Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/10/2019

Báo Quân đội nhân dân diễn dịch sai bệnh 'kiêu ngạo cộng sản' ?

An Viên

Ngày 10/10, báo QĐND đăng tải bài viết với tiêu đề ‘ Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản’. Nhìn qua, tưởng chừng như đây là bài nói về cái tệ hại của Đảng viên, sự kiêu ngạo của một thời ‘chủ nghĩa xã hội bách chiến bách thắng’, nhưng không, bài viết dù không đề cập tên tuổi nhưng đánh thẳng vào những người đảng viên đảng cộng sản có những quan điểm và hành vi tiến bộ như "tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng".

kien4

Những người tham gia Tọa đàm khoa học Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc tế ở Hà Nội hôm 6/10/2019

Nếu đây không đề cập đến ông Chu Hảo, người đứng đầu nhà xuất bản và cho ấn hành không ít tác phẩm liên quan đến tư tưởng phương Tây ; hay Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang – người lên tiếng thường trực các nội tình quốc gia, đặc biệt là tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm ; là nhà văn Nguyên Ngọc – người từng xuất hiện không ít trong các kiến nghị liên quan đến vấn đề giữ gìn chủ quyền quốc gia,… ; hay cựu Đại sứ Nguyễn Trường Giang, cựu Đại sứ Nguyễn Trung ; hay nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương – ông Vũ Ngọc Hoàng.

"Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người "không hiểu quân sự, không qua chiến tranh".

Nếu đây không đề cập đến Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – tướng Lê Mã Lương, người trong cuộc tọa đàm khoa học về vùng biển Bãi Tư Chính ngày 6/10 đã tuyên bố, nếu để mất Bãi Tư Chính, ông sẽ cầm đầu anh em đến ‘hỏi thăm’ Bộ Ngoại giao. Người tiết lộ việc các đại tướng chỉ huy cao nhất trong quân đội nhân dân Việt Nam không biết đọc… bản đồ thực địa.

Thay vì áp đặt cái tội trạng ‘kiêu ngạo cộng sản và bệnh công thần’ lên những người có ý kiến khác với chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam. Thì Đảng cộng sản Việt Nam có thể ngồi xuống và lắng nghe để những người ‘cộng sản và công thần’ đó nói về những tâm tư, nguyện vọng họ đối với tình hình quốc gia. Bởi trước hết, họ là một công dân của 1 quốc gia, và thứ hai, họ là một đảng viên đặt tổ quốc lên trên mọi thứ.

Nếu như quan điểm và sự chỉ đạo của Đảng cộng sản Việt Nam là ‘sáng suốt’ đến mức không thể bàn cãi, thì có lẽ, năm 2020 chúng ta đã là một quốc gia công nghiệp cơ bản theo hướng hiện đại. Và bauxite Tây Nguyên vẫn ngày ngày có lãi, bãi Tư Chính sẽ không có chỗ cho Trung Quốc tiến vào. Một nền văn hóa với yếu tố ràng buộc Phật giáo sẽ trở nên có văn hóa, đạo pháp và dân tộc hơn.

Đáng tiếc, tất cả những điều trên, thuộc về quyết sách của Đảng cộng sản Việt Nam lại không hề khoa học và sáng suốt mà chứa đựng những bất ổn. Và chính vì vậy, những đảng viên nêu trên đã phải đứng thẳng người dậy và tuyên bố những điều sai trái, bất ổn đó.

Một chính đảng muốn vững mạnh, một quốc gia muốn giàu mạnh, và một dân tộc muốn trường tồn, trước hết phải biết lắng nghe thay vì áp đặt một quan điểm, ý chí, tư duy mà sự đúng sai chưa hề được kinh qua trong thực tiễn.

Điều đó để cho thấy rằng, bài viết của hai tác giả ‘Công Minh – Nguyên Minh’ của báo QĐND không những hiểu sai lệch về khái niệm ‘kiêu ngạo cộng sản’, mà còn gián tiếp xúc phạm những đảng viên trung và cao cấp, dám nói lên quan điểm của mình. Chỉ ra cái sai, cái tai hại, cái có thể khiến cho nhà nước và cả chế độ rơi vào trạng thái suy vong.

Vậy sự kiêu ngạo cộng sản chính thức là gì ?

Đó là khi chưa thoát ra khỏi chiến tranh bao lâu, cả xã hội bị kiểm soát giao thương, với nền kinh tế kế hoạch tập trung khổng lồ nhưng nhà lãnh đạo Lê Duẩn vẫn tự tin tuyên bố ‘10 năm nữa mỗi gia đình sẽ có tủ lạnh’.

