Chuyên gia Liên Hiệp Quốc cáo buộc Việt Nam đàn áp những người bảo vệ quyền môi trường
VOA, 15/11/2023
Một báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc hôm 15/11 cáo buộc Việt Nam nhắm mục tiêu vào những người bảo vệ nhân quyền về môi trường sau một loạt các vụ bắt giữ và kết án, đồng thời kêu gọi chính phủ Hà Nội đặt họ vào trọng tâm nếu muốn chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về phát triển Surya Deva (trái) được Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Đỗ Việt Hùng tiếp đón tại trụ sở của Bộ ở Hà Nội hôm 6/11.
Năm nhà bảo vệ môi trường đã bị kết án tù vì tội "trốn thuế" ở quốc gia do Đảng cộng sản cầm quyền kể từ năm ngoái, một điều khoản mà các nhà hoạt động trong nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế coi là được nhà cầm quyền sử dụng như một công cụ để bịt miệng họ.
Ông Surya Deva, báo cáo viên đặc biệt về quyền phát triển của Liên Hiệp Quốc, nói trong mộttuyên bố đưa ra hôm 15/11 rằng ông quan ngại về việc bắt giữ và kết án những nhà hoạt động này.
"Việc bắt giữ và kết án một số người bảo vệ quyền con người về môi trường với các tội danh như trốn thuế đang có tác động tiêu cực đến sự sẵn sàng đóng góp của các tổ chức phi chính phủ độc lập cho Thỏa thuận Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP)", ông Deva nói trong tuyên bố ngay khi kết thúc chuyến thăm và làm việc 10 ngày tại Việt Nam để đánh giá việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững tại quốc gia Đông Nam Á.
Các lãnh đạo môi trường – gồm Ngụy Thị Khanh, Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Dùng Dương và Hoàng Thị Minh Hồng – bị kết án nhiều năm tù trong khi Việt Nam đang tìm cách tăng cường cam kết giảm thiểu khí thải carbon thông qua JETP trị giá 15,5 tỷ USD do các nước phương Tây đồng tài trợ.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cũng đã lên án Việt Nam bỏ tù những người thúc đẩy cho việc bảo vệ môi trường này.
Tại cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 15/11, ông Deva được AFP trích lời nói rằng chính phủ độc tài Việt Nam đang sử dụng luật "có chọn lọc để nhắm vào một số nhà bảo vệ nhân quyền, nhà hoạt động khí hậu hoặc nhà bảo vệ nhân quyền môi trường".
Trong số những người bị bỏ tù vì "trốn thuế", bà Hồng – nhà hoạt động nổi tiếng về chống biến đổi khí hậu – đã thành lập tổ chức phi chính phủ CHANGE để vận động người dân hành động giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, bao gồm buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp và ô nhiễm.
Còn bà Khanh là người đã thách thức kế hoạch tăng cường việc sử dụng than của chính quyền Việt Nam để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bà Khanh, cùng ông Lợi, đã được trả tự do trước thời hạn trong năm nay.
Tuy nhiên, sau khi trả tự do cho hai người thì chính quyền Việt Nam lại bắt giữ bà Ngô Thị Tố Nhiên, giám đốc một tổ chức nghiên cứu chính sách năng lượng độc lập và là chuyên gia năng lượng hàng đầu của Việt Nam. Bà Nhiên bị cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu" của một công ty điện lực nhà nước.
"Tôi lo ngại rằng do không gian dân sự hạn chế nên sự tham gia tích cực, tự do và có ý nghĩa của người dân vào việc ra quyết định có thể khó khăn", ông Deva nói trong tuyên bố.
Chuyên gia của Liên Hiệp Quốc cho rằng để đạt được sự chuyển đổi công bằng sang nền kinh tế xanh, Việt Nam phải đặt các tổ chức phi chính phủ và những người bảo vệ nhân quyền vào trung tâm của quá trình này.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Hà Nội, ông Deva được AFP trích lời nói ông "tin rằng trong hệ thống chính trị hiện tại của Việt Nam, có cơ hội cho sự chấp nhận những quan điểm khác nhau và những ý kiến bất đồng bởi vì không phải ai có quan điểm khác biệt là đều tìm cách lật đổ đảng hay nhà nước".
Truyền thông Việt Nam do nhà nước quản lý không đăng tải những điều ông Deva nói về nhân quyền tại cuộc họp báo ở Hà Nội.
Trong khi đó, theo TTXVN, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, khi tiếp ông Deva hôm 6/11 khi chuyên gia Liên Hiệp Quốc bắt đầu chuyến thăm Việt Nam, nói rằng cách tiếp cận của Việt Nam là "tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người".
Trong mộtlá thư gửi ông Deva trước chuyến thăm tới Việt Nam, Dự án 88, tổ chức ủng hộ quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam, cho biết các vụ bắt giữ những nhà hoạt động môi trường "đặt ra câu hỏi về cam kết của Việt Nam đối với sự phát triển bền vững của đất nước".
"Trong số các nhà hoạt động chính sách năng lượng và môi trường đã bị bắt và bỏ tù, nhiều người trước đây đã làm việc với chính phủ và đang giải quyết các vấn đề được ưu tiên trong chính sách chính thức của chính phủ", tổ chức này nói trong thư.
