Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

03/11/2019

Dân chủ và quyền con người dưới mắt Đảng cộng sản Việt Nam !

Quan Nguyên - An Viên - Cao Đức Thái

Thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam đến đâu ?

Quang Nguyên, VNTB, 03/11/2019

Báo Quân Đội Nhân Dân (1) online có bài viết : "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam" của Tiến sĩ Cao Đức Thái Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Bài viết có nhiều điểm sai, dưới đây chúng tôi trình bày một số trong đó.

nhanquyen1

Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh viết : Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc "thiểu số phục tùng đa số", ông đã không biết hay cố tình quên vế sau của nguyên tắc dân chủ là "thiểu số phải được tôn trọng". Chính không tôn trọng quyền của thiểu số mà tình trạng bất công xảy ra đầy rẫy ở Việt Nam, khiến cái gọi là tôn trọng nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam bị công kích bởi chính người Việt trong nước, ngoài nước, trên các diễn đàn thế giới. Tại các các cuộc họp định kỳ của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp quốc (2) Việt Nam phải nhiều lần nhận các bản ghi nhớ về những thiếu sót về nhân quyền trong nước.

Chính quyền Việt Nam nhiều lần hẹn lần hẹn lữa để sửa đổi sai lầm, nhưng hàng chục năm qua, tình trạng vẫn không thay đổi là bao. Hồ sơ tố cáo vi phạm nhân quyền ở Việt Nam càng ngày càng cao hơn trong hồ sơ cứu xét của Liên Hiệp Quốc. Ngày 4-5 tháng 11 này diễn ra hội nghị Tự Do Tôn Giáo và Niềm Tin (Freedom of Religion or Belief-FoRB), những vi phạm quyền tự do tôn giáo và niềm tin của 11 nước vùng Đông Nam Á sẽ được đem ra trình bày, mổ sẻ và phê phán. Các đại sứ, quan chức Liên Hiệp Quốc phụ trách vấn đề này, các vị đại diện các tòa đại sứ, các quốc gia trong vùng Đông Nam Á, đại diện nhiều tổ chức NGO có các hoạt động liên quan sẽ lắng nghe, tìm hiểu và đặt vấn đề với các quốc gia liên quan để tìm biện pháp giải quyết. Việt Nam là một nước bị nhắc đến nhiều nhất. Trong những hội nghị trước, không hề thấy bóng đại diện Việt Nam. 

Ông tiến sĩ này còn viết : "Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền". Có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền không phải đặc trưng chế độ dân chủ Mỹ. Mỹ là một quốc gia dân chủ, đa đảng, trong các cuộc bầu cử có hàng chục đảng ra tranh cử, đảng Cộng sản Mỹ cũng đưa người ra tranh cử như các đảng khác ở các vị trí từ cấp city, county, cho đến tiểu bang (thống đốc), quốc gia (tổng thống), đảng nào thắng đảng đó cầm quyền. Nếu nói như ông Tiến sĩ, chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền thì Hoa kỳ đã trở thành một nước không dân chủ vì chỉ hai đảng thay nhau cai trị.

Singapore từ sau độc lập chỉ có một đảng cầm quyền, đảng Nhân Dân Hành Động, PAP, nhưng không bị gọi là chế độ độc tài đảng trị như Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc, Cuba vì nước này có nhiều đảng đối lập, cùng đua nhau tự do tranh cử, nhưng chỉ đảng Nhân Dân Hành Động thắng, đôi khi gần như tuyệt đối. Việt Nam không có dân chủ trong các cuộc "tự do bầu cử’, người dân không có quyền bầu cho ai khác ngoài nhũng người được đảng chỉ định ra ứng cử. Câu "đảng cử dân bầu" thấy rõ điều này. Người gọi là đại biểu không phải đại diện cho dân. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo dân Việt Nam không qua bầu cử tự do. Đây là chế độ độc tài, độc đảng cai trị. 

Ông Thái viết : [trong thể chế dân chủ] "Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh : Lập pháp, hành pháp và tư pháp".

