Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2017

Kế hoạch chiếm các mỏ dầu Iraq của Trump

Lữ Giang

Hôm 21/1/2017, khi giới thiệu Dân biểu Mike Pompeo làm Giám đốc CIA tại tổng hành dinh của cơ quan này, Donald Trump nói :

"Bây giờ tôi nói về các lý do kinh tế. Nhưng nếu ông nghĩ về điều đó ông Mike à, nếu chúng ta chiếm lấy dầu, chắc ông sẽ không còn lo đến bọn ISIS nữa vì rằng chúng kiếm đâu ra tiền ở nơi đầu tiên, do đó chúng ta phải chiếm lấy dầu. Nhưng, được, có thể chúng ta sẽ có cơ hội khác".

Ông Pompeo từng là Chủ tịch Công ty Thiết bị dầu mỏ Sentry International.

Trump tỏ thái độ nuối tiếc rằng quyết định rút quân khỏi Iraq trước đây là một sai lầm, lẽ ra "chúng ta nên tăng cường xâm nhập vào Iraq chứ không nên rút ra khỏi nước này như vậy".

Trump

Trump và Tillerson trong âm mưu chiếm mỏ dầu Iraq

Trong bài "Trump : Kế hoạch làm ăn với Nga bị phá vỡ ?" chúng tôi đã trình bày kế hoạch của tập đoàn ExxonMobil liên kết với Nga để khai thác dầu mỏ và khí đốt ở Tây Siberia rồi bán qua Châu Âu, bất chấp những hậu quả có thể gây ra cho nền an ninh và kinh tế của Mỹ. Trump chỉ là con rối. Trong bài này chúng tôi sẽ nói đến kế hoạch chiếm dầu mỏ Iraq của ExxonMobil.

Thế lực và thủ đoạn của ExxonMobil

ExxonMobil là tập đoàn dầu mỏ lớn nhất ở Mỹ, hoạt động trên 6 châu lục và có giá trị trên thị trường chứng khoán hơn 390 tỉ USD… Tại Mỹ, ExxonMobil là một quốc gia trong quốc gia, có chính sách ngoại giao và lực lượng an ninh riêng.

iraq2

Về chính sách ngoại giao, tập đoàn ExxonMobil được điều hành bởi một đội ngũ rất chuyên nghiệp, đa số là thành viên của Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ. Nay Rex Tillerson, cựu Giám đốc điều hành của ExxonMobil được chọn làm Bộ trưởng ngoại giao Mỹ, chính sách đối ngoại của bộ này nằm trong tay ExxonMobil.

Sau một tháng hoạt động của Tillerson, tạp chí Foreign Policy ngày 10/3/2017 nhận xét rằng "Tillerson có thể là vị ngoại trưởng yếu kém nhất chưa từng thấy". Quả thật ông gần như chẳng biết gì vế đường lối ngoại giao của Mỹ, nhưng ông có nhiều thủ đoạn, tiểu xảo và mánh mung để đem lại những mối lợi lớn cho các công ty dầu mỏ nên ông đã được chọn.

Về an ninh, ExxonMobil đã xây dựng một lực lượng an ninh riêng để bảo vệ các quyền lợi kinh tế của mình. Tại Cộng hòa Tchad, ExxonMobil đã sử dụng 2.500 nhân viên an ninh tuần tra trên các xe võ trang có máy điện đàm để ngăn chặn các cuộc tấn công hay xâm phạm của các lực lượng quân du kích địa phương. Ngoài ra, ExxonMobil còn tiến hành các điệp vụ tình báo được đánh giá là nhiều khi còn lớn và chuyên nghiệp hơn cả CIA.

Ông Ben Van Heuvelen, biên tập viên Iraq Oil Report cho biết : "Một trong những xu hướng rõ ràng nhất qua chính sách đối ngoại của Exxon là họ thực sự quan tâm đến kinh doanh và làm những gì tốt nhất cho cổ đông. Họ sẵn sàng tìm cách khác khi phải đối mặt với một loạt vấn đề".

