Nhà thờ Bùi Chu và việc bảo tồn di sản kiến trúc tôn giáo
Lê Sơn, VOA, 10/05/2019
Sự kiện "hạ giải" Nhà thờ Bùi Chu hay "vệ sinh" Vườn xuân Trung Nam Bắc (của họa sĩ Nguyễn Gia Trí) cần được ghi nhận như những cảnh báo cuối cùng trong việc gìn giữ các di sản kiến trúc và nghệ thuật tạo hình của Việt Nam, còn tồn tại không nhiều cả về số lượng, chất lượng. Sự kiệc này cũng phản ánh các bất cập trong chính sách bảo tồn công trình tín ngưỡng tôn giáo hiện nay, nổi bật là Công giáo.
Nhà thờ Bùi Chu (Hình : Truyền Thông Giáo Phận Bùi Chu - Facebook)
Cùng với nhà ở và công trình công cộng-hạ tầng, công trình tín ngưỡng-tôn giáo là một trong ba thể loại nền tảng của di sản kiến trúc một quốc gia. Thiên tai và điều kiện khí hậu tự nhiên có tác động quan trọng đến duy trì chất lượng và tuổi thọ công trình, tuy nhiên nhân tố chính quyết định tồn tại của di sản là con người, với hoạt động chiến tranh, phát triển kinh tế và/hoặc đô thị, nhãn quan của chính quyền về kiến trúc - đặc biệt là đối với công trình tôn giáo và trụ sở quyền lực. Một ví dụ nổi bật là năm 1931, Stalin cho phá hủy toàn bộ Nhà thờ chính tòa Chúa Kitô Đấng Cứu Độ (1883), nhà thờ trung tâm của Giáo hội Chính Thống giáo Nga ở Moscow, cũng là nhà thờ Chính thống giáo lớn nhất thế giới. Sau khi Liên Xô tan rã, chính quyền Nga mới đã phải cho phục dựng lại nguyên bản với một kinh phí không nhỏ.
Ngược lại, năm 1905, chính quyền Pháp ban hành luật thế tục, phân chia rõ giữa quyền lực Nhà nước và Giáo hội Công giáo, qua đó quốc hữu hóa toàn bộ các nhà thờ (công trình và đất) ở Pháp. Các nhà thờ lớn (cathedral) đã được xếp hạng di sản được trực tiếp quản lý bởi chính quyền trung ương (Bộ Văn hóa), phần còn lại (cathedral và church) thuộc quản lý của chính quyền thành phố hay địa phương các cấp. Các giáo xứ được toàn quyền sử dụng nhà thờ cho hoạt động tôn giáo và tham quan, nhưng việc duy tu định kỳ và bảo tồn kiến trúc thuộc về trách nhiệm của chính quyền trung ương và địa phương, cả về nhân lực và tài chính. Việc này chỉ có thể thực hiện được trên nền tảng của luật tư hữu về đất đai rõ ràng, sự tin tưởng, tôn trọng giữa chính quyền và Giáo hội trong việc quản lý, duy trì nguyên trạng tài sản và tự do hoạt động tôn giáo.
Sau năm 1954 ở miền Bắc và nhất là 1975 ở miền Nam, các công trình tín ngưỡng tôn giáo (đình, chùa, đền và tất nhiên nhà thờ), các công trình công cộng xây dựng bởi người Pháp, Mỹ, các công trình theo Trào lưu Hiện đại sáng tạo bởi kiến trúc sư Việt Nam ở miền Nam (như Thư viện Quốc gia Sài Gòn) chịu nhiều định kiến chính trị, mà các nhận định của Kiến trúc sư Ngô Huy Quỳnh là ví dụ tiêu biểu (sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam, 2001). Sự mở cửa đất nước và "hòa giải" với văn hóa dân tộc đã giải thoát cho các kiến trúc tín ngưỡng tôn giáo đình, đền, miếu, chùa : từ việc trả lại chức năng, mở lại hoạt động, xếp hạng di sản, cấp kinh phí duy tu đến việc xây dựng hàng loạt với qui mô lớn gần đây với mức đầu tư rất lớn, kèm theo nhiều hoạt động mê tín biến tướng. Sự "hòa giải" với các cựu thù đã đưa đến việc trùng tu toàn bộ Nhà hát lớn Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, cũng như nhiều công trình "kiến trúc thuộc địa" khác, và được xếp vào di sản kiến trúc chung của Việt Nam.
