Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

05/04/2019

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội : Dân lo, giới chức nói vẫn ổn

Trung Khang

Tình trạng ô nhiễm không khí tại thủ đô Hà Nội trong thời gian qua được báo chí cả trong và ngoài nước đề cập đến. Có những bất nhất trong thông tin và nhận định từ phía người dân với phát biểu của giới chức chính phủ và cả chuyên gia.

onhiem1

Ảnh minh họa chụp tại Hà Nội trước đây. Courtesy moitruong.com.vn

Khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 4 tháng 4 năm 2019, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Giám đốc Trung tâm Môi trường Đô thị và Công nghiệp, cho rằng chỉ có một số ngày Hà Nội ô nhiễm nghiêm trọng :

"Ô nhiễm của Hà Nội hiện nay chưa vượt mức báo động, chỉ có một số ngày vượt mức 300 hay 400 AQI thôi, tức là vượt khoảng 1,5 cho đến 2 lần tiêu chuẩn cho phép, không kéo dài nhiều ngày cho nên việc báo động cảnh giác chưa có gì ghê gớm lắm. Nhưng người ta cũng khuyên những ngày đó thì người già trẻ em nếu không có việc gì cần thiết thì không nên ra đường nhiều và hít cái vùng ô nhiễm của không khí".

Chúng tôi liên lạc một người dân tại Hà Nội để tìm hiểu tình hình thực tế và được cho biết như sau :

"Thủ đô Hà Nội bây giờ không khí càng ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Đi ra đường không thấy bầu trời xanh đâu cả, toàn nhìn thấy khói bụi không. Mình có sống trong Đà Nẵng, bầu trời trong Đà Nẵng khác hoàn toàn với ở đây".

Một người dân khác cho biết :

"Hiện tại bây giờ những thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đang bị ô nhiễm rất trầm trọng. Bản thân tôi là người đang sống tại thủ đô Hà Nội thì thấy mức độ ô nhiễm không khí hiện tại rất là cao".

Trong trả lời báo chí Việt Nam hôm 3/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân khẳng định, thông tin Hà Nội là thành phố ô nhiễm bụi mịn (bụi siêu nhỏ PM 2.5) xếp thứ hai Đông Nam Á là chưa chính xác. Ông cho rằng, đây là báo cáo về hiện trạng chất lượng không khí toàn cầu của Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh, nhưng chỉ có số liệu của 20 thành phố thuộc bốn quốc gia ở Đông Nam Á.

Ô nhiễm bụi khói trong không khí được đo lường theo nồng độ và phân loại theo kích thước. Loại mịn nhất có ký hiệu hoá học là PM 2.5 nhỏ dưới 2,5 microgram, bằng 3% đường kính sợi tóc và nhỏ/ nhẹ như khói, lơ lửng lâu trong không khí. Vì quá nhỏ, nhẹ và gần như vô hình nên bụi khói PM 2.5 theo hơi thở đi sâu vào phổi, thậm chí là cả tim, mạch. Theo Kỹ sư Phạm Phan Long, chủ tịch tổ chức Viet Ecology, khi nồng độ bụi khói PM 2.5 trong không khí tăng thêm 10 microgram/m3, độ rủi ro của tất cả các loại bệnh cũng tăng theo, cụ thể là 4% đối với các loại bệnh thông thường, 6% đối với bệnh tim và 8% đối với nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi.

Giáo sư Phạm Ngọc Đăng giải thích thêm :

"Ô nhiễm bụi PM2.5 tức đường kính hạt bụi 2.5 micrometers, rất nhỏ, thì trung bình ngày khoảng 120, thì nếu gấp đôi là 240, gấp 3 là 360… nếu gấp 2 lần thì phải cảnh giác rồi, còn gấp 3 lần thì coi như ô nhiễm nặng. Nếu 360 trở lên thì người ta đã khuyên người già trẻ em không nên ra đường tham gia giao thông, có hại sức khỏe".

onhiem2

Quang cảnh Hà Nội bị khói bụi về đêm. Hình chụp ngày 27/10/17.Courtesy : Ảnh chụp màn hình zing.vn

Cũng theo Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018, tiếp xúc với ô nhiễm PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như ung thư phổi, đột quỵ, tim mạch và các bệnh về đường hô hấp, bao gồm các triệu chứng hen suyễn. Trung bình, tuổi thọ toàn cầu giảm 1,8 năm do ô nhiễm không khí.

