Thấy gì từ nỗ lực của Việt Nam thúc giục Mỹ công nhận nền kinh tế thị trường ?
VOA, 18/11/2023
Việt Nam đang ra sức kêu gọi Mỹ công nhận nền kinh tế của mình là kinh tế thị trường bằng "quyết sách chính trị" hơn là dựa trên những quy định của Mỹ mà Việt Nam cho là cứng nhắc trong bối cảnh hai nước tăng cường hợp tác sau khi chính thức nâng cấp quan hệ.
Tổng thống Joe Biden bắt tay Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thương khi ông đến dự đối thoại thân mật và ăn trưa làm việc tại hội nghị thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương thường niên, ngày 16/11/2023, tại San Francisco.
Nỗ lực của Việt Nam được thúc đẩy mới đây nhất với những phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC ở San Francisco, nơi ông đưa ra những bình luận về triển vọng của mối quan hệ Việt-Mỹ và trao đổi về những chính sách giúp thăng tiến quan hệ của hai nước.
Tai một cuộc hội luận hôm 15/11 tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, khi được hỏi về việc tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, ông Thưởng nói việc này sẽ hữu hiệu hơn nếu Mỹ công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam.
"Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị ; không nên theo quy định một cách cứng nhắc", ông nói thêm, theotường trình của Thông tấn Xã Việt Nam.
Lời đề nghị này trước đó đã được các nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam đưa ra với các quan chức Mỹ đến thăm, cả với Tổng thống Joe Biden khi ông đến Hà Nội vào tháng 9 để nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện.
Việc ông Thưởng gợi ý rằng Mỹ nên thay đổi cách định danh dựa trên những cân nhắc chính trị thay vì căn cứ theo những quy định của chính mình là chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng của một vấn đề mà các quan chức Việt Nam xem là "hết sức khẩn trương và cần thiết".
"Cái lợi cho Việt Nam là thuế sẽ thấp hơn, thuế nhập cảng, quan thuế", ông Đinh Xuân Quân, tiến sĩ kinh tế ở California từng có kinh nghiệm làm cố vấn ở Việt Nam, nhận định. "Những nước không được định danh là kinh tế thị trường thì bị xem xét kỹ hơn".
Việt Nam, nước nằm dưới sự kiểm soát độc quyền của Đảng cộng sản, mô tả nền kinh tế của mình là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Điều này có nghĩa là về căn bản nền kinh tế vận hành theo những quy luật của chủ nghĩa tư bản nhưng có sự quản lý và điều chỉnh của nhà nước, với các doanh nghiệp nhà nước nắm vai trò chủ đạo.
Các quan chức thương mại Việt Nam đã than phiền về việc Việt Nam bị Bộ Thương mại Mỹ định danh là "nền kinh tế phi thị trường", đưa tới hệ quả là hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Mỹ áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Giới chuyên gianhận định rằng thực trạng kinh tế Việt Nam khó đáp ứng được các tiêu chuẩn của Mỹ để được công nhận là một nền kinh tế thị trường. Đối với tiến sĩ Đinh Xuân Quân, việc Việt Nam thúc giục Mỹ đưa ra "quyết sách chính trị" để thay đổi cách định danh là một sự "hiểu lầm".
"Dù là kinh tế thị trường thì nhà đầu tư mới là người có quyền đầu tư chứ chính phủ không thể bắt buộc họ đầu tư được", ông nhận xét.
Tiến sĩ Khương Hữu Lộc, giáo sư giảng dạy chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, nói định nghĩa "kinh tế thị trường" không phải là một thước đo cố định mà có những mức độ khác nhau tùy theo từng quốc gia. Mỹ có lẽ là một trong những nước có nền kinh tế thị trường ở mức độ cao nhất trên thế giới, ông nói.
"Theo định nghĩa thuần túy về kinh tế thị trường của Mỹ thì Việt Nam không được coi là một nền kinh tế thị trường. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng sự định danh này ảnh hưởng đến mức đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam, miễn sao Việt Nam chứng tỏ được là không có vi phạm luật của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO", ông nhận định.
