Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

11/04/2019

"Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng"

Xuân Nam

"Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng" là luận điểm quan trọng trong bài viết "Đã đến lúc các lãnh đạo đảng phải xin lỗi nhân dân" của tác giả Nguyễn Kiều Dung, người đã từng làm luận án tiến sĩ tại Hoa Kỳ và hiện đang sinh sống ở Hà Nội.

datnuoc1

Hình minh họa. Nội thành Hà Nội hôm 25/01/2017 - AFP

Trong bài viết của mình, Tiến sĩ Dung cho rằng vì lựa chọn Mô hình Phò Trung Quốc, nên đảng cộng sản Việt Nam phải thực hiện chính sách dối trá và ngu dân trong mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội. Và nếu so sánh sự phát triển trong 44 năm qua với Trung Quốc thì đây là một thành tích đáng xấu hổ của Việt Nam. Tác giả nhận định việc theo mô hình này có thể dẫn đến việc đánh đổi chủ quyền quốc gia.

Tiến sĩ Dung cho rằng đã đến lúc cương quyết vứt bỏ mô hình này để đổi mới chính trị với việc đầu tiên cần làm ngay là : công khai xin lỗi nhân dân và chịu kỷ luật

Sau khi đăng tải trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, bài viết đã được chia sẻ rộng rãi và nhận được rất nhiều phản hồi, góp ý từ các chuyên gia.

Khi phóng viên Đài Á Châu Tự do đặt vấn đề liệu việc xin lỗi có nhẹ hay không, nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn An Dân cho biết :

"Nói việc xin lỗi nặng hay nhẹ khó mà nói cho từng sự việc cụ thể. Nhưng xin lỗi là thiện chí đầu tiên".

"Xin lỗi thể hiện tính dân chủ. Có nghĩa là lãnh đạo phải đứng dưới quyền làm chủ của nhân dân. Giống như ông Hồ chí Minh vẫn nói : lãnh đạo là đầy tớ của nhân dân. Đầy tớ làm sai thì xin lỗi chủ, đó là thể hiện tính dân chủ - người dân làm chủ".

Tuy nhiên, khi trao đổi với RFA, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập, cho rằng việc yêu cầu đảng xin lỗi nhân dân để đổi mới chính trị trong thời điểm này là chưa thực tế :

"Tôi cho là tác giả Nguyễn Kiều Dung không hiểu về đảng và do đó không thực tế. Tại vì những người biết về đảng, từ trong lòng đảng, thì họ đều hiểu một điều là vì sĩ diện và tính độc đảng, độc tài và vì cái thế mạnh mà nó (đảng – pv) còn giữ được cho tới ngày hôm nay thì không đời nào nó làm chuyện đó".

"Việc mà đảng cộng sản, theo quan điểm của tôi, và tôi nghĩ là rất nhiều người dân khác, và đặc biệt người dân Việt Nam thì đảng cộng sản phải xin lỗi cách đây 40 năm rồi, từ lúc bắt người dân Sài Gòn và người dân Nam bộ ăn bo bo, ăn khoai mì và thay thế nền kinh tế tự do bằng nền kinh tế bao cấp, chỉ huy, ngăn sông cấm chợ, v.v..đánh tư sản, đánh mại bản và gần như đã làm sụp đổ tan hoang cả nền kinh tế của khu vực phía Nam.

"Chính từ lúc đó đảng cộng sản đã phải xin lỗi người dân rồi, chưa kể là hàng loạt những chuyện sau này. Còn bây giờ mà phải xin lỗi người dân là đã vô cùng muộn".

