Coi đá banh phải hồi hộp đến phút chót mới thú vị. Nếu mới vào hiệp đầu đã biết đội nào thắng thì ai muốn coi tiếp làm gì ? Cũng vậy, trước ngày bỏ phiếu mà đã biết chắc ai thắng ai bại thì chán ngắt !
Dân Nga, dân Trung Quốc cũng đi bỏ phiếu bầu, nhưng họ đã biết trước ai sẽ thắng.
Một cuộc bỏ phiếu ở tiểu bang New Hampshire vào cuối năm 2022, có thể coi là tiêu biểu cho lối sống tự do dân chủ của dân Mỹ.
Hai ứng cử viên tranh cử chức dân biểu hạ viện ở Địa hạt 16, Manchester, trong quận Hillsborough, nơi đảng Cộng hòa thường thắng đảng Dân chủ trong suốt nhiều năm. Khi kiểm phiếu, ông Larry Gagne, đảng Cộng hòa đánh bại bà Maxine Mosley, đảng Dân chủ, với tỷ số 1,820-1,797, hơn nhau 23 phiếu.
Trong lúc còn chưa đếm hết phiếu, bà Mosley, lần đầu tiên ra tranh cử, nghĩ mình sẽ thua, đã chúc mừng ông Gagne. Vì số chênh lệch quá nhỏ, tòa án bắt đếm lại lần nữa. Kết quả bất ngờ : Bà Mosley chiếm được 1,799 phiếu, ông Gagne chỉ được 1,798 người tín nhiệm.
Maxine Mosley cho các nhà báo biết, ngay sau khi thấy kết quả bất ngờ này, ông Larry Gagne, đã bắt tay bà chúc mừng và nói sẽ không yêu cầu đếm phiếu lại. Bà Mosley thú nhận không ngờ mình thắng.
Năm 2024 sẽ có 60 quốc gia tổ chức bầu cử, gồm một nửa dân số thế giới, 4 tỷ người. Ấn Độ và Cộng hòa Nam Phi sẽ bầu lại nghị viện cùng chức thủ tướng ; Mỹ, Indonesia với nước North Macedonia nhỏ xíu sẽ bầu tổng thống. Sống dưới chế độ dân chủ hào hứng vì có những chuyện bất ngờ. Dân Ấn Độ, quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới, 1.4 tỷ người lâu nay thường chỉ dự hai trò hấp dẫn, là coi phim thần thoại và đi bỏ phiếu. Năm nay chắc Thủ tướng Modi sẽ thắng nhưng đảng của ông có thể thất bại ở nhiều nơi.
Coi đá banh phải hồi hộp đến phút chót mới thú vị. Nếu mới vào hiệp đầu đã biết đội nào thắng thì ai muốn coi tiếp làm gì ? Cũng vậy, trước ngày bỏ phiếu mà đã biết chắc ai thắng ai bại thì chán ngắt ! Năm nay dân Bắc Hàn cũng sẽ đi bầu, họ chỉ mặc quần áo đẹp tới thùng phiếu mà không ai thấy hồi hộp, vì họ sẽ chỉ được chọn giữa ông Kim Jong-un và ông Kim Jong-un !
Dân Nga cũng sẽ đi bỏ phiếu, nhưng ông Vladimir Putin đã khóa trước, không để cho ứng cử viên đối lập đáng kể nào còn được tự do.
Dân Bangladesh cuối tuần này cũng đi bỏ phiếu bầu quốc hội, nhưng họ sẽ rất uể oải vì đảng đối lập đã rút lui không tranh cử ; họ tố cáo chính quyền âm mưu gian lận. Đây là một thí dụ cho thấy chế độ tự do dân chủ rất mong manh, dễ bị lạm dụng. Nhiều chính trị gia được bầu lên rồi tìm cách đàn áp phe đối lập, thay đổi các luật lệ để củng cố quyền hành.
Nhưng làn sống dân chủ vẫn lan rộng trên trái đất từ hai trăm năm nay. Năm 1800 chưa có nước nào thật sự sống tự do dân chủ, chỉ có 4% các nước có tổ chức bầu cử nhưng bên trong vẫn độc tài.
Những người sống trong chế độ dân chủ phải thấy nó không có vẻ gì xuất sắc. Ngay một việc phải đi bầu, phải lựa chọn cũng thấy mệt ! Trong khi các nước độc tài người ta duy trì cuộc sống chính trị trước sau như một thì các nước dân chủ nay lại đổi, mai lại đổi. Miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 vẫn tự hào là một chế độ kiên cố vững vàng. Ông Phạm Văn Đồng làm thủ tướng hết năm này qua năm khác mà không biết mỏi ! Đảng Cộng sản nói sẽ biến Việt Nam thành một nước theo chủ nghĩa xã hội thì cứ thế nhắm mắt theo một con đường đó, thế giới loài người thay đổi thế nào cũng bất chấp !
Bây giờ, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng vững chắc "muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ" như vậy, dân Nga và Trung Quốc cứ thế cúi đầu chấp nhận. Trong khi đó thì dân Mỹ chưa biết sang năm 2025 ai sẽ làm tổng thống, Joe Biden hay Donald Trump !
Nhưng nhờ thế mà các nước tự do dân chủ có khả năng phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi trong cuộc sống. Trên thế giới bây giờ cuộc sống thay đổi liên tục, nhanh chóng, từ kinh tế đến xã hội. Những người lãnh đạo các nước dân chủ bắt buộc phải thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tế mới. Họ luôn luôn phải lo tranh cử lại, nếu không lắng nghe ý dân thì về vườn. Họ còn phải thay đổi vì các chuyên gia kinh tế, tài chánh, xã hội, chính trị được tự do phát biểu ; chính sách nào sai lầm dân chúng sẽ biết hết. Có thay đổi thì mới tiến bộ.
Cứ coi cuộc chạy đua giữa Liên bang Xô Viết và Mỹ thì thấy. Chế độ cộng sản kiên cố quá cho nên trong 70 năm nước Nga tụt lùi trên tất cả mọi lãnh vực, chỉ giỏi làm bom và hỏa tiễn ; mà dân thì không ăn được bom với hỏa tiễn. Chính quyền Mỹ lúc nào cũng sợ lung lay vì mỗi đảng chính trị và ông tổng thống cứ bốn năm lại lo mình có thể thất cử. Nhưng thử coi dân Mỹ đã đẻ ra những thứ gì mà cả loài người đang dùng, đang bắt chước sản xuất : máy vi tính cá nhân, internet, và bây giờ, mỗi chiếc xe hơi hay đồ dùng trong nhà cũng chứa những máy vi tính liên hệ với nhau, việc hút bụi cũng giao cho máy, những điện thoại cầm tay thực ra là những bộ máy vi tính bỏ túi, những chiếc đồng hồ đeo tay cũng vậy !
Hiến pháp Mỹ, không kể các tu chính án, có lẽ là bản hiến pháp ngắn và đơn giản nhất thế giới. Nó không bàn chuyện gì lớn lao ngoài chuyện bảo đảm chính quyền sẽ thay đổi theo ý người dân lựa chọn, với kỳ hạn ấn định trước ; chính quyền phải gồm các bộ phận kiểm soát lẫn nhau ; không một tôn giáo hay tư tưởng nào chiếm độc quyền. Từ hơn 200 năm nay, nhiều quốc gia đã thiết lập chế độ dân chủ trên những quy tắc tương tự, mỗi nước thay đổi theo văn hóa và hoàn cảnh của họ. Trong khi hàng triệu thanh niên Nga tìm đường trốn ra nước ngoài thì di dân kéo nhau tìm cách lọt vào nước Mỹ. Nhiều người Trung Hoa và người Việt cũng trả tiền cho các tổ chức đưa tới biên giới Mexico với Mỹ để theo các di dân lậu gốc Uruguay hay Venezuela. Không thấy di dân lậu nào tìm đường vào Trung Quốc, trừ mấy đồng chí Bắc Hàn.
Chế độ tự do dân chủ càng ngày càng mở rộng, càng được nhiều người tin theo hơn. Liệu chế độ chính trị do các ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình vẽ ra có còn được bao lâu sau khi họ qua đời hoặc bị truất phế ? Chính quyền của các giáo sĩ nắm đầu nước Iran hay của chế độ gia đình trị của ông Kim Jong-un sẽ kéo dài được bao lâu ?
Cố thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhận xét rằng Dân chủ là chế độ rất tồi tệ, nó chỉ có vẻ đáng sử dụng khi đem so sánh với tất cả các chế độ khác đã dùng thử trên trái đất này.
Tháng 11 năm 2022, sau khi đắc cử dân biểu với một phiếu chênh lệch, bà Maxine Mosley phải nhắc lại một quy tắc cổ lỗ : "đúng là mỗi một lá phiếu đều quan trọng !" Bà cũng nói cuộc chạy đua này cho thấy "Bổn phận đi bỏ phiếu của chúng ta là nền tảng của chế độ dân chủ". Đến tháng 5 năm 2023 bà ra tranh cử thêm một chức vụ địa phương khác, cũng ở Manchester, thì lại thua ứng cử viên Cộng hòa Crissy Kantor với tỷ số 725-561 phiếu. Trong năm 2024, dân Mỹ sẽ tham dự một cuộc chơi bảo đảm là sẽ rất hào hứng !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 05/01/2024
Nhân kỷ niệm ngày 30/04/1975
Một thế hệ mới đã trưởng thành. Có văn hóa hơn, có thông tin hơn hẳn các thế hệ cha anh, ít bị ảnh hưởng của văn hóa nho sĩ trước đây và đang phẫn nộ vì bị gạt ra ngoài lề xã hội ngay trên đất nước mình. Họ không có chọn lựa nào khác hơn là tham gia cuộc vận động dân chủ, nhưng họ đã hiểu phải tranh đấu như thế nào và sẽ chỉ ủng hộ những cố gắng nghiêm túc. Một giai đoạn mới rất thuận lợi của cuộc vận động dân chủ đã bắt đầu.
Năm 1931, Đảng cộng sản đã phát động cuộc nổi dậy đẫm máu Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Vạn Tuế Sô Nga".
Một lần nữa chúng ta lại kỷ niệm ngày lịch sử 30/04/1975. Đã gần một nửa thế kỷ rồi, một câu hỏi lại được đặt ra : bao giờ chúng ta mới có dân chủ ?
Câu hỏi này được đặt ra cùng với những câu hỏi tương tự mỗi dịp kỷ niệm ngày 30 tháng 4 : tại sao phe cộng sản đã thắng, tại sao chúng ta lại là một trong những nước cuối cùng vẫn chưa có dân chủ, có phải vì chúng ta là một dân tộc thấp kém quá không, tại sao vẫn chưa có được một tổ chức dân chủ mạnh, v.v. Và gần đây : tại sao phong trào dân chủ lại yếu đi như vậy ?
Chắc chắn những người đặt ra những câu hỏi đó phải là những người yêu nước và buồn lòng vì chế độ cộng sản đã kéo dài quá lâu. Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết trong cố gắng trả lời những câu hỏi nhức nhối này, mọi lý do đều đã được đưa ra, bài này xin tập trung vào lý do quan trọng và nền tảng nhất : văn hóa chính trị của trí thức Việt Nam. Quan trọng và nền tảng nhất bởi vì, khác với mọi cuộc thay đổi chế độ trong dòng lịch sử, cuộc vận động dân chủ bắt buộc phải do các trí thức chủ động.
Nghịch lý cộng sản
Trước khi đi vào chi tiết cần khẳng định một điều : chế độ cộng sản hiện nay chỉ là một chế độ độc tài, khẩu hiệu "xây dựng dân chủ" vẫn thường được nhắc lại của nó là một thóa mạ đối với sự thực. Không một tổ chức nào độc lập với Đảng Cộng Sản được phép hoạt động, ngay cả các tổ chức xã hội dân sự. Không một tờ báo, một đài phát thanh hay một nhà xuất bản độc lập với Đảng Cộng Sản. Hàng ngàn người đang bị giam giữ với những bản án 5 năm, 10 năm, 15 năm tù chỉ vì đã phát biểu những điều không vừa lòng chính quyền. Trong các cơ quan nhà nước và các công ty quốc doanh, ngay cả trong các nhà thương và trường học, các cấp bậc từ phó phòng trở lên đều chỉ dành riêng cho các đảng viên cộng sản. Trong quân đội và công an mọi cấp bậc từ hạ sĩ quan trở lên đều phải là đảng viên. Ngay cả trong những thời kỳ Bắc Thuộc ngày xưa và Pháp Thuộc gần đây người Việt Nam cũng được quyền có những vị trí quan trọng hơn nhiều. Đảng Cộng Sản đã gạt đại bộ phân nhân dân ra ngoài lề xã hôi, nó không hành xử như một đảng Việt Nam mà như một lực lượng chiếm đóng hung bạo.
Một câu hỏi rất quan trọng cần được đặt ra là tại sao vào thời điểm 1945, khi Thế Chiến II chấm dứt và Việt Nam đang đứng trên ngưỡng cửa của độc lập, đảng được ủng hộ nhất lại là Đảng Cộng Sản, một đảng đã phủ nhận tổ quốc Việt Nam ? Đảng Cộng Sản được chính thức thành lập năm 1930 như một thành viên của Đệ Tam Quốc Tế, hai năm sau Đại Hội 6 của Đệ Tam Quốc Tế năm 1928 trong đó các đảng cộng sản thành viên long trọng tuyên bố họ chỉ có một tổ quốc duy nhất là Liên Xô (1). Ngay năm sau, năm 1931, họ đã phát động cuộc nổi dậy đẫm máu Xô Viết Nghệ Tĩnh với khẩu hiệu "Vạn Tuế Sô Nga". Điều này chứng tỏ rằng vào thời điểm đó tinh thần dân tộc và lòng yêu nước của người Việt Nam không cao. Tại sao ?
Từ năm 1945, trung thành với lập trường phục vụ Liên Xô và phong trào cộng sản quốc tế, ngay sau khi cướp được chính quyền (cụm từ "cướp chính quyền" là của chính Đảng cộng sản Việt Nam) họ đã thẳng tay tàn sát các tổ chức không cộng sản như Việt Nam Quốc Dân Đảng và Đại Việt. Hàng trăm nghìn người yêu nước đã bị giết. Đây là một tội ác cực kỳ lớn mà sau này phải được nghiên cứu và làm rõ, không phải vì thù oán mà để trả lại công lý cho các nạn nhân. Cuộc Cải Cách Ruộng Đất 1954-1956 trong đó, theo một nghiên cứu công phu của giáo sư Đặng Phong thuộc Viện Kinh Tế Việt Nam, ít nhất 172.008 người bị giết cũng đã chỉ được tố giác tại miền Nam trong một giai đoạn ngắn nhờ Ông Hoàng Văn Chí, thư ký riêng của ông Trường Chinh, khi ông này bỏ Đảng Cộng Sản và vượt biên vào Nam.
Thành tích mà Đảng Cộng Sản hãnh diện nhất là cuộc nội chiến 30 năm 1945 - 1975. Họ khoe khoang là đã đánh thắng đế quốc Pháp giành độc lập, đã đánh thắng Mỹ thống nhất đất nước và coi đó như một công lớn mà tổ quốc phải ghi ơn. Nhưng đây chỉ là một tội ác, và một tội ác kinh khủng, đối với đất nước.
