Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2019

Chung quanh sức khỏe "lãnh tụ kính yêu" : lời ra tiếng vào

Nhiều tác giả

Vì sao không trưng nổi một tấm ảnh hay video về ‘lãnh tụ kính yêu’ ?

Thường Sơn, VNTB, 19/04/2019

Hôm nay là ngày thứ 5 kể từ ngày 14/04/2019 khi ‘lãnh tụ kính yêu’ gặp nạn ở ‘căn cứ địa cách mạng gia tộc Nguyễn Tấn Dũng’ tại Kiên Giang, nhưng các cơ quan ‘có trách nhiệm’ vẫn không trưng nổi bất cứ video hay thậm chí hình ảnh sơ sài nào về ‘Người’.

lanhtu1

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo và cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang, sáng 14/4. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

‘Lãnh tụ kính yêu’ là một biệt danh mà giới quan nhân cận thần ở Việt Nam bỗng dưng dùng để cung kính Nguyễn Phú Trọng kể từ sau vụ ông Trọng tiếp Kim Jong-un, người được sùng bái bằng danh hiệu ‘lãnh tụ kính yêu’ ở Bắc Triều Tiên.

Tình cảnh trống vắng hình ảnh và video về sức khỏe của ‘Tổng tịch’ cũng rất tương đồng với tình cảnh mà Trần Đại Quang khi còn là chủ tịch nước đã được đạo diễn cho ‘xuất hiện’.

Mà như vậy thì với tuyệt đại đa số dân tình, điều được một số trang facebook ‘lề đảng’ cho rằng’ sức khỏe của Cụ Tổng đã ổn định’ là còn lâu mới thuyết phục.

Ngày hôm qua, báo đảng và báo chí nhà nước bỗng dưng ‘lên đồng’ khi đồng loạt đăng tin về "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm nay gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong-hae". Tuy nhiên các tờ báo này chỉ đưa tấm ảnh đại diện là hình Nguyễn Phú Trọng ‘dĩ vãng’ chứ không hề trưng được một bức ảnh nào về ‘Người’ đang tiếp khách hoặc chủ trì họp, hoặc ngồi ở bàn làm việc…

Vào tháng 9 năm 2018, chỉ trước khi chết đúng một ngày, Trần Đại Quang còn gửi một bức thư ‘chúc tết trung thu cho các cháu thiếu niên nhi đồng’, và ngay trước đó ông ta vẫn còn những hoạt động công tác bình thường như tiếp Tổng thống Indonesia, tiếp Chánh án tòa án hân dân tối cao Trung Quốc, dự cuộc họp của Bộ Chính trị về các đề án trình Hội nghị trung ương 8…

Vào gần cuối năm 2017, Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng có thời gian ‘mất tích’ khoảng 10 ngày. Nếu đối chiếu với thời gian hai tháng Mười và Mười Một năm 2017 khi mật độ xuất hiện của Tổng bí thư Trọng trên mặt báo đảng là bình quân từ 2 – 4 ngày/sự kiện và giữa hai sự kiện thường không cách nhau quá 5 ngày, thì việc ông Trọng "vắng mặt" đến gần 10 ngày xứng đáng là một dấu hỏi. Thậm chí là dấu hỏi lớn… Khi đó, đã xuất hiện những đồn đoán về tình trạng huyết áp và tim mạch của Trọng là ‘không tốt’.

Vào lần này, người ta đang chờ đợi lần xuất hiện sớm nhất của ông Trọng (nếu quả có lần xuất hiện đó), tại một cuộc họp mà ông ta chủ trì hay đi thăm viếng đâu đó, đủ chứng minh rằng ông ta không có vấn đề gì về sức khỏe và vẫn bảo đảm năng lực ngồi cả hai ghế tổng bí thư mà chủ tịch nước mà chẳng phải chia sẻ quyền lực với ai.

Nhưng cũng từ ngày 18/4, lại rộ lên những tin tức trên mạng xã hội về sức khỏe của ông Trọng ‘diễn biến xấu’.

Thật trớ trêu là chính việc Thường trực Ban bí thư và Ban Tuyên giáo trung ương chỉ đạo các bao đồng loại đưa tin về "Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hôm nay gửi điện mừng tới Chủ tịch Ủy ban thường vụ Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên Choe Ryong Hae" đã cung cấp một bằng chứng rõ ràng về kịch bản được tái hiện từ thời Trần Đại Quang gần đất xa trời.

