Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

20/11/2023

Không khí đàn áp trong nước - Giải nhân quyền Việt Nam 2023

RFA tiếng Việt

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam : Chính phủ ngược đãi người thiểu số Tây Nguyên một cách có hệ thống !

RFA, 20/11/2023

Chính quyền cộng sản Việt Nam tiếp tục kỳ thị và ngược đãi người Thượng ở Tây Nguyên một cách có hệ thống, theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam việc này "bắt nguồn từ sự nghi ngờ lòng trung thành của họ đối với chế độ hiện hành".

nhanquyen1

Ngày 20/2/2023, người dân tộc thiểu số K’Ho ở thôn K’Ren, xã Hiệp An, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng biểu tình đòi đất bị cảnh sát cơ động đàn áp - Người Thượng Vì Công lý

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam (VNHRN), tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ hôm 18/11 công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023  (gọi tắt là Báo cáo) qua đó nêu bật sự đàn áp của nhà nước độc đảng đối với những sắc dân bản địa ở Tây Nguyên.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng, Trưởng Ban điều hành của VNHRN cho hay, chính quyền do đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo từ sau 1975 ngược đãi các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên một cách có hệ thống như lấy đất đai để cho các công ty lớn khai thác và di dân ồ ạt từ các tỉnh thành dẫn đến một số vụ nổi dậy của người dân bản địa, đặc biệt là vụ tháng 6 vừa qua ở Đắk Lắk.

Theo ông, bên cạnh việc cướp đất đai của người bản địa, Hà Nội cũng không cho họ quyền tự do tôn giáo. Ông Tùng giải thích với RFA trong ngày 18/11 :

"Chính quyền cho rằng chính các tổ chức tôn giáo trong cộng đồng người sắc tộc là đầu mối của tình trạng bất an đó và họ thẳng tay đàn áp bằng nhiều hình thức như : bắt bớ những lãnh đạo tôn giáo người sắc tộc với những tội danh như ‘phá hoại chính sách đoàn kết dân tội’ hoặc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ như đối với ông Y Wo Niê, người mà chúng tôi trao giải Nhân quyền năm nay".

Ông cho biết trong nhiều thập niên qua, rất nhiều người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên theo đạo Tin Lành nhưng trong nhiều năm gần đây, nhà nước còn bắt ép họ bỏ đạo nhất là đối với những người trong các tổ chức tôn giáo chưa đăng ký.

Theo Báo cáo, Hà Nội chỉ công nhận 10 tổ chức thuộc Tin Lành và coi khoảng 70 tổ chức còn lại là bất hợp pháp. Về quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng nói chung, Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nhận định :

"Chính quyền đã xâm nhập sâu hơn các tổ chức tôn giáo. Giáo hội Phật giáo Việt Nam bây giờ chỉ là công cụ của nhà nước biến chất thành hủ tục mê tín dị đoan. Nhà nước tìm cách xoá xổ các nhóm tôn giáo không được thừa nhận".

Báo cáo cho rằng, hành động của các cơ quan chức năng Việt Nam bắt nguồn từ sự nghi ngờ lòng trung thành của các sắc dân thiểu số ở Tây Nguyên đối với chế độ.

Trong thời gian trước 1975, những nhóm sắc dân nầy đã có nhiều liên hệ với chính quyền Miền Nam cũng như quân đội Hoa Kỳ, và sau 1975 chính quyền cộng sản luôn coi việc theo đạo Tin Lành của dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên như là một mối đe dọa chính trị đối với chế độ.

Cũng theo Báo cáo, đối với sắc dân thiểu số Khmer ở một số tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long, chính quyền còn đi xa hơn nữa khi nhân danh "sự thống nhất quốc gia" để phủ nhận quyền của người Khmer Krom.

Trong năm 2022-2023, ít nhất có sáu người Khmer Krom bị câu lưu, tra hỏi và cáo buộc vi phạm luật hình sự, trong lúc họ chỉ tìm cách phổ biến các tài liệu của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền trong đó có Tuyên bố về quyền của người bản địa (DRIP).

Luật sư cũng phải trốn chạy

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng cho biết vi phạm các quyền trong lĩnh vực tư pháp ở Việt Nam rất trầm trọng và bản thân luật sư cũng không thể tự bảo vệ mình. Ông nói với RFA :

"Việc vi phạm thủ tục tố tụng rồi nạn chạy án gia tăng, các luật sư cũng phải trốn chạy, như các luật sư của Thiền am bên bờ vũ trụ phải chạy sang Mỹ tị nạn là một bằng chứng".

Ba luật sư bào chữa cho những người tu tại gia của Tịnh thất Bồng Lai (Thiền am bên bờ vũ trụ) gồm các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Đào Kim Lân đến Mỹ tị nạn hồi tháng 6 sau thông báo truy tìm của Công an tỉnh Long An.

Một luật sư bảo vệ cho các thân chủ trong các vụ án chính trị là ông Võ An Đôn hồi tháng rồi cũng đến tị nạn chính trị tại tiểu bang Arkansas, Hoa Kỳ sau một năm bị Bộ Công an cấm xuất cảnh, ngăn chặn ông đi định cư.

Trong khi đó, hầu hết các luật sư còn lại cũng bị các cơ quan tố tụng như công an điều tra, Viện Kiểm sát, và ngay cả Hội đồng Xét xử chèn ép, và nhiệm vụ của họ trong hầu hết các vụ án chỉ là xin khoan hồng cho thân chủ.