Trước hết cuộc chiến chống Pháp không cần thiết nếu độc lập dân tộc thực sự là mục tiêu bởi vì sau Thế Chiến II thế giới đã thay đổi và chủ nghĩa thực dân đã chính thức bị khai tử, hiến chương Liên Hiệp Quốc đã chính thức khẳng định chủ quyền của các dân tộc. Pháp đã góp phần tích cực soạn thảo hiến chương này, đã trả lại các tỉnh Nam Việt và nhìn nhận nền độc lập của Việt Nam. Chỉ còn lại vấn đề chuyển tiếp. Dĩ nhiên vẫn cần tranh đấu để sự chuyển tiếp diễn ra nhanh chóng và trong những điều kiện tối ưu cho Việt Nam, nhưng tuyệt đối không cần chiến tranh. Chúng ta thực ra cũng không cần "căm thù giặc Pháp" như Đảng Cộng Sản tuyên truyền. Dĩ nhiên tiếp xúc với một kẻ hơn hẳn mình luôn luôn ê chề và hổ nhục vì khiến chúng ta nhận ra sự thua kém của mình. Người Pháp cũng không tới Việt Nam để giúp đỡ chúng ta mà để bành trướng đế quốc của họ và để khai thác tài nguyên cũng như nhân lực Việt Nam. Những người Pháp đến Việt Nam cũng không phải đều là những nhà hảo tâm. Tuy vậy kết quả của 80 năm Pháp Thuộc là nước ta đã tiến một đoạn đường dài hơn hẳn so với cả 2000 năm lịch sử trước đó trong các thời kỳ Bắc Thuộc cũng như tự chủ. Người Pháp đã biến Việt Nam thành nước phát triển nhất Đông Nam Á về mọi mặt kinh tế, khoa học, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng cũng như văn hóa, xã hội. Và cả về nhân quyền. Người Việt Nam không còn bị giết, thậm chí giết cả ba họ, theo quyết định tùy tiện của vua, không những thế còn có quyền lập hội, xuất bản sách báo. Người Pháp cũng đã giúp chúng ta có được một biên giới thuận lợi trên đất liền cũng như trên biển mà sau này chính quyền cộng sản không giữ được. Họ cũng đã buộc Trung Quốc nhìn nhận chủ quyền Việt Nam trên Hoàng Sa và Trường Sa. Đảng Cộng Sản phải rất xấu hổ khi so sánh mình với thực dân Pháp.
Lý do chống Mỹ của giai đoạn sau càng vô lý hơn vì Mỹ hoàn toàn không phải là một nước thực dân và không hề có tham vọng bành trướng. Họ đã trả độc lập cho Philippines và liên tục từ chối yêu cầu được sáp nhập vào Mỹ của Porto Rico.
Chống Pháp, chống Mỹ chỉ là những lý cớ. Lý do của chiến tranh chỉ giản dị là vì Đảng Cộng Sản muốn áp đặt chế độ cộng sản. Họ gây nội chiến vì lợi và quyền của họ và để phục vụ phong trào cộng sản thế giới. Lê Duẩn đã nói "ta đánh là đánh cả cho Trung Quốc và Liên Xô".
Phải bác bỏ dứt khoát lập luận của Đảng Cộng Sản và khẳng định hai điều :
-Một là đây là một cuộc nội chiến, bởi vì gần 99% những người đã chết, quân lính cũng như thường dân, đều là người Việt. Việc hai bên nhận viện trợ từ nước ngoài không thay đổi bản chất nội chiến. Vả lại sau này sự thật được phơi bày là đã có rất nhiều cố vấn Nga và Trung Quốc đã đến Việt Nam giúp phe cộng sản.
-Hai là đối với một dân tộc không có tội nào lớn hơn tội gây ra nội chiến. Nội chiến, ngay cả nếu chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, tai hại hơn rất nhiều so với một cuộc chiến tranh với nước ngoài ; nó không chỉ gây thiệt hại nhân mạng và vật chất mà còn làm rách nát tình cảm dân tộc, làm suy yếu nội lực và tiềm năng của đất nước một cách nghiêm trọng trong một thời gian rất dài. Đảng Cộng Sản có tội rất lớn.
Kết quả của cuộc nội chiến 30 năm này là Đảng Cộng Sản đã toàn thắng và thực hiện đối với miền Nam chính sách bỏ tù cả nước và hạ nhục tập thể. Cũng như đợt Cải Cách Ruộng Đất tại miền Bắc hai mươi năm trước, các trại cải tạo tại miền Nam sau ngày 30/04/1975 nhắm tiêu diệt bằng cách đày đọa và bẻ gẫy ý chí của mọi thành phần có tiềm năng chống đối (2). Những thành quả của 20 năm dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị phá hủy hết. Những người thắng trận biểu lộ một trình độ chậm tiến khó tưởng tượng, không khác một đoàn quân man rợ tràn ngập lên một nền văn minh. Chỉ trong vài tháng miền Nam lùi lại vài thập niên nhưng dù sao vẫn còn hơn miền Bắc sau 20 năm dưới chế độ cộng sản. Sự đập phá kéo dài hơn mười năm, trước khi nhường chỗ cho cái gọi là "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".
Chủ nghĩa cộng sản đã đến Việt Nam chủ yếu nhờ một người mà ngày nay những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản bắt dân tộc Việt Nam tôn sùng như một vĩ nhân và một nhà tư tưởng : Hồ Chí Minh. Tiểu sử của ông Hồ Chí Minh ngày nay đã được các nhà nghiên cứu phơi bày với đầy đủ chứng cớ và không hề gặp một cải chính nào từ Đảng Cộng Sản. Ông chỉ học tới lớp 8, nghĩa là chỉ có trình độ học vấn của một học sinh 12 tuổi hiện nay, rồi phải rời trường vì một thảm kịch gia đình. Cha ông đang làm tri huyện thì bị cách chức vì say rượu đánh chết người, sau đó vào Nam sống lang thang trong nghèo khổ đến khi qua đời. Hồ Chí Minh sống bằng những nghề lặt vặt rồi đi làm phụ bếp trên một tầu biển và lưu lạc tới Pháp. Ông rời nước ra đi không phải để tìm đường cứu nước mà để tìm một tương lai cho mình. Ít lâu sau khi tới Pháp ông nộp đơn xin vào Trường Thuộc Địa, trường đào tạo những công chức cho chế độ thuộc địa Pháp tại Đông Dương như tên gọi của nó. Nếu được chấp nhận ông đã trở thành một viên chức của Pháp nhưng đơn của ông đã bị từ chối và Hồ Chí Minh tiếp tục sinh sống bằng những nghề nhỏ như tô hình, bồi tầu. Cuộc đời bấp bênh đó đã đưa ông tới Anh, tới Mỹ. Hồ Chí Minh đã học hỏi được nhiều trên trường đời dù chỉ là những học hỏi thực tiễn. Tại Pháp ông làm quen được với một số trí thức trong đó có Phan Châu Trinh và một người mà tôi rất thân quen là Nguyễn Thế Truyền. Ông Truyền đã cho tôi biết khá nhiều về ông Hồ Chí Minh. Chính qua những vị này mà Hồ Chí Minh bắt đầu hoạt động chính trị rồi gia nhập đảng SFIO (Section Française de l'International Ouvrière), tức là Đảng Xã Hội Pháp thành viên của Đệ Nhị Quốc Tế. Sau khi Đệ Tam Quốc Tế được thành lập và một phần của SFIO tách ra thành Đảng Cộng Sản Pháp (Parti Communiste Français) thì ông nhìn thấy một cơ may tiến thân mới. Ông là người Việt Nam đầu tiên gia nhập Đảng Cộng Sản Pháp và Đệ Tam Quốc Tế và trở thành đại biểu Đông Dương của Đệ Tam Quốc Tế. Ít lâu sau ông được gửi sang Nga để được huấn luyện. Tôi có một người bạn, tiến sĩ sử học Vũ Ngự Chiêu, người đã tìm thấy đơn xin học Trường Thuộc Địa của Hồ Chí Minh và nhiều tài liệu khác trong văn khố Pháp ; ông Chiêu nghiên cứu nhiều về Hồ Chí Minh và cho biết không có gì chứng tỏ ông Hồ Chí Minh có kiến thức đáng kể nào, chưa nói tư tưởng chính trị. Chính ông Hồ Chí Minh cũng đã chứng tỏ điều này. Trong cuốn sách "Mấy kinh nghiệm Trung Quốc cần phải học" mà ông viết dưới bút hiệu Trần Lực (Nhà xuất bản Sự Thật, 1958, tr. 41), ông tin và kêu gọi mọi người tin là một mẫu lúa tại Trung Quốc có thể cho 333 tấn lúa mỗi năm. Những phát biểu của ông, dù là bài viết hay bài nói, không chứng tỏ một sự hiểu biết nào, dù sơ sài đến đâu, về bối cảnh thế giới và tư tưởng chính trị. Việc Đảng Cộng Sản Việt Nam đề cao ông như một nhà tư tưởng là cả một xúc phạm đối với trí tuệ. Hồ Chí Minh thông minh, có chí lập thân và chắc chắn có tài nhưng chỉ là tài kích động và khủng bố mà ông được huấn luyện tại Nga. Việc thủ tiêu những người bạn cùng trong hội Tam Điểm với ông tại Pháp sau khi cướp được chính quyền và cách đối xử với những phụ nữ đã từng có quan hệ sống chung với ông chứng tỏ ông không mấy quan tâm đến các giá trị đạo đức.
Hồ Chí Minh đã là người đem chủ nghĩa cộng sản vào nước ta và cũng là người khiến nước ta trở thành phụ thuộc Nga, một nước mà trước đó trong suốt dòng lịch sử chúng ta chưa hề có bất cứ một quan hệ nào. Nếu có một chút kiến thức về chính trị ông đã phải biết là chủ nghĩa Marx đã bị phản bác trên chính quê hương của nó trong Đại Hội Gotha của Đảng Xã Hội Đức (danh xưng lúc đó của phong trào cộng sản Đức) năm 1875 và dù có theo cũng không đến nỗi mê cuồng như chính ông đã thuật lại. Nếu có một chút kiến thức về lịch sử ông đã phải biết lịch sử nước Nga là một lịch sử rùng rợn -đầy những tội ác, nội chiến, thống trị, cướp bóc và đàn áp nhưng không hề có tình người- và đã không tôn sùng Liên Xô như thế.
Tôi nói nhiều về Hồ Chí Minh bởi vì ông là người sáng lập ra Đảng Cộng Sản, đã góp phần quyết định cho thắng lợi của đảng và vẫn còn được coi như mẫu mực và niềm tư hào của đảng. Các cấp lãnh đạo cộng sản cũng đều cùng một khuôn mẫu dù không cùng một tầm vóc. Họ đều ít kiến thức nhưng đầy tự mãn và tưởng mình thông thái. Lê Duẩn cũng nghĩ mình là một nhà tư tưởng, huênh hoang đưa ra lý thuyết "ba dòng thác cách mạng" dự đoán thắng lợi sắp tới của chủ nghĩa cộng sản và sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản dẫy chết.
Tóm lại, một chi bộ của một tổ chức quốc tế lấy Liên Xô làm tổ quốc, do những người rất tầm thường về kiến thức và tầm nhìn lãnh đạo, đã phạm những tội ác kinh khủng và tàn phá đất nước đã toàn thắng trên đất nước Việt Nam. Nó đã được sự ủng hộ của một số đông đảo trí thức Việt Nam, kể cả những người rất có uy tín, và nhờ đó đã dương được ngọn cờ yêu nước.
Chủ yếu vì một văn hóa chính trị
Lý do vẫn thường được đưa ra để giải thích chiến thắng của Đảng Cộng Sản là Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi. Đúng nhưng không phải là tất cả và cũng không phải là lý do chính. Cuộc nội chiến Việt Nam 1945 – 1975 nằm trong khuôn khổ của cuộc chiến tranh lạnh sau Thế Chiến II giữa khối dân chủ do Mỹ lãnh đạo và khối cộng sản do Liên Xô lãnh đạo và vì thế tùy thuộc bối cảnh quốc tế. Cả hai phe cộng sản và quốc gia đều lệ thuộc vào hỗ trợ từ bên ngoài và Việt Nam Cộng Hòa đã bị Mỹ bỏ rơi. Tuy vậy Mỹ cũng đã hỗ trợ miền Nam trong gần 20 năm. Với những viện trợ rất dồi dào trong một thời gian dài như thế Việt Nam Cộng Hòa đã có thể chiến thắng hay ít nhất cũng đủ mạnh để thừa sức tự vệ.
Lý do chính và quan trọng hơn nhiều là phe quốc gia đã không tạo ra được một lực lượng chính trị. Việt Nam Cộng Hòa đã có một quân đội khá mạnh, bộ máy hành chính cũng hơn hẳn bộ máy hành chính của phe cộng sản nhưng không có một lực lượng chính trị để điều khiển. Không khác gì một chiếc xe ôtô khá tốt nhưng không có người lái. Phe cộng sản trái lại có một lực lượng chính trị, các đơn vị quân đội của họ đều do các chính ủy chỉ huy.
Chính vì không có một lực lượng chính trị mà phe quốc gia đã không nhìn thấy rõ và không lên án được một cách thuyết phục những sai lầm và tội ác của Đảng Cộng Sản để động viên sự ủng hộ của quần chúng, mặc dù quần chúng Việt Nam trong đa số không ưa Đảng Cộng Sản như làn sóng di cư từ Bắc vào Nam năm 1954 và làn sóng vượt biên sau ngày 30/04/1975 đã chứng tỏ.
Hai tổng thống Việt Nam Cộng Hòa cầm quyền lâu nhất, Ngô Đình Diệm và Nguyễn Văn Thiệu, phần nào đã nhận ra sự cần thiết của một lực lượng chính trị. Ông Diệm đã lập ra Đảng Cần Lao, ông Thiệu lập Đảng Dân Chủ nhưng cả hai đều nhanh chóng bỏ cuộc. Đảng Cần Lao thực ra đã chết từ lâu trước khi ông Diệm bị lật đổ, Đảng Dân Chủ cũng đã ngừng hoạt trước năm 1975. Lý do là vì thành lập một tổ chức chính trị đúng nghĩa rất khó khăn, nhất là khi đứng trong khối dân chủ. Đảng Cộng Sản Việt Nam rất khác. Về bản chất các đảng cộng sản đều là các đảng dân túy, họ khai thác sự phẫn nộ của quần chúng nghèo khổ và buôn bán ảo tưởng là có thể chấm dứt sự nghèo khổ đó một cách giản dị bằng đấu tranh giai cấp tiêu diệt giai cấp tư sản bóc lột. Họ không cần những kiến thức lớn. Như đã nói ở phần trên các cấp lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam -từ Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Trần Phú đến Trường Chinh, Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Lê Đức Anh, Đỗ Mười- đều là những người ít học. Họ chỉ cần quyết tâm và dám làm. Các đảng cộng sản quan thày tại Nga và Trung Quốc cũng không khác.