Nếu ‘lãnh tụ kính yêu’ không thể tiếp tục họp hành và đi lại mà chỉ có thể ở một chỗ phát ra những thư điện chúc mừng các nước, sắp tới sẽ là một thời kỳ xáo trộn lớn trong chính trường, nhân sự và phân bố lại quyền lực. Và sẽ có nhiều chuyện bi hài không thể lường trước được.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 19/04/2019

*******************

Chuyện gì xảy ra sau ông Trọng ?

Kính Hòa, RFA, 18/04/2019

Tin tức "không chính thống" trong những ngày giữa tháng tư vô cùng bận rộn về sức khỏe của Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Người ta nói ông bị ốm nặng.

lanhtu2

Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đang chờ đón Thủ tướng Hà Lan vào ngày 9/4/2019. Từ 14/4 cho đến 18/4/2019 người ta không thấy ông Trọng Xuất hiện. AFP

Báo chí nhà nước im lặng.

Các trang Facebook, Blog thân với nhà nước nói ông không bị gì cả.

Một số nhà quan sát trung dung nói ông Trọng đang có vấn đề sức khỏe.

Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu ông Trọng, vì bất cứ lý do nào không còn cầm quyền nữa ?

Việc đầu tiên người ta nghĩ tới trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng không thể đảm đương công việc của ông nữa, là chuyến đi Trung Quốc của ông vào cuối tháng tư 2019, và sau đó là chuyến đi Hoa Kỳ, theo lời mời của Tổng thống Mỹ Donald Trump hồi đầu năm nay.

Đối với chuyến đi Trung Quốc, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Sài Gòn cho rằng sự vắng mặt của ông Trọng không thành vấn đề :

"Có thể vì tình hình sức khỏe nên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đi thay Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Đây chỉ là một trong những vấn đề đã được thể chế hóa giữa hai quốc gia, từ năm 1991 tới nay, có các chuyến viếng thăm qua lại giữa lãnh đạo hai nước. Trong năm nay chưa có. Nếu không có Chủ tịch nước thì có thể Thủ tướng hay Chủ tịch Quốc hội đi thay".

Trả lời câu hỏi liệu có phải một chuyến đi Trung Quốc như vậy là để cân bằng với chuyến đi Mỹ sắp tới không, ông Trung nói điều đó chỉ đóng vai trò một phần thôi. Ngoài ra trong chuyến đi của nhà lãnh đạo Việt Nam nào đó sắp tới sang Trung Quốc cũng là để lắng nghe dự án Vành đai con đường của Trung Quốc, một đại dự án cơ sở hạ tầng vắt từ Á sang Âu, mà gần đây Bắc Kinh rất phấn khích khi có lời chấp nhận gia nhập của nước Ý từ liên minh Châu Âu.

Ông Nguyễn Phú Trọng vốn cũng hay bị giới chỉ trích cho rằng ông thân với Trung Quốc, nhưng Giáo sư Ngô Vĩnh Long, thuộc khoa sử, Đại học Maine, Hoa Kỳ, thì cho rằng :

"Tôi nghĩ rằng với ông Trọng thì lúc này lúc kia, nhưng nếu công bình với ông ấy thì là ông ấy sợ, sợ rằng nếu mạnh tay với Trung Quốc thì Trung Quốc sẽ làm áp lực mạnh hơn lên Việt Nam".

Giáo sư Ngô Vĩnh Long nói sự lo sợ đó của ông Trọng không chỉ xuất phát từ sức mạnh quân sự của Bắc Kinh, mà còn từ thực tế là Trung Quốc xâm nhập rất nhiều vào nhiều ngóc ngách của nền kinh tế Việt Nam.

Về chuyến đi Mỹ sắp tới của ông Trọng, Giáo sư Long nhận xét :

"Sợ rằng các nhóm trong nước thừa cơ ông Trọng bị bệnh không đảm nhiệm quyền lực nữa để thay đổi đường lối đối ngoại thì không tốt, mà đối ngoại chủ yếu là vấn đề an ninh, có quan hệ với Mỹ lúc này tốt hơn vì sự đe dọa của Trung Quốc".

Vấn đề quan trọng thứ hai là liệu nếu ông Nguyễn Phú Trọng không còn cầm quyền nữa thì có một khoảng trống quyền lực hay không ? Khi chiến dịch chống tham nhũng do ông dẫn đầu bị bỏ dở ?

