Ai mong có Luật biểu tình nhất ?
Trúc Giang, VNTB, 29/04/2019
"Bọn tôi mong sớm có luật biểu tình để khỏi bị dân chúng chửi và nhiệm vụ cũng nhẹ nhàng hơn !". Một sĩ quan an ninh chia sẻ với người viết trên cương vị 'những người bè bạn cũ'.
Người dân Phan Thiết biểu tình chống Luật đặc khu - Ảnh minh họa
Vị sĩ quan an ninh đó xuất thân từ trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Ông nói rằng một khi có luật biểu tình, nghĩa là lằn ranh rất rõ, cứ hễ ai đi chệch khỏi lằn ranh đó lúc thực hiện quyền biểu tình, là tuýt còi ngay, giống như trật tự giao thông vậy.
"Giờ thì cứ tù mù tìm hiểu nhóm này, nhóm kia có tính biểu tình hay không ? Họ biểu tình với những ai là người cầm đầu ? Liệu họ mang biểu ngữ nội dung gì, có sự trà trộn của thế lực từ Trung Quốc sang đây ?". Vị sĩ quan nói sở dĩ hàng loạt lo lắng ấy, vì nơi ông công tác là thành phố biển Nha Trang, ở điểm tham quan Nhà thờ Đá, hay còn gọi là Nhà thờ Chánh tòa từng xảy ra nhiều vụ đoàn khách Trung Quốc đến đây rồi bất ngờ trương băng rôn để chụp hình với hàng chữ Tàu đại khái nói rằng Nhà thờ Đá là của… Trung Quốc ; Hoàng Sa – Trường Sa là của Trung Quốc.
"Ai đến nơi đây sẽ thấy bọn tôi giờ cảnh giác lắm rồi, phải bố trí người dưới màu áo bảo vệ ‘xua đuổi’ người bán hàng rong trong khuôn viên sân Nhà thờ. Hễ thấy bất kỳ du khách Trung Quốc nào rút ra tấm vải như băng rôn có chữ Tàu là ập vào thu ngay, bất kể nội dung gì. Lần đó, do phải đến khi có người dịch, bọn tôi mới biết đó là câu ghi Nhà thờ Đá của Trung Quốc". Vị sĩ quan kể.
Theo ông, bằng linh cảm nghề nghiệp, ông nhận ra trong nhiều đợt biểu tình từng xảy ra là có bàn tay của Trung Quốc. Mục đích chính của họ thì cũng khó thể diễn giải. Điều này ở tại Thành phố Hồ Chí Minh dường như rõ hơn. "Có lẽ vừa rồi ông Nguyễn Thiện Nhân đề cập chuyện biểu tình với các tướng lĩnh về hưu, còn mang ẩn ý theo nghĩa đó, song báo chí không tiện tường thuật". Vị sĩ quan nhận xét.
Như vậy câu hỏi đặt ra : ai không muốn có Luật biểu tình ? Cùng góp chuyện bên cà phê sáng Chủ nhật cuối cùng của tháng tư, 2019 bên hè phố Tuệ Tĩnh, thành phố biển Nha Trang, một nhà báo đã nghỉ hưu nói rằng chỉ xét riêng hai mặt hàng xăng - dầu và điện, thì danh sách đứng đầu đang quyết liệt phản đối, có lẽ là bộ trưởng Trần Tuấn Anh của Bộ Công thương.
"Thị trường điện độc quyền nên Bộ Công thương đã tăng giá điện rất mạnh. Họ còn muốn tin tức liên quan đến giá điện phải được xếp vào loại "Mật". Chỉ nhiêu đó thôi là người dân có thể xuống đường biểu tình phản đối. Cũng liên quan tới điện, nếu báo chí không bị bịt miệng, chắc chắn họ sẽ phát những băng hình ghi ý kiến của người dân vùng Tuy Phong của tỉnh Bình Thuận, nơi đang có 3 nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân do Trung Quốc hoạt động, được đầu tư theo phương thức BOT, và họ được quyền kinh doanh trong 25 năm trước khi bàn giao lại cho Việt Nam.