Phe quốc gia không có được một lực lượng chính trị do di sản văn hóa Khổng Giáo mà họ không vượt thoát được và cũng không ý thức được sự cần thiết phải vượt thoát. Trong truyền thống Khổng Giáo từ ngàn xưa làm chính trị chỉ là để mưu tìm công danh cá nhân, là để được làm quan để phục vụ một nhà vua và tiếp tay giúp vua thống trị và bóc lột dân chúng. Vua không có trách nhiệm gì với dân, không cần mở trường hoc hay lập bệnh viện, người dân phải tự lo lấy tất cả và phải nộp thuế cho vua. Người dân Việt Nam đã nhận định rất đúng bản chất của chính quyền quân chủ qua các câu tục ngữ như "được làm vua thua làm giặc", hay "cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan". Tuy vậy những kẻ sĩ, tiền thân của trí thức Việt Nam, vẫn mơ ước được làm quan, nghĩa là làm những tôi tớ vô điều kiện cho vua. Vua có thể nọc họ ra đánh, có thể thiến họ, có thể giết họ, thậm chí có thể giết cả gia đình và họ hàng. Kẻ sĩ chấp nhận hết, chỉ để được hưởng ké một chút bổng lộc cướp đoạt được của quần chúng. Xét cho cùng thì giấc mơ làm quan của của kẻ sĩ chẳng có gì đẹp, trái lại nó vừa hèn, vừa nhục, vừa vô đạo đức.
Để đạt được giấc mơ đó kẻ sĩ phải được tuyển chọn qua thi cử trên những hiểu biết về Tứ Thư và Ngũ Kinh, những tài liệu gộp lại chỉ chừng 100 trang đánh máy và không chứa đựng bất cứ một kiến thức nào về tổ chức xã hội mà chỉ nhắc lại những bổn phận làm tôi tớ của kẻ sĩ. Đó chỉ là phương thức tuyển chọn những người biết đọc và viết thông thạo chữ Hán. Kiến thức về sinh hoạt xã hội của những kẻ sĩ đỗ đạt để làm quan còn kém hơn cả người thường dân. Truyền thống hàng nghìn năm đó đã để lại trong đáy lòng trí thức Việt Nam một thành kiến chắc nịch là làm chính trị không cần phải học, chỉ cần có thân thế hay bằng cấp và làm chính trị không có bổn phận nào với dân.
Còn tệ hơn là không có văn hóa chính trị chúng ta mang nặng một văn hóa chính trị bệnh hoạn. Các quan chức không được tuyển lựa theo sự hiểu biết về những vấn đề đặt ra cho đất nước mà theo khả năng ca tụng một giáo điều đã lỗi thời, tạo ra thành kiến là làm chính trị không cần phải học. Nó cũng đồng thời hủy diệt lòng yêu nước và tinh thần trách nhiệm đối với đất nước. Sự thăng tiến tùy thuộc chủ yếu vào quan trên và triều đình, khiến tâm lý đội trên đạp dưới với thời gian trở thành một phản xạ. Quyền lực vừa tùy tiện vừa tuyệt đối của vua khiến những kết hợp và thảo luận với nhau về đất nước có thể bị nghi ngờ là muốn tạo lực lượng để làm loạn rồi mất mạng hay mất chức. Kẻ sĩ vì vậy phải tự cô lập.
Một di sản văn hóa đã kéo dài rất lâu không dễ biến đi sau một hai thế hệ. Trí thức Việt Nam sau thời sau khi tiếp xúc với văn hóa Phương Tây đã hấp thụ rất nhiều kiến thức mới trong đủ mọi bộ môn toán học, lý hóa, sinh vật, y dược, luật pháp v.v. Người Việt Nam lại khá sáng dạ nên chỉ trong một thời gian ngắn đã có những người Việt đậu những bằng rất cao hay tốt nghiệp những trường rất lớn của Pháp và của nhiều nước Âu Mỹ khác nhưng văn hóa kẻ sĩ đã ăn sâu vào tâm hồn họ vẫn còn đó. Họ vẫn thấy làm chính trị không cần phải học chỉ cần bằng cấp, thế lực hay danh tiếng. Kiến thức và văn hóa chính trị của họ vẫn chưa thay đổi bao nhiêu. Chính vì thế mà nhiều trí thức lỗi lạc bậc nhất vào thời điểm 1945 –Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông, Nguyễn Khắc Viện, Tôn Thất Tùng… để chỉ kể một vài người- cũng vẫn chưa thấy rằng một người chỉ có học thức sơ sài và tin rằng một mẫu ruộng Trung Quốc có thể cho 333 tấn lúa mỗi năm như ông Hồ Chí Minh không thể là một lãnh đạo chính trị. Họ không hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin để nhận ra những sai lầm độc hại của nó. Cũng chưa chắc họ đã biết Đảng Cộng Sản chỉ là một chi bộ của Đệ Tam Quốc Tế và đã tuyên thệ coi Liên Xô là tổ quốc duy nhất. Họ đã ủng hộ và lôi kéo quần chúng ủng hộ Đảng Cộng Sản. Đến khi vỡ mộng họ không dám nói ra vì Đảng Cộng Sản về bản chất là một tổ chức hung dữ trong khi nhát sợ là bản tính mà giai cấp sĩ đã truyền lại cho trí thức Việt Nam. Thế hệ sau cũng chưa khác họ bao nhiêu. Trong thế hệ của tôi, thế hệ sinh ra ngay trước và sau Thế Chiến II, rất nhiều người con cháu các quan chức cao cấp của chế độ Việt Nam Cộng Hòa và học rất giỏi đã theo cộng sản một cách cuồng nhiệt và sẵn sàng miệt thị những người chống cộng như tôi là ngụy, phản quốc, tay sai đế quốc Mỹ, mặc dù họ không biết gì sâu sắc về chủ nghĩa Mác-Lênin và Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Phe quốc gia cũng không khá hơn, có lẽ còn tệ hơn. Các viên chức cao cấp của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chủ yếu là những viên chức cũ của chế độ thuộc địa Pháp. Tâm lý của họ vẫn là tâm lý kẻ sĩ và quan lại. Họ còn khoa bảng và thủ cựu hơn các trí thức theo cộng sản. Họ không tố giác việc Đảng Cộng Sản thủ tiêu hàng trăm nghìn người yêu nước trong các đảng Việt Nam Quốc Đân Đảng và Đại Việt vì một lý do giản dị là các chính quyền Bảo Đại và Ngô Đình Diệm mà họ phục vụ cũng đàn áp các đảng phái này, dù không tàn sát. Họ không biết ông Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đã tuyên thệ chỉ có tổ quốc Liên Xô để tố giác mặc dù Đại Hội 6 của Đệ Tam Quốc Tế là một biến cố rất lớn và công khai. Họ không biết vận động quần chúng bởi vì họ sống cách biệt với quần chúng. Họ không lên án Đảng Cộng Sản đã gây ra cuộc nội chiến 30 năm bởi vì đất nước không phải là quan tâm của họ. Họ không kết hợp với nhau thành một lực lượng bởi vì truyền thống của kẻ sĩ là chỉ kèn cựa với nhau để mưu tìm quyền lợi và danh vọng cho riêng mình. Trong tuyệt đại đa số họ tuyên bố không làm chính trị, kể cả các ông thứ trưởng, bộ trưởng mà tôi đã gặp.
Kết quả là chúng ta đã có ngày 30/04/1975 và chế độ cộng sản vẫn tiếp tục tồn tại sau gần nửa thế kỷ đập phá đất nước.
Nghĩ lại và nhìn về tương lai
Thắng lợi của Đảng Cộng Sản và chế độ cộng sản đã là một đại họa cho đất nước ta.
Đại họa đó là do một sai lầm của chúng ta, nhất là thành phần trí thức, về văn hóa chính trị. Chúng ta thiếu kiến thức chính trị và càng thiếu kiến thức đấu tranh chính trị.
Từ "chính trị" tự nó đã là một sai lầm tai hại. Nó được Trung Quốc chế ra để dịch từ politika trong tiếng Hy Lạp, hay politics trong tiếng Anh. Politika là "việc của thành quốc" hay "việc nước" vì thời xưa mỗi thành phố Hy Lạp là một nước, trong khi từ chính trị được hiểu là sự cai trị của vua quan. Và vì cai trị từ ngàn xưa có nghĩa là thống trị và bóc lột nên không cần kiến thức mà chỉ cần bạo lực. Nếu ngay từ đầu chúng ta dịch politica, hay politics, là "việc nước" hay "việc chung" thì văn hóa chính trị của chúng ta đã khác. Ngày nay từ "chính trị" đã thành thông dụng, chúng ta đành phải dùng thôi nhưng cần hiểu nghĩa đúng của nó.
Như vậy chính trị là việc nước, làm chính trị là phục vụ đất nước, là cố gắng để đất nước được điều hành trong những điều kiện tốt nhất, để đất nước nhanh chóng giầu mạnh hơn và mọi công dân có cuộc sống ngày càng sung tức hơn, tư do hơn với trí tuệ ngày càng khai phóng. Kiến thức chính trị vì vậy là tổng hợp mọi kiến thức trong nước, như khoa học kỹ thuật, kinh tế tài chính, văn học nghệ thuật. Người ta chỉ có thể làm một tổng hợp đúng nếu hiểu rõ các thành tố ; hơn thế nữa còn phải phối hợp những kiến thức đó với những chuyển động của thế giới và những nét đặc thù của đất nước. Như vậy kiến thức chính trị là kiến thức khó nhất trong mọi kiến thức và làm chính trị là chọn lựa dấn thân của những con người đặt quyền lợi của đất nước trên quyền lợi của riêng mình, thúc đẩy bởi lòng vị tha, lòng yêu nước, yêu đồng bào và yêu nhân loại.
Một giai đoạn mới
Chúng ta đang rất cần dân chủ để có một chính quyền điều hành đất nước một cách lương thiện và đúng đắn. Chúng ta phải học hỏi kinh nghiệm của các dân tộc khác để biết phải đấu tranh như thế nào, phải hội đủ những điều kiện nào và trải qua những giai đoạn nào để giành thắng lợi cho dân chủ. Cố gắng học hỏi đó chắc chắn sẽ giúp chúng ta hiểu là đấu tranh chính trị không bao giờ là đấu tranh cá nhân cả mà chỉ có thể là đấu tranh có tổ chức và xây dựng một tổ chức có tầm vóc đòi hỏi những có gắng kiên trì của nhiều người trong nhiều năm. Ý thức đó sẽ khiến chúng ta gạt bỏ một cách khinh bỉ lối làm chính trị nhân sĩ chỉ cố gắng gây tiếng vang và tạo uy tín cho cá nhân mình.
Chúng ta đã đạt được những tiến bộ đáng kể.
Trái với sự bi quan của khá nhiều người, phong trào dân chủ không yếu đi. Nó đã chỉ chấm dứt những nhốn nháo đánh lạc hướng sự chú ý khỏi những cố gắng nghiêm chỉnh. Nó có vẻ đã khựng lại chỉ vì đã khá trưởng thành. Chúng ta đã đạt được một đồng thuận rất lớn. Không còn ai ngờ vực lý tưởng dân chủ đa nguyên, không còn ai phản đối tinh thần hòa giải và hòa hợp dân tộc, mọi người đều đã đồng ý rằng đấu tranh cho dân chủ phải là đấu tranh bất bạo động. Một thế hệ mới cũng đã trưởng thành, có văn hóa hơn, có thông tin hơn hẳn các thế hệ cha anh, ít bị ảnh hưởng của văn hóa nho sĩ trước đây và đang phẫn nộ vì bị gạt ra ngoài lề xã hội ngay trên đất nước mình. Họ không có chọn lựa nào khác hơn là tham gia cuộc vận động dân chủ, nhưng phần đông đã hiểu phải tranh đấu như thế nào và sẽ chỉ ủng hộ những cố gắng nghiêm túc. Một giai đoạn mới rất thuận lợi của cuộc vận động dân chủ đã bắt đầu.
Trước mặt chúng ta là một chính quyền cộng sản đang chao đảo và ngày càng chao đảo hơn. Liên Bang Nga sắp gục ngã vì cuộc xâm lăng mù quáng vào Ukraine. Trung Quốc cũng không còn là một chỗ dựa vì đã bắt đầu khủng hoảng và sẽ ngày càng khủng hoảng hơn. Mô hình Trung Quốc mà Đảng Cộng Sản Việt Nam đinh ninh là có thể yên tâm sao chép đã tích lũy đủ nghịch lý và đang phơi bày sự sai lầm. Thời gian ơn huệ của kinh tế Việt Nam cũng đã chấm dứt ; đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu sút giảm, trong khi ngành bất động sản đang lâm nguy. Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng đã chỉ đốt cháy đảng chứ không diệt được tham nhũng vì lý do đơn giản là nó đã quá lan tràn trong đảng rồi.
Theo báo cáo của chính Đảng Cộng Sản thì trong những năm vừa qua đã có hơn 25.000 đảng viên bị kỷ luật vì "suy thoái tư tưởng" và có biểu hiện "tự diễn biến tự chuyển hóa", so với 8.300 người bị kỷ luật vì tham nhũng trong chiến dịch đốt lò rầm rộ. Nhưng thế nào là "suy thoái tư tưởng" nếu không phải không còn tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ? Thế nào là "tự diễn biến tự chuyển hóa" nếu không phải là bày tỏ nguyện vọng dân chủ hóa đất nước ? Các đảng viên có thể có vấn đề tư tưởng là những ai nếu không phải là những đảng viên trung và cao cấp ? Và còn bao nhiêu đảng viên cộng sản thực sự tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin ? Chưa chắc đã có ai ngoài ông Nguyễn Phú Trọng. Dân chủ đã tranh thủ được đầu não của Đảng Cộng Sản.
Trở lại câu hỏi "bao giờ Việt Nam mới có dân chủ".
Câu trả lời là hạn kỳ dân chủ không còn xa, nhất là nếu chúng ta tích cực cổ võ cho cố gắng thay đổi văn hóa chính trị đang diễn ra.
Nguyễn Gia Kiểng
(30/04/2023)
(1) Nguyễn Gia Kiểng, "Đảng cộng sản Việt Nam bước vào tuổi 94 ngoan cố tới cùng", Thông Luận, 03/02/2023
(2) Nguyễn Gia Kiểng, "Vết thương ngày 30 tháng 4", Thông Luận, 26/04/2017
"Nước ta là nước dân chủ… quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân"
Hồ Chí Minh
Hồ Chí Minh nói, "Nước ta là nước dân chủ. Bao nhiêu lợi ích đều vì dân. Bao nhiêu quyền hạn đều của dân. Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân. …Chính quyền từ xã đến Chính phủ Trung ương do dân cử ra. Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên. Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" (*).
Đây là một câu nói bình thường, theo cách này, cách khác, na ná nhau, của hầu hết các nhà lãnh đạo quốc gia, nhưng có lẽ nó được phóng loa tuyên truyền trên tần suất cực đại khi lời nói đó phát ra từ miệng của lãnh tụ cai trị nước dưới ách độc tài đảng trị, phản dân chủ. Nhà lãnh đạo đó không thực sự chú trọng đến quyền lợi và lợi ích của dân và không cho phép nhân dân được tham gia vào quá trình ra quyết định về quyết sách quốc gia, những lời nói đó chỉ là lời nói trống rỗng và không có giá trị gì.
Nhiều vấn đề trong xã hội dẫn đến việc xác định chính quyền Việt Nam từ khi Đảng cộng sản Việt Nam cai trị là độc tài. Những vấn đề này mà người bình thường ai cũng thấy, bao gồm :
Chính quyền không tôn trọng nhân quyền và tự do ngôn luận, đàn áp các phong trào dân chủ và giới hạn tự do báo chí.
