Ngoại giao Đức : Thương mại, nhân quyền và chuyển đổi năng lượng công bằng
Thục Quyên, BBC, 27/01/2024
Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier minh họa sống động đường lối ngoại giao của nền kinh tế số một EU.
Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Hà Nội ngày 23/1/2024
Sự chú ý hợp tác ngày càng tăng với các nước Đông Á và cuộc chiến Ukraine có liên quan nhiều đến nhau.
Sau khi quay lưng với Nga, Đức đang định lại vị trí của mình về mặt chính trị và kinh tế. Ngoài ra, mối quan hệ với Trung Quốc và sự phụ thuộc kinh tế của Đức hiện được xem xét nghiêm túc hơn nhiều, so với chỉ vài năm trước.
Hàn gắn sau vụ Trịnh Xuân Thanh
Công thức ngắn gọn có thể là : cách xa Trung Quốc hơn và hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng của Trung Quốc - chẳng hạn Việt Nam.
Trong chiều hướng đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cùng Bộ trưởng Lao động và Xã hội Hubertus Heil và một phái đoàn kinh doanh đã đến thăm Việt Nam và Thái Lan, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Đối với Việt Nam, Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất ở Châu Âu và là nhà đầu tư quan trọng thứ tư, với thương mại song phương hiện đạt 18 tỉ euro. "Dù vậy, tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta còn rất nhiều", Tổng thống Steinmeier đánh giá.
Xét về diện tích, Việt Nam gần bằng Đức nhưng với dân số gần 100 triệu hiện nay thì Việt Nam hơn Đức khoảng 15 triệu người.
Quan hệ Việt Nam và Đức có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt tại Đức.
Từ thập niên 1950, hơn 300 sinh viên Việt Nam đã tới Cộng hòa Dân chủ Đức học tập. Trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, thanh niên Việt Nam tiếp tục đến học tại cả Cộng hòa Dân chủ Đức lẫn Cộng hòa Liên bang Đức. Thập niên 1980 chứng kiến hàng chục ngàn người lao động Việt Nam đến Cộng hòa Dân chủ Đức. Con số này lên tới 60.000 vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Bên cạnh đó, sau Chiến tranh Việt Nam, khoảng 40.000 thuyền nhân chạy trốn sự áp bức của chính quyền cộng sản trên những chiếc thuyền vượt Biển Đông đã được tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức.
Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năm 2022, có khoảng 207.000 người gốc Việt sống tại Đức.
Truyền thông Đức đánh giá nguyên nhân thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam, một trong những quốc gia cộng sản cuối cùng, là việc thiếu lao động có tay nghề tại Đức, hiện lên khoảng 2 triệu người.
Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam đã được liên kết trong mối quan hệ "đối tác chiến lược" kể từ năm 2011. Tuy nhiên, cuối năm 2017, mối quan hệ đối tác này đã bị đình trệ liên quan đến sự việc ông Trịnh Xuân Thanh biến mất tại Berlin.
Sáu năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.
Chính quyền Việt Nam loan tin ông này đã tự nguyện trở về đầu thú, nhưng phía Đức khẳng định đây là một vụ bắt cóc và là "sự vi phạm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế và sự vi phạm lòng tin".
Liên quan tới vụ việc, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao, trong đó có Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan tình báo Việt Nam tại Berlin, người có vai trò quan trọng trong việc theo dõi Trịnh Xuân Thanh.
Năm 2018, tòa án tại Berlin đã kết án một người ba năm mười tháng tù liên quan đến vụ bắt cóc, đến năm 2023, kết án thêm người thứ hai với mức án năm năm tù.
Sau vụ bắt cóc, các dự án hợp tác kinh tế vẫn được tiếp tục nhưng không có dự án mới nào được khởi động. Đại diện Chính phủ Đức chỉ hội đàm ở cấp chuyên viên và các nhà ngoại giao Việt Nam bị loại khỏi danh sách mời của Bộ Ngoại giao. Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam khi đó chưa được phê chuẩn cũng bị đình trệ một thời gian.
Cuối năm 2018, Đức giảm bớt áp lực và sau nhiều thương lượng ở hậu trường, hầu hết các biện pháp trừng phạt ngoại giao đã được dỡ bỏ. Điều này xuất phát từ việc Đức muốn khôi phục và thúc đẩy trở lại hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam năng động. Một phần nữa là do lợi ích về chính sách an ninh, khi Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc.
Tháng 11/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu vực lại mối quan hệ giữa hai nước.
Một tháng sau, văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương các doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss, APA) thăm dò và chuẩn bị thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình để tháp tùng Tổng thống Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Malaysia dự định từ ngày 13/2 tới 19/2/2023.
Sau đó, tuy văn phòng Tổng thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia đã được đưa vào lịch trình của Tổng thống Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy. Sự việc này xảy ra ngay sau thời điểm có một "cơn địa chấn" tại Hà Nội : Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm.
Thông điệp nhân quyền
Cuộc viếng thăm bị trễ hẹn gần một năm của Tổng thống Steinmeier, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/1/2024, được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin là đạt kết quả mĩ mãn.
Tuy nhiên, có những nhắn nhủ quan trọng của vị khách Châu Âu đã bị truyền thông nước chủ nhà lờ đi.
Trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Đức đã nhắc đến nhiều chủ đề mà theo ông là đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông tại Hà Nội với giới lãnh đạo Việt Nam.
"Chúng tôi chờ đợi để chứng kiến việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 như là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tuân thủ nhân quyền".
Ông nói rằng "còn có một số khác biệt cản trở sự hợp tác của chúng ta hoặc gây nhiều lo ngại cho chúng tôi – chẳng hạn các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do ngôn luận".
Học sinh Việt Nam vẫy cờ trong lễ đón Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Hà Nội, ngày 23/1/2024
Nhắc tới quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Tổng thống Steinmeier hứa sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn này. Ông nhấn mạnh đến việc tuân thủ các quy tắc chung, đồng thời nói rằng chính sách bảo mật là tiêu chuẩn cho một mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy và tin tưởng lẫn nhau.
Đức cam kết ủng hộ việc áp dụng và thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ở Biển Đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy tắc bảo đảm trật tự an ninh thế giới bị vi phạm trắng trợn ở các khu vực khác - chẳng hạn khi Nga tấn công Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế - thì Đức cũng muốn có được sự ủng hộ tương tự đối với một trật tự dựa trên luật pháp và sự tin tưởng.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nghênh đón vị khách quý và, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Steinmeier, đã đề nghị Đức hỗ trợ việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Đề nghị của ông Thưởng được đưa ra trong bối cảnh hiệp định này đang đặc biệt tùy thuộc vào sự lên tiếng của các tổ chức phi chính phủ về tình trạng nhân quyền "u ám" năm 2023 tại Việt Nam, mới nhất là sự phản đối của Liên minh Bảo vệ Khí hậu tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu quốc tế (COP28) về việc bắt giữ luật sư môi trường Đặng Đình Bách.
Thục Quyên
Nguồn : BBC, 27/01/2024
************************
Theo dõi Nhân quyền : Chính phủ Việt Nam đuối lý khi công kích tổ chức phi chính phủ quốc tế !
RFA, 27/01/2024
"Chính phủ Việt Nam có hai mặt về nhân quyền, nói bất cứ điều gì họ nghĩ sẽ có lợi cho họ về mặt chính trị, và công kích các nhà hoạt động ở Việt Nam, hoặc các tổ chức phi chính phủ quốc tế như tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì đi ngược lại với sự tuyên truyền không có thật của chế độ độc đảng ở Đông Nam Á".
Hình ảnh 6 nhà hoạt động bị công an bắt bỏ tù trong năm 2023 vì các hoạt động ôn hoà trong báo cáo của Theo dõi Nhân quyền - HRW
Đó là lời nhận xét của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phản bác lại tuyên bố của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ ngày 25/1.
Trước đó, tổ chức chuyên giám sát nhân quyền của các nước trên thế giới công bố Phúc trình Toàn cầu 2024 trong đó phần về Việt Nam nói rằng, trong năm qua chính quyền "đã đè nén các quyền dân sự và chính trị cơ bản và trừng phạt nặng nề những ai dám thách thức vị thế độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục cấm thành lập công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền cũng như đặt các nhóm tôn giáo độc lập ra ngoài vòng pháp luật".
Hai tuần sau, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố "Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo".
Bà Hằng còn nói đây không phải là lần đầu tiên tổ chứccó trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) đưa ra "những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế".
Ông Phil Robertson trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 26/1 khẳng định, phát ngôn của chính Bộ Ngoại giao đúng như những gì ông tiên đoán họ sẽ nói ra, đó là "phủ nhận mọi chuyện và tấn công người đưa tin".
"Đây là biện pháp bảo vệ cuối cùng của một chính phủ đã có bước lùi xa về nhân quyền đến mức họ thực sự không còn lý do chính đáng nào để tuyên bố rằng họ tuân theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn.
Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội, đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống", ông Phil nhấn mạnh.
Chuyên gia về nhân quyền Việt Nam của HRW cho rằng thật là lố bịch và buồn cười khi chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng, tăng trưởng kinh tế có nghĩa là Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình về nhân quyền.
Ông nhắc lại rằng trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, một phái đoàn của chính phủ Việt Nam đã đến thăm Văn phòng của HRW ở Washington, DC cùng với các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và hai bên đã có một cuộc thảo luận hiệu quả về những gì phía Việt Nam cần làm để thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.
"Điểm mấu chốt là Chính phủ Việt Nam có hồ sơ nhân quyền tồi tệ thứ hai ở ASEAN sau chính quyền quân sự tàn bạo ở Myanmar, và Hà Nội đang tiến hành triệt phá một cách có hệ thống tất cả các nhóm xã hội dân sự nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ.
Lý do duy nhất khiến người dân Việt Nam không bày tỏ sự bất bình trước chính phủ là vì họ quá sợ phải đối mặt với hàng loạt sự giám sát, quấy rối và đàn áp dành cho bất kỳ ai chỉ trích chính phủ", ông Phil Robertson nói.
Là người theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm và gặp gỡ nhiều nhà hoạt động địa phương, ông Phil Robertson khẳng định :
"Im lặng không có nghĩa là đồng ý, và người dân Việt Nam muốn nhân quyền của họ được tôn trọng - bất chấp những khẳng định sai lầm mà chính phủ đưa ra nhân danh người dân".
Trong báo cáo của mình, HRW nói Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hoà. Chỉ tính riêng trong mười tháng đầu năm 2023, có ít nhất 28 người vận động cho nhân quyền đã bị kết án với những bản án tù nhiều năm, trong đó có blogger của RFA Nguyễn Lân Thắng và các ông Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Thực trạng quyền con người ở trong nước
Là người theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền Việt Nam từ Thuỵ Điển, bà Hoàng Minh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, phát biểu với RFA :
"Báo cáo của HRW phản ánh đúng sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023, đặc biệt là việc Chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự".
Bà cho rằng Hà Nội cần chấm dứt việc sử dụng thành tích kinh tế để lấp liếm cho tình hình nhân quyền tệ hại trong nước. Theo bà, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05% trong năm 2023 và kém xa mục tiêu 6,5% do Quốc hội đặt ra trước đó. Do vậy, ở cả hai khía cạnh kinh tế và nhân quyền, Chính phủ Việt Nam đều "không có gì để tự hào cả !"
Bình luận về phản bác của Việt Nam đối với báo cáo của HRW, một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :
"Nhà nước Việt Nam luôn nói các báo cáo của quốc tế chỉ trích về tình hình nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam là bịa đặt, nói xấu, nhưng không không giải thích được là các báo cáo bịa đặt và nói xấu nhằm mục đích làm gì.
Nói về nói xấu và bịa đặt, Hà Nội là người giỏi hơn ai hết, khi vu cáo cho hơn 160 người phải vào tù vì những tội không tưởng như ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ hay ‘tuyên truyền chống nhà nước’...
Và thậm chí trơ trẽn đến mức vu cáo tội ‘trốn thuế’ cho nhiều người hoạt động môi trường đã hoạt động nhiều năm, mà trước đó không bao giờ bị chất vấn về những điều này".
Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đưa ra những báo cáo về thực trạng nhân quyền xấu đi từng ngày ở Việt Nam.
Đầu tháng 12/2023, tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) xếp hạng Việt Nam vào nhóm 28 quốc gia trên thế giới có không gian dân sự đóng.
Cuối tháng trước, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam đứng thứ tư trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhiều nhất đối với các nhà báo trong năm nay, chỉ xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Belarus.
Trong khi đó, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm 2023 với tổng số 19 nhà báo đang bị cầm tù, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.