Thực tế Việt Nam không có 3 nhánh đó, hệ thống cai trị của Việt Nam quy tụ chỉ dưới quyền một đảng. Tháng 7 vừa qua, Tạp chí Cộng sản có bài : Nhập khẩu thuyết "Tam quyền phân lập" hay lá bài cổ xúy bất ổn chính trị, xung đột quyền lực của Tiến sĩ Tần Hậu Thành, trong ban tổ chức trung ương (3). Đảng cộng sản Việt Nam cho đến nay vẫn khăng khăng không áp dụng tam quyền phân lập, họ xem đó là nguyên nhân gây bất ổn chính trị và tranh giành quyền lực.

Chủ tịch quốc hội được đề cử bởi Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các chức vụ trong quốc hội cũng phải qua đảng bổ nhiệm (3), hơn 90% đại biểu quốc hội là quan chức trong các cơ quan hành pháp và là đảng viên của Đảng cộng sản Việt Nam. Những đảng viên này nói và làm theo chỉ thị của đảng và đặt quyên lợi của đảng trên quyền lợi của cử tri, nhân dân. Quốc hội Việt Nam lệ thuộc Đảng cộng sản Việt Nam. Tổ chức và hoạt động của Quốc hội phải làm theo chỉ thị của Đảng. Ngày 29/10, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe Tờ trình Dự án Luật tổ chức quốc hội của bộ tư pháp gửi sang. Luật về tổ chức quốc hội, như lời tổng thư ký quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, tuân theo Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Mục đích của việc sửa đổi Luật lần này chủ yếu là nhằm thể chế hóa chủ trương trong Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương về tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Dự thảo luật này ‘cho phép’ "Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật" mà bó tay quốc hội không cho soạn thảo và ban hành luật, có nghĩa quốc hội không phải là một cơ quan lập pháp.

Để thêm bằng chứng về ‘tự do dân chủ ở Việt Nam’, có lẽ ý ông muốn nói về quyền tự do ngôn luận. Ông Tiến sĩ viết : "Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in ; 105 cơ quan báo điện tử ; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí ; 66 đài phát thanh, truyền hình". Kể ra số lượng media như vậy là quá thừa, bội thực với người dân Việt, tỉnh nào cũng có vài tờ báo, đài phát thanh, truyền hình, không kể loa phường, loa xã, nhưng tất cả đều trong tay các "đồng chí đảng viên tổng biên tâp", các đồng chí phải tuân hành chỉ thị của đảng và ban tuyên giáo trung ương. Báo cáo năm 2019 của tổ chức Phóng Viên không Biên Giới, một tổ chức đấu tranh cho tự do báo chí, Việt Nam sắp hạng 176/180 nước (4), nghĩa là không có tự do báo chí.

Ông Cao Đức Thái viết tiếp : "Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… "Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự". Không ngờ ông Thái xúc phạm đến các tổ chức xã hội dân sự, NGO đến như vậy. Chắc chắn ông này không hiểu các tổ chức NGO là gì, thậm chí ông cũng không hiểu NGO nghĩa là gì.

NGO (Non-governmental organization) là tổ chức xã hội phi chính phủ, phi chính phủ chứ không phải vô chính phủ hay chống lại chính phủ như ông viết ở trên "hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)". Có nhiều trang web nói về NGO. Nhiều trang ở Việt Nam (5) ông nên đọc kỹ họ nói về NGO như thế nào : "Những cơ quan, tổ chức và nhóm phi chính phủ được thành lập bao gồm nhiều cá nhân, được trả tiền hoặc tình nguyện, cam kết giải quyết một loạt các vấn đề như bảo vệ môi trường, cải thiện mức sống của thế giới thứ ba, chấm dứt nạn xâm phạm nhân quyền, cung cấp lương thực và thuốc men cho những nơi diễn ra chiến tranh, tăng cường phát triển tôn giáo hay đấu tranh cho quyền lợi của phụ nữ. Một điểm nổi bật nhất của các tổ chức phi chính phủ là việc các tổ chức này tạo ra những hệ thống gắn kết và mạng lưới kết nối những cá nhân xuyên quốc gia".

