Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/11/2019

Hiệp định EVFTA và nhân quyền tại Việt Nam có đi chung một đường ?

An Viên - Tử Dương

EVFTA : nhân quyền mờ nhạt và sự nhún nhường từ EU ?

An Viên, VNTB, 07/11/2019

Như vậy, đây là lần thứ hai các tổ chức phi chính phủ Việt Nam lên tiếng về Hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam.

evfta1

Trong bối cảnh, tại Việt Nam, "vi phạm nhân quyền lan rộng và nghiêm trọng".

Vào 18/1/2019, 18 tổ chức phi chính phủ kêu gọi EU hoãn bỏ phiếu về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam, trong thư kêu gọi "Hội đồng và Nghị viện EU hoãn ký thông qua về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) cho đến khi Chính phủ Việt Nam cho thấy những cải tiến cụ thể làm xấu đi hồ sơ nhân quyền".

Và sau gần một năm, vào ngày 4/11/2019, một lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU "hoãn chấp thuận Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Thỏa thuận bảo vệ đầu tư nhân quyền (IPA) cho đến khi đạt được các tiêu chuẩn nhân quyền nhất định của chính phủ Việt Nam". Trong bối cảnh, tại Việt Nam, "vi phạm nhân quyền lan rộng và nghiêm trọng".

Điểm chung của hai lá thư là hướng đến ràng buộc thực thi yếu tố nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đồng ý chấp thuận ở EVFTA và IPA cũng như hình thành một cơ chế giám sát, khiếu nại các vấn đề nhân quyền độc lập, và nhóm tư vấn trong nước.

Quan điểm mới nhất của nhóm tổ chức xã hội dân sự Việt Nam lần này chính là nhằm đảm bảo cho EU chứng minh tổ chức tài chính - quốc gia lớn này không phải là... nền dân chủ sáo rỗng. Và thực tế, những người quan tâm nhân quyền ở Việt Nam kỳ vọng một thỏa thuận thương mại phải ràng buộc về những cải thiện nhân quyền, và điều này phải được thực thi thay vì tiến hành thiếu rõ ràng và chắc chắn.

Những năm vừa qua, EU luôn tìm kiếm các thỏa thuận thương mại với các quốc gia mà tình trạng nhân quyền ở đó có vấn đề. Và sau nhiều lần cứng rắn, thì EU thường "chốt deal" bằng một thái độ mềm mỏng hơn với lý do, thương mại sẽ làm mở rộng quan hệ giữa hai bên và giúp cho EU tiếp cận tốt hơn tình hình nhân quyền ở nước mà EU đang hướng tới.

Trong một số trường hợp khác, như Campuchia, EU thực hiện nhượng bộ đối với vấn đề nhân quyền nước này với quan điểm, việc chấm dứt ưu đãi thương mại sẽ làm nghèo nàn những người lao động đã nghèo bị tổn thất.

EU từng đặt vấn đề loại Campuchia ra khỏi thỏa thuận thương mại ưu đãi của khối này (EBA), chương trình mà Campuchia được hưởng lợi về thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường EU. Và 40% hàng hóa Campuchia đã được xuất sang EU, trị giá 6 tỷ USD.

Để nằm trong EBA, các quốc gia phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dân chủ và nhân quyền.

Nhưng khi tình hình nhân quyền Campuchia tệ đi, thì chính các quốc gia trong khối EU lại "vận động hành lang" cho đất nước chùa tháp này. Czech, Hungary là một trong những nước như vậy. Và sẽ thiếu vắng nếu không điểm danh Phòng Thương mại EU tại Campuchia khi vào tháng 9/2019, đã kêu gọi Brussels có "suy nghĩ tỉnh táo" về việc loại bỏ tình trạng EBA với Campuchia. Lý do, điều đó sẽ "gây nguy hiểm cho đầu tư EU, cộng đồng doanh nghiệp EU, các sáng kiến phát triển EU và sinh kế của công dân Campuchia".

Phòng thương mại EU chính là nơi vận động hành lang bận rộn của giới chính trị gia các nước có hình ảnh nhân quyền tệ hại, và giới doanh nhân EU. Nói cách khác, để đảm bảo "thương mại" trên hết, và làm lu mờ giá trị "nhân quyền" thì Phòng thương mại này được đánh giá là một cứ điểm khá quan trọng.