Trong nhiều năm gần đây, Ủy hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tôn giáo.
"Nói theo cách của ông Nguyễn Phú Trọng, thì mình đã làm thế nào mà suốt cả thập niên không có tổ chức nào nói tốt về dân quyền, tự do ngôn luận, và tín ngưỡng ở Việt Nam", nhà hoạt động nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh mỉa mai.
Nguồn : RFA, 27/01/2024
Nhân quyền Việt Nam : ‘Một năm u ám’
BBC, 13/01/2024
Việt Nam vẫn chưa cải thiện được vị trí trong các bảng xếp hạng về nhân quyền của quốc tế.
Sáu nhà hoạt động và blogger đang bị giam giữ vì thực thi các quyền cơ bản của mình. Từ trái qua : Hoàng Thị Minh Hồng, Bùi Tuấn Lâm, Nguyễn Lân Thắng. Hàng dưới : Đặng Đăng Phước, Trần Văn Bang, Trương Văn Dũng.
Báo cáo toàn cầu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) 2024 công bố tại Bangkok hôm 12/1 tóm tắt tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023 bằng từ ‘u ám’.
Trước đó, hôm 4/1, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Việt Nam sẽ bị đưa vào danh sách Quan ngại Đặc biệt về tự do tôn giáo.
Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết : "Chính phủ Việt Nam đã cố gắng mô tả mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như một giải pháp thay thế cho tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước. Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ của Việt Nam nên ngừng cho phép các tiêu chuẩn kép trắng trợn làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội phải thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình".
Về quyền tự do biểu đạt :
Việt Nam hiện đang giam giữ 160 người chỉ vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hòa, báo cáo của HRW cho hay.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, tòa án ở Việt Nam đã kết tội ít nhất 28 nhà hoạt động và tuyên họ các án tù dài hạn. Những người này gồm Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm, Đặng Đăng Phước.
Cảnh sát đã giam giữ ít nhất 19 người trước khi xét xử với các cáo buộc có động cơ chính trị, trong đó có các cựu tù chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 là năm Việt Nam được ghi nhận đã mở rộng đối tượng đàn áp sang các nhà hoạt động xã hội dân sự.
Tháng 5/2023, Việt Nam bắt nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng với cáo buộc ‘không có thật’ về trốn thuế. Tháng 9/2023, bà Hồng – người từng được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama khen ngợi là một lãnh đạo môi trường nhiệt huyết – bị tuyên án ba năm tù.
Về quyền tự do báo chí và quyền tiếp cận thông tin :
Chính phủ Việt Nam cấm báo chí độc lập và đặt ra các quy định kiểm soát chặt chẽ các đài phát thanh, truyền hình và cơ quan xuất bản.
HRW tiếp tục bày tỏ quan ngại sâu sắc về sự đàn áp của Việt Nam đối với quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực với các nhà cung cấp mạng xã hội như Meta (Facebook và Instagram), Google, TikTok… để buộc họ gỡ bỏ nội dung chỉ trích chính phủ hoặc các lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam.
Trong ba tháng đầu năm 2023, Meta đã ‘khóa và gỡ hơn 1.000 bài đăng có ‘nội dung xấu’, đạt 93% yêu cầu của chính phủ ; "Google gỡ gần 1.700 video trên YouTube". TikTok gỡ hơn 300 link và 47 tài khoản và kênh các nội dung xấu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Một bài báo trên Washington Post hồi tháng 6/2023 cho hay hai nhân viên của Meta tiết lộ rằng chính phủ Việt Nam ‘bóp nghẹt’ tự do báo chí. Theo đó, Meta "có một danh sách nội bộ các quan chức chính phủ Việt Nam không được để bị chỉ trích trên Facebook" và danh sách này "là thông tin nội bộ của công ty và chưa từng được công bố công khai".
Về tự do tôn giáo :
Chính quyền Việt Nam theo dõi, gây khó dễ và đàn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Thành viên của các nhóm này bị sỉ nhục nơi công cộng, bị ép từ bỏ đạo, bị bắt giữ tùy tiện, bị tra khảo và bị bỏ tù sau các phiên tòa không công bằng.
Tính đến tháng 9/2021, chính phủ Việt Nam cho hay đã chính thức không thừa nhận 140 nhóm tôn giáo với khoảng một triệu tín đồ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 11/1 đã yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách Theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo và thay vì thế cần ‘đánh giá vấn đề một cách khách quan’.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, nói : "Việt Nam lấy là tiếc và đề nghị Mỹ ngưng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi dặc biệt liên quan đến tự do tôn giáo", và nói thêm rằng việc này cần được "đánh giá một cách khách quan dựa trên các thông tin chính xác và toàn diện về tự do tôn giáo ở Việt Nam".
"Việt Nam sẵn sàng thảo luận với Mỹ về các vấn đề quan tâm chung trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau để góp phần phát triển quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển".
Nguồn : BBC, 13/01/2024
**************************
HRW : 2023 là năm u ám về nhân quyền tại Việt Nam
VOA, 12/01/2024
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 11/1 nói rằng chính phủ Việt Nam trong năm 2023 đã đàn áp trên diện rộng các quyền dân sự và chính trị căn bản, đồng thời trừng phạt khắc nghiệt những người thách thức sự độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam.
Ông Trần Bang và ông Bùi Tuấn Lâm
HRW đưa ra đánh giá trên trongbáo cáo tổng kết toàn cầu 2024 về tình hình nhân quyền trên thế giới, trong đó có phần tổng kết tình hình tạiViệt Nam.
Chính quyền Việt Nam tiếp tục nghiêm cấm việc thành lập các nghiệp đoàn độc lập và tổ chức nhân quyền độc lập, đồng thời xóa bỏ các nhóm tôn giáo độc lập, HRW nói thêm.
"Chính phủ Việt Nam đã cố gắng biện hộ rằng mối quan hệ được cải thiện với Hoa Kỳ và các chính phủ khác như là một giải pháp thay thế cho việc giải quyết tình hình nhân quyền đang xấu đi trong nước", ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của HRW nói trong mộtthông cáo".Các đối tác thương mại quốc tế và các nhà tài trợ cho Việt Nam chớ mở đường cho các các tiêu chuẩn kép trắng trợn vì các tiêu chuẩn kép này làm suy yếu áp lực buộc Hà Nội thực hiện nghĩa vụ nhân quyền của mình".
Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người vì họ thực hiện các quyền dân sự và chính trị căn bản một cách ôn hòa, vẫn theo HRW.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tòa án Việt Nam kết án ít nhất 28 nhà tranh đấu nhân quyền với mức án tù dài hạn, HRW cho biết, đồng thời dẫn ra các bản án đối với các nhà hoạt động Trương Văn Dũng, Nguyễn Lân Thắng, Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước.
Ngoài ra, HRW nói rằng công an đã tạm giam ít nhất 19 người khác với cáo buộc "có động cơ chính trị", trong đó có cựu tù nhân chính trị Nguyễn Hoàng Nam và Lê Minh Thể.
Năm 2023 cũng chứng kiến việc Việt Nam mở rộng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự, với việc kết án 3 năm tù đối với nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng về tội "trốn thuế", hay trường hợp ông Đặng Đình Bách được cho là bị giám thị trại giam đánh đập sau khi ông thuật chuyện ông bị sách nhiễu trong tù với gia đình, vẫn theo tổ chức nhân quyền có trụ sở tại New York, Mỹ.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam và đề nghị họ cho ý kiến về thông cáo của HRW, nhưng chưa được phản hồi.
HRW bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về việc Việt Nam đàn áp quyền tự do tiếp cận thông tin bằng cách gây áp lực buộc các nhà mạng xã hội phải gỡ bỏ nội dung.
Bà Lê Thị Bình ở Cần Thơ, cựu tù nhân chính trị Việt Nam, đồng thời là em của nhà hoạt động Lê Minh Thể đang thụ án 2 năm 6 tháng tù về cáo buộc "lợi dụng các quyền tự do dân chủ" theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự, nhận xét với VOA về tình hình vi phạm quyền tự do phát biểu tại Việt Nam :
"Tự do ngôn luận và tự do phát biểu tại Việt Nam là không có. Rất rất nhiều người, trong đó có anh Lê Minh Thể, và tôi, bị đi tù vì những án ‘mơ hồ’ như Điều 331 hay Điều 117, đề cập đến điều luật ‘Truyên truyền chống nhà nước’ của Bộ Luật Hình sự".
Các chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc và các tổ chức quốc tế thường lên án các điều luật trên của Việt Nam, cho rằng chúng được sử dụng như công cụ để bịt miệng các tiếng nói bất đồng ôn hòa. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam bác bỏ các cáo buộc này, nói rằng họ chỉ bắt giam và xét xử những ai "vi phạm pháp luật".
Trong đánh giá mới nhất về tình hình tự do tôn giáo, HRW nêu ý kiến : "Chính quyền Việt Nam giám sát, sách nhiễu và trấn áp các nhóm tôn giáo độc lập. Các thành viên của các nhóm này bị đấu tố trước công chúng, bị buộc phải từ bỏ đức tin của mình, bị bắt giữ một cách tùy tiện, bị thẩm vấn một cách ngược đãi và bị bỏ tù sau những phiên tòa xét xử bất công".
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Washington vẫn tiếp tục chỉ định Việt Nam vào Danh sách Theo dõi Đặc biệt (SWL) vì các vi phạm "nghiêm trọng" về tự do tôn giáo, nhưng hôm 11/1, Bộ Ngoại giao Việt Nam lên tiếng phản đối. Phía Việt Nam yêu cầu Mỹ không đưa Việt Nam vào danh sách này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng "chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, cũng như quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng của người dân".
Nguồn : VOA, 12/01/2024
Các nhóm nhân quyền quốc tế tố cáo Việt Nam vi phạm Công ước quốc tế lên Liên Hiệp Quốc
RFA, 05/01/2024
Một báo cáo của hai tổ chức nhân quyền quốc tế vừa được gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/1/2023, tố cáo Hà Nội vi phạm một loạt các điều trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Các đại biểu dự một cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2019 - AFP
Bản đệ trình do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là "một đóng góp cho "Danh sách các vấn đề" sẽ được Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua tại phiên họp thứ 140 tại Geneva vào ngày 28/3/2024" - thông cáo báo chí của hai tổ chức này cho biết.
Cũng theo thông cáo báo chí, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ "chuyển những vấn đề và quan tâm chính yếu trong danh sách ấy tới nhà cầm quyền Việt Nam, buộc chính quyền Hà nội phải trả lời họ trước khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét Báo cáo Định kỳ lần Thứ tư về việc thực hiện ICCPR, kỳ hạn của ngày xem xét Báo cáo hiện chưa được ấn định".
Theo bản đệ trình, Hà Nội bị tố cáo đã vi phạm tám điều trong Công ước, bao gồm các điều về thực hiện Công ước ở cấp quốc gia, án tử hình, tra tấn, điều kiện giam giữ, các phiên tòa công bằng, quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do lập hội.
Báo cáo của VCHR và FIDH "nêu lên quan ngại về việc giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, các nhà báo, và thành viên của các cộng đồng tôn giáo không được công nhận".
Báo cáo cũng đặt câu hỏi về việc Việt Nam không công bố số liệu thi hành án tử hình và coi đây là bí mật quốc gia. Báo cáo trích dẫn thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết các án tử hình đã gia tăng hơn 34% trong năm 2020 với con số là thêm 440 trường hợp nữa bị kết án tử hình trong năm này so với năm trước đó. Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp tử tù Lê Văn Mạnh - người đã kêu oan trong nhiều năm nhưng vẫn bị thi hành án tử hình vào tháng 9 năm ngoái.
Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp tù nhân lương tâm bị tra tấn và đối xử tàn tệ trong tù, điều kiện giam giữ khắc nghiệt dưới tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế, tù nhân lương tâm bị bệnh nhưng không được điều trị kịp thời khiến sức khoẻ kiệt quệ như trường hợp của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam gần đây.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948/2023), Chính phủ Việt Nam đã gửi một văn bản với tám cam kết tới Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 (Human Rights 75 Secretariat) của Liên Hiệp quốc, cam kết sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099.
Các cam kết bao gồm tăng cường nhà nước pháp quyền ; bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị ; thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó ưu tiên giảm nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân ; tăng cường giáo dục về quyền con người, không bỏ ai ở lại phía sau…
Nguồn : RFA, 05/01/2024
************************
Bộ Công an yêu cầu "tấn công toàn diện, đấu tranh phá rã các hội, nhóm chống đối hiện hành" trong năm 2024
RFA, 05/01/2024
Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Cục An ninh nội địa, Bộ Công an yêu cầu có các biện pháp quyết liệt hơn với các hội nhóm ở trong nước bị gán nhãn "chống đối".