Ông nên nhớ các tổ chức NGO từ chối tài trợ của chính phủ, họ hoạt động độc lập với chính phủ chứ không phải chống chính phủ. Các tổ chức xã hội dân sự hoạt động tuân thủ quy tắc bất bạo động, không "tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống "như ông vu khống. 

Mỗi năm các nước trong vùng Đông Nam Á có hội nghị các tổ chức dân sự, NGO. Việt Nam năm nào cũng gửi người tham dự, nào là Hiệp hội Nông dân, Hội Phụ nữ v.v , nhưng tất cả các tổ chức xã hội vùng Đông Nam Á đều biết rõ các NGO của Việt Nam đều là GONGO (Government-organized non-governmental organization), tổ chức phi chính phủ của chính phủ, được dựng nên, tài trợ nuôi dưỡng bởi chính phủ, đội lốt các nhóm xã hội dân sự, nhằm tăng thêm lợi ích chính trị của chính phủ và xin tài trợ của các tổ chức dân sự ngoại quốc. Nếu ông muốn rõ, có thể hỏi ông Nguyễn Đình Bin, một cựu quan chức ngoại giao Việt Nam, tham mưu cho các nhóm gongo này mỗi năm.

Trong bài viết của ông tiến sĩ này, điều ông viết đúng nhất là nhận định của người trong và ngoài nước đối với nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam : "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng" ; "các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt".

Quang Nguyên

Nguồn : VNTB, 03/11/2019

(1) https://www.qdnd.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/thanh-tuu-nhan-quyen-viet-nam/khong-the-phu-nhan-thanh-qua-dan-chu-va-quyen-con-nguoi-cua-viet-nam-598406 

(2) http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-3580th-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6012936847001/?term=

http://webtv.un.org/meetings-events/human-rights-treaty-bodies/human-rights-committee/125th-session/watch/consideration-of-viet-nam-contd-3581st-meeting-125th-session-of-human-rights-committee/6013104672001/?term=

https://www.voatiengviet.com/a/nhan-cuoc-hop-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc/4282876.html

(3) (http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?ItemID=40499

http://www.tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-

https://moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=29972

/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/nhap-khau-thuyet-tam-quyen-phan-lap-hay-la-bai-co-xuy-bat-on-chinh-tri-xung-ot-quyen-luc?inheritRedirect=false

(4) https://rsf.org/en/ranking#

(5) https://thukyluat.vn/news/quoc-te/to-chuc-phi-chinh-phu-ngos-la-gi-18140.html

*******************

Nhân quyền phải để đóng khung kính

An Viên, VNTB, 01/11/2019

"Đúng, phải chuyên chính ! Nhưng sự chuyên chính phải bao hàm thái độ vận dụng dân chủ […] quyền chuyên chính này nhất định phải là công việc của giai cấp chứ không phải là một thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi nhân danh quần chúng – nghĩa là, nó phải thúc đẩy từng bước một sự tham gia tích cực của quần chúng ; nó phải nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của họ, chịu sự kiểm soát của hoạt động công khai triệt để ; nó phải là thành quả của sự rèn luyện chính trị ngày càng lớn mạnh của quần chúng nhân dân".

nhanquyen1

Dù độc tài đến đâu, chính quyền nào cũng cố tạo ra, dù chỉ là giả tạo, ít nhiều hưởng ứng tích cực của người dân.

"Nhân quyền" được đề cập đến trong một bài viết trên báo Quân đội nhân dân, mục "Thành tựu nhân quyền", với tiêu đề "Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam".

Tác giả là Tiến sĩ Cao Đức Thái (Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh).

Báo Giáo dục sau đó đăng tải lại với tiêu đề đầy kiêu ngạo : Ở đâu mà dân chủ và quyền con người được đảm bảo hơn Việt Nam ?

Bài viết đề cập đến ba mô hình dân chủ trên thế giới bao gồm dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân, và dân chủ tư sản. Nhưng thực tiễn đến nay cho thấy, ở những nước dân chủ xã hội chủ nghĩa thiết lập nền dân chủ nhân dân lý thuyết.

