Nếu mất Huế, chính phủ của Tổng thống Thiệu đã sụp đổ ngay từ 1972
BBC tiếng Việt, 06/04/2019
Thất bại ban đầu của Việt Nam Cộng Hòa ở Quảng Trị năm 1972 khiến Cục Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA) nêu nhận định rằng nếu Huế thất thủ, chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu sẽ sụp đổ theo.
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thăm quân đội, phía sau ông là thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ, phó tổng thống, đeo kính đen - ảnh chụp năm 1971
Nhận định của CIA và của cả Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào tháng 5/1972, ba năm trước khi Sài Gòn sụp đổ, về tình hình Nam Việt Nam không hề là bí mật cho ai.
Đánh giá này được đăng tải rộng rãi ở Mỹ, như bài 'If Hue Falls, so May Thieu' trong bài gửi đi từ Sài Gòn trên New York Daily News 08/05/1972.
Một báo cáo khác của CIA ngày 07/06/1972 đánh giá chiến sự và vị thế chính trị của Tổng thống Thiệu cho thấy bức tranh khá mong manh của Việt Nam Cộng Hòa.
Điểm nổi bật trong đánh giá của CIA là sự tồn vong của chế độ mà Tổng thống Thiệu lãnh đạo nay hoàn toàn dựa vào sức chiến đấu của quân đội.
Việc ông Thiệu hoàn toàn kiểm soát giới tướng lĩnh, và các ý tưởng đảo chánh trong họ đã biến mất, sau một giai đoạn đầy bất ổn 1963-67, cũng khiến ông Thiệu, dù sao đi nữa, vẫn là nhân vật mạnh nhất.
Lý do là "đối lập bên trong thì đã tan hàng (in obvious disarray), không còn năng lực tạo ra thách thức gì nghiêm trọng cho sự kiểm soát của ông".
Tổng thống Thiệu thăm nghĩa trang quân đội ở Thủ Đức - ảnh chụp năm 1973
"Các nhóm đối lập không cộng sản thiếu thống nhất và lãnh đạo để trình bày ra một liên minh hiệu quả cho phái chống ông Thiệu".
Thậm chí, các hành động chính trị hiệu quả của lực lượng cộng sản chống lại chính phủ trung ương "cũng yếu đi nhiều từ sau trận Tết Mậu Thân 1968".
Đặc biệt, CIA nhắc đến phái Phật giáo Ấn Quang trong một mục riêng và nhận định rằng đây là nhóm "biệt lệ trong khả năng chính trị rộng rãi của đối lập, vì tổ chức tuyệt diệu của họ ở Trung phần Việt Nam".
"Tất nhiên, Phật giáo Ấn Quang chưa bao giờ có đủ sức để lật đổ chính quyền Sài Gòn, nhưng có khả năng tạo ra bất ổn dân sự nghiêm trọng như đã làm năm 1966...".
CIA khẳng định "Phật giáo Ấn Quang chẳng ưa gì ông Thiệu (nguyên văn : have little love for Thieu) nhưng đi đến kết luận là ông dễ chấp nhận được hơn một người bất định như Tướng Kỳ hoặc vô hiệu quả như tướng Minh, dù rằng các nhà sư địa phương và Phật tử từng ủng hộ bất thành ứng viên tổng thống của ông Minh".
Cho rằng chỗ dựa chính trị của ông Thiệu trong xã hội miền Nam chẳng có gì vững chãi, nên ông dựa vào các tướng tá, khả năng chiến đấu của họ, và dựa vào sự ủng hộ công khai của Hoa Kỳ, CIA kết luận, "sự tồn vong về chính trị của ông Thiệu gắn liền với viễn cảnh của Nam Việt Nam trên chiến trường".
Và chính đây là kết luận cho rằng sau khi mất Quảng Trị, nếu Huế thất thủ, thì ông Thiệu sẽ sụp đổ.
CIA tin rằng Huế không quan trọng về quân sự bằng Đà Nẵng, nhưng lại là biểu tượng lớn cho Việt Nam Cộng Hòa.
Chiếm lại Cổ thành Quảng Trị
Về quân sự, CIA nhận định chính xác rằng nếu đến mùa thu 1972, Việt Nam Cộng Hòa thành công trong các chiến dịch phía Bắc thì vị thế của ông Thiệu sẽ mạnh hơn nhiều, và không đối thủ nội bộ nào "đẩy ông đi được".