Công an tìm cách ngăn cản người biểu tình ở Hà Nội năm 2016 - Reuters
Trang web của đài truyền hình ANTV dẫn lời của Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc cần làm trong năm mới là "đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu, hoạt động ly khai, tự trị, thành lập Nhà nước riêng.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại manh động, hoạt động kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự".
Bộ Công an cũng được yêu cầu phải "tấn công toàn diện, đấu tranh phá rã các hội, nhóm chống đối hiện hành, kiên quyết không để thành lập hội, nhóm chống đối mới".
Hội nghị cho rằng, trong năm 2023, Cục An ninh nội địa đã triển khai toàn diện các mặt công tác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ; cũng như giữ vững ổn định an ninh trong dân tộc tại các địa bàn chiến lược ; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố.
"Thế lực thù địch, phản động" là cụm từ mà Bộ Công an và các cơ quan báo chí trong nước ám chỉ những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền chỉ trích ôn hòa các chính sách của chính phủ trên mạng xã hội.
Cơ quan đầu ngành tham mưu cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về công tác đảm bảo an ninh nội địa trong năm qua được cho là đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và hướng dẫn công an các địa phương triển khai thực hiện chủ trương, giải pháp giải quyết những vấn đề nổi liên quan an ninh nội địa.
Nguồn : RFA, 05/01/2024
Không nghiêm túc !
Chính phủ Việt Nam cam kết với Liên Hiệp Quốc sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099, và theo một số nhà hoạt động, Việt Nam hoàn toàn không nghiêm túc khi đưa ra thời hạn này.
Một cuộc họp ở Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 9/9/2019 - AFP
Trong dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948/2023), Chính phủ Việt Nam đã gửi một văn bản với tám cam kết tới Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 (Human Rights 75 Secretariat) của Liên Hiệp quốc.
Thời hạn dự kiến thực hiện các cam kết trên là ngày 31/12/2099, tức là sau kỷ niệm 150 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, theo văn bản của Việt Nam được Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đăng tải trên website chính thức.
Các cam kết bao gồm tăng cường nhà nước pháp quyền ; bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị ; thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó ưu tiên giảm nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân ; tăng cường giáo dục về quyền con người, không bỏ ai ở lại phía sau…
Trên bình diện toàn cầu và khu vực, Hà Nội cam kết tăng cường đối thoại và hợp tác thực chất với tất cả các nước và các cơ chế của Liên Hiệp quốc về nhân quyền. Chính quyền độc đảng ở Việt Nam cam kết sẽ đóng góp thực chất hơn nữa cho hợp tác nhân quyền trong khối ASEAN, đặc biệt trong công việc của Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) và thực hiện Tuyên bố Nhân quyền ASEAN.
Bình luận về thời điểm thực hiện các cam kết, cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Viết Dũng (tức Dũng Phi Hổ) nói với RFA trong ngày 26/12 :
"Theo tôi, những cái cam kết đó đáng lẽ ra phải là nhiệm vụ đương nhiên của một chính phủ, của một Quốc hội và các cơ quan hữu quan ngay từ khi mới được bầu nếu đó thật sự một nhà nước của dân và do dân thay vì là cam kết đến một lúc nào đó, đặc biệt lại là cam kết với quốc tế đến năm 2099 nữa.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là từ giờ đến đó thì nhà nước này là nhà nước gì ?"
Các hướng dẫn của Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 chỉ gợi ý thời hạn tương lai 25 năm sau cho các cam kết có thể được thực hiện để giải quyết các vấn đề dự kiến sẽ leo thang trong những năm tới. Không rõ lý do vì sao chính phủ Việt Nam lại đặt ra thời hạn 75 năm sau để thực hiện các cam kết sửa đổi.
Cựu tù nhân lương tâm Huỳnh Thị Tố Nga từng bị kết án năm (05) năm tù giam về tội danh "tuyên truyền chống nhà nước" và mới mãn hạn tù vào tháng 3 năm nay. Trong tin nhắn gửi RFA, bà đặt câu hỏi về thời điểm mà Nhà nước Việt Nam đưa ra trong cam kết :
"Nội dung cam kết tuân thủ theo công ước nhân quyền quốc tế, vấn đề đặt ra là tại sao không thực hiện ngay từ bây giờ mà đến năm 2099 ? Có phải chăng nhân quyền là cái gì đó quá xa xỉ với nhà cầm quyền Việt Nam nên mới đặt ra mốc thời gian để thực hiện cam kết như đang đùa giỡn và xem thường công dân Việt Nam cũng như quốc tế ?"
Bà cho rằng :
"Nhân quyền và dân quyền như không khí để thở mỗi ngày, là quyền lợi cơ bản của con người mặc nhiên phải được hưởng chứ không phải là món hàng để mua bán, mặc cả, hẹn lần lữa như vậy".
Một nhà hoạt động ẩn danh ở Hà Nội, lý giải về thời điểm Việt Nam thực hiện cam kết :
"Tôi nghĩ là 2099 là một cái hạn đưa ra để họ mua thời gian thôi. Giả sử họ có lòng, muốn thực hiện cam kết về nhân quyền, dân quyền đi, thì phải có lộ trình, có các cơ chế giúp cho thực hành nhân quyền được tiến triển. Đằng này ta thấy phong trào xã hội dân sự trong những năm gần đây bị đàn áp mạnh. Nhà nước không còn bó hẹp phạm vi đàn áp mà đã mở rộng ra cả những tổ chức xã hội dân sự có đăng ký, vốn trước đây không ai nghĩ bị đàn áp".
Ông so sánh các cam kết trên với những cam kết gần đây của nhà nước độc đảng ở Đông Nam Á :
"Cam kết này nó cũng giống như cam kết về giảm phát thải tới năm 2050 Thủ tướng Phạm Minh Chính hứa trong COP26. Hứa cho xong nhiệm kỳ ông ấy, cho đẹp truyền thông thôi".
Trong khi đó, ông Nguyễn Viết Dũng bằng trải nghiệm của bản thân nói rằng Nhà nước Việt Nam bất nhất trong nhiều vấn đề.
Khi ông bị bắt năm 2017, công an nói với ông rằng Việt Nam là nhà nước pháp quyền. Tuy nhiên, khi ông thi hành án tù sáu năm ở Trại giam Nam Hà vào năm 2022, ông được nghe trên đài truyền hình rằng Việt Nam đang xây dựng chiến lược để hoàn thiện nhà nước pháp quyền đến 2030 và định hướng đến năm 2045.
Ông cho rằng tám cam kết quốc tế trong tháng này của Việt Nam không nghiêm túc.
"Nhà nước Việt Nam không nghiêm túc với chính bản thân họ và với người dân Việt Nam thì làm sao mà họ cam kết có nghiêm túc với quốc tế được. Họ chưa bao giờ nghiêm túc về vấn đề này".
Cựu sỹ quan tình báo Vũ Minh Trí thì đưa ra một lời bình luận ngắn gọn : "Việt Nam nêu thời hạn dự kiến thực hiện cam kết như vậy tức là chẳng cam kết gì".
Phóng viên gửi email tới Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền Liên Hiệp Quốc và Ủy ban Liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR) với đề nghị bình luận về thời điểm Việt Nam thực hiện các cam kết trên, tuy nhiên chưa nhận được ngay phản hồi.
Việt Nam là thành viên của nhiều công ước quốc tế về nhân quyền, bao gồm Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (ICCPR), Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (ICERD), Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội… và Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững.
Tuy nhiên, cộng đồng quốc tế liên tục chỉ trích Chính phủ Việt Nam về vi phạm nhân quyền trầm trọng, đặc biệt là các quyền tự do ngôn luận, hội họp, lập hội, thông tin, và tôn giáo. Hàng trăm người đang bị cầm tù chỉ vì thực thi hoặc cổ suý các quyền cơ bản trên.
Nguồn : RFA, 26/12/2023
Tồi tệ, ảm đạm, hung hãn… là những tính từ mà một số nhà hoạt động dùng để mô tả khái quát tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong năm 2023.
Nhà hoạt động trẻ Đinh Thảo - Courtesy blogger Tuan Khanh
Bà Đinh Thảo, một nhà hoạt động nhân quyền và cũng là nghiên cứu sinh ngành khoa học chính trị, hiện đang ở tại Hoa Kỳ, nói :
"Tình hình dân quyền năm nay rất ảm đạm. Có thể nói từ năm 2018, xu hướng nhân quyền ở Việt Nam đã đổi chiều đi xuống và cứ thế tệ dần. Đến năm 2023 có thể nói là tồi tệ nhất trong suốt cả một chuỗi dài mấy năm qua".
Ngoài ra, RFA thực hiện phỏng vấn ba nhà hoạt động và những người này đã chọn ra năm sự kiện mà họ cho là đáng ý và mang tính bước ngoặt về nhân quyền Việt Nam trong năm 2023.
1. Nhân quyền "mất hút" trong nâng cấp quan hệ Việt - Mỹ
Việt Nam và Hoa Kỳ đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện, nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam hôm 10 và 11/9/2023.
Nhận định về kết quả ngay sau chuyến thăm, thạc sỹ Nguyễn Thế Phương khi đó cho rằng vấn đề về nhân quyền luôn là một trở ngại trong mối quan hệ giữa hai bên, mặc dù hiện nay nó đã bị đặt xuống mức rất thấp rồi.
Bà Đinh Thảo nhận định, giới hoạt động xã hội dân sự có đăng ký trong nước từ trước nay phải hoạt động giữa một rừng các văn bản quy định rất mù mờ. Chính những quy định không rõ ràng đó có thể là công cụ để chính quyền ra tay đàn áp các tổ chức xã hội dân sự rất dễ dàng.
Sự chính danh và an toàn của giới hoạt động này phụ thuộc rất nhiều vào các tiếng nói ủng hộ từ quốc tế, trong đó có Hoa Kỳ.
Tuy nhiên giờ đây, Hoa Kỳ đã nhượng bộ Việt Nam rất nhiều trong vấn đề nhân quyền để hai bên có thể nâng cấp được mối quan hệ. Theo bà Thảo, khi một tiếng nói quốc tế ủng hộ cho nhân quyền Việt Nam như Hoa Kỳ không còn mạnh mẽ như trước, thì chính quyền Hà có thể dễ dàng mạnh tay đàn áp hơn :
"Chính vì Mỹ nhượng bộ cho nên chính quyền Việt Nam cũng không cần phải lăn tăn, nâng lên đặt xuống mỗi khi đàn áp ai nữa mà họ hành động càng ngày càng trở nên tùy tiện hơn, hung hãn hơn".
2. Nhà hoạt động Đường Văn Thái bị bắt đưa về Việt Nam
Ngày 13/4, nhà hoạt động Đường Văn Thái, người đang tị nạn ở Thái Lan đột ngột mất tích ở gần nơi trọ. Một số bạn bè, trong đó có người của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch- HRW), tìm ra nhiều chứng cứ chứng minh rằng ông đã bị một nhóm người bắt cóc và đưa đi mất tích.
Ba ngày sau, Công an tỉnh Hà Tĩnh có thông báo về việc công an xã Sơn Kim 1, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh bắt giữ một người có tên Đường Văn Thái khi người này đang "xâm nhập bất hợp pháp" từ Lào trong ngày 14/4.
Đến giữa tháng 7/2023, Bộ Công an ra thông báo về việc bắt giam YouTuber Đường Văn Thái với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước" theo Điều 117 Bộ luật Hình sự.
Bà Minh Trang, thạc sỹ chuyên ngành Quyền và Thực hành Quyền, từ Thuỵ Điển đánh giá mặc dù cho đến hiện tại vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn rằng chính quyền Hà Nội có ra tay bắt cóc ông Đường Văn Thái hay không. Tuy nhiên :
"Đã có rất nhiều bằng chứng cho thấy là chuyện đó có khả năng rất cao là đã xảy ra. Bởi vì, ông Thái đã được UNHCR cấp quy chế tị nạn và chuẩn bị được tái định cư. Những bạn bè thân cận của ông Thái cũng khẳng định là ông ấy không có ý định trở về Việt Nam. Vậy thì tự nhiên hà cớ gì mà ông ấy lại xuất hiện ở Việt Nam, xong rồi lại bị truy tố ?"
Cũng theo bà Trang, sự kiện này cho thấy nhà nước Việt Nam quyết tâm truy bắt những người bất đồng chính kiến, ngay cả khi họ đã rời Việt Nam sinh sống ở nước ngoài :
"Tôi nghĩ rằng họ quyết tâm tiêu diệt mọi mầm mống có thể nguy hại cho tính chính danh và quyền lực của họ.
