Trưa ngày 27/02/2019, Tại Văn phòng Chính phủ, ông Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với tổng thống Mỹ. Trước sự đón tiếp nồng nhiệt, của cán bộ và các cháu học sinh tại đây, tổng thống Mỹ cầm một lá cờ Việt Nam vẫy.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Văn phòng chính phủ trưa 27/2. Ảnh : Ngọc Thành (ngoisao.net)
Đây là một cử chỉ rất bình thường trong ngoại giao. Việc tổng thống Mỹ vẫy cờ Việt Nam chỉ có thể nói lên sự đáp lại tình cảm nồng hậu mà khách dành cho mình, thế thôi.
Xin nhắc lại một chuyện cũ làm ví dụ : Năm 1978, Đặng Tiều Bình sang thăm Nhật, y cúi rạp mình chào cờ Nhật. Đấy là một cử chỉ ngoại giao. Hình ảnh này bị báo chí Việt Nam khi đó chửi không tiếc lời. Về phía Nhật Bản, họ không lấy đó để nói rằng, Nhật đã khuất phục được Trung Quốc.
Vậy mà cử chỉ ông Trump vẫy cờ Việt Nam lại được khuếch trương như là một thắng lợi của Việt Nam, là sự đánh giá cao vị thế của Việt Nam trên quốc tế.
Trong buổi tiếp xúc của ông Nguyễn Xuân Phúc với cộng đồng người Việt tại Cộng hòa Séc vừa qua, ông Phúc khoe :
"Khi tôi đón ông Donald Trump vào thăm chính phủ, thì ổng cầm lá cờ Việt Nam ổng đưa lên cao thế này, lên khỏi đầu ổng, bà con có thấy hình ảnh đó không ? Đó là gì ? Là bọn phản động, lưu vong người Việt và chống chúng ta rã rời chân tay luôn".
Tôi bàng hoàng khi nghe câu nói này từ một người đứng đầu chính phủ. Đấy không phải là câu nói của một chính khách. Về hình thức, câu nói khá dông dài, đã "rã rời chân tay" lại còn "luôn" nữa. "... luôn" là mẫu câu của lớp trẻ thường nói với nhau bây giờ, chứ không phải là ngôn ngữ văn phạm, kiểu như "kinh sợ luôn", "không biết gì luôn"... Tôi không dùng mẫu câu này khi nói hay viết vì nó không phù hợp với lứa tuổi và tính cách của mình.
Về nội dung lại rất phi chính trị. Ông gọi những đồng bào tị nạn không đồng thái độ chính trị là "bọn phản động, lưu vong người Việt". Điều này đẩy thêm sự xa cách của cộng đồng người Việt ở nước ngoài, bộ phận mà nhà nước Việt Nam vẫn coi là "khúc ruột ngàn dặm". Không thể dùng từ "phản động", "lưu vong" đối với đồng bào vì trốn chạy chế độ hoặc vì mưu sinh mà phải bỏ quê hương ra đi. Nó gây nên sự xúc phạm, tổn thương ghê gớm đối với họ.
Tiếc rằng, câu nói đó lại phát ngôn từ một chính khách chứ không phải từ một dư luận viên mới vào nghề.
Chi tiết ông Tump vẫy cờ Việt Nam có mấy ai để ý, quan tâm mà phải "rã rời chân tay" ? Hẳn là khi thấy ông Trump vẫy cờ Việt Nam và khuếch trương việc này thì người ta không quên rằng Trump đã từng kêu gọi thế giới chống lại chủ nghĩa xã hội hồi tháng 9 năm ngoái :
"Gần như ở nơi nào mà chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa cộng sản đã được thử nghiệm, chúng cũng gây ra đau khổ, tham nhũng và mục nát. Cơn khát quyền lực của chủ nghĩa xã hội dẫn đến sự bành trướng, thôn tính và đàn áp. Tất cả các quốc gia trên thế giới cần chống lại chủ nghĩa xã hội và sự bần cùng mà nó mang lại cho tất cả mọi người".
Nhắc lại để thấy rằng, khi Trump cầm cờ Việt Nam vẫy thì ông ta có mặn mà với nó không.
Xem ra bệnh tự sướng của đảng đã quá nặng.
Và còn điều này, nói đi thì phải nói lại : Khi ông Nguyễn Xuân Phúc hồ hởi khoe ông Trump vẫy cờ Việt Nam thì ông lại quên rằng, cùng lúc, ông cũng đứng cạnh Trump và vẫy cờ... Mỹ. Phân tích kỹ hơn thì thấy hai cử chỉ này không hoàn toàn như nhau mà mức độ về ý nghĩa có khác nhau. Việc ông Trump vẫy cờ Việt Nam tại Việt Nam đâu có ý nghĩa bằng ông Phúc vẫy cờ Mỹ ngay tại thủ đô của Việt Nam.
Việc ông Trump vẫy cờ Việt Nam, theo ông Phúc, làm cho "bọn phản động, lưu vong người Việt" "rã rời chân tay luôn" thì việc ông cầm cờ Mỹ vẫy thì làm cho ai "rã rời chân tay" ? Có phải là bọn suốt ngày chửi Mỹ, lên án chủ nghĩa tư bản, bài xích giá trị dân chủ Mỹ không thưa ông ? Sắp tới, kỷ niệm ngày 30/4, chắc "đế quốc Mỹ xâm lược" sẽ được bọn này lôi ra chửi tiếp. Nếu định chửi tiếp thì cũng nên nhớ, ông thủ tướng đã cầm cờ Mỹ vẫy rồi đấy nhé.
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 25/04/2019