Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

07/04/2019

Con phải tự đứng lên !

Nguyễn Lân Thắng

Hồi mới sinh bé Đậu, gia đình chúng tôi có may mắn khi quyết định sinh cháu ở bệnh viện Việt Pháp. Không phải chỉ có chuyện lúc sinh, vợ chồng tôi phải đi học một lớp tiền sản. Đây là một khóa học gồm 5 buổi, ở đó bố mẹ được dạy từ đầu đủ thứ liên quan đến đứa trẻ đang hình thành. Họ dạy từ dinh dưỡng và chăm sóc cho bà bầu ra sao, tạo môi trường chăm sóc bé sau khi sinh thế nào, và nhất là cách giao tiếp đối thoại với trẻ từ khi còn nhỏ.

con1

Khóa học tiền sản dạy từ dinh dưỡng và chăm sóc cho bà bầu ra sao, tạo môi trường chăm sóc bé sau khi sinh thế nào, và nhất là cách giao tiếp đối thoại với trẻ từ khi còn nhỏ.

Tôi nhớ mãi chuyện cô hộ lý ở đó dạy rằng, trẻ em ngay từ lúc đẻ ra, thậm chí chưa mở mắt đã biết vòi vĩnh. Một đứa trẻ đang khóc, tất nhiên là sẽ phải chú ý đến nó, nhưng đừng lao vào dỗ hay bế ngay mà phải quan sát xem nó có bị khó chịu ở đâu. Đừng đáp ứng trẻ nhỏ ngay lập tức mọi yêu cầu của nó mà phải nhớ nguyên tắc 60/40. Chỉ đáp ứng 60% các đòi hỏi của trẻ. Đứa trẻ ngay từ một hai ngày tuổi không được chiều nó. Ngay từ lúc đó mà cứ ôm ấp ru bế suốt ngày thì nó sẽ không bao giờ rời bố mẹ để ăn ngủ sinh hoạt một mình và tự lớn lên được. Ơn trời, đó là những điều vô cùng đúng đắn mà chúng tôi được chỉ bảo. Bé Đậu lớn lên một cách mạnh mẽ và có tính cách rất độc lập, tự chủ. Chúng tôi đã từng phải nhiều lần nghiêm mặt để ngăn ông bà đỡ nó dậy mỗi khi ngã. Chơi bị ngã là phải tự đứng dậy, đấy là một trong những điều nhỏ nhặt trong muôn vàn điều khác mà chúng tôi áp dụng từ khi Đậu mới lọt lòng.

Tôi phải bộc bạch chuyện bé Đậu ngày hôm nay bởi như các bạn đã biết, là vừa rồi nhân chuyện Nguyễn Hữu Linh ấu dâm đã nổ ra một cuộc tranh luận gay gắt liên quan đến cô Đỗ Anh Thư. Cô Thư là một người mẹ có con nhỏ, và hình như đang sắp sinh thêm đứa nữa. Khi vụ ấu dâm nổ ra và có thông tin gia đình nạn nhân đã hòa giải với thủ phạm, cô Thư đã lên Facebook bầy tỏ quan điểm rằng : "Nếu con mình bị dâm ô, đặc biệt khi thủ phạm là một quan chức cao cấp, mình cũng không kiện".

Lý giải cho quan điểm này, cô Thư cho rằng đừng tin vào luật pháp Việt Nam, đừng đừng tin vào trình độ cán bộ điều tra vì họ có thể gây thương tổn cho trẻ nhỏ, hãy xem trường hợp Nguyễn Khắc Thủy - Vũng Tàu đó, mẹ cháu bé đã phải cách ly con bằng cách ra nước ngoài sống... Chốt lại status này cô Thư nói rằng :

"Nếu các vị muốn thay đổi luật pháp, các vị hãy tự làm, và hãy hiểu rằng đó là một chặng đường đằng đẵng gian truân. Cho nên đừng lôi một đứa trẻ còn chưa hết kinh hãi để làm công cụ cho các vị, mà hỏng cả cuộc đời con bé".

Status này được khoảng 5 ngàn người vào like và chia sẻ, nhưng chưa phải xong chuyện. Một luồng dư luận khác còn kinh khủng hơn bùng lên phản đối ý kiến này của cô Đỗ Anh Thư, nhất là sau khi cô Thư khóa status đầu tiên và đăng status thứ hai bảo rằng :

"Tôi vừa chuyển chế độ cho bài viết của tôi, do có nhiều kẻ sử dụng bài viết đấy vì mục đích chính trị. Những kẻ chống phá nhà nước : không phải là đối tượng tôi muốn đối thoại".

Không chỉ có chuyện người ta moi móc ra đời tư của cô Thư thế nào, bố làm tướng công an ra sao, mà chính bà mẹ cô bé trong vụ ấu dâm ở Vũng Tàu cũng lên sóng phản bác quan điểm của cô Đỗ Anh Thư.