Trong khi đó, trên facebook của mình, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống hoan nghênh và tâm đắc luận điểm mà tác giả Nguyễn Kiều Dung đưa ra : "Đất nước này của toàn dân chứ không phải của riêng Đảng". Tuy nhiên, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống cho rằng đầu bài và việc cần làm số 1 : "Xin lỗi dân" còn quá nhẹ và chưa thể hiện được bản chất. Ông viết :

"Ai chứ tôi không cần nghe lời xin lỗi của lãnh đạo đảng cộng sản. Đảng cộng sản Việt Nam nếu còn một chút nào liêm sỉ thì phải tự thay đổi"

"Nhiều việc tưởng là có công với chủ thuyết cộng sản, nhưng thực chất lại là có tội lớn đối với dân tộc".

"Tội lớn nhất là dẫn dân tộc đi theo Nga Xô trước đây, theo Trung Quốc ngày nay, theo chủ thuyết đấu tranh giai cấp và xây dựng xã hội không tưởng, nhằm đưa lại quyền lợi cho các nhóm lợi ích là chủ yếu, trên cơ sở phá nát tài nguyên, môi trường, kết hợp áp bức bóc lột một bộ phận dân chúng".

Tác giả Nguyễn Kiều Dung lập luận rằng, sau khi xin lỗi thì việc cần làm là vứt bỏ "Mô hình Phò Trung Quốc" để đổi mới chính trị. Vì tất cả những dối trá, ngu dân về Luật pháp – Dân Trí – Kinh tế - Khoa học Công nghệ - Chính trị, đều có nguyên nhân là do đảng lựa chọn mô hình này mà ra.

Tuy vậy, Tiến sĩ Pham Chí Dũng nhận định rằng không thể có sự thay đổi chính trị vào thời điểm này :

"Cho dù đây là thời điểm rất khó khăn của đất nước và nền kinh tế gần như là bên bờ vực thẳm và chân đứng chính trị đang rệu rã, nhưng mà nó vẫn không làm chuyện đó, tại vì nó vẫn đang trên đường đi tới vực thẳm, nhưng chưa sa hẳn một chân xuống vực thẳm, chưa bị đẩy hẳn vào chân tường".

"Khi nào bị đẩy hẳn vào chân tường thì lúc đó nó mới có sự thay đổi lớn, còn bây giờ thì chưa".

Trong phần tiếp theo của bài viết, tác giả Nguyễn Kiều Dung đề ra việc cần làm thứ 3 là : "Ngăn ngừa/loại bỏ những người cản trở đổi mới chính trị".

Góp ý với tác giả, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Đình Cống viết trên facebook rằng việc này là không cần thiết.

"Trước hết phải trả quyền cho dân. Quyền đó đã bị đảng cướp mất từ lâu. Hãy trả quyền cho dân bằng chủ trương đa nguyên, để dân thật sự tự do bầu ra quốc hội".

"Thoát Trung"

"Thoát Trung" cũng là một trong những ý chính mà tác giả Nguyễn Kiều Dung đã đề cập trong bài viết.

Và "thoát Trung" hay "giãn Trung" như một số chuyên gia khác thường gọi, là vấn đề nhận được sự đồng thuận của nhiều chuyên gia.

Nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn An Dân phân tích :

"Hiện nay cần thiết nhất bang giao là Mỹ. Tại vì những nước Châu Âu, mô hình dân chủ của họ, và lợi ích của họ nó bị giằng níu nhiều hơn nước Mỹ. Đó là cái thứ nhất".

"Cái thứ hai là chiến lược quốc gia của Mỹ là phải đẩy lùi Trung Quốc. Thì cái việc Mỹ đẩy lùi Trung Quốc, Việt Nam cũng được hưởng lợi. Hưởng lợi về an ninh, quốc phòng, về tư tưởng, văn hóa, kinh tế…mà những yếu tố thì nó sẽ tác động đến dân chủ, tạo nền vững chắc dể dân chủ phát triển".

Phân tích xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho rằng cơ hội đang đến với Việt Nam :

"Dự kiến là giữa năm hay hoặc là sau đó một chút thì Nguyễn Phú Trọng là Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam sẽ đi Mỹ theo lời mời chính thức của ông Trump. Đó là một cơ hội".

