Coi đá banh phải hồi hộp đến phút chót mới thú vị. Nếu mới vào hiệp đầu đã biết đội nào thắng thì ai muốn coi tiếp làm gì ? Cũng vậy, trước ngày bỏ phiếu mà đã biết chắc ai thắng ai bại thì chán ngắt !
Dân Nga, dân Trung Quốc cũng đi bỏ phiếu bầu, nhưng họ đã biết trước ai sẽ thắng.
Một cuộc bỏ phiếu ở tiểu bang New Hampshire vào cuối năm 2022, có thể coi là tiêu biểu cho lối sống tự do dân chủ của dân Mỹ.
Hai ứng cử viên tranh cử chức dân biểu hạ viện ở Địa hạt 16, Manchester, trong quận Hillsborough, nơi đảng Cộng hòa thường thắng đảng Dân chủ trong suốt nhiều năm. Khi kiểm phiếu, ông Larry Gagne, đảng Cộng hòa đánh bại bà Maxine Mosley, đảng Dân chủ, với tỷ số 1,820-1,797, hơn nhau 23 phiếu.
Trong lúc còn chưa đếm hết phiếu, bà Mosley, lần đầu tiên ra tranh cử, nghĩ mình sẽ thua, đã chúc mừng ông Gagne. Vì số chênh lệch quá nhỏ, tòa án bắt đếm lại lần nữa. Kết quả bất ngờ : Bà Mosley chiếm được 1,799 phiếu, ông Gagne chỉ được 1,798 người tín nhiệm.
Maxine Mosley cho các nhà báo biết, ngay sau khi thấy kết quả bất ngờ này, ông Larry Gagne, đã bắt tay bà chúc mừng và nói sẽ không yêu cầu đếm phiếu lại. Bà Mosley thú nhận không ngờ mình thắng.
Năm 2024 sẽ có 60 quốc gia tổ chức bầu cử, gồm một nửa dân số thế giới, 4 tỷ người. Ấn Độ và Cộng hòa Nam Phi sẽ bầu lại nghị viện cùng chức thủ tướng ; Mỹ, Indonesia với nước North Macedonia nhỏ xíu sẽ bầu tổng thống. Sống dưới chế độ dân chủ hào hứng vì có những chuyện bất ngờ. Dân Ấn Độ, quốc gia dân chủ đông dân nhất thế giới, 1.4 tỷ người lâu nay thường chỉ dự hai trò hấp dẫn, là coi phim thần thoại và đi bỏ phiếu. Năm nay chắc Thủ tướng Modi sẽ thắng nhưng đảng của ông có thể thất bại ở nhiều nơi.
Coi đá banh phải hồi hộp đến phút chót mới thú vị. Nếu mới vào hiệp đầu đã biết đội nào thắng thì ai muốn coi tiếp làm gì ? Cũng vậy, trước ngày bỏ phiếu mà đã biết chắc ai thắng ai bại thì chán ngắt ! Năm nay dân Bắc Hàn cũng sẽ đi bầu, họ chỉ mặc quần áo đẹp tới thùng phiếu mà không ai thấy hồi hộp, vì họ sẽ chỉ được chọn giữa ông Kim Jong-un và ông Kim Jong-un !
Dân Nga cũng sẽ đi bỏ phiếu, nhưng ông Vladimir Putin đã khóa trước, không để cho ứng cử viên đối lập đáng kể nào còn được tự do.
Dân Bangladesh cuối tuần này cũng đi bỏ phiếu bầu quốc hội, nhưng họ sẽ rất uể oải vì đảng đối lập đã rút lui không tranh cử ; họ tố cáo chính quyền âm mưu gian lận. Đây là một thí dụ cho thấy chế độ tự do dân chủ rất mong manh, dễ bị lạm dụng. Nhiều chính trị gia được bầu lên rồi tìm cách đàn áp phe đối lập, thay đổi các luật lệ để củng cố quyền hành.
Nhưng làn sống dân chủ vẫn lan rộng trên trái đất từ hai trăm năm nay. Năm 1800 chưa có nước nào thật sự sống tự do dân chủ, chỉ có 4% các nước có tổ chức bầu cử nhưng bên trong vẫn độc tài.
Những người sống trong chế độ dân chủ phải thấy nó không có vẻ gì xuất sắc. Ngay một việc phải đi bầu, phải lựa chọn cũng thấy mệt ! Trong khi các nước độc tài người ta duy trì cuộc sống chính trị trước sau như một thì các nước dân chủ nay lại đổi, mai lại đổi. Miền Bắc Việt Nam trước năm 1975 vẫn tự hào là một chế độ kiên cố vững vàng. Ông Phạm Văn Đồng làm thủ tướng hết năm này qua năm khác mà không biết mỏi ! Đảng Cộng sản nói sẽ biến Việt Nam thành một nước theo chủ nghĩa xã hội thì cứ thế nhắm mắt theo một con đường đó, thế giới loài người thay đổi thế nào cũng bất chấp !
