Việt Nam từ chối 49 khuyến nghị ‘mấu chốt’ về nhân quyền ; giới tranh đấu thất vọng
Giới tranh đấu cho nhân quyền Việt Nam bày tỏ sự thất vọng sau khi chính quyền nước này chỉ tiếp nhận 271 trong số 320 khuyến nghị đã được đưa ra vào kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu tại khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 27/9/2024. Photo UN Web TV.
"Sau khi xem xét kỹ lưỡng, tôi vui mừng thông báo rằng Việt Nam chấp nhận 271 khuyến nghị - trong đó có 253 khuyến nghị chấp nhận đầy đủ và 18 khuyến nghị chấp nhận một phần, tương đương 84,7%, cao nhất trong bốn chu kỳ UPR qua", Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Đỗ Hùng Việt phát biểu tại khóa họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hôm 27/9.
Ông Việt nhắc lại rằng hồi kỳ họp vào tháng 5/2024, Việt Nam đã nhận được 320 khuyến nghị từ 133 quốc gia thành viên, nhấn mạnh rằng "chúng tôi đã xem xét tất cả các khuyến nghị này thông qua một quy trình tham vấn nghiêm ngặt".
Tuy nhiên, nhiều tổ chức nhân quyền phi chính phủ tham dự phiên họp hôm 27/9 bày tỏ sự bất mãn khi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua kết quả Báo cáo UPR chu kỳ IV của Việt Nam.
Bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, phát biểu tại phiên họp ngày 27/9/2024.
"Trong 49 khuyến nghị mà họ từ chối, có những vấn đề mấu chốt, những vấn đề rất quan trọng. Nếu tiếp tục bác bỏ các khuyến nghị này, Việt Nam sẽ không bao giờ có nhân quyền. Và những người đấu tranh bảo vệ nhân quyền sẽ luôn luôn sống trong bầu không khí sợ hãi vì họ có thể bị bắt bất cứ khi nào", bà Ỷ Lan Penelope Faulkner, Chủ tịch của VCHR, tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Paris, Pháp, nêu nhận định với VOA.
Bà Ỷ Lan là một trong những người có mặt và phát biểu phản đối quyết định của chính quyền Việt Nam tại phiên họp hôm 27/9 ở Geneva, Thụy Sĩ, trước sự hiện diện của phái đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Việt dẫn đầu.
"Các khuyến nghị kêu gọi sửa đổi hoặc bãi bỏ các điều luật, bao gồm Điều 117 và 331 của Bộ luật Hình sự, thường được sử dụng để trừng phạt các cá nhân vì thực hiện quyền con người của họ, đã không được chấp nhận", bà Faulkner phát biểu hôm 27/9 trong phiên họp được trang UN Web TV tường thuật trực tiếp.
"Các điều luật về an ninh quốc gia này là những điều luật rất mơ hồ. Việt Nam muốn sử dụng các điều luật này để bắt bớ bất cứ ai đang chỉ trích chính quyền", bà Ỷ Lan nhận xét với VOA.
Ông Nicola Paccamiccio, điều phối viên vận động tại Liên Hiệp Quốc của HRW, phát biểu.
"Chúng tôi vô cùng thất vọng vì trong số 49 khuyến nghị không được Việt Nam chấp nhận, nhiều khuyến nghị trong số đó liên quan trực tiếp đến những người bảo vệ nhân quyền, trong đó có một số lời kêu gọi trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền bị cầm tù vì thực thi các quyền cơ bản của họ", ông Nicola Paccamiccio, điều phối viên của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát biểu.
Vị đại diện HRW nói thêm rằng Việt Nam thậm chí còn bác bỏ khuyến nghị về việc chấm dứt ngay lập tức mọi hành động trả thù đối với những người hợp tác với Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân quyền, dù sự trả thù như vậy đã được Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xác định là có xảy ra.
Các khuyến nghị khác mà giới quan sát và giới hoạt động xem là quan trọng và cốt lõi về nhân quyền, nhưng đã bị Hà Nội khước từ bao gồm khuyến nghị về việc bãi bỏ án tử hình, sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo ; chấm dứt việc trả thù nhằm vào người tranh đấu khi họ báo cáo các vi phạm cho Liên Hiệp Quốc ; hay khuyến nghị về việc thiết lập một viện nhân quyền độc lập tại Việt Nam.
"Những khuyến nghị bị Việt Nam bác khước liên quan đến các quyền vô cùng quan trọng về quyền dân sự và chính trị của người dân Việt Nam", ông Nguyễn Bá Tùng, trưởng ban điều hành Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam có trụ sở ở bang California, Mỹ, đưa ra ý kiến với VOA.
"Chúng tôi không thể chấp nhận các đề xuất hoặc một phần đề xuất chúng tôi tin rằng không khả thi trong khung thời gian thực tế", Thứ trưởng Việt đưa lý do.
"Có những khuyến nghị sửa đổi luật hiện hành hoặc tham gia các công cụ nhân quyền quốc tế bổ sung, nhưng chúng không phù hợp với các kế hoạch và quy trình xây dựng luật của chúng tôi", nhà ngoại giao Việt Nam biện hộ, và nói tiếp : "Điển hình là kiến nghị sửa đổi Luật tôn giáo, tín ngưỡng được thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ năm 2018. Trên thực tế, một luật cụ thể chỉ được xem xét sau ít nhất 10 năm thi hành".
"Có một số ít khuyến nghị hoặc yếu tố mà chúng tôi cho rằng đã xuyên tạc tình hình ở Việt Nam", vẫn lời ông Việt. "Ví dụ, những khuyến nghị như ‘Trả tự do cho những cá nhân bị giam giữ vì thực thi quyền con người của họ’ là dựa trên những thông tin không chính xác".
Ngoài ra, trưởng phái đoàn Việt Nam, còn lặp lại rằng "không ai bị giam giữ hoặc trừng phạt khi thực hiện các quyền hợp pháp của mình. Một người chỉ có thể bị giam giữ vì tội hình sự và chỉ sau khi bị tòa án tuyên bố có tội".
Trong bài phát biểu bế mạc, ông Việt lặp lại nội dung tương tự, và nói thêm rằng thành tích thoát nghèo của nước này là một trong những thành tựu nhân quyền quan trọng của quốc gia cộng sản.
Tại kỳ UPR chu kỳ III năm 2019, chính quyền Việt Nam chấp nhận 241 khuyến nghị trong số 291 khuyến nghị. Nước này tự đánh giá họ đã "hoàn thành thực hiện có kết quả" 209 khuyến nghị ; thực hiện một phần là 30 khuyến nghị.
Giới tranh đấu cho rằng với tình hình thực tế vi phạm nhân quyền "nghiêm trọng" tại Việt Nam, và dù Hà Nội là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, sẽ không có một viễn cảnh tốt đẹp cho đất nước này về các quyền căn bản của người dân.
"Qua phản ứng của chính quyền Việt Nam về các khuyến nghị này, tôi thấy họ hoàn toàn thiếu thiện chí", ông Nguyễn Bá Tùng bình luận.
Nguồn : VOA, 01/10/2024
Hai tổ chức nhân quyền lên án Việt Nam tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Hai tổ chức nhân quyền là Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) đã lên án tình trạng vi phạm nhân quyền tại Việt Nam tại khóa họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 27/9 vừa qua, đồng thời kêu gọi các quốc thành viên Liên Hiệp Quốc yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải trả tự do cho tất cả các tù chính trị.
Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Mai Phan Dũng phát biểu tại phiên thảo luận chung ngày 11/9.
Thông cáo báo chí của hai tổ chức này dẫn lời bà Penelope Faulkner, Chủ tịch VCHR, nói rằng : "hành động trả thù đối với các nhà bảo vệ nhân quyền, sự tồn tại của tù nhân chính trị, và sự đàn áp các thành viên của xã hội dân sự và các nhóm tôn giáo chưa đăng ký là có thực [tại Việt Nam]. Thực tế này không phải là "những đánh giá không chính xác và vô căn cứ" như Hà Nội tuyên bố."
Trong bài phát biểu của mình trước Liên Hiệp Quốc, bà Penelope Faulkner đã nhắc đến cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) lần thứ 4 của Việt Nam hồi tháng 5 năm 2024. Tại kỳ kiểm điểm này, 133 quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đã đưa ra 320 khuyến nghị đối với Việt Nam nhằm cải thiện tình hình nhân quyền.
Chính phủ Việt Nam đã chấp nhận 271 khuyến nghị (85%), trong số này 253 khuyến nghị được chấp nhận hoàn toàn và 18 khuyến nghị được chấp nhận một phần.
Bà Faulker nhận xét : "Việc chính quyền Việt Nam chấp nhận toàn bộ hoặc một phần 85% các khuyến nghị của UPR là một sự lừa phỉnh. Sự quỷ quyệt đã phơi bày và việc Hà Nội bác bỏ nhiều khuyến nghị liên quan đến các quyền dân sự và chính trị quan trọng là một vấn đề rất đáng lo ngại".
Các khuyến nghị bị Việt Nam từ chối như : chấm dứt việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, những người bất đồng chính kiến và các nhà báo, điều tra các mối đe dọa và trả thù những người bảo vệ nhân quyền, thiết lập một cơ chế quốc gia để giám sát các nhà tù và trại giam nhằm ngăn chặn sự tra tấn, ngược đãi và hình phạt tàn bạo đối với tù nhân, đảm bảo xét xử công bằng, chấm dứt việc ép buộc từ bỏ đức tin đối với các tín đồ của những nhóm tôn giáo chưa đăng ký, xóa bỏ mọi hạn chế pháp lý đối với quyền tự do biểu đạt, ngôn luận và truy cập Internet.
Việt Nam cũng bác bỏ các khuyến nghị sửa đổi Bộ luật Hình sự, Luật An ninh mạng, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.
Hai tổ chức nhân quyền cũng bày tỏ quan ngại về tình trạng của các tù nhân lương tâm bao gồm luật sư môi trường Đặng Đình Bách, người đang thụ án tù năm năm với tội danh trốn thuế mà các tổ chức quốc tế cho là ngụy tạo, tù nhân lương tâm Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình (đang thụ án từ 5 năm và 7 năm tù), nhà báo Trương Huy San - người vừa bị bắt giữ trong năm nay.
Tại phiên họp lần thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 9/9/2024 vừa qua, đại diện của Liên Hiệp Quốc và Liên Hiệp Châu Âu (EU) đã lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình hình nhân quyền của Việt Nam.
Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc - ông Volker Turk - hôm 9/9 phát biểu tại phiên khai mạc, bày tỏ lo ngại về việc đàn áp các quyền của người dân trên thế giới bao gồm các quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, tự do báo chí. Ông nhắc đến tên của Việt Nam trong số các nước có các hoạt động đàn áp.
Vào ngày 10/9, Đại diện thường trú của Liên Hiệp Châu Âu (EU) tại Geneva - Đại sứ Lotte Knudsen - phát biểu tại diễn đàn của Liên Hiệp Quốc, bày tỏ "quan ngại sâu sắc về không gian ngày càng thu hẹp của xã hội dân sự ở Việt Nam và việc tiếp tục bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, các chuyên gia về quyền lao động và môi trường".
Trong báo cáo được trình bày trước tại kỳ họp thứ 57 của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Việt Nam bị nêu tên là một trong những quốc gia có hành vi trả thù các cá nhân và tổ chức cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong thời gian từ tháng 5/2023 đến tháng 4/2024. Theo báo cáo này, lo sợ bị trả thù, nhiều nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam đã không thể báo cáo thường xuyên cho Liên Hiệp Quốc và hệ quả là số lượng báo cáo về hồ sơ nhân quyền của Việt Nam trong kỳ UPR hồi tháng 5 vừa qua đã giảm sút.
Vào ngày 11/9, tại phiên thảo luận chung, Đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Mai Phan Dũng bác bỏ những cáo buộc của Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và một số quốc gia khác về tình hình "vi phạm nhân quyền" ở Việt Nam.
Ông Dũng nói : "Chúng tôi muốn nhắc lại rằng những nhận xét của Cao ủy và của một số quốc gia và nhóm quốc gia liên quan đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam đều dựa trên những thông tin chưa được xác minh, độc hại và sai sự thật".
Theo Human Rights Watch, hiện Việt Nam còn đang giam giữ ít nhất khoảng 160 tù chính trị, tuy nhiên, Hà Nội luôn khẳng định không có tù chính trị và chỉ có những người vi phạm pháp luật.
Nguồn : RFA, 28/09/2024
Báo cáo HRMI 2024 : Người dân Việt Nam ‘không an toàn’ trước Nhà nước
VOA, 04/07/2024
Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền (Human Rights Measurement Initiative - HRMI) vừa công bố báo cáo các chỉ số nhân quyền 2024, đánh giá rằng người dân Việt Nam "không an toàn" trước Nhà nước trong khi các quyền tự do dân sự và tự do chính trị đang "ngày càng xấu đi". Tuy nhiên, truyền thông nhà nước Việt Nam lên án báo cáo của HRMI.
Báo cáo tóm tắt của HRMI về các chỉ số nhân quyền Việt Nam, 2024. Photo HRMI.
HRMI - một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New Zealand - hồi tháng trước công bố báo cáo thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu thông qua các Chỉ số Thực hiện quyền kinh tế và xã hội (Social and Economic Rights Fulfillement - SERF) và xếp hạng hiệu suất của mỗi quốc gia bằng cách ấn định điểm số cho 3 tiêu chí chính : chất lượng cuộc sống, an toàn trước nhà nước và trao quyền.
Trong phần báo cáo về Việt Nam, HRMI cho rằng tình trạng nhân quyền của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong năm 2023.
Về hạng mục an toàn trước nhà nước, Việt Nam đạt 4,6/10 điểm, giảm 0,3 so với điểm 4,9 vào năm ngoái.
Theo báo cáo mới nhất của HRMI, nhiều người ở Việt Nam "không an toàn" do có những vụ việc bị bắt giữ, tra tấn, ngược đãi, cưỡng bức mất tích, hành quyết hoặc giết người ngoài vòng pháp luật.
Về mục này, dù thiếu dữ liệu để so sánh trong khu vực, song báo cáo HRMI cho rằng mức an toàn của người Việt Nam trước nhà nước "thấp hơn mức trung bình" so với các quốc gia khác.
Theo HRMI, các nhóm có nguy cơ bị vi phạm các quyền này cao nhất là những người ủng hộ nhân quyền, những người có niềm tin chính trị hoặc sắc tộc cụ thể, và các nhà báo.
Về hạng mục trao quyền, Việt Nam bị đánh giá "rất tệ" ở cả 4 chỉ số. Cụ thể, nước này chỉ đạt 2,5 điểm về quyền hội họp và lập hội ; 2,8 về bày tỏ quan điểm và biểu đạt ; 2,7 về tham gia chính quyền và 2,4 về tôn giáo và tín ngưỡng.
HRMI nhận định rằng Việt Nam có kết quả "kém hơn mức trung bình" về hạng mục trao quyền, với các nhóm có nguy cơ bao gồm những người phản đối hoặc tham gia các hoạt động chính trị bất bạo động, các nhà hoạt động nhân quyền, những người có tín ngưỡng hoặc thực hành tôn giáo riêng của họ, người dân bản địa...
Với 89,4% về quyền chất lượng cuộc sống, HRMI nhận định rằng chỉ số này cho thấy "Việt Nam đang thực hiện tốt hơn mức trung bình" về quyền chất lượng cuộc sống so với các quốc gia khác ở Đông Á.
Con số trên cho biết rằng hiện nay Việt Nam mới chỉ làm được 89,4% những gì có thể làm được với nguồn lực hiện có. Vì bất cứ điều gì dưới 100% cho thấy một quốc gia không đáp ứng nghĩa vụ hiện tại của mình theo luật nhân quyền quốc tế, nên HRMI đánh giá là "Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng nghĩa vụ trước mắt về các quyền kinh tế và xã hội".
HRMI lưu ý rằng ở Việt Nam một bộ phận lớn người dân chưa được tiếp cận đầy đủ và không thể được hưởng trọn vẹn các quyền về chất lượng cuộc sống. Những nhóm người này bao gồm người bản địa, người thuộc các dân tộc hoặc tín ngưỡng cụ thể, người bị giam giữ và những người bị khởi tố, các nhà hoạt động nhân quyền và những người có địa vị xã hội hoặc kinh tế thấp, cùng những người khác, báo cáo cho biết.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ đưa ra ý kiến về báo cáo mới này của HRMI, nhưng chưa được phản hồi.
Trong tuần qua, các trang báo nhà nước của Việt Nam đồng loạt lên án về bản báo cáo mới này của HRMI, trong khi giới hoạt động cho nhân quyền bày tỏ sự đồng tình với báo cáo.
"Đây thực chất vẫn là những luận điệu vô căn cứ, hoàn toàn không dựa trên tình hình thực tế về đảm bảo quyền con người ở Việt Nam", đài truyền hình Thông tấn VNews của Việt Nam đưa ra quan điểm hôm 1/7. "Những chiêu trò bổn cũ soạn lại này thực chất nhằm chống phá... hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế", trang web của VNews nêu ý kiến.
Tổ chức HRMI "mượn lời những kẻ cơ hội chính trị, chống phá để chọc ngoáy, công kích Đảng và Nhà nước Việt Nam", Thông Tấn Xã Việt Nam viết hôm 1/7.
