Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/01/2024

Hà Nội khó che lấp tình trạng nhân quyền tồi tệ trong nước

Thục Quyên - RFA

Ngoại giao Đức : Thương mại, nhân quyền và chuyển đổi năng lượng công bằng

Thục Quyên, BBC, 27/01/2024

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier minh họa sống động đường lối ngoại giao của nền kinh tế số một EU.

vietduc1

Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier và Chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Hà Nội ngày 23/1/2024

Sự chú ý hợp tác ngày càng tăng với các nước Đông Á và cuộc chiến Ukraine có liên quan nhiều đến nhau.

Sau khi quay lưng với Nga, Đức đang định lại vị trí của mình về mặt chính trị và kinh tế. Ngoài ra, mối quan hệ với Trung Quốc và sự phụ thuộc kinh tế của Đức hiện được xem xét nghiêm túc hơn nhiều, so với chỉ vài năm trước.

Hàn gắn sau vụ Trịnh Xuân Thanh

Công thức ngắn gọn có thể là : cách xa Trung Quốc hơn và hợp tác nhiều hơn với các nước láng giềng của Trung Quốc - chẳng hạn Việt Nam.

Trong chiều hướng đó, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier đã cùng Bộ trưởng Lao động và Xã hội Hubertus Heil và một phái đoàn kinh doanh đã đến thăm Việt Nam và Thái Lan, với trọng tâm là thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Đối với Việt Nam, Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất ở Châu Âu và là nhà đầu tư quan trọng thứ tư, với thương mại song phương hiện đạt 18 tỉ euro. "Dù vậy, tiềm năng quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta còn rất nhiều", Tổng thống Steinmeier đánh giá.

Xét về diện tích, Việt Nam gần bằng Đức nhưng với dân số gần 100 triệu hiện nay thì Việt Nam hơn Đức khoảng 15 triệu người.

Quan hệ Việt Nam và Đức có sự đóng góp đáng kể của cộng đồng người Việt tại Đức.

Từ thập niên 1950, hơn 300 sinh viên Việt Nam đã tới Cộng hòa Dân chủ Đức học tập. Trong giai đoạn Chiến tranh Việt Nam, thanh niên Việt Nam tiếp tục đến học tại cả Cộng hòa Dân chủ Đức lẫn Cộng hòa Liên bang Đức. Thập niên 1980 chứng kiến hàng chục ngàn người lao động Việt Nam đến Cộng hòa Dân chủ Đức. Con số này lên tới 60.000 vào thời điểm Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.

Bên cạnh đó, sau Chiến tranh Việt Nam, khoảng 40.000 thuyền nhân chạy trốn sự áp bức của chính quyền cộng sản trên những chiếc thuyền vượt Biển Đông đã được tị nạn tại Cộng hòa Liên bang Đức.

Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức, năm 2022, có khoảng 207.000 người gốc Việt sống tại Đức.

Truyền thông Đức đánh giá nguyên nhân thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa Đức và Việt Nam, một trong những quốc gia cộng sản cuối cùng, là việc thiếu lao động có tay nghề tại Đức, hiện lên khoảng 2 triệu người.

Cộng hòa Liên bang Đức và Việt Nam đã được liên kết trong mối quan hệ "đối tác chiến lược" kể từ năm 2011. Tuy nhiên, cuối năm 2017, mối quan hệ đối tác này đã bị đình trệ liên quan đến sự việc ông Trịnh Xuân Thanh biến mất tại Berlin.

vietduc2

Sáu năm sau cáo buộc Việt Nam "bắt cóc" Trịnh Xuân Thanh ngay ở Berlin, chính phủ Đức vẫn đang điều tra và truy nã những nghi phạm liên quan.

Chính quyền Việt Nam loan tin ông này đã tự nguyện trở về đầu thú, nhưng phía Đức khẳng định đây là một vụ bắt cóc và là "sự vi phạm hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với luật pháp quốc tế và sự vi phạm lòng tin".

Liên quan tới vụ việc, Đức đã trục xuất hai nhà ngoại giao, trong đó có Nguyễn Đức Thoa, sĩ quan tình báo Việt Nam tại Berlin, người có vai trò quan trọng trong việc theo dõi Trịnh Xuân Thanh.

Năm 2018, tòa án tại Berlin đã kết án một người ba năm mười tháng tù liên quan đến vụ bắt cóc, đến năm 2023, kết án thêm người thứ hai với mức án năm năm tù.