Tại Cuba, Triều Tiên, Việt Nam, Trung Quốc, và những nhà nước thuộc chế độ xã hội chủ nghĩa, "dân chủ nhân dân" được hiểu qua câu nói mang tính nguyên tắc "Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân". Tuy nhiên, đó là lý thuyết về quan điểm quyền lực nhà nước, cái gọi là "chủ quyền nhân dân" thuộc về hư danh.

Tại các nước xã hội chủ nghĩa, quyền lực nhân dân được phân bổ bởi một nhóm người lãnh đạo do một tổ chức đảng phái duy nhất "đề cử" và "sắp đặt" các chức vụ trong bộ máy nhà nước thông qua các phiên nhóm họp thuộc đảng viên của chính đảng đó. Tại Việt Nam, quyền lực được thực thi bởi nhóm 200 người gọi là ủy viên trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, và nhóm ủy viên này được chính đảng bộ cơ sở đề cử để hợp thức hóa "bầu cử nhân dân".

Khi bài viết bàn về đặc trưng của chế độ dân chủ Mỹ, nơi mà các cuộc bầu cử bị chia thành hai loại "đại cử tri" và "cử tri thường". Thế nhưng, cử tri đoàn (những người nắm quyền thực sự bầu cử Tổng thống và Phó Tổng thống) lại được chọn từ "cử tri thường" ở mỗi tiểu bang. Nói cách khác, quyền lực gốc của nhân dân Mỹ được hình thành từ lá phiếu và lựa chọn thực tế của người dân thông qua "cử tri thường.

Tại Việt Nam, mô hình ủy viên trung ương đảng nhóm họp và bầu chọn các chức danh lãnh đạo đảng và nhà nước có thể được coi là "đại cử tri". Nhưng khác với Mỹ, "đại cử tri" này được chọn lựa từ chính một đảng, và được hợp pháp hóa bằng một cuộc bầu cử mà đa phần người đi bầu không nắm được thông tin của người được bầu, nguyện vọng và ý chí của người bầu chọn đã bị tước đoạt từ lúc mà Đảng cộng sản Việt Nam "cử người" và lên danh sách sẵn.

Chính vì thế, giải thích không rõ ràng về mô hình bầu cử của Mỹ để từ đó kết luận "đặc trưng dân chủ Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ" là quan điểm sai trái. Thực tế, đặc trưng bình đẳng và nắm rõ quyền và nghĩa vụ này của người dân Mỹ đậm nét và thực sự "dân chủ" hơn so với mô hình "đảng cử dân bầu" tại Việt Nam.

Nguyện vọng của người dân Mỹ trong đảm bảo thông qua các đại diện của mình được bảo đảm hơn tại Việt Nam, khi các lá phiếu của chính họ từ khâu "phổ thông đầu phiếu"được thực hiện gần như tối đa. Và cách mà các đời Tổng thống Mỹ làm hài lòng cử tri của mình qua các mùa bầu cử tại nước này, gần đây nhất là các thành tựu gắn liền với lời hứa của Tổng thống Donald Trump liên quan đến ngăn chặn nạn nhập cư trái phép, tăng cường việc làm, thực hiện công bằng thương mại, tăng ngân sách quốc phòng… được thực hiện trong ngay nhiệm kỳ đầu của ông.

Cách mà Tiến sĩ Cao Đức Thái biện giải về một đảng lãnh đạo tại Điều 4 Hiến pháp không cho thấy rằng đảng đó thực sự dân chủ về mặt thực tế trong đời sống. Và nếu so với Mỹ, nơi có 2 đảng thay phiên lãnh đạo thông qua các kỳ bầu cử, thì Điều 4 càng cho thấy tính chất dân chủ hẹp của Việt Nam so với Mỹ.

