Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

EVFTA : nhân quyền mờ nhạt và sự nhún nhường từ EU ?

An Viên, VNTB, 07/11/2019

Như vậy, đây là lần thứ hai các tổ chức phi chính phủ Việt Nam lên tiếng về Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

evfta1

Trong bối cảnh, tại Việt Nam, "vi phạm nhân quyền lan rộng và nghiêm trọng".

Vào 18/1/2019, 18 tổ chức phi chính phủ kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam, trong thư kêu gọi "Hội đồng và Nghị viện EU hoãn ký thông qua về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho đến khi Chính phủ Việt Nam cho thấy những cải tiến cụ thể làm xấu đi hồ sơ nhân quyền".

Và sau gần một năm, vào ngày 4/11/2019, một lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU "hoãn chấp thuận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Thỏa thuận bảo vệ đầu tư nhân quyền (IPA) cho đến khi đạt được các tiêu chuẩn nhân quyền nhất định của chính phủ Việt Nam". Trong bối cảnh, tại Việt Nam, "vi phạm nhân quyền lan rộng và nghiêm trọng".

Điểm chung của hai lá thư là hướng đến ràng buộc thực thi yếu tố nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đồng ý chấp thuận ở EVFTA và IPA cũng như hình thành một cơ chế giám sát, khiếu nại các vấn đề nhân quyền độc lập, và nhóm tư vấn trong nước.

Quan điểm mới nhất của nhóm tổ chức xã hội dân sự Việt Nam lần này chính là nhằm đảm bảo cho EU chứng minh tổ chức tài chính - quốc gia lớn này không phải là... nền dân chủ sáo rỗng. Và thực tế, những người quan tâm nhân quyền ở Việt Nam kỳ vọng một thỏa thuận thương mại phải ràng buộc về những cải thiện nhân quyền, và điều này phải được thực thi thay vì tiến hành thiếu rõ ràng và chắc chắn.

Những năm vừa qua, EU luôn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các quốc gia mà tình trạng nhân quyền ở đó có vấn đề. Và sau nhiều lần cứng rắn, thì EU thường "chốt deal" bằng một thái độ mềm mỏng hơn với lý do, thương mại sẽ làm mở rộng quan hệ giữa hai bên và giúp cho EU tiếp cận tốt hơn tình hình nhân quyền ở nước mà EU đang hướng tới.

Trong một số trường hợp khác, như Campuchia, EU thực hiện nhượng bộ đối với vấn đề nhân quyền nước này với quan điểm, việc chấm dứt ưu đãi thương mại sẽ làm nghèo nàn những người lao động đã nghèo bị tổn thất.

EU từng đặt vấn đề loại Campuchia ra khỏi thỏa thuận thương mại ưu đãi của khối này (EBA), chương trình mà Campuchia được hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU. Và 40% hàng hóa Campuchia đã được xuất sang EU, trị giá 6 tỷ USD.

Để nằm trong EBA, các quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền.

Nhưng khi tình hình nhân quyền Campuchia tệ đi, thì chính các quốc gia trong khối EU lại "vận động hành lang" cho đất nước chùa tháp này. Czech, Hungary là một trong những nước như vậy. Và sẽ thiếu vắng nếu không điểm danh Phòng Thương mại EU tại Campuchia khi vào tháng 9/2019, đã kêu gọi Brussels có "suy nghĩ tỉnh táo" về việc loại bỏ tình trạng EBA với Campuchia. Lý do, điều đó sẽ "gây nguy hiểm cho đầu tư EU, cộng đồng doanh nghiệp EU, các sáng kiến phát triển EU và sinh kế của công dân Campuchia".

Phòng thương mại EU chính là nơi vận động hành lang bận rộn của giới chính trị gia các nước có hình ảnh nhân quyền tệ hại, và giới doanh nhân EU. Nói cách khác, để đảm bảo "thương mại" trên hết, và làm lu mờ giá trị "nhân quyền" thì Phòng thương mại này được đánh giá là một cứ điểm khá quan trọng.

Quay trở lại vấn đề Việt Nam, cần thừa nhận rằng, nhân quyền Việt Nam trong mắt EU hiện thời cực kỳ mờ nhạt so với những giá trị thương mại mà EU được hưởng lợi. Đó là lý do giải thích vì sao, Chủ tịch Ủy ban Nghị viện EU, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) và Phó Chủ tịch Jan Zahradil trong chuyến thăm 3 ngày tại Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua đã tiếp tục đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam và chuẩn bị tỉ mỉ cho việc phê duyệt Hiệp định EVFTA và IPA. Và Czech, quốc gia "vận động hành lang" để làm mờ nhạt nhân quyền Campuchia trước đó đã tiếp tục góp phần làm mờ nhạt nhân quyền Việt Nam, khi một hội thảo về triển vọng hợp tác kinh tế và đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Czech, và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do EVFTA đem lại được thảo luận tại Prague vào ngày 25/10. Lucie Vondrackova, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại và các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương Czech, cho biết EVFTA mang lại lợi ích lớn cho cả EU và Việt Nam, bao gồm cả Cộng hòa Czech.

Điều đó cho thấy triển vọng sáng của EVFTA trong tương lai, khi nó được ký kết, và nhân quyền vẫn là những cam kết hời hợt.

Ở một góc độ tích cực, thì lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU kêu gọi hoãn ký kết EVFTA cho thấy tiếng nói lương tâm của những người quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Và là biểu chứng rõ nét cho thấy, EU có thực sự quan tâm đến nhân quyền như cách họ thường hay rao giảng, hay đơn thuần chỉ là "món hàng" được mua bán và được bán khi ngả giá thích hợp. 

An Viên

Nguồn : VNTB, 07/11/2019

*****************

Xã hội dân sự tác động đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào ?

Tử Dương, RFA, 06/11/2019



evfta2

Tọa đàm cập nhật EVFTA tại Hà Nội hôm 1/11/2019 - Courtesy of FB Friedrich-Ebert-Stiftung Vietnam

"Công đoạn thực thi EVFTA, có thể bắt đầu từ tháng 06/2020, sẽ quyết định liệu hiệp định này chỉ phục vụ các đại gia kinh tế, hay còn đem lại lợi ích cho cả những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA, xoay quanh ‘Thương mại và Phát triển Bền vững’, có các cơ chế để báo chí và xã hội dân sự Việt Nam tác động vào quá trình thực thi Hiệp định".

Đó là thông điệp mà ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu (INTA), đưa ra trong buổi Tọa đàm "Cập nhật EVFTA I", do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển (IPS), Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Friedrich Ebert Stifung (FES) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 01/11/2019.

EVFTA có thể được phê chuẩn vào tháng 02/2020

Mới đây, ông Lange và phái đoàn INTA đã có chuyến công tác tới Hà Nội, nhằm đánh giá sự chuẩn bị của Việt Nam với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Hai bên đã trao đổi nhằm thống nhất cách hiểu về một số vấn đề còn chưa được làm rõ trong Chương 13 của Hiệp định, xoay quanh "Thương mại và Phát triển Bền vững".

evfta3

Ông Axel Blaschke – Trưởng Văn phòng đại diện Viện Friedrich Ebert Stifung tại Việt Nam Hình do tác giả cung cấp

Sau đó, Nghị viện Châu Âu (EP) sẽ tiếp tục thảo luận về Hiệp định vào ngày 06/11, trước khi bỏ phiếu vào ngày 31/01/2020. Nếu đủ phiếu thuận, EP sẽ phê chuẩn Hiệp định vào tháng 02/2020, mở đường cho Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định vào tháng 5, để EVFTA có hiệu lực từ tháng 6.

Lange cho biết ông "lạc quan" về khả năng phê chuẩn EVFTA, vì Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong cả 2 vấn đề chính của Chương 13, là quyền lao động và môi trường.

Cụ thể, về quyền lao động, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), xoay quanh việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hai bên cũng đã thống nhất rằng Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn Công ước số 87 - Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công ước số 105 - Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Lange cho rằng việc Việt Nam bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 sẽ mở đường cho việc phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại của ILO, tạo một bước tiến lớn để thuyết phục EP thông qua EVFTA.

Về lĩnh vực môi trường, Việt Nam là một trong những nước mà EU có thể sớm thảo luận về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.

Tuy nhiên, vì chỉ còn 3 tháng trước thời điểm bỏ phiếu về Hiệp định, ông Lange cho rằng quá trình trao đổi sẽ "khá gai góc".

Xã hội dân sự tác động đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào ?

Trong buổi hội thảo, ông Bernd Lange cho biết quá trình thực thi EVFTA, có thể bắt đầu sau tháng 06/2020, mới là khâu quyết định liệu Hiệp định có hay không đem lại lợi ích cho những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi Hiệp định, là "Nhóm Tư vấn Trong nước" (Domestic Advisory Group – DAG).

Theo đó, DAG là một hội đồng gồm đại diện của các tổ chức dân sự độc lập, nhóm họp để giám sát, tư vấn cho chính phủ về quá trình thực thi EVFTA. Báo cáo của DAG được công bố công khai sau khi trình lên Ủy ban chuyên trách về Thương mại và Phát triển Bền vững. Việt Nam và EU sẽ tự quyết định thủ tục để thành lập DAG, và bổ nhiệm thành viên cho DAG của mỗi bên. DAG của hai bên sẽ gặp nhau mỗi năm một lần để đối thoại.

Ông Lange cho rằng các tổ chức dân sự ở Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ chế DAG để tham gia vào quá trình thực hiện Chương 13 EVFTA. Việt Nam có thể tham khảo trường hợp của Canada, nơi DAG đã tích cực thúc đẩy việc giảm thiểu nhiệt điện than, và việc áp chế tài cụ thể cho các vi phạm.

Trong 5 năm tới, EU sẽ không ký thêm nhiều FTA, để tập trung vào việc giám sát thực hiện các FTA mới ký.

Cuối buổi tọa đàm, ban tổ chức đã khởi động Chương trình Hỗ trợ báo chí viết về EVFTA. Theo đó, IPS, CDI và FES sẽ thành lập nhóm tư vấn, hỗ trợ phóng viên khai thác tuyến đề tài liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. Nếu đề tài được duyệt, phóng viên sẽ được hỗ trợ kinh phí để gặp gỡ người lao động và các tổ chức công đoàn, nhằm hoàn thành loạt bài viết.

Những trở ngại trong thực tế và giải pháp

Đa số các tổ chức dân sự Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế DAG, do chính quyền là bên quyết định danh sách thành viên của nhóm tư vấn này, cũng như cấp kinh phí cho nó hoạt động. Dù vậy, người viết cho rằng xã hội dân sự vẫn có thể tận dụng DAG để giám sát quá trình thực thi Chương 13 EVFTA, thông qua hai phương thức.

Một, là cung cấp thông tin về các vụ vi phạm cho DAG của EU.

Hai, là tác động đến các quyết định của DAG của Việt Nam bằng dư luận.

Ngoài ra, cũng nên khuyến khích DAG của Việt Nam tổ chức các cuộc thảo luận mở, cho phép nhiều bên tham gia, để cơ chế DAG nằm trong tầm với của xã hội dân sự.

Tử Dương

Nguồn : RFA, 06/11/2019

Phụ lục 1 – Một số thông tin bổ sung :

- Link sự kiện : https://www.facebook.com/events/968397890175170

- Thông tin và ảnh chụp của FES về buổi tọa đàm :

https://www.facebook.com/FriedrichEbertStiftung.Vietnam/posts/2768081063231624?__tn__=-R

Published in Diễn đàn

Phải sau 3 tháng, ông Nguyễn Phú Trọng với tư cách Chủ tịch nước kiêm Tổng Bí thư Đảng mới lên tiếng nhấn mạnh "kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia và kiềm chế xung đột" tại Biển Đông.

npt1

Ông Nguyễn Phú Trọng sức khỏe sa sút, đến mức việc tiếp đón các sứ đoàn cũng là một khó khăn.

Trong một video được ghi nhận gần đây cho thấy, chân trái của ông Trọng có vấn đề, dường như là di chứng để lại sau biến cố tại Kiên Giang.

Sức khỏe ông Nguyễn Phú Trọng, dù được bảo bọc bởi Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương, tuy nhiên, vẫn tiếp tục bị bào mòn bởi khối lượng công việc lớn trong đảng. Từ câu chuyện chủ quyền Biển Đông, đến sắp xếp nhân sự trong kỳ Đại hội tới.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang rơi vào trạng thái "burnout", sức tàn lực kiệt ở ngay trong bộ máy chính trị Việt Nam. Mặc dù cũng cần ghi nhận nỗ lực của ông trong đưa các "quan tham" ra ánh sáng, và chấn chỉnh lại kỷ luật trong Đảng.

Thế nhưng "burnout" ở ông Trọng không chỉ đến từ sức khỏe, mà cả trong cải tổ bộ máy đảng và nhà nước. Khả năng quyền lực của ông Trọng đang bị thách thức bởi khối lượng công việc ngày càng nhiều, mà nếu ông không trực tiếp đứng ra chỉ đạo thì nó sẽ vẫn là đống hồ sơ tồn đọng.

"Gánh nặng" đó có thể được hiểu nhiều ở góc độ cơ chế không tự nó giải quyết được, mà phải dựa vào quyền lực cá nhân của một người. Và khi một người bị suy giảm quyền lực, thì các vấn đề thuộc cơ chế lại tiếp tục nảy sinh.

Việt Nam có thể tự hào "lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp có bộ trưởng khai nhận hối lộ", nhưng đề cập chính xác phải là "lần đầu tiên bộ trưởng buộc khai nhận hối lộ". Và còn đó nhiều những đảng viên trung và cao cấp khác vẫn chưa bị lộ, bởi sự nép kín trong bức màn chính trị.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh bị đánh giá là "có vi phạm, khuyết điểm nghiêm trọng trong công tác" liên quan đến phần thoái vốn trái quy định tại cảng Quy nhơn, cảng Quảng ninh, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, gián tiếp gây thất thoát hơn 1.000 tỷ đồng ở Bảo hiểm xã hội Việt Nam... Thế nhưng kết cục vẫn nhận được kỷ luật cảnh cáo về mặt hành chính.

Tại Malaysia, vị Thủ tướng Mahathir Mohamad (93 tuổi) đã đưa cựu Thủ tướng trước đó, ông Najib Razak ra tòa vì liên quan đến tham nhũng, và đang tiếp tục nỗ lực thu hồi tài sản tham nhũng lên đến 100 triệu USD.

Ông Nguyễn Phú Trọng có thể khỏe hơn về cách xử lý và đấu tranh với những người từng là "đồng chí" của mình nếu như có một cơ chế có thể lôi bất kỳ ai, ở địa vị nào ra khỏi sàn đấu chính trị và đối diện trước pháp luật. Nơi mà luật nhà nước là trên hết, cao nhất và quyền lực nhất.

Thế nhưng, câu chuyện ở Việt Nam vẫn là "kỷ luật đảng, áp hình sự". Khi "kỷ luật đảng" chưa đến mức buộc khai trừ, thì câu chuyện đối diện với hình sự ở các cá nhân là đảng viên là rất hiếm hoi.

Cũng giống như vấn đề Biển Đông, xử lý tranh chấp Biển Đông vẫn dựa trên tinh thần "hòa hiếu" giữa "hai Đảng và hai Nhà nước". Và thậm chí, yếu tố "đảng" còn được diễn giải như là cách thức của xử lý, trong đó "không để các thế lực thù địch phá hoại quan hệ hai Đảng, hai nước, xử lý các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để ảnh hưởng tới quan hệ hai Đảng". Thế nhưng, dù cố gắng điều hòa tinh thần thuận hảo của hai Đảng, thì Trung Quốc vẫn cứ làm càn, và vai trò Chủ tịch nước đã bị lu mờ trước Tổng Bí thư, để mãi sau 3 tháng thì ông Nguyễn Phú Trọng mới "thực sự lên tiếng". Trong khi, chủ quyền quốc gia đang bị xâm hại từng ngày, từng giờ.