Gạt bỏ qua chuyện quan niệm thế nào là phản động, là chống phá nhà nước... của cô Đỗ Anh Thư, chuyện đấy sẽ còn tranh cãi nhiều, tôi muốn nói về chuyện nuôi dạy và bảo vệ con. Tất nhiên cô Thư và gia đình có thể có quan điểm riêng của mình trong việc bao bọc và bảo vệ đứa trẻ, nhưng tôi thì không nghĩ như cô. Tôi không chỉ nghĩ mà đã làm như vậy với bé Đậu từ lúc lọt lòng. Không chỉ chuyện ăn uống sinh hoạt của Đậu, chúng tôi đã cho nó đi biểu tình cây xanh từ năm 2015, lúc mới hơn 1 tuổi khi còn đi chưa vững. Một đứa trẻ non tơ mà bế nó đi 2 vòng Bờ Hồ giữa trời nắng nóng tháng 5, trong tiếng hô hào của một đám đông khổng lồ, có lẽ không phải là điều bố mẹ nào dám làm. Nhưng chúng tôi đã làm như vậy. Và không chỉ có vậy, Đậu còn tham gia nhiều trận biểu tình Formosa khốc liệt, còn chứng kiến màn khủng bố liên miên của đám côn đồ, bò đỏ với bố mẹ nó, từ trường học của nó đến nhà riêng.

Chúng tôi có yêu con không ? Có chứ ! Nhưng tại sao chúng tôi lại làm và để Đậu đối mặt với những chuyện kinh khủng như vậy ? Đó là vì chúng tôi quan niệm rằng, dậy dỗ và bao bọc đứa trẻ trước hiểm nguy là điều ngu ngốc. Trẻ con sinh ra trên đời ai mà chẳng yêu thương. Nhưng rồi bố mẹ sẽ chết đi và đứa trẻ trước sau gì rồi cũng phải tự sống nốt phần đời của nó. Cuộc đời này rất tiếc lại không bằng phẳng và không hề bình yên. Vậy thì, thay vì nuôi nhốt đứa trẻ trong lồng kính, cách ly nhận thức của nó với các vấn đề của xã hội, chúng tôi cho Đậu tham gia mọi chuyện mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là với tinh thần cảnh giác và sự trợ giúp để nó không gặp chuyện quá nguy hiểm. 

con2

Chúng tôi cho Đậu tham gia mọi chuyện mà chúng tôi đang làm, tất nhiên là với tinh thần cảnh giác và sự trợ giúp để nó không gặp chuyện quá nguy hiểm. 

ãy thử tưởng tượng một chuyện như thế này. Bạn đang đi cùng gia đình trên một con tàu. Nó bị thủng đáy. Bạn đã cố hết sức để tát nước ra mà chưa có gì khả quan lắm. Bạn sắp kiệt sức và có thể chết bất cứ lúc nào. Những chiếc tàu cứu hộ thì chưa thấy tăm hơi đâu. Vậy thì trong lúc hiểm nguy đó, bạn sẽ vẫn giấu đứa trẻ mọi chuyện chứ ? Hay là bạn sẽ cần phải cho nó đối mặt với thực tế, cho nó chuẩn bị tinh thần để đối mặt, để vượt thoát, và để sống đến ngày mai ? Đây chỉ là một giả thiết tôi đặt ra để các bạn dễ hình dung câu chuyện. Nhưng thực tế thì, hãy nhìn vào lịch sử. Có rất nhiều gia đình đã phải vào trại tập trung của Đức quốc xã, hay của Polpot. Lúc đó nếu là bạn, bạn sẽ nói với con mình như thế nào ? Nhắn nhủ với nó những điều cần thiết để tồn tại, hay tiếp tục che chở và làm mù các giác quan của nó bằng những lời giả dối màu hồng ?

Xã hội chúng ta đang ở một khúc quanh đầy rối ren. Một đứa trẻ không chỉ có nguy cơ bị xâm hại tình dục mà còn phải đối mặt với nhiều chuyện khác như thực phẩm bẩn, vacxin kém chất lượng, bạo lực học đường, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường. Chính vì lẽ đó chúng tôi quan niệm là phải dạy cho Đậu biết sẵn sàng đối mặt với những hiểm nguy chứ không phải là bỏ chạy. Ai cũng chạy hết thì đất nước này sẽ đi về đâu ?

Và cuối cùng, tôi muốn nói thế này. Chuyện nuôi dạy và bảo vệ trẻ con thế nào là quan điểm của mỗi gia đình. Nhưng tội lên mạng dám chửi người khác phản động là cái tội nặng nhất, thiên hạ sẽ không dễ bỏ qua cô Đỗ Anh Thư ạ./.

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 07/04/2019 (nguyenlanthang's blog)

Quay lại trang chủ
Read 679 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)