Đối tới thành tựu về internet, và hệ thống thông tin báo chí. Không thể phủ nhận, nhưng ở ngay hệ thống này là sự "định hướng" duy nhất bởi một tổ chức của Đảng cộng sản Việt Nam là Ban Tuyên giáo trung ương Đảng cộng sản Việt Nam. Và quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận không bị "định hướng" bởi một tổ chức nằm trong tổ chức đảng phái duy nhất lại bị cho là, "trách nhiệm của người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất nhẹ".

Tiến sĩ Cao Đức Thái thậm chí còn không nhận thức đầy đủ về quyền biểu đạt, và gắn liền với hoạt động mít tinh, biểu tình tại các nước phương Tây, do các NGOs tiến hành nhằm đòi hỏi lợi quyền dân sinh với Chính phủ, áp đặt và gán nó là "hoạt động chống Chính phủ".

Quan điểm tự do ngôn luận, châm biếm quan chức Chính phủ bị cho là "xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống".

Điều đó cho thấy rằng, những quan điểm dân chủ thực tiễn cơ sở của Tiến sĩ Cao Đức Thái không những không có, mà ông chỉ đơn thuần lặp lại những dân chủ từ bộ máy đảng đưa ra và định nghĩa, những quan điểm dân chủ một đảng từ chính những quan chức cấp cao trong đảng với tinh thần xã hội chủ nghĩa trên hết.

Tiến sĩ Cao Đức Thái và bài viết hời hợt bàn về dân chủ của ông, được đánh bóng đến hợm hĩnh bởi báo Giáo Dục phản ánh một câu nói của triết gia Socrate : "Tôi chỉ biết một điều, đó là tôi không biết gì hết".

Hãy để chính những nhà lý luận cộng sản đời đầu bảo ban về dân chủ.

Luxemburg nhà hoạt động cách mạng cộng sản đầy nhiệt huyết cảnh báo khuynh hướng độc tài đang hình thành nhanh chóng ở Nga sau Cách mạng Tháng Mười.

"Đúng, phải chuyên chính ! Nhưng sự chuyên chính phải bao hàm thái độ vận dụng dân chủ […] quyền chuyên chính này nhất định phải là công việc của giai cấp chứ không phải là một thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi nhân danh quần chúng – nghĩa là, nó phải thúc đẩy từng bước một sự tham gia tích cực của quần chúng ; nó phải nằm trong ảnh hưởng trực tiếp của họ, chịu sự kiểm soát của hoạt động công khai triệt để ; nó phải là thành quả của sự rèn luyện chính trị ngày càng lớn mạnh của quần chúng nhân dân".

Tiến sĩ Cao Đức Thái hãy tự hỏi xem, có phải Việt Nam hiện tại đã tồn tại một "thiểu số lãnh đạo nhỏ nhoi" thông qua Bộ Chính trị. Và có phải "sự kiểm soát hoạt động công khai triệt để" của người dân đối với quyền chuyên chính có thực sự có trong đời sống chính trị Việt Nam ?

Nhân quyền là để thực thi, không phải để đóng khung kính.

An Viên

Nguồn : VNTB, 01/11/2019

*******************

Làm thất bại chiến lược "diễn biến hòa bình"

Không thể phủ nhận thành quả dân chủ và quyền con người của Việt Nam

Cao Đức Thái, QĐND, 28/10/2019

Trong thời gian qua, trước những khó khăn về kinh tế-xã hội chưa được giải quyết và những diễn biến phức tạp trong khu vực… lợi dụng tình hình này, những kẻ cơ hội chính trị, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã xuyên tạc tình hình, hòng bôi nhọ Đảng Cộng sản Việt Nam, chế độ xã hội Việt Nam…

Họ viết và tán phát trên mạng rằng : "Đàn áp về nhân quyền ở Việt Nam ngày càng gia tăng" ; "các quyền của người dân, trong đó có dân chủ, quyền lập hội, biểu tình… không được thực hiện, trái lại ngày càng bị bóp nghẹt...". Vậy dân chủ và quyền con người là gì ? Những quyền này đã và đang được bảo đảm ở Việt Nam như thế nào ?