Chiến dịch chống tham nhũng đã và đang thực hiện trong hai năm qua gắn liền với tên tuổi ông Nguyễn Phú Trọng. Một mặt chiến dịch này đã đưa một số quan chức tham nhũng cấp cao vào tù, nhưng cũng bị chỉ trích là một cuộc đấu đá phe phái với nhau.

Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho biết quan điểm của ông :

"Vâng sẽ có một chổ trống quyền lực, nhưng cũng tốt thôi, vì từ khi ông Trọng ông ấy thu tóm quyền lực, đốt lò này nọ, dẹp người này người kia, nhưng chỉ có vậy, trong khi còn nhiều chuyện khác phải làm, trong đó có chuyện bang giao với Trung Quốc ngày càng tệ mặc dù lời lẽ có cứng hơn trước".

"Đốt lò" là từ ông Nguyễn Phú Trọng dùng để nói về chiến dịch chống tham nhũng của mình.

Một nhà quan sát khác là Thạc sĩ Hoàng Việt nhận định tình hình trong trường hợp ông Nguyễn Phú Trọng không còn cầm quyền :

"Nếu người đứng đầu mà bị bệnh thì sẽ có nhiều xáo trộn lắm, nhất là theo cái truyền thống chính trị Việt Nam".

Ông Hoàng Việt nhấn mạnh rằng thời điểm hiện nay là quan trọng vì Đảng Cộng sản Việt Nam sắp họp Hội nghị trung ương, rồi Quốc hội cũng sẽ họp, thời gian họp Đại hội đảng toàn quốc cũng gần kề.

Nhưng ông Trần Quốc Thuận, nguyên Chánh văn phòng Quốc hôi Việt Nam, một mặt nói rằng ông không thể đưa ra ý kiến gì một khi cơ quan chức năng chưa đưa ra tin tức gì về sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, mặt khác ông cho rằng cơ cấu nắm quyền ở Việt Nam là một cơ cấu tập thể :

"Quyền lực cơ bản là tập trung ở Bộ chính trị. Điều hành hàng ngày là Ban Bí thư. Mà theo tôi được biết thì quyền lực tập trung vào tay bốn người, gọi là tứ trụ, nếu có chuyện gì thì người ta bàn bạc tập thể".

Tứ trụ là khái niệm đưa ra lâu nay trong nền chính trị Việt Nam, đó là Tổng bí thư đảng, Chủ tịch nước, Thủ tướng, và Chủ tịch Quốc hội. Hiện nay chỉ còn có ba người từ khi ông Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm cả hai chức Tổng bí thư và Chủ tịch nước.

Nếu như Chủ tịch nước vì vấn đề gì đó không làm việc nữa thì vị phó chủ tịch sẽ lên thay.

Nhưng về lâu về dài ai sẽ là người thay ông Nguyễn Phú Trọng ?

Một Một nhà quan sát giấu tên đưa ra khả năng ông Phạm Minh Chính, hiện là trưởng ban tổ chức trung ương Đảng Cộng sản, nhưng Giáo sư Ngô Vĩnh Long nghĩ rằng nếu vị Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, thay ông Trọng sẽ tốt nhất, vì hiện nay ông Ngô Xuân Lịch có những quan hệ tốt với Hoa Kỳ, một quan hệ rất cần thiết hiện nay để bảo đảm an ninh cho Việt Nam.

Kính Hòa

Nguồn : RFA, 18/04/2019

*******************

Lo lắng cho 'lãnh tụ kính yêu’ hay chỉ muốn Trọng ‘xuôi tay’ ?

Thường Sơn, VNTB, 18/04/2019

Vì sao những tin tức trên mạng xã hội về một số quan chức cao cấp, mà mới đây nhất là tin 'Trọng bệnh', dù chẳng được bất kỳ một cơ quan ‘có trách nhiệm’ nào của đảng hay chính phủ ra mặt xác nhận, lại được thực tế chứng minh là khá chính xác ?

lanhtu3

Viện quân y 108 - nơi được cho là đang tiếp nhận bệnh nhân có tên Nguyễn Phú Trọng. 

Cho tới nay, có quá ít bằng chứng về việc giới blogger và facebooker độc lập có được và đã đăng tải những tin tức nội bộ thuộc loại ‘bí mật nhà nước’. Do vậy, chỉ có thể hiểu là những tin tức này xuất phát từ một số facebooker ‘không độc lập’.