Lên tiếng nhỏ giọt về tình hình Biển Đông, hay các đối tượng tham ô có liên quan đến ngân sách quốc gia đang "ngã giá" trong quá trình chống tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng (điển hình là hiện tượng Phạm Nhật Vũ) đã trở thành một trong những điển hình trong mớ bòng bong mà ông Nguyễn Phú Trọng, với sức tàn, lực kiệt, mắt mờ và chân tay run lẩy bẩy phải gỡ rối.

Nhưng thời gian của ông không đủ để gỡ rối của một hệ thống khổng lồ đó, quyền lực cá nhân chỉ giải quyết cái hiện tượng chứ không phải bản chất. Thế nên cách thức đó đã đem lại cho ông Nguyễn Phú Trọng một giải pháp tạm thời và một kết quả tạm thời.

Và ông Nguyễn Phú Trọng sẽ như thế nào nếu không tuân theo luật do chính ông đề ra ? Khi vào đầu năm 2018, dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 90 quy định các quan chức chính trị cao cấp phải vượt qua các bài kiểm tra sức khỏe để tiếp tục tại chức.

Hiện tại, ông Nguyễn Phú Trọng sức khỏe sa sút, đến mức việc tiếp đón các sứ đoàn cũng là một khó khăn.

Đảng của ông Trọng đang cải thiện, nhưng không nghĩa điều này sẽ kéo dài, và nếu không hiểu được nguyên lý "bản chất – hiện tượng" thì cách ông Trọng phải trả giá bằng sức khỏe của mình cũng chỉ là :

"Dã Tràng xe cát biển Đông

Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì".

Điều quan trọng, Việt Nam đang trải qua những thay đổi kinh tế xã hội quan trọng. Cần một sự đổi mới chính trị rõ ràng, hơn là một ông già đang loay hoay trong "căn bệnh burnout", một căn bệnh mà chính ông và cơ chế ông đang tìm cách cải tổ mắc phải.

Tương lai của Việt Nam có thể tiếp tục tụt hậu so với Malaysia nếu như không thay đổi cơ chế chính trị, giống như sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng so với Thủ tướng Mahathir Mohamad, mặc dù ông Trọng kém tuổi hơn rất nhiều.

An Viên

Nguồn : VNTB, 06/11/2019

Published in Diễn đàn

Thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam đến đâu ?

Quang Nguyên, VNTB, 03/11/2019

Báo Quân Đội Nhân Dân (1) online có bài viết : "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam" của Tiến sĩ Cao Đức Thái Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bài viết có nhiều điểm sai, dưới đây chúng tôi trình bày một số trong đó.

nhanquyen1

Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết : Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc "thiểu số phục tùng đa số", ông đã không biết hay cố tình quên vế sau của nguyên tắc dân chủ là "thiểu số phải được tôn trọng". Chính không tôn trọng quyền của thiểu số mà tình trạng bất công xảy ra đầy rẫy ở Việt Nam, khiến cái gọi là tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam bị công kích bởi chính người Việt trong nước, ngoài nước, trên các diễn đàn thế giới. Tại các các cuộc họp định kỳ của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc (2) Việt Nam phải nhiều lần nhận các bản ghi nhớ về những thiếu sót về nhân quyền trong nước.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần hẹn lần hẹn lữa để sửa đổi sai lầm, nhưng hàng chục năm qua, tình trạng vẫn không thay đổi là bao. Hồ sơ tố cáo vi phạm nhân quyền ở Việt Nam càng ngày càng cao hơn trong hồ sơ cứu xét của Liên Hiệp Quốc. Ngày 4-5 tháng 11 này diễn ra hội nghị Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin (Freedom of Religion or Belief-FoRB), những vi phạm quyền tự do tôn giáo và niềm tin của 11 nước vùng Đông Nam Á sẽ được đem ra trình bày, mổ sẻ và phê phán. Các đại sứ, quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề này, các vị đại diện các tòa đại sứ, các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, đại diện nhiều tổ chức NGO có các hoạt động liên quan sẽ lắng nghe, tìm hiểu và đặt vấn đề với các quốc gia liên quan để tìm biện pháp giải quyết. Việt Nam là một nước bị nhắc đến nhiều nhất. Trong những hội nghị trước, không hề thấy bóng đại diện Việt Nam. 

Ông tiến sĩ này còn viết : "Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền". Có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền không phải đặc trưng chế độ dân chủ Mỹ. Mỹ là một quốc gia dân chủ, đa đảng, trong các cuộc bầu cử có hàng chục đảng ra tranh cử, đảng Cộng sản Mỹ cũng đưa người ra tranh cử như các đảng khác ở các vị trí từ cấp city, county, cho đến tiểu bang (thống đốc), quốc gia (tổng thống), đảng nào thắng đảng đó cầm quyền. Nếu nói như ông Tiến sĩ, chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền thì Hoa kỳ đã trở thành một nước không dân chủ vì chỉ hai đảng thay nhau cai trị.

Singapore từ sau độc lập chỉ có một đảng cầm quyền, đảng Nhân Dân Hành Động, PAP, nhưng không bị gọi là chế độ độc tài đảng trị như Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba vì nước này có nhiều đảng đối lập, cùng đua nhau tự do tranh cử, nhưng chỉ đảng Nhân Dân Hành Động thắng, đôi khi gần như tuyệt đối. Việt Nam không có dân chủ trong các cuộc "tự do bầu cử’, người dân không có quyền bầu cho ai khác ngoài nhũng người được đảng chỉ định ra ứng cử. Câu "đảng cử dân bầu" thấy rõ điều này. Người gọi là đại biểu không phải đại diện cho dân. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân Việt Nam không qua bầu cử tự do. Đây là chế độ độc tài, độc đảng cai trị. 

Ông Thái viết : [trong thể chế dân chủ] "Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh : Lập pháp, hành pháp và tư pháp".

Thực tế Việt Nam không có 3 nhánh đó, hệ thống cai trị của Việt Nam quy tụ chỉ dưới quyền một đảng. Tháng 7 vừa qua, Tạp chí Cộng sản có bài : Nhập khẩu thuyết "Tam quyền phân lập" hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực của Tiến sĩ Tần Hậu Thành, trong ban tổ chức trung ương (3). Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn khăng khăng không áp dụng tam quyền phân lập, họ xem đó là nguyên nhân gây bất ổn chính trị và tranh giành quyền lực.

Chủ tịch quốc hội được đề cử bởi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các chức vụ trong quốc hội cũng phải qua đảng bổ nhiệm (3), hơn 90% đại biểu quốc hội là quan chức trong các cơ quan hành pháp và là đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Những đảng viên này nói và làm theo chỉ thị của đảng và đặt quyên lợi của đảng trên quyền lợi của cử tri, nhân dân. Quốc hội Việt Nam lệ thuộc Đảng cộng sản Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải làm theo chỉ thị của Đảng. Ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật tổ chức quốc hội của bộ tư pháp gửi sang. Luật về tổ chức quốc hội, như lời tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tuân theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo luật này ‘cho phép’ "Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật" mà bó tay quốc hội không cho soạn thảo và ban hành luật, có nghĩa quốc hội không phải là một cơ quan lập pháp.

Để thêm bằng chứng về ‘tự do dân chủ ở Việt Nam’, có lẽ ý ông muốn nói về quyền tự do ngôn luận. Ông Tiến sĩ viết : "Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in ; 105 cơ quan báo điện tử ; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí ; 66 đài phát thanh, truyền hình". Kể ra số lượng media như vậy là quá thừa, bội thực với người dân Việt, tỉnh nào cũng có vài tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, không kể loa phường, loa xã, nhưng tất cả đều trong tay các "đồng chí đảng viên tổng biên tâp", các đồng chí phải tuân hành chỉ thị của đảng và ban tuyên giáo trung ương. Báo cáo năm 2019 của tổ chức Phóng Viên không Biên Giới, một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí, Việt Nam sắp hạng 176/180 nước (4), nghĩa là không có tự do báo chí.

Ông Cao Đức Thái viết tiếp : "Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… "Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự". Không ngờ ông Thái xúc phạm đến các tổ chức xã hội dân sự, NGO đến như vậy. Chắc chắn ông này không hiểu các tổ chức NGO là gì, thậm chí ông cũng không hiểu NGO nghĩa là gì.

NGO (Non-governmental organization) là tổ chức xã hội phi chính phủ, phi chính phủ chứ không phải vô chính phủ hay chống lại chính phủ như ông viết ở trên "hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)". Có nhiều trang web nói về NGO. Nhiều trang ở Việt Nam (5) ông nên đọc kỹ họ nói về NGO như thế nào : "Những cơ quan, tổ chức và nhóm phi chính phủ được thành lập bao gồm nhiều cá nhân, được trả tiền hoặc tình nguyện, cam kết giải quyết một loạt các vấn đề như bảo vệ môi trường, cải thiện mức sống của thế giới thứ ba, chấm dứt nạn xâm phạm nhân quyền, cung cấp lương thực và thuốc men cho những nơi diễn ra chiến tranh, tăng cường phát triển tôn giáo hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Một điểm nổi bật nhất của các tổ chức phi chính phủ là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia".

Ông nên nhớ các tổ chức NGO từ chối tài trợ của chính phủ, họ hoạt động độc lập với chính phủ chứ không phải chống chính phủ. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tuân thủ quy tắc bất bạo động, không "tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống "như ông vu khống. 

Mỗi năm các nước trong vùng Đông Nam Á có hội nghị các tổ chức dân sự, NGO. Việt Nam năm nào cũng gửi người tham dự, nào là Hiệp hội Nông dân, Hội Phụ nữ v.v , nhưng tất cả các tổ chức xã hội vùng Đông Nam Á đều biết rõ các NGO của Việt Nam đều là GONGO (Government-organized non-governmental organization), tổ chức phi chính phủ của chính phủ, được dựng nên, tài trợ nuôi dưỡng bởi chính phủ, đội lốt các nhóm xã hội dân sự, nhằm tăng thêm lợi ích chính trị của chính phủ và xin tài trợ của các tổ chức dân sự ngoại quốc. Nếu ông muốn rõ, có thể hỏi ông Nguyễn Đình Bin, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, tham mưu cho các nhóm gongo này mỗi năm.

Trong bài viết của ông tiến sĩ này, điều ông viết đúng nhất là nhận định của người trong và ngoài nước đối với nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam : "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng" ; "các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt".

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 03/11/2019

(1) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/khong-the-phu-nhan-thanh-qua-dan-chu-va-quyen-con-nguoi-cua-viet-nam-598406 

(2) http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-3580th-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6012936847001/?term=

http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-contd-3581st-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6013104672001/?term=

https://www.voatiengviet.com/a/nhan-cuoc-hop-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc/4282876.html

(3) (http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?ItemID=40499

http://www.tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-

https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29972

/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/nhap-khau-thuyet-tam-quyen-phan-lap-hay-la-bai-co-xuy-bat-on-chinh-tri-xung-ot-quyen-luc?inheritRedirect=false

(4) https://rsf.org/en/ranking#

(5) https://thukyluat.vn/news/quoc-te/to-chuc-phi-chinh-phu-ngos-la-gi-18140.html

*******************

Nhân quyền phải để đóng khung kính

An Viên, VNTB, 01/11/2019

"Đúng, phải chuyên chính ! Nhưng sự chuyên chính phải bao hàm thái độ vận dụng dân chủ […] quyền chuyên chính này nhất định phải là công việc của giai cấp chứ không phải là một thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi nhân danh quần chúng – nghĩa là, nó phải thúc đẩy từng bước một sự tham gia tích cực của quần chúng ; nó phải nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của họ, chịu sự kiểm soát của hoạt động công khai triệt để ; nó phải là thành quả của sự rèn luyện chính trị ngày càng lớn mạnh của quần chúng nhân dân".

nhanquyen1

Dù độc tài đến đâu, chính quyền nào cũng cố tạo ra, dù chỉ là giả tạo, ít nhiều hưởng ứng tích cực của người dân.

"Nhân quyền" được đề cập đến trong một bài viết trên báo Quân đội nhân dân, mục "Thành tựu nhân quyền", với tiêu đề "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam".

Tác giả là Tiến sĩ Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Báo Giáo dục sau đó đăng tải lại với tiêu đề đầy kiêu ngạo : Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam ?

Bài viết đề cập đến ba mô hình dân chủ trên thế giới bao gồm dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân, và dân chủ tư sản. Nhưng thực tiễn đến nay cho thấy, ở những nước dân chủ xã hội chủ nghĩa thiết lập nền dân chủ nhân dân lý thuyết.

Tại Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, và những nhà nước thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa, "dân chủ nhân dân" được hiểu qua câu nói mang tính nguyên tắc "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân". Tuy nhiên, đó là lý thuyết về quan điểm quyền lực nhà nước, cái gọi là "chủ quyền nhân dân" thuộc về hư danh.

Tại các nước xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhân dân được phân bổ bởi một nhóm người lãnh đạo do một tổ chức đảng phái duy nhất "đề cử" và "sắp đặt" các chức vụ trong bộ máy nhà nước thông qua các phiên nhóm họp thuộc đảng viên của chính đảng đó. Tại Việt Nam, quyền lực được thực thi bởi nhóm 200 người gọi là ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, và nhóm ủy viên này được chính đảng bộ cơ sở đề cử để hợp thức hóa "bầu cử nhân dân".

Khi bài viết bàn về đặc trưng của chế độ dân chủ Mỹ, nơi mà các cuộc bầu cử bị chia thành hai loại "đại cử tri" và "cử tri thường". Thế nhưng, cử tri đoàn (những người nắm quyền thực sự bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống) lại được chọn từ "cử tri thường" ở mỗi tiểu bang. Nói cách khác, quyền lực gốc của nhân dân Mỹ được hình thành từ lá phiếu và lựa chọn thực tế của người dân thông qua "cử tri thường.

Tại Việt Nam, mô hình ủy viên trung ương đảng nhóm họp và bầu chọn các chức danh lãnh đạo đảng và nhà nước có thể được coi là "đại cử tri". Nhưng khác với Mỹ, "đại cử tri" này được chọn lựa từ chính một đảng, và được hợp pháp hóa bằng một cuộc bầu cử mà đa phần người đi bầu không nắm được thông tin của người được bầu, nguyện vọng và ý chí của người bầu chọn đã bị tước đoạt từ lúc mà Đảng cộng sản Việt Nam "cử người" và lên danh sách sẵn.

Chính vì thế, giải thích không rõ ràng về mô hình bầu cử của Mỹ để từ đó kết luận "đặc trưng dân chủ Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ" là quan điểm sai trái. Thực tế, đặc trưng bình đẳng và nắm rõ quyền và nghĩa vụ này của người dân Mỹ đậm nét và thực sự "dân chủ" hơn so với mô hình "đảng cử dân bầu" tại Việt Nam.

Nguyện vọng của người dân Mỹ trong đảm bảo thông qua các đại diện của mình được bảo đảm hơn tại Việt Nam, khi các lá phiếu của chính họ từ khâu "phổ thông đầu phiếu"được thực hiện gần như tối đa. Và cách mà các đời Tổng thống Mỹ làm hài lòng cử tri của mình qua các mùa bầu cử tại nước này, gần đây nhất là các thành tựu gắn liền với lời hứa của Tổng thống Donald Trump liên quan đến ngăn chặn nạn nhập cư trái phép, tăng cường việc làm, thực hiện công bằng thương mại, tăng ngân sách quốc phòng… được thực hiện trong ngay nhiệm kỳ đầu của ông.

