Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2019

Dự án năng lượng mặt trời : thận trọng nhìn từ dự án Trà Ổ

Nguyễn Hiền

Dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ thuộc thôn Châu Trúc (xã Mỹ Lợi, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) có diện tích 60 ha, với tổng vốn 1.440 tỉ đồng do Công ty cổ phần năng lượng tái tạo Việt Nam làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, Dự án này đã vấp phải sự phản đối quyết liệt từ người dân địa phương !

trao1

Đầm Trà Ổ

Theo Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà, sự phản đối của bà con địa phương bắt đầu từ tháng 4/2019 đến nay, bởi theo người dân, Trà Ổ là cái đầm lớn thứ hai của Bình Định – nơi mưa sinh thủy sản của bà con, và dự án năng lượng mặt trời có thể "che lại hết không thể nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản và làm nông nghiệp !".

Cũng theo chia sẻ trên trang cá nhân, Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà cũng dẫn quan điểm của lãnh đạo huyện Phù Mỹ, theo đó, đầm Trà Ổ rộng 1.200 ha và dự án chỉ được cấp phép trên 60 ha ; các tấm pin chỉ che phủ 35 ha. Việc xây dựng Nhà máy điện mặt trời sẽ giúp cho địa phương phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách tỉnh và đặc biệt tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Hệ thống năng lượng mặt trời được xem là một nguồn năng lượng không tạo ra ô nhiễm không khí, nước hoặc hiệu ứng nhà kính. Và hiện nay, năng lượng mặt trời đã bùng nổ ở nhiều nơi, khi chi phí lắp đặt đã giảm hơn 70% kể từ năm 2010. Sự tăng trưởng này được Hiệp hội Công nghiệp quang điện Châu Âu ghi nhận bằng dự đoán rằng, năng lượng mặt trời có thể cung cấp từ 7% đến 11% nhu cầu điện của EU vào năm 2030.

trao2

Người dân xã Mỹ Lợi trình bày ý kiến tại buổi đối thoại

Dù là một loại năng lượng sạch, nhưng điện năng mặt trời không tuyệt đối, bởi nó chứa đựng những yếu tố gây hại.

Đầu tiên, về việc sử dụng đất đai, bởi các tấm pin mặt trời quy mô càng lớn thì diện ích chiếm càng nhiều, và điều này có thể dẫn đến suy thoái môi trường và mất môi trường sống. Cụ thể hơn, các trang trại năng lượng mặt trời bao phủ một lượng lớn đất đai có khả năng có tác động đến hệ động vật và thực vật địa phương, đặc biệt là các loài chim. Bản thân khu vực triển khai dự án điện mặt trời cũng ức chế sự phát triển của thảm thực vật và làm hỏng nông nghiệp. Không giống như năng lượng gió, các tấm pin mặt trời không thể chia sẻ vùng đất mà chúng chiếm dụng cho các mục đích sử dụng khác. Theo The Guardian, với việc triển khai các dự án năng lượng mặt trời thì khí hậu là một yếu tố được biết đến và thay đổi mạnh mẽ bản chất của đất cũng như các mối quan hệ loài thực vật có thể phát triển ở đó. 

Nghiên cứu được thực hiện tại các trang trại phong điện và công viên năng lượng mặt trời cho thấy những thay đổi trong sử dụng đất này có thể dẫn đến thay đổi khí hậu vi mô. Ví dụ, làm việc trên các trang trại gió tác động cục bộ về nhiệt độ, thay đổi độ ẩm thông qua nhiễu loạn, nồng độ khí sinh học cao hơn (CO2, metan và oxit nitơ) và thay đổi mô hình che phủ của mây và lượng mưa. Trong khi đó, với các tấm năng lượng mặt trời có thể gây ra bóng râm và thay đổi lưu lượng gió, và về nguyên tắc có khả năng thay đổi nhiệt độ, thay đổi sự phân bố lượng mưa (tác động đến độ ẩm của đất) và lưu lượng gió trên đất. Cụ thể, đất là nhân tố quan trọng nhất trong việc lưu trữ carbon - chứa nhiều hơn thực vật và bầu khí quyển - và sự tương tác giữa đất và thực vật điều chỉnh việc lưu trữ carbon và giải phóng khí nhà kính. Vì vậy, việc mở rộng các công viên năng lượng mặt trời ảnh hướng quan trọng đối với chu trình carbon, tốc độ tăng trưởng của thực vật, lượng carbon bị giữ lại trong đất, khả năng giải phóng khí thải nhà kính vào khí quyển và các loại loài có thể sống trong điều kiện mới. Sử dụng hàng loạt các trang trại năng lượng mặt trời theo thời gian sẽ làm tăng các khu vực bị ảnh hưởng và quy mô ảnh hưởng.