Giới hoat động khi so sánh các chỉ số năm 2024 với các chỉ số trước đó vào năm 2022 và 2023 của HRMI, nhận định rằng tình hình nhân quyền của Việt Nam thiếu tiến bộ và ngày càng xấu đi, trong đó các quyền tự do dân sự và tự do chính trị bị "xâm hại".
"Tổ chức Sáng kiến đánh giá nhân quyền đưa ra kết quả này hoàn toàn chính xác dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế, theo hệ thống luật pháp của các nước dân chủ. Trong khi đó, Việt Nam phản biện dựa vào các luật lệ và lợi ích của họ", nhà hoạt động nhân quyền Vàng Seo Giả ở bang Minnesota, Mỹ, nêu nhận định cá nhân với VOA.
"Bản báo mới nhất của HRMI cho thấy rõ ràng rằng việc tuân thủ nhân quyền của Việt Nam đang suy giảm dần. Hạng mục an toàn trước nhà nước và trao quyền của nước này phản ánh tình trạng suy thoái đặc biệt đáng lo ngại", bà Aerolyne Reed nhận định trên tạp chí The Vietnamese hôm 2/7.
Nữ nhà báo này quan sát rằng mặc dù chất lượng cuộc sống ở Việt Nam vẫn được đánh giá cao nhưng những lợi ích này không phải ai cũng có thể tiếp cận được, vì theo báo cáo của HRMI, những người cần chất lượng cuộc sống nhất "thường không thể đạt được điều đó".
Nguồn : VOA, 04/07/2024
**************************
HRW kêu gọi EU ‘đối phó’ hiệu quả hơn với tình trạng đàn áp nhân quyền gia tăng ở Việt Nam
VOA, 03/07/2024
Tổ chức Theo dõi nhân quyền (HRW) hôm 3/7 kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu cân nhắc lại cuộc đối thoại nhân quyền song phương với Việt Nam và áp dụng các biện pháp hiệu quả hơn, gồm cả trừng phạt các lãnh đạo nhà nước, để đối phó với tình trạng đàn áp đang gia tăng của chính quyền Hà Nội.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính bắt tay Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel (trái) khi dự hội nghị thượng đỉnh EU-ASEAN tại trụ sở Hội đồng Châu Âu ở Brussels ngày 14/12/2022.
Tổ chức có trụ sở ở New York, Mỹ, đưa ra lời kêu gọi này căn cứ theo một tờ trình trước cuộc Đối thoại nhân quyền EU-Việt Nam mà họ đã gửi tới Liên Hiệp Châu Âu hồi tháng 5. Vòng đối thoại thường niên năm nay sẽ diễn ra tại Brussels của Bỉ vào ngày 4/7.
Trong thông cáo đưa ra hôm 3/7, HRW nói rằng dù Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam đã xúc tiến trao đổi về nhân quyền từ thập niên 1990 nhưng, trong nhiều năm, chính quyền Việt Nam "đạt được rất ít tiến bộ về nhiều vấn đề đã được các giới chức EU nêu ra, và trong mấy năm gần đây chính sách đàn áp đã gia tăng".
"Các cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam trước đây có rất ít tác động tới chính sách đàn áp của Hà Nội", ông Claudio Francavilla, phó giám đốc Vận động Khối EU của HRW nói trong thông cáo. "Lặp lại những nhận xét cũ sẽ chẳng mang lại kết quả mới. EU cần có các tiếp cận hiệu quả hơn để giải quyết tình trạng Hà Nội đàn áp các quyền tự do cơ bản".
HRW đưa ra thống kê rằng có 160 người đang bị giam giữ tại Việt Nam vì lên tiếng phê phán chính quyền và nhắc đến trường hợp của nhà báo Huy Đức cùng luật sư Trần Đình Triển, những người bị bắt giữ mới nhất vì những bài viết ủng hộ dân chủ đăng trên mạng xã hội Facebook.
EU và Việt Nam vừa ký kết thỏa thuận hơn 500 triệu euro tài trợ cho Việt Nam chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng tái tạo nhưng, theo HRW, các nhà hoạt động môi trường "càng ngày càng dễ trở thành đối tượng bị nhà cầm quyền đặt vào vòng ngắm".
Bốn thượng nghị sĩ Mỹ trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ vào tháng trước đã báo động tới Bộ Ngoại giao Mỹ về "môi trường nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam" và kêu gọi Ngoại trưởng Antony Blinken thúc ép Việt Nam trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền đang bị giam cầm, trong đó có những nhà vận động cho quyền môi trường Đặng Đình Bách và Hoàng Thị Minh Hồng.
HRW cho rằng một số vi phạm của chính quyền Việt Nam có liên quan tới Hiệp ước Thương mại Tự do EU-Việt Nam, vốn có hiệu lực từ tháng 8/2020. HRW nhắc tới việc nhà hoạt động Phạm Chí Dũng, từng là blogger của VOA, vẫn đang bị giam cầm sau song sắt vì phải thi hành bản án 15 năm tù "do đã ôn hòa vận động EU tranh thủ nguyện vọng ký hiệp định thương mại của Việt Nam làm đòn bẩy để đạt được những tiến bộ nhân quyền trong nước – một ý kiến đã được HRW và nhiều nhóm nhân quyền khác đồng tình".
Chính phủ Việt Nam vẫn chưa ký kết Công ước số 87 của Tổ chức lao động quốc tế (ILO) về Quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền được tổ chức, dù trước khi Nghị viện EU bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do EVFTA hồi tháng 2/2020, Việt Nam đã cam kết cụ thể sẽ thực hiện việc này trong năm 2023, theo HRW.
Sau cuộc Đối thoại nhân quyền vào tháng 6 năm ngoái, EU và Việt Nam đưa rathông cáo chung trong đó nói rằng "EU hoan nghênh việc Việt Nam phê chuẩn hầu hết các công ước cốt lõi của ILO, đồng thời khuyến khích Việt Nam phê chuẩn Công ước 87 còn lại, cũng như thông qua nghị định về các tổ chức đại diện cho người lao động".
Nhưng HRW cho rằng EU "không nên lặp lại các cuộc đối thoại nhân quyền không mang lại kết quả gì ngoài ảo tưởng đã chỉ tên được các vi phạm nhân quyền của Việt Nam". Tổ chức này cũng kêu gọi EU cân nhắc các công cụ hữu hiệu hơn để gây sức ép, buộc chính quyền Việt Nam "chấm dứt vi phạm" cũng như "áp dụng các lệnh trừng phạt có mục tiêu nhắm vào các cá nhân và tổ chức của Việt Nam phải chịu trách nhiệm về đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống ở trong nước, kể cả các lãnh đạo nhà nước".
"Chỉ bằng cách đặt ra lệnh trừng phạt có mục tiêu và các hậu quả cụ thể về quan hệ thương mại và chính trị mới thể hiện được thông điệp rõ ràng tới Hà Nội rằng EU coi nhân quyền là vấn đề nghiêm túc", ông Francavilla nói.
VOA đã gửi yêu cầu bình luận về lời kêu gọi của HRW đến Liên Hiệp Châu Âu và Bộ Ngoại giao Việt Nam. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội nhiều lần bác bỏ những cáo buộc từ HRW và các tổ chức quốc tế về sai phạm nhân quyền của chính quyền Việt Nam, cho rằng họ chỉ giam giữ những người vi phạm phát luật.
Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Geneva, trong buổi đối thoại với Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền hôm 19/6, nói rằng Việt Namtôn trọng những nỗ lực bảo vệ nhân quyền và cam kết hỗ trợ các nhóm dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi năng lượng.
Trong thông cáo chung đưa ra năm ngoái, Việt Nam và EU "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp tục hợp tác và đối thoại cởi mở, thẳng thắn" về việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, bao gồm thông qua Đối thoại Nhân quyền EU-Việt Nam hàng năm, góp phần vào quan hệ đối tác song phương.
Nguồn : VOA, 03/07/2024
Cựu quản trị viên của Nhật Ký Yêu Nước Phan Tất Thành bị tuyên tám năm tù
RFA, 08/05/2024
Cựu quản trị viên thứ hai của Fanpage Nhật Ký Yêu Nước - một trang mạng xã hội với hơn 800 ngàn người theo dõi chuyên cổ vũ cho tự do dân chủ ở Việt Nam, vừa bị kết án.
Nhà hoạt động Phan Tất Thành bị đưa vào phòng xử án ngày 8/5/2024 - Tiền Phong
Tòa án Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 08/5 tuyên ông Phan Tất Thành tám năm tù giam và ba năm quản chế về tội danh "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự, do cho rằng nhà hoạt động này đã đăng tải nhiều bài viết có nội dung xâm phạm uy tín của Đảng, Nhà nước và làm dư luận hoang mang.
Bố mẹ của ông Thành được vào phòng xử án để quan sát phiên tòa trong khi em trai Phan Tất Công và một người em họ bị triệu tập đến với vai trò là người có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan.
Các cơ quan ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam như Tổng lãnh sự quán Đức và Hoa Kỳ đề nghị được cử đại diện đến quan sát phiên tòa nhưng bị từ chối.
Ông Phan Tất Chí cho biết ông rất bức xúc về bản án đã tuyên cho con trai ông, cao hơn mức đề nghị của Viện Kiểm sát thành phố là từ 5 năm đến bảy năm tù giam. Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngay sau khi phiên xử kết thúc :
"Một bản án vô lý ! Điều 25 của Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Namghi cái gì ? ! Còn phiên tòa ngày hôm nay, bản án ngày hôm nay chà đạp lên hiến pháp, áp bức người dân".
Điều 25, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 quy định : "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Nhật Ký Yêu Nước là một diễn đàn xuất hiện từ khoảng năm 2010 cùng với các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc về vấn đề biển đảo nhưng từ năm 2021 bị tin tặc đổi tên thành "Văn Toàn", vẫn còn hoạt động cho đến ngày hôm nay.
Theo cáo trạng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phát hiện tài khoản Facebook cá nhân tên "Chu Tuấn" và "Văn Toàn" đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung bị cho là vi phạm pháp luật nên báo cho Cơ quan An ninh Điều tra của Công an Thành phố Hồ Chí Minh tiếp nhận, giải quyết theo quy định của pháp luật.
Giữa tháng 4/2023, các cơ quan chức năng kiểm tra, trích xuất dữ liệu điện tử từ trang "Văn Toàn" do ông Thành quản trị bằng các tài khoản facebook "Black Aaron", "Chu Tuấn", "Huỳnh Heo", và "Mít Huỳnh" kết quả phát hiện, thu giữ bảy bài viết, hình ảnh với nội dung bị cho là có tính chất tiêu cực, sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế- xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan Nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Trên thực tế, nội dung bảy bài viết này phản đối Dự luật Đặc khu kinh tế, phản đối độc tài toàn trị, chỉ trích nhiều chính sách kinh tế-xã hội của chế độ, và kêu gọi mọi người bất tuân dân sự.
Ông Thành còn bị cho là đã giao, chia sẻ các danh khoản Facebook cho "Thao Nguyen" soạn thảo, đăng tải các bài viết có nội dung xuyên tạc không đúng sự thật để bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cán bộ, công chức nhà nước cho dù cơ quan điều tra không xác định được thông tin nhân thân và lai lịch của người sử dụng danh khoản này.
Ông Phan Tất Chí cho biết trong quá trình xử án, cả Thành và bản bào chữa của hai luật sư Trần Đình Dũng Nguyễn Minh Cảnh đều nói rằng Thành không đăng tải các bài viết trên mà chỉ là người tạo ra các danh khoản Facebook nhưng không sử dụng mà cho một người có biệt danh "Thao Nguyen" sử dụng và đăng tải các bài viết đó.
Trong phiên tòa, Thành cũng tố cáo mình bị đánh đập, tra tấn và ép cung bởi điều tra viên trong quá trình bị tạm giữ và tạm giam.
Tuy nhiên, các lập luận bào chữa không được Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Bùi Đức Nam chấp nhận, kể cả việc trang "Văn Toàn" vẫn còn hoạt động và có nhiều bài viết mới sau khi Thành bị bắt giữ.
Ông Chí cho biết trong lời nói cuối cùng, Thành khẳng định mình vô tội và kết quả điều tra có được nhờ ép cung, tuy nhiên, chủ tọa phiên tòa ngắt lời nói rằng "đây không phải là diễn đàn để bị cáo nói lung tung".
Một ngày trước phiên xử sơ thẩm, bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) ra thông cáo báo chí nói rằng việc vận động một cách ôn hòa cho dân chủ và nhân quyền không phải là một tội và kêu gọi Việt Nam bãi bỏ mọi cáo buộc đối với Phan Tất Thành và trả tự do ngay lập tức cho ông cũng như các nhà hoạt động khác bị cầm tù chỉ vì bày tỏ quan điểm chính trị một cách ôn hòa không phù hợp với đường lối của Đảng cộng sản.
"Chính phủ Việt Nam cố gắng tuyên bố rằng họ không giam giữ tù nhân chính trị nào và chỉ bỏ tù những người vi phạm pháp luật. Điều mà các nhà lãnh đạo Việt Nam từ chối thừa nhận là Điều 117 của Bộ luật Hình sự là sự vi phạm rõ ràng quyền tự do ngôn luận, một trong những quyền cơ bản nhất được ghi trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam đã phê chuẩn".
Việt Nam cần bãi bỏ các luật vi phạm nhân quyền thay vì trừng phạt công dân chỉ vì nói lên suy nghĩ và bày tỏ quan điểm của mình, bà nói.
Ông Thành là cựu quản trị viên thứ hai của fanpage Nhật Ký Yêu Nước bị kết án trong hai tháng qua. Ngày 26/3, ông Nguyễn Văn Lâm bị Tòa án tỉnh Tiền Giang tuyên 8 năm tù giam cũng với tội danh theo Điều 117, một điều luật bị cộng đồng quốc tế cho là vi phạm các cam kết quốc tế về nhân quyền của Việt Nam.
Ông cũng là nhà hoạt động thứ tư bị kết án theo Điều 117 kể từ đầu năm đến nay, theo thống kê của RFA.
Nguồn : RFA, 08/05/2024
**************************
Báo cáo viên đặc biệt Liên Hiệp Quốc : Hà Nội cần chấm dứt đàn áp nhân quyền một cách có hệ thống
RFA, 07/05/2024
Hà Nội cần chấm dứt việc đàn áp một cách có hệ thống và sử dụng các điều luật bị cho "nguỵ tạo" để bắt giam các nhà hoạt đông bảo vệ nhân quyền.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tình trạng của người bảo về nhân quyền. Courtesy of Srdefenders
Đây là khuyến nghị của một số các tổ chức nhân quyền quốc tế cùng với quan chức Liên Hiệp Quốc và dân biểu Thuỵ Sỹ lên tiếng nhân dịp Việt Nam tham dự phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) vào ngày 7/5/2024.
Đây là lần thứ 4 Việt Nam tham gia Kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR). Lần thứ ba là vào tháng 1/2019.
Trước phiên kiểm điểm UPR của Việt Nam, một số tổ chức xã hội dân sự quốc tế, bao gồm Việt Tân, Hội Anh em Dân chủ, Phóng viên không Biên giới… tổ chức buổi hội thảo vào ngày 6/5, nhằm kiểm điểm lại tình hình nhân quyền Việt Nam trong 4 năm qua, đồng thời đưa ra các khuyến nghị cho Hà Nội.
Việt Nam đàn áp nhân quyền có hệ thống
Phát biểu trong hội thảo này, Bà Mary Lawlord, Báo cáo viên Đặc biệt về tình trạng của những người bảo vệ nhân quyền nhận định các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam hoạt động trên nhiều lĩnh vực, bao gồm biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và quyền của người thiểu số…
"Mặc dù hoạt động ôn hòa nhưng họ phải đối mặt với sự đàn áp có hệ thống, bao gồm bị bắt giữ và giam cầm, bị kết án hình sự bất công, bị quấy nhiễu và đe dọa bởi cảnh sát".
Ngoài ra, bà Mary Lawlord còn bày tỏ sự quan ngại việc chính phủ Việt Nam sử dụng tùy tiện các cáo buộc "nguỵ tạo" để truy tố những người bảo vệ nhân quyền, thường liên quan đến các điều khoản về an ninh quốc gia, trật tự công cộng hoặc các cáo buộc trốn thuế :
"Ví dụ như trường hợp của cô Hoàng Thị Minh Hồng. Tôi đã viết thư cho chính phủ Việt Nam hồi năm ngoái về trường hợp của cô và đã không nhận được hồi đáp.
Những người bảo vệ nhân quyền thường bị kết án trong các phiên tòa kín, không được tiếp cận với luật sư của họ. Việc truy tố và xét xử không đúng theo quy trình tố tụng hợp pháp".
Ngoài ra, nhóm làm việc của bà Mary Lawlord còn nhận được nhiều báo cáo về việc Hà Nội ngược đãi và tra tấn các nhà hoạt động nhân quyền đang bị giam giữ. Một cái tên được và Mary nêu vụ thể là trường hợp của luật gia Đặng Đình Bách, người đang thụ án 5 năm tù giam vì cáo buộc "trốn thuế".
Kể từ năm 2019, bà Mary Lawlord và các cộng sự đã 21 lần liên hệ với chính phủ Việt Nam chất vấn về các hành vi vi phạm nhân quyền, nhung chỉ được hồi đáp 16 lần :
"Nếu các quan chức nhà nước Việt Nam thực sự muốn thúc đẩy nhân quyền theo đúng nghĩa vụ quốc tế của mình, họ cần phải hỗ trợ những người bảo vệ nhân quyền thay vì kết án họ.
