Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

10/05/2019

Chiến tranh lạnh Mỹ-Trung Quốc bắt đầu

Ngô Nhân Dụng

Cuộc chiến tranh mậu dịch Mỹ-Trung Quốc bước vào giai đoạn căng thẳng mới. Chính quyền Donald Trump có thể sẽ đánh thuế 25% trên tất cả các hàng hóa nhập cảng từ bên Tàu. Tập Cận Bình có thể phản kích. Nhưng mối quan hệ thương mại và kinh tế kéo dài nửa thế kỷ giữa hai nước đã thay đổi từ mấy năm nay rồi. Thế giới có thể bắt đầu một cuộc chiến tranh lạnh mới.

coolwar1

Một người Trung Quốc thử điện thoại iPhone trưng bày tại khu vực bán các sản phẩm của Apple cùng các thiết bị điện do Trung Quốc sản xuất tại một siêu thị ở Bắc Kinh hôm thứ Năm 9/5/2019. (Hình : AP Photo/Andy Wong)

Những người chủ trương cứng rắn (diều hâu) ỏ Mỹ tin rằng nếu nước Mỹ muốn giữ địa vị siêu cường thì phải chấm dứt không giúp Trung Quốc tiến lên cạnh tranh với mình. Phe diều hâu ở bên Tàu cũng nghĩ cần phải tự mình phát triển mà không để bị lệ thuộc vào giao thương với Mỹ. Cả hai đều hình dung một thế giới với hai khối kinh tế với hai trung tâm, sẽ cạnh tranh trong thế kỷ 21.

Trước mắt, cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ khiến hàng hóa trao đổi giữa hai nước giảm đi. Trung Quốc sẽ không thể trả đũa bằng cách đánh thuế quan, vì hầu hết số hàng nhập cảng từ Mỹ đã bị đánh thuế rồi. Họ sẽ tăng thuế trên nông phẩm mua từ Mỹ, tấn công vào các tiểu bang đã bầu cho Tổng thống Trump năm 2016. Họ sẽ đóng cửa thị trường tín dụng, với thương vụ 44.000 tỷ USD, không cho các ngân hàng Mỹ tham gia. Và các công ty Trung Quốc có thể ngưng cung cấp các bộ phận và vật liệu cho các công ty Mỹ, vì từ nay bị đánh thuế.

Người dân Trung Quốc được kích thích vì tự ái dân tộc đã hô hào nhau tẩy chay hàng hóa Mỹ, bắt đầu bằng iPhone của Apple, vì đã có những điện thoại di dộng làm trong nước. Nhưng có những sản phẩm đặc biệt Mỹ không bị tẩy chay, như các tiệm ăn KFC, Pizza Hut, hay nước ngọt Coca-Cola.

Dân Mỹ sẽ phải mua hàng Trung Quốc đắt hơn khi thuế quan mới 25% được áp dụng. Trong đợt tăng thuế quan năm ngoái, chính phủ Mỹ đã cố ý né tránh những món hàng Trung Quốc thuộc loại tiêu thụ trong giới bình dân, năm nay sẽ không thể tránh hết. Vì vậy các nhà bán lẻ lên tiếng chống chính sách cứng rắn của Tổng thống Trump.

Những món hàng sắp tăng giá gồm đồ điện tử, hóa chất, dùng trong các sản phẩm làm ở Mỹ. Trong số 6.000 món hàng sắp bị tăng thuế có một ngàn món là hóa chất, sử dụng trong công nghiệp.

Hàng tiêu thụ sẽ lên giá gồm nhiều thứ như cá, mật ong, rau dưa, trái cây, các túi xách và va li, đồ dùng thể thao, quần áo, chén bát, đèn điện, ca nô, laptop, điện thoại cho tới máy lạnh. Người Mỹ sẽ mua hàng nhập cảng từ các nước khác. Nhưng có những thứ hàng mà một nửa số tiêu thụ ở Mỹ mua từ nước Tàu, trị giá 100 tỷ USD, nhà bán lẻ không thể đi mùa từ nước khác ngay.

Trái với nhiều người suy nghĩ, các công ty Trung Quốc không đóng thuế quan cho chính phủ Mỹ, các nhà nhập cảng ở Mỹ phải đóng. Các nhà bán lẻ ở Mỹ có thể chấp nhận một phần thiệt thòi vì tăng thuế. Nhưng phần lớn sẽ do người tiêu thụ gánh chịu. Tính trung bình mỗi gia đình bốn người chỉ phải trả thêm 767 USD một năm vì thuế quan tăng lên ; có thể chỉ ảnh hưởng rất nhẹ trên ngân sách gia đình.

Nói chung, chiến tranh thương mại gây thiệt hại cho cả hai bên lâm chiến. Khi tính chung hậu quả trên hai nước thì Mỹ ở vị thế mạnh hơn trong cuộc chiến tranh mậu dịch mới, vì Trung Quốc bán hàng sang Mỹ nhiều hơn. Kinh tế Trung Quốc có thể bị sụt giảm từ 1,3% đến 2%, trong khi kinh tế Mỹ chỉ bị mất khoảng 0,3% nếu cuộc chiến tranh thương mại toàn diện xảy ra.

Cán cân lợi hại nghiêng về phía Mỹ, nhưng câu hỏi quan trọng là trong hai nước, nước nào có thể chịu đựng được những thiệt hại lâu dài hơn. Đặc biệt là chính quyền nước nào có thể chịu đựng được lâu hơn.