Vấn đề còn tồn tại hiện nay chính là việc vượt qua được mối quan hệ "tế nhị" giữa chính quyền và Giáo hội Công giáo, để đánh giá công tâm và xác nhận di sản kiến trúc cho bản thân các công trình nhà thờ đặc sắc, cũng như của các tôn giáo khác (Tin lành, Hòa Hảo, Cao Đài) nếu phù hợp tiêu chí, như trường hợp Tòa thánh Tây Ninh. Làm được điều này trước mắt sẽ tạo động lực về mặt tinh thần và nền tảng về luật pháp cho việc duy trì và trùng tu các công trình nói trên.
Các nhà thờ Công giáo có qui mô và chất lượng nghệ thuật kiến trúc cần được xếp vào di sản và được bảo vệ, được xây dựng chủ yếu trong thời kỳ Pháp thuộc, rất thú vị là với phong cách thật đa dạng. Nhà thời Lớn Hà Nội (1997) có phong cách Gô-tích, Nhà thờ cửa Bắc (1932) là Art Décor, Nhà thờ Bùi Chu (1885) thì kết hợp giữa phong cách Ba-rốc và vật liệu Việt, Nhà thờ Phát Diệm (1898) lấy cảm hứng từ kiến trúc đình chùa miền Bắc với chất liệu đá và gỗ, Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn pha trộn giữa kiến trúc Ro-man, Gô-tích và gạch đỏ nhập từ Pháp, Nhà thờ Lớn Nam Định (1895) xây dựng toàn bộ bằng đá theo phong cách Roman và được giữ nguyên vẹn cho đến ngày nay. Nhiều nhà thờ mới sau này lại với phong cách hoàn toàn hiện đại phù hợp với phát triển của xã hội. Tất cả đều thuộc quyền sở hữu và quản lý của Giáo hội công giáo.
Nếu thấy được những khó khăn để tìm kiếm tư liệu thiết kế gốc từ Pháp, đơn vị thi công phù hợp và nhất là nguồn kinh phí khổng lồ (dự trù 200 tỉ ĐVN) cho việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, được quyên góp hoàn toàn bởi Tòa giám mục và giáo dân, sẽ hoàn toàn hiểu được quyết định của Giáo xứ Bùi Chu về cách thức "hạ giải" nhà thờ của mình.
Trùng tu một di sản "sống" là công việc tỉ mỉ, phải có phương pháp khoa học để giữ lại tối đa tính nguyên bản của di sản đồng thời vẫn bảo dảm được an toàn và công năng. Điều này cần được thực hiện qua nhiều bước nghiên cứu tư liệu, hiện trạng, chẩn đoán bệnh chính xác bởi chuyên gia chuyên ngành, thi công bởi những đơn vị kinh nghiệm, sử dụng đúng vật liệu,.. vì vậy thời gian thực hiện có thể rất dài với kinh phí phù hợp. Như vậy, một giáo xứ hay toàn bộ giáo dân Việt Nam cũng rất khó đóng góp đủ. Vai trò điều phối của nhà nước là rất cần thiết cho việc tập hợp đủ kinh phí từ các nguồn khác nhau : tài chính công, đóng góp từ hảo tâm cá nhân, từ tổ chức quốc tế hay quốc gia khác. Đặc biệt nên áp dụng mô hình của các nước phát triển : miễn thuế doanh nghiêp hay thu nhập cá nhân của công ty hay của người giàu đã đóng góp tiền cho việc trùng tu di sản. Kinh phí nước Pháp cho việc bảo trì và trùng tu di sản khoảng 350 triệu euros/năm, nhưng vẫn phải dựa thêm vào các nhà tài trợ và phát hành sổ xố di sản. Việc kêu gọi đóng góp để sửa chữa cho Nhà thờ Đức Bà Paris là một minh chứng cụ thể.
Trước mắt trong trường hợp Bùi Chu, việc giáo xứ quyết định ngưng "hạ giải" là rất phù hợp. Vì lý do an toàn, có thể dùng nhà thờ khác hoặc dựng một nhà thờ tạm để phục vụ cho việc hành lễ (như trường hợp nhà thờ của thành phố Kobe (Nhật Bản) sau vụ động đất lớn năm 1995), trong thời gian thực hiện toàn bộ tiến trình trùng tu một cách bài bản khoa học, mà có thể kéo dài đến 5-10 năm.
Lê Sơn
Nguồn : VOA, 10/05/2019
*******************
Bùi Chu - Phát Diệm, vì sao là lịch sử ?