Đó là, những tập đoàn thép được sinh ra nhằm biến Việt Nam ‘hóa rồng’.

Đó cũng là khi nền sản xuất với tư duy cơ chế 0.4 nhưng vẫn tuyên bố đi tắt đón đầu cuộc cách mạng 4.0.

Đó cũng là khi chủ quyền quốc gia xâm phạm nghiêm trọng nhưng quan điểm ‘3 không’, trong đó không liên minh quân sự vẫn được giữ gìn.

Và nhìn lại sau lưng, chính sự kiêu ngạo của cộng sản được thể hiện qua quan điểm về ‘sự bất khả chiến bại’ và luôn ‘chiến thắng’ của chủ nghĩa xã hội, hoặc tính ‘tất yếu’ của chủ nghĩa xã hội luôn hiện diện trong các văn kiện, dự thảo chính trị, bất chấp các quy luật của thực tiễn đã chứng minh sự ‘tù túng’ lẫn ‘tính thiếu bền vững’ của chính nó qua trường hợp Trung Quốc.

Sự kiêu ngạo và bướng bỉnh của người cộng sản là bám vào một dòng lập luận của một nhà lý luận cách mạng và cho đó là điều đúng đắn. Dựa vào cuốn sách cuộc cách mạng 4.0 để cho rằng mình đã nắm được bí quyết làm cách mạng. Là đưa đoàn qua Mỹ học tập và cho rằng chỉ cần như thế thì nền kinh tế hóa rồng trong khi vẫn giữ nền chính trị như cũ.

Những quan điểm ngạo mạn và kiêu ngạo nêu trên không khác gì cách các lãnh tụ Liên Xô đã từng tuyên bố vào năm 1960 rằng, Liên Xô đã bước vào giai đoạn ‘xây dựng chủ nghĩa cộng sản toàn diện’ hay ‘chủ nghĩa xã hội phát triển’ vào những năm 1980, và luôn đánh giá thấp tiềm năng và năng lực của chủ nghĩa tư bản.

Kiêu ngạo cộng sản bản chất là hệ quả của lý tưởng cách mạng đã tụ lại thành một đảng chuyên chính quyền lực, nơi bất kỳ sự nghi ngờ hay thắc mắc, ý kiến hay quan điểm nào khác với đảng bị chụp mũ là ‘phản động’, là biểu hiện của ‘căn bệnh kiêu ngạo cộng sản và bệnh công thần’.

Đó mới chính là bản chất và diễn giải đúng về kiêu ngạo cộng sản, mà bằng kiến thức mờ nhạt về lịch sử và lý luận cộng sản, cả hai tác giả ‘Công Minh – Nguyên Minh’ đã không nhận diện ra. Và điều hướng căn bệnh này như một phương pháp đấu tố giới trí thức, đảng viên có tâm với quốc gia, dân tộc Việt Nam.

An Viên

Nguồn : VNTB, 12/10/2019

********************

Cảnh giác với bệnh công thần và kiêu ngạo cộng sản

Công Minh - Nguyên Minh, QĐND, 10/10/2019

Bệnh công thần, kiêu ngạo cộng sản là những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên đã từng được V.I Lênin và Chủ tịch Hồ Chí Minh cảnh báo từ lâu. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn gương mẫu, tránh những căn bệnh ấy, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt cuộc đời, khi đương chức cũng như khi nghỉ hưu. Thế nhưng, vẫn có những người xao nhãng, để những căn bệnh ấy không chỉ làm méo mó hình ảnh, nhân cách, vinh quang của chính họ mà còn tạo ra dư luận xấu, ảnh hưởng đến niềm tin, tình cảm của nhân dân, đồng đội...

Họ đã và đang tự đánh mất chính mình

Chúng ta hẳn có nhớ một sự việc gần đây, từng có cựu Ủy viên Trung ương Đảng tuổi đời còn trẻ, tương lai đang rộng mở thì "dính chàm", bị cách hết mọi chức vụ. Nguyên nhân do nhiều sai phạm, trong đó một phần do thói độc đoán, chuyên quyền, kiêu ngạo, không biết lắng nghe, không tôn trọng cả cấp trên và cấp dưới.

