Các bạn, những ai từng biết chút ít về đạo Công giáo thì chắc đều đã nghe qua câu chuyện này. Một lần Chúa đến một đám đông vây quanh một người phụ nữ. Đám đông hỏi Chúa : "Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao ?". Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"… Kết cục là đám đông về hết và chỉ còn đống đá nguyên vẹn ở đó.
Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ : "Ai trong các ngươi trong sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi"…
Chuyện từ xa xưa là vậy, nhưng nếu bây giờ tôi được đứng trước mặt Chúa, tôi sẽ hỏi Người rằng : "Nếu người kia lại là người đàn ông có tên Nguyễn Hữu Linh ấu dâm trẻ con thì Ngài nghĩ sao?". Xin nói ngay rằng tôi không hề có ý muốn mạo phạm các bậc thánh thần, nhưng tôi sẽ phải hỏi câu nói vừa rồi nếu có cơ hội, bởi tôi chỉ là một người phàm.
Là một con người, tôi có tai, tôi có mắt, tôi có trí não. Trước khi biết Nguyễn Hữu Linh thì tôi đã được biết rất nhiều cái tên khác như Nguyễn Trường Tô, Sầm Đức Xương, Nguyễn Khắc Thủy, Đinh Bằng My... và nhiều nữa tôi không thể kể hết. Nhưng điểm chung của những cái tên này thì một : họ đều là (hoặc từng là) công chức, hai là : vụ án của họ vô cùng trầy trật bởi một lực cản vô hình nào đó đã làm khó khăn cho công tác điều tra, xử án.
Ấu dâm trẻ em không phải là điều mới mẻ, nhưng cường độ và tốc độ ngày càng lớn. Ngay khi tôi đang gõ những dòng chữ này thì lại biết thêm một vụ xâm hại tình dục khác diễn ra ở Thanh Xuân - Hà Nội. Theo thống kê thì bây giờ người ta tính ra cứ 8 giờ đồng hồ lại có một trẻ em bị xâm hại. Điều này trầm trọng đến mức độ nhiều người trong đó có tôi đã mất niềm tin vào các cơ quan bảo vệ pháp luật. Theo bà Lê Thị Hoàng Yến đại diện Hội bảo vệ quyền trẻ em, tại Việt Nam có hơn 15 cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bảo vệ quyền trẻ em. Điều này làm cho bà Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về Giới, Gia đình, Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) từng phải thốt lên :
"Một đứa trẻ có 15 cơ quan bảo vệ, vậy mà tại sao khi con chúng ta bị xâm hại thì chúng ta không biết gọi đến đâu ? Cá nhân tôi thấy điều này thật mỉa mai, chúng ta có lẽ không cần quá nhiều cơ quan như vậy. Chúng ta chỉ cần đến 1, 2 cơ quan nhưng thực sự làm".
"Tôi cảm thấy là không chỉ riêng ấu dâm, mà trong tất cả vấn đề liên quan đến phụ nữ hay trẻ nhỏ thì những hội đoàn đó vô tác dụng. Họ không làm việc, không có một tiếng nói nào cho người dân, không thăm hỏi, không động viên, không bảo vệ. Nói chung họ không có vai trò gì hết, họ chỉ có cái tên và nhận lương. Vậy thôi !".
Ông Nguyễn Hữu Linh không xâm hại chúng ta. Ông ấy xâm hại một đứa bé. Nhưng tôi biết có người đã hỏi tại sao chúng ta cậy đông ném đá ông ấy ? Xin thưa rằng, không phải chúng ta đang ném đá ông ấy. Chúng ta đang ném đá và phỉ nhổ vào cả một cái thể chế mà đáng lý ra nó được chúng ta trao quyền lực để bảo vệ cho từng đứa trẻ, từng người phụ nữ, thay vì chỉ phạt 200 ngàn đồng.
Tôi không bao giờ e ngại khi bị chỉ trích bởi những phát ngôn của mình xung quanh chuyện này, và tôi luôn ủng hộ các bạn khác cũng lên tiếng, bởi chính hành động đó của chúng ta góp phần làm chúng ta trở nên những công dân có trách nhiệm cho đời.
Xin Chúa ở cùng anh chị em.
Nguyễn Lân Thắng
Nguồn : RFA, 06/04/2019 (nguyenlanthang's blog)