Cách mà Tiến sĩ Cao Đức Thái biện giải về một đảng lãnh đạo tại Điều 4 Hiến pháp không cho thấy rằng đảng đó thực sự dân chủ về mặt thực tế trong đời sống. Và nếu so với Mỹ, nơi có 2 đảng thay phiên lãnh đạo thông qua các kỳ bầu cử, thì Điều 4 càng cho thấy tính chất dân chủ hẹp của Việt Nam so với Mỹ.

Đối tới thành tựu về internet, và hệ thống thông tin báo chí. Không thể phủ nhận, nhưng ở ngay hệ thống này là sự "định hướng" duy nhất bởi một tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam là Ban Tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Và quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không bị "định hướng" bởi một tổ chức nằm trong tổ chức đảng phái duy nhất lại bị cho là, "trách nhiệm của người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất nhẹ".

Tiến sĩ Cao Đức Thái thậm chí còn không nhận thức đầy đủ về quyền biểu đạt, và gắn liền với hoạt động mít tinh, biểu tình tại các nước phương Tây, do các NGOs tiến hành nhằm đòi hỏi lợi quyền dân sinh với Chính phủ, áp đặt và gán nó là "hoạt động chống Chính phủ".

Quan điểm tự do ngôn luận, châm biếm quan chức Chính phủ bị cho là "xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống".

Điều đó cho thấy rằng, những quan điểm dân chủ thực tiễn cơ sở của Tiến sĩ Cao Đức Thái không những không có, mà ông chỉ đơn thuần lặp lại những dân chủ từ bộ máy đảng đưa ra và định nghĩa, những quan điểm dân chủ một đảng từ chính những quan chức cấp cao trong đảng với tinh thần xã hội chủ nghĩa trên hết.

Tiến sĩ Cao Đức Thái và bài viết hời hợt bàn về dân chủ của ông, được đánh bóng đến hợm hĩnh bởi báo Giáo Dục phản ánh một câu nói của triết gia Socrate : "Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết".

Hãy để chính những nhà lý luận cộng sản đời đầu bảo ban về dân chủ.

Luxemburg nhà hoạt động cách mạng cộng sản đầy nhiệt huyết cảnh báo khuynh hướng độc tài đang hình thành nhanh chóng ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười.

"Đúng, phải chuyên chính ! Nhưng sự chuyên chính phải bao hàm thái độ vận dụng dân chủ […] quyền chuyên chính này nhất định phải là công việc của giai cấp chứ không phải là một thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi nhân danh quần chúng – nghĩa là, nó phải thúc đẩy từng bước một sự tham gia tích cực của quần chúng ; nó phải nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của họ, chịu sự kiểm soát của hoạt động công khai triệt để ; nó phải là thành quả của sự rèn luyện chính trị ngày càng lớn mạnh của quần chúng nhân dân".

Tiến sĩ Cao Đức Thái hãy tự hỏi xem, có phải Việt Nam hiện tại đã tồn tại một "thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi" thông qua Bộ Chính trị. Và có phải "sự kiểm soát hoạt động công khai triệt để" của người dân đối với quyền chuyên chính có thực sự có trong đời sống chính trị Việt Nam ?

Nhân quyền là để thực thi, không phải để đóng khung kính.

An Viên

Nguồn : VNTB, 01/11/2019

*******************

Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"

Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam

Cao Đức Thái, QĐND, 28/10/2019

Trong thời gian qua, trước những khó khăn về kinh tế-xã hội chưa được giải quyết và những diễn biến phức tạp trong khu vực… lợi dụng tình hình này, những kẻ cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xuyên tạc tình hình, hòng bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội Việt Nam…

Họ viết và tán phát trên mạng rằng : "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng" ; "các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt...". Vậy dân chủ và quyền con người là gì ? Những quyền này đã và đang được bảo đảm ở Việt Nam như thế nào ?

Theo quan niệm chung, dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bầu ra... Đó là các cơ quan quyền lực và chính quyền các cấp.

Về hình thức, hoặc mô hình dân chủ gồm có các dạng-dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc "thiểu số phục tùng đa số", đồng thời thừa nhận quyền tự do về chính trị và quyền bình đẳng về giới tính, về dân tộc, về vị thế chính trị-xã hội của mọi công dân. Trong đó gồm cả quyền được bảo lưu của cá nhân.

nhanquyen2

Ảnh minh họa : tuyengiao.vn

Có thể nói, các cuộc cách mạng dân chủ tư sản mở đầu từ thế kỷ 16, với các cuộc cách mạng điển hình như : Hà Lan năm 1581 (mở đầu) ; Anh năm 1689 ; Mỹ năm 1766 ; Pháp năm 1789 đã mở ra một nền dân chủ tư sản, trong đó bao gồm đầy đủ các nhân tố của dân chủ. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một chế độ dân chủ mới. Đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng đến lợi ích và sự bình đẳng cho mọi người. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, do tác động của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc ra đời, trong đó có Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Chế độ dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là chế độ dân chủ nhân dân hướng theo con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Có thể xem các nền dân chủ: Dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân là 3 chế độ-3 mô hình dân chủ trên thế giới. Mỗi một chế độ dân chủ nói trên đều có những thiết chế khác nhau, nhưng tựu trung đều có những yếu tố sau : 1) Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (bao gồm tất cả các thành viên xã hội) ; 2) Bầu cử tự do và theo nhiệm kỳ bầu ra các cơ quan, người lãnh đạo nhà nước ; 3) Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi cơ quan trên có một chức năng riêng ; 4) Hiến pháp và pháp luật được xem là tối thượng ; 5) Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm.

Thực tế cho thấy, chế độ dân chủ trên thế giới có nhiều mô hình. Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền; công dân, trong các cuộc bầu cử bị chia thành hai loại "đại cử tri" và cử tri thường. Đặc trưng nền dân chủ của Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ ; chế độ dân chủ của Việt Nam dựa trên hệ thống chính trị các cấp-đó là chế độ sinh hoạt của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể xã hội luôn luôn được tôn trọng. Ở đây tiếng nói, nguyện vọng của người dân được bảo đảm thông qua các đại diện của mình.

Một trong những đặc trưng của nền dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc : "1. Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình ; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Điều 4, Hiến pháp 2013).

Ngay từ khi cách mạng thành công (tháng 8/1945) cho đến thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến dân chủ ở cấp cơ sở. Còn nhớ, sau sự kiện nông dân ở tỉnh Thái Bình tụ tập đông người đi khiếu kiện gây ách tắc giao thông (năm 1997) ; một số nơi, nông dân còn tấn công, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, khi ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng : Tình trạng gây mất trật tự nói trên bắt nguồn từ sự vi phạm quyền dân chủ của người dân. Theo đó. Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở gồm: Bảo đảm để mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước… ; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị ;  có quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định dân chủ đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn ; cơ chế để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở trực tiếp và thông qua, gồm : Mặt trận, các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan,…

Sau Chỉ thị 30, Chính phủ đã luật hóa bằng nghị định của Chính phủ. Dựa trên chỉ thị và nghị định về dân chủ, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng trăm văn bản nhằm bảo đảm quyền dân chủ của người dân ở cơ sở, bao gồm cả quyền dân chủ của cán bộ, công chức, của cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp… Cho đến nay, chế độ dân chủ ở Việt Nam đã và đang được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, từ cơ sở xã phường, cơ quan, cho đến Quốc hội. Tất cả những vấn đề từ đời sống thường nhật cho đến vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đều được người dân quan tâm và có quyền tham gia. Chẳng hạn, hiện nay vấn đề nguồn nước sạch, thực phẩm an toàn, bảo vệ quyền trẻ em... từng là những chủ đề "nóng" trên diễn đàn Quốc hội. Gần đây, vấn đề Biển Đông là chủ đề được Quốc hội Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Ngày nay, nói đến chế độ dân chủ và quyền con người thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và mạng xã hội. Việt Nam chính thức nối mạng internet từ năm 1997. Từ năm 2010, đường truyền internet ở Việt Nam được chuyển từ dây cáp đồng sang cáp quang. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in ; 105 cơ quan báo điện tử ; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí ; 66 đài phát thanh, truyền hình. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài "online", trong đó có các kênh nổi tiếng, như : CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg... Hiện có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như : AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...

Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều có chương trình tiếp xúc cử tri. Những cuộc tiếp xúc cử tri được các đài phát thanh, truyền hình đăng tải rộng rãi. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri ngày nay không chỉ là những vấn đề sinh kế, điều kiện sinh hoạt của người dân, tham gia vào các dự thảo luật, mà cử tri còn đặc biệt quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, các chủ trương trong chính sách đối ngoại... 

Quyền con người là các nhu cầu về vật chất và tinh thần - từ nhu cầu về dân sự, chính trị, đến kinh tế, xã hội và văn hóa được luật hóa và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Xét về lịch sử, quyền con người chỉ đến với dân tộc Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người. Nội dung những quy định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương để quy định về quyền con người. Trong đó, Điều 14 quy định : "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật ; quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Kiểm soát quyền lực của nhân dân không chỉ là nguyên tắc của chế độ ở Việt Nam mà còn là động lực của sự phát triển. Trong xã hội ở Việt Nam ngày nay, nguyên thủ cũng có trách nhiệm trả lời những vấn đề người dân quan tâm. Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội sáng 15/10, trả lời ý kiến của cử tri quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Chúng ta phải giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nhưng không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền".

Những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận thành tựu về dân chủ và quyền con người có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nhận thức không đầy đủ về dân chủ và quyền con người… Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự… Trách nhiệm của người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất nhẹ. Vì vậy dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ và quyền con người của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.

Không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân. Ở địa phương này, địa phương khác vẫn còn có hiện tượng lợi ích của người dân chưa được tôn trọng, bảo đảm, nhất là trong vấn đề đất đai. Đây là vấn đề lớn mà các cấp ủy và chính quyền cần đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội. Bảo đảm dân chủ và quyền con người vừa là quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ… vì vậy mỗi chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền dân chủ và quyền con người theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cao Đức Thái

Nguồn : QĐND, 28/10/2019

Tiến sĩ Cao Đức Thái (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Published in Diễn đàn
vendredi, 25 octobre 2019 16:12

"Phật độ Vũ không độ Son"

Khác với tình cảnh đầy bi đát của ông Son, khi con gái nhất quyết không thừa nhận 3 triệu USD mà người cha đáng kính đã đưa do có được từ nhận hối lộ. Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, em trai Phạm Nhật Vượng, đã khắc phục hơn 8.000 tỷ đồng cả gốc lẫn lãi cho Mobifone, đồng thời được cả Viện Kiểm sát lẫn Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị áp dụng "đầy đủ, triệt để" tình tiết giảm nhẹ.

phat1

Ông Phạm Nhật Vũ (thứ hai, trái qua) trong một lần đưa cả trăm nhân viên AVG đến tu tập tại tổ đình Viên Minh ở Hà Nội. (Hình : Phatgiao.org.vn)

Điều đáng chú ý đến từ lá đơn ghi nhận của Hội đồng chứng minh và Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam vì có nhiều đóng góp cho an sinh xã hội, trùng tu di tích lịch sử văn hóa… và lĩnh vực giao lưu mở rộng quan hệ quốc tế của Giáo hội vào ngày 29/6/2019. Ban trị sự Giáo hội Việt Nam Thành phố Hà Nội, các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hưng Yên, Cao Bằng cũng có đơn đề nghị xem xét cho ông Vũ được hưởng chính sách khoan hồng của pháp luật.



Như vậy, ngoài cái lý nằm trong Bộ luật Hình sự liên quan đến tình tiết "Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường hiệt hại hoặc khắc phục hậu quả", thì ông Phạm Nhật Vũ đã được chính giới lãnh đạo tăng sư trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam ở Trung ương và một số tỉnh thành tìm kiếm cái "tình" và lên tiếng "độ".

Nói cách khác, cư sĩ Phạm Nhật Vũ được Phật "độ" hơn so với ông Nguyễn Bắc Son trong trường hợp này.

Nhưng cách thức "đề nghị xem xét" của bên Giáo hội Phật giáo Việt Nam liệu có phải là hợp lý ?

"Công đức" và đóng góp với sự mở rộng trong giao lưu quốc tế và vật chất của ông Vũ có thực sự nên được "Phật độ" ? 

Hay, một người sử dụng quyền và tiền để trục lợi cá nhân, chỉ vì "cúng dường" lớn nên được ưu ái "độ trì" ? Và "trục lợi cá nhân" đó là nhằm vào chính nguồn ngân khố quốc gia, hệ quả ngân khố quốc gia bị đục thủng, gián tiếp làm nảy sinh thuế má khác lên đầu quần chúng nhân dân lao động khác ?

Giáo hội liệu có quan tâm nguồn tiền "cúng dường" và ra sức "ngoại giao quốc tế" mà ông Phạm Nhật Vũ dành cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam là "tiền bẩn" hay "tiền sạch". Bởi thời điểm ông Vũ "cúng dường" lại là thời kỳ ông có những hành vi liên quan đến "tham" tiền bạc của quốc gia. Nếu nguồn tiền không được trong sạch, được ông Vũ sử dụng để "xây chùa chiền" và "góp vật chất" khác cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thì khác nào "báng bổ" giáo hội và những nguyên lý thuộc về Phật giáo ? 

Nói thẳng, bằng đơn đề nghị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, cư sĩ Phạm Nhật Vũ đã thành công trong thỏa mãn được cái "tâm hướng Phật" của mình, và "nuôi dưỡng" một nhóm người có thể ru ngủ người dân khi cần và "độ trì" ông ta lúc cần.

Đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tổ chức với lý tưởng "Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội", gắn mình với "hộ quốc an dân". Trong trường hợp đối với Cư sĩ Phạm Nhật Vũ, tổ chức này đáng ra có cách xử lý tốt hơn bằng cách, ghi nhận "công lao của ông Vũ", nhưng phải đồng thời đề nghị trả lại số tiền đã nhận từ ông này. Lý do, một là nguồn tiền "cúng dường" được nảy sinh ra từ hành vi đục khoét là đi ngược với đạo pháp của giáo hội, và hai là vì nguồn tiền đó đến từ ngân sách quốc gia, tiền thuế nhân dân nên cũng đi ngược với yếu tố "dân tộc"

Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã không làm như vậy, dẫn đến một thực trạng có tiền lệ : cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền, kể cả trong lĩnh vực tôn giáo.

Và trên hết, pháp luật sinh ra cũng chỉ phục vụ cho kẻ có quyền thế và quyền lực. Cũng như, hệ quả xã hội tiếp tục nảy sinh ra một tình tiết giảm nhẹ ngoài luồng bên cạnh "gia đình có công với cách mạng", đó là "gia đình có công với phật giáo".

Phật giáo Việt Nam có chiều dài gần 2.000 năm gắn bó và đồng hành cùng dân tộc, và đã góp phần to lớn vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước. Đó là điều không thể phủ nhận. Và hưng thịnh hay suy vong của Phật giáo cũng được ghi nhận trong lịch sử, trong đó suy vong đến từ tình trạng chùa chiền mọc lên quá nhiều trong khi đức độ sư tăng ni không theo kịp. Phật giáo trở thành một thứ bùa mê "ru ngủ" các giai tầng trong cái vòng bi kịch của một triều đại.

Thời Lý, Trần, Phật giáo đã đạt đến độ cực thịnh. Một vị vua Lý ban chiếu cho xây gần 1.000 ngôi chùa, một số vị cao tăng được trọng dụng, tham gia vào chính trị. Thế nên, chùa chiền trở thành nơi để "trốn thuế, trốn lính" và để "một bộ phận tăng lữ an nhàn hưởng thụ" [1]. 