Sau vụ bắt cóc, các dự án hợp tác kinh tế vẫn được tiếp tục nhưng không có dự án mới nào được khởi động. Đại diện Chính phủ Đức chỉ hội đàm ở cấp chuyên viên và các nhà ngoại giao Việt Nam bị loại khỏi danh sách mời của Bộ Ngoại giao. Hiệp định thương mại tự do của EU với Việt Nam khi đó chưa được phê chuẩn cũng bị đình trệ một thời gian.

Cuối năm 2018, Đức giảm bớt áp lực và sau nhiều thương lượng ở hậu trường, hầu hết các biện pháp trừng phạt ngoại giao đã được dỡ bỏ. Điều này xuất phát từ việc Đức muốn khôi phục và thúc đẩy trở lại hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam năng động. Một phần nữa là do lợi ích về chính sách an ninh, khi Việt Nam là láng giềng của Trung Quốc.

Tháng 11/2022, Thủ tướng Olaf Scholz đã có mặt tại Hà Nội để bắt đầu vực lại mối quan hệ giữa hai nước.

Một tháng sau, văn phòng Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức đã chính thức yêu cầu Ủy ban Châu Á-Thái Bình Dương các doanh nghiệp Đức (Asien-Pazifik-Ausschuss, APA) thăm dò và chuẩn bị thành lập một phái đoàn doanh nghiệp gồm các đại diện công ty cỡ lớn và cỡ trung bình để tháp tùng Tổng thống Steinmeier trong chuyến công du của ông tại Việt Nam và Malaysia dự định từ ngày 13/2 tới 19/2/2023.

Sau đó, tuy văn phòng Tổng thống Đức không đưa ra lý do, Campuchia đã được đưa vào lịch trình của Tổng thống Steinmeier sau khi chuyến đi theo kế hoạch của ông tới Việt Nam bị hủy. Sự việc này xảy ra ngay sau thời điểm có một "cơn địa chấn" tại Hà Nội : Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc bị miễn nhiệm.

Thông điệp nhân quyền

Cuộc viếng thăm bị trễ hẹn gần một năm của Tổng thống Steinmeier, diễn ra trong hai ngày 23 và 24/1/2024, được truyền thông Việt Nam đồng loạt hân hoan đưa tin là đạt kết quả mĩ mãn.

Tuy nhiên, có những nhắn nhủ quan trọng của vị khách Châu Âu đã bị truyền thông nước chủ nhà lờ đi.

Trong bài nói chuyện tại Đại học Việt Đức (Bình Dương), Tổng thống Đức đã nhắc đến nhiều chủ đề mà theo ông là đóng một vai trò quan trọng trong cuộc thảo luận ngày hôm trước của ông tại Hà Nội với giới lãnh đạo Việt Nam.

"Chúng tôi chờ đợi để chứng kiến việc Việt Nam trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc từ năm 2023 đến năm 2025 như là một cam kết đối với sự phát triển của xã hội dân sự và tuân thủ nhân quyền".

Ông nói rằng "còn có một số khác biệt cản trở sự hợp tác của chúng ta hoặc gây nhiều lo ngại cho chúng tôi – chẳng hạn các vấn đề liên quan đến tự do báo chí, tự do ngôn luận".

vietduc0

Học sinh Việt Nam vẫy cờ trong lễ đón Thủ tướng Đức Frank-Walter Steinmeier tại Hà Nội, ngày 23/1/2024

Nhắc tới quan hệ đối tác quốc tế Chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP), Tổng thống Steinmeier hứa sẽ hỗ trợ song phương Việt Nam trong việc giải quyết nhiệm vụ khó khăn này. Ông nhấn mạnh đến việc tuân thủ các quy tắc chung, đồng thời nói rằng chính sách bảo mật là tiêu chuẩn cho một mối quan hệ hợp tác đáng tin cậy và tin tưởng lẫn nhau.

Đức cam kết ủng hộ việc áp dụng và thực thi Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển ở Biển Đông. Bên cạnh đó, trong bối cảnh các quy tắc bảo đảm trật tự an ninh thế giới bị vi phạm trắng trợn ở các khu vực khác - chẳng hạn khi Nga tấn công Ukraine, vi phạm luật pháp quốc tế - thì Đức cũng muốn có được sự ủng hộ tương tự đối với một trật tự dựa trên luật pháp và sự tin tưởng.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã nghênh đón vị khách quý và, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Steinmeier, đã đề nghị Đức hỗ trợ việc phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên Hiệp Châu Âu. Đề nghị của ông Thưởng được đưa ra trong bối cảnh hiệp định này đang đặc biệt tùy thuộc vào sự lên tiếng của các tổ chức phi chính phủ về tình trạng nhân quyền "u ám" năm 2023 tại Việt Nam, mới nhất là sự phản đối của Liên minh Bảo vệ Khí hậu tại cuộc họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu quốc tế (COP28) về việc bắt giữ luật sư môi trường Đặng Đình Bách.