Nói cách khác, tùy cơ ứng biến, ExxonMobil có thể hoạt động trong hay ngoài vòng luật pháp cũng như chính sách của một quốc gia, họ sử dụng cả các chế độ tham nhũng hay độc tài, như ở Venezuela, Equatorial Guinea, Nigeria… chẳng hạn. Ông Olanrewaju Suraju, Chủ tịch Mạng xã hội dân sự chống tham nhũng ở Nigeria tố cáo ExxonMobil đã thực hiện việc gia hạn với rất nhiều hành vi tham nhũng và mờ ám.

Miếng mồi ngon Iraq

Vùng Vịnh, nơi chứa đựng 60% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, với 3 nước có trữ lượng khổng lồ là Saudi Arabia, Iran và Iraq, nên Mỹ không thể không quan tâm. Mặc dầu cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, cựu Phó tổng thống Richard Cheney và cựu Bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld chối cãi cuộc chiến Iraq năm 2003 không phải vì dầu mỏ, nhưng các nhà phân tích đã đưa ra nhiều tài liệu cho thấy Hoa Kỳ đã cân nhắc kỹ khi chọn Iraq làm mục tiêu. Kế hoạch đánh chiếm được Ngũ giác đài soạn thảo và được Tổng thống Bush chấp thuận vào tháng 1/2003, đến tháng 3 thì cuộc tấn công bắt đầu.

Ông Alan Greenspan, cựu Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã phát biểu : "Tôi lấy làm tiếc phải thừa nhận, dù có lẽ không thích hợp về mặt chính trị, điều mà tất cả mọi người đều biết : Chiến tranh Iraq phần lớn vì dầu mỏ".

Trong cuộc chiến, tòa nhà duy nhất được bảo vệ là trụ sở Bộ Dầu Mỏ khổng lồ của Iraq, nơi làm việc của khoảng 15.000 viên chức để điều khiển và kiểm soát 22 chi nhánh. Tại đây lưu trữ các dữ liệu về địa chất và địa chấn của 80 mỏ dầu đã được biết đến, chứa đựng khoảng 115 tỷ thùng dầu thô. 17 trong số 24 giám đốc của các công ty dầu mỏ quốc gia đã bị đuổi việc. Tập đoàn Dầu khí quốc gia Iraq đã bị giải tán. Người Mỹ đã đưa những người thiếu khả năng và kinh nghiệm vào thay thế những người có khả năng, vì họ cần những người làm tay sai hơn là những người có khả năng lãnh đạo, giống như người Mỹ đã làm dưới thời Đệ nhị Việt Nam Cộng Hòa.

Hoa Kỳ chia quyền lực về dầu mỏ ra làm hai phần, phần lớn ở phía Nam thuộc về chính phủ Baghdad và phần nhỏ ở phía Bắc thuộc chính phủ khu vực Kurdistan (KRG), trụ sở đặt tại Erbil. Trữ lượng dầu của KRG chỉ bằng 1/3 trữ lượng dầu ở miền Nam Iraq.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã cho thiết lập một hệ thống ống dẫn dầu từ khu người Kurd đến hải cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ ở Địa trung hải.

Những khó khăn và tranh chấp

Lúc đầu chính phủ khu vực KRG đã cho các công ty nước ngoài khai thác với những điều kiện dễ dàng hơn Baghdad nên phần lớn sản lượng khai thác trong những năm đầu thuộc về KRG. Kể từ năm 2008 Baghdad đã đề nghị cho khai thác với giá 2 USD một thùng đối với những mỏ lớn nhất. ExxonMobil, BP, Shell, Total cũng như các tập đoàn của Nga, Trung Quốc, Angola, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ… đã nhảy vào ngay vì khu vực này rất lớn. Riêng công ty ExxonMobil đã bất chấp các quy định của chính quyền Baghdad, vừa ký hợp đồng với KRG vừa ký với Baghdad, mặc dầu chính phủ Baghdad đã cảnh cáo nhiều lần.