Trên thực tế, sau khi mất Quảng Trị trong đợt tấn công vượt sông Bến Hải mà Bắc Việt Nam gọi là "Chiến dịch Trị Thiên" từ tháng 3 đến tháng 5/1972, Việt Nam Cộng Hòa và tổng thống Thiệu đã có những quyết định táo bạo.
Việc thay Chuẩn tướng Vũ Văn Giai và Trung tướng Hoàng Xuân Lãm bằng Trung tướng Ngô Quang Trưởng để làm tư lệnh Quân đoàn I - Quân khu I từ tháng 5, đã góp phần làm đảo ngược thế cờ cho Việt Nam Cộng Hòa.
Cũng phải nói vào giai đoạn này, Hoa Kỳ vẫn còn quyết tâm bảo vệ miền Nam và Hạm đội 7 đã hỗ trợ tối đa về phi pháo và oanh kích bằng không quân, gồm cả B-52 cho tướng Trưởng để ông có thể giành lại Cổ thành Quảng Trị ngày 16/09.
Chừng 900 quân thuộc Sư đoàn 2 của Việt Nam Cộng Hòa được không vận tới căn cứ Rakkasan, cách Huế 15 dặm về phía Tây để tạo 'vành đai thép' bảo vệ cố đô
Hai bên đều thiệt hại rất nhiều sinh mạng nhưng Việt Nam Cộng Hòa còn tồn tại thêm được gần ba năm nữa.
Trung tướng Ngô Quang Trưởng thị sát quân lực bảo vệ Huế. Phía sau ông là thiếu tướng cố vấn Mỹ Frederick Kroesen.
Cũng trong thời gian diễn ra các trận đánh Mùa hè Đỏ lửa 1972, phía Mỹ nhận định rằng việc yểm trợ bằng không quân và phi pháo của họ là yếu tố tối quan trọng cho sức chiến đấu của quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Điều này đã không còn vào tháng 3/1975, như chính các báo cáo khác của CIA vào thời gian đó ghi lại.
Trong cuộc gặp cuối cùng với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ngày 2/04/1975, trưởng nhiệm sở CIA, Ted Shackley ghi lại rằng ông Thiệu "tóc bạc đi nhiều" (so với lần gặp cuối năm 1973), và trông ông "e dè, giảm nhiệt huyết".
Trước đó hơn một tuần, tối 25/03/1975, quân đội miền Bắc đã chiếm trọn Huế và tiếp tục tấn công để làm chủ toàn bộ Quân khu I.
Đúng như nhận định hồi 1972 của CIA, Huế thất thủ là sự nghiệp của ông Thiệu khó đứng vững.
Vào thời điểm hai bên nói chuyện, ông Shackley cho Tổng thống Thiệu hay quân đội Bắc Việt đã xuất hiện ở cấp sư đoàn tại 17 điểm trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa.
Tháng 3/1975 : tàu hải quân HQ504 chở 7000 người từ Huế và Đà Nẵng chạy loạn vào Nam
Hoa Kỳ vẫn cố gắng thuyết phục ông Thiệu cải tổ chính phủ để tạo ra bộ mặt đoàn kết quốc gia, điều ông chưa hề thực sự muốn làm, và đã không làm.
Chính vì thiếu một chính phủ ít nhiều có tính dân chủ đại diện hơn, sự ủng hộ của dư luận Hoa Kỳ với ông Thiệu và Việt Nam Cộng Hòa ngày càng giảm, đến chỗ không còn gì.
Ngày 10/04, để cứu vãn tình thế phút chót, Tổng thống Gerald Ford xin Quốc hội 722 triệu USD viện trợ quân sự cho Việt Nam Cộng Hòa, cùng 220 triệu viện trợ kinh tế.
Cuộc thảo luận không đi đến đâu và chấm dứt ngày 17/04.
Sang ngày 21/04, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu lên truyền hình tuyên bố từ chức.
Ngày 30/04/1975, lực lượng cộng sản tiến vào thủ đô của miền Nam.
