Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/04/2019

Cãi vả có thành dân chủ ?

Cánh Cò

Chắc chắn là có, ngoại trừ cãi vả vì lợi ích riêng mình bất cần lợi ích chung của người khác, đặc biệt sự cãi vả xảy ra giữa cộng đồng cùng quan tâm đến một vấn đề chung. Sự cãi vả hay nói văn chương hơn là "tranh luận" là phương pháp tốt nhất mài giũa tư duy về dân chủ trong khi một trong hai phía, bênh hay chống một vấn đề nào đó, có cơ hội nhìn ra vấn đề mà trước đó do thói quen không nhìn thấy.

danchu1

Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.

Chấp nhận mình nhìn thấy cái sai là tốt nhưng không dám công khai chấp nhận mình sai trong khi trong thâm tâm công nhận lập luận của đối thủ sắc bén hơn mình cũng không phải là điều gì xấu xa vì từ bây giờ trở về sau ý tưởng đạt được từ đối phương sẽ giúp bản thân nhạy bén hơn khi nhìn nhận một vấn đề có tầm xã hội, và vì vậy tranh cãi là cục đá mài tư duy sắc bén cần thiết nếu sự tranh cãi không đi quá đà đến nỗi sức mẻ hay khinh thường người phản biện.

Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng sau khi xàm sở với bé gái trong thang máy đã làm cộng đồng dậy sóng, không những giữa cộng đồng với ông ta mà còn giữa những thành viên trong cộng đồng vì cách hành xử của họ đối với trường hợp hiếm có này.

Sau khi vụ tai tiếng xảy ra căn nhà của ông Linh tại Đà Nẵng đã bị một nhóm người tới xịt sơn lên cửa hàng rào với hai chữ Ấu dâm. Một chiếc quần lót được treo lên và chất bẩn cũng được ném vào bên trong căn nhà. Cùng lúc là phong trào đem vợ con ông Linh ra đàm tiếu với những lời lẽ khiếm nhã, những câu hài hước liên quan đến ông ta và gia đình được loan tải trên mạng xã hội trở thành một khuynh hướng. Tuy nhiên cùng lúc là những chống đối từ phía khác, những người không đồng tình với cách ứng xử "thô lậu" đối với gia đình ông Linh.

Nhóm người chống đối thường có tiếng tốt và luôn chống lại sự gian trá của chính quyền trên mạng facebook của mình. Họ cho rằng tuy ông Linh dơ bẩn nhưng gia đình ông ta không dính gì tới hành vi dâm ô của ông ta vì vậy lăng nhục vợ con, gia đình của ông ta là hành vi của "đám đông", đáng xấu hổ và mang tính chất bầy đàn rất rõ.

Nhóm này lấy Gustave Le Bon, trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'', dẫn chứng rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa.

"Thủ lĩnh" của đám đông ấy chưa ai dám đứng ra chấp nhận đã bị một làn sóng phản ứng dữ dội đè bẹp. Nhóm chống ông Linh và gia đình cho rằng hành vi của việc xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà của một Viện phó Viện Kiểm sát là cách ăn miếng trả miếng của nhân dân. Bởi người dân không có gì làm vũ khí thì họ có quyền xử dụng những gì họ cảm thấy khiến cho đối phương tủi hổ, mất mặt mới xứng đáng với lòng căm thù tiềm ẩn quá lâu trong dân chúng.

Đám đông ấy không tin vào luật pháp. Đối với họ luật pháp luôn đứng về kẻ mạnh mà ông Linh là một điển hình.

Hãy nhìn xem chung quanh đời sống hàng ngày của những người đấu tranh dân chủ. Nhà họ bị an ninh canh chừng như giam giữ phạm nhân, cửa ngõ của họ bị xịt sơn hai chữ "phản động" ổ khóa nhà họ bị trét keo dán sắt không thể mở được… tất cả những thứ ấy có phải là "tâm lý đám đông" hay không ?

Tại sao chính quyền Đà Nẵng nhanh chóng yêu cầu trích suất Video tìm thủ phạm trong khi cán bộ, an ninh canh giữ nhà của dân lại bị làm ngơ như không hề có ?

Nhìn xa hơn nữa, có bao nhiêu người chung quanh một nhà hoạt động dân chủ bị công an mời lên hăm dọa, phù phép đến nỗi không dám nhìn mặt người mình từng ủng hộ. Có bao nhiêu thân nhân của tù nhân lương tâm không được đối xử công bằng theo luật pháp hiện hành vậy tại sao lại đối xử công bằng với gia đình của một Viện phó Viện kiểm sát như Nguyễn Hữu Linh khi chính ông ta là người từng ký tá biết bao nhiêu lệnh truy tố bất nhân đối với người vô tội ?

Hãy nhìn lại hành động của những người mất đất, họ không còn gì cả, khi bị cưỡng chế chỉ còn bộ quần áo cơ hàn dính da nhưng uất ức khiến họ cởi phăng ra hết, truồng như nhộng để phản đối bọn người cưỡng chế mảnh đất nhỏ bé của họ. Hành vi cởi truồng ấy có đáng bị các nhà "đạo đức" phê phán hay không khi cùng một cách phản ứng với bất công, hà khắc ?

Hai khuynh hướng xảy ra trong cùng một sự kiện đáng là một niềm vui cho người quan sát. Ít nhất cả hai phía đã tham gia cật lực dùng tâm trí mình biện luận cho một hành vi. Những luận điểm của cả hai phía đều mang hình ảnh lưỡng diện, vừa đúng lại vừa sai, cái đúng và sai ấy tuy nhiên không đáng phê phán vì nó chứa đụng sự quan tâm cần thiết cho một xã hội dân chủ.

Lá phiếu nào cũng có sự lợi và hại của nó. Bầu cho người thành toàn, có tâm trí dành cho đất nước thì lá phiếu ấy hữu dụng, ngược lại bầu cho một kẻ độc tài thì lá phiếu ấy trở nên có hại cho tiến trình dân chủ. Tuy nhiên nếu không có những lá phiếu có hại ấy thì xã hội có đáng nhận hai chữ dân chủ làm mục tiêu chung hay không ?

Dân chủ luôn luôn cần sự cọ sát, đôi khi rất đau đớn. Thiếu đau đớn, hy sinh, tranh luận thậm chí chửi mắng nhau không thể có một nền dân chủ thực sự, có chăng chỉ là dân chủ phải đạo, dân chủ trung thành hay dân chủ định hướng, những cái mà dân tộc Việt Nam thừa mứa từ hơn 70 năm qua.

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 11/04/2019 (canhco's blog)

Quay lại trang chủ
Read 689 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)