Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

08/04/2019

Tại sao chúng ta cần phát minh lại dân chủ trong trường kỳ ?

Roman Krznaric

"Nguồn gốc ra đời của chính phủ dân sự", David Hume viết vào năm 1739, là bởi "con người không có khả năng khắc phục sự hạn hẹp của tâm hồn một cách triệt để, cho dù là sự hạn hẹp của chính mình hay của người khác, cho nên họ chỉ quan tâm đến cái trước mắt chứ không nghĩ tới những thứ xa vời".

ab_24398_20190301115800406.jpg

Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho một thế hệ các học sinh đi biểu tình, bãi khóa phản đối việc các chính phủ không có hành động gì để đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu (Ảnh Getty images)

Triết gia người Scotland này tin tưởng rằng các định chế chính phủ - chẳng hạn như các đại diện chính trị hay các cuộc tranh luận trong nghị trường - là nhằm chế ngự những ham muốn ích kỷ và bốc đồng, và nuôi dưỡng những lợi ích và sự an lạc xã hội về lâu dài.

Tầm nhìn ngắn hạn

Thời nay, quan điểm của Hume có vẻ gần như là suy nghĩ hão huyền.

Lý do là bởi có một điều rõ ràng đến đáng sợ : thay vì là công cụ để chữa trị, điều chỉnh tình trạng đang lan tràn là chỉ theo đuổi tầm nhìn ngắn hạn, thì các chế độ chính trị của chúng ta ngày nay lại trở thành căn nguyên của chính viễn kiến thiển cận đó.

Nhiều chính trị gia không thấy gì hơn ngoài kỳ bầu cử kế tiếp và họ chỉ muốn nương theo xu thế của cuộc thăm dò dư luận mới nhất.

Các chính phủ nhìn chung thích cách xử lý nhanh chóng, chẳng hạn như bỏ tù thêm nhiều người thay vì giải quyết nguyên nhân sâu xa về kinh tế và xã hội khiến họ phạm tội.

Các nước cãi vã trên bàn hội nghị quốc tế để tập trung vào những lợi ích ngắn hạn, trong khi hành tinh chúng ta đang nóng cháy và các loài sinh vật biến mất.

Trong lúc các kênh truyền thông suốt ngày đêm đưa ra những bất ngờ mới nhất về quá trình đàm phán Brexit hay ám ảnh về một lời bình luận vui miệng phát ra từ Tổng thống Mỹ Donald Trump, sự thiển cận của chính trị dân chủ hiện đại trở nên quá hiển nhiên.

Vậy thì có liều thuốc giải nào chữa được tính thiển cận chính trị này vốn gạt lợi ích của các thế hệ tương lai ra xa vĩnh viễn ?

Hãy bắt đầu với bản chất vấn đề.

Mọi người thường hay nói là tính ngắn hạn của chính trị ngày nay chỉ đơn giản là kết quả của mạng xã hội và các công nghệ kỹ thuật số khác vốn làm gia tăng nhịp độ đời sống chính trị.

Vì chu kỳ chính trị, vì lợi ích nhóm, phớt lờ tương lai

Tuy nhiên, điều này có gốc rễ sâu xa hơn nhiều.

Một vấn đề trong đó là chu kỳ bầu cử, một sai sót nội tại trong mô hình của chế độ dân chủ vốn tạo ra những khung thời gian chính trị ngắn.

Các chính trị gia có thể đưa ra những gói giảm thuế hấp dẫn để lôi kéo cử tri trong kỳ tranh cử kế tiếp, trong khi bỏ qua những vấn đề dài hạn mà không thể giúp họ thu được vốn liếng chính trị nào ngay lập tức, chẳng hạn như giải quyết vấn đề suy thoái hệ sinh thái, cải cách lương hưu hay đầu tư vào giáo dục sớm cho trẻ.

Quay lại những năm 1970, kiểu hoạch định chính sách thiển cận được đặt tên là 'chu kỳ làm ăn chính trị'.

Thêm nữa, những nhóm lợi ích đặc biệt - nhất là các tập đoàn - thì có khả năng lợi dụng hệ thống chính trị nhằm đạt những lợi ích ngắn hạn cho bản thân họ trong khi đẩy thiệt hại về lâu dài cho phần còn lại của xã hội.