Tôi sẽ tiếp tục kêu gọi chính quyền Việt Nam chấm dứt hành vi đàn áp đối với những người bảo vệ nhân quyền và đảm bảo rằng họ có thể thực hiện những công việc hợp pháp của mình mà không bị quấy nhiễu hoặc tấn công bạo lực".
Khuyến nghị dành cho Việt Nam
Các tổ chức nhân quyền nêu trên còn gởi một bản báo cáo cho Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu rõ các chiến thuật mà chính phủ Việt Nam sử dụng để đàn áp nhân quyền trong 4 năm qua.
Điển hình là sử dụng các điều luật để đàn áp bất đồng chính kiến, bao gồm Điều 109 - Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân ; 117 - Làm, tàng trữ, phát tán các tài liệu chống nhà nước ; 331 - Lợi dụng các quyền tự do dân chủ… ; Bỏ tù các nhà báo, blogger, biến Việt Nam trở thành nhà tù lớn thứ ba thế giới đối với các nhà báo và blogger ; Sử dụng Luật An ninh mạng và các nghị định nhằm siết chặt quản lý thông tin ; Tấn công và hack các tài khoản mạng xã hội bị cho là chống nhà nước ; Đàn áp xuyên biên giới ; Ngược đãi tù nhân chính trị trong trại giam….
Cũng trong báo cáo này, các tổ chức nhân quyền nêu lên 11 khuyến nghị dành cho chính phủ Việt Nam, bao gồm : Tham gia Nghị định thư tùy chọn về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) để cho phép Ủy ban Nhân quyền tiếp nhận các khiếu nại cá nhân liên quan đến việc chính phủ Việt Nam không đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến ICCPR ; Hành động đảm bảo cho một nền tự do báo chí, không bị kiểm duyệt phù hợp với Điều 19 của ICCPR và Điều 25 Hiến pháp Việt Nam ; Trả tự cho cho 39 nhà báo và tất cả các tù nhân chính trị ; Chấm dứt các hành vi quấy rối, đe doạ và bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền ; Xóa bỏ các điều luật mơ hồ như 109, 117 và 331 ; Bỏ quy định của Luật Báo chí 2016 rằng vai trò của báo chí là "tiếng nói của các cơ quan Đảng, Nhà nước" và ngăn cấm công dân thành lập cơ quan báo chí độc lập ; Cho phép đưa tin một cách độc lập ; Giải tán lực lượng 47 ; Đối xử với tù nhân đúng theo Bộ nguyên tắc về bảo vệ tất cả những người bị giam giữ và cuối cùng là yêu cầu bãi bỏ án tử hình.
Ở phiên Kiểm điểm định kỳ phổ quát lần trước vào năm 2019, Việt Nam chấp thuận 241 trong tổng số 291 khuyến nghị mà các quốc gia đưa ra, đạt tỷ lệ gần 83%. Đây được coi là tỷ lệ cao so với mặt bằng chung. Tuy nhiên, chính phủ Việt Nam vẫn thường xuyên bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án về các hành vi đàn áp nhân quyền ngày càng nặng nề và Việt Nam cũng thường xuyên xếp chót ở các bảng xếp hạng về nhân quyền quốc tế.
Nguồn : RFA, 07/05/2024
*******************************
RFA, 06/05/2024
Tình hình nhân quyền của Việt Nam trong năm 2023 được Bộ Ngoại giao Mỹ đánh giá là không có gì thay đổi so với các năm trước đó, trong khi báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế tiếp tục nhận định về tình trạng đàn áp nhân quyền ngày càng trầm trọng.
Các số liệu thống kê mà Đài Á Châu Tự Do (RFA) thu thập được trong năm 2023 cho thấy chính quyền tiếp tục kìm hãm sự tham gia của các tổ chức xã hội dân sự, đàn áp người thuộc sắc tộc thiểu số như người Thượng ở Tây Nguyên, người Khmer Krom ở Nam Bộ ; sử dụng các Điều 117 và 331 Bộ Luật hình sự để bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói một cách ôn hoà ; thi hành án tử hình với tù nhân đang kêu oan.
Theo Báo cáo Nhân quyền 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ công bố hôm 22/4/2024, tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền ; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.
Các số liệu thống kê được RFA tổng kết trong năm 2023 cho thấy, có ít nhất 39 người đã bị chính quyền bắt giữ trong năm 2023 với các cáo buộc tội tuyên truyền chống Nhà nước, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, trốn thuế, gây rối trật tự công cộng, chiếm đoạt tài liệu của Chính phủ.
Rạng sáng ngày 11/6/2023, hai trụ sở Ủy ban nhân dân xã Ea Tiêu và Ea Ktur, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk bị một nhóm khoảng 40 người có trang bị súng đạn, dao tấn công. Vụ tấn công đã khiến chín người thiệt mạng, bao gồm bốn công an, hai cán bộ xã và ba người dân.
Một số những nhận định của người Thượng ở nước ngoài và các chuyên gia quốc tế đã từng có nghiên cứu về vấn đề người Thượng ở Tây Nguyên cho rằng nguyên nhân của vụ nổ súng là do kỳ thị sắc tộc, nghèo đói và bất công. Tuy nhiên, Chính phủ bác bỏ những cáo buộc này và cho rằng những người tấn công bị xúi giục, kích động chia rẽ giữa người Kinh và người dân tộc thiểu số. Tổ chức FULRO lưu vong của người Thượng bị chính quyền cáo buộc đã kích động người Thượng trong nước, đòi thành lập Nhà nước Đề Ga.
Những người tình nghi tham gia vụ tấn công ở Đắk Lắk hôm 11/6/2023 bị bắt giữ. Ảnh : Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động
Toà án Nhân dân tỉnh Đắk Lắk vào ngày 19/1/2024 đã tuyên án tù 100 người Thượng liên quan đến vụ tấn công (trong số này có sáu người đang ở nước ngoài).
Mười người bị kết án chung thân với cáo buộc "chủ mưu". Cụ thể các mức án bao gồm, 53 người bị kết tội "khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân", 45 người bị khép tội "khủng bố". Hai tội danh còn lại "tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép", và "che giấu tội phạm".
Ông Y Quynh Bdap, một trong số sáu người bị xét xử vắng mặt dưới cáo buộc phạm tội "khủng bố", và bị tuyên án 10 năm tù giam, cho đài RFA biết sau khi phiên toà kết thúc :
"Đây là cáo buộc phi lý, họ không đưa ra bằng chứng nào mà lại cáo buộc tôi như vậy. Cái mức án mà họ đưa cho tôi là không đúng. Tôi đâu có tham gia vào vụ này mà họ lại xử tôi với mức án 10 năm".
Hai Điều 331 và 117 của Bộ luật Hình sự tiếp tục được áp dụng chủ yếu trong các vụ bắt giam và kết án tù những người cất tiếng nói chỉ trích ôn hoà ở trong nước. Số người bị bắt vì hai điều này trong năm 2023 chiếm hơn một nửa tổng số tù nhân lương tâm bị bắt giữ trong năm. Tổng số năm tù của những người bị kết án theo Điều 331 trong năm 2023 là 39 năm, tổng số năm tù theo Điều 117 trong năm 2023 là 49,5 năm.
Số liệu thống kê mà RFA tổng hợp được cho thấy có ít nhất 24 người bị bắt giam trong năm 2023 theo Điều 331 ; 11 người bị kết án theo điều này.
Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất ba người Khmer Krom với cáo buộc vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự.
Người Khmer Krom là một bộ phận của dân tộc Khmer sinh sống chủ yếu ở vùng đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam và vẫn duy trì nét văn hóa cũng như tôn giáo đặc trưng của dân tộc Khmer.
Những người này đã bị kết án tù từ ba năm sáu tháng đến bốn năm tù trong các phiên toà vào năm 2024.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm 1/4/2024 đã ra thông cáo bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc kết án tù những người Khmer Krom này bao gồm các ông : Danh Minh Quang, Thạch Cương và Tô Hoàng Chương. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng những người này đã bị bỏ tù "vì cổ vũ một cách ôn hòa cho nhân quyền, bao gồm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng ở Việt Nam".
Điều 331 cũng được sử dụng trong các vụ bắt giữ và kết án tù những người tranh cãi và nói xấu lẫn nhau trên mạng xã hội mà điển hình là vụ đôi co trên mạng xã hội giữa bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty CP Đại Nam, Bình Dương) và những người khác từ năm 2021 đến năm 2022.
Bà Hằng sau đó đã bị bắt giam trong năm 2022 với cáo buộc vi phạm Điều 331. Trong năm 2023, ba người khác liên quan đến vụ đôi co này cũng bị bắt giữ theo Điều 331 là nhà báo Đặng Thị Hàn Ni, hai luật sư Trần Văn Sĩ và Đặng Anh Quân.
Trong năm 2023, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất năm người và truy nã một người với cáo buộc vi phạm Điều 117 Bộ luật Hình sự - "tuyên truyền chống Nhà nước". Bảy người bị kết án tù theo điều này trong năm 2023, trong đó có blogger Nguyễn Lân Thắng của Đài Á Châu Tự Do.
Cả hai Điều 331 và 117 đều bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên án là mù mờ và thường được dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến.
Blogger Nguyễn Lân Thắng cùng vợ con tham gia cuộc biểu tình chống Formosa năm 2016. Ảnh : FB Nguyễn Lân Thắng
Tiếp nối những vụ bắt giữ và kết án hàng loạt các nhà hoạt động môi trường trong các năm 2021 và 2022, trong năm 2023, chính quyền tiếp tục bắt giữ thêm hai nhà hoạt động môi trường và một người trong tổ chức xã hội dân sự. Đó là bà Hoàng Thị Minh Hồng - sáng lập viên và giám đốc của Trung tâm Hành động và Liên kết vì Môi trường và Phát triển (CHANGE), bà Ngô Thị Tố Nhiên - Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE), và ông Nguyễn Sơn Lộ - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển (SENA).
Bà Hồng (51 tuổi) vào cùng năm đã bị toà tuyên án ba năm tù về tội trốn thuế. Đây cũng là cáo buộc tương tự được áp dụng cho các nhà hoạt động môi trường khác bị xét xử trước đó.
Vụ bắt giữ bà Hồng và bà Nhiên trong năm 2023 đã đưa tổng số nhà hoạt động môi trường bị Hà Nội bắt giữ trong vòng bốn năm qua lên sáu người.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng (trái) và bà Ngô Thị Tố Nhiên. Ảnh : CIVICUS, Goethe Institute
Ông Nguyễn Sơn Lộ (sinh năm 1948) bị toà tuyên hai án tổng cộng năm năm tù với cáo buộc tội vi phạm Điều 331 Bộ luật Hình sự và tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Trong năm 2023, Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội cũng tuyên án 28 tháng tù đối với ông Hoàng Ngọc Giao (sinh năm 1954) - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển (PLD). Ông Giao bị cáo buộc tội trốn thuế.
Vào sáng ngày 22/9/2023, tử tù Lê Văn Mạnh (sinh năm 1982) bị thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc bất chấp việc tử tù và gia đình đã kêu oan suốt 18 năm qua về những khuất tất trong việc điều tra vụ án và cáo buộc công an dùng nhục hình.
Việc thi hành án tử hình Lê Văn Mạnh đã khiến dư luận quốc tế chú ý. Báo cáo viên đặc biệt về giết người phi pháp của Liên Hiệp Quốc đã lên án vụ thi hành án và kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết với quốc tế về đảm bảo quyền lợi của tử tù và minh bạch trong việc thực hiện các án tử hình.
Trong thông cáo báo chí công bố hôm 2/10, báo cáo viên đặc biệt Morriz Tidball-Binz viết : "tôi quan ngại về việc thi hành án tử hình với Lê Văn Mạnh bất chấp những kêu gọi ân xá vào khi có những nghi ngờ về một phiên tòa công bằng và có những cáo buộc về tra tấn để lấy lời khai được dùng để chống lại anh ta và dẫn đến án tử hình này".
Lê Văn Mạnh là một trong ba trường hợp tử tù kêu oan nhiều năm được dư luận và báo chí chú ý nhất trong các năm qua. Các trường hợp khác bao gồm tử tù Hồ Duy Hải và Ngô Văn Chưởng hiện vẫn chưa bị thi hành án.
Theo báo cáo của Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) về án tử hình công bố năm 2023, Việt Nam đứng thứ tám trong bảng xếp hạng các nước tuyên án tử hình nhiều nhất trong năm 2022 với ít nhất 102 người bị kết án. Năm 2021, nước này đứng thứ bảy với 119 người.
Số liệu thống kê mà RFA tổng kết theo báo Nhà nước cho thấy, trong năm 2023, các toà án tại Việt Nam đã tuyên án tử hình ít nhất 248 người.
Các tội thường bị kết án tử hình nhiều nhất là buôn bán, vận chuyển ma tuý ; tội giết người.
Tuy nhiên, số liệu về việc thi hành án tử hình tại Việt Nam vẫn là bí mật quốc gia nên hiện không có thông tin chính thức về số người bị thi hành án tử hình tại Việt Nam trong thời gian qua.
Một bài báo trên báo Thanh Niên năm 2021 trích dẫn số liệu từ Viện trưởng Viện KSND tối cao giai đoạn 2016 - 2021 cho biết, có 1.644 trường hợp đang chờ thi hành án tử hình.
Có ít nhất năm người chết khi bị tạm giữ trong năm 2023, theo số liệu thống kê RFA tổng hợp từ các báo của Nhà nước. RFA đã phỏng vấn người thân của ba nạn nhân và đều được cho biết có những nghi vấn về khả năng người thân của họ có thể đã bị tra tấn dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, công an không thừa nhận có việc tra tấn những người này.
Tình trạng nghi phạm bị chết trong đồn công an đã gây chú ý trong thời gian gần đây khi báo chí và mạng xã hội tại Việt Nam thường loan tải tin và hình ảnh về các vụ việc này. Tuy nhiên rất hiếm trường hợp công an chịu trách nhiệm trong các vụ này phải ra toà và chịu án phạt.
Hồi tháng 1/2023, một trung uý công an tại Thành phố Hồ Chí Minh đã bị bắt tạm giam để điều tra về tội dùng nhục hình khiến một bị can tử vong.
Vào tháng 9/2023, một thượng uý cảnh sát hình sự ở tỉnh Bình Thuận bị tước danh hiệu Công an Nhân dân vì có liên quan đến cái chết của một nghi phạm trong đồn công an vào cùng năm.
Hồi tháng 3/2019, Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Việt Nam phải giải trình về vấn đề người dân chết khi bị giam giữ. Đại diện phái đoàn Việt Nam khẳng định phạm nhân cảm thấy "day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình mà dẫn đến bị quan mà tự tử", lý do thứ hai được đại diện Việt Nam cho Liên Hiệp Quốc biết là do bệnh lý.
Nguồn : RFA, 06/05/2024
CSW kêu gọi điều tra về cái chết của thầy truyền đạo Y Bum Bya
VOA, 26/04/2024
Tổ chức Đoàn kết Công giáo Toàn cầu (Christian Solidarity Worldwide - CSW) kêu gọi điều tra về cái chết của thầy truyền đạo Y Bum Bya ở tỉnh Đắk Lắk, nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế phải buộc Việt Nam chịu trách nhiệm cho việc đàn áp các nhóm tôn giáo thiểu số ở Tây Nguyên. Hà Nội chưa lên tiếng về vấn đề này.
Ông Y Bum Bya bị đưa ra kiểm điểm hồi tháng 12/2023. YouTube An ninh Trận tự Đak Lak.
"Cái chết của ông Bya không phải là ngẫu nhiên. Đây rõ ràng là một cuộc tấn công có chủ đích và ác độc nhằm vào một thành viên nổi bật của một nhóm tôn giáo mà chính quyền Việt Nam đã tìm cách bỏ tù và bịt miệng một cách có hệ thống", ông Mervyn Thomas, Chủ tịch sáng lập CSW, nêu quan điểm trong một bản tuyên bố hôm 23/4.
"Không thể bỏ qua hành động tàn bạo này và chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam mở một cuộc điều tra minh bạch về cái chết của ông ấy", vẫn lời ông Thomas.
Ngoài ra, CSW còn kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Việt Nam phải chịu trách nhiệm về việc đàn áp và bịt miệng có hệ thống các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng thiểu số, đồng thời nhấn mạnh rằng chính quyền Việt Nam phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả những người bị cầm tù hoặc bị giam giữ tùy tiện vì thực hiện quyền tự do tôn giáo hoặc tín ngưỡng cơ bản của họ.
VOA đã liên lạc với Bộ Ngoại giao Việt Nam và chính quyền tỉnh Đắk Lắk, đề nghị họ đưa ra bình luận về phát biểu và lời kêu gọi của CSW, nhưng chưa được phản hồi.
Hôm 22/4, trong một tờ trình gửi đến Liên Hiệp Quốc, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) viết rằng nhà chức trách địa phương vẫn chưa tiến hành điều tra về cái chết xảy ra hồi tháng trước đối với ông Bya.