Có thể chính quyền Việt Nam không muốn những người này được đi tị nạn ở một đất nước thứ ba. Bởi vì họ biết rằng những người này được sang một đất nước khác thì họ vẫn có thể làm được các công việc khác như vận động dân chủ nhân quyền, nói lên thực trạng của xã hội. Họ không muốn người dân Việt Nam tiếp cận được những thông tin như vậy".
Qua sự kiện này, bà Trang cho rằng Thái Lan không còn là một nơi an toàn để những người hoạt động Việt Nam có thể tạm lánh như ngày trước nữa.
3. Tiếp tục bắt các nhà hoạt động môi trường nổi bật
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục đàn áp, bỏ tù những nhà hoạt động môi trường nổi bật, là lãnh đạo các tổ chức được nhà nước cấp phép hoạt động một cách hợp pháp.
Điển hình là nhà hoạt động môi trường Hoàng Thị Minh Hồng. Bà bị bắt ngày 31/5 vì bị cho là chỉ đạo nhân viên của tổ chức không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, không thực hiện đầy đủ thủ tục về kế toán, hóa đơn, chứng từ... cho khoản thu 69 tỷ đồng.
Đây là khoản tài trợ của các tổ chức nước ngoài cho những dự án của tổ chức CHANGE trong thời gian từ 2012 cho đến khi giải thể năm 2022. Số tiền bị cho là trốn thuế lên tới 6,7 tỷ đồng.
Sự kiện này, theo bà Trang là tiếp nối của một chuỗi các vụ bắt bớ các nhà hoạt động môi trường từ năm 2020-2021 cho đến tận bây giờ :
"Nó cho thấy là chính quyền Việt Nam vẫn tiếp tục gây sức ép lên không gian xã hội dân sự, kể cả những tổ chức cá nhân hoạt động có giấy phép đăng ký đàng hoàng. Và nó cho thấy là không gian xã hội dân sự ở Việt Nam càng ngày bị hẹp lại".
Bà Định Thảo cho rằng đây là sự kiện quan trọng mang tính chất bước ngoặc. Bởi, bà Minh Hồng đã chủ động tương tác, trao đổi và đối thoại với phía chính quyền để xem liệu mình có đang làm sai hay không ; và cũng sẵn sàng khôi phục nếu bị cơ quan chức năng xác định là có sai để tránh bị buộc tội trốn thuế, nhưng bên phía chính quyền hoàn toàn không tham gia đối thoại. Theo bà Thảo, sau vụ việc này, các tổ chức có đăng ký nhận ra rằng chính quyền có thể bắt bất kỳ ai, với bất kỳ tội danh gì :
"Sau khi chị Hồng bị bắt xong thì cho thấy rằng là tất cả những người hoạt động bên các tổ chức chính thống đều có thể bị cáo buộc vào các tội danh, không tội này thì tội kia.
"Trốn thuế" thực chất nó cũng chỉ là một cái cớ mà thôi. Tôi cho rằng đằng sau nó là một tham vọng muốn xóa sổ không gian dân sự".
Ngày 15/9, thêm một nhà hoạt động môi trường khác bị bắt là bà Ngô Thị Tố Nhiên – Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về chuyển đổi năng lượng Việt Nam (VIETSE).
Bà Nhiên "có hơn 20 năm kinh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chuyên môn về năng lượng và kinh tế môi trường, mô hình năng lượng, chính sách năng lượng và đánh giá các công nghệ năng lượng carbon thấp".
4. Lê Văn Mạnh bị thi hành án tử hình
Tử tù Lê Văn Mạnh đã bị thi hành án tử hình vào sáng ngày 22/9 sau hơn 18 năm kêu oan trong một vụ án có nhiều tình tiết, bằng chứng không rõ ràng mà theo các luật sư là không đủ để kết tội.
Theo bà Minh Trang, thi hành án đối với ông Mạnh là một hành động sai trái bởi có qua nhiều sai phạm trong quá trình điều tra xét xử vụ án này :
"Nó cho thấy rằng là bất kỳ ai cũng có thể dễ dàng bị tử hình ở Việt Nam ngay cả khi quá trình điều tra có dấu hiệu oan sai.
Điều này cũng cho thấy rằng quyền được xét xử công bằng và quyền không bị tước đoạt mạng sống một cách sai trái theo tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế không được đảm bảo ở Việt Nam".
Bình luận về sự kiện này, bà Đinh Thảo cho biết khi mà cái giá phải trả cho chuyện đàn áp nhân quyền đang xuống rất thấp thì chính quyền ra một quyết định rất đáng sợ là xử tử Lê Văn Mạnh :
"Nó thể hiện thân phận "con giun cái kiến" trong xã hội Việt Nam. Dù đã cố gắng gồng hơn 18 năm, nghĩa là đã 1/4 đời người rồi, mà chính quyền đè bẹp cái là xong. Nó cho thấy sự tàn bạo của chính quyền Việt Nam".
Lê Văn Mạnh bị kết án tử hình trong một vụ án "giết người, hiếp dâm trẻ em" xảy ra tại Thanh Hóa năm 2005. Trong các phiên toà, Mạnh liên tục kêu oan. Luật sư của Mạnh yêu cầu giám định thân thể của bị cáo để xác định liệu có bị tra tấn trong quá trình điều tra không nhưng toà bác bỏ.
Vào ngày 18/9, gia đình Lê Văn Mạnh nhận được giấy báo có chữ ký của Chánh án Toà án Nhân dân tỉnh Thanh Hóa về việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc đối với Lê Văn Mạnh.
Hôm 21/9, Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) cùng với Đại Sứ quán của Canada, Vương quốc Anh và Vương quốc Na Uy tại Việt Nam ra tuyên bố chung kêu gọi Hà Nội dừng việc thi hành án đối với ông Lê Văn Mạnh. Tuy nhiên, ông Mạnh vẫn bị xử tử.
5. Một loạt nhà hoạt động, luật sư tị nạn nước ngoài
Năm 2023 cũng chứng kiến một loạt những người hoạt động dân chủ, nhân quyền nổi bậc tại Việt Nam phải rời bỏ quy hương sang tị ở một nước thứ ba bởi sự đàm áp, bắt bớ trong nước ngày một gia tăng.
Một nhà hoạt động nhân quyền hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu tên, cho biết những người ra này có thể đi tị nạn từ Việt Nam như gia đình luật sư Võ An Đôn hoặc đi thẳng từ nhà tù đến nước Đức như trường hợp của ông Nguyễn Bắc Truyển :
"Việc này đánh dấu những nỗ lực vận động quốc tế tuyệt vời của cộng đồng người Việt tại các quốc gia tiến bộ và giới ngoại giao của các quốc gia dân chủ. Việc trả tự do này là điểm nhấn trong bối cảnh tình hình nhân quyền có diễn biến sâu sắc".
Ngoài ra, cũng có nhiều người phải vượt biên sang Thái Lan lánh nạn rồi mới đến được đất nước thứ ba.
Những cái tên nổi bậc có thể kể đến là Nguyễn Tiến Trung vừa đến được Đức vào đầu tháng 12 vừa qua, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn đến được Canada hồi tháng 6. Ba luật sư nhân quyền bào chữa trong vụ "Tịnh thất Bồng Lai" là Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng và Đào Kim Lân cũng sang Hoa Kỳ hồi tháng 6/2023.
Những người này đều được chính phủ các nước chấp thuận cho tị nạn một cánh nhanh chóng để tránh sự truy bắt từ phía Việt Nam :
"Con đường đến tự do, như của anh Nguyễn Tiến Trung, đã lột tả gần như toàn bộ tình trạng trong nước và mối nguy hiểm mà các nhà hoạt động, tù nhân lương tâm đang phải đối mặt ngày càng gia tăng hơn nữa".
Nguồn : RFA, 22/12/2023
Chuyên gia Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam đàn áp những người bảo vệ quyền môi trường
VOA, 15/11/2023
Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc hôm 15/11 cáo buộc Việt Nam nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền về môi trường sau một loạt các vụ bắt giữ và kết án, đồng thời kêu gọi chính phủ Hà Nội đặt họ vào trọng tâm nếu muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về phát triển Surya Deva (trái) được Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Việt Hùng tiếp đón tại trụ sở của Bộ ở Hà Nội hôm 6/11.
Năm nhà bảo vệ môi trường đã bị kết án tù vì tội "trốn thuế" ở quốc gia do Đảng cộng sản cầm quyền kể từ năm ngoái, một điều khoản mà các nhà hoạt động trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế coi là được nhà cầm quyền sử dụng như một công cụ để bịt miệng họ.
Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp Quốc, nói trong mộttuyên bố đưa ra hôm 15/11 rằng ông quan ngại về việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động này.
"Việc bắt giữ và kết án một số người bảo vệ quyền con người về môi trường với các tội danh như trốn thuế đang có tác động tiêu cực đến sự sẵn sàng đóng góp của các tổ chức phi chính phủ độc lập cho Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP)", ông Deva nói trong tuyên bố ngay khi kết thúc chuyến thăm và làm việc 10 ngày tại Việt Nam để đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại quốc gia Đông Nam Á.
Các lãnh đạo môi trường – gồm Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Dùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng – bị kết án nhiều năm tù trong khi Việt Nam đang tìm cách tăng cường cam kết giảm thiểu khí thải carbon thông qua JETP trị giá 15,5 tỷ USD do các nước phương Tây đồng tài trợ.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã lên án Việt Nam bỏ tù những người thúc đẩy cho việc bảo vệ môi trường này.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 15/11, ông Deva được AFP trích lời nói rằng chính phủ độc tài Việt Nam đang sử dụng luật "có chọn lọc để nhắm vào một số nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khí hậu hoặc nhà bảo vệ nhân quyền môi trường".
Trong số những người bị bỏ tù vì "trốn thuế", bà Hồng – nhà hoạt động nổi tiếng về chống biến đổi khí hậu – đã thành lập tổ chức phi chính phủ CHANGE để vận động người dân hành động giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, bao gồm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và ô nhiễm.
Còn bà Khanh là người đã thách thức kế hoạch tăng cường việc sử dụng than của chính quyền Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bà Khanh, cùng ông Lợi, đã được trả tự do trước thời hạn trong năm nay.
Tuy nhiên, sau khi trả tự do cho hai người thì chính quyền Việt Nam lại bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc một tổ chức nghiên cứu chính sách năng lượng độc lập và là chuyên gia năng lượng hàng đầu của Việt Nam. Bà Nhiên bị cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu" của một công ty điện lực nhà nước.
"Tôi lo ngại rằng do không gian dân sự hạn chế nên sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của người dân vào việc ra quyết định có thể khó khăn", ông Deva nói trong tuyên bố.
Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng để đạt được sự chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế xanh, Việt Nam phải đặt các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nhân quyền vào trung tâm của quá trình này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Deva được AFP trích lời nói ông "tin rằng trong hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam, có cơ hội cho sự chấp nhận những quan điểm khác nhau và những ý kiến bất đồng bởi vì không phải ai có quan điểm khác biệt là đều tìm cách lật đổ đảng hay nhà nước".
Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý không đăng tải những điều ông Deva nói về nhân quyền tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Trong khi đó, theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, khi tiếp ông Deva hôm 6/11 khi chuyên gia Liên Hiệp Quốc bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, nói rằng cách tiếp cận của Việt Nam là "tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người".
Trong mộtlá thư gửi ông Deva trước chuyến thăm tới Việt Nam, Dự án 88, tổ chức ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, cho biết các vụ bắt giữ những nhà hoạt động môi trường "đặt ra câu hỏi về cam kết của Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước".
"Trong số các nhà hoạt động chính sách năng lượng và môi trường đã bị bắt và bỏ tù, nhiều người trước đây đã làm việc với chính phủ và đang giải quyết các vấn đề được ưu tiên trong chính sách chính thức của chính phủ", tổ chức này nói trong thư.
Nguồn : VOA, 15/11/2023
***************************
Giới NGOs trong nước e ngại gặp mặt đại diện của Liên Hiệp Quốc
Trường Sơn, RFA, 13/11/2023
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực quyền phát triển, tiến sĩ Surya Deva, hiện đang có chuyến thăm Việt Nam, nhằm tìm hiểu tình hình thực tế công tác thực hiện các cam kết của chính phủ sở tại, đối với lĩnh vực này.
Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Surya Deva - X/Twitter Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Việc một Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc được chính phủ Việt Nam chấp nhận cho tới thăm không phải là chuyện thường xuyên diễn ra, lần gần nhất là vào năm 2017 của vị báo cáo viên đặc trách vấn đề quyền lương thực.