Nguồn : VOA, 15/11/2023
***************************
Giới NGOs trong nước e ngại gặp mặt đại diện của Liên Hiệp Quốc
Trường Sơn, RFA, 13/11/2023
Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực quyền phát triển, tiến sĩ Surya Deva, hiện đang có chuyến thăm Việt Nam, nhằm tìm hiểu tình hình thực tế công tác thực hiện các cam kết của chính phủ sở tại, đối với lĩnh vực này.
Báo cáo viên đặc biệt về Quyền phát triển của Liên Hiệp Quốc, ông Surya Deva - X/Twitter Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc
Việc một Báo cáo viên Đặc biệt của Liên Hiệp Quốc được chính phủ Việt Nam chấp nhận cho tới thăm không phải là chuyện thường xuyên diễn ra, lần gần nhất là vào năm 2017 của vị báo cáo viên đặc trách vấn đề quyền lương thực.
Trong cuộc đón tiếp ông Deva diễn ra tại trụ sở của Bộ Ngoại giao hôm 7/11, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt tuyên bố Việt Nam "tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người", và khẳng định "luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển".
Tuyên bố trên trái ngược với bức tranh nhân quyền ảm đạm ở Việt Nam mà giới xã hội dân sự độc lập, và bất đồng chính kiến nêu ra. Khi nhà nước liên tiếp bị cáo buộc vi phạm nhân quyền, thông qua chiến dịch đàn áp những tiếng nói bất đồng trong những năm qua.
Để nhằm tìm hiểu tình hình thực tế ở Việt Nam, ông Surya Deva dự kiến sẽ có một lịch làm việc dày đặc. Theo báo nhà nước đưa tin thì vị đại diện của Liên Hiệp Quốc sẽ gặp với các cơ quan của chính quyền trung ương, và các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, và cả giới doanh nghiệp. Ngoài ra trong lịch trình còn kèm hoạt động đi thăm và gặp gỡ chính quyền một số địa phương.
Có thể dễ dàng nhận thấy điều thiếu vắng trong lịch làm việc bận rộn của ngài Báo cáo viên Đặc biệt là các tổ chức xã hội dân sự độc lập, và giới NGO (các tổ chức phi chính phủ).
Đài Á Châu Tự do đã liên lạc với các nhà hoạt động trong nước, và được biết sở dĩ không tổ chức nào tham gia làm việc với đại diện của Liên Hiệp Quốc, là vì "e ngại" sự trả đũa từ công an.
"Mọi người ngại các vấn đề nhân quyền và ngại tương tác với các cơ chế nhân quyền của Liên Hiệp Quốc. Trong bối cảnh bắt bớ thì lại càng ngại". Một nguồn tin của RFA cho biết.
Trong những năm gần đây, các tổ chức NGO đã trở thành mục tiêu của chính quyền, khi hàng loạt lãnh đạo của các tổ chức làm việc trong lĩnh vực biến đổi khí hậu đã bị bắt và bỏ tù, dưới tội danh "trốn thuế", mà nhiều người, kể cả các tổ chức nhân quyền quốc tế, đều cáo buộc là có động cơ chính trị đằng sau.
Mới nhất trong số này là bà Hoàng Thị Minh Hồng, một nhà hoạt động môi trường nổi tiếng quốc tế, bị tuyên án 3 năm tù dưới cáo buộc "trốn thuế" hồi tháng 9 năm nay.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng trong một cuộc biểu tình phản đối Formosa xả thải gây ô nhiễm bốn tỉnh miền Trung năm 2016. Facebook.
Ngoài ra, nhiều tổ chức NGOs khác cũng phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động, trong đó phải kể đến tổ chức Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Cộng đồng LIN, mà lý do theo nguồn tin từ nội bộ giới NGO, là do áp lực từ công an.
Trao đổi với đài RFA qua ứng dụng nhắn tin dưới điều kiện ẩn danh, một nhà hoạt động trong lĩnh vực NGO trong nước, cho biết suy nghĩ trước việc nhà nước liên tiếp sử dụng tội danh trốn thuế để buộc tội lãnh đạo các tổ chức phi chính phủ :
"Khi các tổ chức NGO được thành lập ở Việt Nam sau thời kỳ đổi mới, Nhà nước chỉ ban hành các quy định về việc thành lập và kiểm soát việc tiếp nhận tài trợ và hoạt động của các tổ chức này. Các quy định này cũng không toàn diện và thay đổi theo hướng ngày càng kiểm soát chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, Nhà nước không ban hành các quy định về kế toán. Do đó, các tổ chức đều ngạc nhiên và lúng túng khi nhà nước áp dụng chế độ kế toán, tài chính và nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp để kết tội trốn thuế cho lãnh đạo MEC, LPSD và gần đây là CHANGE.
Đây là cách nhà nước tùy tiện áp dụng quy định về thuế đối với doanh nghiệp cho các tổ chức phi lợi nhuận".