Lại có cán bộ cấp cao lúc nghỉ hưu vẫn không giữ được mình, có nhiều sai phạm ảnh hưởng đến thanh danh họ, như cựu quan chức mạt sát cảnh sát giao thông ; cựu bộ trưởng đòi đặc quyền đặc lợi... Đáng buồn hơn, có cả cán bộ kinh qua rèn luyện, cống hiến, lập nhiều chiến công nhưng lúc nghỉ hưu lại thiếu tỉnh táo, nói và viết không đúng đường lối quan điểm của Đảng ; tiếp xúc với nhiều đối tượng cơ hội chính trị, thậm chí cả đối tượng phản động, bị chúng lợi dụng, kích động, dẫn đến tán phát nhiều thông tin xấu, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận. Trước góp ý chân thành của đồng chí đồng đội, những người này lại không tiếp thu, sửa chữa, cho rằng cách nghĩ, cách làm của họ mới là cấp tiến, là "trở về với nhân dân".

Họ còn tham gia các cuộc tọa đàm, trao đổi, tham gia xuất bản những ấn phẩm do một vài hội, nhóm tổ chức gây ra những tranh cãi, bất đồng chính kiến làm bức xúc dư luận. Rồi còn tham gia ký các đơn, tâm thư, thỉnh nguyện tập thể có nội dung trái với đường lối, quan điểm của Đảng, không có lợi cho đất nước, quân đội nhưng họ lại được kẻ xấu tung hô, ngợi ca nên ngày càng mù quáng... Ngay trong lĩnh vực báo chí, truyền thông, văn hóa văn nghệ, nhiều năm qua, chúng ta không khỏi đau xót khi thấy có những nhà văn, nhà báo, nhà quản lý từng dạn dày kinh nghiệm, có tên tuổi nhưng khi nghỉ hưu đã đánh mất chính mình, đăng đàn nói, viết những điều sai trái, đi ngược với lý tưởng cả một đời theo đuổi. Có người còn tham gia thường xuyên viết bài, cộng tác cả cho những trang mạng phản động, có người bị kích động và bị lợi dụng để rồi xuất hiện trong những clip với nhiều nội dung sai sự thật, có cả thông tin xấu độc gây hoang mang dư luận. Có người để lại lời nói, việc làm thiếu trách nhiệm, tùy tiện đưa thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, uy tín lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội...

Những căn bệnh cần tránh của người cộng sản

Cuộc sống luôn cần sự phản biện đa chiều nhưng nếu sự chỉ trích đi kèm bệnh kiêu ngạo cộng sản và công thần thì hậu quả vô cùng nguy hiểm.

Năm 1919, nhà văn Maxim Gorki đã viết thư đề nghị V.I Lênin ngừng "khủng bố" những trí thức bị bắt vì phản loạn. V.I Lênin đã viết bức thư trả lời, phân tích rằng không nên trộn lẫn "các lực lượng trí tuệ" của nhân dân với "lực lượng" trí thức tư sản. Ông còn lấy trường hợp tác giả cuốn sách với những mỹ từ "Chiến tranh, Tổ quốc và Nhân loại" nhưng thực ra là kẻ dùng lời đường mật đánh tráo khái niệm yêu nước đích thực ; ông cho rằng những trí thức phản loạn, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia "bọn chúng không phải là bộ não...". Sau này, trong bài viết vào năm 1921, V.I Lênin đã vạch ra một trong 3 thứ kẻ thù chính-kẻ thù "nội xâm" mà những người cộng sản Nga phải kiên quyết đấu tranh tiêu diệt, kẻ thù đầu tiên, chính là "tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa".

kieungao2

Bác Hồ về thăm bà con Pác Bó (Hà Quảng, Cao Bằng) tháng 2/1961. Nguồn : Ảnh tư liệu.

Trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ II của Đảng năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề cập đến bệnh công thần : "Cậy mình có một ít thành tích, thì tự kiêu tự đại, cho mình là "cứu tinh" của dân, "công thần" của Đảng. Theo Người : "… Có những người cậy mình là "công thần cách mạng", rồi đâm ra ngang tàng, không giữ gìn kỷ luật, không thi hành nghị quyết của Đảng...". Người cũng chỉ ra nhiều thứ "bệnh" của cán bộ, trong đó có bệnh kiêu ngạo với những biểu hiện : "Tự cao, tự đại, hay lên mặt. Ưa người ta khen ngợi, tâng bốc mình. Ưa sai khiến người khác. Hễ làm được việc gì hơi thành công thì khoe khoang vênh váo... Việc gì cũng muốn làm thày người khác". Cùng với đó là bệnh hiếu danh, tham danh, trục lợi, thích địa vị quyền hành, tự cho mình là anh hùng, là vĩ đại. Rồi bệnh óc lãnh tụ : "Đánh được vài trận, hoặc làm được vài việc gì ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi, đáng làm lãnh tụ rồi. Nào có biết so với công cuộc giải phóng cả dân tộc thì những thành công đó chỉ là một chút cỏn con, đã thấm vào đâu !".