Trong cuộc đón tiếp ông Deva diễn ra tại trụ sở của Bộ Ngoại giao hôm 7/11, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tuyên bố Việt Nam "tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người", và khẳng định "luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển".
Tuyên bố trên trái ngược với bức tranh nhân quyền ảm đạm ở Việt Nam mà giới xã hội dân sự độc lập, và bất đồng chính kiến nêu ra. Khi nhà nước liên tiếp bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, thông qua chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng trong những năm qua.
Để nhằm tìm hiểu tình hình thực tế ở Việt Nam, ông Surya Deva dự kiến sẽ có một lịch làm việc dày đặc. Theo báo nhà nước đưa tin thì vị đại diện của Liên Hiệp Quốc sẽ gặp với các cơ quan của chính quyền trung ương, và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, và cả giới doanh nghiệp. Ngoài ra trong lịch trình còn kèm hoạt động đi thăm và gặp gỡ chính quyền một số địa phương.
Có thể dễ dàng nhận thấy điều thiếu vắng trong lịch làm việc bận rộn của ngài Báo cáo viên Đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự độc lập, và giới NGO (các tổ chức phi chính phủ).
Đài Á Châu Tự do đã liên lạc với các nhà hoạt động trong nước, và được biết sở dĩ không tổ chức nào tham gia làm việc với đại diện của Liên Hiệp Quốc, là vì "e ngại" sự trả đũa từ công an.
"Mọi người ngại các vấn đề nhân quyền và ngại tương tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong bối cảnh bắt bớ thì lại càng ngại". Một nguồn tin của RFA cho biết.
Trong những năm gần đây, các tổ chức NGO đã trở thành mục tiêu của chính quyền, khi hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã bị bắt và bỏ tù, dưới tội danh "trốn thuế", mà nhiều người, kể cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, đều cáo buộc là có động cơ chính trị đằng sau.
Mới nhất trong số này là bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, bị tuyên án 3 năm tù dưới cáo buộc "trốn thuế" hồi tháng 9 năm nay.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm bốn tỉnh miền Trung năm 2016. Facebook.
Ngoài ra, nhiều tổ chức NGOs khác cũng phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, trong đó phải kể đến tổ chức Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, mà lý do theo nguồn tin từ nội bộ giới NGO, là do áp lực từ công an.
Trao đổi với đài RFA qua ứng dụng nhắn tin dưới điều kiện ẩn danh, một nhà hoạt động trong lĩnh vực NGO trong nước, cho biết suy nghĩ trước việc nhà nước liên tiếp sử dụng tội danh trốn thuế để buộc tội lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ :
"Khi các tổ chức NGO được thành lập ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, Nhà nước chỉ ban hành các quy định về việc thành lập và kiểm soát việc tiếp nhận tài trợ và hoạt động của các tổ chức này. Các quy định này cũng không toàn diện và thay đổi theo hướng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, Nhà nước không ban hành các quy định về kế toán. Do đó, các tổ chức đều ngạc nhiên và lúng túng khi nhà nước áp dụng chế độ kế toán, tài chính và nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp để kết tội trốn thuế cho lãnh đạo MEC, LPSD và gần đây là CHANGE.
Đây là cách nhà nước tùy tiện áp dụng quy định về thuế đối với doanh nghiệp cho các tổ chức phi lợi nhuận".
Ngoài việc truy tố và bắt giữ, phía công an còn thực hiện các biện pháp khác để ngăn cản các tổ chức NGO trong nước hoạt động, người này cho biết thêm :
"Công an không ra mặt nhưng có thể can thiệp để các khoản tài trợ nước ngoài không được phê duyệt hay các hoạt động hội họp không thể triển khai".
Trong quá trình làm việc tại Hà Nội, ông Surya Deva đã gặp đại diện của tổ chức Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), đây là một tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc của Đảng cộng sản.
Nhưng vai trò ít được biết đến hơn của tổ chức này, chính là quản lý các tổ chức NGO thông qua việc kiểm soát và xét duyệt nguồn viện trợ từ nước ngoài. Trong bối cảnh các NGO ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ tài chính từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, thì nói cách khác, VUFO đang nắm quyền sinh sát đối với giới NGO trong nước.
Hồi tháng 9 năm nay, Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, cho đăng tải bài viết với tựa đề "Không được phép can thiệp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và nhân dân Việt Nam". Với thông điệp mang tính cảnh cáo nhắm đến các tổ chức NGO.
Nội dung bài báo có đoạn cáo buộc nhiều tổ chức phi chính phủ "lợi dụng việc tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ các dự án phi lợi nhuận để cổ súy các hoạt động không phù hợp với lợi ích quốc gia, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".
Hệ quả của chiến dịch trấn áp các tổ chức phi chính phủ trong nước, là việc toàn bộ giới NGOs trở nên e dè, và tránh có những liên hệ trực tiếp với các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc.
Trao đổi với Đài RFA, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc của tổ chức Ủy ban Cứu Người Vượt biển (BPSOS), một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ chuyên làm việc với Liên Hiệp Quốc để báo cáo về các vụ việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, cho biết lý do đằng sau việc nhà nước nỗ lực ngăn cản giới NGO liên hệ với Liên Hiệp Quốc :
"Từ năm 2019 cho tới giờ này thì Việt Nam luôn luôn là một trong số quốc gia đứng đầu ở trong số trường hợp hăm doạ và trả thù. Tại vì chính quyền Việt Nam tuy đã cam kết, nhưng không thực tâm muốn thực thi những cam kết của mình, và không muốn cho Liên Hiệp Quốc biết.
Lý do thứ hai là Việt Nam có tạo ra những tổ chức NGO giả, thành ra họ sắp xếp, để (đại diện Liên Hiệp Quốc) gặp những tổ chức đó, chứ không muốn cho quốc tế gặp những NGO thật. Bởi Việt Nam họ tuyên bố rằng họ cũng có xã hội dân sự, nhưng những tổ chức xã hội dân sự đó hoàn toàn do Đảng và nhà nước kiểm soát. Và họ không muốn chuyện đó bị lộ tẩy".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng phát biểu với Dân biểu Chris Smith về nạn tra tấn và lạm dụng đối với các tù nhân tôn giáo ở Việt Nam. Hình chụp tại Washington DC hôm 16/1/2014 - AFP
Bản thân Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng đã xác thực hiện tượng các tổ chức phi chính phủ, và xã hội dân sự ở Việt Nam e dè hợp tác vì sợ bị nhà nước nhắm tới. Thông tin này được nêu ra trong bản Báo cáo Kết quả Thường niên Quốc gia năm 2022, trong đó nhấn mạnh :
"…các tổ chức phi chính phủ bị ảnh hưởng nhiều nhất là những tổ chức hoạt động về nhân quyền, bình đẳng giới và phân biệt đối xử, pháp quyền và quản trị. Các đối tác chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự bày tỏ sự miễn cưỡng khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, bao gồm cả các hoạt động đánh giá việc (Việt Nam- PV) thực thi các công ước quốc tế",.
Phóng viên của Đài Á Châu Tự do đã liên lạc qua email tới văn phòng của ông Surya Deva để xác minh về việc ông này không gặp các tổ chức phi chính phủ, và xã hội dân sự độc lập khi tới thăm Việt Nam, và được bị Báo Cáo viên Đặc biệt phản hồi rằng chỉ có thể bình luận sau khi thực hiện cuộc họp báo vào ngày 15/11.
Trước thềm chuyến thăm của vị Báo cáo viên Đặc biệt tới Việt Nam thì tổ chức Hiến chương 19, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Vương quốc Anh, đã ra tuyên bố vị đại diện của Liên Hiệp Quốc gây sức ép lên chính quyền Hà Nội, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực tự do ngôn luận trên không gian mạng.
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 13/11/2023
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Bien sắp sửa có chuyến thăm Việt Nam vào ngày 10/9. Nhân sự kiện này, giới quan sát cũng cho rằng rất có thể hai nước sẽ nâng cấp mỗi quan hệ ngoại giao lên một tầm cao mới.
Công an ngăn cảnh nhà báo tác nghiệp tại một cuộc biểu tình năm 2011 - Reuters
Hoa Kỳ hiện đang là đối tác toàn diện của Việt Nam, và dự kiến sẽ trở thành đối tác chiến lược sau chuyến thăm của tổng thống Biden, thậm chí có đồn đoán cho rằng hai nước sẽ nâng cấp lên thành đối tác chiến lược toàn diện, mức cao nhất trong hệ thống đối tác ngoại giao của Việt Nam.
Không ít những ý kiến tích cực trước thông tin trên, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn lo ngại về vấn đề nhân quyền, cụ thể, giới quan sát cho rằng việc Hoa Kỳ chủ động cải thiện quan hệ với chính quyền Hà Nội, sẽ dẫn đến việc gia tăng đàn áp giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Có lợi cho Việt Nam nói chung
Sự kiện tổng thống Hoa Kỳ tới thăm Việt Nam và qua đó nâng cấp quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã nhận được sự ca ngợi của một tổ chức không ngờ tới, đảng Việt Tân. Đây là tổ chức chính trị có trụ sở tại hải ngoại tự nhận đối lập với đảng cộng sản Việt Nam, và hiếm khi bày tỏ sự đồng tình với các chính sách của chế độ trong nước, nhưng lần này là một ngoại lệ.
Trao đối với đài RFA, ông Trần Đức Tuấn Sơn, một ủy viên trung ương của đảng Việt Tân, cho biết quan điểm của tổ chức đối với việc nâng cấp quan hệ Việt-Mỹ :
"Phía Việt Tân cho rằng chuyến thăm của tổng thống Biden đến Việt Nam là một cơ hội tốt cho dân tộc Việt Nam. Trong thời gian vừa qua mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc đã ở mức khá cao, cho nên chuyến đi này sẽ giúp cân bằng lại cán cân quan hệ giữa Mỹ, Việt Nam, và Trung Quốc. Mà chúng tôi cho rằng đại đa số người Việt đều muốn thoát khỏi sự ảnh hưởng của Trung Quốc. Đặc biệt, trong bối cảnh mà Trung Quốc gần đây đã trở nên hung hăng hơn trên khu vực Biển Đông, việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ sẽ rất có lợi cho Việt Nam. Ngoài ra, về khía cạnh kinh tế, khi mà Trung Quốc suy yếu thì sẽ tác động xấu đến Việt Nam, nên việc liên minh với Mỹ sẽ giúp Việt Nam phát triển".
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một nhà bất đồng chính kiến khác, người thường xuyên chỉ trích các chính sách của đảng cộng sản Việt Nam, lần này cũng tỏ ra ủng hộ động thái thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ, ông cho biết quan điểm của mình :
"Các cụ đã có câu gần mực thì đen gần đèn thì rạng, nước Mỹ là một nước dân chủ, tự do, văn minh do vậy khi chính quyền Việt Nam đi gần với Mỹ sẽ học được những điều tốt đẹp, về kinh tế, chính trị, và những lĩnh vực khác. Nhưng chúng ta cũng không quên bài học Trung Quốc, khi vào năm 1972 Trung Quốc bỏ bóng tối để bước chân theo Mỹ, nhưng họ vẫn duy trì chế độ độc đảng cho đến nay. Họ chỉ học từ Mỹ cách làm kinh tế, để rồi bây giờ quay lại chống Mỹ. Nên chúng ta cần phải nhắc nhở nước Mỹ rằng khi quan hệ với Việt Nam đừng chỉ giúp phát triển kinh tế, mà cần phải giúp người dân lẫn nhà cầm quyền ở Việt Nam nhận ra giá trị của dân chủ và nhân quyền".
Cựu Dân biểu liên bang Leslie Byrne phát biểu trong Ngày Nhân Quyền Việt Nam 11/5/2023. Ảnh chụp màn hình video RFA
Càng cải thiện quan hệ với Mỹ thì càng đàn áp trong nước ?
Mặc dù mối quan hệ giữa hai nước cựu thù có chiều hướng đi lên và ngày càng trở nên chặt chẽ, nhưng ở khía cạnh nhân quyền lại có xu hướng ngược lại, khi tình hình đàn áp, bắt bớ những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam ngày càng trầm trọng hơn.
Do vậy, giới quan sát cho rằng triển vọng để Hoa Kỳ giúp cải thiện vấn đề nhân quyền ở Việt Nam kể cả khi nâng cấp quan hệ là không cao.