Đó là hệ quả của một nền tảng Phật giáo được "cưng chiều" mà bỏ bê "kỷ cương".

Và hiện trạng ngày hôm nay cũng đang tái lặp thực trạng cuối thời Trần, khi mà chùa chiền trở thành một mô hình kinh doanh cực kỳ lợi nhuận, trong khi một bộ phận không nhỏ giới tăng lữ thì "chỉ toàn họp hành, hội nghị, tiếp khách" [2].

Quan điểm Phật giáo Việt Nam phát triển thì ít, mà suy thoái thì lại nhiều lại phản ánh cái nhìn thẳng thắn và đầy trung thực. Do đó, "Phật độ Vũ không độ Son" đã thành câu nói châm biếm, khắc họa một góc nhìn đầy bi đát về quyền và tiền trước thềm Giáo hội.

An Viên

Nguồn : VNTB, 24/10/2019

Chú thích :

[1] https://phatgiao.org.vn/cai-cach-phat-giao-cua-ho-quy-ly-d18402.html

[2] https://www.bbc.com/vietnamese/forum-48313898

Published in Diễn đàn

Ứng xử Biển Đông hay ứng xử với tướng Lê Mã Lương

An Viên, VNTB, 22/10/2019

Không ngoài dự đoán, tướng Lê Mã Lương đã bị ‘đấu tố’ trên chương trình ‘Đối diện’ (VTV). Dù làm mờ hình ảnh, nhưng không khó nhận diện vị tướng này phát biểu trong cuộc hội thảo về biển đảo vào đầu tháng 10 vừa qua, trong đó ông yêu cầu sự đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa về ngoại giao, ủng hộ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

lemaluong1

Tướng Lê Mã Lương đã bị ‘đấu tố’ trên chương trình ‘Đối diện’ (VTV).

Và những phát ngôn của ông đã bị không ít vị ‘tướng về hưu’ lẫn nguyên phụ trách ban biên giới Chính phủ lên tiếng phản bác, tập hợp trong một bài viết về chống căn bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản trên báo Quân đội Nhân dân.

Quan điểm chung chống lại tướng Lê Mã Lương là ‘xuyên tạc về đối ngoại quốc phòng ; gây hại cho quân sự quốc phòng ; bị các thế lực chống phá – thù địch lợi dụng, làm hại cho quốc gia dân tộc’.

Bằng sự ưu thế của một bộ máy tuyên truyền khổng lồ và hoàn toàn độc quyền, các tướng lẫn các vị cựu quan chức thay phiên nhau ‘đấu tố’ tướng Lê Mã Lương với một khuôn mẫu chung nêu trên.

Nhưng tướng Lê Mã Lương không hề đơn độc, cái gọi là ‘thế lực chống phá – thù địch’ thực ra lại là quan điểm của rất nhiều tầng lớp trong xã hội, từ sinh viên, giới học giả đến giới quan chức (tại nhiệm và cả về hưu) ủng hộ cách biểu ngôn thẳng thắn của tướng Lương, trong bối cảnh Trung Quốc đang càn quấy ngoài Biển Đông.

Ý kiến của tướng Lê Mã Lương trong cuộc hội thảo khấy động một chút gì đó về sự ‘lưu tâm’ Biển Đông, trong cái không khí đầy ảm đạm, thờ ơ và im lặng của đại đa số người dân.

Việc nước giờ đây người dân đã không còn đủ sự nhiệt thành để theo dõi, sau những lần bị ‘trấn áp’, và đó là lý do vì sao dư luận xã hội Việt Nam không còn ‘sôi sục’ như năm 2014 hay trước đó, mặc dù lần này, tàu thăm dò địa chất Trung Quốc càng ngày càng đi sát vào vùng bờ biển Việt Nam, trong sự theo đuổi – ngăn chặn gần như vô vọng của lực lượng Hải quân nước nhà.

Đáng lý ra, tướng Lê Mã Lương phải được biểu dương cho lần khấy động tinh thần yêu nước, sự trăn trở với chủ quyền quốc gia – dân tộc này, thay vì bị đấu tố một cách đê hèn trên VTV.

Cũng đáng lý ra, các vị ‘tướng về hưu’ và ông Tiến sĩ Trần Công Trục nên ủng hộ quan điểm thẳng như ruột ngựa của tướng Lương cũng như cuộc hội thảo về biển đảo, thay vì coi đó như là sự kiện để các ‘thế lực thù địch lợi dụng’.

Nếu là con dân nước Việt, không có ai đủ dã tâm để ‘lợi nhục sự kiện biển đảo’ để vụ lợi cá nhân, làm phương hại lợi ích quốc gia – dân tộc. Chỉ có những ai đương quyền chức, thông qua chính sách hay chủ trương sai lầm mới khiến cho lợi ích dân tộc – quốc gia bị tổn thương mà thôi.

Nếu chính sách và chủ trương đủ sáng suốt thì vào năm 2014 Quốc Hội phải ra được phán quyết về Biển Đông. Các kỳ họp trước đó phải có báo cáo về tình hình Biển Đông. Trung ương Đcộng sản Việt Nam từ 5 năm trước phải ‘phân tích, dự báo có căn cứ, cơ sở khoa học về Biển Đông’. Chứ không phải để đến khi tàu Trung Quốc ‘đi lại nghênh ngang’ ngoài Biển, thiếu điều sỉ mắng quốc gia – dân tộc trong 3 tháng liền (từ ngày 3/7 đến tháng 10/2019).

Đó là lý do vì sao, sự trăn trở, phẫn nộ trước hành vi ngang ngược của Bắc Kinh khiến một vị tướng như Lê Mã Lương, từng chiến đấu qua 3 lớp kẻ thù ngoại bang phải phát biểu một cách cứng rắn như trên.

Mặt khác, nhìn vào phản ứng của người Việt trên Facebook đủ để nhận ra, họ tôn trọng quan điểm của tướng Lương và phản ứng về sự ‘dối trá’ của VTV cùng những nhân vật được phát biểu như thế nào. Bởi những điều được ‘độc quyền truyền thông’ phát ra, lại phản tác dụng bởi truyền thông xã hội đa chiều. Nó khiến cho chương trình ‘Đối diện’ trở nên không ‘Đối diện’ bởi thiếu vắng hoàn toàn sự phản biện. Nơi mà xu hướng nịnh bợ và cung phụng quyền lực, độc tôn chân lý được nhấn mạnh từng giây hình và âm thanh.

Trong khi đó, cái cần nhất hiện nay không phải là ‘đấu tố’, mà xốc dậy sự quan tâm của người dân về Biển Đông, cho dân được quyền nghe-nói-và tiếp cận với những thông tin về Biển Đông. Cổ vũ, khuyến khích người dân tọa đàm, hội thảo,… liên quan về chủ quyền Biển Đông. Chứ không phải là đưa Biển Đông trở thành chủ đề độc quyền mà chỉ có 200 người ở T.Ư Đcộng sản Việt Nam mới được bàn và lên ý kiến, để rồi sau đó ‘thống nhất’ theo ý kiến chỉ đạo của một cá nhân.

Và khi tình hình còn tiếp diễn với khuôn mẫu ‘ứng về chủ quyền Biển Đông’ như trên, thì chủ quyền quốc gia sẽ như đèn treo trước gió, một trận chiến không còn cân sức, như cách mà vài con tàu hải quân theo đuôi đội tàu khảo sát địa chất Trung Quốc trong 3 tháng qua.

An Viên

Nguồn : VNTB, 22/10/2019

********************

Yêu nước mà cũng tranh à ?

Cánh Cò, RFA, 22/10/2019

Có người từng nói ở Việt Nam không có thứ gì không thể xảy ra. Mới nghe thấy lạ nhưng chịu khó suy xét những sự việc hồi gần đây thì câu nói này không phải hoàn toàn vô căn cứ. Hãy nhìn những việc chung quanh cuộc sống chúng ta không thể nhắm mắt buông thả sự thật đang hiển hiện từng giờ trong đời sống hàng ngày của người dân khiến đôi khi chúng ta tự hỏi cái nhà nước này đang làm gì với dân chúng vậy ? Họ có thấy những oan trái những bất công những vô lý hay tha hóa đến từng chân tóc của xã hội hay không ?

kien2

Tướng Lê Mã Lương công khai phát biểu tại một diễn đàn có hơn trăm người tham dự

Cứ mưa xuống là ngập. Cứ trời nắng là bụi mịn lấp đầy khoảng không gian của thủ đô. Cứ khô nước sạch thì dửng dưng nhìn người dân xếp hàng chờ chút ân huệ từ nhà nước. Cứ dân oan là biết họ bị chính quyền địa phương cướp đất. Cứ nói tới chùa chiền thì xuất hiện một nhà sư háo gái. Cứ nói tới an toàn thực phẩm thì xuất hiện những khẳng định của nhà nước chỉ khi nào người dân chết mới chứng tỏ thực phẩm bị mất an toàn. Cứ đổ bệnh là sợ hãi vào nhà thương. Cứ đầu niên học mới là nơm nớp không đủ tiền mua sách cho con. Cứ ra đường là sợ công an thổi phạt. Cứ vào cơ quan công quyền thì y như đi ăn xin người không giàu có hơn mình…

Đó là những cái "cứ" xuất hiện trong an sinh xã hội, còn những cái "cứ" khác mang tình chính trị cũng không ngoại lệ.

Cứ phát biểu có "tính ngu" là người dân biết đó là Bộ trưởng hay Thủ tướng. Cứ tham nhũng thì người dân biết ngay đó là đảng viên. Cứ mua quan, mua điểm thi thì chém chết cũng con ông này bà nọ. Cứ lận lưng bạc triệu đô la thì người dân biết ngay không Bộ trưởng cũng cấp tướng trong công an hay quân đội. Cứ là đại biểu quốc hội thì muốn nói gì cũng được nhưng chẳng dân nào vỗ tay. Cứ quy hoạch đất đai là dân biết sắp bị cướp trắng. Cứ có dự án là có ăn chia. Cứ có tòa án là có oan khuất. Cứ khen cái gì là cái đó sắp bị phế thải. Cứ giỏi giang là không trước thì sau cũng nhảy lầu. Cứ có chuyện gì cần che đậy thì không thiếu các bích chương, biểu ngữ giăng đầy đường hay ra rả trên VTV.

Rồi những cái "cứ" mang tính bảo vệ chủ quyền đất nước cũng không kém phần hài hước.

Cứ bị Trung Quốc đe nẹt là quan ngại. Cứ đi Tàu về là chúng lại giở trò ở biển Đông. Cứ tuyên bố hai nước vừa ký hiệp định trên tinh thần hiểu biết lẫn nhau thì tàu hải cảnh Trung Quốc lại rượt đuổi ngư dân chạy trối chết ngoài khơi của Việt Nam. Cứ bị mạng xã hội kêu gào thì phát cờ cho ngư dân bám biển còn quân đội, hải quân cứ tiếp tục kiên quyết bám bờ. Cứ một gã Tàu nào sang thăm Việt Nam là cả Bộ chính trị cứ như gái ngồi phải cọc. Cứ dân du lịch người Trung Quốc thì không được đụng vào. Cứ mỗi lần Trung Quốc công khai xâm phạm Bãi Tư Chính thì Bộ chính trị lại ra lệnh cho các tướng "phò" lên giọng cần giữ gìn đại cục. Cứ nghe tới kiện Trung Quốc thì cả guồng máy lại lên đồng vì sợ hãi. Cứ nghe ai nói tới hèn thì Bộ chính trị giả điếc không nghe. Cứ yêu nước là bị lên án hay ít nhất cũng tranh nhau yêu nhiều hay yêu ít.

Con giun xéo lắm cũng oằn. Bộ chính trị không nghe thì nói cho nhân dân cùng nghe, giống như karaoke "hát cho nhau" nghe vậy.

Nhưng bài hát này xem ra quá cứng và khả năng gây sốc cho chế độ không hề nhẹ. Cái ông hát lại là một ông tướng từng được vinh danh là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Lê Mã Lương. Ông tướng này từng nhiều lần lên tiếng trước những hành vi bán nước hay hèn hạ trước giặc ngoại xâm mà cụ thể là lên án ông Lê Đức Anh khi còn là Bộ trưởng quốc phòng đã ra lệnh bộ đội không được bắn khi quân xâm lược Trung Quốc tiến chiếm đảo Gạc Ma.

Tướng Lê Mã Lương khi tham gia cuộc hội thảo về Bãi Tư Chính tại Hà Nội đã công khai lên tiếng về sự hèn nhát của Bộ Ngoại giao lẫn Bộ Quốc phòng. Về Bộ Ngoại giao tướng Lương tuyên bố : "Nếu mất Tư Chính tôi sẽ cầm đầu anh em quân đội đến hỏi tội Bộ Ngoại giao". Còn nói về Bộ Quốc phòng tướng Lương tiết lộ Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch không biết đọc bản đồ và các tướng trong quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay không biết đánh giặc nhưng lại rất nhiều tiền.

Tướng Lê Mã Lương công khai phát biểu tại một diễn đàn có hơn trăm người tham dự, hơn nữa trong thời buổi thông tin số hóa như ngày nay lời nói của ông lập tức thành cái loa phóng thanh đi khắp thế giới bằng youtube, facebook và các trang tin tức khác. Người dân háo hức lắng nghe ông phát biểu chì đơn giản là lời nói của ông cũng là tâm ý của mọi người trên đất nước này. Nều có ai không muốn nghe chắc rằng kẻ ấy đang ăn bổng lộc của triều đình đỏ và lo sợ tướng Lương sẽ vạch mặt mình ra.

Người lo sợ trước tiên lại là ông Nguyễn Phú Trọng, đương kim Chủ tịch nước lẫn Tổng Bí thư đảng cộng sản Việt Nam. Ông Trọng lo sợ những lời nói thẳng của tướng Lê Mã Lương sẽ làm nhân dân nổi giận và ông Trọng chữa cháy bằng một câu nói rất dễ… gây cháy trong lòng dân.

Trong khi gặp gỡ cử tri 3 quận Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Ba Đình trước thềm kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ông Trọng trả lời nhiều câu hỏi của cử tri, trong đó Ông Trọng có vẻ là đang rất hậm hực, cay cú khi bị tự ái trong thời gian qua. Ông Trọng cho rằng : "Hiện nay có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à ? Vô trách nhiệm à ?".

Vậy là cứ có ai thách thức sức mạnh của nhà nước thì ông Trọng lại ra lệnh cho bộ máy hoạt động sau khi ông công khai lên tiếng trước một đối tượng nào đó.

Lần này thì VTV lập tức phụng chỉ, ra một chương trình trên giờ vàng của VTV 1 có cái tựạ rất kêu "Bệnh công thần". Bên cạnh việc dẫn dắt người nghe theo cách chỉ tay của mình VTV mời thêm hai ông tướng có lý lịch rất xiêu vẹo là Trung tướng Khuất Duy Tiến và Thượng tướng Võ Tiến Trung. Ông Võ Tiến Trung lên giọng kể công như thường thấy trong bất kỳ cuộc đấu tố nào kể từ thời cải cách ruộng đất tới nay. Mặc dù chưa dám nhắc tận tên Thiếu tướng Lê Mã Lương nhưng ông Trung nói "vô ân bạc nghĩa, quân đội đã nâng đỡ ông ta, không có quân đội giáo dục, giúp đỡ rèn luyện và quân đội tôn vinh quay lại coi thường"… Ô hay, người ta được vinh danh là anh hùng có liên quan gì tới sự giúp đỡ của quân đội như ông nói ? Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân qua cửa miệng của ông tướng này trở thành tấm giấy lộn hay miếng giẻ rách chăng ? Đúng là nâng bi không phải cách.