Báo cáo khẳng định, "Nền tư pháp Việt Nam què quặt không những ở số lượng luật sư ít ỏi, trình độ nhận thức nghề nghiệp và kỹ năng chuyên môn của đa số luật sư còn thấp, mà nhất là vì sự lệ thuộc của tổ chức những người hành nghề luật sư vào Đảng cộng sản Việt Nam".

Người hoạt động môi trường bị tống giam

Trong thời gian từ giữa năm 2021 đến nay, có năm (05) nhà hoạt động môi trường và lãnh đạo xã hội dân sự bị tống giam về tội danh "trốn thuế" trong khi chuyên gia về năng lượng sạch Ngô Thị Tố Nhiên bị bắt với cáo buộc "chiếm đoạt tài liệu".

Các ông Đặng Đình Bách, Mai Phan Lợi, Bạch Hồng Dương và các bà Ngụy Thị Khanh, Hoàng Thị Minh Hồng bị kết án đến năm năm tù giam. Hiện luật sư Đặng Đình Bách đang bị chèn ép bởi quản giáo trong Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An).

Tiến sĩ Nguyễn Bá Tùng nói :

"Về quyền được hưởng môi sinh lành mạnh, Nhà nước hô hào và được viện trợ hàng chục tỷ đô la để cải thiện môi trường sống nhưng họ lại tống giam những người hoạt động môi sinh có khả năng nhất và những tội danh vu khống như là tội trốn thuế chẳng hạn".

Ông tổng kết về tình hình nhân quyền Việt Nam trong năm qua :

"Báo cáo năm nay cho thấy mức vi phạm của Nhà nước Việt Nam đối với các cái quyền căn bản của người dân trầm trọng hơn, từ quyền an ninh thân thể, quyền được xét xử bởi tòa án độc lập, quyền được tham gia đời sống chính trị, quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo an sinh…".

Phóng viên gửi email cho Bộ Ngoại giao Việt Nam với đề nghị bình luận về Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 nhưng chưa nhận được ngay phản hồi.

Trong những năm trước, Bộ Ngoại giao Việt Nam thường im lặng về báo cáo của Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam.

Chỉ có một số tờ báo dưới sự quản lý chặt chẽ của Ban Tuyên giáo Trung ương thường viết bài với nội dung coi các báo cáo này "xuyên tạc phản ánh một cách phiến diện, thiếu khách quan, minh bạch về thực tiễn tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam".

Nguồn : RFA, 20/11/2023

*************************

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động đang bị giam giữ

RFA, 19/11/2023

Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam tại hải ngoại hôm 18/11 công bố Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023 cho ba nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam.

nhanquyen2

Ba khôi nguyên Giải Nhân Quyền Việt Nam 2023, từ trái, ông Trần Văn Bang, ông Y Wô Niê, và ông Lê Trọng Hùng. Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

Ba người được nhận giải năm nay bao gồm ông Trần Văn Bang (sinh năm 1961), ông Y Wô Niê (sinh năm 1970), và nhà báo độc lập Lê Trọng Hùng (sinh năm 1979).

Nhà hoạt động Trần Văn Bang tham gia Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, một nhóm trí thức phần lớn xuất thân là những đảng viên cộng sản Việt Nam phản tỉnh, lên tiếng về các vấn đề của đất nước, phản biện lại chủ trương độc tài đảng trị của chế độ.

Ông Bang bị bắt hôm 1/3/2022 với cáo buộc "Tuyên truyền chống Nhà nước). Vào ngày 12/5/2023, ông bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án tù tám năm và ba năm quản chế. Hiện sức khoẻ của ông Bang trong tù đang bị suy giảm nghiêm trọng nhưng không được chăm sóc đầy đủ và kịp thời.

Ông Y Wô Niê là người theo Thiên chúa giáo thuộc sắc tộc Ê-Đê. Ông là người đã nhiều lần lên tiếng phản đối chính sách đàn áp tôn giáo của Chính phủ đối với người thiểu số. Vì các hoạt động của mình, ông đã bị kết án tù hai lần. Lần đầu vào năm 2005 với án tù chín năm tù theo cáo buộc "Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc". Lần thứ hai, ông bị Tòa án Nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk hôm 20/5/2022 tuyên án bốn năm tù với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân" theo Điều 331 Bộ luật hình sự.

Nhà báo tự do Lê Trọng Hùng từng tham gia vào một chương trình truyền hình trên mạng xã hội chuyên nói về tình cảnh của dân oan có tên "Phong trào chấn hưng nước Việt". Vào năm 2017 ông lập "Chấn Hưng TV" trên mạng Facebook để phổ biến kiến thức pháp luật mà chủ yếu là Hiến pháp. Ông cũng từng nộp hồ sơ tự ứng cử vào Quốc hội vào năm 2021. Ông bị tòa án ở Hà Nội hôm 31/12/2021 tuyên án tù năm năm và năm năm quản chế với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng Hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo điều 117 Bộ luật Hình sự 2015.

Cũng nhân dịp này, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam đã công bố Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022 - 2023. Theo báo cáo này, dù được bầu là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào năm 2022 nhưng hồ sơ nhân quyền của Việt Nam không có gì cải thiện.

Báo cáo cho biết chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2022 đến 15/10/2023 Việt Nam đã truy tố 123 và kết án tù 98 người vì ly do chính trị và tôn giáo ; 25 người khác còn trong quá trình tạm giam để điều tra.

Theo Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam, đây là Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 21 kể từ ngày được thành lập vào năm 2002. Trong 21 năm liên tục đã có 60 cá nhân và sáu tổ chức nhận Giải Nhân Quyền Việt Nam.

Nguồn : RFA, 19/11/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 409 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)