Vi phạm cả pháp lý, đạo lý, xa rời nhân tâm, tự vùi danh dự

Soi rọi những lời căn dặn trên vào các biểu hiện mắc bệnh của một số cán bộ mà chúng tôi nêu ở phần đầu bài viết, có thể thấy rất rõ những điều các bậc tiền bối cách mạng căn dặn dường như đã nói đúng, nói trúng tim đen của ai đó xa rời đạo đức, danh dự người cộng sản chân chính. Người cộng sản cần có dũng khí để đấu tranh với những điều sai trái, những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng phê bình phải trên tinh thần xây dựng, phải có cái tâm. Cuộc sống xấu đi bởi sự im lặng nhưng cuộc sống cũng xấu đi và tồi tệ hơn bởi những tiếng nói sai sự thật, phán xét hồ đồ, tùy tiện, vô trách nhiệm, giật gân, đao to búa lớn để nâng mình lên bằng cách bôi nhọ người khác, gắp lửa bỏ tay người. Đó là thói phê bình nói lấy được của kẻ không biết mình là ai, thậm chí "Chân mình thì lấm mê mê/Lại đi cầm đuốc mà rê chân người" như cha ông ta đã dạy. Đó là thói phê bình vơi tình cạn nghĩa, không thể chấp nhận đối với những người từng chung đội ngũ, từng thuộc lời thề thứ 7 về tình đồng đội.

Đã là người cộng sản, là đồng chí, đồng đội, thì khi góp ý, phê bình phải với tinh thần người cộng sản, đồng chí, đồng đội chứ không thể bịa đặt thông tin, đổi trắng thay đen, gây hoang mang, suy giảm niềm tin của nhân dân. Càng không thể phê phán khi chính mình chưa đủ tâm, đủ tầm, đủ thông tin và nhận thức về những lĩnh vực mình còn nông cạn, chưa trải nghiệm. Không thể chấp nhận những kiểu phê bình tùy tiện như biến người từng trải nghiệm, kinh qua chiến đấu, được đào tạo bài bản, có trình độ, năng lực chỉ huy quân sự cao thành người "không hiểu quân sự, không qua chiến tranh". Không thể phê bình kiểu thầy bói xem voi phủ nhận cả thành tích, nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân bằng ý kiến chủ quan, lệch lạc.

Đây cũng là vấn đề mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đã đề cập, chỉ rõ để mỗi cán bộ, đảng viên không sai phạm. Nghị quyết chỉ rõ, những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống có việc nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nói không đi đôi với làm ; hứa nhiều làm ít ; nói một đằng, làm một nẻo ; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác ; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về nghỉ hưu... Hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng ; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước, quân đội ; Xuyên tạc lịch sử, bịa đặt, vu cáo các lãnh tụ tiền bối và lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội.

Nghị quyết cũng không cho phép "kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ. Lợi dụng và sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội để nói xấu, bôi nhọ, hạ thấp uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ nội bộ, nghi ngờ trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch, phản động và các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị để truyền bá tư tưởng, quan điểm đối lập ; vận động, tổ chức, tập hợp lực lượng để chống phá Đảng và Nhà nước...".

Vậy thì rõ ràng, một vài hiện tượng cán bộ nghỉ hưu gần đây giao lưu, cấu kết với các thế lực phản động hoặc bị chúng lợi dụng để xuyên tạc, chống phá, tán phát thông tin sai sự thật trên mạng xã hội là điều không thể chấp nhận, chính là việc vi phạm Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng.

Nhìn ở góc độ pháp lý, những hành vi xuyên tạc, vu khống người khác thông qua cái gọi là phê bình, đấu tranh, bày tỏ chính kiến với nhiều trường hợp đã vi phạm Điều 155, Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015, người vu khống, nói xấu, bôi nhọ danh dự, tuy tín của người khác còn có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội : Tội làm nhục người khác hoặc tội vu khống...