Những ngày cuối tháng tư này, mấy nhà báo già sẵn đi du lịch đã dừng lại đây để ghi hình, người dân rủ nhà báo ở thử sẽ biết là cứ phơi tấm vải trắng ngoài sân nhà qua đêm, sáng hôm sau tấm vải ấy sẽ nhuộm màu đen. Chỉ lạ là ban ngày thì không thấy chuyện ‘trắng thành đen’ xảy ra. Còn chuyện bãi xỉ than chạy nhà máy thì kinh hoàng, cứ như Tuy Phong đang mọc thêm những núi nhân tạo do người Trung Quốc mang sang…
Người dân nơi đây cũng từng kéo ra đường biểu tình. Lực lượng cảnh sát cơ động chỉ biết trân mình làm tấm bia sống hứng sự phẫn nộ của người dân, vì ngay cả gia đình của họ cũng đang bị ảnh hưởng ô nhiễm. Và dĩ nhiên là từ Hà Nội, bộ trưởng Trần Tuấn Anh không hề thích những cuộc biểu tình đó vì nó ảnh hưởng tới chuyện đàng sau các hợp đồng làm ăn với Trung Quốc mà bộ của ông đã ký kết, đã nhận ‘tiền thối’ lại quả…". Vị nhà báo thuật lại chuyện nhóm của ông vừa đi từ Bình Thuận ra Nha Trang rồi dừng lại ở Vĩnh Tân.
Người miền Nam từ trước năm 1975 đã quá quen thuộc với xuống đường biểu tình để tranh đấu cho quyền lợi an sinh, quyền lợi quốc gia. Sau tháng 4-1975, người miền Nam quen dần như người miền Bắc là xuống đường chỉ nhằm để vỗ tay hoan hô cho những bản tụng ca muôn đời về Đảng…
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 29/04/2019
***********************
Bốn mươi bốn năm trước ở Sài Gòn cứ vài hôm là có xuống đường…
Trúc Giang, VNTB, 28/04/2019
"Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Thành phố Hồ Chí Minh hứa với Bộ Chính trị sẽ không có biểu tình" là tít của bài viết đăng trên báo Thanh Niên điện tử phát hành vào cuối giờ chiều ngày 26/04/2019, và chỉ non tiếng đồng hồ, tít tựa này được thay đổi là "Bí thư Nguyễn Thiện Nhân : Nỗ lực làm cho người dân và doanh nghiệp hài lòng".
Câu trích được chọn trình bày là điểm nhấn : "Chúng ta cần phải làm vì Thành phố Hồ Chí Minh có biểu tình thì ảnh hưởng đến cả nước", sau đó cũng được bài viết trên báo Thanh Niên ‘tháo bỏ’.
Các nhà sư biểu tình đi tuần hành ngoài đường phố Sài Gòn - Ảnh minh họa (Life)
Sơ sẩy của biên tập viên báo Thanh Niên, hay là… ?
Đoạn tường thuật sau đây cũng bị rút lại :
"Từ đó, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu Công an Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng phương án chống biểu tình, trong đó có phương án chống biểu tình bằng xe máy và đưa người từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh biểu tình...
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân để biểu tình không thể diễn ra, thì chính quyền cần có phương án sẵn sàng ứng phó, truyền thông tiếp cận tuyên truyền người dân không tham gia biểu tình, tách những người dẫn dắt biểu tình và biện pháp xử lý...".
(Hãng Thông tấn của Nga Sputnik, phiên bản Việt ngữ, đã kịp lấy lại toàn văn bản tin trên báo Thanh Niên vụ ‘sẽ không có biểu tình’ đó). https://vn.sputniknews.com/politics/201904267434753-bi-thu-nguyen-thien-nhan-tphcm-hua-voi-bo-chinh-tri-se-khong-co-bieu-tinh/
Lời hứa "sẽ không có biểu tình" này được ông Nhân nói với lãnh đạo Quân khu 7 cùng hơn 70 vị tướng đại diện cho 112 vị tướng nghỉ hưu và đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh trong họp mặt vào chiều ngày 26/04/2019 trong chuỗi sự kiện được gọi là ‘mừng chiến thắng 30 tháng tư’.
Cam kết nói trên cho thấy đã ngang nhiên vi phạm Hiến pháp, cụ thể ở Điều 25. "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".
Ở vế "pháp luật quy định" của Điều 25 nói trên, thì "tội xâm phạm quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình của công dân" được thể hiện tại Điều 167 của Bộ luật hình sự 2015.
Điều 167 quy định : Người nào cản trở công dân thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, quyền biểu tình và các quyền tự do, dân chủ khác của công dân (nếu không thuộc trường hợp quy định tại các điều khác của bộ luật này) thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm ; Trường hợp phạm tội có tổ chức hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm ; Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm ; người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ từ một năm đến năm năm.
Sợ biểu tình là phủ nhận thành quả đấu tranh cách mạng (!?)