Nguồn : BBC, 06/04/2019
*********************
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, người của thời cuộc
Nguyễn Quang Duy, 30/04/2017
Nhân 30/4 năm nay tôi xin được chia sẻ đôi điều suy ngẫm về tổng thống Nguyễn văn Thiệu và thời cuộc 1963-1975.
Ngày 26/03/1970, Tổng hợp Nguyễn Văn Thiệu cho ban hành luật Người cày có Ruộng. Ảnh minh họa
Khởi nghiệp từ Việt Minh…
Ít ai biết được, năm 1945, ông Nguyễn Văn Thiệu gia nhập lực lượng Việt Minh và nhanh chóng được bổ nhiệm vai trò Huyện ủy.
Nhưng chỉ sau một thời gian rất ngắn, chừng 1 năm, ông nhận ra : "Việt Minh là cộng sản, họ bắn người dân, họ lật đổ các ủy ban xã, họ tịch thu đất đai", nên ông rời bỏ cộng sản.
Một chỉ huy quân đội dũng cảm
Ông Thiệu gia nhập Quân đội Quốc gia, tháng 6/1949, ông tốt nghiệp Trường Võ Bị Huế với cấp bậc Thiếu úy. Ra trận ông nổi tiếng dũng cảm và có năng lực chỉ huy, đến năm 1954 ông đã được thăng tới cấp Thiếu tá chỉ huy Liên đoàn 11 Bộ binh.
Trong một cuộc hành quân tại quê nhà, Việt Minh cho rút vào căn nhà gia đình ông, họ tin rằng ông sẽ không dám tấn công. Họ đã lầm ông cho nổ tung căn nhà, đánh bật Việt Minh ra khỏi khu vực.
Sang thời Đệ nhất Cộng hòa ông chứng tỏ là một sỹ quan trẻ có tầm nhìn chiến lược. Ông tham dự nhiều khóa đào tạo sỹ quan cao cấp do Hoa Kỳ tổ chức.
Năm 1955, ông được thăng cấp Trung tá Chỉ huy trưởng Trường Võ Bị Đà Lạt và sau đó Tham mưu trưởng Hành quân tại Bộ Tổng tham mưu.
Năm 1959, ông được thăng cấp Đại tá làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Bộ binh và sau đó Sư đoàn 5 Bộ binh.
1/11/1963 : bước vào chính trường
Khi trở thành nguyên thủ quốc gia ông Thiệu giữ thái độ cứng rắn với cộng sản, với lập trường bốn không : không chấp nhận, không thương lượng, không liên hiệp và không nhượng đất cho cộng sản.
Có lẽ tin đồn Tổng thống Ngô Đình Diệm muốn đối thoại với Bắc Việt đã dẫn ông Thiệu đến quyết định tham gia đảo chánh 1/11/1963.
Nhiều bằng chứng cho thấy ông rất kính mến ông Diệm và khi cầm quyền ông ngầm ủng hộ việc vinh danh ông Diệm.
Sau đảo chánh miền Nam bước vào một giai đoạn khủng hoảng chính trị : Phật giáo liên tục biểu tình, các chính phủ dân sự bất lực, phía quân đội liên tục đảo chánh và người Mỹ cho đổ quân vào Việt Nam.
Ông Thiệu là mẫu người trung dung và ôn hòa nên luôn được đa số các phe cánh ủng hộ. Ông được thăng Thiếu tướng và nhận vai trò Ủy viên Hội đồng Quân nhân Cách mạng và Thứ trưởng Quốc phòng.
Đầu năm 1965 ông được thăng Trung tướng và khi Thủ tướng Trần văn Hương cải tổ nội các ông được mời giữ chức Đệ nhị Phó Thủ tướng đặc trách Quốc phòng.
Khi Thủ tướng Phan Huy Quát lập nội các, ông Thiệu được bổ nhiệm làm Đệ nhất Phó Thủ tướng, kiêm Tổng trưởng Quân lực, kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Thường vụ Hội đồng Quân lực.
Ngày 8/3/1965, Hoa Kỳ đột ngột cho đổ quân vào cảng Đà Nẵng. Nhiều tài liệu cho rằng Thủ tướng Phan Huy Quát chỉ được phía Hoa Kỳ báo cho biết khi họ đã đổ quân.
Khi làm việc với người Mỹ, ông Thiệu tỏ ra cộng tác và ôn hòa hơn các tướng lãnh khác nên được người Mỹ ủng hộ.