Từ Cộng hòa Liên bang Đức, nhà báo Võ Thị Hảo cho Đài Á Châu Tự Do biết quan điểm của bà về vấn đề này :
"Tôi nghĩ rằng các cường quốc dân chủ, nhân quyền vẫn có phần ngây thơ trước việc nói một đằng, làm một nẻo của những người đứng đầu các nước độc tài. Theo số liệu, khi tổng thống Obama thăm Việt Nam vào năm 2016 thì có khoảng 100 nhà bất đồng chính kiến đang bị cầm tù, từ đó đến nay tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã xấu đi rất nhiều, theo thống kê của các tổ chức nhân quyền trên thế giới hiện nay đang có khoảng 193 người bất đồng chính kiến bị cầm tù".
Ông Trần Đức Tuấn Sơn còn chỉ ra rằng xu hướng đàn áp trong những năm qua còn mở rộng ra khỏi nhóm đối tượng là giới bất đồng chính kiến, bất chấp việc Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đông Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc :
"Từ năm 2016 đến nay thì việc đàn áp nhân quyền càng ngày càng thô bạo hơn, việc đàn áp, bỏ tù, bắt bớ người bất đồng chính kiến vẫn diễn ra, và không chỉ giới bất đồng chính kiến không, ngay cả những người hoạt động về môi trường, và làm cho những viện nghiên cứu cũng bị bắt. Đây là xu hướng rất xấu cho những người muốn thay đổi Việt Nam. Chúng tôi nghĩ rằng tình hình này sẽ không thay đổi trong thời gian tới".
Về phần mình, luật sư Nguyễn Văn Đài cũng cho rằng xu hướng thực tế cho thấy chính quyền Việt Nam sẽ trở nên độc đoán hơn khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ, ông cho hay : "Từ năm 2011 cho đến nay, khi quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ càng gần gũi thì tình hình nhân quyền càng xấu đi. Đặc biệt là khi Hoa Kỳ chủ động muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam về mặt kinh tế, chính trị, và quân sự, do vậy sẽ bỏ lơ vấn đề nhân quyền".
Các đại biểu người Việt tham dự Ngày Nhân quyền Việt Nam ở thủ đô Washington (Hoa Kỳ)
Mỹ có bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam không ?
Với việc mức độ đàn áp ngày càng gia tăng ở trong nước, đã xuất hiện nhiều ý kiến bày tỏ sự lo ngại cho rằng Hoa Kỳ đã bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, để hướng tới việc cải thiện quan hệ với chính quyền cộng sản.
Tuy nhiên, những người quan sát tình hình chính trị Việt Nam được đài RFA phỏng vấn lại có ý kiến khác.
Luật sư Nguyễn Văn Đài thậm chí còn khẳng định chuyện Hoa Kỳ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam sẽ không xảy ra, ông nói :
"Mỹ và Châu Âu sẽ không bao giờ bỏ rơi vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, có thể ngay lúc này, họ đang chú trọng đến vấn đề ngoại giao và kinh tế, nhưng điều đó không có nghĩa là họ bỏ rơi vấn đề nhân quyền. Họ vẫn sẽ theo dõi và sẽ lên tiếng khi có dịp.
Nhưng điều quan trọng hơn đó là bản thân người Việt Nam phải đứng lên đòi hỏi quyền con người cho mình, thì lúc đó những nước như Mỹ và Châu Âu mới nhận thấy lợi ích ủa việc lên tiếng".
Đồng tình với ý kiến trên, ông Nguyễn Đức Tuấn Sơn cũng cho rằng phương tây sẽ không bất chấp tình trạng nhân quyền để đổi lấy quan hệ với Việt Nam, ông cho biết quan điểm của mình :
"Tôi nghĩ là phương tây đang thực hiện cả hai việc cùng lúc, vừa cải thiện quan hệ ngoại giao, vừa thúc đẩy nhân quyền. Nhưng có thể là trong lĩnh vực nhân quyền thì họ không làm công khai như trước đây. Mà sẽ được nêu ra ở đằng sau hậu trường, bên hành lang, và sẽ xảy ra thường xuyên. Có thể sẽ có lúc vấn đề nhân quyền không được ưu tiên, nhưng không có nghĩa là nó bị bỏ rơi".
Nhà báo Võ Thị Hảo cho rằng, Hoa Kỳ và phương tây sẽ khó có thể ngó lơ vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, bởi vì điều này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ :
"Khi họ muốn đảm bảo được quyền lợi về mặt thương mại, kinh tế, hay những quyền lợi chính đáng khác thì họ cần sự mình bạch. Chỉ sự minh bạch mới đảm bảo được quyền lợi cho Mỹ và NATO. Thì sự minh bạch này chỉ có được ở một chế độ dân chủ, có nhân quyền. Với việc nâng cấp quan hệ với Việt Nam, hệ quả tất yếu là tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam sẽ có chuyển biến".
Một khi quan hệ đối tác ở tầm mức mới được thiết lập giữa Hoa Kỳ và Việt Nam có thể giúp Việt Nam thoát khỏi ‘ảnh hưởng quá nặng nề’ của Trung Quốc, giúp Hoa Kỳ đạt được thuận lợi hơn các mục tiêu tại Việt Nam và khu vực, Chính phủ và lưỡng viện Hoa Kỳ cần và nên tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tiến bộ hơn về các mặt tự do, dân chủ và nhân quyền.
Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (phải) đã từng gặp nhau vào năm 2015 - AFP
Đây là ý kiến của cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản, nhà hoạt động Nguyễn Vũ Bình từ Hà Nội nêu ra với RFA ngày 4/9.
‘Bất thường xảy ra ngay trước chuyến thăm của Tổng thống Biden’
Trước hết ông Nguyễn Vũ Bình nhắc lại điều mà theo ông là ‘diễn biến bất thường’ ngay trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Joe Biden. Đó là việc quấy nhiễu, đe dọa các tù nhân lương tâm như Trần Huỳnh Duy Thức, Đặng Đình Bách và những người khác đang bị giam giữ trong các nhà tù tại Việt Nam mới đây.
"Trong nội bộ của Việt Nam thực sự ra cũng rất phức tạp, có rất nhiều phe cánh, người thì ‘thân’ Trung Quốc, người có xu hướng ngã về Mỹ, những quyết định là tập thể, tức là dựa trên một số nào đó, chẳng hạn như là Bộ Chính trị, cho nên những việc như đã nêu có khả năng xảy ra. Trước đây, trường hợp như ông Tổng bí thư Lê Khả Phiêu (đổi thái độ khi đang tiếp Ngoại trưởng Madeleine Albright) đã xảy ra rồi, thì việc ‘hành hung’ anh Trần Huỳnh Duy Thức hay một luật sư ở trong lĩnh vực môi trường, mà tự nhiên họ bị mấy người ‘cầm dao’ xông vào (buồng giam) là hiện tượng rất lạ, từ trước đến giờ trong lĩnh vực tù nhân lương tâm hiếm có chuyện đó, mà tự nhiên lại nảy ra chuyện đó, đúng là cũng nên đặt dấu hỏi.
Và vì môi trường (chính trị nội bộ) của Việt Nam rất phức tạp, cho nên không loại trừ là có một số người, một số nhóm không muốn quan hệ của Việt Nam nâng cấp lên, như báo chí nói, hướng tới, người ta có thể sử dụng cách này, cách khác, mà trong đấy có thể có việc ‘kích động tù nhân lương tâm’. Thực ra, nếu chúng ta muốn biết chính xác, chúng ta phải ở trong nội bộ cấp cao của họ, nhưng dựa vào kinh nghiệm, chúng ta thấy là nó cũng có thể xảy ra, bởi vì hiện tượng đó khá lạ - hiện tượng mà các tù nhân (thường phạm) mà ‘cầm dao’ sang khu vực của tù nhân chính trị để đe dọa thì hơi lạ, cho nên chúng ta không loại trừ trường hợp đó".
Mới đây, hôm 30/8/2023, tờ báo Mỹ Washington Post đã thu hút sự chú ý của công luận trên bài xã luận của mình đặt vấn đề làm thế nào mà Tổng thống Joe Biden có thể vừa tiếp cận thân thiện chính quyền Việt Nam, vừa có thể giúp đỡ ‘những người bị mắc kẹt sau song sắt’, bài báo nhấn mạnh :
"Hoa Kỳ và Việt Nam đang trên đà nâng cấp đáng kể trong mối quan hệ của họ, sẽ được ấn định khi Tổng thống Biden đến thăm Hà Nội vào ngày 10 tháng 9. Kế hoạch của chính quyền nhằm thiết lập ‘quan hệ đối tác chiến lược’ với Việt Nam được thúc đẩy bởi mong muốn chống lại Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng trước khi ông Biden nâng cốc chúc mừng các nhà lãnh đạo Việt Nam, ông nên chỉ ra thành tích nhân quyền đang ngày càng xấu đi của Việt Nam và thúc đẩy sự thay đổi. Tổng thống có nhiều công cụ để khuyến khích cải cách hơn những gì tưởng tượng".
‘Đàn áp, vi phạm nghiêm trọng và có hệ thống’
Đề cập tình hình nhân quyền tại Việt Nam, bài xã luận của Washington Post có đoạn cho hay :
"Việt Nam là một quốc gia độc đảng do Đảng cộng sản Việt Nam cai trị. Kể từ năm 2016, dưới sự lãnh đạo của Tổng bí thư có đường lối cứng rắn Nguyễn Phú Trọng, chính phủ đã tiến hành đàn áp trên diện rộng các hoạt động, bất đồng chính kiến, xã hội dân sự và tự do tôn giáo. Toàn bộ ban lãnh đạo phong trào biến đổi khí hậu của đất nước hiện đang bị tống giam, và việc bỏ tù đã phá hủy các nỗ lực tổ chức và liên minh vận động của phong trào này. Vào ngày 01/06, Việt Nam chính thức buộc tội nhà hoạt động khí hậu hàng đầu của đất nước, Hoàng Thị Minh Hồng, tội trốn thuế, khiến bà trở thành nhà hoạt động môi trường thứ năm phải đối mặt với cáo buộc như vậy trong hai năm qua. Một cuộc điều tra nhân quyền do Dự án 88 công bố vào tháng 4 cho thấy chính quyền đã vũ khí hóa luật trốn thuế như thế nào để bịt miệng các nhà bảo vệ môi trường.
Việc Việt Nam đàn áp những nhà hoạt động này đi ngược lại thỏa thuận của Việt Nam với Liên Hiệp Châu Âu và Nhóm Bảy quốc gia, cũng như Đan Mạch và Na Uy, được gọi là Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng, nhằm giúp Việt Nam huy động ít nhất 15,5 tỷ USD từ các nhà đầu tư công và tư nhân để đáp ứng cam kết của mình đạt mức phát thải ròng bằng zero vào năm 2050. Thỏa thuận quy định rằng ‘để quá trình chuyển đổi diễn ra công bằng và hợp lý, cần phải tham vấn thường xuyên, bao gồm cả với giới truyền thông, các tổ chức phi chính phủ và các bên liên quan khác để đảm bảo sự đồng thuận rộng rãi trong xã hội’".
Nhà hoạt động Đặng Đình Bách trong phiên toà phúc thẩm năm 2022.
Về số lượng các nhà hoạt động bị bắt giam và đang bị ‘kẹt sau song sắt’ cũng như về tình hình được cho là nạn trấn áp của chính quyền đối với giới hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền ôn hòa ở Việt Nam hiện nay và nhất là gần đây, tờ Washington Post nhấn mạnh và cho hay :
"Có 193 nhà hoạt động đang bị cầm tù ở Việt Nam. Điều này không bao gồm những người bị buộc phải lưu vong hoặc bị buộc phải im lặng. Nhiều người trong tù bị buộc tội với những điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự, chẳng hạn như Điều 117 hình sự hóa việc ‘làm, tàng trữ, phổ biến hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, sản phẩm nhằm chống Nhà nước’ hay Điều 331, trong đó cấm ‘lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’. Ví dụ, tác giả và nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang, người năm ngoái đã nhận được Giải thưởng Phụ nữ Dũng cảm Quốc tế của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, đang thụ án 9 năm tù vì bị cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước. Khi ở Hà Nội, ông Biden phải nói với cai ngục : Hãy để cô ấy đi cùng với tất cả các tù nhân chính trị khác.