Chính quyền không giải quyết những vấn đề xã hội và kinh tế cơ bản, như nghèo đói, thất nghiệp và bất bình đẳng kinh tế.
Chính quyền sử dụng lực lượng an ninh để đàn áp các phong trào dân chủ và phá hoại các hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự.
Chính quyền không đáp ứng được nhu cầu của người dân, không lắng nghe ý kiến của người dân, không xây dựng một hệ thống liên lạc và tham gia tích cực trong việc giải quyết các vấn đề xã hội và kinh tế.
Những vấn đề này cho đến nay, gần 80 năm Đảng cộng sản Việt Nam từ khi còn trứng nước, đến khi chiếm được toàn lãnh thổ Việt Nam đều không giải quyết đúng cách, hay chỉ tuyên truyền mà không thực hiện khiến chính quyền trở thành độc tài. Đảng cộng sản Việt Nam luôn tự hào, tự xưng là duy nhất đúng và bắt buộc dân phải tôn sùng, phục tùng tuyệt đối ý chí của đảng và lãnh đạo. Họ cắt giảm tự do ngôn luận và kiểm soát thông tin để duy trì sự kiểm soát của chính quyền, gây ra sự kìm kẹp kiểu này, kiểu khác ý kiến và ngăn chặn đối lập phát triển trong xã hội.
Sự phản dân chủ là bản chất của chủ nghĩa Mác-Lê
Học thuyết phản dân chủ này đã phân biệt giai cấp, đề cao vai trò của giai cấp lao động và giới công nhân trong việc "xây dựng chế độ xã hội công bằng và tiến bộ". Mác-Lênin cho rằng, trong một xã hội tư bản, các giai cấp có mối quan hệ đối đầu và chủ nghĩa tư bản bảo vệ lợi ích của các giai cấp thượng lưu. Do đó, để đạt được sự công bằng xã hội, cần phải đưa quyền lực vào tay giai cấp lao động.
Để bảo đảm quyền lợi của giai cấp vô sản, Mác-Lênin đề cao vai trò của giới công nhân trong xã hội và khuyến khích họ tổ chức liên kết tập thể để tăng cường sức mạnh. Hơn thế nữa, chủ nghĩa Mac-Lê xem các giai cấp và sự đối đầu giữa chúng trong xã hội là sự cản trở xã hội cần tiêu diệt, đặc biệt giai cấp giàu có, địa chủ, thương gia và tăng lữ.
Cho dù đến nay, cộng sản cố xóa mờ ranh giới giữa các giai cấp hòng ru ngủ, lấy lòng mọi người trong quá trình họ gọi là tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng thực tế, cái đuôi mác-lê vẫn còn ló ra trong cái quần chật hẹp, người ta vẫn dễ dàng thấy các hiện tượng đánh giá thấp hoặc kì thị đối với một số giai cấp khác, điều này ngoài lý do sự đối đầu giữa các giai cấp và tư tưởng chủ nghĩa cộng sản của Mác-Lênin, còn vì quyền lợi riêng của đảng và đảng viên. Đặc biệt rõ ràng thấy rõ sự kỳ thi nhất là sự đàn áp tôn giáo.
Chủ nghĩa cộng sản duy vật, vô thần (Atheism) được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự đàn áp tôn giáo. Chủ nghĩa vô thần phủ nhận tồn tại của các vị thần hoặc thực thể siêu nhiên. Hơn thế, cộng sản rất kiêng dè sức mạnh của tôn giáo. Sự đàn áp tôn giáo bắt nguồn từ sợ hãi về sự ảnh hưởng của tôn giáo đến xã hội mà cộng sản quản lý. Tôn giáo trong một số quốc gia có thể được sử dụng để giữ quyền lực và kiểm soát xã hội, và vì vậy, sự đối đầu với tôn giáo có thể được coi là một cách để kiểm soát quyền lực và tự do của những người không thuộc tôn giáo, đặc biệt với người vô thần cộng sản vốn là kẻ thù của tôn giáo.
Chế độ cộng sản Việt Nam đang ve vãn tất cả các thành phần dân chúng trong nước không phải họ đánh mất tính chiến đấu giai cấp, nhưng nhất thời họ cần có sự ủng hộ và sự tôn trọng của ‘thần dân’ để duy trì quyền lực của mình.
Chế độ cộng sản không khác gì thời kỳ phong kiến, tổng bí thư và bộ chính trị có quyền lực tuyệt đối và thường được coi là các đối tượng cao nhất trong xã hội.
‘Thần dân’ trong thời nay cũng gồm các tầng lớp khác nhau như thời phong kiến, từ tầng lớp trí thức, quý tộc, nay thêm bọn tư bản đỏ, bọn trọc phú nổi phất lên từ những lổ hổng của thời quá độ kinh tế định hướng xã hội chủ nghĩa, cho đến bọn nhà giầu của đảng và nhà nước do ăn cắp, tham nhũng, đến tầng lớp nông dân, thương nhân, thợ thủ công, và lao động trong các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, mức độ quyền lực và sự tôn trọng của của đảng và chính quyền đối với các tầng lớp này khác nhau.
Điều quan trọng là, trong các xã hội phong kiến, tầng lớp thấp hơn vẫn có thể tôn trọng và hỗ trợ các quan hay nhà vua nếu là đấng minh quân hay các vị dân chi phụ mẫu hết lòng vì dân. Nếu chính quyền và vua không đối xử công bằng và tôn trọng thần dân, dân có thể phản kháng và cuối cùng dẫn đến sụp đổ chế độ. Chế độ cộng sản dùng giai cấp này đàn áp và thống trị giai cấp khác, khắc nghiệt hơn thời phong kiến. Giai cấp đàn áp được tinh gọn trong đảng trở thành một lực lượng kinh khủng được võ trang bằng đủ mọi thứ vũ khí, từ tuyên truyền đến dùi cui súng đạn.
Nếu xem câu nói của Hồ Chí Minh trên chỉ là lời cổ vũ cho dân chủ, một phần trong quá trình xây dựng xã hội dân chủ thì không đủ thúc đầy dân chủ ở Việt Nam. Để xây dựng một xã hội dân chủ thực sự, cần có sự tham gia tích cực và chủ động của toàn bộ cộng đồng, trong dó mạnh nhất là về phần chính phủ. Cần có quá trình giáo dục, tuyên truyền, xây dựng văn hóa dân chủ và đặc biệt là cần có sự phát triển kinh tế để cải thiện cuộc sống của người dân. Gần 80 năm, xã hội Việt Nam vẫn không có dân chủ, dù chính trị ổn định cho thấy Đảng cộng sản Việt Nam vì nhiều lý do, hoặc thiếu năng lực lãnh đạo và quản lý, cũng như những tình trạng buôn lậu và tham nhũng trong các cơ quan chính quyền, nhưng nguyên do chính, lớn nhất là lo sợ dân chủ có thể làm mất vai trò lãnh đạo của đảng.
Trong chế độ dân chủ, người dân được làm chủ đất nước, quyền lực quốc gia trong tay người dân. Chế độ tự nhận chuyên chế, không thể nói vu khoát như Hồ Chí Minh rằng "quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân" vì tính chất của chế độ này là tập trung quyền lực vào một nhóm người đứng đầu và không cho phép dân chủ trong việc ra quyết định và điều hành quyền lực. Trong chế độ chuyên chế, độc tài đảng trị, quyền lực được tập trung ở một số người đứng đầu, thường là những người trong đảng cầm quyền hoặc trong công an, quân đội. Đảng nắm quyền lực để kiểm soát, đàn áp và kiểm duyệt quyết định của dân chúng.
Chế độ độc tài đảng trị cho phép họ ngang nhiên xâm phạm quyền tự do, quyền công dân của dân chúng và không cho phép công dân tham gia vào quá trình ra quyết định. Chính phủ của Đảng cộng sản Việt Nam bầu cử trong một môi trường không công bằng và không tự do, khiến cho dân chúng không có quyền chọn lựa và ảnh hưởng đến quyết định chính sách. Chế độ độc tài đảng trị nắm quyền hành để kiểm soát dân chúng. Quốc gia là của họ, lãnh thổ lãnh hải là của đảng, ngay người dân cũng là vật sở hữu của đảng.
Người dân phải làm gì để có dân chủ trong nước ?
Để có được dân chủ trong nước, người dân có thể thực hiện một số hành động sau :
1. Tham gia vào các hoạt động chính trị : Người dân có thể tham gia vào các hoạt động chính trị như bỏ phiếu, tổ chức các cuộc biểu tình, tham gia các cuộc hội thảo, đàm phán, giúp đẩy mạnh quyền lực của nhân dân.
2. Giáo dục và nâng cao nhận thức : Người dân có thể tự học và nâng cao nhận thức về các vấn đề chính trị, pháp luật, kinh tế và xã hội, giúp họ hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong xã hội.
3. Tham gia vào các tổ chức xã hội và chính trị : Người dân có thể tham gia vào các tổ chức xã hội và chính trị như các đảng chính trị, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức xã hội để giúp đẩy mạnh quyền lực của người dân.
4. Tham gia vào các hoạt động tình nguyện : Người dân có thể tham gia vào các hoạt động tình nguyện như giúp đỡ những người khó khăn, giúp đỡ cộng đồng, tăng cường tinh thần đoàn kết và trách nhiệm với xã hội.
5. Yêu cầu chính quyền tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người dân : Người dân có thể yêu cầu chính quyền tuân thủ pháp luật và đảm bảo quyền lợi của người dân bằng cách phản đối các hành động sai trái của chính quyền và tham gia vào các hoạt động kiện cáo và tranh đấu tại các cơ quan pháp luật và truyền thông.
Một ví dụ về một nước đã đấu tranh cho dân chủ thành công bằng các phương pháp trên là Hàn Quốc. Trước đây, Hàn Quốc từng sống dưới chế độ độc tài, phản dân chủ, triều đại của Park Chung-hee. Tuy nhiên, nhờ sự đấu tranh của các nhà hoạt động, dân chủ được thiết lập vào cuối những năm 1980. Các hoạt động đấu tranh bao gồm các cuộc biểu tình, phản đối và các hoạt động khác của các tổ chức xã hội dân sự, giáo dục và tôn giáo. Các nhà hoạt động dân chủ đã sử dụng các phương pháp này để yêu cầu chính phủ thực hiện các cải cách dân chủ, như cho phép tổ chức độc lập, tự do báo chí, tự do ngôn luận và các quyền khác cho người dân. Nhờ vào sự kiên trì của các nhà hoạt động này, Hàn Quốc đã trở thành một quốc gia dân chủ phát triển và thịnh vượng, với các tổ chức xã hội dân sự hoạt động mạnh mẽ và các quyền của người dân được đảm bảo bởi hiến pháp
Vì như ở Việt Nam, chế độ độc tài đảng trị không cho phép biểu tình và tự do ngôn luận, người đấu tranh nên bắt đầu bước dễ nhất, hợp pháp và chế độ khó kiểm soát nhất.
Bước đầu tiên để đấu tranh cho dân chủ là sử dụng các phương tiện hợp pháp và khó kiểm soát nhất. Cụ thể, có thể là việc sử dụng mạng xã hội để lan truyền thông tin, tham gia vào các tổ chức xã hội đang hoạt động công khai, ký tên các đơn thỉnh nguyện, viết bài phản đối trên các trang mạng tin tức độc lập, đăng tải video, hình ảnh về những vi phạm nhân quyền của chính quyền. Tuy nhiên, trong chế độ độc tài đảng trị có sự đàn áp khốc liệt như Việt Nam vẫn tiềm ẩn những nguy hiểm mà người dân thân đấu tranh phải đối diên.
Một nước đã sử dụng phương pháp này để đấu tranh cho dân chủ thành công là Myanmar (còn gọi là Miến Điện). Trong thập niên 2000, người dân Myanmar đã sử dụng mạng xã hội và các trang web tin tức độc lập để đưa thông tin về tình trạng nhân quyền và chính trị trong nước ra thế giới bên ngoài. Các hoạt động này đã giúp thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế đến tình hình Myanmar và thúc đẩy các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền Myanmar. Năm 2015, Myanmar đã có cuộc bầu cử đầu tiên sau gần 50 năm cai trị của quân đội, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy dân chủ trong nước.
Tại sao có một số người không dám đấu tranh để có dân chủ ?
Có nhiều lý do mà nhiều người không dám đấu tranh cho dân chủ. Một số người có thể sợ hãi bị đàn áp hoặc bị phạt nặng nếu họ đấu tranh quyết liệt cho dân chủ. Những người khác có thể thiếu kiến thức, kỹ năng hoặc tài nguyên cần thiết để tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Ngoài ra, còn có những người có lợi ích trong việc duy trì chế độ hiện tại hoặc bị mê hoặc bởi những lời đe dọa hoặc những lời lừa đảo của chính quyền. Không loại trừ một số lười nhát, cam tâm sống trong chế độ mà thật sự họ khinh ghét, nhưng chỉ muốn nhờ sức người khác đấu tranh.
Để đấu tranh hiệu quả người dân phải làm sao ?
Để đấu tranh cho dân chủ có hiệu quả, người dân cần thực hiện các bước sau :
1. Tìm hiểu về dân chủ : Để đấu tranh cho dân chủ, người dân cần hiểu rõ về các nguyên tắc và giá trị cơ bản của dân chủ. Việc tìm hiểu này giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của dân chủ trong cuộc sống và trách nhiệm của họ trong việc bảo vệ và phát triển dân chủ.
2. Hợp tác và tạo động lực cho nhau : Người dân cần hợp tác, tạo sự đoàn kết và hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đấu tranh. Điều này giúp họ tăng sức mạnh và hiệu quả trong việc đối đầu với chính quyền.
3. Tổ chức các hoạt động đấu tranh : Người dân cần tổ chức các hoạt động đấu tranh, như tụ tập, biểu tình, tham gia các đoàn kết, công đoàn, tổ chức xã hội và các hoạt động xã hội khác để tăng sức ép và đòi hỏi cho chính quyền đáp ứng các yêu cầu của người dân.
4. Tham gia vào các quy trình dân chủ : Người dân cần tham gia vào các quy trình dân chủ như bỏ phiếu, tham gia hội nghị, đại hội và các cuộc thăm dò dư luận để đảm bảo rằng giọng nói của họ được lắng nghe và ảnh hưởng đến quyết định của chính quyền.
5. Tăng cường kiến thức và kỹ năng : Người dân cần tăng cường kiến thức và kỹ năng cần thiết để tham gia vào các hoạt động đấu tranh cho dân chủ. Việc này bao gồm việc nghiên cứu, học tập và tham gia vào các khóa đào tạo và huấn luyện về dân chủ, luật pháp và các kỹ năng liên quan.
Tóm lại, để đấu tranh cho dân chủ có hiệu quả, người dân cần hợp tác, tổ chức và tăng cường kiến thức và kỹ năng của mình.
Hạo Nhiên
Nguồn : VNTB, 18/04/2023
(*) Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự Thật, Tập 6, tr.232.
Đa nguyên về bản chất, nó dựa trên nguyên tắc "tất cả đều hòa thuận". Nguyên tắc này được nêu ra từ rất xa xưa bởi các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Họ cho rằng chủ nghĩa đa nguyên là một yếu tố thiết yếu của nền dân chủ, nó cho phép và thậm chí khuyến khích sự đa dạng của chính kiến.
