Chuyện này chỉ có trong truyện của Kim Dung, truyện của Thi Nại Am bên Tàu và một vài truyện lẻ trong thời phong kiến Việt Nam, khi mà triều đình lụn bại, sa đọa, các thế lực nổi lên cát cứ, dân tình oán thán… Trong thời đại rực rỡ "Đất nước có bao giờ được như hôm nay" – lời của Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng – sao lại có chuyện giang hồ thế thiên hành đạo ?
Giang hồ "thế thiên hành đạo" ? !
Có đấy, và chuyện này nghe ra không chỉ khôi hài mà đáng sợ ! Mới nhìn thấy đơn giản, Dương Minh Tuyền, một đại ca (lẻ) giang hồ, cũng không mấy khét tiếng bỗng dưng đứng ra thế thiên hành đạo trong vụ cô bé học sinh lớp 9, trường Trung học cơ sở Phù Ủng, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên bị bạn đánh đập, lột áo quần và hành hạ đến mức phải nhập viện tâm thần. Điểm khác biệt ở đây là khi cô bé bị hành hạ, bị bạn cùng lớp đánh đập và nhục mạ, video clip ghi được từ camera an ninh của trường đã bị "ai đó" xóa mất và giáo viên chủ nhiệm, hiệu trưởng thay vì lên tiếng, lên kế hoạch bảo vệ cho cô bé học sinh cũng như giáo dục các học sinh đã bạo lực thì lại giấu nhẹm câu chuyện.
Điều này cho thấy ngay từ trứng nước của sự giáo dục đã có vấn đề, một kiểu lách trách nhiệm để giữ thành tích nhà trường và hơn hết là sự dối trá tự thân của những người làm công tác giáo dục. Tuy vậy, đáng bàn hơn là hệ thống an ninh, cơ quan công quyền địa phương cũng không có động thái đúng mực, và họ đã vô trách nhiệm. Một học sinh nữ bị rơi vào trạng thái nạn nhân bạo lực học đường triền miên đến mức phải nhập viện tâm thần mà cơ quan có trách nhiệm của địa phương vẫn không hay biết. Trong khi đó, theo luật hiện hành, các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học được quản lý và giám sát trực tiếp từ chính quyền địa phương. Đó chỉ mới một vế !
Vấn đề thứ hai là tại sao khi đã biết ban giám hiệu nhà trường cố tình xóa đi video clip bạo lực học đường mà cơ quan hữu trách không vào cuộc điều tra, không có động thái chăm sóc với nạn nhân và không có biện pháp răn đe kịp thời đối với những học sinh đã gây bạo lực ? Chuyện răn đe học sinh bạo lực và thăm hỏi, chia sẻ với nạn nhân, dường như giáo viên chủ nhiệm và ban giám hiệu nhà trường không hề có động thái nào, nó chỉ diễn ra với một đại ca giang hồ. Rõ ràng, ở đây có một sự bất lực không thể chối bỏ của cơ quan công lực, họ không thể hoặc có tình không thể làm gì trước một hiện tượng xã hội có tên gọi là bạo lực học đường một cách dã man, máu lạnh (năm đứa học trò là con gái xúm vào đánh, hành hạ, lột quần áo một đứa bởi đứa bị đánh là con nhà nghèo, cô thế và hơi khờ khạo !).
Sự thờ ơ có tính hệ thống từ giáo viên chủ nhiệm cho đến ban giám hiệu, rồi cơ quan công quyền, thờ ơ đến mức độ chuyện này xảy ra nhiều lần, diễn đi diễn lại, đến mức nạn nhân trở nên trầm cảm và sang chấn tâm lý… Lẽ nào camera an ninh của nà trường chỉ sắm ra để cho có ? Lẽ nào ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm không một lần thử nhìn vào màn hình camera an ninh mà chỉ sắm để gọi là ? Và nếu có nhìn thì biết bao nhiêu lần diễn đi diễn lại, rồi đến khi sự việc tồi tệ xảy ra thì nhà trường lại tổ chức họp kín với phụ huynh của năm đứa gây bạo lực trước, sau đó mời phụ huynh của nạn nhân và trước khi mời đã xóa sạch bằng chứng ?
Như vậy phải chăng có sự đồng lõa, toa rập giữa nhà trường và các gia đình của những đứa gây bạo lực ? Và khi Dương Minh Tuyền đến thăm hỏi, tặng tiền cho gia đình nạn nhân, lên Youtube tuyên bố sẽ hỏi thăm gia đình những đứa gây bạo lực… Thì, xóm làng của gia đình nạn nhân đón Tuyền như một ngôi sao chính trị, thậm chí mức độ nồng hậu còn cao hơn cả việc đón Thủ tướng hay Chủ tịch nước về thăm làng. Liền sau sự việc thăm hỏi của Tuyền là việc ông Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ đến bệnh viện thăm nạn nhân !