Bây giờ, các ông Vladimir Putin và Tập Cận Bình cũng vững chắc "muôn năm trường trị, nhất thống giang hồ" như vậy, dân Nga và Trung Quốc cứ thế cúi đầu chấp nhận. Trong khi đó thì dân Mỹ chưa biết sang năm 2025 ai sẽ làm tổng thống, Joe Biden hay Donald Trump !
Nhưng nhờ thế mà các nước tự do dân chủ có khả năng phản ứng nhanh chóng trước những thay đổi trong cuộc sống. Trên thế giới bây giờ cuộc sống thay đổi liên tục, nhanh chóng, từ kinh tế đến xã hội. Những người lãnh đạo các nước dân chủ bắt buộc phải thay đổi chính sách cho phù hợp với thực tế mới. Họ luôn luôn phải lo tranh cử lại, nếu không lắng nghe ý dân thì về vườn. Họ còn phải thay đổi vì các chuyên gia kinh tế, tài chánh, xã hội, chính trị được tự do phát biểu ; chính sách nào sai lầm dân chúng sẽ biết hết. Có thay đổi thì mới tiến bộ.
Cứ coi cuộc chạy đua giữa Liên bang Xô Viết và Mỹ thì thấy. Chế độ cộng sản kiên cố quá cho nên trong 70 năm nước Nga tụt lùi trên tất cả mọi lãnh vực, chỉ giỏi làm bom và hỏa tiễn ; mà dân thì không ăn được bom với hỏa tiễn. Chính quyền Mỹ lúc nào cũng sợ lung lay vì mỗi đảng chính trị và ông tổng thống cứ bốn năm lại lo mình có thể thất cử. Nhưng thử coi dân Mỹ đã đẻ ra những thứ gì mà cả loài người đang dùng, đang bắt chước sản xuất : máy vi tính cá nhân, internet, và bây giờ, mỗi chiếc xe hơi hay đồ dùng trong nhà cũng chứa những máy vi tính liên hệ với nhau, việc hút bụi cũng giao cho máy, những điện thoại cầm tay thực ra là những bộ máy vi tính bỏ túi, những chiếc đồng hồ đeo tay cũng vậy !
Hiến pháp Mỹ, không kể các tu chính án, có lẽ là bản hiến pháp ngắn và đơn giản nhất thế giới. Nó không bàn chuyện gì lớn lao ngoài chuyện bảo đảm chính quyền sẽ thay đổi theo ý người dân lựa chọn, với kỳ hạn ấn định trước ; chính quyền phải gồm các bộ phận kiểm soát lẫn nhau ; không một tôn giáo hay tư tưởng nào chiếm độc quyền. Từ hơn 200 năm nay, nhiều quốc gia đã thiết lập chế độ dân chủ trên những quy tắc tương tự, mỗi nước thay đổi theo văn hóa và hoàn cảnh của họ. Trong khi hàng triệu thanh niên Nga tìm đường trốn ra nước ngoài thì di dân kéo nhau tìm cách lọt vào nước Mỹ. Nhiều người Trung Hoa và người Việt cũng trả tiền cho các tổ chức đưa tới biên giới Mexico với Mỹ để theo các di dân lậu gốc Uruguay hay Venezuela. Không thấy di dân lậu nào tìm đường vào Trung Quốc, trừ mấy đồng chí Bắc Hàn.
Chế độ tự do dân chủ càng ngày càng mở rộng, càng được nhiều người tin theo hơn. Liệu chế độ chính trị do các ông Vladimir Putin, Tập Cận Bình vẽ ra có còn được bao lâu sau khi họ qua đời hoặc bị truất phế ? Chính quyền của các giáo sĩ nắm đầu nước Iran hay của chế độ gia đình trị của ông Kim Jong-un sẽ kéo dài được bao lâu ?
Cố thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhận xét rằng Dân chủ là chế độ rất tồi tệ, nó chỉ có vẻ đáng sử dụng khi đem so sánh với tất cả các chế độ khác đã dùng thử trên trái đất này.
Tháng 11 năm 2022, sau khi đắc cử dân biểu với một phiếu chênh lệch, bà Maxine Mosley phải nhắc lại một quy tắc cổ lỗ : "đúng là mỗi một lá phiếu đều quan trọng !" Bà cũng nói cuộc chạy đua này cho thấy "Bổn phận đi bỏ phiếu của chúng ta là nền tảng của chế độ dân chủ". Đến tháng 5 năm 2023 bà ra tranh cử thêm một chức vụ địa phương khác, cũng ở Manchester, thì lại thua ứng cử viên Cộng hòa Crissy Kantor với tỷ số 725-561 phiếu. Trong năm 2024, dân Mỹ sẽ tham dự một cuộc chơi bảo đảm là sẽ rất hào hứng !
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : VOA, 05/01/2024