Tướng Lương chê thẳng mặt Bộ trưởng quốc phòng không biết đọc bản đồ thì ông Ngô Xuân Lịch nên tổ chức một buổi hội thảo có mặt tướng Lương và báo chí. Lấy bản đồ quân sự ra đọc vanh vách rõ to cho ông Lương câm miệng tốt hơn là cứ im lặng làm ra vẻ bề trên mà không sợ làm trò cười cho bộ đội cụ Hồ.

Tướng Lương cho rằng tướng quân đội không biết đánh giặc nhưng tiền thì lại rất nhiều. Tướng Lương nói không hề sai bởi lẽ ai cũng thấy quân đội hiện nay tha hóa đến mức không còn cứu vãn nỗi vì vậy nghe nói đến Biển Đông là tướng tá toàn thân run rẩy. Nếu tiền không nhiều thì làm sao bị bắt, bị kết án và bị lột thẻ đảng ? Chỉ cần nêu vài ông trong thời gian gần đây mới thấy lời của tướng Lương là hoàn toàn dựa vào sự thật.

Đô đốc Hải quân Nguyễn Văn Hiến - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Đảng ủy Quân sự Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải Quân bị kỷ luật vì tội tham ô tài sản, sử dụng đất quốc phòng do Quân chủng Hải quân quản lý trái pháp luật.

Thượng tướng Phương Minh Hòa - nguyên Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đã trực tiếp ký nhiều văn bản về giao đất và phê duyệt phương án làm kinh tế không đúng quy định

Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân. Ông Thanh chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội đã có nhiều vi phạm, khuyết điểm trong tham mưu và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Nam Đông - A Lưới, dẫn đến công trình kém chất lượng, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng, không sử dụng được, gây thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, quân đội.

Danh sách này chưa đủ để ông Trọng hãnh diện về cái lò của ông hay sao mà còn tranh yêu nước với tướng Lương ?

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 22/10/2019 (canhco's blog)

***************

Bắc Kinh xâm lấn Tư Chính : Tướng Lê Mã Lương lên án việc chậm khởi kiện

Võ Văn Tạo, RFI, 19/10/2019

Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2019, tàu khảo sát Trung Quốc hoạt động ngày càng sát bờ biển quốc gia (1), cùng lúc với các tàu hải cảnh liên tục quấy nhiễu Bãi Tư Chính. Trong bối cảnh quyền chủ quyền của đất nước bị xâm phạm hiện rõ, một hội nghị chưa từng có được tổ chức tại Hà Nội. Tướng Lê Mã Lương đã lên án đích danh ngành Ngoại Giao chậm khởi kiện Bắc Kinh.

hoithao1

Thiếu tướng Lê Mã Lương phát biểu tại Hội thảo về "Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế", Hà Nội, 06/10/2019. Copy d'ecran : youtube

Kiện hay không kiện Trung Quốc ? Đây là câu hỏi lớn đang ngày càng ám ảnh những người lãnh đạo Việt Nam. Ngày 06/10/2019, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam - Vusta) tổ chức hội thảo khoa học về "Vùng biển Bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế" (2).

Đặc biệt gây chú ý là phát biểu của thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng Lực lượng Vũ trang. Không nhanh chóng sử dụng các biện pháp pháp lý để chế ngự tham vọng của Trung Quốc, Việt Nam có thể bị rơi vào thế để Bắc Kinh ra tay trước, tấn công Bãi Tư Chính. Chiến tranh sẽ bùng nổ và Việt Nam buộc phải tự vệ. Ông Lê Mã Lương nhấn mạnh : "Nếu như để xảy ra chiến tranh, thì lỗi lớn nhất là Bộ Ngoại giao, ban Đối Ngoại trung ương (Đảng cộng sản), rồi đến Đối ngoại Quốc phòng".

Tạp chí Đặc biệt của RFI Tiếng Việt xin chuyển đến quý vị các nhận định của nhà báo Võ Văn Tạo (Nha Trang) về tướng Lê Mã Lương – tình hình Biển Đông và chính quyền Việt Nam.

***

RFI : Kính chào nhà báo Võ Văn Tạo, thưa ông, trong những ngày gần đây, dư luận trong nước đặc biệt chú ý đến các phát biểu của tướng Lê Mã Lương về các hành động xâm lấn táo tợn của Trung Quốc tại Biển Đông, và trách nhiệm của chính quyền Việt Nam. Có nhiều tin đồn trên mạng là ông Lê Mã Lương bị bắt. Thực hư ra sao thưa ông ?

Võ Văn Tạo : Sáng hôm 12, tôi từ Hà Nội bay về Nha Trang, trên dọc đường đi, tôi có tình cờ vào mạng thì thấy có tin đồn trên youtube thì thấy đêm 11, Bộ Công an triệu tập tướng Lê Mã Lương, sau khi ông phát biểu khá dữ dằn trong một hội thảo trước đó, về tình hình Bãi Tư Chính, cũng như Biển Đông.

Tôi có quen biết với tướng Lê Mã Lương. Trước đây, trong chiến tranh chống Mỹ, tôi cùng anh Lương một sư đoàn (sư đoàn 304), có tác chiến tại Quảng Trị, vào mùa hè năm 1972. Tôi vẫn biết là youtube ít khi kiểm soát chặt chẽ, ít độ tin cậy. Nhưng dù sao tin này nó đưa vào đúng thời điểm đó, làm cho mình cũng hơi băn khoăn. Tôi bèn rút điện thoại gọi cho tướng Lương, thì anh ấy trả lời là có gì đâu mình đang ngồi uống cà phê với bạn bè. Tôi lập tức viết trên Facebook một status để đính chính chuyện đó. Tôi bình luận : Chắc là "dư luận viên thờ Tàu" nó tung tin đó thôi. Sau đó, hai ba hôm nay lại có những thông tin khác nữa. Nào là lục soát, khám nhà, thấy tài liệu đảo chính nọ kia. Riêng tôi thì tôi không tin. Nhưng nó cũng làm cho dư luận ở Việt Nam nhiều người cũng băn khoăn.

RFI : Xin ông cho biết cụ thể trong hội thảo này, tướng Lê Mã Lương nói những điều gì là chính ạ ?

Võ Văn Tạo : Tại hội thảo đó, trong đoạn clip anh Lương phát biểu, cái đầu tiên anh kể lại câu chuyện trước đó anh có dự một hội thảo khác. Trong cuộc hội thảo đó, có đại diện của Bộ Ngoại giao tham dự, anh đã chất vấn thẳng Bộ Ngoại giao là : Vì sao không kiện Trung Quốc ? Điểm thứ hai anh cũng nêu Tư Chính là rất quan trọng, mất Tư Chính có nghĩa là mất hết chủ quyền biển đảo của Việt Nam, và nếu để mất Tư Chính anh ấy sẽ cầm đầu các quân nhân kéo đến Bộ Ngoại giao để "hỏi thăm" chuyện đó. Còn nội dung thứ ba quan trọng là anh ấy phê phán nhân sự cao cấp của Bộ Quốc phòng. Anh nói là lần đầu tiên trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam, một đại tướng bộ trưởng quốc phòng mà không biết sử dụng bản đồ quân sự, không biết đọc bản đồ quân sự (3).

RFI : Ông tổng bí thư Đảng cộng sản, chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng có một số phản ứng sau các chỉ trích mạnh mẽ và trực diện của tướng Lê Mã Lương nhắm vào các cơ quan ngoại giao của Việt Nam, xin ông cho biết cụ thể ?

Võ Văn Tạo : Cách đây chừng ba hôm, báo chí Việt Nam có đưa tin ông Trọng trong một cuộc tiếp xúc cử tri đã có phát biểu, mà ai cũng hiểu rằng để đập lại cái phát biểu của anh Lê Mã Lương, mặc dù ông Trọng không nêu đích danh. Ông Trọng nói nguyên văn thế này : "Có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước, vậy còn trung ương Đảng, chính phủ, tổng bí thư không yêu nước à ?".

Tôi theo dõi ông Trọng nhiều năm rồi tôi biết. Từ lâu rồi ông Trọng đã lên án những người trí thức luôn luôn muốn đòi hỏi quyền tự do, dân chủ, cho Việt Nam, giống như những nước văn minh trên thế giới. Theo tôi được biết, trong hình chụp hội nghị mùng 6 tháng 10 vừa rồi, mấy chục người đó đều là trí thức, họ không có ý đồ lật đổ đâu, họ chỉ muốn gây dựng thôi. Chúng tôi thường gọi họ là các trí thức trung thành.

Thế nhưng ông Trọng mà có thái độ như thế, tôi cho rằng không phù hợp, không thiện chí, không đoàn kết, những lời nói gan ruột, bộc trực của tướng Lương, lẽ ra một người biết ứng xử, một người cầm cương của đất nước, như ông Nguyễn Phú Trọng thì tôi nghĩ rằng ông Trọng cần phải đến tận nhà ông Lương, mà cám ơn, mà mời mọc, đề nghị ông Lương rủ bạn bè tướng lính cao cấp từng trải chiến trận có mưu lược, mời một cuộc hội thảo với Bộ Chính trị : Trong tình hình hiện nay đất nước đang lâm nguy như thế nào, thế lực mình rất kém so với Trung Quốc, mà nó đang muốn ăn cướp tất cả biển của mình như thế này !

RFI : Dù sao thì mọi người cũng để ý, trong hội nghị trung ương 11 vừa qua, lần đầu tiên ông Trọng có nêu vấn đề Biển Đông ra để thảo luận. Cho đến giờ kết quả thảo luận ra sao, thưa ông ?

Võ Văn Tạo : Ở hội nghị trung ương 11, ông Trọng gợi ra chuyện thảo luận về Biển Đông. Chỉ đăng thế thôi, nhưng cụ thể thảo luận như thế nào, thì hoàn toàn bị giữ kín. Phương tiện truyền thông của Nhà nước không hề truyền tải.

Còn chuyện ông ấy đặt vấn đề mà báo chí đã đăng, thì tôi thấy rằng trên mạng lâu nay đã lên án ông Trọng rất dữ dội là đã không nói năng gì trước hành động khiêu khích của Trung Quốc. Không nói tiếng nào, đặc biệt từ tháng 7 đến giờ, từ sự kiện tầu thăm dò và kể cả tầu khác, dàn khoan nữa, vào Tư Chính và cả vùng biển phía bắc nữa. Người ta lên án dữ dội lắm. Tôi biết khả năng là những chuyện đó cũng đến tai ông Trọng, và ông có đặt vấn đề đó cũng chẳng qua là thanh minh, thanh nga với dư luận thôi, mà không phải là một chiến lược có từ lâu nay.

RFI : Theo ông, vì sao tướng Lê Mã Lương lại lên tiếng kiên quyết, đưa ra những phát biểu gây chấn động như vậy ?

Nhà báo Võ Văn Tạo : Phát biểu của tướng Lê Mã Lương, tôi biết là do anh ấy xuất thân là người lính, rất là nhiệt tình, yêu nước. Anh ấy là con liệt sĩ Điện Biên. Anh ấy được tuyển chọn đi học ở nước ngoài và anh ấy đã từ chối đi học. Anh ấy phát biểu một câu rất nổi tiếng : Đất nước còn chiến tranh thì cuộc đời đẹp nhất đối với thanh niên là trên trận tuyến chống quân thù. Thế hệ của chúng tôi sau anh ấy vài năm cũng đã biết đấy là một người rất nhiệt huyết, yêu nước, trải qua trận mạc, hàng trăm trận. Anh ấy là người rất lo lắng và giận dữ trước thái độ của Trung Quốc đối với Việt Nam, đối với biển đảo Việt Nam. Bản chất con nhà lính lời nói của anh ấy rất bộc trực, không có rào đón trước sau, tránh né.

Anh nói thẳng vào sự thực. Tình hình rất căng thẳng như vậy, cả thế giới cũng phẫn nộ. Hoa Kỳ là nước lên tiếng chỉ đích danh Trung Quốc đã lấn hiếp Việt Nam. Châu Âu, Anh, Pháp… các cường quốc đều có ý kiến phản đối Trung Quốc như thế, rõ ràng là người Việt Nam, ai cũng giận dữ.

(Mà) Nhà nước Việt Nam trong thời gian vừa qua dứt khoát chưa kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, (chính quyền) Việt Nam rất là yếu hèn trước Trung Quốc, bị Trung Quốc lấn hiếp rất là nhiều. Trung Quốc ra rằng vi phạm luật pháp quốc tế, nhưng Việt Nam vẫn chưa đệ đơn kiện. Khi dư luận rất bức xúc rất nhiều trên mạng, cả trên báo chí nữa, thì Bộ Ngoại giao Việt Nam, các quan chức trả lời một cách bóng bẩy rằng, tuy thế nhưng hồ sơ kiện đã sẵn sàng rồi. Sẵn sàng mà 5, 6 năm nay mà chưa thấy nộp đơn.

RFI : Khép lại chương trình Tạp chí Đặc biệt hôm nay về vấn đề Bắc Kinh xâm lấn Tư Chính, phản ứng tướng Lê Mã Lương và thái độ của chính quyền Việt Nam, xin nhà báo Võ Văn Tạo cho biết nhận xét chung của ông về tình hình hiện nay !

Võ Văn Tạo : Theo tôi nghĩ, trước tình hình biển đảo của ta bị xâm phạm như thế này, và những ý đồ và những hành vi thực tế của Trung Quốc quá hung hăng, nguy cơ chúng ta mất dần chủ quyền là không tránh khỏi. Các lo lắng của anh Lê Mã Lương cũng như các trí thức, cũng như đông đảo người dân trong nước là hoàn toàn có cơ sở.

Chuyện này có những sai lầm từ trước cộng lại cho đến bây giờ. Trước chủ trương ngả theo Trung Quốc, gọi là để giữ "chủ nghĩa xã hội", thực tế là để giữ "chế độ vua tập thể", lời của ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc hội Việt Nam. Ai nghiên cứu về "chủ nghĩa xã hội" thì biết rồi, Trung Quốc và Việt Nam giờ bỏ hết, chỉ giữ lại một đặc điểm : Đảng cộng sản giữ độc quyền cai trị, không chia sẻ quyền lực với ai.

Rõ ràng Việt Nam hiện nay gay go, bảo vệ được chủ quyền là rất khó khăn, mà thái độ của Đảng cộng sản, đứng đầu là ông Nguyễn Phú Trọng là như thế, không tập hợp được sức mạnh của các tầng lớp, đặc biệt là các tướng lĩnh có kinh nghiệm trận mạc, để củng cố sức mạnh quốc phòng.

Thứ hai là chính sách của Việt Nam cứ khi nào cũng khư khư "Ba Không" (Không liên minh quân sự, Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự, Không là đồng minh quân sự với nước khác), cứ sợ rằng liên minh quân sự sẽ mất chủ quyền, lệ thuộc người ta. Thế thì hiệp ước an ninh Nhật – Mỹ có làm Nhật mất chủ quyền so với Mỹ không ?

Ông Trọng trả lời giùm tôi cái này ! Liên minh giữa Mỹ và Hàn Quốc bảo đảm cho Hàn Quốc yên ổn phát triển hòa bình. Một khi anh liên minh quân sự tất nhiên các nước khác muốn lấn hiếp cũng phải nhìn mặt cái liên minh đó, như Trung Quốc bắt nạt Việt Nam. Để cứu vãn được tình thế, Đảng cộng sản Việt Nam phải lập tức thay đổi quyết liệt, thì may ra, nếu không thì chuyện mất chủ quyền sẽ không tránh khỏi !

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà báo Võ Văn Tạo !

Trọng Thành thực hiện

Nguồn : RFI, 19/10/2019

Ghi chú :

1. "Biển Đông : Tàu Trung Quốc thăm dò ngày càng sát bờ biển Việt Nam", RFI, ngày 06/10/2019.