Chuyện khôi hài và lố bịch ở chỗ, một người đầu ngành chỉ lên tiếng sau khi giang hồ (mà báo chí trong nước gọi là "người xã hội") lên tiếng ! Và chuyện càng khôi hài hơn khi ông Bộ trưởng Nhạ đến thăm, gần như chẳng có ma nào đón ngoài những người trong ngành giáo dục, nó khác xa với cuộc đón tiếp hết sức nồng hậu và rầm rộ của người dân khi Tuyền đến thăm. Mặc dù số tiền của Tuyền mang đến tặng cũng không phải là lớn, chưa đầy 30 triệu đồng (đương nhiên không phải là nhỏ) nhưng không ít người cho rằng đó là số tiền "cải cách giáo dục", số tiền làm thay đổi tư duy giáo dục, số tiền nhân đạo và sạch sẽ nhất…
Ơ hay ! Tiền của giới giang hồ được xem là tiền sạch sẽ, tiền làm thay đổi tư duy giáo dục nghĩa là sao ? Trong khi tiền của ngành giáo dục là tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân góp trong từng đồng thuế, vậy mà khi qua tay ông Nhạ, nó trở thành một thứ gì đó vô nghĩa, không ai nhắc đến, vậy nghĩa là sao ? Và, cả một hế thống công quyền, hệ thống pháp luật, hệ thống giáo dục đang đứng ở đâu mà để cho một kẻ giang hồ với đúng bộ dạng xăm trỗ đầy mình, vận quần đùi, đi dép lê, tóc húi cua dài tó, mặt mày bặm trợn lại lên tiếng giáo huấn đạo đức cho những đứa học trò hư hỏng ? Và hơn nữa, lẽ nào đất nước này không còn có người nào đủ tư cách, đủ đạo đức và đủ sức hút quần chúng, nhân dân hơn một kẻ giang hồ (mà trong giới xã hội đen thì Tuyền cũng chả có tên tuổi gì) ? Lẽ nào mọi thứ cơ quan hay quan chức chỉ là loại bù nhìn, việc thu xếp, củng cố trật tự, đạo đức xã hội lại là trách vụ của giới giang hồ ? ! Liệu đây có phải là dấu hiệu cho thấy xã hội Việt Nam đang chạm đáy ? ! Và giới giang hồ đã chính thức bước vào "thế thiên hành đạo" ? !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 02/04/2019 (VietTuSaiGon's blog)
*******************
‘Thánh chửi’ giúp gia đình học sinh bị đánh hội đồng được ca ngợi là ‘anh hùng’ (VOA, 03/04/2019)
Hình ảnh một người đàn ông xăm trổ đầy mình được nhiều người vây quanh chào đón khi tới thăm gia đình một học sinh mới nhập viện do bị bạn cùng lớp hành hung đang được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội trong những ngày qua. Có người gọi người đàn ông được biết với cái tên ‘thánh chửi Dương Minh Tuyền’ là ‘hiệp sĩ’ hoặc tung hô là ‘anh hùng’.
'Thánh chửi' Dương Minh Tuyền được người dân chào đón khi đến thăm gia đình học sinh bị hành hung ở trường tại Hưng Yên. (Facebook Trang Tin Việt Nam)
Anh Tuyền, một người từng vào tù vì "quấy rối trật tự công cộng", tới Hưng Yên hôm 31/3 giữa lúc dư luận đang bức xúc và phẫn nộ trước việc một nữ sinh phải nhập viện tâm thần sau khi bị năm học sinh khác đánh hội đồng, lột đồ rồi quay clip xảy ra ở trường Trung học cơ sở Phù Ủng, Hưng Yên.
Theo Tuổi Trẻ, ban giám hiệu của nhà trường đã không có hành động nào trong suốt một tuần sau khi cô nữ sinh có tên là N.T.H.Y, bị các bạn nữ cùng trường hành hung trước sự chứng kiến của các bạn học.
Một số học sinh khác cùng lớp với H.Y. cho Tuổi Trẻ biết H.Y. có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tính tình nhút nhát nên thường xuyên là nạn nhân của những vụ hành hung và đánh hội đồng.
Vào ngày 28/3, H.Y phải nhập viện trong tâm trạng hoảng loạn, mặt sưng tím nhiều chỗ. Theo Báo Mới, bác sĩ chẩn đoán H.Y có những biểu hiện sang chấn về tâm lý và tinh thần.