"Thứ nhất lần đầu tiên có thể xây dựng một quan hệ đối tác chiến lược Việt Mỹ. Sau đó có thể dẫn tới giữa Việt Nam và Mỹ có một hiệp ước tương trợ phòng thủ quân sự lẫn nhau, giống như giữa Philippines và Mỹ vậy".

"Từ đó sẽ có cơ hội để Việt Nam độc lập hơn đối với Trung Quốc ở khu vực biển Đông và có thể kể cả về mặt kinh tế nữa. Đó là cơ hội mà tôi gọi là giãn Trung".

Khi được hỏi, liệu Việt Nam đang ở trong một thế chênh vênh hay không trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định :

"Thật ra ở đây đảng cộng sản của Nguyễn Phú Trọng không có sự lựa chọn. Không thể nói chênh vênh hay không chênh vênh. Thực ra chênh vênh nó đã tồn tại ngay từ thời đu dây rồi, đu dây giữa Mỹ và Trung Quốc".

"Chênh vênh đến nỗi ngã lộn cổ vào năm 2014 với sự kiện giàn khoan Hải Dương 981. Đó là một bài học kinh khủng đối với chính quyền Việt Nam, đối với đảng cộng sản Việt Nam. "

"Cho nên đến lúc này họ không có quyền lựa chọn nữa. Lựa chọn duy nhất và lối thoát duy nhất của họ là hiện nay Mỹ là đối trọng duy nhất về mặt quân sự ở khu vực biển Đông với Trung Quốc. "

22222222222222222

Lãnh đạo Việt Nam và Hoa Kỳ tại Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Bắc Hàn ở Hà Nội tháng 2/2019 AP

Và Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nhận định vấn đề ý thức hệ sẽ không phải là rào cản trong hợp tác chién lược với Hoa Kỳ.

"Tôi cho rằng khi mà Trump tuyên bố chống chủ nghĩa xã hội quyết liệt ngay tại diễn đàn của Liên hiệp quốc và Nguyễn Phú Trọng vẫn tiếp Trump một cách hết sức là niềm nở, vồ vập, ve vãn tại Hà Nội và Nguyễn Phú Trọng sẽ đi Mỹ - điều đó có nghĩa là vấn đề ý thức hệ của Việt Nam không phải là một cái gì bảo thủ đến mức ghê gớm nữa và nó có thể thay đổi trong tương lai. Đặc biệt là sau khi Trọng nghỉ".

Việt Nam đã chính thức trở thành đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc từ năm 2008 và cùng có thể chế chính trị độc đảng, đều do đảng cộng sản nắm quyền tuyệt đối. Tuy nhiên hai nước hiện vẫn còn những bất đồng liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Về mặt kinh tế, Tiến sĩ Phạm Chí Dũng cho hay, nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc mỗi năm hàng chục tỷ đô la Mỹ. Điều này làm kinh tế Việt Nam trở nên lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc và chịu những rủi ro nhất định.

Trong khi đó, kể từ khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1995, và trở thành đối tác toàn diện từ 2013, quan hệ hai nước đã phát triển sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.

Năm 2018, Việt Nam đã có mức xuất siêu 35 tỷ đô la Mỹ vào Hoa Kỳ. Đay cũng là thị trường chiếm tỷ trọng gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Nhiều chuyên gia kỳ vọng về chuyến thăm sắp tới của Tổng bí thư-Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ theo lời mời của Tổng thống Trump, quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước có thể thành hiện thực.

Kiến nghị của tác giả Nguyền Kiều Dung về việc vứt bỏ Mô hình Phò Trung Quốc tuy không mới nhưng nó thu hút sự quan tâm của cộng đồng vì tâm thế người Việt đang hướng về một thời khắc có tính lịch sử, xoay chuyển số mệnh của cả một dân tộc – đó là 30/4/1975.

Xuân Nam

Nguồn : RFA, 11/04/2019

Quay lại trang chủ
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)