Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/10/2019

‘Biện chứng lắm đấy ạ !’

An Viên

Trong lời tuyên bố Bế mạc Hội nghị trung ương 11, Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có những chia sẻ thêm bên ngoài diễn văn, mà ông khuyến nghị các vị đại biểu là tiếp tục phân tích, để làm bật cái ý trong phương hướng chỉ đạo trong thời gian sắp tới. Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần nhắc đến ‘tính biện chứng’ trong xây dựng các mối quan hệ.

gan1

Gần mực thì đen... Chúng ta nói về ‘gần đèn thì sáng’ khi cơ chế chúng ta giống chế độ tàn bạo Bắc Kinh

‘Thực hiện dân chủ, tăng cường pháp chế’. Theo ông, cần phải làm nhiều mặt, thay vì một mặt, tránh rơi tình trạng dễ quên, dễ chệch, dễ lệch.

Trong bài diễn văn, ông dẫn nhiều câu tục ngữ dân gian, và nhấn mạnh tính biện chứng trong đó. Và thực chất, với sự ngẫu nhiên, những câu ông dẫn lại lột tả tình hình thực tế của Việt Nam gần đây.

‘Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng’

Việt Nam – Trung Quốc nằm cạnh nhau ngàn năm, và sẽ không có sự thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên, đúng như ông Tổng bí thư phát biểu, ‘văn hóa’ chính là thứ làm nên khác biệt. Và điều đó, cũng tạo nên những ‘anh hùng liệt quốc’, những trận đánh ‘sạch không kình ngạc, tan tác muôn chim’ trong chiều dài lịch sử. Triều đại có thể hưng-thịnh, nhưng lòng tự tôn dân tộc, tự chủ quốc gia được gầy dựng từ những năm 905, khi Khúc Tiên Chúa (Khúc Thừa Dụ) tự xưng Tiết độ sứ.

Những kẻ phản quốc, là những kẻ vong ơn với lịch sử dựng nước và giữ nước ông cha. Và khi chính quyền Việt Nam, với một Đảng lãnh đạo là Đảng cộng sản Việt Nam, người dân cũng có quyền yêu cầu phải giữ bằng được sự độc lập và chủ quyền quốc gia, quyền tự chủ của một dân tộc.

Đó là vì sao, khi Dự án đặc khu kinh tế là ý kiến định hướng của Bộ chính trị Đảng cộng sản Việt Nam về việc thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) đã gặp sự phản ứng của người dân, và chính người dân đã xuống đường một cách tự nguyện để ngắn chặn những ‘thảm họa’ liên quan đến chủ quyền quốc gia, trong đó có yếu tố xâm thực của các doanh nghiệp Trung Quốc.

Sự ngu ngơ của không ít cán bộ đảng, nhà nước cao cấp, điển hình như ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng khi tuyên bố ‘không có chữ Trung Quốc nào trong Dự Luật Đặc khu’ càng gây nên rủi ro cho chính chủ quyền quốc gia.

Ông Nguyễn Chí Dũng và những đồng chí của ông không hề nắm rõ tâm tư của người dân, bởi người dân luôn hoan nghênh đầu tư và phát triển kinh tế. Nhưng làm sao để có thể quản lý được một đặc khu mà các doanh nghiệp Trung Quốc ‘bạo vì tiền’ khi mà ngay cả những vấn đề người Trung Quốc núp bóng mua đất tại những khu vực trọng yếu quốc phòng, tại các tỉnh thành trực thuộc trung ương (Đà Nẵng) chưa thực sự làm tốt ?

Đất nước này không mất vì ‘văn hóa’, nhưng mất vì sự ‘ngây thơ’ và ‘giả thơ ngây’ của không ít kẻ có tư tưởng vong nô. Và lịch từ thời cổ đại cho đến nay, đã chứng minh không ít các trường hợp như vậy.

‘Gần mực thì đen, gần đen thì sáng’ là câu biện chứng, nhưng nó xác lập điều gì tốt thì nên học, và ngược lại. Vậy một cơ chế mà tham nhũng, lợi ích khiến các chính trị gia đánh mất sự cảnh giác, hoặc giả vờ ngây thơ – đe dọa trực tiếp chủ quyền và quyền độc lập quốc gia tại sao lại tiếp tục duy trì, và học tập ?