Đa nguyên về bản chất, nó dựa trên nguyên tắc "tất cả đều hòa thuận".
Để phát triển được chủ nghĩa đa nguyên thì mỗi người có phẩm chất "biết chấp nhận sự khác biệt". Tuy nhiên để có con người biết chấp nhận sự khác biệt thì giáo dục thời cổ đại không thực hiện nổi. Chính vì vậy mà dù chủ nghĩa đa nguyên đã có từ lâu nhưng đợi đến thế 17 nó mới bắt đầu nảy nở và từ đó các nền dân chủ mới hình thành và phát triển.
Để đi đến bản hiến pháp tạo dựng nên nền dân chủ cho Hoa Kỳ, thì tháng 10 năm 1787, ba người thuộc đảng Liên Bang gồm Alexander Hamilton, James Madison và John Jay viết loạt sách có tựa The Federalist Paper, mỗi cuốn là một bài tiểu luận có giá trị. Nó là những bài phản biện sắc sảo để chuẩn bị viết nên bản Hiến pháp nổi tiếng. Trong đó có nhiều bài James Madison đã phản biện lại lỗ hổng mà Montesquieu đã viết trong cuốn Tinh Thần Pháp Luật nổi tiếng. Có tất cả 85 bài luận.
Trong bài luận The Federalist Paper số 10, James Madison đã cho rằng, nếu không có chủ nghĩa đa nguyên thì chính chủ nghĩa bè phái sẽ đưa đất nước đến các cuộc giao tranh chính trị cố hữu của nó và nó sẽ làm tan rã nền cộng hòa mới của Mỹ. Madison lập luận rằng, chỉ khi cho phép nhiều phe phái cạnh tranh bình đẳng để tham gia vào chính phủ thì nước Mỹ sẽ tránh kết quả thảm khốc này.
Nghĩa là những đảng mạnh phải chấp nhận luật chơi công bằng, không dùng thế để loại bỏ đảng yếu hơn. Chính James Madison đã dựa vào chủ nghĩa đa nguyên xây dựng nên một nhà nước dân chủ và qua 245 năm, nó đã quá vững chắc.
Chính dựa trên nền tảng chủ nghĩa đa nguyên mà nền giáo dục nước này tạo ra cho nước Mỹ một nền tảng dân chủ vững chắc vì người dân Mỹ biết chấp nhận khác biệt. Chủ nghĩa đa nguyên giúp con người giảm căng thẳng với nhau, giúp con người chấp nhận sự thật rất dễ dàng.
Một tổng thống hôm hay làm đúng, ngày mai ông ta lại trở thành kẻ phá hoại nền dân chủ thì với con người theo chủ nghĩa đa nguyên, họ sẽ dễ dàng vứt bỏ việc mến mộ và chuyển sang chỉ trích. Đó là lý do tại sao người dân Mỹ dồn phiếu cho Joe Biden trong cuộc bầu cử vừa qua.
Nền dân chủ nước Mỹ được các vị khai quốc đặt nền tảng trước đây 2,5 thế kỷ giờ nó đã mọc rễ rất sâu trong lối sống người Mỹ rồi, phá không nổi dù cho người đó là tổng thống đầy quyền uy.
Chủ nghĩa cộng sản nảy nở trên đất nước này qua 75 năm, tạo ra tác hại ghê gớm. Bộ máy nhà nước cộng sản không chấp nhận sự tồn tại của các đảng phái khác, không chấp nhận sự chỉ trích từ phía người dân đã đành, nó còn dựng nên một nền giáo dục thối tha, mà nó gọi là "giáo dục xã hội chủ nghĩa". Nền giáo dục này nặn ra con người phục tùng thiếu tư duy độc lập.
Nếu nói ở Mỹ chủ nghĩa đa nguyên tồn tại trong bộ máy nhà nước lẫn trong tâm thức người dân, thì tại Việt Nam, ngược lại nó chẳng tồn tại được ở chỗ nào cả. Nền tảng cho dân chủ Việt Nam vẫn là con số zero. Đó là lý do tại sao người Việt Nam dễ sùng bái lãnh tụ và dễ bị dắt mũi bởi những loại tin giả.
Có thể nói với nước Mỹ thì không ai đá đổ nổi nền dân chủ, còn với Việt Nam thì ngược lại, rất khó có thể gầy dựng nên một nền dân chủ được. Chỉ khi nào con người Việt Nam biết chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên, thì khi ấy dân chủ mới nảy nở và lớn mạnh được.
Đỗ Ngà
Nguồn : quyenduocbiet.com, 01/01/2021
Tham khảo :
Tiếng Việt của ta rất phong phú và có ý nghĩa thâm sâu. Khi áp dụng vào chính trị thì nghĩa chữ càng tím ruột, lộn gan lên đầu.
Tỷ dụ như khi báo Nhân Dân, tiếng nói chính thức của Đảng và Nhà nước cộng sản Việt Nam nghêu ngao rằng "dân chủ là bản chất chế độ xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển đất nước" (ngày 10/07/2020) thì dân Nam Kỳ Lục Tỉnh biết ngay đó là xạo ke, ba xạo, ba đía, hay là chuyện tào lao thiên địa, bá láp bá xàm.
Dân bợm nhậu có chút chữ nghĩa của Thánh hiền ban cho kêu đó là loại "dân chủ giả cầy", hay "treo đầu heo, bán thịt chó" để lừa người mua. Tuy nhiên, cũng đã có nhiều người vì ngây thơ hay thiếu kinh nghiệm sống đời với cộng sản nên đã bị lừa hay sa vào bẫy "dân chủ hàng giả" của đám dư luận viên tuyên giáo, cơ quan tuyên truyền của đảng.
Nhưng hai chữ "giả cầy" xuất phát từ đâu ? Đó là ở một số vùng quê miền Bắc, người dân gọi chó là "con cầy". Thịt "cầy" là món nhậu khoái khẩu của dân ghiền thịt chó, nhưng khi không thể giết chó lấy thịt hay không mua được thịt chó ngoài chợ, người dân nấu món "giả cầy" bằng thịt heo (lợn). Để làm giống như thịt chó, người nấu phải đốt than, hay rơm hơ cho da vàng giống như da chó thui. Sau đó cắt nhỏ rồi nấu với hai thứ gia vị không thể thiếu đó là riềng và mắm tôm để có hương vị giống thịt chó. Khi ăn, nếu có lá mơ kèm theo thì tuyệt.
Cũng nên biết món thịt chó rất thịnh hành ở miền Bắc trước khi được dân Bắc di cư đem theo vào thực đơn miền Trung rồi xuống miền Nam năm 1954.
Và cũng từ sau 1954 món nhậu khoái khẩu "giả cầy" đã được văn chương hóa trong văn nghệ dân gian để diễu cợt những câu chuyện đầu ngô, mình sở hay tác phẩm không giống ai.
Trong lĩnh vực chính trị, người dân ở Việt Nam bị đảng tự ý tròng vào cổ xiềng xích Mác-Lê ngoài ý muốn là chuyện thật, không phải "giả cầy". Đảng đã nói văng xích chó rằng :
"Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử" (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội - bổ sung, phát triển năm 2011).
Nhưng cái mảng "khát vọng" này từ đâu bò ra dzậy bà con ? Thành phần dân số bị đảng vơ vào là "nhân dân ta" là bao nhiêu, người của phe nhóm, hay chủng tộc nào trong số 54 sắc dân sống trên lãnh thổ Việt Nam ?
Nên nhớ Đảng cộng sản Việt Nam chưa bao giờ dám tổ chức trưng cầu ý dân để biết số người ủng hộ đảng và chủ nghĩa cộng sản là bao nhiêu nên khi đảng lạm dụng "nhân dân ta" để áp đặt tham vọng của mình và của hơn 4 triệu đảng viên lên trên 90 triệu dân là tiếm quyền. Dân Nam bộ gọi là "cướp cạn".
Ngoài ra, khi đảng "chọn chủ nghĩa xã hội" để ép dân theo mà cho đó là "phù hợp với xu thế phát triển của lịch sử", là đảng đã "mượn đầu heo nấu cháo" để bảo vệ quyền cai trị bất hợp pháp và độc tài cho mình.
Việc này đã viết trong Cương lĩnh :
"Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản…".
Chọn chủ nghĩa cộng sản là chuyện riêng của đảng, không mắc mớ gì đến dân, nhưng khi đảng ép dân phải chấp nhận là "giả cầy", phản dân chủ.
Không che được mắt thánh
Ngoài ra đảng cũng đã biết, người dân Việt Nam của Thời đại điện tử Thế kỷ 21 không còn ngây thơ và khờ khạo như đảng nghĩ. Dân biết rõ những chuyện thật, giả và thấy hết những thảm cảnh đảng đã gây ra cho dân như thế nào qua 30 năm chiến tranh huynh đệ tương tàn (1945-1975).
Dân còn biết cả chuyện bồ nhí và tài sản ngập đầu của quan chức vẫn bô bô cái miệng hô hào đạo lý, hay lên miệng dại đời phải sống trong sạch, phải "cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư" như Bác Hồ đã dại. Cũng không lọt khỏi mắt dân những lãnh đạo chỉ biết phô trương gương mẫu bề ngoài lấy điểm nhưng bên trong lại cam tâm sống với "lợi ích nhóm" ruồi bọ để vinh thân phì gia, làm giầu bất chính. Tất nhiên trong thời buổi "có tiền là tiên trên đời" hiện nay, một số không nhỏ cán bộ, đảng viên cũng đã "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" không còn tin vào chủ trương tiếp tục đi theo Chủ nghĩa Cộng sản của đảng. Nhiều đảng viên, đa số cán bộ nghỉ hưu, đã tự ý bỏ quan hệ với đảng để đi kiếm ăn.
Đa số nhân dân cũng đã chán đảng đến tận mang tai và rất bất mãn với thái độ nhu nhược của đảng trước hành động lấn chiếm biển đảo và đàn áp ngư dân Việt Nam của Trung Quốc ở Biển Đông.
Đến chủ trương đưa đất nước "Đi lên chủ nghĩa xã hội" của đảng cũng mập mờ và phiêu lưu vì đảng không chứng minh được thứ "chủ nghĩa" này tốt đẹp ra sao sau hơn 30 năm đổi mới và "quá độ" mà vẫn chưa thấy ánh sáng ở cuối đường hầm thì chắc chắn là lãnh đạo đã hoang tưởng không biết đâu mà mò.
Chính Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã thú nhận : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa" (Tuyên bố ngày 24/03/2013 tại Hà Nội).
Như vậy thì rõ ràng Đảng cộng sản Việt Nam, đội ngũ cướp quyền làm chủ đất nước của dân để cai trị, đã tự tung tự tác khi viết rằng : "Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Đảng lãnh đạo hệ thống chính trị, đồng thời là bộ phận của hệ thống ấy" (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bổ sung, phát triển năm 2011 ; Hiến Pháp năm 2013).
Hành động tự phong, tự chiếm và tự cướp như thế rõ ràng chỉ có từ một tổ chức độc tài, toàn trị. Nhân dân, chủ nhân của đất nước đã bị cán bộ đảng, đầy tớ của dân, cướp mất quyền làm chủ.
Thế mà báo Nhân Dân vẫn có thể loa phường rằng :
"Không thể phủ nhận thực tế là ở Việt Nam ngày nay, mọi quyền lực của nhà nước luôn thuộc về nhân dân, nhân dân trực tiếp bầu ra cơ quan quyền lực đại diện của mình để điều hành đất nước, thực hiện giám sát thường xuyên, liên tục đối với hoạt động của hệ thống chính trị" (Nhân Dân, ngày 14/07/2020).
Ăn nói như thế mà không sợ bị quả báo hay sao ?
Bởi vì chuyện bầu cử dưới chế độ cộng sản Việt Nam, dù có bịa đặt, tô son điểm phấn cách mấy đi chăng nữa thì tính bù nhìn "đảng cử dân bầu" không giấu được ai. Các "cơ quan quyền lực đại diện cho mình" (dân) gồm Hội đồng nhân dân và Quốc hội cũng hầu hết là đảng viên được đảng đưa ra cho dân bỏ phiếu lấy lệ để làm đẹp cho chế độ thì bầu bán có hay ho gì đâu mà khoe ?
Việc chọn ứng cử viên được đảng giao cho Mặt trận Tổ quốc, tổ chức ngoại vi của đảng đã phản ảnh tính ứng cử và bầu cử dân chủ trá hình. Hãy nghe đảng xác nhận :
"Riêng trong công tác bầu cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có trách nhiệm tổ chức hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân ; tham gia các tổ chức phụ trách bầu cử ; phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức hội nghị cử tri cấp xã, các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử ; tham gia tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện pháp luật về bầu cử (theo Ðiều 19, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) Hội đồng nhân dân" (báo Nhân Dân, ngày 21/07/2020).
Như vậy là đảng "vừa đá bóng, vừa thổi còi" rồi còn gì nữa mà còn lý luận ngạo mạn rằng : "Hiệp thương dân chủ luôn giữ vai trò rất quan trọng, vì chỉ dựa trên cơ sở hiệp thương dân chủ mới tập hợp được ý chí, nguyện vọng của mọi thành viên xã hội, giúp các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước thật sự phát huy vai trò trong cuộc sống. Nếu không có hiệp thương dân chủ thì sự phối hợp, thống nhất hành động giữa các thành viên chỉ mang tính hình thức".
Nhưng "bầu cử "mà không có "vận động tranh cử" giữa các ứng cử viên để dân lựa chọn là thứ bầu cử hình thức phản dân chủ cao độ nhất.
Vậy mà nhóm dư luận viên của báo Nhân Dân vẫn oang oang quàng xiên rằng :
"Không ai có thể phủ nhận ở Việt Nam, việc thực hiện có hiệu quả nguyên tắc dân chủ trong bầu cử đã giúp tập hợp, phát huy tinh hoa của dân tộc trong mọi lĩnh vực hoạt động của xã hội, huy động được các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, kịp thời phát hiện các biểu hiện thiếu lành mạnh trong quá trình vận hành của bộ máy công quyền. Ðây là cơ sở giúp thúc đẩy sự phát triển của xã hội, tạo nền tảng vững chắc để Việt Nam đạt những thành tựu đáng tự hào về mọi mặt. Sự thật hiển nhiên, sinh động ấy là câu trả lời xác đáng đối với các luận điệu, thủ đoạn chống phá của những kẻ lợi dụng dân chủ để xuyên tạc bản chất xã hội" (báo Nhân Dân, ngày 21/07/2020).
Tập trung dân chủ
Nhưng không chỉ khoe có bấy nhiêu thôi. Đảng còn bịa chuyện rằng :
"Đảng luôn khẳng định việc tăng cường, phát huy dân chủ trong Đảng là cơ sở để tăng cường, phát huy dân chủ trong xã hội. Nói cách khác, dân chủ là một trong các yếu tố quyết định sự thành công trong mọi hoạt động của Đảng, và khi dân chủ được hiện thực hóa trong xã hội, trở thành tài sản chung của toàn dân, đã tạo tiền đề vững chắc để phát huy ý chí, năng lực toàn xã hội, giúp Đảng tổ chức, lãnh đạo dân tộc phấn đấu vì mục tiêu, lý tưởng" (báo Nhân Dân, ngày 20/07/2020).
