Các nhóm nhân quyền quốc tế tố cáo Việt Nam vi phạm Công ước quốc tế lên Liên Hiệp Quốc
RFA, 05/01/2024
Một báo cáo của hai tổ chức nhân quyền quốc tế vừa được gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 5/1/2023, tố cáo Hà Nội vi phạm một loạt các điều trong Công ước quốc tế của Liên Hiệp Quốc về các quyền dân sự và chính trị mà Việt Nam là một quốc gia thành viên.
Các đại biểu dự một cuộc họp tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc năm 2019 - AFP
Bản đệ trình do Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam (VCHR) và Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) gửi đến Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là "một đóng góp cho "Danh sách các vấn đề" sẽ được Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thông qua tại phiên họp thứ 140 tại Geneva vào ngày 28/3/2024" - thông cáo báo chí của hai tổ chức này cho biết.
Cũng theo thông cáo báo chí, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ "chuyển những vấn đề và quan tâm chính yếu trong danh sách ấy tới nhà cầm quyền Việt Nam, buộc chính quyền Hà nội phải trả lời họ trước khi Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc xem xét Báo cáo Định kỳ lần Thứ tư về việc thực hiện ICCPR, kỳ hạn của ngày xem xét Báo cáo hiện chưa được ấn định".
Theo bản đệ trình, Hà Nội bị tố cáo đã vi phạm tám điều trong Công ước, bao gồm các điều về thực hiện Công ước ở cấp quốc gia, án tử hình, tra tấn, điều kiện giam giữ, các phiên tòa công bằng, quyền tự do bày tỏ ý kiến, quyền tự do lập hội.
Báo cáo của VCHR và FIDH "nêu lên quan ngại về việc giam giữ tùy tiện những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động về biến đổi khí hậu, các nhà báo, và thành viên của các cộng đồng tôn giáo không được công nhận".
Báo cáo cũng đặt câu hỏi về việc Việt Nam không công bố số liệu thi hành án tử hình và coi đây là bí mật quốc gia. Báo cáo trích dẫn thông tin từ Chính phủ Việt Nam cho biết các án tử hình đã gia tăng hơn 34% trong năm 2020 với con số là thêm 440 trường hợp nữa bị kết án tử hình trong năm này so với năm trước đó. Báo cáo cũng nhắc đến trường hợp tử tù Lê Văn Mạnh - người đã kêu oan trong nhiều năm nhưng vẫn bị thi hành án tử hình vào tháng 9 năm ngoái.
Báo cáo cũng nhắc đến các trường hợp tù nhân lương tâm bị tra tấn và đối xử tàn tệ trong tù, điều kiện giam giữ khắc nghiệt dưới tiêu chuẩn tối thiểu của quốc tế, tù nhân lương tâm bị bệnh nhưng không được điều trị kịp thời khiến sức khoẻ kiệt quệ như trường hợp của nhà báo Lê Hữu Minh Tuấn của Hội Nhà báo độc lập Việt Nam gần đây.
Mới đây, nhân dịp kỷ niệm 75 năm ngày ra đời của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền (1948/2023), Chính phủ Việt Nam đã gửi một văn bản với tám cam kết tới Ban thư ký Sáng kiến Nhân quyền 75 (Human Rights 75 Secretariat) của Liên Hiệp quốc, cam kết sẽ cải thiện hồ sơ nhân quyền và một số lĩnh vực khác với hạn thực hiện vào năm 2099.
Các cam kết bao gồm tăng cường nhà nước pháp quyền ; bảo đảm tốt hơn tất cả các quyền kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị ; thúc đẩy phát triển bền vững, trong đó ưu tiên giảm nghèo đa chiều, giảm thiểu bất bình đẳng, bảo đảm sinh kế bền vững cho người dân ; tăng cường giáo dục về quyền con người, không bỏ ai ở lại phía sau…
Nguồn : RFA, 05/01/2024
************************
Bộ Công an yêu cầu "tấn công toàn diện, đấu tranh phá rã các hội, nhóm chống đối hiện hành" trong năm 2024
RFA, 05/01/2024
Hội nghị triển khai công tác năm 2024 của Cục An ninh nội địa, Bộ Công an yêu cầu có các biện pháp quyết liệt hơn với các hội nhóm ở trong nước bị gán nhãn "chống đối".
Công an tìm cách ngăn cản người biểu tình ở Hà Nội năm 2016 - Reuters
Trang web của đài truyền hình ANTV dẫn lời của Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh việc cần làm trong năm mới là "đấu tranh ngăn chặn hiệu quả âm mưu, hoạt động ly khai, tự trị, thành lập Nhà nước riêng.
Chủ động phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa âm mưu, hoạt động khủng bố, phá hoại manh động, hoạt động kích động tập trung đông người gây rối an ninh trật tự".
Bộ Công an cũng được yêu cầu phải "tấn công toàn diện, đấu tranh phá rã các hội, nhóm chống đối hiện hành, kiên quyết không để thành lập hội, nhóm chống đối mới".
Hội nghị cho rằng, trong năm 2023, Cục An ninh nội địa đã triển khai toàn diện các mặt công tác, đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động ; cũng như giữ vững ổn định an ninh trong dân tộc tại các địa bàn chiến lược ; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về phòng, chống khủng bố.
"Thế lực thù địch, phản động" là cụm từ mà Bộ Công an và các cơ quan báo chí trong nước ám chỉ những người bất đồng chính kiến, những nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền chỉ trích ôn hòa các chính sách của chính phủ trên mạng xã hội.
Cơ quan đầu ngành tham mưu cho Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam về công tác đảm bảo an ninh nội địa trong năm qua được cho là đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước, Đảng ủy Công trung ương, lãnh đạo Bộ Công an và hướng dẫn công an các địa phương triển khai thực hiện chủ trương, giải pháp giải quyết những vấn đề nổi liên quan an ninh nội địa.
Nguồn : RFA, 05/01/2024