Khi ông Thủ tướng trăn trở về nạn phá rừng, thì tại quê ông [Quảng Nam] nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra, và gần đây nhất, cánh báo chí phát hiện khu nghỉ dưỡng mọc trái phép giữa rừng phòng hộ Trà Lý tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong khi đó, tại phía Bắc, rừng phòng hộ Sóc Sơn với hàng tá biệt thư xâm chiếm vẫn tiếp tục xây dựng, và tìm cách hợp pháp hóa.
Tác giả Stephen Nash (Thời báo New York) trong một bài viết ngày 1/4 đã đề cập đến sự biến mất những cánh rừng và đe dọa hệ sinh thái tại Việt Nam.
Biệt phủ trong rừng phòng hộ Sóc Sơn
"Bất chấp những cuộc chiến kéo dài và bi thảm với Nhật, Pháp, Trung Quốc và Mỹ, Việt Nam là một kho báu [về đa dạng sinh học]".
"Hàng trăm loài thực vật và động vật mới được phát hiện ở Việt Nam trong ba thập kỷ qua, và nhiều hơn nữa được ghi nhận mỗi năm"…
Nhưng tác giả đã sớm kết thúc sự choáng ngợp trước sự đa dạng sinh học đó, với những khu rừng quốc gia [rừng có tính đa dạng sinh học cao và được bảo vệ] để đến với thực tế, Việt Nam là trung tâm về buôn bán động vật hoang dã trên thế giới. Và hội chứng "rừng trống" đã và đang trở thành xu hướng tại đất nước này.
Tàn phá hệ sinh thái đến từ nhiều lý do, trong đó có cả đặc tính rất Á châu, một danh mục dài các phương thuốc có mục đích bổ trợ sức khỏe. Và cạnh đó là nhu cầu ăn "thịt rừng" của người Việt, tại nhiều nơi, nổi trội là các nhà hàng ở vùng đô thị.
Nhưng, tác giả Stephen Nash vẫn chưa đến tận cùng của nạn xâm hại hệ sinh thái ở Việt Nam, bởi ông còn tìm kiếm câu hỏi và trả lời ở những khu rừng quốc gia hoặc một số điểm còn được bảo vệ.
Cách đây không lâu, nhóm người bạn của nhà báo Trương Châu Hữu Danh đã sử dụng thiết bị bay (flycam) trên vùng Tây Nguyên. Kết quả đã cho thấy, trong phạm vi mà flycam ghi nhận được, thì chỉ còn những đồi trọc.
Tây Nguyên, hệ sinh thái lớn, nơi bạt ngàn những cánh rừng đã bị xóa sổ hoàn toàn, và có những người giàu lên từ sự phá hủy đó, ông chủ của CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, Bầu Đức là một trong những con người như vậy.
Đà Nẵng, thành phố được coi là đáng sống nhất tại Việt Nam cũng từng được báo giới quốc tế đề cập, khi khu vực sinh thái Sơn Trà mọc lên những căn biệt thự, mà không ít trong số đó là của giới quan chức đương quyền và nghỉ hưu, ở cả cấp trung ương lẫn địa phương.
Tham nhũng là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của những cánh rừng, bổ sung những nhóm người giàu vì triệt phá thiên nhiên. Những nhóm quan chức vẫn thường xuyên có vai trò lớn đằng sau triệt phá hàng hecta rừng, những kiểm lâm viên – thậm chí trở thành những kẻ phá rừng mang tính chất quy mô và bài bản.
Câu nói của ông Hồ Chí Minh năm xưa, thập niên 60 của thế kỷ XX đã trở thành một câu nói đánh đố và đầy thách thức ngược cho thiên nhiên Việt Nam hiện nay.
"Rừng là vàng, nếu chúng ta biết bảo vệ rừng sẽ đem lại cho con người nguồn tài nguyên vô cùng quý giá"…
Những biển hiệu "Rừng là vàng và cần biết bảo vệ" mọc lên đầy tại những nơi có rừng, nhưng những đoàn xe chở gỗ lậu, động vật hoang dã vẫn thoải mái đi qua các trạm kiểm soát rừng.
"Rừng là vàng : chúng ta đang bảo vệ hay tận thu" đã có câu trả lời thực tế nhất, đó là đã – đang và sẽ tiếp tục tận thu. Những thứ còn sót lại sẽ tiếp tục biến mất trong tương lai, như cách mà tham nhũng vẫn đang len lỏi trong đời sống xã hội, chính trị người Việt.
Năm 2017, ông Nguyễn Xuân Phúc – Thủ tướng Việt Nam đã ví von, rừng là vàng, chặt 1 cây gỗ cũng phải thắp hương lạy cây!. Dư luận xã hội được đợt cười vui vẻ, nhưng thực sự, đó là biểu hiện xa xỉ của việc bảo vệ rừng tại Việt Nam, nhất tại tại những điểm nóng như khu bảo tồn, rừng đầu nguồn,…
Phá rừng núp bóng thủy điện, các dự án kinh tế, các quyết sách – chủ trương "bán rẻ thiên nhiên để phát triển", hay thậm chí chuyển đổi mục đích sử dụng vẫn là một trong những cách thức để tấn công vào chủ trương của chính Nhà nước Việt Nam đặt ra, trong đó đóng cửa rừng, không khai khác gỗ rừng tự nhiên.
Tuy nhiên, từ chủ trương, chỉ đạo cho đến hành động là xa vời tại đất nước mà trên nóng, dưới lạnh.
Khi ông Thủ tướng trăn trở về nạn phá rừng, thì tại quê ông [Quảng Nam] nạn phá rừng vẫn tiếp tục diễn ra, và gần đây nhất, cánh báo chí phát hiện khu nghỉ dưỡng mọc trái phép giữa rừng phòng hộ Trà Lý tại xã Duy Sơn (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong khi đó, tại phía Bắc, rừng phòng hộ Sóc Sơn với hàng tá biệt thư xâm chiếm vẫn tiếp tục xây dựng, và tìm cách hợp pháp hóa.
Trong khi đó, "siêu nghĩa trang" hay "siêu chùa" núp bóng tâm linh đã tiếp tục bổ sung cách thức phá rừng công khai.
Siêu nghĩa trang tại rừng Tam Đảo đã "cam kết" làm biến mất 350ha rừng phòng hộ ở núi Ngang nhằm mục tiêu… phát triển bền vững.
Và Chùa Ba Vàng [ngôi chùa tai tiếng với nạn truyền bá mê tín dị đoan] từng có hẳn một Dự án Khu du lịch tâm linh thiền Trúc Lâm - Quảng Nam hay còn gọi là chùa "Ba Vàng Quảng Nam" với quy mô 200 ha, tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng. Và tất nhiên là nằm giữa rừng phòng hộ (Phú Ninh, Quảng Nam), như là một cách hòa mình với thiên nhiên.
Thiên nhiên tiếp tục bị tàn phá, bởi trong mắt những kẻ tham ô, rừng phá đi sẽ quy đổi thành vàng, thay vì để tồn tại. Và suy nghĩ này, quan điểm này chưa bao giờ đứt đoạn trong cơ chế hiện tại. Và "rừng vàng " sẽ tiếp tục biến mất, như một... quy luật tự nhiên - xã hội.
An Viên
Nguồn : VNTB, 04/04/2019