"Mà chúng ta nên nhớ rằng Bộ Thương mại định nghĩa như thế nào, ông Võ Văn Thưởng nói thế nào không thành vấn đề. Cái vấn đề lớn hơn là [quyết định] của những CEO của các công ty. Họ nghĩ rằng họ đầu tư vào Việt Nam thì hàng hóa họ được bán ra như thế nào theo thị trường, có bị nhúng tay bởi chính quyền hay không. Đó mới là điểm chính yếu".
Reuters hôm 7/11 cho biết hãng công nghệ Intel đã quyết định gác lại khoản đầu tư ở Việt Nam vớilý do rằng Việt Nam bị thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà. Việc này được xem là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng lớn của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip.
Dù vậy Việt Nam nhìn thấy những ích lợi rõ ràng trước mắt nếu được Mỹ định danh là nền kinh tế thị trường, được nói là có ý nghĩa "rất lớn" cho các ngành sản xuất và xuất khẩu.
"[Nó] tạo ra lợi thế cạnh tranh bình đẳng giữa hàng hóa của ta đối với hàng hóa xuất khẩu của các quốc gia khác khi mức thuế phòng vệ thương mại phản ánh đúng thực tiễn sản xuất tại Việt Nam", Trịnh Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương Mại Bộ Công Thương Việt Nam, nói trong một cuộcphỏng vấn với trang tin Vietnamnet hôm 13/11.
Bộ Thương mại Mỹ hôm 24/10thông báo sẽ bắt đầu xem xét tình trạng nền kinh tế phi thị trường của Việt Nam, sau khi chính phủ Việt Nam vào tháng 9 đã đệ trình chính thức yêu cầu bộ coi nước này là nền kinh tế thị trường dựa trên những cải cách kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.
Bộ Thương mại nói sẽ "xem xét cẩn thận" các thông tin do chính phủ Việt Nam đệ trình liên quan đến cải cách thị trường và sẽ hoàn thành việc xem xét nhanh nhất có thể, theo luật pháp Mỹ. Bộ có 270 ngày để hoàn thành việc duyệt xét này, bao gồm cả thời gian lấy ý kiến công chúng trước khi đưa ra quyết định.
Nguồn : VOA, 18/11/2023
*************************
Chủ tịch Thưởng : Mỹ nên xem xét dỡ bỏ hạn chế xuất khẩu chip, chất bán dẫn đối với Việt Nam
VOA, 17/11/2023
Hôm 16/11, khi tham dự diễn dàn APEC tại Mỹ, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng kêu gọi các nước phát triển hãy hỗ trợ các nước đang phát triển trong khối này về biến đổi khí hậu, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại việc Việt Nam bị liệt trong nhóm nước mà Washington đã hạn chế xuất khẩu chip, chất bán dẫn.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu trước diễn đàn Thượng đỉnh APEC ngày 16/11/2023.
Tại thành phố San Francisco, Hoa Kỳ, trưa ngày 16/11, giờ địa phương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Đối thoại không chính thức và ăn trưa làm việc giữa 20 nhà lãnh đạo APEC và các lãnh đạo khách mời từ Colombia, Fiji, Ấn Độ.
Ông Thưởng nói rằng quan điểm của Việt Nam là coi ứng phó biến đổi khí hậu là ưu tiên trong quyết sách phát triển quốc gia và cam kết mạnh mẽ về đạt phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050, giảm phát thải methane, bảo vệ rừng và chuyển đổi năng lượng, theo Thông Tấn Xã Việt Nam.