Việc khai thác bừa bãi của các công ty nói trên đã đưa tới sự chống đối của dân chúng địa phương, có nơi đã lập lực lượng tự vệ có vũ trang để chống lại. Các nghiệp đoàn tranh đấu đòi tăng lương vì cho rằng họ đang bị bốc lột. Al-Qaeda nhảy vào cuộc chiến tạo ra các vụ phá hoại khắp nơi. Quyền Tổng thống Nouri al-Maliki cảnh báo tập đoàn ExxonMobil rằng "những tình huống xấu có thể xảy ra và làm suy kiệt "sức khỏe ngành dầu khí Iraq".

Sự bất bình giữa chính quyền Baghdad và ExxonMobil ngày càng trở nên nghiêm trọng vì ExxonMobil chiếm 60% mỏ dầu Qurna đã tự ý bán lại cho PetroChina 25%, Shell 15%, Pertamina 10% và Oil Exploration Company 25%. Chính quyền Iraq phải xem xét việc thay thế ExxonMobil. Năm 2009, chính quyền tổ chức đấu thầu 10 mỏ dầu. Kết quả hai công ty Lukoil và Statoil của Nga trúng thầu khai thác khu mỏ Tây Qurna-2, một số công ty khác cũng của Nga trúng thầu khu mỏ Badra

Cuối tháng 11/2012, sản lượng dầu khí khai thác tại quốc gia này lên tới 3,2 triệu thùng mỗi ngày. Nhưng tổ chức khủng bố Al-Qaeda ngày càng gia tăng sự phá hoại. Hôm 11/6/2014, ISIS đã mở cuộc hành quân thần tốc đánh chiếm thành phố Mosul của Iraq, sau đó chiếm các mỏ dầu ở phía Bắc. ISIS (hay IS) khai thác các mỏ dầu này rồi đưa qua Thổ Nhĩ Kỳ bán cho Israel. Washington vẫn để yên. Khi cuộc chiến trở nên dữ dội, các công ty dầu mỏ bỏ chạy, chỉ Trung Quốc cố trụ lại.

Chuyện chiếm các mỏ dầu Iraq

Hôm 7/9/2016, tại một diễn đàn do kênh truyền hình NBC News tổ chức, Trump nói rằng "mối quan hệ hết sức tốt đẹp với ông Putin". Trump cho rằng đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS hay ISIS) là quyền lợi chung của Nga và Mỹ. Theo Trump, Nga cũng "rất muốn đánh bại IS" như Mỹ, và rằng "nếu chúng ta có một mối quan hệ với Nga, thì đôi bên có thể hợp tác để triệt hạ IS".

Mặc dầu Trump đã chọn những vị tướng giỏi và xin tăng thêm ngân sách quốc phòng 54 tỷ USD để thực hiện công tác này, nhưng việc thực hiện không dễ dàng.

1. Khó được Quốc hội Mỹ và Liên Hiệp Quốc cho phép

Muốn đem quân trở lại Iraq trước hết phải xin phép Quốc hội Mỹ. Nếu được Quốc hội cho phép, còn phải xin Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chấp thuận. Chuyện này rất khó, vì các nước Trung Đông sẽ chống lại, Nga và Trung Quốc sẽ phủ quyết.

Khi nói chuyện tại cơ quan CIA ngày 21/1/2017 về vấn đề đem quân trở lại Iraq để chiếm các mỏ dầu, Trump có nói "có thể chúng ta sẽ có cơ hội khác". Các nhà phê bình cho rằng một tổng thống, dù khi ứng khẩu, mà nói những điều vi phạm luật lệ quốc tế như thế sẽ bị xem là nghiêm trọng. Vốn chẳng biết gì về luật pháp và cũng chẳng coi luật pháp ra gì, Trump liền phang lại rằng những người coi hành động như vậy sẽ vi phạm luật pháp quốc tế là "những kẻ ngu ngốc, không phải là những chuyên gia". Nhưng rồi Trump cũng sẽ bỏ chạy như khi đưa ra Sắc lệnh về di trú.