Thục Quyên

Nguồn : BBC, 27/01/2024

************************

Theo dõi Nhân quyền : Chính phủ Việt Nam đuối lý khi công kích tổ chức phi chính phủ quốc tế !

RFA, 27/01/2024

"Chính phủ Việt Nam có hai mặt về nhân quyền, nói bất cứ điều gì họ nghĩ sẽ có lợi cho họ về mặt chính trị, và công kích các nhà hoạt động ở Việt Nam, hoặc các tổ chức phi chính phủ quốc tế như tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì đi ngược lại với sự tuyên truyền không có thật của chế độ độc đảng ở Đông Nam Á".

vietduc3

Hình ảnh 6 nhà hoạt động bị công an bắt bỏ tù trong năm 2023 vì các hoạt động ôn hoà trong báo cáo của Theo dõi Nhân quyền - HRW

Đó là lời nhận xét của ông Phil Robertson, Phó Giám đốc Phân ban Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), phản bác lại tuyên bố của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng trong buổi họp báo thường kỳ ngày 25/1.

Trước đó, tổ chức chuyên giám sát nhân quyền của các nước trên thế giới công bố Phúc trình Toàn cầu 2024 trong đó phần về Việt Nam nói rằng, trong năm qua chính quyền "đã đè nén các quyền dân sự và chính trị cơ bản và trừng phạt nặng nề những ai dám thách thức vị thế độc tôn quyền lực của Đảng cộng sản Việt Nam. 

Nhà cầm quyền Việt Nam tiếp tục cấm thành lập công đoàn lao động độc lập và các tổ chức nhân quyền cũng như đặt các nhóm tôn giáo độc lập ra ngoài vòng pháp luật".

Hai tuần sau, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao tuyên bố "Việt Nam hoàn toàn bác bỏ và lên án cái gọi là tổ chức Theo dõi Nhân quyền vì những nội dung sai sự thật, bịa đặt trong báo cáo".

Bà Hằng còn nói đây không phải là lần đầu tiên tổ chứccó trụ sở ở New York (Hoa Kỳ) đưa ra "những luận điệu vu cáo, định kiến với ý đồ xấu nhằm vào Việt Nam, âm mưu phá hoại sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam, chia rẽ Việt Nam với cộng đồng quốc tế".

Ông Phil Robertson trong tin nhắn gửi Đài Á Châu Tự Do (RFA) ngày 26/1 khẳng định, phát ngôn của chính Bộ Ngoại giao đúng như những gì ông tiên đoán họ sẽ nói ra, đó là "phủ nhận mọi chuyện và tấn công người đưa tin". 

"Đây là biện pháp bảo vệ cuối cùng của một chính phủ đã có bước lùi xa về nhân quyền đến mức họ thực sự không còn lý do chính đáng nào để tuyên bố rằng họ tuân theo bất kỳ công ước nhân quyền quốc tế nào mà họ đã phê chuẩn.

Mọi quyền dân sự và chính trị, dù là quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp hay quyền tự do lập hội, đều đang bị chính quyền Việt Nam vi phạm một cách có hệ thống", ông Phil nhấn mạnh. 

Chuyên gia về nhân quyền Việt Nam của HRW cho rằng thật là lố bịch và buồn cười khi chính phủ Việt Nam tuyên bố rằng, tăng trưởng kinh tế có nghĩa là Việt Nam đang thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình về nhân quyền.

Ông nhắc lại rằng trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) dưới thời chính quyền của Tổng thống Obama, một phái đoàn của chính phủ Việt Nam đã đến thăm Văn phòng của HRW ở Washington, DC cùng với các quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và hai bên đã có một cuộc thảo luận hiệu quả về những gì phía Việt Nam cần làm để thực hiện các nghĩa vụ nhân quyền quốc tế của mình.

"Điểm mấu chốt là Chính phủ Việt Nam có hồ sơ nhân quyền tồi tệ thứ hai ở ASEAN sau chính quyền quân sự tàn bạo ở Myanmar, và Hà Nội đang tiến hành triệt phá một cách có hệ thống tất cả các nhóm xã hội dân sự nằm ngoài tầm kiểm soát của chính phủ. 

Lý do duy nhất khiến người dân Việt Nam không bày tỏ sự bất bình trước chính phủ là vì họ quá sợ phải đối mặt với hàng loạt sự giám sát, quấy rối và đàn áp dành cho bất kỳ ai chỉ trích chính phủ", ông Phil Robertson nói. 