Đấu tranh và xử lý, không để tạo những tiền lệ xấu

Những hành vi vi phạm cả về pháp lý và đạo lý như vậy cần phải được đấu tranh, phê phán, lên án, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh. Tổ chức đảng, đoàn thể nơi quản lý những cán bộ đó phải tăng cường giáo dục, rèn luyện họ chấp hành đúng kỷ luật và các quy định của Đảng, đề cao lương tâm, trách nhiệm, danh dự của người đảng viên chân chính.

Đối với các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước, phải có thái độ và biện pháp xử lý nghiêm minh, công bằng, không để nương nhẹ, hóa mù ra mưa với những trường hợp công thần, kiêu ngạo cộng sản dẫn đến những lời nói, việc làm sai phạm. Chúng ta từng có bài học kinh nghiệm sâu sắc về một số trường hợp tướng lĩnh quân đội, công an từng được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân nhưng vi phạm kỷ luật, pháp luật vẫn bị xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm.

Bác Hồ từng căn dặn : "Từ xưa đến nay, quần chúng không bao giờ tin cậy và yêu mến những kẻ tự cao, tự đại, những kẻ có óc lãnh tụ, tự xưng ta đây là anh hùng, là lãnh tụ". Nhưng nhân dân và tổ chức cũng luôn rộng mở với những người biết khắc phục sửa sai. Thực tế đã có cán bộ tướng lĩnh có biểu hiện kiêu ngạo, được Bác Hồ nhắc nhở, rèn luyện sau trở thành vị tướng tài năng, đức độ, đảm nhiệm các chức vụ cao cấp của quân đội, sau đó ông tiếp tục sống cuộc sống khiêm nhường, cống hiến theo đạo đức cách mạng cho đến lúc nghỉ hưu, qua đời. Theo Người, để phòng trị bệnh kiêu ngạo, công thần, mỗi cán bộ, đảng viên phải : Rèn luyện đức khiêm tốn ; thật thà tự phê bình và tiếp thu ý kiến phê bình của người khác ; kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm...

Với cán bộ cao cấp, càng đòi hỏi khi đương chức cũng như nghỉ hưu phải có sự tỉnh táo, cẩn trọng khi nói và làm, nhất là phát ngôn trên truyền thông và mạng xã hội, đặt lợi ích của đất nước, của cộng đồng lên trên ; giữ gìn bản lĩnh, danh dự và uy tín người quân nhân cách mạng. Sinh thời, Bác Hồ từng gửi cho Thiếu tướng Nguyễn Sơn 12 chữ : "Đảm dục đại" (Gan phải to) ; "Tâm dục tế" (tấm lòng, tâm hồn phải trong sáng) ; "Trí dục viên" (Suy nghĩ trọn vẹn, toàn diện, chu đáo) ; "Hạnh dục phương" (Hành động đúng đắn, ngay thẳng, phân minh, đàng hoàng). Sau này, nói chuyện với các tướng lĩnh, Bác nói đến 6 đức tính cần phải có, gồm : Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung nhưng phẩm chất đầu tiên phải có là Trí. Người chỉ rõ Trí là phải có đầu óc sáng suốt, nhìn mọi việc để suy xét, rồi quyết định cho đúng. Suy nghĩ thấu suốt, nhìn xa trông rộng, phát ngôn rạch ròi, có thể định hướng dư luận, thế mới xứng tầm của những người từng ở vị trí lãnh đạo, chỉ huy.

Để tán phát những thông tin xấu, tiếp tay cho những căn bệnh kiêu ngạo, công thần, những điều sai trái có "cánh tay vô hình" của kênh truyền thông mạng xã hội và thủ đoạn lôi kéo của các đối tượng xấu, cơ hội chính trị thường lợi dụng những cán bộ nghỉ hưu, có tinh thần đấu tranh cao nhưng trong nhiều trường hợp lại thiếu thông tin ; không sử dụng hoặc ít cập nhật mạng xã hội, internet... Vì thế, cũng cần có biện pháp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin, ngăn ngừa các đối tượng xấu lôi kéo, lợi dụng.

Các cơ quan chức năng cần có biện pháp tăng cường quản lý hiệu quả mạng xã hội, để các nhà cung cấp của Google, Facebook, YouTube... chấp hành nghiêm quy định của pháp luật Việt Nam ; buộc họ chủ động và có biện pháp ngăn chặn, xử lý những thông tin chưa được kiểm chứng, tránh lăng mạ, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân, chống phá Đảng, Nhà nước, quân đội...

Công Minh - Nguyên Minh

Nguồn : QĐND, 10/10/2019

Quay lại trang chủ
Read 623 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)