Ngày 14/06/1966, chính phủ của Thủ tướng Phan Huy Quát giải tán và trao quyền lãnh đạo quốc gia lại cho Hội đồng Quân lực.
Ngày 19/06/1966, Hội đồng Quân lực bầu Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia và Thiếu tướng Nguyễn Cao Kỳ làm Chủ tịch Ủy ban Hành pháp Trung ương.
Ngay khi cầm quyền ông Thiệu tuyên bố cho mở cuộc bầu cử Quốc hội Lập hiến. Quyết định của ông được tất cả mọi phe cánh nhiệt tình ủng hộ, chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị do cuộc đảo chánh 1/11/1963 gây ra.
Ngày 3/9/1966 một Quốc hội Lập hiến hình thành với 118 dân biểu đắc cử và đến 1/4/1967 bản Hiến pháp được công bố làm cơ sở pháp lý cho Đệ Nhị Cộng hòa.
Trở thành Tổng thống
Ngày 3/9/1967, với tổng cộng 11 liên danh tranh cử Tổng thống và có trên năm triệu cử tri, chiếm tỷ lệ 80% tổng số cử tri đi bầu, Liên danh Nguyễn Văn Thiệu – Nguyễn Cao Kỳ đắc cử với 35% số phiếu và Liên danh về nhì của luật sư Trương Đình Dzu với 17%.
Tình hình chính trị được ổn định nhưng tình hình quân sự thì ngày càng trở nên tồi tệ hơn. Người Mỹ đã không thể nhanh chóng đẩy lùi được cộng quân, số binh sỹ thương vong ngày một cao làm giảm tinh thần chiến đấu quân đội, giảm sự ủng hộ quốc hội và của dân Mỹ.
Cộng sản tuyên truyền "Mỹ xâm lược" nên Thanh niên miền Bắc và ở thôn quê miền Nam gia nhập bộ đội với quyết tâm "giải phóng miền Nam". Cộng sản Nga, Trung Hoa và Đông Âu lại gia tăng viện trợ cả quân sự lẫn và kinh tế cho Bắc Việt.
Đúng ngày Tết Mậu Thân 1968 cộng sản cho phát động "tổng tấn công và nổi dậy" tại thủ đô Sài Gòn và các thành phố lớn tại miền Nam. Trong năm 1968 lại thêm hai lần tổng tấn công. Cả ba cuộc tấn công đều thất bại số thương vong, bị bắt, ra hàng lên đến cả trăm ngàn người.
Biến cố Mậu Thân đã được ông Thiệu tận tình khai thác qua chiến dịch Phụng Hoàng nhằm vô hiệu hóa cơ sở hạ tầng cộng sản tại nông thôn và bảo vệ dân chúng khỏi sự khủng bố của du kích cộng sản.
Chiến dịch đã mang lại kết quả tốt đẹp cho đến cuối năm 1971, chiến dịch đã bắn hạ trên 20 ngàn cán binh cộng sản, 30 ngàn bị bắt và đặc biệt là trên 20 ngàn người ra hồi chánh. Cán bộ còn sống sót phải rút về Bắc, lên núi, sang Cam Bốt hay sang Lào ẩn trốn.
Để tiêu diệt hạ tầng cơ sở cộng sản tại Cam Bốt, ngày 28/04/1970, với sự hỗ trợ của Mỹ và Cam Bốt, ông Thiệu cho quân đội tấn công vào các căn cứ cộng sản tại miền Đông Cam Bốt.
Chỉ trong vòng 2 tháng chiến dịch mang lại nhiều thành quả tốt đẹp : Trung ương Cục miền Nam bị phá tan, hằng ngàn cán binh cộng sản bị loại khỏi vòng chiến, hằng ngàn vũ khí cá nhân, súng cối, rốc két, xe tải, nhiều đạn dược, gạo và lương thực bị tịch thu hay phá hủy.
Đến ngày 8/2/1971, ông Thiệu tuyên bố mở chiến dịch đánh sang Hạ Lào nhằm cắt đứt đường mòn Hồ Chí Minh.
Ông Thiệu biết rõ thế mạnh của quân đội Bắc Việt là rừng núi nên chiến thuật cơ bản vẫn là đánh nhanh, đánh mạnh rồi rút về. Ông cần sự yểm trợ hùng hậu của không quân và nhất là trực thăng Hoa Kỳ.