Nghe đảng nói "phát huy dân chủ trong Đảng là cơ sở để tăng cường, phát huy dân chủ trong xã hội" ai mà không ham, nhưng cũng muốn ói bởi vì dân chủ trong đảng là thứ "tập trung dân chủ" kiểu cộng sản.
Vậy "tập trung dân chủ" là trò gì ?
Lênin giải thích :
"Tập trung dân chủ là tự do trong thảo luận nhưng thống nhất trong hành động.
Ý nghĩa của tập trung là quyết định của tổ chức đảng cấp trên là bắt buộc với các tổ chức đảng cấp dưới và cuối cùng là bắt buộc mỗi đảng viên phải chấp hành. Mỗi vấn đề của Đảng sẽ được thảo luận cho đến khi ra nghị quyết. Sau khi có nghị quyết, mỗi đảng viên phải chấp hành nghiêm chỉnh nghị quyết, không được truyền bá ý kiến trái với nghị quyết. Đảng viên dù có ý kiến khác khi phát biểu công khai vẫn phải nói theo nghị quyết chứ không được theo ý mình" (theo Bách khoa toàn thư mở).
Đó là dân chủ chỉ huy, dân chủ đoàn thể, nhưng nếu bảo "phát huy dân chủ trong Đảng là "hạt nhân để thực hiện dân chủ trong toàn xã hội và xây dựng khối đoàn kết toàn dân" là ngụy biện, áp đặt tính chuyên chế, độc tài của đảng lên nhân dân và cướp đi quyền tự quyết của dân.
Dân chủ mà đảng cần phải có cho dân ở Việt Nam bây giờ là :
- Quyền tự do đi bầu trực tiếp và không đi bầu của dân ;
- Quyền tự do ứng cử của mọi công dân, không qua bất cứ hình thức gọi là "hiệp thương" nào của Mặt trận Tổ quốc do đảng chỉ huy ;
- Quyền tự do ngôn luận và tư tưởng ;
- Quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo thật sự, tuyệt đối không có bất cứ hình thức can thiệp nào của nhà nước ;
- Quyền tự do làm báo và ra báo ;
- Quyền tự do hội họp ;
- Quyền tự do lập hội ;
- Quyền tự do biểu tình…
Tất cả những quyền nêu trên đều đã được quy định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, nhưng trong thực tế, đảng không làm như Hiến pháp viết mà phần lớn, nếu có thực thi, thì thuộc loại "xin-cho" theo ý muốn của nhà nước.
Riêng trong lĩnh vực báo chí, đảng đã dành độc quyền và cấm tư nhân ra báo. Đảng cũng độc quyền đảng phái khi không chấp nhận có tổ chức chính trị đối lập. Ngoài ra Đảng chỉ cho phép hoạt động những tổ chức xã hội, văn hóa do đảng, hay các tổ chức chính trị vệ tinh của đảng thành lập.
Bằng chứng là Đảng đã thắng tay khủng bố và đàn áp những tổ chức tự ý thành lập như Văn đoàn độc lập, Hội Nhà báo độc lập, Nghiệp đoàn độc lập, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, Hội anh em Dân chủ v.v…
Đối với các tôn giáo, đảng đã phân biệt đối xử, khủng bố ra mặt những tôn giáo không chấp nhận quyền kiểm soát và xen lấn vào nội bộ. Bằng chứng là Đảng cộng sản đã phân hóa và làm tan rã Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Ấn Quang) khi giáo hội này không chịu nhập vào tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước bảo hộ.
Tổ chức Giáo hội Phật giáo Hòa hảo, Cao đài và một số hệ phái Tin lành cũng bị nhà nước khống chế, làm khó đủ điều chỉ vì họ chống lại can thiệp của đảng.
Riêng Giáo hội Công giáo, vì có hậu thuẫn quốc tế của Tòa thánh Vatican nên đảng đã chùn tay trong nhiều hành động, nhưng vẫn tìm mọi cơ hội để can thiệp vào sinh hoạt nội bộ. Nhiều linh mục tranh đấu cho quyền lợi nhân sinh và xã hội, nhất là các linh mục thuộc Dòng Chúa Cứu Thế từ Nam ra Bắc đã bị bức bách, khủng bố, cấm xuất cảnh, và bị cưỡng ép phải nhận nhiệm sở nơi vùng cao, miền xa hẻo lánh. Quyết định bổ nhiệm, thăng chức các linh mục, giám mục đều phải được nhà nước chấp thuận.
Do đó, những Điều ghi trong Hiến pháp 2013 dưới đây đã bị nhà nước vi phạm nghiệm trọng gồm :
Điều 2
1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.
Phạm Trần
(06/08/2020)
"Dân chủ" hiển nhiên là giá trị ưu việt của nền văn minh "thượng đẳng" mà đã số dân Việt Nam đa số hiện thời không (hay chưa) ý thức được. Ngay cả những người mang danh hiệu trí thức, hay được dán nhãn "giáo sư Fulbright" nọ kia... Vụ một người Hàn Quốc "sỉ vả" dân tộc Việt Nam tuần trước, với những lời lẽ tương tự, không ai có thể phản biện được. Vì nó đúng quá !
Việt Nam bị chia tại vĩ tuyến 17 thì Cao Ly bị chia tại vĩ tuyến 38. Cả hai nước có chung mô hình pháp lý "quốc gia hai chế độ", miền bắc theo chế độ cộng sản, miền nam theo tư bản…
Chửi trong trường hợp này như tạt gáo nước lạnh vô mặt một người sật sừ say rượu đang nói bậy, đang làm chuyện bậy...
Ta phải cám ơn người đó mới đúng.
Nhìn lại lịch sử phát triển xứ sở Nam Hàn, phải nói xứ này có một giai đoạn lịch sử không khác Việt Nam. Đất nước chia hai. Việt Nam bị chia tại vĩ tuyến 17 thì Cao Ly bị chia tại vĩ tuyến 38. Cả hai nước có chung mô hình pháp lý "quốc gia hai chế độ", miền bắc theo chế độ cộng sản, miền nam theo tư bản. Hai bên Nam Hàn và Nam Việt Nam được sự "chống lưng" của Mỹ. Hai bên Bắc Hàn và Bắc Việt Nam được sự "đỡ đầu" của LX và TQ.
Hai bên khác nhau ở chỗ Cao Ly được giữ "nguyên trạng". Hai chế độ Nam Bắc Hàn cạnh tranh, trên mọi phương diện, để so tài "ai hơn ai" ? Dân miền nào được "hạnh phúc" hơn ? Miền nào "phát triển" hơn miền nào ? Hai chủ nghĩa đối nghịch "tư bản" và "cộng sản" tranh tài bằng các phương pháp "hòa bình" ở Cao Ly.
Điều này cũng xảy ra tương tự ở Đông và Tây Đức.
Trong khi Việt Nam, vô phúc cho dân tộc Việt Nam. Đất nước này trở thành thí điểm tranh tài giữa hai ý thức hệ đối nghịch, bằng "phương pháp" chiến tranh "nóng".
Nếu ta so sánh hai chế độ Bắc Hàn và Bắc Việt Nam. Trong một thời gian dài, đến năm 1989, ta thấy hai bên có nhiều điểm tương đồng. Hai bên cùng có chế độ cộng sản độc tài với nền kinh tế quốc doanh, "bao cấp". Người dân dưới hai chế độ này bị kiểm soát chặt chẽ từ tư tưởng cho tới lời nói, hành động. Từ việc ăn ở (hộ khẩu, sổ lương thực, tiền bạc...) cho tới việc đi lại... Đời sống dân chúng đại đa số là khổ cực, thiếu thốn mọi mặt. Dĩ nhiên ngoại trừ cấp "trung ương lợn ĩ" (sic !)
Chế độ Nam Hàn và Nam Việt Nam cũng khá giống nhau, độc tài quân phiệt, quốc gia chủ nghĩa và kinh tế thị trường. Mỹ "chống lưng" hai chế độ này là "có lý do".
Mỹ đổ tiền (khá nhiều) viện trợ Nam Việt Nam, Nam Hàn và Đài loan, các chế độ quân phiệt có thiên hướng "dân tộc chủ nghĩa", với mục đích xây dựng "thành trì chống cộng".
Trong một thời gian khá dài, từ sau khi ông Diệm bị lật đổ, miền Nam Việt Nam được Mỹ thổi vào một luồng gió "dân chủ kiểu Mỹ". Mặc dầu trước đó mô hình "dân chủ kiểu Pháp" cũng đã được mọc rễ, từ năm 1948, khi Pháp "trả chủ quyền về lãnh thổ Việt Nam" cho vua Bảo Đại.
Dân chủ là dân chủ, kiểu Pháp hay kiểu Mỹ thì cũng là "dân chủ", cốt lõi là "dân chủ tự do - démocratie libérale" với nền "kinh tế thị trường".
Khổ cái là nền "dân chủ kiểu Mỹ" ở Nam Việt Nam được xây dựng sao cho "thuận lợi" việc can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam.
Tại Nam Việt Nam đảng phái nhiều như "nấm mối mọc sau mưa", nhiều không kể hết. Việt Nam Quốc dân đảng, Đại Việt quốc dân đảng, Tân Đại Việt, Dân Xã đảng v.v... Các tôn giáo tuy không lập đảng nhưng đứng "sau lưng" nhiều liên minh chính trị, cho người ra ứng cử dân biểu, nghị sĩ... rồi lập "khối" trong quốc hội. Ngay trong cuộc bầu cử mà nhiều người phê bình là "độc diễn" của Nguyễn Văn Thiệu. Nếu ta tìm hiểu sâu xa thì rõ ràng ông Thiệu có sử dụng quyền lực tổng thống để khuynh đảo chính trường để hưởng lợi. Chuyện này không khác gì ông Trump ở Mỹ. Vấn đề là hành vi của ông Thiệu, cũng như cách sinh hoạt đảng Dân chủ của ông Thiệu, không có điều gì "phạm luật" hay vi hiến. Nếu so sánh với Putin, rõ ràng ông Thiệu là đàn em xa lắc.
Báo chí Nam Việt Nam thời đó nhiều vô kể, mà phần lớn do cán bộ giật dây qua các phong trào "dân chủ", "phụ nữ đòi quyền sống", "ký giả ăn mày", "phật giáo" v.v... Thời đó báo chí muốn viết gì thì viết. Cơ quan "kiểm duyệt" có cấm thì báo vẫn ra, bán lậu, đắt hơn cả báo không bị kiểm duyệt...
Ngay cả về phương diện tham nhũng, với tự do báo chí kiểu đó, không ai dám "ăn của dân không từ một thứ gì" như cán bộ đảng viên cộng sản Việt Nam hiện nay. Tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa cũ ra nước ngoài ai cũng "làm thuê vác mướn thúi móng tay" mới có được miếng ăn, chỗ ngủ.
Vì vậy, về các "giá trị cốt lõi" được định nghĩa trong Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền 1948, các quyền tự do chính kiến, tự do bầu cử và ứng cử, tự do ngôn luận, tự do lập hội, đảng phái, tự do kinh doanh... của chế độ thì Nam Việt Nam có phần "dân chủ" nhiều hơn hai mô hình Nam Hàn và Đài Loan.
Chế độ Nam Hàn (và Đài Loan) nay trở thành các chế độ "ưu việt", mô hình "mẫu" thế giới về phát triển thần kỳ, về kinh tế cũng như về "dân chủ hóa chế độ".
Tiếc thay Việt Nam sau 1975 đã "quẹo" sang con đường khác, với Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền "lãnh đạo nhà nước và xã hội". Đảng này vẫn còn mông muội với tư duy thời "cải cách ruộng đất".
Đọc bản Điều lệ đảng viên ta thấy toàn "sáo ngữ", những điều không thể thực hiện trong môi trường "kinh tế toàn cầu hóa". Mặc dầu vậy, đảng viên cộng sản Việt Nam vẫn "an tâm" với điều lệ này. Họ có vấn đề về "đạo đức và lương tâm" hay vấn đề về "trí tuệ" ?
Hãy nghe người Hàn sỉ vả người Việt : "Việt Nam như là bọn nô lệ của Hàn. Việt Nam luôn là nô lệ của cả thế giới suốt 300 năm qua. Mày nghĩ tương lai ra sao, độc lập à, tỉnh lại đi. Nếu người Việt không sửa cái thái độ ngu học, thì cái kỷ nguyên nô lệ vẫn tiếp diễn".
Điều này sẽ không bao giờ xảy ra, thời trước 1975 ở Nam Việt Nam. Bởi vì thời đó dân Nam Hàn phải qua Nam Việt Nam làm phu cắt cỏ, phu làm đường...
Người ta chửi đúng quá phải không hỡi các giáo sư, tiến sĩ, học giả... xã hội chủ nghĩa ?
Câu hỏi không đặt cho đảng viên cộng sản Việt Nam, vì họ đã có vấn đề, không phải "đạo đức và lương tâm" thì vấn đề về trí tuệ.
Trương Nhân Tuấn
Nguồn : fb.nhantuan.truong, 16/03/2020
Là một khái niệm mà ta vẫn thường nghe, nhưng cũng như nhiều khái niệm kiểu như vậy, chỉ được ta hiểu một cách mơ hồ. Ngay cả khi ta mở một cuốn từ điển và tra đi tra lại hết lần này đến lần khác, ta có thể chỉ cảm thấy khái niệm này sáng tỏ hơn một chút mà thôi, và như vậy, sau một thời gian, ta lại quên và lại tra từ điển...
Hình : Người dân Hồng Kông xếp hàng đi bầu hội đồng cấp quận vào ngày 24/11/2019 (Nguồn : Vincent Yu/AP)
Đó là tình trạng chung của ta ('ta' như là hầu hết hay phần lớn mọi người) khi ít đào sâu suy nghĩ, và thường dừng lại trước một khái niệm không giản đơn.
Bây giờ, ta đi thẳng vào vấn đề. Khái niệm này có nghĩa là gì ?
Thật dễ khi trả lời rằng : Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ. Nhưng làm chủ cái gì ?
Khi nói đến dân, tức là nói đến những người cùng thuộc về một đất nước, là lãnh thổ chung của họ, cái chung nhất của họ như là một tập hợp của các cá nhân. Nếu có cái gì đó mà một tập hợp của các cá nhân làm chủ, thì đó là những cái chung như thế. Và, cái gì đó ở đây là đất nước.
Câu trả lời này làm nảy sinh một câu hỏi tiếp theo : Làm chủ như thế nào ?
Bây giờ thử đơn giản hóa việc làm chủ đất nước bằng làm chủ một tập thể nho nhỏ, gia đình chẳng hạn. Khi ta nói ta làm chủ gia đình, thì cái gì là đặc trưng của người làm chủ gia đình khiến ta phân biệt với người không làm chủ gia đình ? Quyền hành ? Ảnh hưởng ? Khả năng ra quyết định về các vấn đề ? Đúng thế ! Người làm chủ gia đình là người ra quyết định về các vấn đề của gia đình. Cũng tương tự nếu thay gia đình bằng một tập thể nào đó. Điều này cũng đúng, ít nhất là về mặt lý thuyết, khi thay gia đình bằng một quốc gia.
Dân chủ, như vậy, có nghĩa là dân làm chủ đất nước bằng cách ra quyết định về các vấn đề của đất nước.