Tuấn Khanh, RFA, 09/05/2019
Câu chuyện nhà thờ Bùi Chu đang đứng trước các cuộc tranh cãi là có nên phá bỏ, xây mới, lại rơi vào một thời điểm rất thú vị : kỷ niệm 65 năm những người miền Bắc di cư vào Nam theo tiếng gọi tự do (1954 – 2019).
Một buổi rước kiệu trước Nhà thờ chánh tòa Phát Diệm - Ảnh minh họa
Trong những điều mà người ta bàn tán, và nói Nhà thờ Chánh tòa Bùi Chu, thuộc xã Xuân Ngọc (Xuân Trường, Nam Định) là di sản, là lịch sử bởi được xây vào năm 1884, bởi giám mục người Tây Ban Nha Wenceslao Onate Thuận, nhưng thật ra, ẩn sau đó, là một câu chuyện của niềm tin, máu, nước mắt, oan khiên… không chỉ riêng của người Công giáo, mà còn là cả một chặng dài lịch sử người Việt.
Người ta vẫn hay kể những câu chuyện kinh hoàng về người ở lại miền Bắc sau 1954, với Cải cách ruộng đất, với các vụ án xét lại chống Đảng, chiến dịch thanh trừng Nhân văn-Giai phẩm… nhưng rất ít có tài liệu nào nói lại rằng những người chọn ở lại, những linh mục, những giáo dân… đã sống thế nào trong những tháng ngày ấy, cho đến 1975.
Từ tháng 7/1954, dòng người ngược xuôi khi chia cắt đất nước, dù không thống kê được đầy đủ, nhưng theo sách Ramesh Thakur, Peacemaking in Vietnam, ước tính rằng có khoảng gần một triệu người từ miền Bắc Việt Nam chạy vào Nam vì từ chối sống dưới chế độ cộng sản. Trong khi đó, chỉ có gần 4.500 người từ Nam ra Bắc. Đa phần họ được gọi tên là dân tập kết đời đầu. Tuy nhiên, đó chỉ là con số thống kê cho đến hết tháng 7/1955. Những cuộc đào thoát sau đó, từ Bắc vào Nam là còn chưa kể đến.
Trong số những giáo dân vào Nam, có không ít người từ Bùi Chu – Phát Diệm. Vì lẽ, hơn ai hết, từ năm 1945 họ đã hiểu cộng sản là gì. Đức giám mục Lê Hữu Từ (được tấn phong từ tháng 10/1945) đã nhận ra được ẩn đằng sau Mặt trận Việt Minh là bàn tay của Quốc tế Cộng sản. Chính vì vậy, ngài đã sớm hậu thuẫn cho tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc, nhằm tách biệt với hàng ngũ người Cộng sản, đặc biệt trong bối cảnh mọi người Việt Nam đều quyết kháng Pháp để đòi độc lập dân tộc.
Đó không phải là suy đoán, vì tài liệu nghiên cứu (2009) nằm trong tàng thư của Tòa tổng giám mục Sài Gòn, được tổ chức bởi Hồng y Phạm Minh Mẫn từ năm 2007, có ghi lại rằng Giám mục Lê Hữu Từ đã công khai tách bạch giữa chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cộng sản với người đứng đầu của chế độ miền Bắc là chủ tịch Hồ Chí Minh. Năm 1946, khi về Phát Diệm để tạo hòa hoãn với Giám mục Lê Hữu Từ, trong vai trò là Giám mục cố vấn chính phủ, chủ tịch Hồ Chí Minh đã nghe trực tiếp lời tuyên bố của Giám mục rằng "Tôi và toàn dân Công giáo Phát Diệm đoàn kết và triệt để ủng hộ Cụ trong công cuộc chống thực dân Pháp, giành độc lập cho tổ quốc Việt Nam. Nhưng nếu Cụ là Cộng sản thì tôi chống Cụ, và chống Cụ từ phút này". Nhưng vào lúc đó, ông Hồ Chí Minh vẫn không nhận mình là Cộng sản. Thậm chí ông còn nói với Giám mục Lê Hữu Từ rằng sẽ có một cuộc phổ thông đầu phiếu "toàn dân sẽ định đoạt, Cụ và tôi khỏi phải lo".
Nhưng cuộc phổ thông đầu phiếu đúng nghĩa ấy, không bao giờ có với người miền Bắc sau 1954 và cả nước, sau 1975.
