], trong đó tích cực nhất là Văn phòng Quốc hội với thông tin đầy đủ về đầu mối cung cấp thông tin ngay trên website của cơ quan này.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu còn thực hiện khảo sát tại 3 tỉnh/thành bao gồm Đà Nẳng, Quảng Bình và Hà Giang, vốn là các địa bàn hoạt động của các đối tác của Oxfam. Kết quả cho thấy một số cơ quan cấp tỉnh, huyện và xã đã phần nào thực thi Luật Tiếp cận thông tin qua việc công bố thông tin trên các cổng thông tin điện tử, song một số địa phương chưa có cổng thông tin điện tử, nên việc công bố thông tin còn nhiều hạn chế.

Điều đáng lưu ý là nhiều cơ quan nhà nước vẫn cung cấp thông tin theo luật chuyên ngành chứ chưa theo tinh thần của Luật Tiếp cận thông tin, nên để có thông tin, người dân phải xin thay vì yêu cầu cung cấp.

Ngoài ra, với các cơ quan nhà nước mà nhóm nghiên cứu của Oxfam thử nghiệm yêu cầu cung cấp thông tin qua thư điện tử, nhóm nghiên cứu không nhận được phản hồi từ các cơ quan này.

Bản thân người viết cũng có chút kinh nghiệm về việc yêu cầu cung cấp thông tin, cụ thể là thông tin về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội tại 3 cơ quan nhà nước (1 phường và 2 quận) tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 năm 2018. Tại thời điểm đó, ngay các cán bộ, viên chức tiếp dân thậm chí chưa hề nghe nói đến luật này.

Phía cơ quan nhà nước đã vậy. Phía người dân có vẻ còn thụ động hơn. Tại các địa phương mà nhóm nghiên cứu của Oxfam thực hiện khảo sát, chưa nơi nào phát sinh yêu cầu cung cấp thông tin từ phía người dân.

Qua tham luận của các đại diện đến từ Sở Tư pháp tỉnh Điện Biên cùng chia sẻ của các đại diện của một số tổ chức khác, có thể thấy tâm lý chung của người dân là e ngại, sợ sệt. Tuy có nhu cầu được biết các thông tin nhất định, song họ bị cản trở bởi tâm lý này và đa số không hề biết rằng mình có quyền tiếp cận thông tin. 

Với sự thiếu sẵn sàng từ cả nhà nước và người dân, Luật Tiếp cận thông tin rất khó để đi vào cuộc sống. Vì vậy, các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động cần quan tâm và đóng vai trò tích cực hơn nữa trong việc thúc đẩy thực thi hiệu quả Luật Tiếp cận thông tin.

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 31/03/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Chú thích :

[1] https://www.facebook.com/quyentiepcanthongtin/posts/2487133971513830

[2] Bao gồm Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Khoa học và công nghệ (theo tham luận của bà Ngô Thị Thu Hà)

Quay lại trang chủ
Read 485 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)