Theo quan niệm chung, dân chủ là chế độ chính trị trong đó toàn bộ quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân thực hiện trực tiếp hoặc thông qua đại diện của mình bầu ra... Đó là các cơ quan quyền lực và chính quyền các cấp.

Về hình thức, hoặc mô hình dân chủ gồm có các dạng-dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp. Một trong những đặc trưng nổi bật nhất của chế độ dân chủ là thiết lập và duy trì nguyên tắc "thiểu số phục tùng đa số", đồng thời thừa nhận quyền tự do về chính trị và quyền bình đẳng về giới tính, về dân tộc, về vị thế chính trị-xã hội của mọi công dân. Trong đó gồm cả quyền được bảo lưu của cá nhân.

nhanquyen2

Ảnh minh họa : tuyengiao.vn

Có thể nói, các cuộc cách mạng dân chủ tư sản mở đầu từ thế kỷ 16, với các cuộc cách mạng điển hình như : Hà Lan năm 1581 (mở đầu) ; Anh năm 1689 ; Mỹ năm 1766 ; Pháp năm 1789 đã mở ra một nền dân chủ tư sản, trong đó bao gồm đầy đủ các nhân tố của dân chủ. Cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra một chế độ dân chủ mới. Đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa, nền dân chủ do giai cấp công nhân lãnh đạo hướng đến lợi ích và sự bình đẳng cho mọi người. Sau Chiến tranh thế giới thứ II, do tác động của chủ nghĩa xã hội, phong trào giải phóng dân tộc ra đời, trong đó có Cách mạng Tháng Tám của Việt Nam. Chế độ dân chủ sau Cách mạng Tháng Tám ở Việt Nam là chế độ dân chủ nhân dân hướng theo con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Có thể xem các nền dân chủ: Dân chủ tư sản, dân chủ xã hội chủ nghĩa, dân chủ nhân dân là 3 chế độ-3 mô hình dân chủ trên thế giới. Mỗi một chế độ dân chủ nói trên đều có những thiết chế khác nhau, nhưng tựu trung đều có những yếu tố sau : 1) Sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ của công dân (bao gồm tất cả các thành viên xã hội) ; 2) Bầu cử tự do và theo nhiệm kỳ bầu ra các cơ quan, người lãnh đạo nhà nước ; 3) Quyền lực của nhà nước được chia ra làm 3 nhánh: Lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mỗi cơ quan trên có một chức năng riêng ; 4) Hiến pháp và pháp luật được xem là tối thượng ; 5) Các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân được tôn trọng và bảo đảm.

Thực tế cho thấy, chế độ dân chủ trên thế giới có nhiều mô hình. Chế độ dân chủ ở Hoa Kỳ có đặc trưng là luôn có hai đảng chính trị thay nhau lãnh đạo cầm quyền; công dân, trong các cuộc bầu cử bị chia thành hai loại "đại cử tri" và cử tri thường. Đặc trưng nền dân chủ của Việt Nam là tất cả mọi người đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ ; chế độ dân chủ của Việt Nam dựa trên hệ thống chính trị các cấp-đó là chế độ sinh hoạt của Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp; là tiếng nói của Mặt trận Tổ quốc và của các đoàn thể xã hội luôn luôn được tôn trọng. Ở đây tiếng nói, nguyện vọng của người dân được bảo đảm thông qua các đại diện của mình.

Một trong những đặc trưng của nền dân chủ ở Việt Nam là chế độ dân chủ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo và cầm quyền. Tuy nhiên, vai trò cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam phải tuân thủ nguyên tắc : "1. Đảng Cộng sản Việt Nam-đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội ; 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình ; 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật" (Điều 4, Hiến pháp 2013).