Cho dù thông qua việc đóng góp ngân quỹ cho các chiến dịch tranh cử hay bỏ ra số tiền lớn vận động hành lang, việc các tập đoàn ăn luồn vào hệ thống chính trị là một hiện tượng toàn cầu, khiến việc hoạch định chính sách dài hạn bị gạt khỏi nghị trình.

Nguyên nhân thứ ba và là nguyên nhân sâu xa nhất của tính thiển cận trong chính trị, là các nền dân chủ đại nghị bỏ qua lợi ích của các thế hệ tương lai một cách có hệ thống.

Những công dân trong tương lai không có quyền nào cả, cũng như - ở đại đa số các quốc gia - không có các cơ quan nào đại diện cho quan ngại và quan điểm có thể có của thế hệ tương lai đối với những quyết định này, vốn sẽ không tránh khỏi tác động đến cuộc sống của họ.

Đó là một điểm mù lớn đến nỗi chúng ta hiếm khi để ý : trong thập niên mà tôi làm việc với tư cách nhà khoa học chính trị chuyên về quản trị dân chủ, tôi chưa từng cảm thấy là việc thế hệ tương lai bị mất quyền bỏ phiếu thì giống y hệt như những gì đã xảy ra đối với nô lệ và phụ nữ trong quá khứ.

Ấy vậy mà đó là thực tế.

Đó là lý do tại sao hàng trăm ngàn học sinh trên khắp thế giới được khích lệ từ hành động của nữ thiếu niên Thụy Điển Greta Thunberg đã bãi khóa và tuần hành để kêu gọi các nước giàu cắt giảm lượng khí thải carbon : các em đã quá chán ngán với các chế độ dân chủ làm cho các em không có tiếng nói và xóa tương lai các em ra khỏi bức tranh chính trị.

'Đô hộ tương lai'

Đã đến lúc đối mặt với thực tại phũ phàng : dân chủ hiện đại - nhất là ở những nước giàu có - đã khiến chúng ta 'đô hộ' tương lai.

Chúng ta đối xử với tương lai như là một tiền đồn thuộc địa xa xôi không có người ở mà chúng ta có thể tự do đổ bỏ hệ sinh thái xuống cấp, các rủi ro công nghệ, chất thải hạt nhân và nợ công, và chúng ta cảm thấy thoải mái cướp bóc tùy thích.

1155425

Thuyền trưởng James Cook chiếm vùng New South Wales của Úc nhân danh vương triều Anh, 1770

Khi Anh chiếm Úc làm thuộc địa vào Thế kỷ 18 và 19, họ vận dụng học thuyết pháp lý mà bây giờ chúng ta gọi là 'terra nullius' - đất vô chủ - để biện minh cho việc xâm lược và xem người bản địa như thể không tồn tại, không có tuyên bố chủ quyền gì với vùng đất này.

Thái độ của chúng ta ngày nay là 'tempus nullius' - tức 'thời gian vô chủ' - tương lai là 'thời gian trống' - một lãnh địa không có ai tuyên bố sở hữu và cũng không có cư dân.

Cũng giống những lãnh thổ xa xôi của đế quốc, tương lai đang bị chúng ta chiếm hữu.

Thách thức nhức nhối mà chúng ta phải đối mặt là làm sao tái tạo nền dân chủ, để vượt qua được chủ nghĩa thiển cận và để giải quyết tình trạng đánh cắp xuyên thế hệ, điều đã khiến chúng ta coi tương lai như thuộc địa.

Tôi cho rằng làm thế nào để làm được điều này là thách thức chính trị khẩn cấp nhất của thời đại chúng ta.

'Độc tài ôn hòa' hay dân chủ ?

Một số người cho rằng nền dân chủ mang tính thiển cận từ gốc đến nỗi sẽ tốt hơn cho chúng ta nếu như có những 'nhà độc tài ôn hòa' - những người thay mặt chúng ta đưa ra viễn kiến xuyên suốt qua các cuộc khủng hoảng mà con người đang phải đối mặt.

Một trong những người đó là nhà thiên văn học nổi bật của Anh Martin Rees.

Ông từng viết rằng đối với những thách thức dài hạn mang tính sống còn, như tình trạng biến đổi khí hậu và sự lan truyền vũ khí sinh học, thì "chỉ có những nhà chuyên chế được khai sáng mới có thể thúc đẩy những biện pháp cần thiết để chèo lái qua Thế kỷ 21 một cách an toàn".