Như VOA đã đưa tin, vào ngày 8/3/2024, dân làng phát hiện thi thể ông Y Bum Bya trong tư thế treo cổ trên cây tại nghĩa trang gần nhà ở xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, sau khi ông được cho là đã nhận được cuộc gọi từ công an và đã rời nhà.
"Sau khi đi tìm ông, dân làng phát hiện thi thể của ông Bya, chỉ vài giờ sau khi ông đi gặp công an và không thấy quay trở lại. Họ nói rằng thi thể của ông có dấu hiệu bị tra tấn", tổ chức CSW mô tả.
Hồi tháng 12/2023, ông Y Bum Bya, 49 tuổi, cho biết ông đã bị công an câu lưu, thẩm vấn và đánh đập vì liên quan tới Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên, một nhóm tôn giáo bị chính quyền dán nhãn "phản động". Ông cũng bị đấu tố trước dân làng và buộc tuyên bố từ bỏ đạo trên truyền hình, theo HRW.
Các tổ chức nhân quyền cho rằng quyền tự do tôn giáo ở Việt Nam bị kiểm soát ngặt nghèo với việc tổ chức tôn giáo nào muốn hoạt động phải được chính quyền công nhận chính thức và đặt dưới sự quản lý của ban trị sự do nhà nước chuẩn thuận. Trong khi đó, các nhóm tôn giáo không được chính quyền công nhận sẽ bị dán nhãn là "tà đạo" và chịu sự sách nhiễu.
Chính quyền Việt Nam nhiều lần bác bỏ các cáo buộc là họ vi phạm tự do tôn giáo, khăng khăng rằng nhà nước "tôn trọng, bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người dân".
RFA, 26/04/2024
Đang nghỉ ngơi ở chùa Phúc Long sau một ngày dài tu tập, thầy Thích Minh Vương nhận được cuộc gọi của người thân báo tin anh ruột đã tử vong ở bệnh viện, chỉ vài tiếng sau khi làm việc với Công an huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Photo : RFA
"Thầy không thể thở được khi nghe tin anh mất, nghẹn cứng tim. Đệ tử đã đỡ thầy và chở thầy cùng gia đình ra sân bay liền", tỳ kheo Thích Minh Vương (thế danh Vũ Hoàng Phú) một tháng sau vụ việc vẫn nhớ như in khoảnh khắc của ngày hôm đó.
Nạn nhân trong vụ việc là ông Vũ Minh Đức, 31 tuổi, từ Ninh Bình vào lập nghiệp tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai từ mấy năm qua, có vợ và hai người con.
Trong buổi sáng ngày 22/3, vợ và anh ruột đưa ông Đức đến Công an huyện Long Thành theo giấy triệu tập với mục đích "làm việc về một vụ gây rối trật tự công cộng xảy ra tại xã An Phước hồi đầu tháng 10/2023", nhưng không hề biết đó là lần cuối cùng anh em, vợ chồng họ gặp nhau.
Ông Đức được đưa vào phòng làm việc lúc 10 giờ 30 sáng, người thân bị yêu cầu ra ngoài. Đến 15 giờ, điều tra viên gọi điện yêu cầu vợ ông lên trụ sở để ký một số giấy tờ "liên quan bệnh lý".
Khi người vợ đến, điều tra viên nói đã đưa ông Đức vào Bệnh viện Đa khoa huyện Long Thành cấp cứu do ông bị ngất xỉu trong quá trình làm việc.
Ông sau đó được chuyển viện lên tuyến trên ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bác sĩ thông báo cho người nhà biết, ông Đức đã qua đời lúc 21 giờ 30 cùng ngày, tức là 13 tiếng sau khi làm việc với công an huyện.
Tuy nhiên, giấy chứng tử của Bệnh viện Chợ Rẫy cung cấp thể hiện, ông Đức tử vong vào lúc 23 giờ với nguyên nhân tử vong là hôn mê sau ngưng hô hấp tuần hoàn theo dõi tổn thương não sau ngưng tim ; suy thận cấp (tổn thương thận cấp) ; suy gan cấp (tổn thương gan cấp), tổn thương phần mềm đùi phải, trái.
Thầy Thích Minh Vương đáp chuyến bay sớm nhất từ Ninh Bình vào Thành phố Hồ Chí Minh để chứng kiến Viện Pháp Y Quốc gia của Bộ Y tế phối hợp cùng công an huyện Long và tỉnh Đồng Nai tiến hành khám nghiệm tử thi nạn nhân vào chiều 23/03 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, một ngày sau vụ việc.
Trong khi vợ ông Đức vật vã khóc thương trong phòng lạnh ở nhà xác bệnh viện, vị tỳ kheo này nén nỗi đau chứng kiến việc khám nghiệm tử thi anh mình từ đầu đến cuối.
Từ trực quan có thể thấy, thi thể có rất nhiều vết bầm tím, trong khi trên cổ tay có các vết xước chéo mà gia đình cho rằng do còng số 8 để lại khi bị treo ngược lên cao, các tù nhân từng trải nghiệm kiểu tra tấn này của công an gọi nó là "treo cánh tiên".
Khoang ngực phải của ông Đức có một vết bầm kích thước 4x3 cm, trong khi vùng da bên ngoài có nhiều vết xước và bị lún. Mông và hai đùi cũng bị bầm dập, tím đen.
"Không thể tin được khi ở trên đồn công an về mà lại dẫn đến cái mức độ như thế. Một sự đau thương không một từ ngữ nào có thể diễn tả được, không một ai mà chịu đựng nổi, mẹ thì ngất, vợ thì điêu đứng, các cháu cứ đòi bố", vị tu hành này hồi tưởng lại.
Ông Đức là một thanh niên cường tráng, có sức khỏe tốt, không có tiền sử sử dụng chất kích thích và hoàn toàn không có bệnh nền.
"Khi lên đồn công an trong tay công an huyện Long Thành thì không gặp thêm một lần nào nữa. Khi gia đình gặp lại là gặp một cái xác", thầy Thích Minh Vương nghẹn ngào.
Nạn nhân chết trong đồn công an trong năm 2018 (Fb)
Ông Đức là trường hợp mới nhất về tình trạng công dân chết bất thường trong đồn công an hay nhà tạm giữ/tạm giam ở nhiều địa phương trong nhiều năm gần đây, cho dù Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của Công ước Chống tra tấn và các hình thức trừng phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm (CAT) của Liên Hiệp quốc từ năm 2015.
Việt Nam ký công ước vào ngày 7/11/2013 và được Quốc hội Việt Nam phê chuẩn một năm sau đó. Đây được cho là một trong 9 công ước cốt lõi về quyền con người của Liên Hiệp Quốc. Trong khoảng thời gian này, tình trạng nghi can, nghi phạm, và tù nhân bị chết ở mức báo động.
Báo Thanh Niên hồi tháng 3/2015 đưa tin trong một phiên họp của Quốc hội, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm báo cáo cho biết, từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc.
Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát. Từ đó, không có thêm báo cáo nào từ cơ quan chức năng được đưa ra.
Thu thập tin tức trên các phương tiện truyền thông dưới sự quản lý của nhà nước, phóng viên nhận thấy trong năm 2018 có ít nhất 11 người bị chết trong các cơ sở giam giữ của Bộ Công an.
Từ năm 2020 đến nay, tức là từ khi Việt Nam có báo cáo giữa kỳ về thực hiện CAT (2019) đến ngày 19/4 vừa qua, khi Hà Nội gửi báo cáo thứ hai, có ít nhất 14 trường hợp như vậy được báo chí nhà nước đưa tin. Trong số này, có ba trường hợp cơ quan công an cho là tự sát trong khi gia đình nạn nhân nghi ngờ kết luận này của lực lượng thực thi pháp luật.
Trong trường hợp ông Vũ Minh Đức, hai ngày sau khi người này tử vong, Công an tỉnh Đồng Nai đã đình chỉ công tác đối với đại uý Thái Thanh Thương và điều tra viên Lưu Quang Trung để phục vụ điều tra làm sáng tỏ cái chết của ông.
Tuy nhiên, cho đến nay, gia đình chưa nhận được thông tin gì về vụ việc từ nhà chức trách địa phương, kể cả kết luận giám định tử thi. Gia đình cũng chưa nhận được lời xin lỗi hay thăm hỏi từ Công an huyện Long Thành và tỉnh Đồng Nai.
Sư thầy Thích Minh Vương trong một tháng qua đã ba lần gửi đơn cho các cơ quan có thẩm quyền và gửi đích danh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với 25 bộ đơn và các hình ảnh có dấu vết nghi bị nhục hình của nạn nhân, nhưng không nhận được hồi đáp.
Phóng viên ngày 26/4 gọi điện cho Công an huyện Long Thành để hỏi thông tin, tuy nhiên cán bô trực điện thoại yêu cầu phóng viên mang giấy giới thiệu đến trụ sở để được cung cấp thông tin.
Chính phủ Việt Nam ngày 19/4 vừa qua gửi Báo cáo lần thứ 2 về thực thi CAT đến Liên Hiệp quốc cho biết, thời gian qua tòa án cấp sơ thẩm đã tiếp nhận 6 vụ án với 15 bị cáo với cáo buộc "dùng nhục hình" theo Điều 373 Bộ luật Hình sự 2015, trong đó đã xét xử 05 vụ án hình sự đối với 12 bị cáo, và kết án một cán bộ trại giam 9 năm tù giam, ba người khác bị án từ ba năm đến bảy năm, và tám cán bộ khác với thời hạn tù từ hai đến ba năm.
Trong báo cáo, Chính phủ Việt Nam nói rằng đã ban hành hàng chục luật và các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm tốt hơn quyền con người nói chung và ngăn ngừa, trừng trị các hành vi liên quan đến tra tấn nói riêng.
Theo đó, Bộ Công an đã triển khai lắp đặt thiết bị ghi hình trong nhiều phòng hỏi cung để ghi âm ghi hình nhằm ngăn ngừa hành vi tra tấn.
Báo cáo cũng thừa nhận Việt Nam còn một số vấn đề nội tại cần được quan tâm giải quyết, đó là "cơ cấu tổ chức và cán bộ, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở còn những hạn chế nhất định về năng lực, nhận thức, cản trở việc thực hiện yêu cầu trong một số tình hình mới ; sự phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quyền con người, chống tra tấn chưa kịp thời, chặt chẽ, khiến quá trình soạn thảo kéo dài, chất lượng nội dung giảm sút".
Luật sư Nguyễn Văn Miếng, người hiện đang tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ cho biết, từ khi tham gia Công ước Chống tra tấn, Quốc hội Việt Nam đã sửa đổi Bộ luật Hình sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 theo hướng chú trọng đến chống tra tấn và bảo vệ các quyền cơ bản của con người. Tuy nhiên, việc thực hiện trên thực tế vẫn còn khoảng cách không nhỏ.
"Đã có một sự tiến bộ đáng kể so với luật trước. Tuy nhiên, thực tế thì không phải là như vậy bởi chúng ta hiện nay vẫn còn nghe còn thông tin chính thức của nhà nước là có những trường hợp đang khỏe mạnh tự nhiên vô trong đồn công an ra thì chết, không phải tự nhiên người ta chết, đó là do người ta tra tấn và chết".
Từ kinh nghiệm bào chữa nhiều năm trong các vụ án hình sự ở trong nước, ông Miếng khẳng định việc tra tấn như trường hợp của ông Vũ Minh Đức xảy ra bắt đầu từ giai đoạn tiền tố tụng, tức là thời điểm công an mời/triệu tập hay thậm chí là bắt cóc đương sự rồi đưa về đồn để dùng "các biện pháp nghiệp vụ" buộc phải nhận tội.
Sau khi có sự thú nhận của đương sự, công an sẽ đưa những tài liệu đó cho phía Viện kiểm sát để phê chuẩn lệnh bắt cho phù hợp với luật.
Theo ông, vấn nạn tra tấn có nguyên do từ ham muốn phá án của cơ quan công an để lấy thành tích bất chấp việc vi phạm quy trình tố tụng.
Luật sư nhân quyền Đặng Đình Mạnh dẫn lại vụ án tranh chấp đất đai của người dân với quân đội ở xã Đồng Tâm, mà ông là một trong số các luật sư bào chữa để làm minh chứng cho hành động tra tấn nghi phạm của cơ quan điều tra nhưng không bị trừng phạt. Ông nói :
"Trong số 29 người dân phải ra tòa, thì có đến 19 người xác nhận tại tòa đã bị tra tấn dã man, bị đánh đập trong đêm khuya, bị đổ nước vào cửa mình (nữ), không được chăm sóc y tế khi tra tấn bị thương tích…"
Trong vụ này, ngoài cụ Lê Đình Kình - thủ lĩnh tinh thần của người Đồng Tâm bị cảnh sát cơ động bắn chết ngay tại phòng ngủ, hai con trai của ông cũng phải nhận bản án tử hình, người cháu lãnh án chung thân và các bản án tù dài hạn khác nhau.
Ông Đào Bá Cường bị kết án 2 năm tù vì đòi công lý cho con trai Đào Bá Phi- người chết một cách bất minh trong đồn công an ở Phú Yên năm 2022 (CAND)
Để giảm các hành vi tra tấn, dùng nhục hình của cơ quan điều tra, Chính phủ kiến nghị xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật nhằm nâng cao tính tương thích của pháp luật Việt Nam với các quy định của Công ước Chống tra tấn và phù hợp với khuyến nghị của Ủy ban Chống tra tấn.
Ngoài ra, việc đào tạo cho cán bộ tư pháp, điều tra viên về phòng chống tra tấn trong hoạt động tư pháp cũng sẽ được chú trọng bên cạnh việc thanh tra và tiếp nhận, xử lý thông tin về các trường hợp liên quan đến tra tấn, cưỡng bức, dùng nhục hình, làm chết người trong khi thi hành công vụ.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng cho biết, các cơ quan chức năng cần phải thực thi nghiêm chỉnh Bộ luật Tố tụng Hình sự hiện hành và luật sư phải được hiện diện trong tất cả các giai đoạn tố tụng để có thể giảm vấn đề nhức nhối tồn tại trong rất nhiều năm qua.
Theo ông, nếu thấy có bất cứ một vi phạm nào trong quá trình tố tụng thì phải vô hiệu hóa kết quả điều tra và trả hồ sơ yêu cầu điều tra lại.
Còn luật sư Mạnh kiến nghị "tách cơ quan giam giữ ra khỏi cơ quan công an", bên cạnh đó thiết bị ghi âm, ghi hình ở phòng hỏi cung lúc nào cũng phải hoạt động và đồng thời phải "giáo dục và trừng phạt nghiêm khắc mọi trường hợp phát hiện tình trạng công an tra tấn hoặc đối xử vô nhân đạo với nghi can".
Sư thầy Thích Minh Vương đồng tình với kiến nghị này của luật sư để không còn những trường hợp tử vong bất thường như người thân của ông sau khi làm việc với công an.
"Cũng mong khi mà làm việc như vậy thì công dân sẽ được kêu được phép mời luật sư hay là được phép cho gia đình vào trong ngồi để được xem các đồng chí làm việc, phục vụ điều tra như thế nào cũng như là điều tra và trừng phạt thật nặng những người đã thực thi pháp luật mà làm sai so với quy ước quốc tế", vị tu hành nói.
Nguồn : RFA, 26/04/2024
******************************
Ân xá Quốc tế : Việt Nam dùng phần mềm gián điệp nhắm vào những người chỉ trích chính phủ
RFA, 25/04/2024
Việt Nam sử dụng công nghệ phần mềm gián điệp để nhắm vào những người chỉ trích Chính phủ, hoặc bất cứ ai có hoạt động liên quan các vấn đề mà Hà Nội cho là "nhạy cảm".
Người làm việc với máy tính và ổ khóa trước dòng chữ "an ninh mạng" trên nền mã nhị phân - Reuters
Đó là nhận định trong Báo cáo Tình trạng Nhân quyền Thế giới của tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) công bố ngày 23 tháng tư.
Ân xá Quốc tế cho biết một nghiên cứu của tổ chức này phát hiện : từ tháng hai đến tháng sáu năm 2023, một chiến dịch có liên quan đến cơ sở hạ tầng của phần mềm gián điệp tấn công có tên Predator do nhà cung cấp Intellexa phát triển đưa ít nhất 50 tài khoản mạng xã hội vào tầm ngắm. Những tài khoản mạng xã hội này thuộc 27 cá nhân và 23 tổ chức ; một vài trong số đó là người Việt Nam.
Bên cạnh đó, các công cụ của Intellexa còn được bán cho những công ty Việt Nam có liên quan đến Bộ Công an.
Theo nghiên cứu của Ân xá Quốc tế, đặc vụ của Chính phủ Hà nội có thể đứng đằng sau chiến dịch sử dụng phần mềm gián điệp vừa nêu.
Báo cáo của Ân xá Quốc tế cũng nêu ra những trường hợp cụ thể về việc Việt Nam tiếp tục truy tố, bắt giữ các nhà báo, các nhà hoạt động chính trị, các nhà hoạt động môi trường, các nhà hoạt động khác chỉ vị họ bày tỏ quan điểm của họ. Đó là những người như blogger/nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng, Trương Văn Dũng, Bùi Tuấn Lâm, Đường Văn Thái, Hoàng Thị Minh Hồng, Lê Hữu Minh Tuấn…
Báo cáo của Ấn xá Quốc tế còn kết luận Việt Nam vẫn giữ số liệu về các vụ tử hình án tử hình là bí mật quốc gia.