Mà không độc lập lại có thể hiểu là ‘phe phái’ hay ‘phe cánh chính trị’ - nhưng khái niệm đã tồn tại lâu đời trong chính trường đầy những màn đấu đá và xung đột ở Việt Nam, đặc biệt từ năm 2012 khi bùng nổ của chiến quyền lực giữa hai cánh Trọng - Sang và Nguyễn Tấn Dũng. Càng về sau này, càng hình thành một nghề mới : ngày càng nhiều cây viết, chủ yếu xuất xứ từ khối báo chí nhà nước - hoạt động một cách ‘độc lập’ để phục vụ cho các thế lực chính trị và các nhóm lợi ích, tập đoàn tài phiệt. Vũ khí của những người này là các trang blog và facebook. Một số trong giới viết lách này đã khoác tấm áo ngụy trang mang màu sắc dân chủ nhân quyền.

Hầu như không phải bàn cãi, chính những tin tức được xem là có nguồn gốc từ ‘tay trong nội bộ’ như trên mới chi tiết nhất và mang tính tin cậy cao nhất. Động cơ của sự xuất hiện những tin tức này được cho là chủ yếu xuất phát từ mục đích đấu đá và triệt hạ lẫn nhau của những phe phái chính trị trong nội bộ đảng, tương tự việc trang Chân Dung Quyền Lực đã dùng đòn ‘minh bạch hóa’ về tài sản, sân sau và các thủ đoạn chơi nhau để ‘ám sát’ một số quan chức trong Bộ Chính trị.

Thông tin về ‘Trọng bệnh’ cũng khá tương đồng. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Phú Trọng đã từ lâu trở thành tâm điểm công kích của những đối thủ chính trị và đặc biệt là giới quan tham khi Trọng vận hành tung tóe chiến dịch ‘đốt lò’. Do vậy, bất kỳ tình trạng suy yếu hay nguy biến nào về sức khỏe của Trọng cũng là cơ hội để các nhóm đối thủ tung hê và còn có thể cường điệu tình trạng bệnh tật tồi tệ của ông ta, như một cách khủng bố tâm lý những quan chức thuộc phe Trọng và những người còn ‘tin yêu bác Cả’, làm suy giảm sức mạnh của ‘phe Trọng’ trong cuộc đua tới đại hội 13 và cả mục đích dội nước vào cái lò vẫn còn âm ỉ của Trọng.

Chính trường Việt Nam đang hiện ra một đặc trưng như thời năm 2015 trước đại hội 12 của đảng cầm quyền : nếu vào năm 2015 đã hiện hình cuộc chiến công khai trên mạng xã hội bằng các đơn thư tố cáo và các bài viết của hai phe cánh chính trị chính là ‘phe Trọng’ và ‘phe Dũng’, năm 2019 cũng đang trở lại cái không khí xốc nổi, quyết thắng và công khai thách thức lẫn nhau ấy.

2019 lại được xem là ‘năm bản lề’ về cơ cấu ‘cán bộ cấp chiến lược’ cho đại hội 13 - sẽ diễn ra vào năm 2021. Vậy là cùng với biến cố ‘Trọng bệnh’, đã nảy nòi một cuộc sát phạt không tuyên bố giữa các quan chức cấp cao - những người đang nhìn thấy thế độc tôn độc tài của ‘bậc nhân kiệt thế thiên hành đạo’ chẳng còn tồn tại được bao lâu nữa và muốn qua mặt những kẻ khác để giành giật ngay lấy vị trí do khoảng trống quyền lực để lại.

Chẳng có gì khó khăn để dự đoán là Nguyễn Phú Trọng sẽ vấp phải một thách thức khủng khiếp về sức khỏe tự thân của ông ta, đặc biệt là vấn đề tim mạch và huyết áp, điều có thể kiến ông ta nếu không cẩn trọng sẽ phải sớm từ giã chính trường. Trong bối cảnh đó, ông ta còn phải chịu mũi dùi công kích của các thế lực đối thủ chính trị, ngoài mặt là ‘lo lắng cho sức khỏe của lãnh tụ kính yêu’, nhưng bên trong chỉ muốn Trọng ‘xuôi tay’ càng sớm càng tốt.

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 18/04/2019

******************

Phóng viên Lê Kiên của báo Tuổi Trẻ là phản động ?