Nằm kề nhau, nên hai giáo phận Bùi Chu và và Phát Diệm có cùng một khuynh hướng về đạo và đời. Đó là chưa nói 2 nơi này có cùng một lãnh tụ tinh thần của người Công giáo miền Bắc từ năm 1954 đến 1967, là Giám mục Thaddeus Lê Hữu Từ, Giám quản Tông tòa hạt đại diện của cả hai nơi này qua từng thời kỳ.
Sự mâu thuẫn giữa tổ chức Việt Nam Công giáo Cứu Quốc và Việt Minh tăng dần, dẫn đến những va chạm bằng vũ khí. Theo tài liệu Gibbs, "Battle of Indo-China", Giám mục Lê Hữu Từ đã có một đội dân quân kháng Pháp và cũng để bảo vệ giáo dân trước Việt Minh, con số được ước tính trong sách nói có lúc đã lên đến 6.000 người. Ủng hộ và yểm trợ cho ngài về mặt chiến sự, được biết có ông Ngô Cao Tùng, chức danh thiếu tá, có nguồn gốc là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Lực lượng vũ trang của ông Tùng được ước tính cũng có khoảng 1.700 người.
Đây là một tình cảnh không khác gì với Phật giáo Hòa Hảo ở miền Nam Việt Nam. Một mặt chống Pháp đòi độc lập, nhưng mặt khác người yêu nước phải luôn đề phòng Việt Minh tiêu diệt mình để gồm thâu về một mối cho chủ nghĩa cộng sản. Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ, người sáng lập đạo Hòa Hảo, đã cho hình thành Lực lượng Vũ Trang Hòa Hảo (1945), mà tiền thân là Đội Bảo An, sau đó có thêm lực lượng Hòa Hảo Dân Xã của tướng Trần Văn Soái (tức Năm Lửa) sát nhập vào nhằm bảo vệ mình, cũng như cho cuộc kháng Pháp.
Tháng 10/1949, người Pháp bất ngờ nhảy dù đổ bộ xuống đồng Lưu Phương, sát cạnh khu an toàn Phát Diệm, không ai trở tay kịp vào lúc đó. Và cũng chính vì lý do này mà Việt Minh coi hai vùng Bùi Chu-Phát Diệm là ngầm theo Pháp chống lại Việt Minh. Dĩ nhiên đó âm mưu chính trị, mà sau 1954, người công giáo ở Bùi Chu - Phát Diệm còn ở lại miền Bắc bị rơi vào hoàn cảnh khốn khó hơn hết dưới sự kiểm soát của chính quyền Bắc Việt cộng sản.
Theo tài liệu "Thái độ của các Giám mục miền Bắc đối với Cộng sản từ 1945 đến 1954" do nhà chép sử Công giáo Vũ Sinh Hiên ghi lại cho thấy, dù ở trong vùng Pháp kiểm soát, nhưng suốt trong thời gian đó, Giám mục Lê Hữu Từ vẫn luôn bày tỏ sự bất mãn và chống đối công khai với người Pháp và vua Bảo Đại. Năm 1951, nhân kỷ niệm 300 năm ngày sinh thánh Jean Baptiste de la Salle, Giám mục Lê Hữu Từ đã lấy cớ đó, đọc bài diễn văn nảy lửa, tuyên bố rằng "Người Pháp hãy ở yên tại Paris và Bảo Đại nên về lại Sài Gòn".
Nhưng dù vậy, đến 1954, khi người Pháp ra khỏi Bắc Việt, bắt đầu cuộc chia đôi đất nước, các giáo phận Bùi Chu-Phát Diệm vẫn nằm trong sự thù nghịch của chế độ mới. Tên gọi "những con quạ đen" được truyền thông Nhà nước Marxist đặt tên cho các linh mục và tuyên truyền từ đó. Và rồi, một chương khác đầy khổ nạn đã mở ra. Một chặng lịch sử vừa kiêu hãnh, vừa đau đớn của người Công giáo miền Bắc đã hằn nơi mảnh đất họ sinh sống, hằn nơi tiếng chuông nhà thờ và những phiến đá nham nhở, yếu ớt theo thời gian của các thánh đường, như thánh đường Bùi Chu vậy.
Và đó là một phần của câu chuyện dài, để giải thích thêm cho ý nghĩa Bùi Chu – Phát Diệm vì sao là lịch sử.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 09/05/2019 (tuankhanh's blog)