Bên cạnh Tổng thống nước chủ nhà Joe Biden tại buổi đối thoại, Chủ tịch Thưởng nhấn mạnh Việt Nam là 1 trong 3 quốc gia đang phát triển đầu tiên tham gia Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cùng với Nhóm các đối tác quốc tế. Ông Thưởng kêu gọi các nước phát triển, các đối tác quốc tế tăng cường chia sẻ thành quả khoa học - công nghệ, đóng góp tài chính, khẩn trương đưa Quỹ Tổn thất và Thiệt hại vào hoạt động để hỗ trợ các nước đang phát triển, các nước kém phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát biểu tại đối thoại này, ông Biden nhắc lại việc Việt Nam "rất muốn, rất muốn gặp tôi và nâng cao mối quan hệ" như đã diễn ra hồi tháng 9, trong đó ông đề cao vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng. Nhà lãnh Hoa Kỳ cam kết thúc đẩy quan hệ kinh tế với khối này : "Chúng tôi không đi nơi nào khác", theo thông cáo của Nhà Trắng hôm 16/11. "Chúng tôi sẽ sớm trở thành đối tác mạnh mẽ và ổn định của quý vị khi chúng ta tiếp tục hợp tác để hiện thực hóa khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tự do và cởi mở, thịnh vượng và an toàn, kiên cường và kết nối".
Trước khi diễn ra cuộc đối thoại này, ông Thưởng đã có các cuộc trao đổi với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio nhằm tiếp tục thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với các đối tác và trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, vẫn theo TTXVN.
Các nhà lãnh đạo APEC dự đối thoại ngày 16/11/2023.
Trước đó, hôm 15/11, phát biểu tại buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ (CFR), ông Thưởng đề nghị Mỹ "cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn", đồng thời nói thêm rằng Việt Nam cũng mong muốn Mỹ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này, theo trang VN Express.
Ông Thưởng nêu rõ rằng Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao. Ông cũng lặp lại yêu cầu đề nghị Hoa Kỳ cần công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam, và nên thực hiện điều này này bằng "quyết sách chính trị", chứ "không nên theo quy định một cách cứng nhắc", theo Cổng thông tin Chính phủ.
Cũng trong sự kiện này, ông Thưởng nói rằng Việt Nam xác định Mỹ là "đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình", vẫn trang VnExpress.
Từ tháng 10/2022, Hoa Kỳ đã bước vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Trung Quốc khi áp đặt hàng loạt hạn chế sâu rộng trong lĩnh vực xuất khẩu bán dẫn và thiết bị đúc chip tiên tiến. Mỹ cấm các doanh nghiệp của mình tham gia hay hỗ trợ phát triển, sản xuất bán dẫn với các công ty Trung Quốc mà không có giấy phép.
Vào tháng 10/2023, Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) của Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành ba quy tắc để cập nhật cácbiện pháp kiểm soát xuất khẩu được ban hành tháng 10/2022 đối với chất bán dẫn điện toán tiên tiến, thiết bị sản xuất chất bán dẫn và các mặt hàng hỗ trợ ứng dụng và mục đích sử dụng siêu máy tính, trong đó mở rộng các yêu cầu cấp phép cho mạch tích hợp tiên tiến (IC) cũng như công nghệ và phần mềm liên quan để áp dụng cho việc xuất khẩu vào Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, Việt Nam, Campuchia, và một số nước khác.
Tổng thống Biden nói tại Đối thoại hôm 16/11 với sự có mặt của ông Thưởng : "Hồi tháng 9, khi tôi đến Việt Nam, như tôi đã đề cập hồi nãy, để đánh dấu một giai đoạn lịch sử mới trong quan hệ đối tác giữa hai nước, chúng ta đã cam kết hợp tác cùng nhau để củng cố chuỗi cung ứng chất bán dẫn".
"Qua chuyến đi của ông Võ Văn Thưởng, chúng ta vẫn chưa thấy một tuyên bố chung nào được đưa ra, nhưng tôi thấy hình như đây là một hình thức cho thấy sự hiện diện của Việt Nam với vai trò quan trọng trong APEC. Chứ đi sâu vào thành quả của chuyến đi này thì chưa thấy chuyến đi để thể hiện hay mưu tìm một sự đổi mới sau khi Đối tác Chiến lược Toàn diện giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được ban hành", ký giả tự do Trọng Đoàn ở California, người thường xuyên theo dõi các hoạt động đối ngoại của Việt Nam, nêu nhận định với VOA.