2. Theo nhiều nhà quan sát, đây là lần đầu tiên diễn ra một hội thảo về Biển Đông, kêu gọi khởi kiện Trung Quốc, có sự tham gia của các cựu quan chức - chuyên gia hàng đầu cùng nhiều trí thức phản biện, bao gồm cả những người thường xuyên lên án chế độ đảng trị. Cuộc hội thảo được nhiều báo chính thống trong nước giới thiệu. Xem thêm bài : "Dã tâm bất tận của Trung Quốc ở Biển Đông", báo mạng Thanh Niên, ngày 07/10/2019.

3. Tướng Lê Mã Lương cũng nêu nhận định về thực trạng các lãnh đạo ngành quốc phòng hiện nay chưa từng trải qua chiến tranh…. Phát biểu của tướng Lê Mã Lương dường như đã gây rúng động Bộ Quốc phòng. Báo Quân đội nhân dân (hôm 13/10/2019) có bài "Đấu tranh mạnh mẽ với bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản bằng sức mạnh của cả cộng đồng", lên án "một vị tướng được phong danh hiệu anh hùng nhưng lại lên mạng xã hội nói về vấn đề Biển Đông, nói về các tướng lĩnh quân đội không đúng sự thật".

Published in Diễn đàn
lundi, 14 octobre 2019 18:50

‘Biện chứng lắm đấy ạ !’

Trong lời tuyên bố Bế mạc Hội nghị trung ương 11, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có những chia sẻ thêm bên ngoài diễn văn, mà ông khuyến nghị các vị đại biểu là tiếp tục phân tích, để làm bật cái ý trong phương hướng chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đến ‘tính biện chứng’ trong xây dựng các mối quan hệ.

gan1

Gần mực thì đen... Chúng ta nói về ‘gần đèn thì sáng’ khi cơ chế chúng ta giống chế độ tàn bạo Bắc Kinh

‘Thực hiện dân chủ, tăng cường pháp chế’. Theo ông, cần phải làm nhiều mặt, thay vì một mặt, tránh rơi tình trạng dễ quên, dễ chệch, dễ lệch.

Trong bài diễn văn, ông dẫn nhiều câu tục ngữ dân gian, và nhấn mạnh tính biện chứng trong đó. Và thực chất, với sự ngẫu nhiên, những câu ông dẫn lại lột tả tình hình thực tế của Việt Nam gần đây.

‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’

Việt Nam – Trung Quốc nằm cạnh nhau ngàn năm, và sẽ không có sự thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đúng như ông Tổng bí thư phát biểu, ‘văn hóa’ chính là thứ làm nên khác biệt. Và điều đó, cũng tạo nên những ‘anh hùng liệt quốc’, những trận đánh ‘sạch không kình ngạc, tan tác muôn chim’ trong chiều dài lịch sử. Triều đại có thể hưng-thịnh, nhưng lòng tự tôn dân tộc, tự chủ quốc gia được gầy dựng từ những năm 905, khi Khúc Tiên Chúa (Khúc Thừa Dụ) tự xưng Tiết độ sứ.

Những kẻ phản quốc, là những kẻ vong ơn với lịch sử dựng nước và giữ nước ông cha. Và khi chính quyền Việt Nam, với một Đảng lãnh đạo là Đảng cộng sản Việt Nam, người dân cũng có quyền yêu cầu phải giữ bằng được sự độc lập và chủ quyền quốc gia, quyền tự chủ của một dân tộc.

Đó là vì sao, khi Dự án đặc khu kinh tế là ý kiến định hướng của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về việc thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã gặp sự phản ứng của người dân, và chính người dân đã xuống đường một cách tự nguyện để ngắn chặn những ‘thảm họa’ liên quan đến chủ quyền quốc gia, trong đó có yếu tố xâm thực của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Sự ngu ngơ của không ít cán bộ đảng, nhà nước cao cấp, điển hình như ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi tuyên bố ‘không có chữ Trung Quốc nào trong Dự Luật Đặc khu’ càng gây nên rủi ro cho chính chủ quyền quốc gia.

Ông Nguyễn Chí Dũng và những đồng chí của ông không hề nắm rõ tâm tư của người dân, bởi người dân luôn hoan nghênh đầu tư và phát triển kinh tế. Nhưng làm sao để có thể quản lý được một đặc khu mà các doanh nghiệp Trung Quốc ‘bạo vì tiền’ khi mà ngay cả những vấn đề người Trung Quốc núp bóng mua đất tại những khu vực trọng yếu quốc phòng, tại các tỉnh thành trực thuộc trung ương (Đà Nẵng) chưa thực sự làm tốt ?

Đất nước này không mất vì ‘văn hóa’, nhưng mất vì sự ‘ngây thơ’ và ‘giả thơ ngây’ của không ít kẻ có tư tưởng vong nô. Và lịch từ thời cổ đại cho đến nay, đã chứng minh không ít các trường hợp như vậy.

‘Gần mực thì đen, gần đen thì sáng’ là câu biện chứng, nhưng nó xác lập điều gì tốt thì nên học, và ngược lại. Vậy một cơ chế mà tham nhũng, lợi ích khiến các chính trị gia đánh mất sự cảnh giác, hoặc giả vờ ngây thơ – đe dọa trực tiếp chủ quyền và quyền độc lập quốc gia tại sao lại tiếp tục duy trì, và học tập ?

Hằng năm, các đoàn cán bộ Việt Nam (từ Đoàn đến Đảng) vẫn được cử sang Trung Quốc học tập, và không ít đợt đã được Bắc Kinh đài thọ kinh phí.

‘Đời cha ăn mặn, đời con khát nước’

Đất đai là nguồn tài nguyên do cha ông mở mang và để lại. Thế nhưng, đất đai hiện nay lại trở thành nguồn khai thác chính của nhóm lợi ích, một bộ phận không nhỏ chính trị gia liên kết với các đại gia kinh tế, sân sau nhằm trục lợi.

Thủ Thiêm chỉ là một trường hợp điển hình của thực trạng cướp đất của người dân nhằm ‘béo phì hóa’ cán bộ và gia đình họ. Trường hợp mới nhất liên quan đến những mảnh đất được chia chác tại đảo Phú Quốc, và Long Thành.

Khi nguồn đất đai hay các tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng để phục vụ cho đội ngũ cán bộ, thì nợ công (vốn xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ), lại đang ngày trở thành gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai.

Đó là lý do vì sao, ông Nguyễn Tấn Tuân – Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa, đồng thời cũng là Phó Bí thư tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự băn khoăn về việc, Chính phủ cần siết chặt việc cấp phép khai thác và phải giao trách nhiệm cho các địa phương, có kế hoạch giám sát, hậu kiểm tốt đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên của đất nước là của để dành cho các thế hệ mai sau.

Đây không phải lần đầu tiên cảnh báo và kiến nghị được đưa ra, và trước đó hàng loạt các cảnh báo đề cập đến việc, thế hệ hiện tại của Đảng và nhà nước đang ra sức khai thác các nguồn tài nguyên, khoáng sản không thể tái tạo, để đạt được chỉ tiêu – kế hoạch đề ra của Đảng, và để vun vén cho chính túi không đáy của bản thân.

Đất đai vẫn nóng sốt, cát đang trở nên khan hiếm, nước cung cấp cho dân vẫn trong tình trạng báo động đỏ, các mỏ - khoáng sản đang dần cạn (bao gồm cả mỏ Bạch Hổ ở ngoài khơi Biển Đông), các vùng tài nguyên liên quan đến rừng và dãy núi bị san bạt bởi sự thiếu vắng quản lý của ban ngành, và vì mục đích phát triển kinh tế.

Cả Việt Nam, mảnh đất cha ông với ‘rừng vàng, biển bạc’ trở thành một đất nước với những hổ lốn liên quan đến đào-xúc-múc-bán.

Đó có phải chính là minh chứng rõ nét của ‘đời cha ăn mặn, đời con khát nước’ ? Và biện chứng ở đây sẽ là gì, ngoài những người lao động phải ở lại với một đất nước hoang tàn, trong khi những kẻ gây ra tội lỗi đang hít thở và sống nốt quãng đời còn lại ở trời Âu ?

Chúng ta mãi tìm kiếm ‘biện chứng’, mà quên rằng, cái thực tế đất nước đang điêu tàn vì mãi miết tìm cái ‘biện chứng’ không hề có đó.

 ‘Lúc này chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn quá độ để thực hiện "phủ định cái phủ định" có tính biện chứng cách mạng đối với tư hữu lớn tư bản chủ nghĩa, "khôi phục lại sở hữu cá nhân", xác lập công hữu toàn xã hội…’,  Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Chúc - Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương [1].

Chúng ta nói về ‘gần đèn thì sáng’ khi cơ chế chúng ta giống chế độ tàn bạo Bắc Kinh, và nói về ‘đời con khát nước’ khi vẫn ngày – đêm sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia từ chính những ‘chủ trương, chính sách tài tình của Đảng ta’.

Đó là thực tế, là ‘biện chứng lắm đấy ạ’ ?!?

An Viên

Nguồn : VNTB, 14/12/2019

Tham khảo

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/51895/Thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-Ly-luan-cua.aspx

Published in Diễn đàn

Ngày 10/10, báo QĐND đăng tải bài viết với tiêu đề ‘ Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản’. Nhìn qua, tưởng chừng như đây là bài nói về cái tệ hại của Đảng viên, sự kiêu ngạo của một thời ‘chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng’, nhưng không, bài viết dù không đề cập tên tuổi nhưng đánh thẳng vào những người đảng viên đảng cộng sản có những quan điểm và hành vi tiến bộ như "tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng".

kien4

Những người tham gia Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019

Nếu đây không đề cập đến ông Chu Hảo, người đứng đầu nhà xuất bản và cho ấn hành không ít tác phẩm liên quan đến tư tưởng phương Tây ; hay Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang – người lên tiếng thường trực các nội tình quốc gia, đặc biệt là tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm ; là nhà văn Nguyên Ngọc – người từng xuất hiện không ít trong các kiến nghị liên quan đến vấn đề giữ gìn chủ quyền quốc gia,… ; hay cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang, cựu Đại sứ Nguyễn Trung ; hay nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – ông Vũ Ngọc Hoàng.

"Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người "không hiểu quân sự, không qua chiến tranh".

Nếu đây không đề cập đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tướng Lê Mã Lương, người trong cuộc tọa đàm khoa học về vùng biển Bãi Tư Chính ngày 6/10 đã tuyên bố, nếu để mất Bãi Tư Chính, ông sẽ cầm đầu anh em đến ‘hỏi thăm’ Bộ Ngoại giao. Người tiết lộ việc các đại tướng chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam không biết đọc… bản đồ thực địa.

Thay vì áp đặt cái tội trạng ‘kiêu ngạo cộng sản và bệnh công thần’ lên những người có ý kiến khác với chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Thì Đảng cộng sản Việt Nam có thể ngồi xuống và lắng nghe để những người ‘cộng sản và công thần’ đó nói về những tâm tư, nguyện vọng họ đối với tình hình quốc gia. Bởi trước hết, họ là một công dân của 1 quốc gia, và thứ hai, họ là một đảng viên đặt tổ quốc lên trên mọi thứ.

Nếu như quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là ‘sáng suốt’ đến mức không thể bàn cãi, thì có lẽ, năm 2020 chúng ta đã là một quốc gia công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại. Và bauxite Tây Nguyên vẫn ngày ngày có lãi, bãi Tư Chính sẽ không có chỗ cho Trung Quốc tiến vào. Một nền văn hóa với yếu tố ràng buộc Phật giáo sẽ trở nên có văn hóa, đạo pháp và dân tộc hơn.

Đáng tiếc, tất cả những điều trên, thuộc về quyết sách của Đảng cộng sản Việt Nam lại không hề khoa học và sáng suốt mà chứa đựng những bất ổn. Và chính vì vậy, những đảng viên nêu trên đã phải đứng thẳng người dậy và tuyên bố những điều sai trái, bất ổn đó.

Một chính đảng muốn vững mạnh, một quốc gia muốn giàu mạnh, và một dân tộc muốn trường tồn, trước hết phải biết lắng nghe thay vì áp đặt một quan điểm, ý chí, tư duy mà sự đúng sai chưa hề được kinh qua trong thực tiễn.

Điều đó để cho thấy rằng, bài viết của hai tác giả ‘Công Minh – Nguyên Minh’ của báo QĐND không những hiểu sai lệch về khái niệm ‘kiêu ngạo cộng sản’, mà còn gián tiếp xúc phạm những đảng viên trung và cao cấp, dám nói lên quan điểm của mình. Chỉ ra cái sai, cái tai hại, cái có thể khiến cho nhà nước và cả chế độ rơi vào trạng thái suy vong.

Vậy sự kiêu ngạo cộng sản chính thức là gì ?

Đó là khi chưa thoát ra khỏi chiến tranh bao lâu, cả xã hội bị kiểm soát giao thương, với nền kinh tế kế hoạch tập trung khổng lồ nhưng nhà lãnh đạo Lê Duẩn vẫn tự tin tuyên bố ‘10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh’.

Đó là, những tập đoàn thép được sinh ra nhằm biến Việt Nam ‘hóa rồng’.

Đó cũng là khi nền sản xuất với tư duy cơ chế 0.4 nhưng vẫn tuyên bố đi tắt đón đầu cuộc cách mạng 4.0.

Đó cũng là khi chủ quyền quốc gia xâm phạm nghiêm trọng nhưng quan điểm ‘3 không’, trong đó không liên minh quân sự vẫn được giữ gìn.

Và nhìn lại sau lưng, chính sự kiêu ngạo của cộng sản được thể hiện qua quan điểm về ‘sự bất khả chiến bại’ và luôn ‘chiến thắng’ của chủ nghĩa xã hội, hoặc tính ‘tất yếu’ của chủ nghĩa xã hội luôn hiện diện trong các văn kiện, dự thảo chính trị, bất chấp các quy luật của thực tiễn đã chứng minh sự ‘tù túng’ lẫn ‘tính thiếu bền vững’ của chính nó qua trường hợp Trung Quốc.

Sự kiêu ngạo và bướng bỉnh của người cộng sản là bám vào một dòng lập luận của một nhà lý luận cách mạng và cho đó là điều đúng đắn. Dựa vào cuốn sách cuộc cách mạng 4.0 để cho rằng mình đã nắm được bí quyết làm cách mạng. Là đưa đoàn qua Mỹ học tập và cho rằng chỉ cần như thế thì nền kinh tế hóa rồng trong khi vẫn giữ nền chính trị như cũ.

Những quan điểm ngạo mạn và kiêu ngạo nêu trên không khác gì cách các lãnh tụ Liên Xô đã từng tuyên bố vào năm 1960 rằng, Liên Xô đã bước vào giai đoạn ‘xây dựng chủ nghĩa cộng sản toàn diện’ hay ‘chủ nghĩa xã hội phát triển’ vào những năm 1980, và luôn đánh giá thấp tiềm năng và năng lực của chủ nghĩa tư bản.

Kiêu ngạo cộng sản bản chất là hệ quả của lý tưởng cách mạng đã tụ lại thành một đảng chuyên chính quyền lực, nơi bất kỳ sự nghi ngờ hay thắc mắc, ý kiến hay quan điểm nào khác với đảng bị chụp mũ là ‘phản động’, là biểu hiện của ‘căn bệnh kiêu ngạo cộng sản và bệnh công thần’.