Báo cáo cho biết đối với trẻ em sống ở Bắc Kinh, Jakarta và Hà Nội, ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ tử vong do nhiễm trùng đường hô hấp lên 40% và hen suyễn lên 20%. Đối với người trưởng thành, nguy cơ ung thư phổi tăng 25-30%, nguy cơ đột quỵ tăng gấp 2 lần.

Người dân Hà Nội nhận định :

"Theo quan điểm của tôi, hiện tại ô nhiễm môi trường rất là cao, đặc biệt người trẻ tuổi hay những em nhỏ sẽ bị nhiễm bệnh nhiều hơn, cũng như những người cao tuổi. Đó là một trong những điều tôi cảm thấy cần phải khắc phục".

"Mình cảm thấy, nhất là đối với trẻ em, khi đi ra đường phải hấp thụ không khí, mà phổi của trẻ em rất là kém, đưa trẻ em ra đường rất nguy hiểm. Kể cả mình trẻ như thế này nhưng khi ra đường thấy khói bụi cảm thấy cũng rất là khó chịu".

Theo Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, nếu báo động một cách ghê gớm như Bắc Kinh, New Delhi… thì Hà Nội chưa đến mức độ như vậy, cho nên chỉ cần có những biện pháp lâu dài để cải thiện chất lượng không khí như giảm lượng xe… chứ những biện pháp tức thời như cấm nhà máy nhưng những thành phố kia thì Hà Nội chưa đến mức như vậy. Chưa có lần nào nhà nước phải đưa ra biện pháp để giảm thiểu nguồn thải một cách miễn cưỡng như vậy. Ông nói tiếp :

"Ô nhiễm không khí do rất nhiều nguồn gây ra, đặc biệt là nguồn xe máy. Xe máy thì dân đi là chính, nếu muốn giảm ô nhiễm không khí thì bất cứ xe gì cũng phải bảo dưỡng, để khí thải đảm bảo tiêu chuẩn Euro3 Euro4… thì sẽ giảm ô nhiễm không khí chung của thành phố thôi, ngoài ra còn có ô nhiễm do ô tô, nhà máy… nhưng o nhiễm xe máy vẫn là chính".

Theo nghiên cứu của Tổ chức Y yế Thế giới - WHO công bố vào tháng 10 năm 2018, việc tiếp xúc với không khí độc hại ở cả trong nhà và ngoài đường khiến hơn 600.000 trẻ em dưới 15 tuổi trên toàn cầu tử vong mỗi năm.

WHO cũng cho biết, trẻ em được cho là dễ bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí hơn người lớn vì nhịp thở của các em nhanh hơn do đó dễ nhiễm các chất độc hơn, trong khi não bộ và cơ thể của các em vẫn đang phát triển.

Theo WHO, mỗi ngày 93% số trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới đang hít thở không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Nghiên cứu Thực trạng Không khí toàn cầu (State of Global Air - SOGA) 2019 vừa công bố được The Guardian dẫn lại cho thấy, dự báo tuổi thọ của trẻ em ngày nay sẽ bị rút ngắn khoảng 20 tháng so với mức trung bình do tình trạng ô nhiễm không khí.

Không khí ô nhiễm góp phần gây ra khoảng 10% tất cả các ca tử vong trên thế giới trong năm 2017, tương đương thuốc lá và cao hơn sốt rét, tai nạn giao thông.

Theo SOGA, khu vực Nam Á chịu ô nhiễm nặng nề nhất và tuổi thọ của trẻ em ở đây dự báo sẽ ngắn hơn 30 tháng so với mức trung bình, trong khi con số tương ứng ở vùng hạ Sahara là 24 tháng.

Vào đầu tháng 3 năm 2019, tổ chức IQAir AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á đã công bố Báo cáo Chất lượng không khí toàn cầu 2018 và Bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới, đưa ra số liệu mới nhất về tình trạng ô nhiễm không khí (PM2.5).

Theo báo cáo này, Jakarta (thuộc Indonesia) và Hà Nội là hai thành phố ô nhiễm nhất Đông Nam Á.

Nghiên cứu hồi tháng 1/2018 của tổ chức phi chính phủ Phát triển xanh GreenID cho thấy, năm 2017, người dân Hà Nội chỉ có 38 ngày được hít thở không khí trong lành.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 05/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 455 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)