Nhưng dù không xảy ra chiến tranh thương mại, kinh tế hai nước Mỹ và Trung Quốc cũng đang trên đường tách khỏi nhau. Vì hai hệ thống chính trị và kinh tế khác nhau, hai nước lại biết rằng sớm muộn thế nào cũng phải chạy đua với nhau trên cả mặt quân sự.

Dù không có chiến tranh mậu dịch, Mỹ cũng đã lo Trung Quốc sử dụng bộ máy kinh tế nằm trong tay Đảng cộng sản Trung Quốc là một mối đe dọa. Mỹ đã cấm, và cảnh báo các đồng minh không nên dùng các sản phẩm của Huawei khi thiết lập hệ thống viễn thông mới 5G, vì trong đó có thể gài những bộ phận cho việc gián điệp. Chính phủ Mỹ có thể mở rộng phạm vi các sản phẩm liên quan đến "an ninh quốc gia" và cấm thêm các thứ hàng hóa khác. Một số nghị sĩ Mỹ còn yêu cầu chính quyền các địa phương không nên mua các toa xe lửa của nước Tàu, cũng lấy lý do nguy hiểm cho an ninh !

Một điều ai cũng thấy, là chính phủ Mỹ ngày càng thêm các rào cản ngăn không cho các công ty Trung Quốc đầu tư vào nước Mỹ, cũng vì lý do đó. Năm 2017 người Tàu đầu tư 29 tỷ USD vô Mỹ, năm ngoái chỉ còn 5 tỷ USD.

Trong năm 2018 nhiều vụ công ty Tàu mua các xí nghiệp ở Mỹ đã bị bác bỏ, tổng số tới 2,5 tỷ USD vì Cơ quan Kiểm soát Đầu tư Ngoại quốc (CFIUS) nêu vấn đề an ninh, họ sợ rằng khi các công ty Tàu làm chủ họ sẽ ăn cắp các kỹ thuật mới của Mỹ, nhiều thứ có thể dùng cho mục đích quân sự.

Mỹ đã hạn chế nhiều thứ hàng bán sang Tàu vì lo các kỹ thuật tân tiến trong đó bị ăn cắp. Nếu một kỹ sư làm cho một xí nghiệp được bán cho Tàu bàn với một người Trung Quốc làm cho cùng công ty về một vấn đề kỹ thuật, thì có vi phạm luật bảo vệ an ninh quốc gia hay không ?

Năm ngoái, CFIUS đã bắt ngưng không cho bán hai xí nghiệp Mỹ cho Trung Quốc vì an ninh quốc gia. Xí nghiệp nhỏ Grindr chỉ làm một chỗ "hẹn hò" cho những người Mỹ đồng tính ái ; nhưng người ta lo rằng nếu công ty Trung Quốc làm chủ họ sẽ sử dụng các thông tin trong đó mà làm áp lực trên những người đồng tính ái, bắt họ làm gián điệp, trong đó có thể có các viên chức chính phủ hay quân đội. Công ty lập mạng xã hội PatientsLikeMe đã bán cho Trung Quốc rồi, cuộc mua bán cũng bị CFIUS hủy bỏ, vì trên mạng này có các thông tin về bệnh tật của các thân chủ người Mỹ ! Không biết Trung Quốc sẽ làm gì với các thông tin cá nhân đó !

Mối lo an ninh của chính phủ Mỹ cũng ảnh hưởng lên các cuộc trao đổi các nhà khoa học và sinh viên du học. Trước đây sinh viên Trung Quốc chiếm một phần ba số sinh viên ngoại quốc ở Mỹ, đặc biệt là trong các ngành khoa học, kỹ thuật, nay chỉ còn khoảng 10%. Tháng Hai vừa qua, một giáo sư Trung Quốc, ông Pan Jianwei, được tặng một giải thưởng của AAAS, hội khoa học lớn nhất nước Mỹ, nhưng ông ta và các người cộng sự bị cấm không được sang Mỹ lãnh giải.

Với những hạn chế cộng tác về khoa học, kỹ thuật như trên, các công ty Trung Quốc biết rằng họ phải tự lo lấy chứ không để bị lệ thuộc vào việc mua các sản phẩm tri thức của người Mỹ.

Các công ty sản xuất điện thoại của Trung Quốc đang dùng hệ thống điều khiển Android của Alphabet, công ty mẹ của Google. Các công ty làm điện thoại bên Tầu cũng đang sản xuất những "app store" bán các áp dụng của riêng họ, nhưng vẫn lệ thuộc vào Android. Nhưng hiện nay Huawei đang lo làm một hệ thống điều khiển khác, đề phòng chính phủ Mỹ không cho Alphabet bán nữa. Với đà này, thị trường viễn thông trong tương lai có thể chia thành hai khu vực ảnh hưởng, của Mỹ và của Trung Quốc.

Tình trạng phân ly lưỡng cực này đã bắt đầu, dù có chiến tranh mậu dịch hay không. Dù trận đấu giữa Donald Trump với Tập Cận Bình kết thúc thì hai quốc gia vẫn chạy đua ráo riết.

Hiện tượng chia cắt đáng kể nhất là trong lãnh vực nghiên cứu về "Trí khôn nhân tạo" (artificial intelligence) mà hai nước Mỹ và Trung Quốc đang giành nhiều tài nguyên hơn các nước khác. Nhưng nếu các nhà nghiên cứu hai nước không thể hợp tác với nhau vì cuộc chiến tranh lạnh thì cả thế giới sẽ bị thiệt thòi. Vì họ khó cùng ấn định các tiêu chuẩn chung, dùng cho tất cả mọi người, giống như không nói cùng một thứ ngôn ngữ vậy ! 

Ngô Nhân Dụng

Nguồn : Người Việt, 10/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 643 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)