Điều đáng tiếc Quốc hội Hoa Kỳ không đồng ý quân đội Hoa Kỳ tham chiến tại Lào. Chiến dịch không đạt được kế hoạch đã đề ra, hai binh chủng chính quy là Dù và Biệt động quân thiệt hại nặng nề về nhân lực.
Nhiệm kỳ 2
Trong cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ hai, các liên danh tranh cử lần hồi rút hết, vì thế chỉ còn liên danh ông Thiệu và Phó Tổng thống Trần văn Hương.
Sang mùa hè 1972, quân đội Bắc Việt từ Lào và Cam Bốt tấn công Tây Nguyên, đánh chiếm Lộc Ninh, bao vây An Lộc, và vượt vĩ tuyến 17 đánh chiếm Quảng Trị. Theo lệnh ông Thiệu quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiếm lại cổ thành Quảng Trị trong đổ nát.
Ông thiệu là hình ảnh của một vị tổng thống dân cử thời chiến. Đến nay, nhiều người vẫn nhớ hình ảnh Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa đáp trực thăng xuống An Lộc ngay khi quân đội cộng sản rút lui, hay dùng xe Jeep quân đội chạy quanh vùng Quảng Trị khi thành phố này vừa được chiếm lại.
Ngày vui sướng nhất của đời tôi…
Nói về Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu không thể quên được ngày 26/03/1970, Thiệu cho ban hành luật Người cày có Ruộng. Tại Cần Thơ ông tuyên bố : "Hôm nay là ngày vui sướng nhất của đời tôi…".
Cho đến ngày 28/02/1973 Chương trình Người cày có ruộng coi như đã hòan tất. Mọi nông dân miền Nam đều có ruộng cày.
Mặc dù chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, ngay cả khi quân đôi Mỹ đã rút đi và Mỹ cắt giảm viện trợ kinh tế cho miền Nam, đời sống của dân miền Nam vẫn khá xung túc.
Hiệp định Paris mở đường cho cộng sản chiếm miền Nam
Trận Mậu Thân 1968 về quân sự cộng sản đã hoàn toàn thất bại, nhưng dân Mỹ mất niềm tin vào chính phủ nên đòi hỏi Quân đội phải rút khỏi miền Nam.
Nhìn một cách tổng quát, các chiến lược ông Thiệu đưa ra như Bình Định Nông Thôn, Người Cày Có Ruộng đã vô hiệu hóa chiến tranh du kích. Bắc Việt phải dùng quân đội chính quy từ miền Bắc đánh rồi rút về phía bên kia Vĩ tuyến 17, hay sang Cam Bốt, Lào.
Trong khi người Mỹ không đồng ý để miền Nam đánh ra Bắc. Các trận đánh sang Cam Bốt và Lào chỉ giúp tiêu hao lực lượng đối phương giải quyết tạm thời thế bị bao vây.
Để rút khỏi Việt Nam trong danh dự và đảm bảo việc trao trả tù binh, người Mỹ đi đêm với phía cộng sản sửa soạn Hiệp định Paris 1973.
Hiệp định không đòi hỏi quân đội Bắc Việt phải rút về Bắc vì thế lúc đầu ông Thiệu không đồng ý ký.
Bằng văn bản chính thức Tổng thống Nixon phải hứa Hoa Kỳ bảo đảm có đủ viện trợ quân sự và kinh tế cần thiết để miền Nam chống lại quân đội Bắc Việt và sẽ phản ứng quyết liệt, nếu Bắc Việt vi phạm hiệp định.
Ông Nixon còn cho biết nếu miền Nam không ký thì Hoa Kỳ sẽ đơn phương ký hiệp định Paris.
Thậm chí ông Nixon còn hăm dọa sẽ lật đổ và giết ông Thiệu như họ đã từng làm với Tổng thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu.
Khi ấy miền Nam đã không còn được xem là vị trí chiến lược của Hoa Kỳ, Mỹ cũng đã đổi chính sách với Đài Loan sau khi tổng thống Nixon sang thăm Trung Quốc năm 1972.
Chiến tranh Việt Nam bước sang một giai đoạn mới khi Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa, 19/01/1974. Ông Thiệu ra lệnh tấn công trước và công khai lên án Trung Quốc trước Quốc tế.