Quay trở lại vấn đề Việt Nam, cần thừa nhận rằng, nhân quyền Việt Nam trong mắt EU hiện thời cực kỳ mờ nhạt so với những giá trị thương mại mà EU được hưởng lợi. Đó là lý do giải thích vì sao, Chủ tịch Ủy ban Nghị viện EU, Chủ tịch Ủy ban Thương mại quốc tế (INTA) và Phó Chủ tịch Jan Zahradil trong chuyến thăm 3 ngày tại Hà Nội vào cuối tháng 10 vừa qua đã tiếp tục đánh giá cao sự sẵn sàng của Việt Nam và chuẩn bị tỉ mỉ cho việc phê duyệt Hiệp định EVFTA và IPA. Và Czech, quốc gia "vận động hành lang" để làm mờ nhạt nhân quyền Campuchia trước đó đã tiếp tục góp phần làm mờ nhạt nhân quyền Việt Nam, khi một hội thảo về triển vọng hợp tác kinh tế và đầu tư giữa các công ty Việt Nam và Czech, và cơ hội kinh doanh tại Việt Nam do EVFTA đem lại được thảo luận tại Prague vào ngày 25/10. Lucie Vondrackova, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại và các tổ chức kinh tế quốc tế thuộc Bộ Công thương Czech, cho biết EVFTA mang lại lợi ích lớn cho cả EU và Việt Nam, bao gồm cả Cộng hòa Czech.

Điều đó cho thấy triển vọng sáng của EVFTA trong tương lai, khi nó được ký kết, và nhân quyền vẫn là những cam kết hời hợt.

Ở một góc độ tích cực, thì lá thư từ 17 tổ chức phi chính phủ Việt Nam và nhóm tổ chức quốc tế tiếp tục gửi đến thành viên của Nghị viện EU kêu gọi hoãn ký kết EVFTA cho thấy tiếng nói lương tâm của những người quan tâm đến nhân quyền Việt Nam. Và là biểu chứng rõ nét cho thấy, EU có thực sự quan tâm đến nhân quyền như cách họ thường hay rao giảng, hay đơn thuần chỉ là "món hàng" được mua bán và được bán khi ngả giá thích hợp. 

An Viên

Nguồn : VNTB, 07/11/2019

*****************

Xã hội dân sự tác động đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào ?

Tử Dương, RFA, 06/11/2019



evfta2

Tọa đàm cập nhật EVFTA tại Hà Nội hôm 1/11/2019 - Courtesy of FB Friedrich-Ebert-Stiftung Vietnam

"Công đoạn thực thi EVFTA, có thể bắt đầu từ tháng 06/2020, sẽ quyết định liệu hiệp định này chỉ phục vụ các đại gia kinh tế, hay còn đem lại lợi ích cho cả những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA, xoay quanh ‘Thương mại và Phát triển Bền vững’, có các cơ chế để báo chí và xã hội dân sự Việt Nam tác động vào quá trình thực thi Hiệp định".

Đó là thông điệp mà ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Nghị viện Châu Âu (INTA), đưa ra trong buổi Tọa đàm "Cập nhật EVFTA I", do Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển (IPS), Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI) và Viện Friedrich Ebert Stifung (FES) đồng tổ chức tại Hà Nội sáng 01/11/2019.

EVFTA có thể được phê chuẩn vào tháng 02/2020

Mới đây, ông Lange và phái đoàn INTA đã có chuyến công tác tới Hà Nội, nhằm đánh giá sự chuẩn bị của Việt Nam với việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do EU – Việt Nam (EVFTA). Hai bên đã trao đổi nhằm thống nhất cách hiểu về một số vấn đề còn chưa được làm rõ trong Chương 13 của Hiệp định, xoay quanh "Thương mại và Phát triển Bền vững".

evfta3

Ông Axel Blaschke – Trưởng Văn phòng đại diện Viện Friedrich Ebert Stifung tại Việt Nam Hình do tác giả cung cấp

Sau đó, Nghị viện Châu Âu (EP) sẽ tiếp tục thảo luận về Hiệp định vào ngày 06/11, trước khi bỏ phiếu vào ngày 31/01/2020. Nếu đủ phiếu thuận, EP sẽ phê chuẩn Hiệp định vào tháng 02/2020, mở đường cho Quốc hội Việt Nam phê chuẩn Hiệp định vào tháng 5, để EVFTA có hiệu lực từ tháng 6.

Lange cho biết ông "lạc quan" về khả năng phê chuẩn EVFTA, vì Việt Nam đã có nhiều bước tiến trong cả 2 vấn đề chính của Chương 13, là quyền lao động và môi trường.