Thứ hai, về sử dụng nước. Tạo năng lượng với các tấm quang điện mặt trời là một quá trình tốn nhiều nước. Mặc dù các pin mặt trời không sử dụng nước để tạo ra điện, quá trình sản xuất lại cần nước. Tại Mỹ, sản xuất điện chiếm hơn 40% lượng nước ngọt hàng ngày. Mặc dù một phần nước này có thể được tái sử dụng, sự phong phú của các tấm pin mặt trời trong một khu vực có thể gây căng thẳng cho tài nguyên nước địa phương. Chưa kể, sự bao phủ một diện tích đất cũng tạo ra nguy cơ khủng hoảng sinh thái ảnh hưởng đến mức độ thoát nước và lượng mưa của khu vực.

Thứ ba, hóa chất độc hại. Quá trình sản xuất các tấm năng lượng mặt trời đã sử dụng các hóa chất độc hại như axit hydrochloric, axit sulfuric, axit nitric, hydro florua, acetone… Nếu các nhà sản xuất có thể không tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp và các quy định nhằm tiết giảm chi phí sản xuất. Trong khi đó, nếu các tấm pin mặt trời không được xử lý đúng cách, những hóa chất độc hại này có thể là mối nguy hại cho môi trường. Các tấm pin mặt trời tạo ra chất thải độc hại gấp 300 lần trên mỗi đơn vị năng lượng so với các nhà máy điện hạt nhân. Và hiện nay, các tấm năng lượng mặt trời sau khi thải loại, đã tạo thành một cụm hóa chất độc hại tại các nước như Ấn Độ, Trung Quốc và Ghana. Đó là chưa kể, trong quá trình sử dụng, các tấm năng lượng mặt trời phát ra các chất ô nhiễm. Nếu các chất này vô tình được giải phóng trên nước ngầm và đất nông nghiệp trong quá trình sản xuất, thì nó cũng tạo ra những rủi ro cao. Mà cụ thể, cadmium có thể bị rửa trôi khỏi các tấm năng lượng mặt trời bởi nước mưa đang ngày càng trở nên phổ biến.

Đó là chưa kể, có thể các tấm năng lượng mặt trời có xuất xứ từ Trung Quốc, bởi giá thành rẻ hơn. Trong một bài viết của Tiến sĩ Alona Armstrong, giảng viên năng lượng tại Trung tâm Môi trườngLancaster, Đại học Lancaster trên trang nationalgeographic cho biết. Một nghiên cứu được phát hành vào tháng Năm bởi Đại học Tây Bắc và Phòng thí nghiệm quốc gia Argonne cho thấy lượng khí thải carbon của một tấm năng lượng mặt trời từ Trung Quốc gấp đôi so với Châu Âu, bởi vì Trung Quốc có ít tiêu chuẩn môi trường hơn và nhiều nhà máy nhiệt điện than hơn. Bản thân những nhà máy sản xuất tấm năng lượng mặt trời cũng bị phản ứng dữ dội, ví dụ Jinko Solar, khi doanh nghiệp này đã phải đối mặt với các cuộc biểu tình và hành động pháp lý kể từ khi một trong những nhà máy của nó, ở tỉnh phía đông Chiết Giang, bị buộc tội thải chất thải độc hại xuống một con sông gần đó.

Tiếp đó, việc tái chế pin mặt trời gặp phải vấn đề, không có đủ nơi để tái chế các tấm pin mặt trời cũ và không có đủ các tấm pin mặt trời đủ đáp ứng khả năng để tái chế chúng (về mặt kinh tế). Cơ quan Năng lượng tái tạo Quốc tế (IRENA) năm 2016 ước tính có khoảng 250.000 tấn chất thải từ pin mặt trời trên thế giới vào cuối năm đó. IRENA dự kiến số tiền này có thể đạt tới 78 triệu tấn vào năm 2050.