Đó mới chính là bản chất và diễn giải đúng về kiêu ngạo cộng sản, mà bằng kiến thức mờ nhạt về lịch sử và lý luận cộng sản, cả hai tác giả ‘Công Minh – Nguyên Minh’ đã không nhận diện ra. Và điều hướng căn bệnh này như một phương pháp đấu tố giới trí thức, đảng viên có tâm với quốc gia, dân tộc Việt Nam.

An Viên

Nguồn : VNTB, 12/10/2019

********************

Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản

Công Minh - Nguyên Minh, QĐND, 10/10/2019

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội...

Họ đã và đang tự đánh mất chính mình

Chúng ta hẳn có nhớ một sự việc gần đây, từng có cựu Ủy viên Trung ương Đảng tuổi đời còn trẻ, tương lai đang rộng mở thì "dính chàm", bị cách hết mọi chức vụ. Nguyên nhân do nhiều sai phạm, trong đó một phần do thói độc đoán, chuyên quyền, kiêu ngạo, không biết lắng nghe, không tôn trọng cả cấp trên và cấp dưới.

Lại có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu vẫn không giữ được mình, có nhiều sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh họ, như cựu quan chức mạt sát cảnh sát giao thông ; cựu bộ trưởng đòi đặc quyền đặc lợi... Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng ; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này lại không tiếp thu, sửa chữa, cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là "trở về với nhân dân".

Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...

Những căn bệnh cần tránh của người cộng sản

Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều nhưng nếu sự chỉ trích đi kèm bệnh kiêu ngạo cộng sản và công thần thì hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Năm 1919, nhà văn Maxim Gorki đã viết thư đề nghị V.I Lênin ngừng "khủng bố" những trí thức bị bắt vì phản loạn. V.I Lênin đã viết bức thư trả lời, phân tích rằng không nên trộn lẫn "các lực lượng trí tuệ" của nhân dân với "lực lượng" trí thức tư sản. Ông còn lấy trường hợp tác giả cuốn sách với những mỹ từ "Chiến tranh, Tổ quốc và Nhân loại" nhưng thực ra là kẻ dùng lời đường mật đánh tráo khái niệm yêu nước đích thực ; ông cho rằng những trí thức phản loạn, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia "bọn chúng không phải là bộ não...". Sau này, trong bài viết vào năm 1921, V.I Lênin đã vạch ra một trong 3 thứ kẻ thù chính-kẻ thù "nội xâm" mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt, kẻ thù đầu tiên, chính là "tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa".

kieungao2

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. Nguồn : Ảnh tư liệu.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần : "Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là "cứu tinh" của dân, "công thần" của Đảng. Theo Người : "… Có những người cậy mình là "công thần cách mạng", rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng...". Người cũng chỉ ra nhiều thứ "bệnh" của cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện : "Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo... Việc gì cũng muốn làm thày người khác". Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Rồi bệnh óc lãnh tụ : "Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu !".

Vi phạm cả pháp lý, đạo lý, xa rời nhân tâm, tự vùi danh dự

Soi rọi những lời căn dặn trên vào các biểu hiện mắc bệnh của một số cán bộ mà chúng tôi nêu ở phần đầu bài viết, có thể thấy rất rõ những điều các bậc tiền bối cách mạng căn dặn dường như đã nói đúng, nói trúng tim đen của ai đó xa rời đạo đức, danh dự người cộng sản chân chính. Người cộng sản cần có dũng khí để đấu tranh với những điều sai trái, những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng phê bình phải trên tinh thần xây dựng, phải có cái tâm. Cuộc sống xấu đi bởi sự im lặng nhưng cuộc sống cũng xấu đi và tồi tệ hơn bởi những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện, vô trách nhiệm, giật gân, đao to búa lớn để nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, gắp lửa bỏ tay người. Đó là thói phê bình nói lấy được của kẻ không biết mình là ai, thậm chí "Chân mình thì lấm mê mê/Lại đi cầm đuốc mà rê chân người" như cha ông ta đã dạy. Đó là thói phê bình vơi tình cạn nghĩa, không thể chấp nhận đối với những người từng chung đội ngũ, từng thuộc lời thề thứ 7 về tình đồng đội.

Đã là người cộng sản, là đồng chí, đồng đội, thì khi góp ý, phê bình phải với tinh thần người cộng sản, đồng chí, đồng đội chứ không thể bịa đặt thông tin, đổi trắng thay đen, gây hoang mang, suy giảm niềm tin của nhân dân. Càng không thể phê phán khi chính mình chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ thông tin và nhận thức về những lĩnh vực mình còn nông cạn, chưa trải nghiệm. Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người "không hiểu quân sự, không qua chiến tranh". Không thể phê bình kiểu thầy bói xem voi phủ nhận cả thành tích, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng ý kiến chủ quan, lệch lạc.

Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập, chỉ rõ để mỗi cán bộ, đảng viên không sai phạm. Nghị quyết chỉ rõ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít ; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, quân đội ; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.

Nghị quyết cũng không cho phép "kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước...".

Vậy thì rõ ràng, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây giao lưu, cấu kết với các thế lực phản động hoặc bị chúng lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là điều không thể chấp nhận, chính là việc vi phạm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

Nhìn ở góc độ pháp lý, những hành vi xuyên tạc, vu khống người khác thông qua cái gọi là phê bình, đấu tranh, bày tỏ chính kiến với nhiều trường hợp đã vi phạm Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, người vu khống, nói xấu, bôi nhọ danh dự, tuy tín của người khác còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội : Tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống...

Đấu tranh và xử lý, không để tạo những tiền lệ xấu

Những hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý như vậy cần phải được đấu tranh, phê phán, lên án, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Tổ chức đảng, đoàn thể nơi quản lý những cán bộ đó phải tăng cường giáo dục, rèn luyện họ chấp hành đúng kỷ luật và các quy định của Đảng, đề cao lương tâm, trách nhiệm, danh dự của người đảng viên chân chính.

Đối với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, phải có thái độ và biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, không để nương nhẹ, hóa mù ra mưa với những trường hợp công thần, kiêu ngạo cộng sản dẫn đến những lời nói, việc làm sai phạm. Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm sâu sắc về một số trường hợp tướng lĩnh quân đội, công an từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhưng vi phạm kỷ luật, pháp luật vẫn bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.

Bác Hồ từng căn dặn : "Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ". Nhưng nhân dân và tổ chức cũng luôn rộng mở với những người biết khắc phục sửa sai. Thực tế đã có cán bộ tướng lĩnh có biểu hiện kiêu ngạo, được Bác Hồ nhắc nhở, rèn luyện sau trở thành vị tướng tài năng, đức độ, đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của quân đội, sau đó ông tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường, cống hiến theo đạo đức cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, qua đời. Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải : Rèn luyện đức khiêm tốn ; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác ; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...

Với cán bộ cao cấp, càng đòi hỏi khi đương chức cũng như nghỉ hưu phải có sự tỉnh táo, cẩn trọng khi nói và làm, nhất là phát ngôn trên truyền thông và mạng xã hội, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên ; giữ gìn bản lĩnh, danh dự và uy tín người quân nhân cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ từng gửi cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ : "Đảm dục đại" (Gan phải to) ; "Tâm dục tế" (tấm lòng, tâm hồn phải trong sáng) ; "Trí dục viên" (Suy nghĩ trọn vẹn, toàn diện, chu đáo) ; "Hạnh dục phương" (Hành động đúng đắn, ngay thẳng, phân minh, đàng hoàng). Sau này, nói chuyện với các tướng lĩnh, Bác nói đến 6 đức tính cần phải có, gồm : Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung nhưng phẩm chất đầu tiên phải có là Trí. Người chỉ rõ Trí là phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng. Suy nghĩ thấu suốt, nhìn xa trông rộng, phát ngôn rạch ròi, có thể định hướng dư luận, thế mới xứng tầm của những người từng ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy.

Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, công thần, những điều sai trái có "cánh tay vô hình" của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu, có tinh thần đấu tranh cao nhưng trong nhiều trường hợp lại thiếu thông tin ; không sử dụng hoặc ít cập nhật mạng xã hội, internet... Vì thế, cũng cần có biện pháp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, ngăn ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả mạng xã hội, để các nhà cung cấp của Google, Facebook, YouTube... chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam ; buộc họ chủ động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội...

Công Minh - Nguyên Minh

Nguồn : QĐND, 10/10/2019

Published in Diễn đàn

Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.

Hội nghị Trung ương 11 khóa XII khai mạc sáng 7/10. Và ngay sau đó, báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh (PLO) đã đăng tải bài viết ghi nhận một "chú ý" trong ngày mở đầu Đại hội. Đó là, bục phát biểu mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng không có hoa trang trí.

lamviec1

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

"Bỏ đi những lẵng hoa ở bục phát biểu, chắc chắn điều đó sẽ có tác dụng thúc đẩy bớt đi bệnh hình thức mà bao nhiêu lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước đã và đang kêu gọi dẹp bỏ", theo PLO.

Phản hồi về bài viết này, Facebooker Tâm Mai chia sẻ bằng ngôn ngữ châm biếm rằng : Nhìn bục phát biểu không hoa tại hội nghị trung ương 11 mới thấy đó là 1 thành quả vĩ đại của 1 cuộc cách mạng vĩ đại về trang trí hội nghị. Lần đầu tiên trên thế giới, đảng ta đã có sáng kiến dẹp bỏ hoa hoét khi hội nghị hội họp, việc làm này cần phải được ghi vào sử sách là một việc làm nhằm tiết kiệm ngân sách và cần phải được lăng xê thật nhiều cho những quốc gia như Mỹ, Anh, Pháp học theo.

Và một lần nữa, báo chí cách mạng tự hào về cái điều mà đáng ra phải nên làm từ lâu. Tất nhiên, muộn còn hơn không.

Nhưng, phản ánh và lên án ‘bệnh hình thức’ liên quan đến trang trí hoa này không phải đến từ đội ngũ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, mà xuất phát từ chính những người mà báo Quân đội Nhân dân hay Nhân Dân gọi là ‘phản động’. Những trang thông tin đăng tải sự lên án này được ví như là ‘trang tin trái chiều, phản động’.

Nhưng điều quan trọng, đúng như Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên đề cập, "chúng ta cứ mải mê gỡ những cái đinh do chúng ta đóng để rồi lại gọi đó là thành quả".

‘Thành quả cách mạng’ – ngôn từ lộng lẫy và kiêu hãnh trong các văn bản mà Đảng ban hành lại là một thực trạng về ‘cái đinh do Đảng đóng vào rồi gỡ ra’. Không phải đến bây giờ, mà từ cái thời điểm Đảng xóa bỏ toàn bộ nền móng cơ sở của sản xuất tư nhân và cơ chế thị trường miền Nam, để thay vào đó là nền kinh tế kế hoạch. Và đến khi đói quá, Đảng mới bắt đầu phải từng bước mở cửa lại thị trường và đóng sập cánh cửa ‘kinh tế tập thể’ mà Đảng từng một thời hô hào người dân xây dựng.

Đảng từng coi nước Mỹ là kẻ thù và Trung Quốc là anh em, Đảng từng kiêu hãnh trên chiến thắng và bắt nước Mỹ phải bồi thường hàng tỷ USD chiến tranh trước khi thiết lập ngoại giao. Kết quả, Đảng sau đó phải nhún nhường để giao kết với Mỹ, và năm 2007 Đảng đã đưa chế độ gia nhập vào tổ chức thương mại thế giới WTO, với sự ủng hộ rất lớn từ cựu thù Mỹ.

Đảng đề cao kinh tế nhà nước và coi là chủ đạo, động lực của phát triển nước nhà, coi kinh tế tư nhân là con ghẻ chế độ. Và sau thời gian khiến nền kinh tế lao đao bởi những tập đoàn chủ đạo đó, Đảng lại một lần nữa gọi tên kinh tế tư nhân bằng cụm từ ‘động lực, vai trò quan trọng’, và tuyệt nhiên, trong ghi nhận vai trò đó, không có một nguồn chứng dẫn Marx-Lenin nào cả.

Khi ‘chế độ kinh tế’ lâm nguy, ảnh hưởng đến ‘chế độ chính trị’, thì Đảng mới thực sự nhận thức lại. Những cái gì Đảng coi thường, nay lại được trọng vọng ; và những cái mà Đảng bức tử nay lại được phục hồi.

Đảng coi đó là ‘đổi mới, sáng tạo’ trong quá trình lãnh đạo đất nước. Và ghi nhận đó như là ‘thành tựu vĩ đại’ trong công cuộc dẫn dắt, chèo lái con thuyền dân tộc.

"Những cái đinh đóng vào" cũng áp dụng cho cả công cuộc chống tham nhũng. Thế nên mới có câu biếm ngữ, rằng, khi trả lời về vai trò quan trọng của Đảng đối với công cuộc chống tham nhũng, thì đó lại là, "nếu không có Đảng, thì không có tham nhũng nảy sinh để chống".

Cả dân tộc được dẫn dắt và lèo lái bởi Đảng tài tình, đi theo một vào tròn, và trên cơ sở ‘đập-xây-đập-xây’. Thế nên qua nhiều thập kỷ, tiềm lực quốc gia vốn dồi dào, nhưng sự huy động lại theo hướng bòn vét thay vì là phát triển.

Việt Nam xứng đáng là cường quốc trong khu vực, và hộ chiếu Việt Nam xứng đáng đặt ngang hàng với Singapore, Malaysia, Hàn Quốc,… Vấn đề là, liệu Đảng có nhận thức được điều quan trọng đó hay không, hay thuần túy trong các Đại hội chỉ là ‘bảo vệ quyền lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện của Đảng’.

Mới đây, để phục vụ Đại hội, một Tổ biên tập Tiểu ban Kinh tế - Xã hội Đại hội XIII của Đảng đã đến Mỹ để nghiên cứu thực tiễn chính sách của Mỹ. Nhưng cơ chế luật pháp, chính trị lẫn kinh tế của Mỹ hoàn toàn khác thì chỉ có thể ‘nghiên cứu’, còn áp dụng, thực ra đơn giản chỉ là bỏ cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ ra khỏi ‘kinh tế thị trường’ là được. Thế nhưng, cái đơn giản và trực diện lại không làm, và bao năm nay, ngân sách quốc gia vẫn cứ tiếp tục đổ ra để các đoàn của Đảng và Nhà nước công du nước ngoài để nghiên cứu và để đó, bên trong thì Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam vẫn ngày đêm ‘làm rõ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ trong bế tắc, bằng những luận điểm chung chung và không hồi kết.

Trong khi thế giới chuyển biến nhanh, thì Đảng lại ‘dè dặt’ như cách mà Nhà Nguyễn từng ‘dè dặt’ trong mở cửa và tiếp nhận thực học phương Tây. Và những ‘đổi mới’ của Đảng, thực tế không phải đổi mới, mà là tìm cách chắp vá cho chế độ được sinh tồn, nhằm giữ bằng được cốt lõi chính trị.

Chừng nào chưa đổi mới chính trị theo hướng đa nguyên, chừng đó câu chuyện ‘đóng đinh, nhổ đinh và tự hào’ vẫn sẽ tiếp diễn.

Quay trở lại với vấn đề hoa trên bục phát biểu, bài viết của PLO có đề cập đến trăn trở của ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ‘kể lúc ông còn làm phó Thủ tướng, bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, ông sang thăm một nước Bắc Âu. Nước chủ nhà đón tiếp ông cũng rất trọng thị nhưng giản dị và tiết kiệm. Bó hoa tặng ông lúc ở phi trường rất bé, không to như ở Việt Nam’.

Nhưng sự trăn trở đó dường như hình thức, khi mà mới đây trong bục phát biểu tại kỳ họp thứ 16, Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh khóa IX sáng 6/10 của Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân vẫn có hoa trang trí như lệ thường.