Tất nhiên, câu trả lời trên đây vẫn rất chung chung. Nó lại khiến một số người đặt câu hỏi : Ra quyết định về các vấn đề gì của đất nước và ra quyết định như thế nào ? Thực tế có mấy quốc gia cho người dân ra quyết định về các vấn đề hệ trọng như quan hệ ngoại giao, chiến tranh hay hòa bình, thậm chí ngay cả các vấn đề đơn giản hơn nhiều như độ tuổi kết hôn hay độ tuổi bầu cử v.v ? Các vấn đề ấy thuộc quyền quyết định của những người khác. Những người khác đó là chính phủ, là quốc hội, và ít khi hơn là tòa án (thông qua các bản án hay phán quyết), hay nói chung là các cơ quan quyền lực của nhà nước. Người dân bình thường dường như không có vai trò trực tiếp nào trong quá trình ra quyết định này. Dù vậy, nếu nhìn một cách thấu đáo hơn ta sẽ thấy hai điều : thứ nhất là một phần trong những người quyền lực đó là do ta lựa chọn thông qua các cơ chế bầu cử, thứ hai là ta có thể tác động lên những người quyền lực đó thông qua nhiều cách khác nhau, khiến họ hình thành hay thay đổi quan điểm về các vấn đề mà ta quan tâm. Đôi khi, ta được hỏi ý kiến thông qua các cuộc thăm dò hoặc các cuộc trưng cầu dân ý do các cơ quan nhà nước tổ chức.
Lý giải ở trên đã cho câu trả lời về cách thức mà người dân ra quyết định. Tại đa số quốc gia và trong hầu hết các quyết định, người dân chỉ tham gia quá trình quyết định một cách gián tiếp mà thôi, ngay cả các quốc gia là điển hình về nền dân chủ, như Hoa Kỳ, Anh, Đức. Còn lại, các quốc gia mà ở đó nhiều quyết định được đưa ra bởi người dân một cách trực tiếp chỉ là số ít, như Thụy Sỹ. Quyết định các vấn đề gì một cách trực tiếp bởi người dân thì mỗi quốc gia mỗi khác. Ở các quốc gia có chế độ tổng thống, người dân bầu chọn tổng thống một cách trực tiếp (Hoa Kỳ là một ngoại lệ vì người dân bầu chọn tổng thống một cách gián tiếp qua cơ chế đại cử tri). Ở các quốc gia có chế độ đại nghị, người dân bầu chọn cùng lắm là các đại biểu quốc hội, hay các Nghị sỹ. Trưng cầu dân ý về các vấn đề quốc gia là một cơ chế không phổ biến, và chỉ với những điều kiện nhất định, chẳng hạn, một vấn đề chỉ được đưa ra trưng cầu dân ý khi một tỷ lệ tối thiểu đại biểu quốc hội chấp thuận.
Các cuộc bầu cử, nói chung, là một biểu hiện chủ yếu của một nền dân chủ, qua đó người dân thể hiện quyền lực của mình bằng cách lựa chọn những người đại diện. Tất nhiên, để các cuộc bầu cử được xem là thực sự, yêu cầu đặt ra đối với các cuộc bầu cử như vậy là minh bạch, công bằng và người dân thực hiện quyền bầu cử một cách tự nguyện và tự do.
Đến đây, ta có thể đưa ra một định nghĩa gần đủ cho khái niệm dân chủ : Dân chủ là một cách thức tổ chức xã hội trong đó người dân ra quyết định về các vấn đề của đất nước, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các cuộc bầu cử minh bạch, công bằng với ý chí tự nguyện và tự do.
Định nghĩa trên, như đã nói, chỉ là ‘gần đủ’. Sở dĩ như vậy là vì nó chỉ là định nghĩa bề mặt hay hình thức của dân chủ. Dân chủ về nội dung có đòi hỏi nhất định về phẩm chất của các quyết định. Không thể nói ta làm chủ nếu quyết định của ta được đưa ra chỉ dựa trên nhận thức thoáng qua về một vấn đề nào đó. Đó là chưa kể ý thức của ta về cái gọi là quyền làm chủ của mình. Liệu ta có thực sự có mong muốn ra quyết định hay có trách nhiệm với việc ra quyết định ? Vấn đề này hẳn nhiên có liên quan đến tâm lý và trí tuệ tập thể hay đám đông. Ở đây, câu hỏi được đặt ta là đám đông ở quy mô dân số một quốc gia, có khi nào thực sự làm chủ. Câu trả lời có thể là ‘Có’, có thể là ‘Không’ tùy cách mỗi người suy nghĩ. Dù vậy, ta tạm thời chấp nhận rằng với định nghĩa dân chủ trên đây thì nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có dân chủ, và do đó, người dân ở các quốc gia đó đã và đang làm chủ đất nước của mình.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 25/11/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
Có bao nhiêu công dân Mỹ theo dõi các phán quyết của Tối Cao Pháp Viện ? Chắc không nhiều lắm, mặc dù những quyết định của Tòa Án Tối Cao ảnh hưởng trên đời sống tất cả mọi người !
Trụ sở Tối Cao Pháp Viện Mỹ ở Washington, D.C. (Hình : AP Photo/Patrick Semansky)
Trong tuần qua, các quan Tòa Tối Cao mới bác bỏ hai bản án của tòa dưới, về vấn đề phân chia địa giới các đơn vị bầu cử một cách bất bình thường, gọi là "gerrymandering", theo tên của ông thống đốc tiểu bang Massachusetts vào cuối thế kỷ 18, đầu 19, là người đầu tiên dùng sáng kiến này. Đây là một đề tài quan trọng mà mọi người Mỹ đều nên hiểu, khi muốn bảo vê quyền công dân của mình trong các cuộc bầu cử.
Trước hết, "gerrymander" là gì ?
Ông Elbridge Gerry (1744-1814), một người ký bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, đã vẽ bản đồ các đơn vị bầu cử trong Massachusetts để làm lợi cho đảng mình bằng cách phân chia địa giới các đơn vị bỏ phiếu.
Thí dụ, nếu có hai đơn vị bầu cử mà đảng đối thủ đều thắng với 51% số phiếu, thì cắt một khu dân chúng ủng hộ đảng đó ra khỏi một đơn vị, ghép vào đơn vị kia. Như vậy, trong kỳ bỏ phiếu sau, đảng đối thủ có thể chiếm được 60% số phiếu ở đơn vị thứ nhì nhưng thua ở đơn vị thứ nhất khác vì chỉ còn dưới 50% ủng hộ ! Công việc rất dễ, vì mỗi lần kiểm phiếu người ta biết đa số dân ở một khu phố hay một xóm thích bầu cho đảng nào.
Có nhiều trường hợp phức tạp hơn, nhưng vẫn làm được. Thí dụ, ghép rất nhiều vùng ủng hộ đảng đối lập vào chung một đơn vị, cho đảng đó thắng gần 100% số phiếu ; nhưng họ sẽ bị mất phiếu ở nhiều đơn vị khác sau khi bị cắt bớt ! Phân chia ranh giới như vậy thì địa giới các đơn vị bỏ phiếu không còn vuông vức, ngay ngắn nữa, có khi không ra hình thù nào cả. Một tờ báo ở Boston, năm 1812, đã dùng tên "Gerry-mander" gọi đơn vị bầu cử Essex South do Thống Đốc Gerry cắt xén và ghép thành, vẽ bản đồ đơn vị đó như một con quái vật có mỏ, có cánh, nhại tên quái vật "salamander" trong thần thoại.
Một thí dụ gần đây là đảng Dân Chủ nắm quyền ở Illinois đã chia lại các đơn vị bầu cử để chiếm thêm ghế nơi cử tri mà trước đó bàu cho đảng Cộng Hòa. Dân ở thành phố Chicago trong tiểu bang này thường ủng hộ đảng Dân Chủ ; trong khi vùng thôn quê chung quanh đa số thích đảng Cộng Hòa. Nghị viện tiểu bang, do Dân Chủ kiểm soát, đã phân chia lại các đơn vị bỏ phiếu. Họ cắt Chicago ra thành nhiều mảnh, giống như cắt bánh "pizza" thành nhiều miếng theo đường kính, rồi ghép các miếng vào với vùng thôn quê kế cận bên ngoài, để tăng số người ủng hộ trong các đơn vị mới được phân chia lại.
Tại tiểu bang Wisconsin, sau cuộc kiểm tra dân số năm 2010, Cộng Hòa kiểm soát nghị viện đã vẽ lại bản đồ bầu cử. Kết quả là trong năm 2012, Cộng Hòa chiếm 66 ghế trong số 99 đại biểu được dân bầu, trong khi đếm số phiếu bầu thì họ chỉ chiếm được 48.6% số phiếu của cử tri toàn tiểu bang !
Phán quyết mới của Tối Cao Pháp Viện là trường hợp hai tiểu bang, Maryland và North Carolina. Ở Maryland, nghị viện tiểu bang phe Dân Chủ đã phân chia ranh giới các đơn vị để cho đảng mình được lợi thế, còn tại North Carolina thì ngược lại, đảng Cộng Hòa làm chủ nghị viện vẽ lại bản đồ bỏ phiếu theo ý mình. Hai tòa án cấp dưới đã yêu cầu hai tiểu bang này vẽ lại bản đồ bầu cử, vì họ cố ý làm cho kết quả bầu cử thiên lệch. Nhưng Tối Cao Pháp Viện đã bác bỏ phán quyết của cả hai tòa dưới với tỷ số 5-4.
Chánh án John Roberts đại diện cho phe đa số lý luận rằng, theo hiến pháp, việc vẽ bản đồ bầu cử là trách nhiệm của các tiểu bang. Đây là một vấn đề chính trị. Ngành tư pháp không nên can dự vào lãnh vực chính trị, cho nên không thể phê phán hành động nào là công bằng hay không công bằng.
Thay mặt phe thiểu số, Thẩm Phán Elena Kagan nghĩ khác. Bà cho rằng Tối Cao Pháp Viện đã từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp khi chấp nhận những cách chia đơn vị bầu cử thiên vị, trái với tinh thần dân chủ.
Phán quyết của Tối Cao Pháp Viện sẽ ảnh hưởng đến cuộc bỏ phiếu năm 2020. Hiện nay có nhiều nghị viện tiểu bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát, và ít nhất năm tiểu bang vẽ các ranh giới đơn vị bỏ phiếu có lợi cho Cộng Hòa, trong khi phía Dân Chủ chỉ làm được tại hai tiểu bang.
Nhưng hậu quả lâu dài đáng kể hơn. Sang năm nước Mỹ lại kiểm tra dân số, theo lịch 10 năm một lần. Sau đó, các tiểu bang đều có quyền vẽ lại các đơn vị bầu cử. Sau khi Tối Cao Pháp Viện từ chối không dính vào chuyện này, các nhà chính trị sẽ tha hồ làm "gerrymandering" mà không còn sợ bị kiện nữa !
Mỗi đảng chính trị đều tìm cách chiếm lợi thế khi họ kiểm soát được nghị viện tiểu bang. Như vậy họ sẽ tìm cách kéo dài lợi thế của mình nhờ "gerrymandering !" Cứ như thế, một đảng có thể chiếm lãnh một tiểu bang trong nhiều chục năm.
Kết quả là người dân sẽ chán chính trị, khi thấy quyền bỏ phiếu của họ không còn giá trị nữa !
Làm cách nào nền dân chủ nước Mỹ có thể thoát khỏi "tai nạn" này ? Có hai đường, tư pháp và chính trị.
Một điều may mắn là các tòa án cấp tiểu bang có thể buộc các nhà chính trị phải thay đổi, mà không cần theo án lệ của Tối Cao Pháp Viện liên bang. Tại Pennsylvania, năm ngoái Tòa Tối Cao của tiểu bang đã bác bỏ bản đồ bầu cử của nghị viện vì cố ý thiên lệch, phán quyết hoàn toàn dựa trên hiến pháp của tiểu bang. Nhiều nhóm công dân ở North Carolina đang chuẩn bị thưa vụ này tại tòa án tiểu bang, với hy vọng kết quả tương tự.
Tiểu bang Florida đã tu chính bản hiến pháp để thêm một điều bảo vệ tính chất công bằng trong việc vẽ bản đồ đơn vị bàu cử. Một số tiểu bang như Colorado, Michigan, Missouri và Utah đã thay đổi luật, trao quyền vẽ ranh giới các đơn vị bàu cử cho các ủy ban độc lập, phi đảng phái.
Khi Tối Cao Pháp Viện từ chối "không dính đến chính trị" thì các công dân và các nhà chính trị phải gánh lấy trách nhiệm. Dân chúng các tiểu bang có thể bàu cho những ứng cử viên nào nói rõ ràng họ không chấp nhận "gerrymandering". Dân cũng có quyền yêu cầu chính quyền tổ chức trưng cầu dân ý về vấn đề này, bắt nghị viện tiểu bang bắt chước, Florida hay Colorado, Michigan, Missouri.
Sau cùng chính Quốc hộiliên bang có thể gánh lấy trách nhiệm, làm một đạo luật ngăn chặn hành động thiên lệch kiểu "gerrymandering". Cuối cùng, tương lai nền dân chủ Mỹ tùy thuộc vào chính người dân, khi họ bỏ phiếu bàu đại biểu !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 29/06/2019
Chắc chắn là có, ngoại trừ cãi vả vì lợi ích riêng mình bất cần lợi ích chung của người khác, đặc biệt sự cãi vả xảy ra giữa cộng đồng cùng quan tâm đến một vấn đề chung. Sự cãi vả hay nói văn chương hơn là "tranh luận" là phương pháp tốt nhất mài giũa tư duy về dân chủ trong khi một trong hai phía, bênh hay chống một vấn đề nào đó, có cơ hội nhìn ra vấn đề mà trước đó do thói quen không nhìn thấy.
Những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất.
Chấp nhận mình nhìn thấy cái sai là tốt nhưng không dám công khai chấp nhận mình sai trong khi trong thâm tâm công nhận lập luận của đối thủ sắc bén hơn mình cũng không phải là điều gì xấu xa vì từ bây giờ trở về sau ý tưởng đạt được từ đối phương sẽ giúp bản thân nhạy bén hơn khi nhìn nhận một vấn đề có tầm xã hội, và vì vậy tranh cãi là cục đá mài tư duy sắc bén cần thiết nếu sự tranh cãi không đi quá đà đến nỗi sức mẻ hay khinh thường người phản biện.
Trường hợp của ông Nguyễn Hữu Linh, cựu Viện phó Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Đà Nẵng sau khi xàm sở với bé gái trong thang máy đã làm cộng đồng dậy sóng, không những giữa cộng đồng với ông ta mà còn giữa những thành viên trong cộng đồng vì cách hành xử của họ đối với trường hợp hiếm có này.
Sau khi vụ tai tiếng xảy ra căn nhà của ông Linh tại Đà Nẵng đã bị một nhóm người tới xịt sơn lên cửa hàng rào với hai chữ Ấu dâm. Một chiếc quần lót được treo lên và chất bẩn cũng được ném vào bên trong căn nhà. Cùng lúc là phong trào đem vợ con ông Linh ra đàm tiếu với những lời lẽ khiếm nhã, những câu hài hước liên quan đến ông ta và gia đình được loan tải trên mạng xã hội trở thành một khuynh hướng. Tuy nhiên cùng lúc là những chống đối từ phía khác, những người không đồng tình với cách ứng xử "thô lậu" đối với gia đình ông Linh.