Anh Văn, VNTB, 19/04/2019

Nhà báo Lê Kiên (báo Tuổi Trẻ) bị không ít Facebooker coi là phản động vì nói xấu lãnh tụ - Chủ tịch nước, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

lanhtu4

Facebooker Trần Duyên cho biết : phóng viên báo Tuổi Trẻ sử dụng trang Facebook cá nhân đăng bài nói xấu lãnh tụ.

Trang Diễn đàn Báo chí Việt Nam lên tiếng : Lê Kiên có phải là tên Phản Động của làng Báo ? ? Không hiểu con cháu nhà ai, mà tư tưởng lệch lạc như thế này mà lại được làm phóng viên theo dõi nội chính.

Trang ngonco.net, đăng tải hẳn một bài chỉ trích : Phóng viên báo Tuổi Trẻ sử dụng FB cá nhân công kích trực diễn Tổng bí thư, Chủ tịch nước.

Hàng loạt các trang khác như Hào khí Việt Nam, 47 Thừa Thiên Huế, Ngôi sao rừng dừa, Việt Nam quê hương tôi,… cũng nhân dịp đăng tải lại bài viết chỉ trích nhà báo Lê Kiên.

Và một Facebooker, cũng là Cựu Thượng tá CAND Nguyễn Quang Thiệu (Hà Nội) đã đăng bài chỉ trích Lê Kiên với giọng văn đanh thép.

Ông Thiệu "và quần chúng nhân dân rất mong các đồng chí" như ông Võ Văn Thưởng, Nguyễn Thiện Nhân, Nguyễn Mạnh Hùng xử lý nghiêm nhà báo Lê Kiên vì đăng bài "nói xấu lãnh tụ".

Và có thể thâu tóm toàn bộ những fanpage và con người rất đỏ nêu trên qua quan điểm của Facebook Phạm Quang Vinh : Trong khi Nhân dân cả nước đều trông chờ tuyệt đối vào sự lãnh đạo quyết đoán của Bác Tổng, nhằm tạo ra một thể chế tốt vừa hồng vừa chuyên, trung thành tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, có như vậy chế độ ta mới thực sự vững mạnh và trường tồn, điều này cũng chính là những trăn trở của Bác Tổng khi trong các kỳ họp Bác luôn nhắc đến đội ngũ kế thừa.

Nhưng Lê Kiên bày tỏ gì ?

"Những ngày vừa qua, khi có thông tin về việc Tổng bí thư, Chủ tịch nước bị mệt trong chuyến đi công tác, tôi có viết tút, nói rất rõ rằng kính mong bác Trọng khỏe và đồng thời mong bác sớm được nghỉ ngơi. Trong tút này tôi cũng có thêm một mong mỏi nữa, là đất nước có thể chế tốt để dựa vào, tránh tình trạng phải dựa vào một cá nhân lãnh đạo".

"Mong muốn đất nước có thể chế tốt (như thế chế chống tham nhũng ở Nhật Bản, Singapore...) để đỡ rủi ro khi phải nương tựa vào một cá nhân lãnh đạo".

Và những ý này được vị cựu thượng tá công an nhân dân Nguyễn Quang Thiệu, người tự nhận là nghiên cứu lịch sử cho rằng, "viết Stt với hàm ý thiếu tôn trọng Tổng bí thư". Mở màn cho hàng loạt các phản hồi đỏ khác mạt sát danh dự, nhân phẩm của nhà báo Lê Kiên, đòi đuổi nhà báo Lê Kiên ra khỏi tòa soạn báo Tuổi Trẻ, và thậm chí là bắt giam.

Một không khí hừng hực tính đấu tố và truy cùng – giết tận. Nó tái hiện lại một khung cảnh của cuộc cách mạng ruộng đất tại Việt Nam, hay cuộc cách mạng văn hóa bên Trung Quốc – nơi mà "hồng" luôn là trên hết, và quan điểm cá nhân là thứ bỏ đi.

Lê Kiên sai hay đúng ?