Câu chuyện người dân phản đối dự án Nhà máy điện mặt trời đầm Trà Ổ có thể mở đầu cho hàng loạt những cuộc phản đối khác, khi các dự án "năng lượng sạch" kiểu này đang được thúc đẩy ở các tỉnh thành khác tại Việt Nam. Và người dân có quyền đặt câu hỏi : liệu năng lượng mặt trời có sạch như cách mà các chủ đầu tư quảng bá ?.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 10/05/2019

******************

Dự án điện mặt trời đầm Trà Ổ mới chỉ phê duyệt chủ trương báo cáo đầu tư

Ngọc Oai, Sài Gòn Giải Phóng online, 03/07/2018

Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết, dự án điện mặt trời ở đầm Trà Ổ (gọi tắt là dự án) chỉ mới được phê duyệt chủ trương báo cáo đầu tư nên chưa thể công khai đến người dân sớm.

Mới phê duyệt chủ trương, chủ đầu tư đã cắm cọc, khoan...

trao3

Trong sáng 3/7, tại UBND xã Mỹ Châu (Phù Mỹ), lãnh đạo huyện Phù Mỹ (Bình Định) đã có buổi sinh hoạt với ban chấp hành mở rộng Đảng ủy xã Mỹ Châu. Dự kiến, trong chiều cùng ngày các bên sẽ tiến hành sinh hoạt với chi bộ thôn Châu Trúc và người dân.

trao4

Đã 5 ngày qua, người dân thôn Châu Trúc dựng rạp canh giữ 3 ô tô (trong đó 2 xe công vụ) để mong được đối thoại với lãnh đạo tỉnh về dự án điện mặt trời

trao5

3 xe ô tô của đoàn khảo sát (2 xe công vụ) bị "nhốt" 5 ngày qua tại đầm Trà Ổ

Trao đổi với PV SGGPO, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ Nguyễn Văn Dũng cho biết : "Trong ngày 2/7, huyện đã thành lập tổ công tác. Sáng 3/7, tiến hành sinh hoạt với Ban chấp hành mở rộng Đảng ủy xã Mỹ Châu rồi mới xuống sinh hoạt chi bộ. Sau khi đã đi đến thống nhất thì chúng tôi sẽ sinh hoạt với dân".

Theo Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, dự án này chỉ mới phê duyệt chủ trương báo cáo đầu tư, chứ chưa phải là phê duyệt đầu tư. Ở đây mới chỉ là báo cáo phê duyệt các bước, để hoàn chỉnh dự án nên không thể công khai được.  

Ông Dũng cũng cho biết, trước đó, khi có phê duyệt chủ trương dự án UBND huyện đã họp với các ngành của huyện. Trong đó, có mời cả Bí thư, Chủ tịch mặt trận các xã ven đầm Trà Ổ để nghe nhà đầu tư báo cáo sơ lược về dự án, để cán bộ nắm trước.

"Lộ trình tiếp theo, trước hết là họp Đảng bộ các xã sau đó công khai dự án đó cho dân biết. Rồi tiến hành họp trong dân để công khai dự án. Trước khi công khai dự án phải làm rõ vị trí, địa điểm ảnh hưởng như thế nào đối với hoạt động của người dân ở đó hay không" - ông Nguyễn Văn Dũng nói.

trao6

Người dân đặt lều, chặn giữ 3 ô tô của đoàn khảo sát

Tuy vậy, thông tin PV  nhận được từ phía người dân và cán bộ thôn Châu Trúc là trước đó có đoàn đã về khảo sát cắm cọc, khoan thăm dò. Việc này đã làm cho hầu hết người dân lo lắng. Sau đó, 9 giờ ngày 28-6, có đoàn ra để khảo sát đường điện, thì người dân mới ra chặn và giữ xe.

Trong khi đó, ông Trương Minh Út, Phó Chủ tịch HĐND xã Mỹ Châu cho biết : "Sự việc xảy ra khá bất ngờ nên địa phương cũng khá lúng túng. Ban đầu, đoàn công tác xuống khoan thăm dò dự án, nhưng không thông qua địa phương, nên Đảng ủy, UBND xã Mỹ Châu không biết. Bây giờ dự án cũng chưa thông qua, địa phương cũng chẳng biết gì !".