Trong lúc truyền thông chính thống đưa những hình ảnh Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ tới "thăm hỏi động viên" H.Y tại bệnh viện thì mạng xã hội lan truyền hình ảnh của Minh Tuyền tới thăm gia đình cô nữ sinh này để trao tiền quyên góp và sau đó tới thăm H.Y tại bệnh viện.
Theo ZingNews, ‘thánh chửi’ đất Bắc Ninh Minh Tuyền từng lĩnh 32 tháng tù vào năm 2017 về tội gây rối trật tự công cộng và phá hoại tài sản.
Trong video clip quay ảnh ‘thánh chửi’ nói chuyện với gia đình nạn nhân ở bệnh viện, Minh Tuyền cho biết anh đã quyên góp được 35 triệu đồng để giúp gia đình và cam kết bảo vệ H.Y để cô nữ sinh này không còn bị bắt nạt hay đánh đập ở trường nữa.
Bùi Sơn, một người tình cờ gặp Minh Tuyền tại bệnh viện khi cũng đến thăm gia đình H.Y, đã quay lại video đó và khẳng định về những lời nói trên của người được coi là có nhiều tăm tiếng trong giới xã hội.
"Hôm Tuyền về Hưng Yên, Tuyền được nhiều người chào đón. Lý do mọi người hưởng ứng là do Tuyền cho biết sẽ về thăm em (học sinh) bị bạo hành và ủng hộ gia đình về vật chất cũng như đảm bảo việc sẽ bảo vệ cháu bé để lần sau không bị các bạn trong lớp bắt nạt nữa và không sợ bị trả thù. Hành động đó được nhiều người ghi nhận".
Trong đoạn video do anh Sơn đăng tải trên Facebook, Minh Tuyền nói rằng anh muốn "bênh vực cái đúng, tìm lại công bằng cho cháu" H.Y cũng như giúp ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường.
Theo anh Sơn, một người dân Hà Nội hay lên tiếng về các vấn đề bức xúc trong xã hội, bạo lực học đường là một vấn đề đáng lo ngại và việc cách chức hoặc kỷ luật các giáo viên hay hiệu trưởng để xảy ra những vụ việc này mới chỉ là "giải quyết phần ngọn". Còn phần "chìm" của vấn đề là làm sao để bảo vệ học sinh thì chưa được giải quyết.
"Về phía các nhà quản lý trong lĩnh vực giáo dục, họ có quyền lực để làm những việc khác nhưng để đảm bảo chắc chắc rằng nạn nhân sẽ không còn bị tiếp tục bắt nạt nữa thì xem ra cách của Minh Tuyền hiệu quả hơn tất cả trong bối cảnh các nhạn nhân của bạo lực học đường không dám nói với gia đình, không dám nói với thày/cô giáo vì sợ bị trả thù, và điều đó thì đương nhiên lãnh đạo ngành giáo dục không giải quyết được".
Nhiều người sử dụng mạng Facebook gọi Minh Tuyền, một người trong giới giang hồ, là một hiệp sĩ và anh hùng.
Một Facebooker có tên Ngô Thắng viết "Giang hồ mà có đạo lý, giang tay che trở giúp đỡ người nghèo, người yếu thế, người bị đánh đạp hành hạ thì đúng là hiệp sĩ anh hùng của dân Việt ta".
Một số người so sánh việc làm này với những quan chức khi đặt câu hỏi liệu "Quan chức Việt Nam mà có một chút tấm lòng nghĩa hiệp như vậy thì dân sao khổ được".
Facekooker Mạnh Ngô cảm thán rằng sự việc này "thật làm cho người ta suy nghĩ về nhân tình thế thái !".
"Nó phản ánh rất rõ tâm thế bàng quang của thượng tầng và một sự ghẻ lạnh của hệ thống quản lý đối với một hạ tầng xã hội bất ổn", Facebooker Nguyễn Tiến Trường viết trên trang cá nhân, và cho rằng các lãnh đạo cao cấp không "chịu xuống thăm hỏi công dân đau khổ của họ" trong khi đây là một việc làm mà đối với nguyên thủ nước ngoài gần như một phản xạ".
Facebooker này kết luận rằng khi một "giang hồ", một thanh niên ngổ ngáo "chất vấn về đạo lý giáo dục có nghĩa là xã hội đó đang được vận hành bởi thước đo cơ bắp và cái ác. Chỉ cái ác mới có thể khuất phục cái ác, một vòng luẩn quẩn".