Hằng năm, các đoàn cán bộ Việt Nam (từ Đoàn đến Đảng) vẫn được cử sang Trung Quốc học tập, và không ít đợt đã được Bắc Kinh đài thọ kinh phí.

‘Đời cha ăn mặn, đời con khát nước’

Đất đai là nguồn tài nguyên do cha ông mở mang và để lại. Thế nhưng, đất đai hiện nay lại trở thành nguồn khai thác chính của nhóm lợi ích, một bộ phận không nhỏ chính trị gia liên kết với các đại gia kinh tế, sân sau nhằm trục lợi.

Thủ Thiêm chỉ là một trường hợp điển hình của thực trạng cướp đất của người dân nhằm ‘béo phì hóa’ cán bộ và gia đình họ. Trường hợp mới nhất liên quan đến những mảnh đất được chia chác tại đảo Phú Quốc, và Long Thành.

Khi nguồn đất đai hay các tài nguyên thiên nhiên khác sử dụng để phục vụ cho đội ngũ cán bộ, thì nợ công (vốn xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của chính phủ), lại đang ngày trở thành gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai.

Đó là lý do vì sao, ông Nguyễn Tấn Tuân – Trưởng đoàn Đại biểu tỉnh Khánh Hòa, đồng thời cũng là Phó Bí thư tỉnh Khánh Hòa bày tỏ sự băn khoăn về việc, Chính phủ cần siết chặt việc cấp phép khai thác và phải giao trách nhiệm cho các địa phương, có kế hoạch giám sát, hậu kiểm tốt đất đai, tài nguyên khoáng sản, tài nguyên của đất nước là của để dành cho các thế hệ mai sau.

Đây không phải lần đầu tiên cảnh báo và kiến nghị được đưa ra, và trước đó hàng loạt các cảnh báo đề cập đến việc, thế hệ hiện tại của Đảng và nhà nước đang ra sức khai thác các nguồn tài nguyên, khoáng sản không thể tái tạo, để đạt được chỉ tiêu – kế hoạch đề ra của Đảng, và để vun vén cho chính túi không đáy của bản thân.

Đất đai vẫn nóng sốt, cát đang trở nên khan hiếm, nước cung cấp cho dân vẫn trong tình trạng báo động đỏ, các mỏ - khoáng sản đang dần cạn (bao gồm cả mỏ Bạch Hổ ở ngoài khơi Biển Đông), các vùng tài nguyên liên quan đến rừng và dãy núi bị san bạt bởi sự thiếu vắng quản lý của ban ngành, và vì mục đích phát triển kinh tế.

Cả Việt Nam, mảnh đất cha ông với ‘rừng vàng, biển bạc’ trở thành một đất nước với những hổ lốn liên quan đến đào-xúc-múc-bán.

Đó có phải chính là minh chứng rõ nét của ‘đời cha ăn mặn, đời con khát nước’ ? Và biện chứng ở đây sẽ là gì, ngoài những người lao động phải ở lại với một đất nước hoang tàn, trong khi những kẻ gây ra tội lỗi đang hít thở và sống nốt quãng đời còn lại ở trời Âu ?

Chúng ta mãi tìm kiếm ‘biện chứng’, mà quên rằng, cái thực tế đất nước đang điêu tàn vì mãi miết tìm cái ‘biện chứng’ không hề có đó.

 ‘Lúc này chủ nghĩa tư bản chuyển sang giai đoạn quá độ để thực hiện "phủ định cái phủ định" có tính biện chứng cách mạng đối với tư hữu lớn tư bản chủ nghĩa, "khôi phục lại sở hữu cá nhân", xác lập công hữu toàn xã hội…’,  Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Văn Chúc - Thư ký khoa học Hội đồng Lý luận Trung ương [1].

Chúng ta nói về ‘gần đèn thì sáng’ khi cơ chế chúng ta giống chế độ tàn bạo Bắc Kinh, và nói về ‘đời con khát nước’ khi vẫn ngày – đêm sử dụng cạn kiệt nguồn tài nguyên quốc gia từ chính những ‘chủ trương, chính sách tài tình của Đảng ta’.

Đó là thực tế, là ‘biện chứng lắm đấy ạ’ ?!?

An Viên

Nguồn : VNTB, 14/12/2019

Tham khảo

http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/Nghiencuu-Traodoi/2018/51895/Thoi-ky-qua-do-len-chu-nghia-xa-hoi-Ly-luan-cua.aspx

Quay lại trang chủ
Read 552 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)