Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

25/11/2019

Dân chủ là gì ?

Nguyễn Trang Nhung

Là một khái niệm mà ta vẫn thường nghe, nhưng cũng như nhiều khái niệm kiểu như vậy, chỉ được ta hiểu một cách mơ hồ. Ngay cả khi ta mở một cuốn từ điển và tra đi tra lại hết lần này đến lần khác, ta có thể chỉ cảm thấy khái niệm này sáng tỏ hơn một chút mà thôi, và như vậy, sau một thời gian, ta lại quên và lại tra từ điển...

danchu1

Hình : Người dân Hồng Kông xếp hàng đi bầu hội đồng cấp quận vào ngày 24/11/2019 (Nguồn : Vincent Yu/AP)

Đó là tình trạng chung của ta ('ta' như là hầu hết hay phần lớn mọi người) khi ít đào sâu suy nghĩ, và thường dừng lại trước một khái niệm không giản đơn.

Bây giờ, ta đi thẳng vào vấn đề. Khái niệm này có nghĩa là gì ? 

Thật dễ khi trả lời rằng : Dân chủ có nghĩa là dân làm chủ. Nhưng làm chủ cái gì ? 

Khi nói đến dân, tức là nói đến những người cùng thuộc về một đất nước, là lãnh thổ chung của họ, cái chung nhất của họ như là một tập hợp của các cá nhân. Nếu có cái gì đó mà một tập hợp của các cá nhân làm chủ, thì đó là những cái chung như thế. Và, cái gì đó ở đây là đất nước.

Câu trả lời này làm nảy sinh một câu hỏi tiếp theo : Làm chủ như thế nào ?

Bây giờ thử đơn giản hóa việc làm chủ đất nước bằng làm chủ một tập thể nho nhỏ, gia đình chẳng hạn. Khi ta nói ta làm chủ gia đình, thì cái gì là đặc trưng của người làm chủ gia đình khiến ta phân biệt với người không làm chủ gia đình ? Quyền hành ? Ảnh hưởng ? Khả năng ra quyết định về các vấn đề ? Đúng thế ! Người làm chủ gia đình là người ra quyết định về các vấn đề của gia đình. Cũng tương tự nếu thay gia đình bằng một tập thể nào đó. Điều này cũng đúng, ít nhất là về mặt lý thuyết, khi thay gia đình bằng một quốc gia.

Dân chủ, như vậy, có nghĩa là dân làm chủ đất nước bằng cách ra quyết định về các vấn đề của đất nước. 

Tất nhiên, câu trả lời trên đây vẫn rất chung chung. Nó lại khiến một số người đặt câu hỏi : Ra quyết định về các vấn đề gì của đất nước và ra quyết định như thế nào ? Thực tế có mấy quốc gia cho người dân ra quyết định về các vấn đề hệ trọng như quan hệ ngoại giao, chiến tranh hay hòa bình, thậm chí ngay cả các vấn đề đơn giản hơn nhiều như độ tuổi kết hôn hay độ tuổi bầu cử v.v ? Các vấn đề ấy thuộc quyền quyết định của những người khác. Những người khác đó là chính phủ, là quốc hội, và ít khi hơn là tòa án (thông qua các bản án hay phán quyết), hay nói chung là các cơ quan quyền lực của nhà nước. Người dân bình thường dường như không có vai trò trực tiếp nào trong quá trình ra quyết định này. Dù vậy, nếu nhìn một cách thấu đáo hơn ta sẽ thấy hai điều : thứ nhất là một phần trong những người quyền lực đó là do ta lựa chọn thông qua các cơ chế bầu cử, thứ hai là ta có thể tác động lên những người quyền lực đó thông qua nhiều cách khác nhau, khiến họ hình thành hay thay đổi quan điểm về các vấn đề mà ta quan tâm. Đôi khi, ta được hỏi ý kiến thông qua các cuộc thăm dò hoặc các cuộc trưng cầu dân ý do các cơ quan nhà nước tổ chức. 

Lý giải ở trên đã cho câu trả lời về cách thức mà người dân ra quyết định. Tại đa số quốc gia và trong hầu hết các quyết định, người dân chỉ tham gia quá trình quyết định một cách gián tiếp mà thôi, ngay cả các quốc gia là điển hình về nền dân chủ, như Hoa Kỳ, Anh, Đức. Còn lại, các quốc gia mà ở đó nhiều quyết định được đưa ra bởi người dân một cách trực tiếp chỉ là số ít, như Thụy Sỹ. Quyết định các vấn đề gì một cách trực tiếp bởi người dân thì mỗi quốc gia mỗi khác. Ở các quốc gia có chế độ tổng thống, người dân bầu chọn tổng thống một cách trực tiếp (Hoa Kỳ là một ngoại lệ vì người dân bầu chọn tổng thống một cách gián tiếp qua cơ chế đại cử tri). Ở các quốc gia có chế độ đại nghị, người dân bầu chọn cùng lắm là các đại biểu quốc hội, hay các Nghị sỹ. Trưng cầu dân ý về các vấn đề quốc gia là một cơ chế không phổ biến, và chỉ với những điều kiện nhất định, chẳng hạn, một vấn đề chỉ được đưa ra trưng cầu dân ý khi một tỷ lệ tối thiểu đại biểu quốc hội chấp thuận.

Các cuộc bầu cử, nói chung, là một biểu hiện chủ yếu của một nền dân chủ, qua đó người dân thể hiện quyền lực của mình bằng cách lựa chọn những người đại diện. Tất nhiên, để các cuộc bầu cử được xem là thực sự, yêu cầu đặt ra đối với các cuộc bầu cử như vậy là minh bạch, công bằng và người dân thực hiện quyền bầu cử một cách tự nguyện và tự do. 

Đến đây, ta có thể đưa ra một định nghĩa gần đủ cho khái niệm dân chủ : Dân chủ là một cách thức tổ chức xã hội trong đó người dân ra quyết định về các vấn đề của đất nước, một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, thông qua các cuộc bầu cử minh bạch, công bằng với ý chí tự nguyện và tự do. 

Định nghĩa trên, như đã nói, chỉ là ‘gần đủ’. Sở dĩ như vậy là vì nó chỉ là định nghĩa bề mặt hay hình thức của dân chủ. Dân chủ về nội dung có đòi hỏi nhất định về phẩm chất của các quyết định. Không thể nói ta làm chủ nếu quyết định của ta được đưa ra chỉ dựa trên nhận thức thoáng qua về một vấn đề nào đó. Đó là chưa kể ý thức của ta về cái gọi là quyền làm chủ của mình. Liệu ta có thực sự có mong muốn ra quyết định hay có trách nhiệm với việc ra quyết định ? Vấn đề này hẳn nhiên có liên quan đến tâm lý và trí tuệ tập thể hay đám đông. Ở đây, câu hỏi được đặt ta là đám đông ở quy mô dân số một quốc gia, có khi nào thực sự làm chủ. Câu trả lời có thể là ‘Có’, có thể là ‘Không’ tùy cách mỗi người suy nghĩ. Dù vậy, ta tạm thời chấp nhận rằng với định nghĩa dân chủ trên đây thì nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có dân chủ, và do đó, người dân ở các quốc gia đó đã và đang làm chủ đất nước của mình. 

Nguyễn Trang Nhung

Nguồn : RFA, 25/11/2019 (NguyenTrangNhung's blog)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Nguyễn Trang Nhung
Read 642 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)