Nhà báo Lê Kiên có quyền bày tỏ quan điểm của mình về một hiện tượng trong cuộc sống, và trong chia sẻ của ông về vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng, nó hoàn toàn không phạm luật, ngay cả Luật bảo vệ bí mật nhà nước (ngay cả khi nó có hiệu lực). Trong chia sẻ của mình, cũng không hoàn toàn có ý bôi nhọ "lãnh tụ" Nguyễn Phú Trọng của ông cựu thượng tá công an nhân dân Nguyễn Quang Thiệu. Ngược lại, nó đề đạt một mong muốn, không chỉ cá nhân của nhà báo Lê Kiên, mà thậm chí là cả đối với những người mong muốn thúc đẩy nhanh cuộc chiến phòng chống tham nhũng.

lanhtu5

Nhà báo Lê Kiên có quyền bày tỏ quan điểm của mình về một hiện tượng trong cuộc sống, và trong chia sẻ của ông về vấn đề sức khỏe của ông Nguyễn Phú Trọng

Thực sự, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không thể đi lâu dài nếu dựa vào thâu vén quyền lực của một cá nhân.

Cuộc chiến chống tham nhũng sẽ không thành thành công hoặc ít nhất đảm bảo sự bền vững của nó nếu dựa vào một "lãnh tụ" Nguyễn Phú Trọng.

Cái cách mà ông cựu thượng tá công an nhân dân Nguyễn Quang Thiệu hay Facebooker Phạm Quang Vinh suy cho cùng là thuộc lối tư duy "sùng bái cá nhân", sùng bái "chủ nghĩa anh hùng cách mạng",… Họ đặt vận mệnh quốc gia vào trong tay một cá nhân, thay vì một cơ chế. Một tư duy cũ kỹ và rời rạc của thời chiến tranh chống… Mỹ cứu nước.

Tại sao phải "trông chờ" vào "lãnh tụ Nguyễn Phú Trọng", thay vì "trông chờ" vào sự cải cách thể chế ? Tại sao phải "vừa hồng vừa chuyên", trong khi lại không đề cập đến "thịnh vượng và bền vững". Tại sao lại nhấn mạnh yếu tố giai cấp, rằng "tuyệt đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh" để đi đến "chế độ ta mới thực sự vững mạnh và trường tồn", mà không phải là linh hoạt cơ chế để quốc dân này thực sự giàu mạnh. Những suy nghĩ "vừa hồng vừa chuyên" đã khiến hàng loạt trí thức miền Nam phải rời bỏ quốc gia ; chính nó là chủ nghĩa lý lịch và làm nên trạng thái kinh tế bao cấp ; chính nó cũng là thứ mà khiến Việt Nam đóng cửa "chơi một mình" đến mức khủng hoảng kinh tế - xã hội vào thập niên 80. Và giờ đây, cái tư duy thổ tả đó được dựng lại, tôn sùng và tiếp tục coi đó là con đường sáng của dân tộc.

Một quốc gia, một dân tộc… để "chế độ" trường tồn thì buộc phải thay đổi, để "quốc gia" giàu mạnh thì buộc phải cải tổ hệ thống. Và nó áp dụng ngay cả trong cuộc chiến chống tham nhũng, bởi nếu không cải tổ - đổi mới hệ thống, thì cuộc chiến đốt lò hừng hực khí thế sẽ sớm tắt lịm theo cái thở đầy mệt nhọc của một ông lão già.

"Mong bác sớm được nghỉ ngơi", nhà báo Lê Kiên đã gửi gắm đúng ý nguyện của rất nhiều người. Ông Nguyễn Phú Trọng phải "được nghỉ ngơi", nhưng ông cần duy trì thành quả di sản của mình, nhưng không phải bằng "hạt giống đỏ" vốn xảy ra nhiều vấn đề trong thời gian qua, mà cần phải đổi mới hệ thống và cơ chế, mở rộng dân chủ và nhân quyền.

Đó chính là mở lối thoát cho chính bản thân ông Trọng, cho chính Đảng của ông, cũng như chính quốc gia – dân tộc này.

Ở khía cạnh khác, một quốc gia giàu mạnh cần lắm những con người có tư duy như nhà báo Lê Kiên, và thải loại những tư duy như ông cựu thượng tá công an nhân dân Nguyễn Quang Thiệu.

Anh Văn

Nguồn : VNTB, 19/04/2019

*******************

Ông Trọng

Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 17/04/2019

Giá mà ông không gọi những người đòi cải tổ chính trị là suy thoái đạo đức [1].

Giá như ông không nhất quyết giữ cho bằng được ‘sở hữu toàn dân về đất đai’ và ‘kinh tế nhà nước chủ đạo’ trong cả văn kiện đảng lẫn Hiến pháp [2].