Tạm gác qua những viện dẫn trong chuyện ông bí thư Nguyễn Thiện Nhân đang dẫm đạp lên pháp luật, ở góc nhìn khác, cho thấy quả thực nếu cam kết đó là để làm đẹp lòng Bộ Chính trị như lời của ông Nhân, thì có lẽ cả ông Nguyễn Thiện Nhân lẫn ông Nguyễn Phú Trọng cùng bộ sậu trong bộ chính trị, đã phủ nhận những giá trị truyền thống cách mạng có được từ những cuộc biểu tình trong lịch sử ; đặc biệt là ở giai đoạn từ tháng 5-1975 đến đầu thập niên 80 thế kỷ trước.
Sách giáo khoa hiện đang giảng dạy ở trường trung học có lược thuật, vào ngày 15/05/1975, trên toàn miền Nam đã diễn ra các cuộc mít tinh, diễu hành mừng chiến thắng. Ở Sài Gòn, hàng triệu nhân dân đã xuống đường và tham dự cuộc mít tinh lịch sử… Khi ấy, ‘hàng triệu nhân dân đã xuống đường’ ủng hộ cách mạng, thế thì cớ gì 44 năm sau, tháng tư 2019, những người cộng sản lại sợ hãi biểu tình đến mức Bộ Chính trị buộc các địa phương phải cam kết "sẽ không có biểu tình" ?
Tháng tư năm 1975, tôi chỉ là đứa học trò trung học. Từng nghe kể chuyện các anh, chị của mình tham gia bãi khóa, xuống đường phản đối chiến tranh diễn ra hà rầm ở Sài Gòn trước năm 1975, tôi đã mang cảm giác tò mò và háo hức đó vào những lần mà nhà trường tổ chức cho học trò cầm biểu ngữ, cờ rồi hô khẩu hiệu ủng hộ chính quyền cách mạng, ủng hộ đất nước thống nhất.
Tôi còn nhớ những bận xuống đường như vậy, các thầy cô dẫn đám học trò đi một vòng lớn từ đường Ngô Tùng Châu đến Phan Văn Trị rồi xuôi Nguyễn Văn Học của quận Bình Hòa về lại khu ngã tư Xóm Gà. Những đứa bạn có cha, anh bị bắt đi học tập cải tạo, tụi nó cũng hồ hỡi trong đoàn người xuống đường ấy. Chỉ đến khi nhà trường bắt đầu tổ chức những buổi xuống đường gọi là "Bài trừ văn hóa phẩm đồi trụy" thì cả thầy và trò chúng tôi linh cảm có gì đó không ổn rồi đây.
Tủ sách Tuổi Hoa, từ hoa đỏ cho tới hoa tím của gia đình tôi đều bị những tốp thanh niên mang băng đỏ ở cánh tay áo vào tận nhà để xét và tuyên bố tịch thu sách vở của gia đình tôi. Tôi bắt đầu sống trong cảm giác bị khủng bố từ đó. Những lần buộc phải tham gia xuống đường ủng hộ cách mạng, không còn chút thú vị nào nữa ; mà đi vì sợ…
Đánh tư sản Hoa kiều Chợ Lớn cùng với những đoàn người xuống đường rầm rộ, đầy vẻ đe dọa đã khiến lứa học trò chúng tôi thời đó bắt đầu oán ghét cụm từ ‘mít tinh’ (meeting), ‘xuống đường’ của chính quyền mới ở Sài Gòn, mà giờ đây đã mang tên là Hồ Chí Minh…
Rồi năm tháng đi qua. Lớn lên, được dịp tìm hiểu, tôi nhận ra dường như những lần xuống đường, những cuộc tuần hành trên đường phố sau buổi lễ ‘mít tinh’ mà bọn trẻ ngày ấy của chúng tôi tham gia, đó chỉ là theo kịch bản nhằm phục vụ mục đích của nhà cầm quyền, chứ không phải là từ nhu cầu chính trị, an sinh cần lên tiếng của cộng đồng.
Và giờ, sau bốn mươi bốn năm, khi chúng tôi cần thực thi quyền biểu tình, thì đến lượt nhà cầm quyền lại hãi sợ và ra sức cấm đoán, kể cả chuyện đe nẹt trấn áp, bỏ tù bằng mọi giá như tuyên bố của ông Nguyễn Thiện Nhân hôm chiều 26/04/2019. Như vậy, khi mà những người đang khoác áo cộng sản còn phủ nhận những thành quả có được từ biết bao cuộc xuống đường của chính họ trong lịch sử, thì liệu họ có tự tin để quản trị đất nước đủ sức ‘sánh vai cùng các cường quốc năm châu’, mà một thời gian dài từng là khẩu hiệu treo đầy ở các lớp học ?
Trúc Giang
Nguồn : VNTB, 28/04/2019