Ngoài việc truy tố và bắt giữ, phía công an còn thực hiện các biện pháp khác để ngăn cản các tổ chức NGO trong nước hoạt động, người này cho biết thêm :
"Công an không ra mặt nhưng có thể can thiệp để các khoản tài trợ nước ngoài không được phê duyệt hay các hoạt động hội họp không thể triển khai".
Trong quá trình làm việc tại Hà Nội, ông Surya Deva đã gặp đại diện của tổ chức Liên hiệp Các Tổ chức Hữu nghị Việt Nam (VUFO), đây là một tổ chức thuộc Mặt trận Tổ quốc của Đảng cộng sản.
Nhưng vai trò ít được biết đến hơn của tổ chức này, chính là quản lý các tổ chức NGO thông qua việc kiểm soát và xét duyệt nguồn viện trợ từ nước ngoài. Trong bối cảnh các NGO ở Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ tài chính từ các quốc gia và tổ chức quốc tế, thì nói cách khác, VUFO đang nắm quyền sinh sát đối với giới NGO trong nước.
Hồi tháng 9 năm nay, Báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam, cho đăng tải bài viết với tựa đề "Không được phép can thiệp, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đất nước và nhân dân Việt Nam". Với thông điệp mang tính cảnh cáo nhắm đến các tổ chức NGO.
Nội dung bài báo có đoạn cáo buộc nhiều tổ chức phi chính phủ "lợi dụng việc tổ chức, thực hiện, tham gia, tài trợ các dự án phi lợi nhuận để cổ súy các hoạt động không phù hợp với lợi ích quốc gia, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trái với đạo đức xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc".
Hệ quả của chiến dịch trấn áp các tổ chức phi chính phủ trong nước, là việc toàn bộ giới NGOs trở nên e dè, và tránh có những liên hệ trực tiếp với các tổ chức quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc.
Trao đổi với Đài RFA, tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, tổng giám đốc của tổ chức Ủy ban Cứu Người Vượt biển (BPSOS), một tổ chức có trụ sở ở Hoa Kỳ chuyên làm việc với Liên Hiệp Quốc để báo cáo về các vụ việc vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, cho biết lý do đằng sau việc nhà nước nỗ lực ngăn cản giới NGO liên hệ với Liên Hiệp Quốc :
"Từ năm 2019 cho tới giờ này thì Việt Nam luôn luôn là một trong số quốc gia đứng đầu ở trong số trường hợp hăm doạ và trả thù. Tại vì chính quyền Việt Nam tuy đã cam kết, nhưng không thực tâm muốn thực thi những cam kết của mình, và không muốn cho Liên Hiệp Quốc biết.
Lý do thứ hai là Việt Nam có tạo ra những tổ chức NGO giả, thành ra họ sắp xếp, để (đại diện Liên Hiệp Quốc) gặp những tổ chức đó, chứ không muốn cho quốc tế gặp những NGO thật. Bởi Việt Nam họ tuyên bố rằng họ cũng có xã hội dân sự, nhưng những tổ chức xã hội dân sự đó hoàn toàn do Đảng và nhà nước kiểm soát. Và họ không muốn chuyện đó bị lộ tẩy".
Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng phát biểu với Dân biểu Chris Smith về nạn tra tấn và lạm dụng đối với các tù nhân tôn giáo ở Việt Nam. Hình chụp tại Washington DC hôm 16/1/2014 - AFP
Bản thân Cao ủy Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc cũng đã xác thực hiện tượng các tổ chức phi chính phủ, và xã hội dân sự ở Việt Nam e dè hợp tác vì sợ bị nhà nước nhắm tới. Thông tin này được nêu ra trong bản Báo cáo Kết quả Thường niên Quốc gia năm 2022, trong đó nhấn mạnh :
"…các tổ chức phi chính phủ bị ảnh hưởng nhiều nhất là những tổ chức hoạt động về nhân quyền, bình đẳng giới và phân biệt đối xử, pháp quyền và quản trị. Các đối tác chính phủ và các tổ chức xã hội dân sự bày tỏ sự miễn cưỡng khi tham gia vào các cơ chế nhân quyền quốc tế, bao gồm cả các hoạt động đánh giá việc (Việt Nam- PV) thực thi các công ước quốc tế",.
Phóng viên của Đài Á Châu Tự do đã liên lạc qua email tới văn phòng của ông Surya Deva để xác minh về việc ông này không gặp các tổ chức phi chính phủ, và xã hội dân sự độc lập khi tới thăm Việt Nam, và được bị Báo Cáo viên Đặc biệt phản hồi rằng chỉ có thể bình luận sau khi thực hiện cuộc họp báo vào ngày 15/11.
Trước thềm chuyến thăm của vị Báo cáo viên Đặc biệt tới Việt Nam thì tổ chức Hiến chương 19, một tổ chức nhân quyền có trụ sở ở Vương quốc Anh, đã ra tuyên bố vị đại diện của Liên Hiệp Quốc gây sức ép lên chính quyền Hà Nội, nhằm cải thiện tình hình nhân quyền, đặc biệt là trong lĩnh vực tự do ngôn luận trên không gian mạng.
Trường Sơn
Nguồn : RFA, 13/11/2023