Là người theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam trong nhiều năm và gặp gỡ nhiều nhà hoạt động địa phương, ông Phil Robertson khẳng định :

"Im lặng không có nghĩa là đồng ý, và người dân Việt Nam muốn nhân quyền của họ được tôn trọng - bất chấp những khẳng định sai lầm mà chính phủ đưa ra nhân danh người dân".

Trong báo cáo của mình, HRW nói Việt Nam hiện đang giam giữ hơn 160 người chỉ vì thực hành các quyền dân sự và chính trị của mình một cách ôn hoà. Chỉ tính riêng trong mười tháng đầu năm 2023, có ít nhất 28 người vận động cho nhân quyền đã bị kết án với những bản án tù nhiều năm, trong đó có blogger của RFA Nguyễn Lân Thắng và các ông Trần Văn Bang, Bùi Tuấn Lâm và Đặng Đăng Phước. 

Thực trạng quyền con người ở trong nước 

Là người theo dõi chặt chẽ tình hình nhân quyền Việt Nam từ Thuỵ Điển, bà Hoàng Minh Trang, thạc sĩ chuyên ngành Quyền và Thực hành quyền, phát biểu với RFA :

"Báo cáo của HRW phản ánh đúng sự thật về tình hình nhân quyền của Việt Nam năm 2023, đặc biệt là việc Chính phủ Việt Nam gia tăng đàn áp các nhà hoạt động xã hội dân sự".

Bà cho rằng Hà Nội cần chấm dứt việc sử dụng thành tích kinh tế để lấp liếm cho tình hình nhân quyền tệ hại trong nước. Theo bà, tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 5,05% trong năm 2023 và kém xa mục tiêu 6,5% do Quốc hội đặt ra trước đó. Do vậy, ở cả hai khía cạnh kinh tế và nhân quyền, Chính phủ Việt Nam đều "không có gì để tự hào cả !"

Bình luận về phản bác của Việt Nam đối với báo cáo của HRW, một nhà hoạt động nhân quyền ở thành phố Hồ Chí Minh, nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh :

"Nhà nước Việt Nam luôn nói các báo cáo của quốc tế chỉ trích về tình hình nhân quyền và tự do ngôn luận ở Việt Nam là bịa đặt, nói xấu, nhưng không không giải thích được là các báo cáo bịa đặt và nói xấu nhằm mục đích làm gì.

Nói về nói xấu và bịa đặt, Hà Nội là người giỏi hơn ai hết, khi vu cáo cho hơn 160 người phải vào tù vì những tội không tưởng như ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ’ hay ‘tuyên truyền chống nhà nước’... 

Và thậm chí trơ trẽn đến mức vu cáo tội ‘trốn thuế’ cho nhiều người hoạt động môi trường đã hoạt động nhiều năm, mà trước đó không bao giờ bị chất vấn về những điều này".

Trong nhiều năm gần đây, các tổ chức nhân quyền quốc tế đều đưa ra những báo cáo về thực trạng nhân quyền xấu đi từng ngày ở Việt Nam.

Đầu tháng 12/2023, tổ chức Liên minh Xã hội Dân sự Toàn cầu (CIVICUS) xếp hạng Việt Nam vào nhóm 28 quốc gia trên thế giới có không gian dân sự đóng.

Cuối tháng trước, tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) xếp Việt Nam đứng thứ tư trong nhóm năm quốc gia rủi ro nhiều nhất đối với các nhà báo trong năm nay, chỉ xếp sau Trung Quốc, Myanmar và Belarus.

Trong khi đó, tổ chức Uỷ ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) nói Việt Nam nằm trong số năm quốc gia bỏ tù nhiều nhà báo nhất thế giới trong năm 2023 với tổng số 19 nhà báo đang bị cầm tù, chỉ đứng sau các nước Trung Quốc, Myanmar, Belarus và Nga.

Trong nhiều năm gần đây, Ủy hội về Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) liên tục đề nghị Chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào Danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì đàn áp tôn giáo.

"Nói theo cách của ông Nguyễn Phú Trọng, thì mình đã làm thế nào mà suốt cả thập niên không có tổ chức nào nói tốt về dân quyền, tự do ngôn luận, và tín ngưỡng ở Việt Nam", nhà hoạt động nhân quyền ở Thành phố Hồ Chí Minh mỉa mai.

 

Nguồn : RFA, 27/01/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thục Quyên, RFA tiếng Việt
Read 149 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)