2. ISIS không còn kiểm soát các mỏ dầu ở Iraq

Vào tháng 10/2016, trước khi tấn công Mosul ở phía bắc Iraq, Mỹ đã để cho một lực lượng quan trọng của ISIS chuyển về lập căn cứ địa ở tỉnh Dayr ar-Zawr ở phía đông Syria, nằm sát biên giới giữa Syria và Iraq.

Bản tin của tờ Stars and Stripes của quân đội Mỹ loan tin ngày 8/3/2017, một viên chức của Ngũ Giác Đài cho biết ISIS gần như không còn kiểm soát nguồn dầu mỏ tại Iraq nữa. Hiện còn khoảng 15.000 tay súng IS tại Iraq và Syria. Một nửa số này còn cố thủ gần 2 thành trì cuối cùng là Mosul ở Iraq và Raqqa ở Syria. Phần còn lại chủ yếu tập trung dọc theo sông Euphrates ở phía đông Syria, nơi đây chúng vẫn còn có thể khai thác các mỏ ở tại tỉnh Dayr ar-Zawr, nhưng không biết sẽ bán cho ai.

Như vậy ISIS không còn kiểm soát các mỏ dầu ở Iraq nữa, Trump lấy lý do gì để mở cuộc hành quân chiếm các mỏ dầu của Iraq ?

3. Khó tiêu diệt được các nhóm khủng bố

Tướng H.R. McMaster được Donald Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia thay tướng Michael Flynn vì ông này có nhiều kinh nghiệm về chiến trường Iraq cũng như Afghanistan. Có lẽ Trump tin rằng khi mở cuộc chiến chiếm các mỏ dầu Iraq, tướng Master sẽ có kế hoạch tốt. Nhưng với kinh nghiệm của mình, trong một bài báo trên New York Times, tướng McMaster từng nhận định IS không phải là vấn đề chính ở Syria và Iraq mà chỉ là triệu chứng của các vấn đề sâu xa hơn. Nếu không có được giải pháp chính trị giải quyết được các vấn đề sâu xa này thì sẽ còn xuất hiện "con của IS", rồi "cháu của IS".

Nếu Mỹ trở lại Iraq, không phải chỉ có "con" hay "cháu" của ISIS mà nhiều tổ chức khác sẽ quay lại chống Mỹ, mạnh nhất vẫn là al-Qaeda. Tất cả đều dùng chiến thuật khủng bố như Taliban hiện nay để kéo dài cuộc chiến. Không lẽ Trump sẽ dùng quân đội Mỹ để bảo vệ công việc làm ăn của ExxonMobil ?

Phá vỡ chiến lược "một Trung Đông mới"

Abu Bakr al-Baghdadi đã thành lập Nhà Nước Hồi Giáo (ISIL-Islamic State of Iraq and the Levant, thường được biết với tên ISIS-Islamic State of Iraq and Syria, hay một cách ngắn gọn hơn IS-Islamic State) vào năm 2010, rồi đến Raqqa thuộc Syria lập căn cứ địa vào tháng 4/2013, và đến tháng 6/2014 tiến qua Iraq chiếm Mosul và làm mưa làm gió ở đó. Tại sao Mỹ không tiêu diệt ISIS ngay từ đầu mà đợi đến nay mới đánh đuổi ISIS trở lại Syria ? Tại vì Mỹ muốn thực hiện chiến lược "Một Trung Đông Mới".