Việc công ty cắm cọc, khoan Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho hay, chưa nghe thông tin về việc này.

"Nhưng có thể đơn vị hôm đó họ đi trước để khảo sát xem được ở đó có đáp ứng đủ ánh sáng hay không", ông Dũng nói.

Dân lo dự án bít lối ra đầm

Ngày 3/7, ông Bùi Xuân Bộ, trưởng thôn Châu Trúc thông tin nhanh : "Lãnh đạo nói sẽ vận động người dân trở về. Nhưng điều người dân mong muốn là đơn vị chức trách hoặc chủ đầu tư phải giải thích cho họ về dự án".

Theo tìm hiểu, bức xúc của người dân đứng ra chặn giữ xe công vụ trên đầm Trà Ổ chủ yếu xoay quanh các vấn đề: người dân lo mất sinh kế; lo ô nhiễm môi trường, dự án làm cá, tôm trên đầm chết; người dân ra phản đối trước, không để dự án triển khai rồi "sự đã rồi" thì không còn can thiệp được ; có 350 hộ (1.600 nhân khẩu) thôn Châu Trúc trước nay thiếu đất sản xuất, chủ yếu dựa vào đầm Trà Ổ để mưu sinh, giờ dự án đặt trước thôn này sẽ bít lối ra đầm làm ăn của dân…

trao7

350 hộ dân (1.600 nhân khẩu) vô cùng lo lắng sợ mất sinh kế, bít lối làm ăn nếu dự án điện mặt trời thi công trên đầm Trà Ổ

"Dự án điện mặt trời có ảnh hưởng đến môi trường như thế nào ? Có ai giải thích cho đâu ? Khi làm dự án thì cá, tôm trên đầm Trà Ổ có chết hay không ? Dân chúng tôi được cái gì ? Chúng tôi không có chuyên môn nên lo lắng vô cùng ! Yêu cầu đơn vị nào ký phê duyệt dự án, đơn vị chuyên môn phải ra đối thoại giải thích cho dân", một người dân lo lắng cho biết.

Ông Trương Minh Út thông tin : "Nhiều người dân nói rằng, công ty họ dàn trải phao nổi trên mặt nước, từ Cù Lao đến hết thôn Châu Trúc. Làm thế chiếm hết diện tích của dân rồi, bít lối ra đầm của dân, người dân phải đi vòng qua các xã khác để đi làm. Khi đó, lưới cụ của họ sẽ bị dân vùng khác phá hỏng, hư hại nên họ không yên tâm đánh bắt trên đầm nữa".

Trong khi đó, Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ tiếp tục khẳng định : "Quan điểm của địa phương, nếu dự án đưa vào trong quá trình thực hiện ảnh hưởng đến đời sống của người dân thì dĩ nhiên, chính quyền sẽ can thiệp để nhà đầu tư trích một khoản kinh phí để hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng ; thứ 2, phải có kinh phí để hỗ trợ hạ tầng cho người dân. Những vấn đề trên, địa phương đang đặt ra cho nhà đầu tư để họ chuẩn bị trước. Làm cái gì cũng phải đặt lợi ích của người dân lên trên hết…".

Theo kế hoạch, trong chiều nay 3/7, lãnh đạo huyện Phù Mỹ và xã Mỹ Châu sẽ sinh hoạt với chi bộ thôn Châu Trúc và người dân về dự án này.

100% Đảng viên chi bộ thôn không đồng tình

Trao đổi với báo chí, ông Trương Văn Quý, Bí thư chi bộ thôn Châu Trúc cho biết : Người dân và cán bộ thôn Châu Trúc vẫn chưa hay biết gì về thông tin có chủ trương đầu tư dự án. Tất cả đều thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng và báo chí.

Giữa tháng 6/2018, khi có phản ánh của người dân, chi bộ thôn đã tổ chức họp thì tất cả 100% Đảng viên chi bộ thôn đều không đồng tình triển khai dự án trên đầm Trà Ổ. Hầu hết, người dân thôn Châu Trúc đều sinh sống dựa vào đầm này.

Ngọc Oai

Nguồn : Sài Gòn Giải Phóng online, 03/07/2018

Quay lại trang chủ
Read 592 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)