Phần người Mỹ không ủng hộ, phần phải lo tập trung tài lực chống lại cộng sản bảo vệ miền Nam, ông Thiệu hoãn quyết định tấn công tái chiếm Hoàng Sa.
Miền Nam sụp đổ
Sang năm 1974, Tổng thống Nixon phải đối đầu với vụ Watergate nên không thể giúp miền Nam như lời ông đã hứa.
Hoa Kỳ cắt giảm cả viện trợ quân sự lẫn kinh tế. Đạn dược, nhiên liệu, quân trang, quân cụ của Quân đội Việt Nam Cộng Hòa càng ngày càng thiếu hụt.
Miền Bắc thì được phe cộng sản tăng cường viện trợ quân sự. Đường mòn Hồ chí Minh được mở rộng, ngày đêm đưa cán binh, quân trang, quân cụ vào chiến trường miền Nam.
Tháng 3/1975, quân đội Bắc Việt mở cuộc tổng tấn công. Ông Thiệu ra lệnh rút quân khỏi Tây Nguyên. Dân chúng vì sợ cộng sản nên chạy theo quân đội gây náo loạn khi bị cộng sản tấn công. Cuộc rút quân thất bại.
Quân đội Bắc Việt lần nữa vượt vĩ tuyến 17, họ nhanh chóng chiếm được miền Trung. Người Mỹ vừa không viện trợ cho miền Nam vừa ép ông Thiệu phải từ chức, bàn giao chính phủ cho ông Trần văn Hương, và thu xếp để ông Thiệu rời Việt Nam.
Cộng sản lúc này đã làm chủ được cả tình hình quân sự lẫn chính trị. Họ ép ông Hương phải nhường chức cho tướng Dương Văn Minh.
Khi ông Minh kêu gọi binh lính Việt Nam Cộng Hòa buông súng thì cộng sản quay ra buộc ông Minh phải đầu hàng vô điều kiện, chấm dứt nền Đệ Nhị Cộng Hòa vào khoảng 12 giờ trưa ngày 30/04/1975.
Kết
Việt Nam Cộng Hòa là một nước nhỏ phải chống trả cả một khối cộng sản nên không có lựa chọn khác hơn phải làm đồng minh và nhận viện trợ của Mỹ.
Đáng tiếc chính phủ Mỹ đã đảo chánh Tổng thống Ngô Đình Diệm rồi đổ quân vào Việt Nam.
Trong hoàn cảnh lúc đó các phe cánh tại miền Nam cần một mẫu người vừa giỏi quân sự, vừa biết chính trị, lại phải vừa được lòng người Mỹ. Nhân vật này không ai khác hơn ông Thiệu.
Khi được giao phó quyền hành ông Thiệu đã chính danh bằng cách xây dựng một hiến pháp và hai lần ra tranh cử Tổng thống.
Trong thời gian ông cầm quyền ông đã xây dựng được một nền dân chủ nghị trường non trẻ, một xã hội dân sự có tổ chức, một nền kinh tế thời chiến phát triển, một đất nước nông nghiệp người cày có ruộng và một tầng lớp trí thức được đào tạo cho công cuộc kiến thiết đất nước hậu cộng sản.
Với lập trường chống cộng dứt khoát, ông nhiều lần đẩy lui được các cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt. Nhưng cuối cùng chính phủ Mỹ đã bắt tay với Trung Quốc, cắt viện trợ, bỏ rơi Việt Nam Cộng Hòa.
Xét cho cùng thời cuộc đã đưa ông Thiệu từ một lãnh đạo quân sự trở thành một lãnh đạo chính trị thời chiến, một vai trò xét ra thời ấy không có người có thể làm tốt hơn ông.
Thời cuộc cũng đã đẩy ông trở thành một tị nạn cộng sản. Đến chết ông trăn trối mong ước Việt Nam sớm có tự do, để hài cốt ông được mang về yên nghỉ nơi quê cha đất tổ.
Nhân 30/4 xin trân thành ghi ân Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và tất cả những bậc đã bảo vệ miền Nam tự do. Lịch sử rồi sẽ công bằng đánh giá lại vai trò của Việt Nam Cộng Hòa.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 30/04/2017
Nguyễn Quang Duy