Mới đây, khi tôi hỏi ông tại một diễn đàn công khai liệu có phải ông có ý cho rằng nên coi chế độ độc tài như một liều thuốc chính sách nghiêm túc để đối phó với chủ nghĩa ngắn hạn hay không, và nhận xét thêm rằng tôi nghĩ có lẽ ông đang nói đùa, thì ông ấy trả lời : 'thật ra, tôi nói có nửa phần nghiêm túc'.

Sau đó, ông đưa ra ví dụ Trung Quốc vốn là một chế độ chuyên chế nhưng lại hết sức thành công trong việc lập kế hoạch lâu dài, mà bằng chứng là họ đầu tư rất lớn và liên tục vào năng lượng mặt trời.

Rất nhiều cái đầu trong hàng ghế khán giả, nhiều đến kinh ngạc, đã gật gù trước câu trả lời của ông. Nhưng tôi không nằm trong số đó.

Lịch sử có rất ít, nếu không muốn nói là không có, những nhà độc tài vẫn hiền hòa và sáng suốt trong thời gian dài.

Thêm nữa, có ít bằng chứng cho thấy các chế độ chuyên chế thì đạt thành tích tốt hơn về tư duy và kế hoạch dài hạn so với chế độ dân chủ.

Chẳng hạn như Thụy Điển có thể sản xuất ra 60% lượng điện là năng lượng tái sinh mà không phải nằm dưới sự cai trị của một nhà độc tài (so với chỉ 26% ở Trung Quốc).

pitton-notitle190315_npL0t

Một người biểu tình tham gia các cuộc đình công quốc tế vào tháng 3 năm 2019 để vận động nhằm thu hút sự chú ý nhiều hơn vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu (Ảnh : Getty Images)

Một điểm cơ bản nữa là có lẽ có cách để làm mới lại nền dân chủ đại diện, nhằm vượt qua được sự thiên kiến hiện thời đối với những thứ trước mắt và tại chỗ.

Thật ra, một số nước đã bắt đầu thử nghiệm tạo quyền lực cho công dân tương lai. Chẳng hạn Phần Lan đã có một Ủy ban cho Tương lai ở Nghị viện, đảm nhận trách nhiệm rà soát kỹ càng tác động của các đạo luật đối với tương lai.

Trong thời gian từ năm 2001 cho đến 2006 Israel có Cơ quan Trọng tài cho Các Thế hệ Tương lai, mặc dù sau đó cơ quan này đã bị bãi bỏ do nó được xem là có quá nhiều quyền lực trong việc trì hoãn các đạo luật.

Có lẽ ví dụ được biết đến nhiều nhất trong thời hiện đại là Xứ Wales của Anh Quốc, nơi đã thiết lập chức Ủy viên Thế hệ Tương lai, Sophie Howe, nằm trong dự án Đạo luật Hạnh phúc cho Thế hệ Tương lai 2015.

90679081

Một số thành viên Viện Nguyên lão (tức Thượng viện của Anh), cùng một nhóm các dân biểu thuộc Viện Thứ dân (tức Hạ viện Anh) đang ủng hộ việc thành lập Nhóm Liên đảng trong Quốc hội vì Các thế hệ Tương lai

Vai trò của ủy viên này là để đảm bảo rằng các cơ quan công ở Xứ Wales hoạt động trong những lĩnh vực từ bảo vệ môi trường cho đến tuyển dụng phải đưa ra các quyết định chính sách có tầm ít nhìn ít nhất là 30 năm hướng tới tương lai. Hiện giờ ngày càng có nhiều lời kêu gọi phải có Đạo luật Thế hệ Tương lai tương tự cho toàn thể Vương quốc Anh.

Hội đồng thường dân

Tuy nhiên, những ý tưởng như thế đã bị chỉ trích vì 'quá cải cách' và không có tác dụng thay đổi cấu trúc của chính phủ dân chủ ở cấp độ cơ bản.

Một ý tưởng cực đoan hơn, được nhà vận động sinh thái Canada kỳ cựu David Suzuki đưa ra, là cần thay thế các chính trị gia được bầu của Canada bằng một hội đồng bao gồm những công dân được lựa chọn ngẫu nhiên - những người dân bình thường của Canada không có liên hệ đảng phái và mỗi người sẽ đảm nhận nhiệm kỳ sáu năm.