Báo cáo Tình trạng Nhân quyền Thế giới 2023 của Ân xá Quốc tế thu thập nêu quan ngại về thực tế liên quan tại 155 quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Nguồn : RFA, 25/04/2024
******************************
Việt Nam nói Báo cáo Nhân quyền của Hoa Kỳ không chính xác
RFA, 25/04/2024
"Báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mặc dù đã phản ánh các thành tựu và bước tiến của Việt Nam trong việc bảo vệ quyền con người ; nhưng rất tích vẫn tiếp tục đưa ra những thông tin không chính xác về tình hình thực tế của Việt Nam".
Một công nhân đang trồng hoa trước một tấm biển kỷ niệm ngày 30/4 trên đường phố Hà Nội hôm 25/4/2024 - AFP
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trả lời như vừa nêu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội vào chiều ngày 25 tháng tư đối với câu hỏi liên quan của báo giới.
Bà Phạm Thu Hằng lặp lại điều được cho là "chính sách nhất quán" của Chính phủ Hà Nội "bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, trong đó coi con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước".
Vào ngày 22 tháng tư (theo giờ miền Đông nước Mỹ), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2023 trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kết luận trong năm 2023 Việt Nam không có những thay đổi đáng kể về tình hình nhân quyền.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, nhiều vấn đề nhân quyền quan trọng tại Việt Nam được báo cáo đáng tin cậy như tình trạng chính phủ cho giết hại người dân một cách phi pháp, tùy tiện ; tình trạng giới chức chính phủ tra tấn, đối xử vô nhân đạo, độc ác ; hoạt động cưỡng bức điều trị tâm lý, y tế ; bắt giữ, giam cầm tùy tiện ; hệ thống tư pháp không độc lập ; đàn áp xuyên biên giới đối với những cá nhân tại nước khác ; hạn chế nghiêm trọng quyền tự do biểu đạt, tự do báo chí, quyền tự do Internet ; quyền tự do hội họp ôn hòa, tự do lập hội, quyền tự do tôn giáo - tín ngưỡng, quyền tự do đi lại ; người dân không có quyền tự do ứng cử, bầu cử, quyền tự do tham gia các đảng phái chính trị ; hạn chế các tổ chức cổ xúy cho nhân quyền ; hạn chế một cách có hệ thống quyền tự do lập nghiệp đoàn công nhân ; tệ nạn tham nhũng ; nạn buôn người.
Báo cáo thực hành nhân quyền năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu lại thống kê của các cơ quan truyền thông, các tổ chức Phi Chính phủ (NGOs), các nhà quan sát cho thấy tính đến ngày 31 tháng 10 năm 2023, Việt Nam giam giữ ít nhất 187 người do các hoạt động cổ xúy cho nhân quyền ; trong số này có 162 người bị kết án và 25 người đang bị giam chờ ngày ra tòa.
Trong báo cáo về thực hành nhân quyền năm 2022, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ Chính phủ Việt Nam thường khẳng định công tác vận động cho nhân quyền và dân chủ là hành động chống lại Đảng và Nhà nước cộng sản.
Nguồn : RFA, 25/04/2024
HRW : Việt Nam vừa tái ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, vừa gia tăng đàn áp
Trọng Thành, RFI, 06/03/2024
Tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch (HRW) hôm qua, 05/03/2024, tố cáo chính quyền Việt Nam mở đợt trấn áp mới nhắm vào giới bất đồng chính kiến đúng vào lúc chuẩn bị ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thêm một nhiệm kỳ.
Ông Phil Robertson (bìa trái), phó Giám đốc ban Á Châu của HRW trong một cuộc họp báo tại Jakarta, Indonesia, ngày 12/01/2022. AP - Achmad Ibrahim
Ông Phil Robertson, phó Giám đốc ban Á Châu của HRW, nhận định "Chính quyền Việt Nam thích phô trương là họ tôn trọng nhân quyền khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại"… HRW nêu trường hợp hai ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, vừa bị bắt vào ngày 29/02/2024 và ông Hoàng Việt Khánh bị bắt ngày 01/03, với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước".
Ông Nguyễn Chí Tuyến (thường được gọi là Anh Chí), 49 tuổi, cư trú tại Hà Nội, là một nhà vận động nhân quyền sử dụng mạng xã hội, trong đó có YouTube và Facebook. Kênh YouTube đầu tiên của ông, "Anh Chí Râu Đen", đã đăng hơn 1.600 video và có 98.000 người đăng ký. Kênh YouTube thứ hai, AC Media, đã đăng tải hơn 1.000 video và có gần 60.000 người đăng ký. Ông Nguyễn Chí Tuyến cũng là một sáng lập viên của No-U FC (Câu lạc bộ Bóng đá chống Đường Lưỡi bò), từng góp phần tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền và các cuộc biểu tình bảo vệ môi trường.
Ông Nguyễn Vũ Bình, 55 tuổi, cư trú tại Hà Nội là một cựu tù nhân chính trị, từng là đảng viên và làm việc cho Tạp chí Cộng Sản. Năm 2000, ông đã tìm cách thành lập một chính đảng độc lập tại Việt Nam, sau đó bị bắt giam từ năm 2003 đến 2007. Sau khi ra tù, nhà hoạt động này tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền. Nhà báo Nguyễn Vũ Bình đã hai lần được trao giải thưởng Hellmann/Hammett, dành cho những người cầm bút là nạn nhân của đàn áp chính trị.
Người bị bắt thứ ba là ông Hoàng Việt Khánh, 41 tuổi, sống ở Lâm Đồng, Tây Nguyên. Từ năm 2018, nhà bất đồng chính kiến này thường xuyên sử dụng Facebook để bày tỏ quan điểm cá nhân về nhiều vấn đề chính trị-xã hội ở Việt Nam từ năm 2018, "lên án tình trạng công an bạo hành", "các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ", đồng thời công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị.
Đợt kiểm điểm sắp tới tại Liên Hiệp Quốc : Cơ hội gây áp lực
Theo HRW, chính quyền Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù chính trị. Chỉ tính riêng trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc đã bị kết án từ 3 năm 6 tháng đến 7 năm tù giam. Ít nhất 24 người khác đang bị tạm giam chờ xét xử.
Tổ chức bảo vệ nhân quyền HRW hôm 03/03 nhấn mạnh đợt Đợt Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền đầu năm nay tại trụ sở Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc ở Genève là một cơ hội để "kiểm điểm thấu đáo" về các hoạt động gia tăng đàn áp của chính quyền Việt Nam trong thời gian gần đây, cũng như việc chính quyền Việt Nam "không sửa đổi các điều luật vi phạm nhân quyền". Đây là đợt Kiểm điểm Định kỳ thứ tư với Việt Nam. Theo HRW, đợt Kiểm điểm UPR này "mở ra cơ hội gây áp lực để thay đổi".
Trọng Thành
***************************
‘Làn sóng mới đàn áp tiếng nói bất đồng’ khi Việt Nam lại muốn có ghế ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ?
BBC, 06/03/2024
Đã có sự gia tăng đàn áp những người chỉ trích Đảng cộng sản Việt Nam giữa lúc chính phủ nước này vận động để có chân trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ tiếp theo, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) nhận định.
Từ trái qua : Hoàng Việt Khánh, Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình
Chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ba tiếng nói chỉ trích nổi tiếng chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố ứng cử vào nhiệm kỳ tiếp trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (Liên Hiệp Quốc).
Công an đã bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình vào ngày 29/2/2024 và Hoàng Việt Khánh vào ngày 1/3.
Cả ba đều bị cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Nói với BBC News tiếng Việt ngay sau khi chồng bị bắt, bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, vợ blogger Nguyễn Chí Tuyến, cho hay thời gian trước đó ông Tuyến thường xuyên nhận được văn bản gửi qua đường bưu điện thông báo việc ông bị cấm xuất cảnh.
Bà cũng nói rằng ông "không làm gì sai" khi chỉ phản biện các chính sách, đường lối của đảng và nhà nước – những điều mà "chính phủ Việt Nam cũng rất khuyến khích người dân tham gia".
"Chính phủ Việt Nam cần chấm dứt việc đàn áp các blogger, các nhà vận động nhân quyền và các nhà hoạt động, đồng thời trả tự do ngay lập tức cho những người bị giam giữ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ", HRW lên tiếng trong báo cáo của mình.
Năm 2022, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền tại Geneva với nhiệm kỳ ba năm, nhiệm kỳ này sẽ kết thúc vào năm 2025.
Hồi đầu tháng 10/2022, Việt Nam từng bị ba tổ chức nhân quyền gồm UN Watch (chuyên giám sát hoạt động của Liên Hiệp Quốc), Tổ chức Nhân quyền (Human Rights Foundation) và Trung tâm Nhân quyền Raoul Wallenberg phản đối vì "không đủ tiêu chuẩn".
Hôm 26/2/2024, Việt Nam lại tuyên bố sẽ tìm kiếm một nhiệm kỳ mới khi nhiệm kỳ hiện nay kết thúc.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Châu Á của HRW, nhận định : "Chính phủ Việt Nam thích khoe khoang về sự tôn trọng nhân quyền khi tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Nhưng việc đàn áp tàn bạo những người bất đồng chính kiến sẽ gửi đi thông điệp ngược lại.
"Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ về những vi phạm nhân quyền của họ".
HRW cho biết Việt Nam hiện đang giam giữ ít nhất 163 tù nhân chính trị.
Chỉ trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động – gồm Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc – đã bị kết án từ ba đến bảy năm tù.
Ít nhất 24 người khác đang bị cảnh sát giam giữ với những cáo buộc "có động cơ chính trị" để chờ xét xử.
Ba trường hợp mới nhất bị bắt giữ
Nguyễn Chí Tuyến : (còn gọi Anh Chí), 49 tuổi, bị bắt hôm 29/2/2024 tại Hà Nội.
Ông là một nhà vận động nhân quyền, dùng YouTube và Facebook để bình luận các vấn đề xã hội và chính trị.
Kênh YouTube chính Anh Chí Râu Đen của ông đã sản xuất hơn 1.600 video, có 98.000 người đăng ký.
Ông Tuyến là thành viên sáng lập Câu lạc bộ Bóng đá No-U (No U-line Football Club) hiện đã ngừng hoạt động. Thành viên của đội là những người công khai phản đối yêu sách "đường chữ U" của Trung Quốc tại Biển Đông.
Ông cũng tổ chức và tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu những năm 2010 và biểu tình vì môi trường giữa những năm 2010.
Tháng 2/2017, ông và năm nhà hoạt động đã gặp phái đoàn nhân quyền của Liên minh Châu Âu tại Hà Nội để thảo luận về tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
Trong một buổi trao đổi với BBC tiếng Việt hồi năm 2015 , ông Nguyễn Chí Tuyến giải thích mục đích hoạt động của mình :
"Chúng tôi là công dân và chúng tôi chỉ thực hiện các quyền dân sự, các quyền căn bản của con người là quyền phát biểu chính kiến của mình, quyền được tham gia hội họp để sinh hoạt trong những cái mà pháp luật cho phép, và Hiến pháp Việt Nam cũng quy định, cũng như các công ước quốc tế".
Nguyễn Vũ Bình : 55 tuổi, cựu tù chính trị, bị bắt ngày 29/2/2024.
Ông từng là phóng viên Tạp chí Cộng sản – cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam - trong gần 10 năm.
Năm 2000, ông thôi việc, thành lập một đảng chính trị độc lập.
Năm 2001, ông nỗ lực lập một hiệp hội chống tham nhũng.
Tháng 9/2002, ông bị công án bắt và bị cáo buộc "vu khống Việt Nam" trong lời khai bằng văn bản mà ông cung cấp cho Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng 7/2002 về các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Tháng 12/2003, tòa án kết án ông bảy năm tù, ba năm quản thúc tại gia vì tội gián điệp theo Điều 80 của Bộ luật Hình sự Việt Nam.
Tháng 6/2007, chính quyền ân xá và trả tự do cho ông sớm hai năm ba tháng. Ông ngay lập tức tiếp tục vận động cho tự do, dân chủ và nhân quyền.
Ông hai lần nhận được giải thưởng Hellmann/Hammett dành cho các nhà văn là nạn nhân của đàn áp chính trị vào năm 2002 và 2007.
Hoàng Việt Khánh : 41 tuổi, bị bắt ngày 1/3/2024 tại Lâm Đồng, Tây Nguyên.
Từ 2018, ông bắt đầu dùng Facebook để bày tỏ quan điểm của mình về chính trị - xã hội Việt Nam.
Ông tố cáo sự tàn bạo của công an và bày tỏ lo ngại về tình trạng công an tra tấn để buộc các nghi phạm thú tội.
Công an cáo buộc ông "đăng, chia sẻ, phát tán những nội dung xuyên tạc sự thật, bóp méo, bóp méo tình hình thực tế, công kích đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ và xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, bôi nhọ lãnh đạo cấp cao của đảng và nhà nước".
Nguồn : BBC, 06/03/2024
***************************
VOA, 06/03/2024
Hôm 5/3, tổ chức Theo dõi Nhân quyền lên tiếng rằng nhà cầm quyền Việt Nam lại bắt giữ thêm ba người bất đồng chính kiến nổi tiếng, gọi đây là một làn sóng mới, chỉ vài ngày sau khi nước này tuyên bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Công an Hà Nội bắt giam ông Nguyễn Chí Tuyến và ông Nguyễn Vũ Bình hôm 29/2 và công an Lâm Đồng bắt giam ông Hoàng Việt Khánh hôm 1/3 với cáo buộc "tuyên truyền chống nhà nước".
Trao đổi với VOA qua email về các vụ bắt bớ này, ông Phil Robertson, phó giám đốc Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nêu nhận định : "Việt Nam đang cố gắng ngăn chặn mọi bài đăng manh tính chỉ trích về những gì đang xảy ra trong nước, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi họ bắt giam ông Nguyễn Vũ Bình, người can đảm tiếp tục nói lên sự thật trước bạo quyền trong suốt những năm qua".
Tương tự như vậy, ông Nguyễn Chí Tuyến không làm gì sai trái đến mức phải bị bắt, và chính quyền phải thả ông ấy ngay lập tức và vô điều kiện, vẫn ông Robertson.
Theo HRW, ông Hoàng Việt Khánh lên án tình trạng công an bạo hành và nêu quan ngại về các vụ nhận tội do bị tra tấn trong khi công an giam giữ. Ông Khánh công khai lên tiếng ủng hộ các tù nhân chính trị và cho rằng mục đích cuối cùng của việc bắt giữ bất đồng chính kiến là "đe dọa không cho người dân thể hiện quyền tự do ngôn luận, theo thông báo của HRW.
"Ba nhà hoạt động này không có tội tình gì mà chỉ thực hành quyền tự do ngôn luận căn bản của mình", ông Robertson nói. "Đáng tiếc là chính quyền Việt Nam coi tất cả các việc bày tỏ chính kiến ôn hòa trên mạng là mối đe dọa khủng khiếp đối với đảng cầm quyền và chính phủ, và đàn áp các hành vi bất đồng chính kiến như thế bằng việc bắt giữ, truy tố và xử tù với động cơ chính trị".
"Chính quyền Việt Nam cần chấm dứt đàn áp các blogger, các nhà hoạt động và vận động nhân quyền, đồng thời phóng thích ngay lập tức những người đang bị giam giữ vì đã thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản của họ", ông Robertson kêu gọi.
Năm 2022, Đại hôi đồng Liên Hiệp Quốc bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền với nhiệm kỳ ba năm, sẽ kết thúc vào năm 2025. Hôm 26/2, Việt Nam công bố sẽ ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa khi kết thúc nhiệm kỳ hiện tại.
"Khi tranh cử vào ghế Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, chính quyền Việt Nam thích phô trương rằng họ tôn trọng nhân quyền, nhưng hành vi đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến lại thể hiện thông điệp ngược lại", vẫn ông Robertson. "Bất chấp sự đối xử hà khắc của Việt Nam đối với những người ủng hộ nhân quyền, các nhà tài trợ và đối tác thương mại của nước này hầu như không làm gì để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam về những vi phạm nhân quyền của họ".
Liên quan chỉ thị ngầm số 24 năm 2023 của Bộ Chính trị đã được tổ chức The 88 Project vạch trần trong tuần qua, HRW nhận định rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã ra lệnh thực hiện "một chiến dịch có hệ thống chống lại những người bảo vệ nhân quyền". Đã đến lúc các nhà ngoại giao và quan chức Liên Hiệp Quốc phải công khai đứng lên bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam, vị đại diện HRW nhấn mạnh.
HRW khuyến nghị cộng đồng quốc tế nên nhấn mạnh với chính phủ Việt Nam rằng việc Hà Nội tiếp tục đàn áp sẽ đe dọa quan hệ thương mại, quan hệ ngoại giao và làm suy yếu mục tiêu được tái đắc cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc của Việt Nam.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về các phát biểu trên của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
Chính quyền và truyền thông Việt Nam vào các dịp khác nhau luôn cho rằng nước này "luôn tôn trọng và bảo đảm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí", đồng thời cho rằng các quyền này bị các "thế lực thù địch, phản động lại cố tình xuyên tạc, vu khống".