Có lẽ, giữa nói và làm của người cộng sản là một khoảng cách xa vời. Và ‘đóng đinh, nhổ đinh’ vẫn sẽ còn tiếp tục.

An Viên

Nguồn : VNTB, 09/10/2019

Published in Diễn đàn

Khi Đại tướng Quân đội Nhân Dân Việt Nam mất, báo chí rầm rộ đưa tin, và ngày giỗ đầu của ông Đại tướng (4/10), đã được báo chí truyền tin một cách trân trọng. Trong khi báo chí nước ngoài nhân dịp đó đánh giá lại di sản mà ông Đại tướng để lại.

tdq1

Đại tướng - Chủ tịch nước Trần Đại Quang lúc sinh thời

Tương tự, hai trường hợp tiếp theo được báo chí đưa tin và nhân dịp lễ giỗ đầu để tưởng nhớ là ông Sáu Dân (nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt) và ông Sáu Khải (nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải), với ngôn từ ‘nhớ thương’.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và hai nguyên Thủ tướng là người xác lập những nền móng cơ bản cho việc kết thúc chiến tranh, lập lại hòa bình và đưa nền kinh tế Việt Nam vào một phần quỹ đạo phát triển của kinh tế thế giới. Tính chất ‘hữu ích’ của những quyết định từ ba nhân vật này được cho là góp phần khép cửa chiến tranh và mở cửa nền kinh tế, từng bước đưa quốc gia thoát nghèo.

Chính vì vậy, ngôn ngữ ‘Nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước và nhân dân’ phần nào phản ánh đúng vị trí của chính họ.

Giỗ đầu – nghi thức người Việt nhằm tưởng nhớ đến người đã qua đời, thể hiện sự thương xót và thành kính của người đang sống với người đã khuất.

Đại tướng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nguyên Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất vào ngày 21/9/2018. Nhưng điều kỳ lạ là trong ngày giỗ đầu của người từng đứng đầu Bộ Công an, đứng đầu Văn phòng Chủ tịch nước lại không hề được báo chí nhắc đến.

Không có bất kỳ một ‘giỗ đầu Đại tướng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang’ nào trên báo chí chính thống. Chỉ có ‘giỗ đầu’ do VOA, RFA, hay trang fanpage Việt Tân ghi lại chuyến thăm của nhà văn Tạ Duy Anh trong bài viết ‘đi xem mộ Trần Đại Quang’. Và mục đích chuyến đi không phải là để ‘viếng’, mà thuần túy chi là ‘xem mộ’, và để ‘thỏa mãn vì đã xác minh được một sự thật’.

Nén hương trầm cho người mất từng một thời thét ra lửa giờ đây chỉ còn quanh quẩn người trong gia đình. Những ‘đồng chí’ từng một thời trong bộ máy chính quyền dường như đã tìm cách quên nhanh người đã khuất, và sự tồn tại qua nhắc lại với ngôn ngữ thương cảm trên báo chí đã không còn nữa, kể từ sau ngày hạ huyệt.

Tương tự như ‘Đại tướng Trần Đại Quang’, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười ngoài những tin cũ về ‘quốc tang trong 2 ngày’, về ‘hình ảnh xúc động tại lễ tang’, thì tuyệt đối, đã không thấy bất kỳ một tin bài nào được đăng trang trọng trên báo chính thống về ‘giỗ đầu’ của ông.

Hai con người, hai thế hệ nhưng lại cùng một số phận. Và khi người dân nhắc đến, họ thường nghĩ về sự tham nhũng và bạo quyền. Dù rằng, ‘chết là hết’, nhưng những vết nhơ trong thời kỳ lãnh đạo và chỉ đạo vẫn còn tồn tại, trong sự chỉ trích của người đời.

Quyền cao – chức trọng giờ đây cũng chỉ là một khái niệm mang tính hời hợt và lụi tàn, trong khi vinh danh và nhắc lại bằng sự thương cảm trở nên đáng giá.

Khi xã hội càng phát triển, các luồng thông tin ngày càng đa chiều, thì những nhà lãnh đạo cộng sản càng trở nên khó khăn hơn khi thực hiện ‘thần thoại hóa’ cuộc đời của mình, và tự tìm cách ngự phong thần thánh đối với bản thân mình. Bởi người dân đã có nhận định của họ, thương cảm của họ, không phải bằng những bài viết tuyên truyền chính thống, mà chính là những suy nghĩ độc lập dựa trên đánh giá thực tế những gì mà những nhà lãnh đạo đã làm được cho nước, cho dân.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ, hai lãnh đạo Chính phủ là ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải xác lập cơ sở trong nền kinh tế Việt Nam với tốc độ phát triển bình quân 7% năm. Và hiện tại, người dân kỳ vọng một lãnh đạo thế hệ mới phải mở bằng được nền kinh tế thị trường đầy đủ và xác lập dân quyền trong nước và quyền tự chủ quốc gia. Ba yếu tố làm nên sự tự chủ và thịnh vượng bền vững cho quốc gia Việt Nam.

Ông Nguyễn Phú Trọng, người đang giữ liền hai chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước – đảng đang là một con người như vậy. Ông chịu nhiều sự chỉ trích về sự ‘cổ hủ, giáo điều’, nhưng cũng không ít khen tặng về ‘quyết tâm chống tham nhũng và làm sạch đảng’. Thế nhưng, tương lai của đất nước này lại không nằm ở ‘chỉnh đốn đảng’, mà lại nằm ở đổi mới đảng, trong đó, triệt thoái quyền lực độc tài để trị tha hóa quyền lực ; xác lập nền kinh tế thị trường đầy đủ để trị ‘lỗ theo kế hoạch’, và dân quyền hóa để xác lập quyền giám sát và làm chủ nhân dân.

Đó không chỉ là tầm nhìn bền vững cho quốc gia, giúp chống lại tệ tham nhũng, quan liêu và sự trì trệ trong phát triển kinh tế, mà nó còn đưa ông Nguyễn Phú Trọng vào ngôi đền, nơi mà người dân có thể tưởng niệm ông vào mỗi dịp giỗ về.

‘Dân không thờ sai ai bao giờ’, hay ‘dân không chọn thờ nhầm người bao giờ’ nếu như người đó tạo được dấu ấn cho chính quốc gia, dân tộc này thay vì lợi ích cá nhân hay lợi ích của chính đảng. Bởi lẽ, cho đến nay, quan điểm ‘Ngoài lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, Đảng ta không có lợi ích gì khác’ chỉ là một câu nằm ở cõi mộng.

Do vậy, khi thuế phí gia tăng trong tương lai – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi người công nhân phải ăn bữa cơm không dành cho người – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi quốc gia bị lâm nguy vì chính quyền Trung Quốc – đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; khi Việt Nam mất cơ hội nâng cấp quan hệ với Mỹ - đó là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng ; và khi quốc gia mất cơ hội vàng trong phát triển kinh tế - con người và xã hội thì đó hoàn toàn là lỗi ông Nguyễn Phú Trọng.

Ông Nguyễn Phú Trọng đang ‘cai trị’ quốc gia trong thời điểm mà thách thức và cơ hội đang xen nhau, và lựa chọn của ông sẽ đánh dấu việc, Việt Nam sẽ tồi tệ hay tốt đẹp lên.

Bài học ‘giỗ đầu’ của Đại tướng Trần Đại Quang và Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn còn đó, liệu ông Nguyễn Phú Trọng có thực sự lắng nghe ?

An Viên

Nguồn : VNTB, 04/10/2019

Published in Diễn đàn

Dù tổng thể Nghị quyết đưa ra dù có tốt, thì thực tế triển khai vẫn đẹp về mặt báo cáo, trong khi thực chất, để hiện thực hóa ½ Nghị quyết là hoàn toàn rơi vào bất khả thi nếu như cơ chế vẫn giữ như cũ.

NGHIQUYET1

Tổng bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng - Ảnh minh họa

Vào ngày 27/9, Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam do ông Nguyễn Phú Trọng ký ban hành đề cập đến 'Một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)'.

Câu chuyện ra Nghị quyết và năng lực thực hiện Nghị quyết là hai chuyện hoàn toàn khác nhau, mặc dù bản chất Nghị quyết của Bộ Chính trị mang tính chất điều hướng, chỉ đạo và huy động toàn lực hệ thống chính trị các cấp, ban ngành vào cuộc.

Cách đây không lâu, trong một Nghị quyết Trung ương 3 (khóa IX), và Chỉ thị số 45 của Bộ Chính trị trong đổi mới doanh nghiệp gắn với kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ, phát triển nguồn nhân lực.

Vinashin được xem xét là một hình mẫu tối ưu trong thực hiện hạng mục này. Tuy nhiên, dù Vinashin ra ‘nhiều nghị quyết về quy hoạch, bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo, công nhân lành nghề’ bằng cách đưa đi đào tạo, bồi dưỡng ở các nước có ngành công nghiệp tàu thủy phát triển như Hàn, Trung, Nhật. Hay thậm chí là đầu tư nâng cấp các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của ngành ; nghiên cứu, chủ động tìm kiếm mở rộng thị trường; chú trọng công tác xây dựng đảng thông qua làm tốt công tác chính trị, nâng cao trình độ lý luận,… Nhưng kết quả cho thấy, Vinashin vẫn là tượng đài lớn về chính sách ‘tập đoàn kinh tế thua lỗ’, làm thâm hụt nghiêm trọng về tài chính và mất mốn nhà nước. Đến tận tháng 5/2018, theo báo chí chính thống báo cáo, thì Vinashin vẫn không lối ra, và mỗi năm vẫn lỗ đều ở mức 5.000 – 7.000 tỷ đồng. Xác lập thành công mô hình ‘tội đồ’ tàn phá nền kinh tế, trong ‘hố đen nợ nần’.

Điều đó cho thấy rằng, mặc dù tổng thể Nghị quyết đưa ra dù có tốt, thì thực tế triển khai vẫn đẹp về mặt báo cáo, trong khi thực chất, để hiện thức hóa ½ Nghị quyết là hoàn toàn rơi vào bất khả thi nếu như cơ chế vẫn giữ như cũ.

Cách mạng 4.0 được tuyên truyền rầm rộ vào năm 2018 – 2019, và hiện nay được xem xét như một mục tiêu mang tính dài hạn thay thế chương trình ‘cơ bản thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa vào năm 2020’.

Tuy nhiên, như nhiều bài viết phản biện đã mô tả, nền kinh tế - xã hội Việt Nam vẫn ở ngưỡng của cuộc cách mạng thứ hai diễn ra vào đầu thế kỷ 20 (năng lượng điện), chưa tiệm cận đến cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba (gắn với máy móc tự động dựa vào máy tính, thiết bị điện tử). Bản chất của nền lao động Việt Nam đến nay vẫn là nền nhân công giá rẻ và số đông. Nếu xét trên hệ thống tiếp cận về cuộc cách mạng 4.0, thì Việt Nam đang thực sự ‘đi tắt đón đầu’, một quan điểm phát triển của những nhà cách mạng Bolshevik.

Tạp chí Đảng cộng sản, đã đăng tải bài viết vào ngày 24/1/2019 với tiêu đề, "Giải pháp nào ‘đi tắt, đón đầu’ trong Cách mạng công nghiệp 4.0?’. Và trong 5 giải pháp được đưa ra, thì tại giải pháp thứ 5 có đề cập đến, ‘nỗ lực đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nhân tố khoa học - công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao "hướng tới nền kinh tế tri thức", nhất là đổi mới để thành quốc gia sáng tạo’.

Làm sao để tiệm cận được 4.0 khi mà một chiếc oto được làm ra, Việt Nam phải nhập 80% linh phụ kiện. Hay nói cách khác, tính gia công là đặc tính lớn của nền sản xuất ở Việt Nam, một mô hình kiểu ‘công xưởng’ mà Trung Quốc từng tiến hành trong giai đoạn 2000.

Nhưng quan trọng hơn, làm thế nào để hướng tới nền kinh tế tri thức và trở thành một quốc gia sáng tạo nhằm đi tắt đón đầu cách mạng 4.0 khi cơ chế hiện tại của Việt Nam vẫn là một cơ chế quyền hành, chỉ đạo và thực hiện bằng mệnh lệnh, và chỉ đạo nền kinh tế - định hướng kinh tế bằng Nghị quyết?

Ngay cả về mặt lập pháp, được cho là một phần trong nhóm chủ trương, chinhs ách chủ động để tiến tới ‘đi tắt đón đầu’, thì tình cảnh còn rơi vào trạng thái ảm đạm. Và mới đây nhất, trong Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019 vào ngày 19/9/2019 ở Hà Nội, TS Nguyễn Sĩ Dũng bày tỏ, ‘Việt Nam như con nhộng mới lột một nửa, nửa pháp quyền, nửa Xô viết.’ Chưa kể đến, so với thông lệ quốc tế, thì thể chế  kinh tế thị trường vẫn chưa đồng bộ, đầy đủ để bảo đảm thị trường vận hành thông suốt, chưa thực sự đáp ứng yêu cầu thúc đẩy nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập, theo như quan điểm của ông Cao Viết Sinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư. Đó cũng là lý do vì sao, cho đến nay, EU và Mỹ - hai đối tác thương mại lớn và có tầm quan trọng trong chuyển đổi nền kinh tế của Việt Nam vẫn chưa công nhận ‘nền kinh tế thị trường đầy đủ’.

Quay trở lại Nghị quyết 52, trong nội dung có đề cập đến ‘Hoàn thiện chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công đối với các sản phẩm công nghệ số do Việt Nam sản xuất.’

Quan điểm mua sắm công với các sản phẩm nội địa nhằm tối ưu hóa và khuyến khích hóa sản phẩm trong nước là điều đáng hoan nghênh. Tuy nhiên, liệu chăng chính sách đặt hàng sản xuất và mua sắm công này sẽ bị lạm dụng? Nhất trong bối cảnh mà các yếu tố đặt thầu trong mua sắm công luôn gắn liền với không ít ‘sân sau’ của đội ngũ chính trị gia, và dường như cơ hội trúng thầu ở những doanh nghiệp ít quan hệ sâu sắc với nhóm quan chức là vô cùng hiếm hoi.

Câu chuyện Nhật Cường sofware (thuộc Nhật Cường mobile) là một trong những minh chứng rõ nét, khi doanh nghiệp chỉ mới có tuổi đời 3 năm nhưng lại trúng thầu (thực ra là chỉ định thầu) hàng loạt các dự án lớn về công nghệ của chính quyền Hà Nội từ phần mềm lưu trú, giải pháp dịch vụ công liên thông 3 cấp. Và báo Thanh Niên ngày 9/5/2019 cũng đã gọi đây là ‘ông trùm các dự án công trực tuyến của Hà Nội’.

Tương tự là những sản phẩm từ Bkav cho hàng loạt cơ quan nhà nước ở cấp trung ương và địa phương, mặc dù chất lượng bị đánh giá là không tương xứng, một trong số đó là phần mềm chống virus Bkav.

Và mới đây, Tập đoàn Vingroup cho ra mắt Vintech với nhiều công ty công nghệ vào năm 2018, với sứ mệnh đề ra, trong đó có ‘Tạo ra các sản phẩm sáng tạo thông qua các công ty phần mềm’ khiến không ít người liên tưởng đến sự ưu đãi sẵn có mà tập đoàn này sẽ hưởng thụ từ Nghị quyết 52. Một cách biến ‘chuyện tài sản công trở thành tài sản của Vingroup’ như cách nhìn nhận của Đặng Hoàng Giang với Financial Times , hay nghi ngờ về ‘chính sách công thành tài sản riêng’ của doanh nghiệp như Vingroup hoặc một dạng như Vingroup.

An Viên

Nguồn : VNTB, 01/10/2019

Published in Diễn đàn
Trang 1 đến 4