Theo quan điểm của ông, một hội đồng như thế, giống như một dạng bồi thẩm đoàn chính trị, sẽ xử lý hiệu quả hơn những vấn đề dài hạn như biến đổi khí hậu và suy thoái hệ sinh thái, và giải quyết được vấn đề các chính trị gia bị ám ảnh quá mức với kỳ bầu cử kế tiếp.

Tuy nhiên, liệu một hội đồng những công dân ngày nay thật sự có thể hiểu được các thế hệ tương lai và đại diện hiệu quả cho lợi ích của các thế hệ đó ?

Một phong trào mới ở Nhật Bản có tên gọi là 'Thiết kế Tương lai' đang tìm cách trả lời câu hỏi này.

Dưới sự dẫn dắt của kinh tế gia Tatsuyoshi Saijo thuộc Viện nghiên cứu Nhân sinh và Tự nhiên ở Kyoto, phong trào đã thực hiện các hội đồng công dân ở các địa phương trên khắp nước Nhật.

demo5

Lễ khoác áo choàng của "các cư dân tương lai"

Một nhóm các thành viên giữ vị trí công dân hiện tại trong khi nhóm kia hình dung họ là người dân trong thế giới tương lai kể từ năm 2060, thậm chí mặc áo choàng nghi lễ đặc biệt để giúp cho họ tưởng tượng họ đang ở tương lai.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy các công dân tương lai sáng tạo ra những bản quy hoạch thành phố triệt để hơn và cấp tiến hơn nhiều so với hiện tại.

Cuối cùng, phong trào này nhằm để thành lập Bộ Tương lai nằm trong chính quyền trung ương và Sở Tương lai trong tất cả chính quyền cấp địa phương vốn áp dụng mô hình hội đồng công dân tương lai để ra chính sách.

Sẽ có cách mạng dân chủ mới ?

Có một vụ kiện lớn xảy ra ở Mỹ khi tổ chức 'Quỹ Tín thác của Con em Chúng ta' do giới trẻ lãnh đạo muốn đảm bảo quyền pháp lý đối với việc được hưởng khí hậu ổn định và bầu khí quyển trong lành vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai.

Điều khiến vụ kiện này nổi bật là các nguyên đơn đều đang trong tuổi thiếu niên hay mới ngoài 20 tuổi.

Họ lập luận rằng chính phủ Mỹ chủ ý theo đuổi những chính sách góp phần làm cho khí hậu tương lai, vốn là tài nguyên chung, không ổn định, do đó tước mất quyền Hiến định trong tương lai của họ. Nếu vụ kiện này thắng lợi, thì nó sẽ là một vụ kiện lịch sử mà cuối cùng cũng trao quyền cho các công dân thế hệ tương lai.

Tất cả những ý tưởng này làm thành điều gì ?

Chúng ta đang ở trong giai đoạn biến chuyển chính trị lịch sử. Rõ ràng là phong trào quyền và lợi ích của thế hệ tương lai đang bắt đầu nổi lên trên phạm vi toàn cầu và sẽ giành được thời cơ trong những thập niên tới, khi mà hai mối đe dọal gồm hệ sinh thái đổ vỡ và rủi ro công nghệ, ngày càng hiển hiện.

Giấc mơ có một nhà độc tài ôn hòa không phải là giải pháp duy nhất để đối phó các cuộc khủng hoảng dài hạn.

Nền dân chủ có nhiều hình thức khác nhau và đã được đổi mới nhiều lần, từ hình thức dân chủ trực tiếp ở thời Hy Lạp cổ đại cho đến sự ra đời của dân chủ đại nghị trong Thế kỷ 18.

Cuộc cách mạng dân chủ kế tiếp - vốn tạo sức mạnh cho thế hệ tương lai và giảm sự đô hộ tương lai - sắp sửa xuất hiện ở chân trời chính trị.

Roman Krznaric

Nguyên tác : Why we need to re-invent democracy for the long-term ?, BBC Future, 19/03/2019

Nguồn : BBC, 08/04/2019

Roman Krznaric là nhà nghiên cứu triết học công, nhà cựu chính trị học, và là sáng lập viên của Bảo tàng Cảm thông đầu tiên trên thế giới.

Quay lại trang chủ
Read 613 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)