Nhóm người chống đối thường có tiếng tốt và luôn chống lại sự gian trá của chính quyền trên mạng facebook của mình. Họ cho rằng tuy ông Linh dơ bẩn nhưng gia đình ông ta không dính gì tới hành vi dâm ô của ông ta vì vậy lăng nhục vợ con, gia đình của ông ta là hành vi của "đám đông", đáng xấu hổ và mang tính chất bầy đàn rất rõ.
Nhóm này lấy Gustave Le Bon, trong cuốn ''Tâm lý học đám đông'', dẫn chứng rằng những đám đông luôn bị vô thức tác động, họ xử sự như người nguyên thủy, người dã man, không có khả năng suy nghĩ, suy luận, mà chỉ cảm nhận bằng hình ảnh, bằng sự liên kết các ý tưởng, họ không kiên định, thất thường, và đi từ trạng thái nhiệt tình cuồng loạn nhất đến ngây dại ngớ ngẩn nhất. Vả lại, do thể trạng của mình, những đám đông ấy cần có một thủ lĩnh, một người cầm đầu, kẻ có thể dẫn dắt họ và cho bản năng của họ một ý nghĩa.
"Thủ lĩnh" của đám đông ấy chưa ai dám đứng ra chấp nhận đã bị một làn sóng phản ứng dữ dội đè bẹp. Nhóm chống ông Linh và gia đình cho rằng hành vi của việc xịt sơn, ném chất bẩn vào nhà của một Viện phó Viện Kiểm sát là cách ăn miếng trả miếng của nhân dân. Bởi người dân không có gì làm vũ khí thì họ có quyền xử dụng những gì họ cảm thấy khiến cho đối phương tủi hổ, mất mặt mới xứng đáng với lòng căm thù tiềm ẩn quá lâu trong dân chúng.
Đám đông ấy không tin vào luật pháp. Đối với họ luật pháp luôn đứng về kẻ mạnh mà ông Linh là một điển hình.
Hãy nhìn xem chung quanh đời sống hàng ngày của những người đấu tranh dân chủ. Nhà họ bị an ninh canh chừng như giam giữ phạm nhân, cửa ngõ của họ bị xịt sơn hai chữ "phản động" ổ khóa nhà họ bị trét keo dán sắt không thể mở được… tất cả những thứ ấy có phải là "tâm lý đám đông" hay không ?
Tại sao chính quyền Đà Nẵng nhanh chóng yêu cầu trích suất Video tìm thủ phạm trong khi cán bộ, an ninh canh giữ nhà của dân lại bị làm ngơ như không hề có ?
Nhìn xa hơn nữa, có bao nhiêu người chung quanh một nhà hoạt động dân chủ bị công an mời lên hăm dọa, phù phép đến nỗi không dám nhìn mặt người mình từng ủng hộ. Có bao nhiêu thân nhân của tù nhân lương tâm không được đối xử công bằng theo luật pháp hiện hành vậy tại sao lại đối xử công bằng với gia đình của một Viện phó Viện kiểm sát như Nguyễn Hữu Linh khi chính ông ta là người từng ký tá biết bao nhiêu lệnh truy tố bất nhân đối với người vô tội ?
Hãy nhìn lại hành động của những người mất đất, họ không còn gì cả, khi bị cưỡng chế chỉ còn bộ quần áo cơ hàn dính da nhưng uất ức khiến họ cởi phăng ra hết, truồng như nhộng để phản đối bọn người cưỡng chế mảnh đất nhỏ bé của họ. Hành vi cởi truồng ấy có đáng bị các nhà "đạo đức" phê phán hay không khi cùng một cách phản ứng với bất công, hà khắc ?
Hai khuynh hướng xảy ra trong cùng một sự kiện đáng là một niềm vui cho người quan sát. Ít nhất cả hai phía đã tham gia cật lực dùng tâm trí mình biện luận cho một hành vi. Những luận điểm của cả hai phía đều mang hình ảnh lưỡng diện, vừa đúng lại vừa sai, cái đúng và sai ấy tuy nhiên không đáng phê phán vì nó chứa đụng sự quan tâm cần thiết cho một xã hội dân chủ.
Lá phiếu nào cũng có sự lợi và hại của nó. Bầu cho người thành toàn, có tâm trí dành cho đất nước thì lá phiếu ấy hữu dụng, ngược lại bầu cho một kẻ độc tài thì lá phiếu ấy trở nên có hại cho tiến trình dân chủ. Tuy nhiên nếu không có những lá phiếu có hại ấy thì xã hội có đáng nhận hai chữ dân chủ làm mục tiêu chung hay không ?
Dân chủ luôn luôn cần sự cọ sát, đôi khi rất đau đớn. Thiếu đau đớn, hy sinh, tranh luận thậm chí chửi mắng nhau không thể có một nền dân chủ thực sự, có chăng chỉ là dân chủ phải đạo, dân chủ trung thành hay dân chủ định hướng, những cái mà dân tộc Việt Nam thừa mứa từ hơn 70 năm qua.
Cánh Cò
Nguồn : RFA, 11/04/2019 (canhco's blog)
Kinh tế của Việt Nam hiện được các tổ chức quốc tế có uy tín như Ngân Hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá là tăng trưởng khả quan. Thống kê nhà nước công bố tỷ lệ tăng GDP năm 2018 là 7,08%.
Bỏ phiếu tại một kỳ họp Quốc Hội tại Việt Nam. Hình minh họa.
Trái lại, theo Báo cáo Chỉ số Dân chủ 2018 của The Economist Intelligence Unit (EIU) ở Anh công bố ngày 9/1/2019, tình hình dân chủ ở Việt Nam không được cải thiện với thứ hạng ở vị trí thứ 139 trong số 167 quốc gia, không thay đổi so với 2017 và có chiều hướng đi xuống những năm gần đây kể từ năm 2015. Câu hỏi đặt ra vì sao kinh tế tăng trưởng, nhưng dân chủ thì không cải thiện ? Câu trả lời liệu có phải chậm thay đổi nhận thức và thực thi dân chủ theo hướng thị trường để hỗ trợ tăng trưởng ổn định ? Nếu phân tích mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và dân chủ trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường ở Việt Nam, thì đây sẽ là một nội dung không thể thiếu của chủ đề cải cách thể chế cần được đặt ra trong thời gian tới.
Nhận thức giáo điều về Dân chủ
Dân chủ là hệ thống giá trị được đề cao trong quá trình phát triển nhân loại nói chung và kinh tế nói riêng, trên phạm vi toàn cầu cũng như từng quốc gia. Bàn luận về mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và dân chủ luôn là chủ đề nóng khi gắn với các mô hình thể chế khác nhau, tuỳ thuộc vào các bằng chứng thực tế đưa ra thuyết phục đến đâu.
Hệ thống giá trị dân chủ phương Tây được hình thành trong quá trình phát triển kinh tế thị trường và chế độ tư bản chủ nghĩa, là nền tảng dân chủ của các nước phát triển, trong đó quyền tự do và bình đẳng được luật hóa và nhấn mạnh vào khía cạnh đầu phiếu phổ thông, các quyền tự do chính trị, tự do dân sự, đa nguyên.
Dân chủ xã hội chủ nghĩa dựa trên hệ tư tưởng Marx – Lenin về chủ nghĩa xã hội, còn gọi là dân chủ nhân dân và đối nghịch với ‘dân chủ tư sản’ phương Tây. Ý tưởng ban đầu về nền dân chủ nhân dân là dân chủ trực tiếp, tuy nhiên, khi vận hành nhà nước chuyên chính vô sản, thì quyền lãnh đạo thuộc về Đảng Cộng sản cầm quyền duy nhất. Dân chủ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Trên nền tảng các giá trị dân chủ phương Tây, Chỉ số Dân chủ được lượng hóa theo thang điểm từ 0 đến 10, biểu thị mức độ dân chủ tăng dần từ thấp đến cao và dựa vào năm tiêu chí : Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do ; Các quyền tự do của công dân ; Sự hoạt động của chính quyền ; Việc tham gia chính trị và ; Văn hóa chính trị.
Dựa trên Chỉ số Dân chủ tính được và theo cách phân loại của EIU các chế độ bao gồm 4 nhóm : Dân chủ đầy đủ— có điểm từ 8 – 10 ; Dân chủ khiếm khuyết — từ 6 - 7,9 ; Thể chế hỗn hợp— từ 4 - 5,9 ; Chính thể chuyên chế— dưới 4. Chỉ số Dân chủ năm 2018 là 3,08, Việt Nam thuộc nhóm thứ 4.
Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành đường lối Đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường đã được hơn 30 năm, tuy nhiên việc nhận thức về dân chủ dường như không thay đổi, thậm chí giáo điều khi không đặt dân chủ trong mối liên hệ với tăng trưởng kinh tế theo hướng thị trường.
Tăng trưởng thúc đẩy dân chủ
Dù có diễn giải về dân chủ theo mục đích chính trị thế nào chăng nữa, thì tăng trưởng kinh tế luôn gắn với dân chủ, tăng trưởng thúc đẩy dân chủ và ngược lại. Với thời gian và điều kiện cải cách kinh tế theo các nguyên tắc thị trường thì tăng trưởng kinh tế sẽ dần tạo ra nhu cầu hình thành cơ chế dân chủ tương ứng. Nhận ra quá trình thay đổi tất yếu này là đòi hỏi từ thực tế để Việt Nam có được mô hình mới đảm bảo cho phát triển bền vững.
Đường lối Đổi mới được khái quát với hai nội dung chính là Cải cách Mở cửa. Trong những năm 80-90 của thế kỷ trước, Cải cách, thực ra, là thực thi các chính sách hạn chế bớt quyền của nhà nước, công chức bằng cách bãi bỏ chế độ quan liêu bao cấp và trao nhiều quyền hơn cho người dân. Người nông dân được nhiều quyền hơn để canh tác trên đồng ruộng và sở hữu nông sản cho nhu cầu cuộc sống của họ, người công nhân được quyền sử dụng kết quả lao động của họ từ những sản phẩm vượt chỉ tiêu pháp lệnh theo kế hoạch nhà nước, người tiểu thương được quyền buôn bán hàng hóa trên một không gian rộng hơn, khi bãi bỏ ‘ngăn sông chấm chợ’… Dù hiểu theo cách nào đi chăng nữa, thì đây chính là cơ sở của quá trình dân chủ hoá. Quyền kinh tế là cốt lõi của các quyền công dân khác.
Trong bối cảnh tiềm năng các nguồn tài nguyên thiên nhiên và lao động được ‘cởi trói’, giải phóng, thì nhu cầu phát triển kinh tế theo hướng thị trường được mở rộng. Hơn thế, nó còn được hỗ trợ bởi chính sách Mở cửa khuyến khích làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) từ xu thế toàn cầu hóa khiến cho Việt Nam đạt được tỷ lệ tăng trưởng kinh tế ấn tượng, trung bình năm, trên 7% GDP, trong thời kỳ gần 20 năm (1986-2006).
Đáng tiếc, trong thập niên tiếp theo (2006-2016), Việt Nam đã rơi vào bất ổn do những cải cách thể chế không hỗ trợ, thậm chí kéo chậm lại đà tăng trưởng. Tỷ lệ tăng giảm sút nhanh, lạm phát cao lên đến 20% năm 2012, nợ xấu cao, bong bóng bất động sản nổ… lan sang các lĩnh vực khác của xã hội tạo nên khủng hoảng nghiêm trọng, trong đó một bộ máy hành chính cồng kềnh với các quan chức đặc quyền đặc lợi tha hóa bởi lợi ích nhóm và suy thoái về đạo đức lối sống. Đây là thể chế đi ngược quá trình dân chủ, kìm hãm tăng trưởng.
Nguyên nhân của tình trạng khủng hoảng được nhận định là do chính sách kinh tế sai lầm và quản lý yếu kém của Chính phủ. ‘Sự quyết liệt’ đến duy ý chí khi thực thi chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước – người ta ví von là ‘những quả đấm thép’ –mọi nguồn lực xã hội được huy động cho các nhu cầu ảo tưởng về tăng trưởng bỏ qua các quy luật kinh tế. Bài học của chính sách ‘Giá – Lương – Tiền’ trong những năm 1980 dường như đã lặp lại!
Nếu nhìn thẳng vào bản chất sự việc thì đây chính là ‘lỗi hệ thống’, bởi vì trong hệ thống chính trị hiện hành ở Việt Nam Đảng cộng sản lãnh đạo toàn diện, và Chính phủ là bộ phận cấu thành của Đảng được phân nhiệm để điều hành nền kinh tế.
Bất ổn thể chế được bộc lộ rõ nét trong thời kỳ này đang để lại hậu quả và thách thức lớn cho phát triển. Tuy nhiên, nó có thể là cơ hội để cải cách. Đã xuất hiện những ý kiến về ‘Đổi mới lần 2’.
Sau Đại hội 12 Đảng cộng sản đầu năm 2016 Việt Nam đã và đang tiến hành chính sách kinh tế thích ứng với thực tế. Các hoạt động của Chính phủ được định hướng trở lại quỹ đạo kinh tế thị trường với việc thúc đẩy tự do kinh doanh đồng thời với cam kết xóa bỏ các rào cản từ thể chế. Những nỗ lực này là một trong những động cơ phục hồi tăng trưởng. Liên tục trong 3 năm tỷ lệ tăng GDP nâng dần, năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm tính từ 2008.
Kết luận chủ yếu được rút ra là mặc dù về nguyên lý tăng trưởng kinh tế thúc đẩy dân chủ, tuy nhiên mỗi khi chính sách duy ý chí, xa rời các quy luật kinh tế thị trường và thể chế chính trị không được cải cách theo hướng tạo ra cơ chế dân chủ tương ứng để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang thị trường, thì nền kinh tế sẽ đối đầu với nguy cơ rơi vào vòng xoáy chu kỳ bất ổn tiếp theo.
Hiện nay, khi chính sách kinh tế ‘nới’ theo hướng thị trường, nhưng chính trị ‘thắt’ theo hướng tập trung quyền lực của Đảng cộng sản, câu hỏi cốt yếu được đặt ra là làm thế nào để cân bằng hai hướng ngược nhau này ?
Một đề xuất cho lời giải của vấn đề trên là khi kinh tế Việt Nam đã phát triển đến mức thu nhập trung bình như hiện nay, và để tránh ‘bẫy thu nhập trung bình’, ‘bẫy lao động giá rẻ’, ‘bẫy gia công’, ‘bẫy ô nhiễm môi trường…’ – như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp với Tổ tư vấn kinh tế vào cuối năm 2018, thì việc cải cách thể chế cần phải được đặt ra công khai và thu hút sự đóng góp trí tuệ rộng rãi của toàn dân, của giới trí thức. Một trong những nội dung là cần thay đổi nhận thức, tạo dựng và thực thi cơ chế dân chủ phù hợp với thực tế, đặt nó trong mối liên hệ chặt chẽ với tăng trưởng kinh tế bền vững.
Hà Nội, 15/01/2019
Phạm Quý Thọ
Nguồn : VOA, 17/01/2019
Tác giả Phạm Quý Thọ từng là sinh viên và nghiên cứu sinh ngành kinh tế tại Liên bang Nga (Liên Xô cũ). Ông là Phó giáo sư, tiến sĩ, từng giảng dạy và nghiên cứu, phần lớn ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Đến năm 2009 ông làm việc tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Học viện Chính sách và Phát triển, và nghỉ hưu năm 2018.