Ngay từ khi cách mạng thành công (tháng 8/1945) cho đến thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đặc biệt quan tâm đến dân chủ ở cấp cơ sở. Còn nhớ, sau sự kiện nông dân ở tỉnh Thái Bình tụ tập đông người đi khiếu kiện gây ách tắc giao thông (năm 1997) ; một số nơi, nông dân còn tấn công, đập phá trụ sở cơ quan công quyền. Sau khi khảo sát, nghiên cứu, khi ấy, Tổng Bí thư Đỗ Mười cho rằng : Tình trạng gây mất trật tự nói trên bắt nguồn từ sự vi phạm quyền dân chủ của người dân. Theo đó. Tổng Bí thư Đỗ Mười chỉ đạo ban hành Chỉ thị số 30 về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở. Nội dung quy chế dân chủ ở cơ sở gồm: Bảo đảm để mọi người dân ở cơ sở được thông tin về pháp luật, các chủ trương, chính sách của Nhà nước… ; có quy chế và các hình thức để nhân dân, cán bộ, công chức ở cơ sở được bàn bạc và tham gia ý kiến vào các chủ trương, chính sách, nhiệm vụ công tác chuyên môn, công tác cán bộ... của chính quyền, cơ quan, đơn vị ;  có quy định về việc để nhân dân bàn và quyết định dân chủ đối với những loại việc liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân trên địa bàn ; cơ chế để nhân dân, công nhân, cán bộ, công chức ở cơ sở trực tiếp và thông qua, gồm : Mặt trận, các đoàn thể, ban thanh tra nhân dân kiểm tra, giám sát hoạt động của chính quyền, thủ trưởng cơ quan,…

Sau Chỉ thị 30, Chính phủ đã luật hóa bằng nghị định của Chính phủ. Dựa trên chỉ thị và nghị định về dân chủ, Nhà nước Việt Nam đã ban hành hàng trăm văn bản nhằm bảo đảm quyền dân chủ của người dân ở cơ sở, bao gồm cả quyền dân chủ của cán bộ, công chức, của cán bộ, nhân viên ở các doanh nghiệp… Cho đến nay, chế độ dân chủ ở Việt Nam đã và đang được thực hiện nghiêm túc ở các cấp, từ cơ sở xã phường, cơ quan, cho đến Quốc hội. Tất cả những vấn đề từ đời sống thường nhật cho đến vấn đề độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ đều được người dân quan tâm và có quyền tham gia. Chẳng hạn, hiện nay vấn đề nguồn nước sạch, thực phẩm an toàn, bảo vệ quyền trẻ em... từng là những chủ đề "nóng" trên diễn đàn Quốc hội. Gần đây, vấn đề Biển Đông là chủ đề được Quốc hội Việt Nam đặc biệt quan tâm.

Ngày nay, nói đến chế độ dân chủ và quyền con người thì không thể không nói đến quyền sử dụng internet và mạng xã hội. Việt Nam chính thức nối mạng internet từ năm 1997. Từ năm 2010, đường truyền internet ở Việt Nam được chuyển từ dây cáp đồng sang cáp quang. Tính đến năm 2017, Việt Nam đã có 64 triệu người dùng internet, chiếm 67% dân số cả nước. Với con số này, Việt Nam là quốc gia có lượng người dùng internet cao thứ 12 trên toàn thế giới và đứng thứ 6 trong tổng số 35 quốc gia/vùng lãnh thổ khu vực Châu Á.

Theo thống kê chưa đầy đủ, cho đến nay, Việt Nam đã có 858 cơ quan báo chí in ; 105 cơ quan báo điện tử ; 207 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan báo chí ; 66 đài phát thanh, truyền hình. Hiện nay, không chỉ người dân Việt Nam mà cư dân nước ngoài sinh sống, làm việc ở Việt Nam có đầy đủ thông tin từ những hãng thông tấn báo chí lớn. Hiện ở Việt Nam có tới 75 kênh truyền hình nước ngoài "online", trong đó có các kênh nổi tiếng, như : CNN, BBC, TV5, NHK, DW, Australia Network, KBS, Bloomberg... Hiện có tới 20 cơ quan báo chí nước ngoài có phóng viên thường trú tại Việt Nam, nhiều báo, tạp chí in bằng nhiều thứ tiếng nước ngoài được phát hành rộng rãi. Qua internet, người dân Việt Nam có thể tiếp cận thông tin từ các cơ quan thông tấn, báo chí lớn trên thế giới, như : AFP, AP, BBC, VOA, Reuters, Kyodo, Economist, Financial Times,...

Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, các đại biểu đều có chương trình tiếp xúc cử tri. Những cuộc tiếp xúc cử tri được các đài phát thanh, truyền hình đăng tải rộng rãi. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri ngày nay không chỉ là những vấn đề sinh kế, điều kiện sinh hoạt của người dân, tham gia vào các dự thảo luật, mà cử tri còn đặc biệt quan tâm đến những vấn đề lớn của đất nước, các chủ trương trong chính sách đối ngoại... 

Quyền con người là các nhu cầu về vật chất và tinh thần - từ nhu cầu về dân sự, chính trị, đến kinh tế, xã hội và văn hóa được luật hóa và được Nhà nước tôn trọng, bảo vệ. Xét về lịch sử, quyền con người chỉ đến với dân tộc Việt Nam khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Các Hiến pháp Việt Nam từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 2013 đã quy định về quyền con người. Nội dung những quy định này hoàn toàn tương thích với luật quốc tế về quyền con người. Hiến pháp 2013 đã dành cả một chương để quy định về quyền con người. Trong đó, Điều 14 quy định : "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật ; quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng".

Kiểm soát quyền lực của nhân dân không chỉ là nguyên tắc của chế độ ở Việt Nam mà còn là động lực của sự phát triển. Trong xã hội ở Việt Nam ngày nay, nguyên thủ cũng có trách nhiệm trả lời những vấn đề người dân quan tâm. Trong buổi tiếp xúc với cử tri quận Ba Đình, Hà Nội sáng 15/10, trả lời ý kiến của cử tri quan tâm về vấn đề chủ quyền biển đảo ở Biển Đông, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói : "Chúng ta phải giữ vững môi trường hòa bình để phát triển đất nước, nhưng không nhân nhượng vấn đề lãnh thổ, độc lập, chủ quyền".

Những ý kiến xuyên tạc, phủ nhận thành tựu về dân chủ và quyền con người có nhiều nguyên nhân, trong đó có những nhận thức không đầy đủ về dân chủ và quyền con người… Ở nhiều quốc gia phương Tây, dân chủ thường gắn với các hoạt động chống chính phủ của các tổ chức phi chính phủ (NGOs)… Đó là các cuộc tụ tập đông người, phá hủy các công trình công cộng, xúc phạm cá nhân, quan chức từ cấp thấp cho đến tổng thống. Quyền tự do báo chí cũng có nội dung tương tự… Trách nhiệm của người đưa tin, của cơ quan quản lý báo chí thường rất nhẹ. Vì vậy dùng tiêu chí dân chủ, nhân quyền của phương Tây để xem xét, đánh giá chế độ dân chủ và quyền con người của Việt Nam là một sai lầm về chính trị và thiếu sót về phương pháp luận.

Không phủ nhận rằng trong quá trình quản lý xã hội, Việt Nam còn có những khiếm khuyết, trong đó có việc bảo đảm quyền dân chủ của người dân. Ở địa phương này, địa phương khác vẫn còn có hiện tượng lợi ích của người dân chưa được tôn trọng, bảo đảm, nhất là trong vấn đề đất đai. Đây là vấn đề lớn mà các cấp ủy và chính quyền cần đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, cần nhận thức đúng, về mặt nguyên tắc, nền dân chủ của Việt Nam là một nền dân chủ có kỷ cương, có tổ chức, có hệ thống. Trong xã hội Việt Nam, bảo đảm quyền dân chủ, nhưng phải bảo đảm đúng pháp luật và giữ vững sự ổn định xã hội. Bảo đảm dân chủ và quyền con người vừa là quyền, vừa là mục tiêu hướng đến của chế độ… vì vậy mỗi chúng ta cần nỗ lực hơn nữa để bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền dân chủ và quyền con người theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.

Cao Đức Thái

Nguồn : QĐND, 28/10/2019

Tiến sĩ Cao Đức Thái (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)

Quay lại trang chủ
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)