Cuộc đàn áp cũng dẫn đến việc giải thể các nhóm môi trường, nhà xuất bản độc lập, hiệp hội các nhà báo độc lập của đất nước và một tổ chức chống tham nhũng phi chính phủ. Những người không có lịch sử hoạt động có tổ chức nhưng đang sử dụng mạng xã hội để lên tiếng bất bình về tham nhũng, kiểm soát đại dịch và lạm dụng tài nguyên công cũng đang phải đối mặt với việc bị truy tố. Các biện pháp kiểm soát đối với xã hội dân sự đã trở nên nghiêm ngặt hơn, bao gồm các hạn chế đối với học thuật và hội nghị quốc tế, tăng cường giám sát các tổ chức trong nước dựa vào nguồn tài trợ nước ngoài và kiểm duyệt truyền thông xã hội. Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đã phát hiện ‘những vi phạm tự do tôn giáo nghiêm trọng đang diễn ra và có hệ thống’ ở Việt Nam và đã kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách ‘quốc gia cần quan tâm đặc biệt’ theo Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 1998".
Bình luận về quan điểm của bài báo này của Washington Post, từ Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Bình nói với Đài Á Châu Tự Do :
"Hai vấn đề này thực ra đôi khi mâu thuẫn nhau, tức là lợi ích trái ngược nhau, bởi vì trong việc nâng cấp quan hệ, Việt Nam rất cần Mỹ cũng như Mỹ rất cần Việt Nam, thế nhưng Việt Nam có mối quan hệ cũng rất mật thiết với Trung Quốc, cho nên họ phải cân nhắc, cân đối mối quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và Việt Nam với Trung Quốc, vì vậy nó không có tiến triển nhanh như là người dân hay nhiều người mong muốn, cho nên đã rất nhiều lần Mỹ đã ‘chìa cành ô-liu’, hay đã rất muốn quan hệ với Việt Nam, nâng cấp quan hệ lên, nhưng Việt Nam vẫn rất thận trọng trong việc này. Việc tăng cường hay nâng cấp quan hệ ở thế ‘vừa muốn mà lại vừa sợ’, ‘sợ’ là sợ Trung Quốc, cho nên Việt Nam rất chậm trong chuyện này.
Còn về việc Mỹ tác động để giảm sự đàn áp hay giải phóng một số tù nhân lương tâm, chúng ta biết trong suốt quá trình vừa qua nó rất hạn chế. Nhưng với tư cách của một người dân Việt Nam và với tư cách của một người đấu tranh cho tự do, dân chủ, tôi đều mong muốn Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên một tầm cao mới, ít nhất là để cân bằng để tránh được ảnh hưởng quá nặng nề của Trung Quốc đối với Việt Nam. Với việc nâng cấp quan hệ như vậy, không ít thì nhiều vấn đề dân chủ, nhân quyền cũng sẽ được quan tâm một cách sâu sát hơn ; đó là một điều chắc chắn, còn đến mức độ nào thì chưa dám nói. Còn đối với lưỡng viện (Quốc hội) Hoa Kỳ, về mặt mong muốn, bao giờ cũng mong muốn có những sức ép để làm sao Việt Nam tôn trọng những điều mà Việt Nam đã ký kết về quyền con người, như là Công ước Quốc tế về Quyền Con người, để Việt Nam làm sao hội nhập và phát triển được hơn, ít nhất là như vậy".
Chấm dứt bắt bớ tù nhân lương tâm và ưu tiên trao trả tự do
Theo ông Nguyễn Vũ Bình, nếu Việt Nam tôn trọng các quyền con người, tôn trọng Công ước Quốc tế về các quyền này mà đã ký kết, thì quốc tế sẽ ‘giao hảo, làm ăn’ nhiều hơn với Việt Nam, và đất nước sẽ ‘phát triển tốt hơn’, ông nói thêm :
"Đấy là một điều mà ai cũng nhìn thấy như vậy, còn nếu cứ rời xa, cứ như từ trước tới nay, thì việc quan hệ chắc chắn sẽ khó khăn, làm ăn sẽ khó khăn. Tất nhiên là một người trong phong trào dân chủ, đấu tranh cho dân chủ cũng vài chục năm rồi, tôi hoàn toàn đồng ý rằng điều quan trọng các chính sách đối với Việt Nam (về theo dõi dân chủ, nhân quyền) phải được thành lập và phải có chế tài (nếu vi phạm), nếu không có chế tài họ muốn làm thế nào thì làm, sẽ không có hiệu quả. Từ trước đến giờ đã có nhiều yêu cầu nọ kia rồi, thế nhưng không có chế tài, thậm chí vừa rồi như Châu Âu với Việt Nam cũng có ký kết Hiệp định (EVFTA), các vị luật sư về môi trường, như anh Đặng Đình Bách, cũng dựa vào sự ký kết với Việt Nam đã mở ra những trung tâm ở Việt Nam về bảo vệ môi trường, nhưng cuối cùng vẫn bị bắt, tức là không có chế tài gì cả, cho nên việc này đối với Việt Nam khó như vậy".
Blogger Nguyễn Tường Thụy cầm hoa tham gia biểu tình phản đối Trung quốc tại Hà Nội hôm 19/1/2014 (hình minh họa). Reuters
Bình luận điều mà bài xã luận trên báo Washington Post đề cập như một chiến dịch ‘đàn áp có hệ thống’ với giới hoạt động tự do, dân chủ, nhân quyền, phản biện chính sách và đề nghị chính quyền Mỹ nhân dịp chuyến thăm của Tổng thống Biden đến Việt Nam dự kiến hôm 10/9 tới đây, dành sự quan tâm đến các tù nhân lương tâm ở Việt Nam, ông Nguyễn Vũ Bình nói tiếp với Đài Á Châu Tự Do :
"Những trường hợp như các ông Hoàng Ngọc Giao và một vài vị khác, khi họ bị bắt, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên, bởi vì các ông ấy vẫn ở trong hệ thống và việc mà các ông làm cũng như các ông nói cũng rất nhẹ nhàng thôi, nên không hiểu làm sao mà lại bị bắt. Cho nên, tôi nghĩ rằng nếu dịp này tác động để những người như vậy mà được trả tự do thì rất là tốt. Bởi vì những trường hợp đấu tranh như chúng tôi thì không nói làm gì, thực ra nhà nước Việt Nam đã đối xử từ trước như vậy rồi, nhưng những trường hợp ‘rất nhẹ nhàng’ như là ông Giao hay mấy người hoạt động về môi trường, chúng tôi rất ngạc nhiên, họ không đáng bị đối xử như thế. Cho nên, nếu như có sự tác động, để những người này được tự do thì rất là tốt, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Tất nhiên là những người đấu tranh mà lên tiếng phản biện, thì đúng theo luật và các quyền con người họ không vi phạm gì cả ; tất nhiên yêu cầu và đòi hỏi thì muốn với tất cả, nhưng trong mức độ cho phép, những người như ông Hoàng Ngọc Giao và mấy người hoạt động về môi trường được trả tự do là tốt nhất, bởi vì (việc bắt họ) vừa mang tiếng cho Việt Nam trước thế giới, vì đúng là người ta không có vấn đề gì mà lại bắt trong bối cảnh như thế, cho nên tôi ủng hộ để tác động cho những người này sớm được tự do".
Ngoài ra, trong nhiều trường hợp mà theo ông Nguyễn Vũ Bình là không thể kể hết và lẽ ra phải trao trả tự do toàn bộ, vô điều kiện, ngay lập tức và chấm dứt luôn việc bắt bớ tù nhân lương tâm, vị cựu Biên tập viên Tạp chí Cộng sản đề cập thêm một số trường hợp tù nhân lương tâm khác nữa còn đang bị bỏ tù ở Việt Nam, mà theo ông phía Hoa Kỳ và đặc biệt phái đoàn chính phủ của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nên quan tâm, tác động để họ được trao trả tự do :
"Anh Trần Huỳnh Duy Thức ở tù quá lâu, rồi những người có tuổi mà án dài, ví dụ như anh Trần Anh Kim, anh Nguyễn Tường Thụy, anh Phạm Thành, những người đó có tuổi, sức khỏe yếu rồi, cũng nên trả tự do cho những người đó trước. Những người lớn tuổi mà án dài, nhiều người bảy mươi mấy tuổi rồi, giam cầm người ta thì có khi người ta không sống được để ra khỏi tù. Tôi nói chung như vậy vì có thể không nhớ hết, ví dụ như là cô Đoan Trang cũng như vậy thôi, tôi rất mong muốn cô ấy được tự do vì sức khỏe của cô không tốt, chân tay đau yếu. Rồi những người như là anh Trần Bang, rất yếu, có khối u, v.v… cơ bản là những người có tuổi", ông Nguyễn Vũ Bình nói với Đài Á Châu Tự Do trên quan điểm riêng từ Hà Nội, hôm 04/9/2023.
Quốc Phương thực hiện
Nguồn : RFA, 04/09/2023
Tình hình nhân quyền Việt Nam trong ba năm trở lại đây bị các tổ chức nhân quyền quốc tế đánh giá là đang xấu đi nghiêm trọng với việc hàng loạt các nhà hoạt động xã hội, Facebookers bị bắt giam. Đài Á Châu Tự Do tổng hợp những dữ liệu về những tù nhân lương tâm tại Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2020 đến cuối năm 2022.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (Human Rights Watch) ước tính, hiện Hà Nội đang giam giữ ít nhất khoảng 150 tù chính trị. Ước tính về số tù nhân lương tâm đang bị giam giữ ở Việt Nam khác nhau tùy theo nguồn số liệu. Chính phủ Việt Nam luôn khẳng định Việt Nam không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật.
Năm 2020 là năm có nhiều người bị bắt nhất so với hai năm 2021 và 2022 với tổng số người bị bắt là 76 người. Con số này trong các năm 2021 và 2022 là 45 và 32 người. Khoảng một nửa số người bị bắt trong năm 2020 liên quan đến vấn đề đất đai.
Năm 2020 là năm xảy ra vụ cưỡng chế đất gây chết người ở xã Đồng Tâm, ngoại thành Hà Nội. Khoảng 3.000 công an được điều động đến địa phương để cưỡng chế một khu đất nông nghiệp đang tranh chấp giữa người dân và chính quyền vào ngày 9/1/2020.
Hậu quả của vụ cưỡng chế đã khiến bốn người chết bao gồm ba công an và một người dân là cụ Lê Đình Kình, 82 tuổi, người được cho là thủ lĩnh của người dân Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất này. Vụ việc đã dẫn đến việc bắt giữ 29 người dân Đồng Tâm với những cáo buộc tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ". Hai người trong số này bị kết án tử hình về tội "giết người". Tòa phúc thẩm vào ngày 9/3/2021 đã tuyên y án "tử hình" đối với hai người dân Đồng Tâm.
Vụ Đồng Tâm đã khiến dư luận quốc tế quan tâm, yêu cầu chính quyền phải có điều tra minh bạch và khách quan. Những người hoạt động về quyền đất đai góp phần đưa sự việc ra ánh sáng đã lần lượt bị bắt trong cùng năm bao gồm cả ba người trong một gia đình là bà Cấn Thị Thêu và hai con là Trịnh Bá Tư, Trịnh Bá Phương. Một nhà hoạt động về quyền đất đai khác thường xuyên đưa tin về vụ việc cũng bị bắt cùng năm là bà Nguyễn Thị Tâm.
Nhà báo Phạm Đoan Trang, người tham gia viết Báo cáo Đồng Tâm, đưa sự việc ra quốc tế, cũng bị chính quyền bắt giam cùng năm.
Trong giai đoạn ba năm qua, một loạt các nhà báo cũng là các đối tượng bị chính quyền đàn áp mạnh tay.
Báo cáo của Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF) công bố hồi cuối năm 2022 cho thấy Việt Nam vẫn đang giam giữ ít nhất 39 nhà báo, và là một trong năm quốc gia cầm tù nhiều nhà báo nhất thế giới.
Thống kê của RFA trong giai đoạn 2020 – 2022 cho thấy, chính quyền Việt Nam đã bắt giữ ít nhất 16 nhà báo. Mười bốn người trong số này bị cáo buộc vi phạm các Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự.
Đáng chú ý, trong ba năm này, chính quyền Việt Nam đã bắt và kết án một blogger của Đài Á Châu Tự Do là Nguyễn Tường Thụy với án tù 11 năm theo Điều 331. Một blogger khác của RFA là Nguyễn Lân Thắng bị chính quyền bắt giữ hôm 5/7/2022 với cáo buộc vi phạm Điều 117.
Hiện, chính quyền Việt Nam đang giam giữ bốn blogger/cộng tác viên của Đài Á Châu Tự Do bao gồm : blogger Nguyễn Tường Thụy, blogger Nguyễn Lân Thắng, blogger Trương Duy Nhất, cộng tác viên Nguyễn Văn Hóa.
Một loạt các nhà hoạt động môi trường cũng trở thành đối tượng bị chính quyền bắt giam dồn dập trong ba năm qua với cáo buộc tội "Trốn thuế".