Nguồn : VOA, 06/03/2024
***************************
HRW : đợt sóng mới đàn áp những tiếng nói chỉ trích tại Việt Nam
RFA, 06/03/2024
Việt Nam ra tay bắt giữ ba người có tiếng nói chỉ trích được nhiều người biết đến trong nước, chỉ ít ngày sau khi Hà Nội công khai ý định muốn được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc khóa mới 2026-2028.
Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình - RFA edited
Hai người bị bắt vào ngày 29/2 gồm ông Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình ; một người bị bắt vào ngày 1/3 là ông Hoàng Việt Khánh.
Tổ chức Giám sát Nhân quyền (Human Rights Watch) ngày 5/3 ra thông cáo như vừa nêu, và lập lại kêu gọi Việt Nam hãy chấm dứt đàn áp đối với giới bloggers, những người vận động cho quyền con người, các nhà hoạt động xã hội ; cũng như trả tự do ngay cho những người đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của HRW nêu rõ trong thông cáo rằng : "Chính phủ Việt Nam thích khoa trương về việc tôn trọng nhân quyền khi tìm kiếm một ghế trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ; mặc dù thực tế họ hành xử tàn độc đối với những người cổ xúy cho quyền con người vào lúc các quốc gia tài trợ và những đối tác thương mại hầu như không làm gì để thúc ép họ trước những vi phạm như thế".
HRW thống kê hiện có ít nhất 163 tù chính trị tại Việt Nam. Chỉ riêng trong hai tháng đầu năm 2024, ba nhà hoạt động Danh Minh Quang, Nay Y Blang và Phan Văn Lộc phải chịu kết tội với án tù từ 3 năm 6 tháng đến 7 năm tù.
Có ít nhất 27 người khác đang bị giam theo những cáo buộc mang động cơ chính trị và phải chờ ngày ra tòa.
Nguồn : RFA, 06/03/2024
Việt Nam muốn triệt tiêu nhân quyền
Cảnh Chân, VNTB, 07/03/2024
Ngày 29/2 và 01/3 : Bắt giam 3 người bất đồng chính kiến
Ông Nguyễn Chí Tuyến bị công an bắt vào trưa ngày 29/02. Trước đó ông đã bị cấm xuất cảnh và nhiều lần bị công an Hà Nội triệu tập. Ông Tuyến là một nhà hoạt động dân chủ và bảo vệ môi trường nổi tiếng với nhiều lần xuống đường biểu tình chống Trung cộng và tuần hành bảo vệ cây xanh. Ông cũng thực hiện nhiều video trên Facebook và Youtube để nói về các vấn đề nhân quyền tại Việt Nam, cũng như lên án chính sách đàn áp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trong những vụ cướp đất tại Dương Nội, Đồng Tâm.
Bắt giam và xử phạt tới 6 người trong 2 ngày, cho thấy Nhà nước đang quyết tâm triệt hạ tiếng nói bất đồng - Ảnh minh họa : Hoàng Việt Khánh, Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình
Cũng trong ngày 29/02, nhà báo Nguyễn Vũ Bình cũng bị công an Hà Nội bắt tạm giam. Ông Bình từng làm việc cho Tạp chí Cộng sản 10 năm dưới thời Nguyễn Phú Trọng làm tổng biên tập. Năm 2000, ông thành lập đảng Tự do – Dân chủ và là nhà sáng lập Câu lạc bộ Dân chủ cho Việt Nam. Vì những hoạt động này, năm 2002 ông đã bị bắt giam và bị tuyên án 7 năm tù vì tội Gián điệp. Ở lần thứ hai bị bắt giam này, chưa rõ công an sẽ cáo buộc ông vi phạm điều luật gì. Tuy nhiên, ngày 28/02 cơ quan an ninh đã triệu tập ông Bình để làm việc liên quan tới kênh Youtube : TNT Media Live.
Một ngày sau chuyến ra quân của an ninh Hà Nội, ngày 01/3, tới lượt công an tỉnh Lâm Đồng thông báo bắt giữ ông Hoàng Việt Khánh. Cơ quan an ninh khởi tố ông Khánh với tội danh "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ Luật Hình sự Việt Nam năm 2015. Nhà chức trách cáo buộc ông Khánh đã đăng các bài viết trên mạng xã hội nhằm bôi nhọ Đảng, Nhà nước cộng sản và xúc phạm Hồ Chí Minh.
Các nhà báo và những người bất đồng chính kiến hoặc vận động nhân quyền thường xuyên phải đối mặt với áp lực và trở ngại từ nhà cầm quyền những nước độc tài. Tuy nhiên năm nay có vẻ tình hình sẽ khó khăn hơn đối với các nhà hoạt động dân chủ và người bất đồng chính kiến tại Việt Nam. "Nhà cầm quyền họ đang thắt chặt việc kiểm soát những người bất đồng chính kiến vì họ đang theo chính sách cai trị "sắt thép" nhằm dập tắt phong trào đấu tranh mà họ nghĩ đã dần thành công trong khoảng thời gian 5 năm vừa qua. Họ thấy được thời điểm này phong trào đấu tranh lắng xuống và họ muốn dập tắt hẳn". Chị Tố Nga, một nhà vận động nhân quyền tại Sài Gòn nói với phóng viên VNTB.
Răn đe cõi mạng xã hội
Bên cạnh 3 người trên, trong ngày 01/3, nhà cầm quyền cũng xử phạt 3 người do có liên quan tới các phát ngôn trên mạng xã hội, với các cáo buộc vi phạm luật an ninh mạng, lợi dụng quyền tự do dân chủ. Cụ thể, cô Nguyễn Lệ Nam Em bị phạt 37,5 triệu đồng, nhà báo-luật sư Hàn Ni và luật sư Trần Văn Sỹ bị phạt 1,5-2 năm tù giam.
Ngày 01/3, Sở Thông tin và truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 37,5 triệu đồng đối với người mẫu Nguyễn Lệ Nam Em. Theo nhà chức trách, người mẫu kiêm diễn viên này thường xuyên tổ chức livestream trên các tài khoản mạng xã hội để nhắc lại chuyện tình cảm cá nhân tiết lộ góc khuất showbiz… Sở Thông tin và truyền thông và phòng An ninh Mạng cho rằng những phát ngôn của Nam Em gây tranh cãi và ồn ào, gây tiêu cực trên mạng xã hội.
Cũng ngày 01/3, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên bản án 1 năm 6 tháng tù cho luật sư, nhà báo Đặng Thị Hàn Ni vì phạm tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ luật Hình sự. Cùng trong vụ án này, cựu luật sư Trần Văn Sỹ, bị phạt 2 năm tù về cùng tội danh.
Hai người này bị xử phạt do có hành vi đăng thông tin thuộc bí mật đời tư vợ chồng bà Nguyễn Phương Hằng lên mạng xã hội. Tại tòa, nhà báo Hàn Ni cho rằng những thông tin mà bà đưa về bà Nguyễn Phương Hằng là dựa trên thông tin đã công khai trên báo chí nên không nghĩ rằng đó là bí mật cá nhân. Bà Hàn Ni cho rằng đó chỉ là phòng vệ chính đáng. "Nhận thức của bị cáo là nói về những việc có thể là sai nhưng nếu sai có rất nhiều con đường xử lý, có thể hành chính, có thể dân sự nhưng bị cáo vẫn chưa hiểu vì sao ở đây lên đến hình sự", nhà báo Hàn Ni nói trước tòa.
Không chỉ xử phạt, bắt giam, những ngày qua nhà cầm quyền còn gửi thư mới và giấy triệu tập một số người bất đồng chính kiến. Nổi bật nhất là trường hợp bà Ngô Thị Oanh Phương. Ngày 29/02, luật sư Đặng Đình Mạnh thông báo trên trang Facebook cá nhân rằng bà Phương đã bị công an gửi giấy triệu tập lần thứ 3 liên tiếp trong năm 2024. Lần 1 là 19/01, lần 2 vào ngày 30/01 và lần 3 là giấy triệu tập gửi ngày 26/02, yêu cầu bà Phương phải có mặt tại trụ sợ Bộ Công an phía Nam (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 04/03.
Bà Phương là phản đối các trạm BOT, lên án những bất công xã hội và bảo vệ người yếu thế. Hồi tháng 10 năm ngoái, bà Phương đã bị công an cửa khẩu cấm xuất cảnh vì nguyên nhân "quốc phòng, an ninh". Trong đợt triệu tập này, cơ quan chức năng yêu cầu bà Phương trình diện theo đơn tố cáo của tập đoàn Vingroup. Đây là một dấu hiệu "lành ít dữ nhiều" cho bà Phương. Vì ông Nguyễn Chí Tuyến cũng có lệnh cấm xuất cảnh trước khi bị bắt giam.
Dấu hiệu của một năm đàn áp triệt để tiếng nói bất đồng
Theo báo cáo xếp hạng chỉ số Tự do toàn cầu do tổ chức Freedom House công bố ngày 29/2/2024, chỉ số tự do chính trị của Việt Nam năm 2024 là 4/40, còn chỉ số tự do dân sự là 15/60. Tổng cộng, Việt Nam đạt 19/100 điểm, bị xếp vào nhóm các quốc gia "không có tự do". Báo cáo này chấm điểm dựa trên những xem xét về vấn đề tự do và dân chủ của 195 quốc gia và 15 vùng lãnh thổ.
Còn trong báo cáo toàn cầu của HRW (Tổ chức Theo dõi Nhân quyền), công bố hồi đầu tháng 1, tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 được cho là ‘ảm đạm’ khi các nhà hoạt động nhân quyền và môi trường bị bỏ tù bất công. Theo HRW, nhà cầm quyền Việt Nam đang giam giữ 160 người chỉ vì thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa.
Cũng trong ngày 01/03, Project 88 (Tổ chức chuyên vận động nhân quyền cho Việt Nam) công bố báo cáo có tựa đề "Vietnam’s leaders declare war on human rights as a matter of official policy". Báo cáo này cho rằng lãnh đạo Việt Nam chống lại dân chủ và nhân quyền thông qua Chỉ thị 24-CT/TW do bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023.
"Tình hình vi phạm nhân quyền của đảng cộng sản với người dân Việt Nam đã không còn là việc xa lạ. Các báo cáo của những tổ chức quốc tế từ lâu đã chỉ ra những trường hợp bất công, hạn chế tự do ngôn luận, tự do chính trị, thậm chí bị đàn áp dã man và trắng trợn. Tuy nhiên, chỉ trong hai ngày mà nhà nước bắt giam và xử phạt tới 6 người như vậy cho thấy họ đang quyết tâm triệt hạ tiếng nói bất đồng, đó là chưa kể những người bị mời, bị triệu tập". Anh H.B., một người vận động dân chủ Việt Nam bình luận với phóng viên VNTB.
"Việc nhà cầm quyền vươn vòi xử luôn cả người mẫu ca sĩ là để đe doạ tất cả người dân Việt Nam đang dùng mạng xã hội. Trong bối cảnh kinh tế, chính trị có nhiều bất ổn như hiện nay thì chế độ độc tài buộc phải quyết tâm thống nhất tư tưởng và ý thức hệ để giữ vững vị thế thống trị của họ. Thậm chí, chỉ cần nói trái ý Đảng là bị phạt, chứ chưa cần phản biện gì cả. Tôi cho rằng số người bị bắt giam hoặc xử phạt răn đe sẽ tăng cao trong năm 2024". Anh H.B. nói tiếp.
Cảnh Chân
Nguồn : VNTB, 07/03/2024
***************************
Công an Hà Nội xác nhận bắt giữ hai nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình
RFA, 07/03/2024
Đúng một tuần sau khi Công an thành phố Hà Nội bắt tạm giam hai nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng là Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình, ngày 07/03, báo chí nhà nước mới đồng loạt đưa tin về vụ bắt giữ này.
Hai nhà hoạt động Nguyễn Chí Tuyến (trái) và Nguyễn Vũ Bình - Facebook/RFA edited
Ông Nguyễn Chí Tuyến, 50 tuổi, là một nhà hoạt động xã hội, thường xuyên tham gia các cuộc biểu tình về chủ quyền đất nước, bảo vệ môi trường, ủng hộ dân oan. Ông cũng là một Youtuber sở hữu hai kênh Anh Chí Râu Đen và AC Media với số lượng người theo dõi tổng cộng lên đến 160 ngàn người.
Trong khi đó, ông Nguyễn Vũ Bình, 56 tuổi, là cựu biên tập viên của Tạp chí Cộng sản và có nhiều năm viết bài cộng tác cho trang blog của Đài Á Châu Tự Do (RFA).
Cơ quan An ninh Điều tra công an Hà Nội cho biết, ngày 29/2 vừa qua, đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với hai ông với cáo buộc "tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự.
Trang mạng VOV -Đài tiếng nói Việt Nam cho rằng, thời gian qua ông Nguyễn Chí Tuyến đã nhiều lần sử dụng các trang mạng xã hội như Youtube, Twitter để khai thác thông tin tiêu cực, sai trái để kích động, tuyên truyền thông tin sai sự thật.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ của ông Tuyến, nói với RFA trong tin nhắn ngày 07/3 :
"Tôi chỉ biết tin về cáo buộc chính thức đối với chồng mình qua báo chí. Cho đến giờ, công an Hà Nội không chuyển cho gia đình tôi bất cứ giấy tờ gì về vụ bắt giữ anh".
Bà cho biết trong lúc bắt giữ và khám xét nhà, phía công an chỉ đọc lệnh bắt và lệnh khám xét tư gia mà không giao cho gia đình hai văn bản này. Do lúc đó tinh thần bấn loạn nên bà không nhớ chính xác nội dung của hai văn bản này.
Một ngày sau khi chồng bị bắt, bà đã đến Trại tạm giam số 2 của Công an thành phố Hà Nội để gửi cho chồng một số đồ dùng như chăn màn, tiền lưu ký và thực phẩm mua từ căng-tin của cơ sở giam giữ này.
Phóng viên không thể liên hệ với gia đình của ông Nguyễn Vũ Bình để tìm hiểu thêm thông tin.
Như tin đã đưa, ông Nguyễn Chí Tuyến phát trực tiếp nhiều buổi nói chuyện và bình luận trên kênh Youtube Anh Chí Râu Đen về các vấn đề kinh tế, chính trị và xã hội của Việt Nam trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông đã dừng phát sóng trên kênh này từ khoảng hai năm trước mà không rõ nguyên nhân.
Sau đó, ông chuyển sang phát sóng trên kênh AC Media, tập trung vào cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine. Bài nói chuyện cuối cùng của ông ngày 28/2 có tựa đề "Thụy Điển gia nhập NATO và hai máy bay Su-34 của Nga bị bắn hạ".
Một năm trước, ông Nguyễn Chí Tuyến bị an ninh Hà Nội mời làm việc trong nhiều ngày về một số buổi phát trực tiếp từ lâu trên kênh Youtube Anh Chí Râu Đen. Công an cũng gửi bản cấm xuất cảnh đối với ông hai lần, lần cuối vào tháng 1 vừa qua.
Giữa tháng 1/2024, công an Hà Nội gửi Thông báo Kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm của Công an thành phố Hà Nội, trong đó nói công an nhận được tin báo về tội phạm của Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao của công an thủ đô.
Trong Thông cáo báo chí ngày 05/3, HRW lên án làn sóng đàn áp hiện nay với việc bắt giữ hai nhà hoạt động có tiếng ở Hà Nội và ông Hoàng Văn Khanh ở Lâm Đồng trong hai ngày liên tiếp.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Hoa Kỳ kêu gọi chính quyền độc đảng ở Việt Nam chấm dứt đàn áp đối với giới bloggers, những người vận động cho quyền con người, các nhà hoạt động xã hội ; cũng như trả tự do ngay cho những người đang bị giam giữ chỉ vì thực thi các quyền dân sự và chính trị cơ bản.
Nguồn : RFA, 07/03/2024
VOA, 15/02/2024
Tiểu ban Nhân quyền của Nghị viện Liên hiệp Châu Âu (EU) hôm 14/2 thảo luận về cơ chế giám sát việc thực hiện Điều khoản Nhân quyền trong các hiệp định với nước ngoài, trong đó nêu bật tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam như là trường hợp điển hình.
Trong hội thảo về các công cụ và cơ chế thực hiện điều khoản nhân quyền trong các thỏa thuận của EU với các nước đối tác, các nghị viên thuộc Tiểu ban Nhân quyền đã thảo luận với các chuyên gia về các chính sách của EU, bao gồm các nghiên cứu điển hình về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, Ethiopia và Tunisia.
Trong thông cáo đưa ra ngay sau phiên họp, tiểu ban này tuyên bố đã phát hiện ra khoảng cách giữa các quy định pháp lý của EU đối với các chính sách đối ngoại và việc thực thi hiệu quả điều khoản nhân quyền với các quốc gia đối tác, trong đó có Việt Nam.
"Xem xét tính hiệu quả của các đề xuất nâng cấp các điều khoản nhân quyền trong các hiệp định của EU với Việt Nam, Ethiopia và Tunisia, ba quốc gia có tình hình nhân quyền xấu đi trong những năm gần đây", thông cáo viết.
"Tại Việt Nam, cuộc đàn áp xã hội dân sự ngày càng gia tăng và chính phủ tiếp tục đàn áp các quyền dân sự và chính trị cơ bản", Tiến sĩ Narin Idriz, nhà nghiên cứu cao cấp thuộc Viện T.M.C. Asser ở Hà Lan, phát biểu tại phiên thảo luận được Nghị viện EU tường thuật trực tiếp.