Như chúng tôi đã trình bày rất nhiều lần, chiến lược "Một Trung Đông Mới" được Tổng thống Bush công bố ngày 17/8/2006. Obama chỉ là người tiếp tục thi hành chiến lược đó. Mục tiêu chính của chiến lược là :

(1) thanh toán các lãnh tụ Hồi Giáo có chủ trương hình thành một chính quyền mạnh có thể lãnh đạo khối Hồi giáo gióng như đế chế Ottoman ngày xưa và

(2) chia 5 nước Hồi giáo trung tâm thành 14 nước để làm tan rã khối Hồi giáo Trung Đông. Hai nước Iraq và Syria đều phải bị chia làm ba : Phía bắc là khu vực người Kurd, ở giữa là lực lượng Sunni và ở phía nam là chính quyền Shia.

Obama đã cho cho tổ chức Binh Đoàn Syria Tự Do (FSA-Free Syrian Army) để xây dựng vùng của người Sunni nhưng không thành công nên phải sử dụng đến Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS hay IS). Nhưng sau một thời gian, ISIS đã vượt ra ngoài vòng kiểm soát nên phải bị thu nhỏ lại. Nga cũng đồng ý kế hoạch này của Mỹ nên chỉ đánh chiếm Aleppo và bỏ trống hai tỉnh Raqqa và Dayr ar-Zawr cho ISIS.

Ngày 14/7/2015 Iran và 6 cường quốc (5+1) gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức đã ký thỏa ước toàn diện về chương trình hạt nhân của Tehran. Iran đã được thả ra để có thể lãnh đạo khối Hồi giáo Shia đương đầu với khối Hồi giáo Sunni do Saudi Arabia lãnh đạo. Đây cũng là một thành công rất lớn của Tổng thống Obama trong nổ lực ngăn chặn nhóm tài phiệt dầu mỏ Mỹ phá vỡ chiến lược "Một Trung Đông Mới". Donald Trump dọa sẽ xóa hiệp ước hạt nhân này, nhưng khó có thể thể làm được.

Về dầu mỏ, hãng tin Tasnim của Iran ngày 9/11/2016 cho biết Iran đang điều hành 5 mỏ dầu chung với Iraq, gồm Bắc Azadegan, Nam Azadegan, Bắc Yaran, Nam Yaran và Yadavaran. Công suất sản xuất hiện ở mức 30.000 thùng/ngày. Bắc Azadegan là mỏ dầu lớn thứ 3 thế giới với trữ lượng khoảng 33,2 tỉ thùng ; mỏ Nam Azadegan có trữ lượng hơn 25 tỉ thùng. ExxonMobil khó chen chân vào.

Những hậu quả tai hại

030402-N-5362A-004

Việc Donald Trump tuyên bố sẽ mở cuộc chiến chiếm mỏ dầu ở Iraq đã khiến dân chúng Iraq cũng như các nước Trung Đông phẫn nộ.

Một giới chức an ninh Iraq là Abu Luay, hiện đang chống tổ chức khủng bố ở Tây Bắc Iraq, đã tuyên bố : "Chúng tôi giữ vũ khí và đạn dược từ khi người Mỹ để lại cho việc chống lại ISIS. Nhưng một khi ISIS không còn nữa chúng tôi sẽ để dành vũ khí để đánh lại người Mỹ".

Trước thềm chuyến đến thăm Baghdad ngày 20/2/2017, Bộ trưởng quốc phòng James Mattis nói rằng quân đội Mỹ không đến Iraq để chiếm lấy tài nguyên dầu lửa của nước này. Ông nhấn mạnh : "Tất cả dân Mỹ đều đang phải chi trả cho dầu và khí đốt, và tôi chắc chắn chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy trong tương lai".

Như vậy tham vọng chiếm các mỏ dầu Iraq của Donald Trump và ExxonMobil khó thành. Người Mỹ cảm thấy xấu hổ vì cứ sau mỗi lần tổng thống của Mỹ tuyên bố bừa bãi, các viên chức cấp dưới lại phải đi "chữa cháy" !

Ngày 16/3/2017

Lữ Giang

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Lữ Giang
Read 830 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)