Những nhà hoạt động môi trường này là những người tích cực tham gia vào các hoạt động kêu gọi Việt Nam chuyển đổi việc sử dụng than sang các nhiên liệu thân thiện với môi trường. Đây cũng là giai đoạn mà Chính phủ Việt Nam đang thảo luận với các quốc gia công nghiệp phát triển về một thỏa thuận trị giá hàng tỷ đô la giúp Việt Nam chuyển đổi. Điều này đã khiến quốc tế đặt câu hỏi về cam kết thực lòng của Việt Nam với quốc tế.
Trong giai đoạn 2020 – 2022, các tòa án ở Việt Nam đã kết án hơn 130 người là những nhà báo, Facebookers, và các nhà hoạt động xã hội.
Các Điều luật được sử dụng nhiều nhất là Điều 117 (Tuyên truyền chống Nhà nước) và Điều 331 (Lợi dụng các quyền dân chủ) thuộc Bộ luật Hình sự. Đây là các điều luật đã bị quốc tế chỉ trích là mù mờ và thường dùng để bịt miệng những người dám lên tiếng chỉ trích chính quyền.
Theo thống kê của RFA, trong giai đoạn này, có ít nhất 34 người bị kết án theo Điều 331, 34 người bị kết án theo Điều 117, với các án tù từ dưới năm năm đến trên 10 năm tù.
Các tù nhân lương tâm và người thân họ thường xuyên phản ánh tình trạng tù chính trị bị đối xử tàn tệ bao gồm : không được chăm sóc y tế kịp thời, bị chuyển đi xa gia đình, bị đánh đập và biệt giam, điều kiện giam giữ tồi tệ.
Trong giai đoạn này, RFA ghi nhận ít nhất ba trường hợp tù nhân lương tâm chết trong tù do bệnh tật hiểm nghèo và không được chăm sóc y tế kịp thời.
© Copyright - RFA Đài Á Châu Tự Do
Nguồn : RFA, 10/05/2023
Đoàn nghị sĩ Mỹ sắp thăm Việt Nam, nêu vấn đề nhân quyền, Trung Quốc
VOA, 07/04/2023
Một phái đoàn lưỡng viện do Thượng nghị sĩ Jeff Merkley dẫn đầu sẽ thăm Việt Nam vào cuối tuần này và tuần sau, với mục đích thúc đẩy quan hệ song phương và quan hệ đa phương với các quốc gia thành viên ASEAN, trong đó sẽ nêu vấn đề nhân quyền và sự gây hấn của Trung Quốc.
Thượng Nghị sĩ Hoa Kỳ Jeff Merkley.
Một thông cáo của các thượng nghị sĩ và các dân biểu hôm 5/4 cho biết phái đoàn lưỡng viện đến Việt Nam và Indonesia vào tuần tới. Ngoài Thượng nghị sĩ Merkley, còn có Thượng nghị sĩ Chris Van Hollen, và các dân biểu Pramila Jayapal, Lloyd Doggett, và Ilhan Omar.
Mục tiêu của chuyến đi nhằm hỗ trợ các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á "bảo vệ và tăng cường chủ quyền và an ninh của họ trước sự gia tăng gây hấn của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa", thông cáo cho biết. Các nhà lập pháp sẽ tham dự hơn 35 cuộc họp với các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo trong ASEAN, cùng với đại diện của các tổ chức xã hội dân sự và giám đốc điều hành doanh nghiệp.
"Việt Nam và Indonesia là những đối tác quan trọng của Hoa Kỳ, và chỉ khi cùng nhau, chúng ta mới có thể giải quyết những thách thức nhiều mặt của thế kỷ này", ông Merkley nói trong thông cáo báo chí. "Chuyến đi của chúng tôi sẽ là cơ hội để tăng cường không chỉ mối quan hệ với chính phủ hai nước đó mà còn giữa người dân các nước chúng ta".
Thượng nghị sĩ Van Hollen cho biết trong thông cáo : "Tăng cường quan hệ đối tác của chúng ta trên khắp thế giới sẽ giúp chúng ta xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người Mỹ cũng như cộng đồng toàn cầu. Điều này đặc biệt đúng ở Đông Nam Á khi chúng ta nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các quốc gia và giải quyết khủng hoảng khí hậu, bảo vệ nhân quyền và củng cố an ninh chung của chúng ta. Chuyến đi này sẽ là cơ hội để giải quyết những lĩnh vực này và hơn thế nữa".
Tại Việt Nam, phái đoàn sẽ tìm hiểu về những vấn đề còn phải giải quyết sau chiến tranh, bao gồm các dự án tìm cách xử lý chất da cam/dioxin, rà phá bom mìn và tìm kiếm các tù nhân chiến tranh và quân nhân mất tích trong chiến tranh Việt Nam.
Ngoài ra, dự kiến trong chuyến đi này, đoàn sẽ đến thăm một địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với các cộng đồng và hệ sinh thái địa phương.
Trước chuyến thăm, Thượng nghị sĩ Merkley – ủy viên Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện, và Thượng nghị sĩ Van Hollen – Chủ tịch Tiểu ban Quan hệ đối ngoại Đông Á của Thượng viện, đã đưa ra một nghị quyết tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với vai trò trung tâm của ASEAN, Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các cơ chế do ASEAN dẫn dắt trong kiến trúc thể chế của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Merkley cùng với Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Dan Sullivan cũng đã đưa ra một nghị quyết lưỡng đảng nhằm nâng cao nhận thức về các vấn đề môi trường, nhân đạo và kinh tế mà sông Mekong đang phải đối mặt, cũng như công nhận tầm quan trọng thiết yếu của Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ trong việc hỗ trợ sự thịnh vượng ở khu vực.
Nguồn : VOA, 07/04/2023
**************************
Đoàn nghị sĩ EU ‘thất vọng’ vì Việt Nam chưa cải thiện nhân quyền như cam kết trong EVFTA
VOA, 07/04/2023
Các thành viên của Nghị viện Châu Âu vừa nêu lên những quan ngại về tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội từ ngày 4/4 đến ngày 6/4, sau hơn hai năm Việt Nam thực thị Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA).
Trong thông cáo báo chí hôm 6/4, phái đoàn gồm 6 nghị viên Liên hiệp Châu Âu (EU) ghi nhận những tiến bộ mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng, giúp cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam, nhưng đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc về tình hình nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam".
Đại sứ EU tại Việt Nam Giorgio Aliberti hôm 7/4 viết trên Twitter : "Phái đoàn quan trọng của Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Châu Âu tới Việt Nam để thảo luận về cách thức phát triển hơn nữa sự hợp tác của chúng ta về các vấn đề nhân quyền và đảm bảo thực hiện đầy đủ các cam kết".
Thông cáo của các nghị viên EU đặc biệt quan ngại về không gian dành cho xã hội dân sự bị thu hẹp, việc lạm dụng "các quy định mơ hồ" của bộ luật hình sự để đàn áp những tiếng nói phản biện, sách nhiễu các nhà hoạt động, đàn áp về quyền tự do ngôn luận, đặc biệt là trong không gian trên mạng, và quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng.
Các nghị viên nhấn mạnh niềm tin mạnh mẽ của họ rằng quyền tự do của các cá nhân là nền tảng cho sự thịnh vượng chung, và rằng các tổ chức xã hội dân sự độc lập và mạnh mẽ là rất quan trọng để vượt qua các thách thức cả ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
"Phái đoàn tái xác nhận đề nghị của EU về tăng cường hợp tác với Việt Nam để cải thiện tình hình nhân quyền ở nước này", thông cáo viết.
Phái đoàn cũng kêu gọi trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho tất cả các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm ở Việt Nam, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ, các nhà báo và các nhà hoạt động môi trường. Ngoài ra, liên quan vấn đề này, phái đoàn nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo quyền được xét xử công bằng cho họ.
"Họ nhấn mạnh rằng là một phần quan trọng của thỏa thuận này, Việt Nam đã cam kết cải thiện tình hình nhân quyền và nhấn mạnh sự thất vọng của họ vì điều đó vẫn chưa được thực hiện", thông cáo viết.
Các nghĩa vụ của EVFTA, có hiệu lực từ tháng 8/2020, cũng bao gồm việc phê chuẩn và thực hiện các công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Các thành viên phái đoàn lưu ý rằng các cơ quan chức năng của Việt Nam có kế hoạch trình Quốc hội phê chuẩn công ước 87 của ILO trong năm 2023.
Phái đoàn đã nhắc lại quan điểm phản đối chính của EU đối với hình phạt tử hình và kêu gọi hoãn thi hành án tử hình như là bước đầu tiên dẫn đến việc cuối cùng là bãi bỏ hình phạt tử hình ở Việt Nam.
Các thành viên của phái đoàn cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng buôn bán người, lao động cưỡng bức và luật pháp hiện hành hạn chế quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng, vẫn theo thông cáo của Quốc hội EU.
VOA đã liên lạc Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị cho ý kiến về các phát biểu trên của phái đoàn nhân quyền nghị viên EU, nhưng chưa được phản hồi.
Tại Việt Nam, đoàn đã có cuộc gặp với Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (NAFAC) cùng với đại diện lãnh đạo Ủy ban Tư pháp và Xã hội, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ, Viện trưởng và các thành viên Viện Nhân quyền, Trưởng ban Thường trực Ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản, cũng như các tổ chức phi chính phủ.
Từ Đức, ông Vũ Quốc Dụng, Giám đốc Điều hành của tổ chức nhân quyền VETO ! Mạng lưới Những người Bảo vệ Nhân quyền, nêu nhận định với VOA về sự quan tâm của phái đoàn EU về tình hình nhân quyền Việt Nam :
"Sau khi ký Hiệp định thương mại EVFTA phía EU hoàn toàn thất vọng. Thí dụ, người có nhiều đóng góp ý kiến cho Quốc hội EU là ông Phạm Chí Dũng, bị kết án 15 năm tù, cũng như vẫn chưa có người nào trong danh sách 11 tù nhân chính trị mà Uỷ ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU trao cho Việt Nam năm 2019 được thả".
"Các tổ chức ở Việt Nam muốn thúc đẩy cho việc đối thoại các định chế xã hội dân sự của hai bên bị bắt và bị kết án tù, các tổ chức lo về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững cũng bị đàn áp nặng nề…"
"Danh sách về những thiếu sót thì rất là dài… cho nên việc Tiểu ban Nhân quyền Quốc hội Âu Châu đến Việt Nam lần này là rất cần thiết".
Từ Anh Quốc, ông Sơn Trần, Phó Giám đốc Hội bảo vệ Người Lao động Việt Nam, chia sẻ với VOA ý kiến đề xuất liên quan đến quyền của người lao động :
"Chúng tôi đề nghị rằng ILO nên tư vấn và tạo áp lực để chính phủ Việt Nam ban hành các văn bản cho phép công nhân được thành lập những nghiệp đoàn độc lập, không lệ thuộc vào chính phủ. Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội Âu Châu nên kêu gọi Việt Nam thả những nhà bất đồng chính kiến mà họ hoạt động cho môi trường, họ hoạt động cho việc tuân thủ Hiệp định EVFTA giữa EU và Việt Nam".
Chính quyền Việt Nam từ trước đến nay bác bỏ các cáo buộc vi phạm nhân quyền, cho rằng nước này tôn trọng các quyền căn bản của con người, chỉ bắt giam và xét xử "những ai vi phạm pháp luật".
Hồi cuối tháng 3/2023, bà Phạm Thu Hằng, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói với báo giới : "Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là chính sách nhất quán của Việt Nam. Việt Nam luôn xem con người là trung tâm, là động lực của quá trình đổi mới và công cuộc phát triển đất nước Tự do cơ bản của con người được ghi nhận trong Hiến pháp Việt Nam, được bảo vệ và thúc đẩy bởi các văn bản pháp luật cụ thể và được triển khai trong thực tiễn".
Phái đoàn nghị sĩ EU đến Việt Nam do Dân biểu người Đức Udo Bullmann, Trưởng ban Nhân quyền, dẫn đầu. Các dân biểu khác bao gồm Isabel Wiseler-Lima (Luxembourg), Cheorghe-Vlad Nistor (Rumania) và Leopoldo Lopez Gil (Tây Ban Nha), Nacho Sanchez Amor (Tây Ban Nha), Isabel Santos (Bồ Đào Nha), và Urmas Paet (Estonia).
Nghị sĩ Bullmann viết trên Twitter hôm 6/4 : "Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi chính phủ Việt Nam dọn đường cho các quyền tự do công dân mà họ đã cam kết và trở thành tiếng nói tiến bộ toàn cầu mà chúng tôi mong muốn".
Nguồn : VOA, 07/04/2023