Bà Gaelle Dusepulchre, phó chủ tịch của tổ chức phi chính phủ Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH), phát biểu rằng cơ chế hiện tại chưa hiệu quả để giám sát việc thực thi Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó có yêu cầu đảm bảo nhân quyền và quyền của người lao động.
"FIDH không tin rằng các cơ chế hiện có có đủ khả năng để đảm bảo việc thực hiện đúng đắn các cam kết nhân quyền".
Bà Dusepulchre hiện là Phó Chủ tịch Nhóm Tư vấn Nội địa (DAG) của EU cho việc thực thi EVFTA.
Các chuyên gia và các nghị viên kết luận rằng việc giám sát và thực thi các điều khoản nhân quyền của EU chưa đạt hiệu quả, vẫn theo thông cáo.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về buổi hội thảo này của Tiểu ban Nhân quyền thuộc Nghị viện EU, nhưng chưa được phản hồi.
Hiệp định EVFTA, được EU và Việt Nam ký vào ngày 30/6/2019 và chính thức có hiệu lực vào ngày 1/8/2020, bao hàm không chỉ các quy định về thương mại theo nghĩa rộng, mà cả các quy định về quyền con người. Trong đó, EVFTA yêu cầu tôn trọng các quy định về nhân quyền là một nguyên tắc cốt lõi.
Có thế mạnh là một thị trường chung rộng lớn gồm 27 quốc gia thành viên, EU là một trong những đối tác thương mại có ảnh hưởng lớn nhất trên thế giới và luôn gắn các giá trị về nhân quyền, phát triển bền vững trong các chính sách kinh tế đối ngoại.
"Chúng ta có triển vọng bước vào một thế giới đa cực, nơi các cấu trúc cạnh tranh và hợp tác mới sẽ được thiết lập. Do đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của EU trong những năm tới là phát triển các chính sách đối ngoại theo mục tiêu và theo cam kết quốc tế của chúng tôi, trước hết là bảo vệ một trật tự dựa trên luật lệ đa phương, thực hiện công bằng xã hội và nhân quyền", ông Udo Bullmann, Chủ tịch Tiểu ban Nhân quyền EU đưa ra nhận định trong thông cáo.
Cuối buổi thảo luận, các nghị viên và các chuyên gia đưa các khuyến nghị về cách thực thi và giám sát việc thực hiện điều khoản nhân quyền.
Họ yêu cầu rằng các kết quả của các cơ quan giám sát phải dễ tiếp cận và minh bạch ; các nhóm DAG nên có thẩm quyền rộng hơn để tập trung vào trọng tâm nhân quyền cụ thể ; cần thiết lập một cổng thông tin giải quyết khiếu nại mới và riêng biệt ; cũng như cần có sự tham gia tích cực với các tổ chức xã hội dân sự.
Như VOA đã đưa tin, hồi tháng 4/2023, phái đoàn gồm 6 nghị viên của Tiểu ban Nhân quyền Nghị viện EU có chuyến công du đến Việt Nam và sau đó đưa ra nhận định bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam".
Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng "các quy định mơ hồ" của Bộ Luật Hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử "những ai vi phạm pháp luật".
Nguồn : VOA, 15/02/202
****************************
Việt Nam sửa luật, cho phép Việt kiều sở hữu bất động sản
VOA, 15/02/2024
Kể từ đầu năm 2025, người Việt ở nước ngoài là công dân Việt Nam sẽ được phép sở hữu bất động sản tại Việt Nam như công dân trong nước, theo Luật Đất đai sửa đổi mới được Quốc hội Việt Nam thông qua gần đây. Điều này sẽ giúp dẹp bỏ tình trạng Việt kiều "lách luật" bằng cách nhờ người trong nước đứng tên sở hữu nhà, đất, dẫn đến nhiều tranh chấp phức tạp và rắc rối pháp lý về sau.
Thành phố Hồ Chí Minh, nơi luôn nhận được lượng kiều hối cao nhất Việt Nam.
Theo luật mới sửa đổi, người Việt định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (tức người còn giữ quốc tịch Việt Nam) sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước. Còn người Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở ; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này), và nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà, theo Thanh Niên.
Ngoài ra, Việt kiều cũng sẽ được phép đầu tư xây dựng nhà ở, công trình xây dựng để bán, cho thuê và đầu tư hạ tầng kỹ thuật tại các dự án bất động sản để chuyển nhượng và cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất có hạ tầng kỹ thuật.
Việc Quốc hội Việt Nam thông qua bộ ba luật, bao gồm Luật Đất đai sửa đổi, Luật Nhà ở sửa đổi và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, được cho là nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người Việt ở nước ngoài trong việc đầu tư vào bất động sản.
Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Việt Nam, hiện có khoảng 6 triệu người Việt đang sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, 80% là ở các nước phát triển. Riêng tại Thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 2,9 triệu kiều bào đang sinh sống, làm việc tại các nước. Năm ngoái, lượng kiều hối mà thành phố này nhận được đạt gần 9,5 tỷ USD, cao gần gấp 3 lần vốn đầu tư nước ngoài (FDI) - chỉ đạt 3,4 tỉ USD, và tương đương với gần 50% tổng thu ngân sách của thành phố.
Kể từ năm 2012, Việt Nam liên tục nhận được lượng kiều hối vượt quá 10 tỷ USD mỗi năm và tăng đều từ 7 - 10% qua các năm, trở thành một trong 10 quốc gia nhận kiều hối lớn nhất thế giới. Khoảng 1/4 số tiền này được đầu tư vào bất động sản.
Riêng trong năm ngoái, 16 tỷ USD kiều hối đã chảy vào Việt Nam. Dự báo năm 2024 lượng kiều hối sẽ tăng khoảng 20% so với năm 2023.
Dòng kiều hối này từ lâu đã là nguồn tăng trưởng kinh tế quan trọng cho Việt Nam. VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước TPHCM, hôm 2/2 nói kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối của Việt Nam, và lượng tiền này đặc biệt hữu ích trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực lên tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Việt kiều, trong thời gian tới lượng kiều hối sẽ ngày càng dồi dào do cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng đông cả về số lượng cũng như địa bàn sinh sống.
Nguồn : VOA, 15/02/2024
Nhà hoạt động Vàng Seo Giả tới Mỹ định cư : Sẽ tiếp tục lên tiếng cho người H’mong
Vàng Seo Giả, RFA, 13/02/2024
Ông Vàng Seo Giả, thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong (Hmong Human Rights Coalition), cùng vợ và con trai sống tị nạn ở Thái Lan từ năm 2018. Với sự trợ giúp của Liên Hiệp quốc, gia đình ông đã được tái định cư tại Hoa Kỳ. Ngày 31/1, ông rời Thái Lan và đến tiểu bang Minnesota ngày 01/2.
Ông Vàng Seo Giả - Fb Johnny Huy
Sau đây là cuộc phỏng vấn ông Vàng Seo Giả dành cho Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 08/2 :
RFA : Xin chào ông Vàng Seo Giả. Chúc mừng ông và gia đình đã được đến định cư tại Hoa Kỳ. Xin ông cho biết từ khi nào và lý do gì buộc ông và gia đình sang Thái Lan tị nạn ?
Vàng Seo Giả : Vâng, xin chào ông và cảm ơn Đài Á Châu Tự Do. Tôi sang Thái Lan tị nạn năm 2018, lý do tôi phải đi tị nạn là tôi có một đứa cháu tên Ma Seo Sùng bị công an tỉnh Đắk Lắk bắt giữ không có lý do. Sau đó năm ngày họ giết chết cháu tôi. Tôi cùng với gia đình đã đứng lên đòi công lý cho cháu và sau đó đã bị chính quyền truy bức.
Sau khi cháu Ma Seo Sùng chết, tôi và gia đình làm rất nhiều đơn, từ tháng 6 cho đến tháng 11 năm 2017 và gửi từ cấp địa phương đến cấp trung ương nhưng họ không giải quyết. Sau khi chúng tôi gửi nhiều đơn và cũng nhờ một số tổ chức làm đơn hộ thì cuối cùng chính quyền quyết định đến bắt chúng tôi nhưng tôi và anh rể may mắn chạy thoát.
Sự việc đó khiến tôi và gia đình phải chạy trốn sang Thái Lan xin tị nạn.
RFA : Đề nghị ông chia sẻ về những khó khăn, nguy hiểm trong thời gian tị nạn ở Thái Lan
Vàng Seo Giả : Những ngày đầu mới tới Thái Lan thì thực sự cuộc sống ở Thái Lan khá khó khăn và vất vả cho tôi, tại vì khó hoà nhập với cuộc sống mới. Khi sang tôi không biết tiếng Thái và do vậy cũng rất khó hòa nhập.
Đó là những khó khăn về vật chất và tinh thần. Sau đó, tôi cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác tại vì khi sang Thái Lan tôi tiếp tục hoạt động.
Lý do tôi quyết định tiếp tục hoạt động là bởi vì tôi thấy rằng từ khi cháu của tôi chết và tôi đứng lên đòi công lý, tôi thấy rằng ở Việt Nam còn rất nhiều bất công. Tôi có làm gì đi chăng nữa thì cháu tôi cũng không sống lại, nhưng chí ít nếu tôi đứng lên và tôi dám đấu tranh cho những bất công như vậy thì có thể (có thể thôi chứ không chắc chắn), có thể hạn chế được những bất công, những cái chết vô cớ như vậy.
Do vậy tôi quyết định tiếp tục tham gia đấu tranh, tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo của người H’mong tại Việt Nam.
Từ khi tôi hoạt động như vậy tôi đã đối mặt với rất nhiều nguy hiểm từ chính quyền Việt Nam. Thậm chí tôi đã được Google gửi cho tôi cảnh báo rằng có hacker (tin tặc-PV) đang cố gắng xâm nhập vào tài khoản Google của tôi và hacker này được hậu thuẫn bởi Chính phủ. Họ không nói là Chính phủ Việt Nam nhưng mà Google nói rõ rằng "Chính phủ đang hậu thuẫn một nhóm hacker đang cố gắng đánh cắp tài khoản của bạn" và tôi bị tấn công nhiều lần ở trên Internet.
Đó là những khó khăn nguy hiểm mà tôi đã gặp phải sau khi tôi dấn thân vào con đường đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo cho người H’mong tại Việt Nam.
Sau khi có một số nhà hoạt động bị bắt ví dụ như Đường Văn Thái càng khiến tôi lo lắng nhiều hơn. Tôi biết rằng người đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo ở bên ngoài và ở trong Việt Nam cũng rất nhiều nhưng thực sự mà nói số người H’mong dám đứng lên đấu tranh cho nhân quyền và quyền tự do tôn giáo chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Tôi và một số đồng nghiệp là những cá nhân duy nhất dám đứng lên như vậy thành ra tôi biết chắc chắn chính quyền Việt Nam trong đầu họ luôn sẵn sàng tư thế để dập tắt chúng tôi bất kỳ lúc nào. Điều đó càng khiến tôi lo lắng và sợ hãi nhiều hơn.
RFA : Ông có thể chia sẻ về các hoạt động nhân quyền của mình trong thời gian tị nạn ở Thái Lan không ?
Vàng Seo Giả : Thời gian ở Thái Lan tôi có tham gia hoạt động bảo vệ nhân quyền và quyền tự do tôn giáo cho người H’mong, chỉ riêng cho người H’mong. Tôi cùng một đồng nghiệp tên là Giàng A Dinh thành lập một tổ chức xã hội dân sự cho người H’mong có tên là Hmong Human Rights Coalition.
Các hoạt động của chúng tôi tập trung vào bốn khía cạnh. Thứ nhất là chúng tôi tập trung viết báo cáo về các vụ vi phạm đàn áp tôn giáo và nhân quyền cho người H’mong tại Việt Nam.
Công việc thứ hai mà chúng tôi làm là đào tạo người ở trong nước để họ tự biết viết báo cáo khi xảy ra vi phạm.
Công việc thứ ba của chúng tôi là giải cứu nạn nhân bị buôn người. Trong khoảng thời gian từ năm 2019 cho đến năm 2023, chúng tôi đã giải cứu được nhiều người H’mong, thậm chí chúng tôi cũng giải cứu được cả người Kinh.
Chúng tôi giải cứu được một chị từ Ả Rập Xê Út về và chúng tôi giải cứu được hơn chục người, trong đó có trẻ em H’mong bị lừa sang Campuchia để cưỡng bức lao động bởi các công ty Trung Quốc.
Còn công việc thứ tư, chúng tôi tham gia vào đề án đòi lại quyền công dân của người H’mong ở Việt Nam cùng với tổ chức BPSOS (Ủy ban cứu người vượt biển, có trụ sở ở Hoa Kỳ-PV).
Ở Việt Nam, việc đàn áp tôn giáo dẫn đến rất nhiều hệ lụy. Từ khi người H’mong bắt đầu biết đến đạo Tin Lành qua đài Nguồn Sống thì xảy ra nhiều cuộc đàn áp tôn giáo rất dã man, làm người H’mong phải chạy trốn khắp nơi và Tây Nguyên là một vùng họ chọn để chạy trốn vì đức tin của mình.
Có hàng ngàn người H’mong đến Tây Nguyên sinh sống. Sau khi họ đến đây, họ không được chính quyền công nhận. Họ sống lay lắt được gần 30 năm rồi mà họ vẫn phải sống trong tình trạng không có bất cứ giấy tờ tuỳ thân nào.
Chúng tôi tham gia thực hiện đề án để hỗ trợ người H’mong đòi lại quyền công dân, đòi lại quyền con người của mình.
RFA : Ông Lù A Da, một thành viên của Liên minh Nhân quyền Người H’mong mới được tại ngoại. Ông có cho rằng ông Lù A Da bị cảnh sát Thái Lan giam giữ gần hai tháng có liên quan đến hoạt động trong nhóm của ông không ?
Vàng Seo Giả : Vừa rồi anh Lù A Da, người hiện tại đang điều hành tổ chức Hmong Human Rights Coalition đã bị cảnh sát Thái đến tận cổng nhà để bắt anh ấy đi. Trước đó, anh cũng có bị cảnh sát Thái đến tìm và anh đã phải chạy trốn và tìm nơi ở trọ khác để sinh sống.
Tuy nhiên anh vẫn bị cảnh sát đến bắt. Đó là một trường hợp càng khiến cho người ở trong nhóm chúng tôi lo lắng và sợ hãi hơn, tại vì có vẻ như họ nắm trong tay rất rõ thông tin của những người hoạt động trong nhóm chúng tôi - điều mà tôi nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của chính quyền Việt Nam.
Trước đấy có nhiều người Thượng cũng bị bắt tương tự. Thậm chí cảnh sát Thái Lan biết địa chỉ và họ xông thẳng vào nhà trọ để bắt.
Tôi nghi ngờ rằng có sự nhúng tay của chính quyền Việt Nam ở đây. Như tôi đã nói, chúng tôi là những người lên tiếng duy nhất cho người H’mong tại Việt Nam thành ra là họ đang rất muốn dập tắt ngọn lửa này.
RFA : Xin ông cho biết số lượng người Hmong đang xin tị nạn ở Thái Lan và triển vọng tái định cư ở nước thứ ba của họ.
Vàng Seo Giả : Về số lượng chính xác người H’mong Việt Nam ở Thái Lan thì tôi không nắm rõ, tôi ước chừng có khoảng gần 1.000 người. Phần lớn họ đến Thái Lan tị nạn vì lý do đàn áp sắc tộc và tôn giáo.
Cuộc sống của người H’mong ở Thái Lan thực sự rất là khổ cực, họ không thể đi làm và về mặt vật chất thì hầu như không có một tổ chức nào giúp đỡ họ cả. Một số gia đình được BRC (Bangkok Refugee Centre- Trung tâm trợ giúp người tị nạn Bangkok- PV) và JRS (Jesuit Refugee Service- một tổ chức từ thiện trợ giúp người tị nạn- PV) hỗ trợ tiền nhà từ một đến ba tháng sau khi đã trải qua nhiều lần phỏng vấn.
Về pháp lý, hiện tại ở Thái Lan đang có hai văn phòng đó là CAP (Center for Asylum Protection- Trung tâm bảo vệ người tị nạn) và AAT (Asylum Access Thailand- Tiếp cận tị nạn Thái Lan) đang hỗ trợ pháp lý cho những người tìm kiếm quy chế tị nạn ở Thái Lan.
Cơ hội định cư năm nay có vẻ tươi sáng hơn khi nhiều gia đình được tái định cư qua nhiều nước như Canada, Hoa Kỳ, hoặc New Zealand hay Australia và được biết Chính phủ Mỹ cũng đã mở chương trình Welcome Corp cho phép người ở Hoa Kỳ có thể tự lựa chọn người tị nạn ở các nước để bảo trợ sang Hoa Kỳ.
Đây cũng là một tin vui đối với những người đang tị nạn tại Thái Lan và đã có quy chế tị nạn. Tuy nhiên, với những người bị rớt quy chế hoặc bị đóng hồ sơ thì gần như không có hy vọng gì.
RFA : Ông sang Hoa Kỳ theo diện nào và được trợ giúp những gì ?
Vàng Seo Giả : Tôi sang đây theo diện được UN (LHQ) gửi tới định cư chứ không phải bảo trợ tư nhân. Sau khi tôi sang đây có được tổ chức Resettlement Agency (cơ quan tái định cư- PV) hỗ trợ trong ba tháng đầu để làm các thủ tục giấy tờ cần thiết. Sau đó họ sẽ gửi qua cho Chính phủ Hoa Kỳ lo cho gia đình tôi.