Giá mà ông không toàn tâm toàn ý đặt quốc gia vào một lộ trình mà chính ông cũng không biết khi nào mới tới đích - lộ trình xã hội chủ nghĩa [3].

Giá ông chỉ tập trung vào đốt lò… 

Thì khi ngã xuống bởi bệnh tật hay tai nạn, với ấn tượng trong sạch trong mắt không ít người, lời thương xót hẳn đã át đi tiếng bấc tiếng chì.

lanhtu6

Giá ông chỉ tập trung vào đốt lò thì khi ngã xuống ...

Không chấp nhận cải tổ chính trị, nghĩa là không có báo chí tự do lẫn tư pháp độc lập, trong lúc thông tin không minh bạch, hội đoàn dân sự không mở mang, tinh thần công dân và liêm chính công chức không được vun đắp, thì làm sao chống được tham nhũng lâu dài và hiệu quả ?

Tương tự, ‘sở hữu toàn dân về đất đai’ và ‘kinh tế nhà nước chủ đạo’ là gì nếu không phải là hai cỗ-máy-củi-hóa-hàng-loạt-cán-bộ khi đặt họ trước khối công sản cực kỳ to lớn mà họ dễ dàng chiếm lấy cho bản thân, gia đình và vòng bè phái trong khi các vũ khí phòng chống tham nhũng nêu trên đã bị vô hiệu hóa. Đó là chưa kể, trên đường chiếm đoạt những nguồn lợi lộc vốn không thuộc về mình - nhất là đất đai - những cấu kết quyền-tiền nhân danh Hiến pháp và pháp luật đã để lại làng trên xóm dưới biết bao oan khiên ngút trời.

Cuối cùng, ai cũng có quyền giữ quan điểm và theo đuổi niềm tin của mình về con đường mà Việt Nam nên đi. Song, một khi đã vũ trang quan điểm của mình bằng bạo lực trấn áp, củng cố niềm tin của mình bằng cách buộc người khác phải im lặng trong sợ hãi, chứng minh chỉ duy nhất mình đúng bằng lao tù cho những người trái ý, thì dẫu có tôn trọng thanh danh trong sạch của người đó đến đâu đi chăng nữa cũng phải gọi họ là độc đoán. Mà bất kỳ nền độc đoán nào, đến lượt nó, cũng là mảnh đất màu mỡ cho tham ô tham nhũng. 

Tóm lại, cũng như chẳng ai thực tâm muốn nhổ cỏ mà chỉ ngắt ngọn, rồi lại còn bón phân, vun gốc và xới đất xung quanh, thật dễ hiểu khi có người nghi ngờ thực tâm chống tham nhũng của người đốt lò khi thấy ông bảo vệ đến cùng cỗ-máy-củi-hóa-hàng-loạt-cán-bộ và thường xuyên tiếp năng lượng để cỗ máy đó hoạt động. 

Mà dẫu không nghi ngờ thì cũng có lý do để tin rằng lửa chẳng cháy được bao lâu nữa, khi mà người đốt lò sớm muộn phải thay ca. 

Biết đâu khi đó, củi lại gác lò. 

Nguyễn Anh Tuấn

Nguồn : RFA, 17/04/2019 (nguyenanhtuan's blog)

[1] https://www.bbc.com/vietnamese/mobile/vietnam/2013/02/130226_nguyenphutrong_constitution.shtml

http://hpsc.iwr.uni-heidelberg.de/hxphu/index.php?page=readwriting&w=LaThucThiQuyenHienDinhOngTrongA-20130226

[2] Nghị quyết 04 của Ban chấp hành trung ương ban hành năm 2016 coi phủ nhận chế độ sở hữu toàn dân về đất đai là ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa : 

https://tuoitre.vn/nhan-dien-27-bieu-hien-suy-thoai-tu-dien-bien-tu-chuyen-hoa-1211296.htm

https://m.vov.vn/kinh-te/hien-phap-kinh-te-nha-nuoc-giu-vai-tro-chu-dao-289652.vov

http://www.nhandan.com.vn/nation_news/item/39809502-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-gap-mat-dai-dien-doan-chu-tich-uy-ban-t-u-mtqt-viet-nam.html

[3] Góp ý sửa Hiến pháp ông Trọng nói : ‘Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa’.

Quay lại trang chủ
Read 1184 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)