Cụ thể, về quyền lao động, Việt Nam đã gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), xoay quanh việc áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể. Hai bên cũng đã thống nhất rằng Việt Nam sẽ xem xét phê chuẩn Công ước số 87 - Tự do Liên kết và Bảo vệ Quyền Tổ chức, và Công ước số 105 - Xóa bỏ Lao động Cưỡng bức. Lange cho rằng việc Việt Nam bỏ phiếu thông qua Bộ luật Lao động sửa đổi ngay trong kỳ họp Quốc hội tháng 11 sẽ mở đường cho việc phê chuẩn hai công ước cơ bản còn lại của ILO, tạo một bước tiến lớn để thuyết phục EP thông qua EVFTA.

Về lĩnh vực môi trường, Việt Nam là một trong những nước mà EU có thể sớm thảo luận về vấn đề quản lý rừng bền vững, trong khuôn khổ thực hiện Thỏa thuận Paris về Biến đổi Khí hậu.

Tuy nhiên, vì chỉ còn 3 tháng trước thời điểm bỏ phiếu về Hiệp định, ông Lange cho rằng quá trình trao đổi sẽ "khá gai góc".

Xã hội dân sự tác động đến quá trình thực thi EVFTA qua cơ chế nào ?

Trong buổi hội thảo, ông Bernd Lange cho biết quá trình thực thi EVFTA, có thể bắt đầu sau tháng 06/2020, mới là khâu quyết định liệu Hiệp định có hay không đem lại lợi ích cho những người dân bình thường. Chương 13 của EVFTA đã tạo ra một cơ chế giúp xã hội dân sự tác động vào quá trình thực thi Hiệp định, là "Nhóm Tư vấn Trong nước" (Domestic Advisory Group – DAG).

Theo đó, DAG là một hội đồng gồm đại diện của các tổ chức dân sự độc lập, nhóm họp để giám sát, tư vấn cho chính phủ về quá trình thực thi EVFTA. Báo cáo của DAG được công bố công khai sau khi trình lên Ủy ban chuyên trách về Thương mại và Phát triển Bền vững. Việt Nam và EU sẽ tự quyết định thủ tục để thành lập DAG, và bổ nhiệm thành viên cho DAG của mỗi bên. DAG của hai bên sẽ gặp nhau mỗi năm một lần để đối thoại.

Ông Lange cho rằng các tổ chức dân sự ở Việt Nam cần chủ động tận dụng cơ chế DAG để tham gia vào quá trình thực hiện Chương 13 EVFTA. Việt Nam có thể tham khảo trường hợp của Canada, nơi DAG đã tích cực thúc đẩy việc giảm thiểu nhiệt điện than, và việc áp chế tài cụ thể cho các vi phạm.

Trong 5 năm tới, EU sẽ không ký thêm nhiều FTA, để tập trung vào việc giám sát thực hiện các FTA mới ký.

Cuối buổi tọa đàm, ban tổ chức đã khởi động Chương trình Hỗ trợ báo chí viết về EVFTA. Theo đó, IPS, CDI và FES sẽ thành lập nhóm tư vấn, hỗ trợ phóng viên khai thác tuyến đề tài liên quan đến thương mại và phát triển bền vững. Nếu đề tài được duyệt, phóng viên sẽ được hỗ trợ kinh phí để gặp gỡ người lao động và các tổ chức công đoàn, nhằm hoàn thành loạt bài viết.

Những trở ngại trong thực tế và giải pháp

Đa số các tổ chức dân sự Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong việc tiếp cận cơ chế DAG, do chính quyền là bên quyết định danh sách thành viên của nhóm tư vấn này, cũng như cấp kinh phí cho nó hoạt động. Dù vậy, người viết cho rằng xã hội dân sự vẫn có thể tận dụng DAG để giám sát quá trình thực thi Chương 13 EVFTA, thông qua hai phương thức.

Một, là cung cấp thông tin về các vụ vi phạm cho DAG của EU.

Hai, là tác động đến các quyết định của DAG của Việt Nam bằng dư luận.

Ngoài ra, cũng nên khuyến khích DAG của Việt Nam tổ chức các cuộc thảo luận mở, cho phép nhiều bên tham gia, để cơ chế DAG nằm trong tầm với của xã hội dân sự.

Tử Dương

Nguồn : RFA, 06/11/2019

Phụ lục 1 – Một số thông tin bổ sung :

- Link sự kiện : https://www.facebook.com/events/968397890175170

- Thông tin và ảnh chụp của FES về buổi tọa đàm :

https://www.facebook.com/FriedrichEbertStiftung.Vietnam/posts/2768081063231624?__tn__=-R

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: An Viên, Tử Dương
Read 570 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)