Theo như tôi được học trong những buổi định hướng văn hóa trước khi sang đây, Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trợ giúp tài chính cùng phiếu mua đồ ăn (food stamp- PV) và giúp cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
RFA : Dự định trong thời gian sắp tới của ông là gì ?
Về dự định sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đi học tiếng Anh, trau dồi tiếng Anh để dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm một công việc phù hợp với chuyên ngành IT (công nghệ thông tin- PV) của mình.
Tôi chắc chắn sẽ tiếp tục đấu tranh cho quyền tự tôn giáo và nhân quyền cho người H’mong ở Việt Nam. Bởi vì ở Thái Lan nguy hiểm như vậy mà tôi vẫn đấu tranh thì tôi cho rằng khi tôi đã thoát khỏi sự nguy hiểm đấy, tôi đã đến được một đất nước tự do như vậy tôi càng phải làm điều đấy.
Không những làm mà tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa và làm nhiều hơn nữa để bảo vệ những người H’mong ở Việt Nam, họ là những người yếu thế bị áp bức bởi chính quyền Việt Nam.
RFA : Xin cảm ơn ông về cuộc phỏng vấn.
Nguồn : RFA, 13/02/2024
*******************************
HRW lên tiếng về bản án đối với ông Danh Minh Quang
VOA, 13/02/2024
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) vừa lên án việc chính quyền Việt Nam tuyên án tù ba năm rưỡi đối với nhà hoạt động Danh Minh Quang và kêu gọi Hà Nội trả tự do ngay cho ông.
Ông Danh Minh Quang tại phiên tòa ở Sóc Trăng ngày 7/2/2024. Photo Báo Sóc Trăng.
"Chính quyền tỉnh Sóc Trăng đã chà đạp một cách trắng trợn quyền tự do ngôn luận và trả thù một công dân chỉ vì người này nêu quan điểm độc lập về chính trị của mình trên mạng xã hội", ông Phil Robertson, Phó giám đốc Châu Á của HRW đưa ra lời chỉ trích trong một tuyên bố gửi đến VOA qua email hôm 10/2.
Ông Robertson kêu gọi cơ quan chức năng cần trả tự do ngay cho ông Danh Minh Quang và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với ông.
"Quốc hội Việt Nam cần khẩn trương sửa đổi Bộ luật Hình sự và bãi bỏ các điều luật xâm phạm nhân quyền, trong đó có Điều 331 đang được chính quyền Việt Nam sử dụng một cách có hệ thống để xâm phạm quyền của dân thường trên khắp cả nước", ông Robertson nhấn mạnh.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về lời kêu gọi của HRW, nhưng chưa được trả lời.
Như VOA đã đưa tin, một phiên tòa ở Sóc Trăng hôm 7/2 tuyên phạt ông Danh Minh Quang, một nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom, 3 năm rưỡi tù với cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ", theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự. Ông Quang bị bắt với cáo buộc này hồi cuối tháng 7/2023 cùng với hai nhà hoạt động khác là Thạch Cương và Tô Hoàng Chương.
Hồi tháng 5/2023, ông Quang nói với VOA rằng ông đã bị chính quyền sách nhiễu từ nhiều năm trước và liên tục bị "mời làm việc" về các bài viết của ông trên Facebook.
"Tôi bị đàn áp rất nhiều, từ 2019 đến bây giờ, tôi bị mời đi, bị hăm dọa, đánh đập... Tôi đã đăng những giấy mời này trên Facebook".
Truyền thông Việt Nam dẫn cáo trạng cho rằng ông Minh Quang có hành vi sử dụng tài khoản Facebook cá nhân "để đăng tải, chia sẻ, phát trực tiếp những nội dung vi phạm pháp luật trên không gian mạng".
Từ năm 2021 đến tháng 7/2023, ông bị cáo buộc đăng tải 51 bài viết, hình ảnh "với nội dung có tính chất tiêu cực, tuyên truyền xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương", theo Báo Sóc Trăng.
Trao đổi với VOA, nhà sư Khmer Trương Thạch Dhammo ở Toronto, Canada, lên án việc chính quyền Việt Nam bắt giam ba nhà hoạt động trên.
"Chính phủ Việt Nam phải tôn trọng quyền tự do lập hội, đi lại và nhóm họp của người Khmer Krom bản địa", ông Dhammo nói.
Nhận định về phiên tòa xét xử ông Quang, ông Trần Xa Rộng, ở Italy, phó chủ tịch thứ hai của Liên đoàn Khmer Krom (KKF), một tổ chức tranh đấu cho quyền của người bản địa Khmer Krom có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ, nói rằng bản án này bất công.
"Không biết đây là tòa án kiểu gì mà vừa trá hình mà vừa không đúng cách vì không cho người dân tham gia, không có luật sư bào chữa cho bị cáo…". Ông nói thêm rằng việc xét xử này "nhằm để trả thù" ông Quang vì ông đã nói lên sự thật.
Như VOA đã đưa tin hồi tháng 3/2023, ông Danh Minh Quang và một nhóm các nhà hoạt động cho quyền của người bản địa Khmer Krom bị công an Sóc Trăng thẩm vấn vì tham dự sự kiện kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ và mặc áo thun có biểu tượng KKF, một tổ chức mà chính quyền Việt Nam tố cáo là một "tổ chức phản động chống phá Nhà nước Việt Nam dưới nhiều hình thức".
Hồi tháng 3/2023 và sau phiên xử ông Quang, KKF ra tuyên bố tố cáo hành động sách nhiễu của chính quyền Sóc Trăng và kêu gọi chính quyền tôn trọng quyền của người bản địa.
HRW dẫn thống kê năm 2019 cho biết có khoảng 1,3 triệu người Khmer Krom sinh sống ở Việt Nam, trong đó có hơn 360.000 người cư ngụ ở Sóc Trăng, chiếm khoảng 1/3 dân số của tỉnh.
Tổ chức nhân quyền có trụ sở tại Mỹ ghi nhận rằng có nhiều vụ xung đột giữa chính quyền địa phương và các nhóm Khmer Krom đòi quyền lợi của người bản địa và quyền tự do tôn giáo.
Mặc dù Việt Nam ủng hộ Tuyên ngôn của Liên Hiệp Quốc về quyền của các dân tộc bản địa (UNDRIP) có từ 2007, nhưng đến nay nước này vẫn không công nhận các dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer Krom, là người bản địa.
Nguồn : VOA, 13/02/2024
Mặc dù là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam liên tục không được đánh giá cao trong bảng xếp hạng của quốc tế về nhân quyền. Bức tranh nhân quyền Việt Nam năm qua được đánh giá là ‘u ám’, theo báo cáo toàn cầu công bố hồi đầu năm 2024 của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW).
Ba nhà hoạt động môi trường (từ trái qua) : Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị tuyên 3 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2023 ; bà Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt tháng 9/2023 và bị truy tố với tội danh ‘chiếm đoạt tài liệu’, ông Đặng Đình Bách bị tuyên 5 năm tù với tội danh trốn thuế năm 2022
Trong chuyến đi cuối năm 2023 tới Đức tìm hiểu về cuộc sống một số nhà hoạt động Việt Nam sau khi tỵ nạn tại đây, BBC News tiếng Việt đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền (VETO !) – tổ chức từng tham gia vận động để kêu gọi trả tự do thành công cho một số nhà hoạt động bị chính quyền Việt Nam bỏ tù, trong đó trường hợp của bà Đỗ Thị Minh Hạnh, bà Mai Thị Dung, ông Nguyễn Bắc Truyển và ông Nguyễn Văn Đài,…
BBC : Nhận định của ông về tình hình nhân quyền tại Việt Nam hiện nay ?
Vũ Quốc Dụng : Cái tôi thấy là tình hình nhân quyền tại Việt Nam trong mấy năm vừa qua xấu đi rất nhiều.
Bây giờ làn sóng đàn áp đã lan sang các tổ chức xã hội dân sự có đăng ký. Đây là các tổ chức hoạt động hợp pháp từ nhiều năm qua trong các lĩnh vực ‘không nhạy cảm’ đối với chính quyền Việt Nam, chẳng hạn trong lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa, chứ không phải quyền dân sự hay chính trị.
Nhiều cá nhân hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khí hậu, như bà Hoàng Thị Minh Hồng, Ngụy Thị Khanh, ông Đặng Đình Bách… đã bị bắt với những tội danh hình sự mà chúng tôi cho là có động cơ chính trị. Bởi vì đối với những người có đóng góp cho việc cải thiện khí hậu, môi sinh như vậy thì không cần phải dùng đến các biện pháp hình sự như thế.
Điều đó là sự quan ngại chung.
BBC : Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này ?
Vũ Quốc Dụng : Vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, theo tôi thì có mấy tầng.
Vấn đề thứ nhất là nội luật hóa. Việt Nam không chỉ khó khăn về mặt thích ứng với luật quốc tế mà còn khó áp dụng luật quốc tế.
Luật Điều ước quốc tế của Việt Nam đã quy định rằng trong trường hợp luật Việt Nam, về mặt nội dung, nếu khác với luật quốc tế mà Việt Nam đã cam kết, hay ký kết, thì ưu tiên áp dụng điều luật quốc tế.
Thế nhưng việc này hiện không được áp dụng trên thực tế.
Vấn đề thứ hai là ý thức về nhân quyền.
Việc bảo vệ nhân quyền chưa nằm sâu trong ý thức của người cầm quyền trong khi người dân cũng không được phổ biến hay hiểu sâu về quyền của mình. Chuyện đó thì không trách được vì nó liên quan đến việc quốc gia đó giáo dục về nhân quyền cho người dân như thế nào.
Vấn đề thứ ba là cách diễn dịch các luật quốc tế về vấn đề nhân quyền sang tiếng Việt chưa đúng. Ví dụ bản dịch tiếng Việt Điều 18 Công ước quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị - mà Việt Nam tham gia từ 1982 - chỉ đề cập quyền tự do tư tưởng, quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do tôn giáo.
Còn trong luật gốc quốc tế thì Điều 18 đó bao gồm quyền tự do lương tâm. Đây là một điều rất quan trọng. Tại sao chúng ta nói đến những tù nhân lương tâm ? Bởi vì đó là những người hoạt động vì lương tâm của họ. Họ bị bắt, quốc tế xem họ là tù nhân lương tâm.
Nếu trong các bản dịch mà thiếu quyền tự do lương tâm thì làm sao trong đời thường người ta có thể áp dụng được các quyền tự do lương tâm ? Ví dụ trên thế giới, ở nhiều nước, người dân sử dụng quyền này để từ chối đi nghĩa vụ quân sự. Vì lý do tôn giáo của họ, vì lý do nhân sinh quan của họ, họ từ chối không cầm súng để bắn người khác. Cái đó là quyền tự do lương tâm.
Ở Việt Nam, người dân không có quyền từ chối đó. Tức là họ không được công nhận quyền tự do lương tâm của họ.
Có lẽ muốn cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam thì phải thay đổi rất nhiều, về khung luật, về nội luật hóa, thực thi luật và ý thức về quyền của mình trong dân chúng.
BBC : Ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam với tư cách là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc ?
Vũ Quốc Dụng : Tôi nghĩ rằng Việt Nam mong muốn hội nhập quốc tế về kinh tế nhưng không thực tâm hội nhập về nhân quyền.
Thành ra nếu không có sự bắt buộc thì Việt Nam không tự nguyện cải thiện nhân quyền và cũng cho rằng không cần cải thiện.
Do đó đó mới có những cái đợt đàn áp như nói ở trên. Tôi nghĩ rằng các quốc gia, tổ chức quốc tế cần phải để ý nhiều hơn đến việc giúp cho Việt Nam hội nhập nhiều hơn, thực chất hơn trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền.
Có thể có nhiều lý do khiến quốc tế xao nhãng trong việc nhắc nhở Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền. Có thể có những lý do nội bộ mà mình không thể hiểu hết được, rồi lý do mâu thuẫn giữa các quốc gia phương Tây và Trung Quốc và dịch Covid.
Việt Nam là thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc. Theo quy chế, các quốc gia thành viên phải làm gương cho các quốc gia khác trong vấn đề bảo vệ nhân quyền.
Nếu so sánh thành tích của Việt Nam trong việc bảo vệ nhân quyền với lời hứa của họ khi làm đơn ứng cử vào ghế thành viên hội đồng này thì có sự khác biệt một trời một vực.
Do đó, thời gian vừa rồi chúng ta thấy các tổ chức của Liên Hợp Quốc gia tăng những đề nghị, câu hỏi, yêu cầu cho chính quyền Việt Nam trả lời.
Nhưng trong một số trường hợp mà chúng tôi biết, những câu trả lời của Chính phủ Việt Nam không đúng sự thật, xa thực tế và chỉ nhằm mục đích chống chế.
Chờ đợi của quốc tế đối với một thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong trường hợp Việt Nam, đã không được thỏa mãn.
BBC : Trong trường hợp như vậy, liệu Liên Hợp Quốc có các biện pháp trừng phạt hay không ?
Vũ Quốc Dụng : Trong quy chế hoạt động của các cơ quan Liên Hợp Quốc thì thường không có những quy định về xử phạt. Ngoại lệ duy nhất là Tòa án Hình sự Quốc tế có nhiệm vụ xử các vụ vi phạm nhân quyền trầm trọng, thí dụ như tội ác chiến tranh, tội diệt chủng và tội ác chống nhân loại.
Có lẽ là nhiều người chờ đợi Liên Hợp Quốc gia tăng các cái hình thức xử phạt. Nhưng vấn đề đó đã tồn tại 75 năm nay, chưa được giải quyết một cách thỏa đáng.
Do đó, tôi cho rằng bổn phận của các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc là phải thực hiện các khuyến nghị của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc bằng những phương tiện mình đang có trong tay.
Ví dụ, khi một quốc gia có các quan hệ ngoại giao, kinh tế, tài chính hay quân sự với một quốc gia khác thì họ cần dùng các quan hệ đó để thúc đẩy quốc gia đó cải thiện nhân quyền. Như vậy mới hi vọng tình trạng nhân quyền được cải thiện từ từ.
Ông Vũ Quốc Dụng trao đổi với đại diện Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) ngày 18/11/2015 tại Washington
Nhưng đó là cách mình trông chờ ở một tác nhân khác để giúp đỡ mình.
Tôi nghĩ nhiều hơn đến những người ở trong nước, trong một cách thức nào đó họ vẫn đóng góp cho việc cải thiện nhân quyền. Ví dụ, các tổ chức bảo vệ môi sinh mà tôi đề cập ở trên.
Họ không ồn ào nhưng làm được rất nhiều việc trong 10 năm qua, trước khi một số lãnh đạo bị bắt. Họ đào tạo người, họ kết nối với những đối tác ở trong nước và ngoài nước, họ đối thoại với chính quyền và phần nào đó xây dựng được ý thức về môi trường.
Đây là bước tiến trong mảng vận động quốc nội.
Mình cần phải biết rằng là trong hoàn cảnh tại Việt Nam thì khung pháp luật, chính sách, cách ứng xử của các viên chức như thế nào trong vấn đề nhân quyền.
Sau đó thì tùy vào năng lực, mỗi tổ chức chú ý vào giáo dục cho các viên chức, như công an chẳng hạn, hoặc vận động chính phủ để tổ chức các khóa học về nhân quyền.
BBC : Theo ông, các tổ chức nhân quyền cần có những thay đổi gì trong đường hướng hoạt động để giải quyết được gốc rễ vấn đề, thay vì chỉ kêu gọi trả tự do cho một vài trường hợp nhỏ lẻ ?
Vũ Quốc Dụng : Với những tổ chức bảo vệ nhân quyền, tôi nghĩ rằng họ phải có nhiều sáng kiến, phải nghiên cứu những sách lược phù hợp để mà trong bất cứ tình huống nào họ vẫn có thể hoạt động được chứ không trông chờ thời cơ thuận lợi thì mới hoạt động.
Đây là bài toán không đơn giản được đặt ra đối với tất cả những người bảo vệ nhân quyền. Sẽ không có một phép màu hay một công thức cố định, mà cần có sự đầu tư về trí tuệ để có thể tồn tại hoặc cải thiện dù tình hình quốc tế và tình hình chính trị ở quốc gia đó không thuận lợi.
Cuối cùng, nhân quyền là một mảng của xã hội dân sự để vận động cho những giá trị đạo đức và sự tuân thủ về mặt luật pháp. Nó không phải là một vấn đề đe dọa đến an ninh quốc gia, đến sự tồn tại của một thể chế. Vận động nhân quyền không phải là vận động chính trị mà nhằm bảo vệ nền tảng giá trị chung của nhân loại, để xã hội được phát triển trong hòa bình và đem lại tiến bộ chung. Cho nên chúng ta không nên nhìn nhân quyền dưới lăng kính chính trị. Mà cần nhìn nhân quyền như một điều đương nhiên mà con người phải có. Những quyền này một phần cũng đã được quy định trong luật pháp và hiến pháp Việt Nam.
Vấn đề bây giờ chỉ là thực hiện nó. Còn những điểm chưa phù hợp thì phải tiếp tục hoạt động để thay đổi, cải thiện. Tôi cho rằng cần phi chính trị hóa nhân quyền.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 01/02/2024