Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/05/2019

Chưa đối thoại Mỹ-Việt 2019 đã vi phạm nhân quyền !

Nhiều tác giả

Sáng 13/5 : Chưa đối thoại Mỹ - Việt 2019 đã vi phạm nhân quyền !

Mai ThanhVNTB, 14/05/2019

Thêm một lần nữa, chính thể độc đảng độc trị ở Việt Nam đã vi phạm trắng trợn quyền con người và quyền công dân ngay trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt 2019.

nq1

Phái đoàn đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ do ông Scott Busby (giữa) gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội dân sự ở Sài Gòn vào sáng 13/5/2019.  Ảnh : Bác sĩ Nguyễn Đan Quế.

"Sáng nay tôi ra khỏi nhà thì bị một lực lượng an ninh đông đảo chặn lại, cấm ra khỏi nhà cả ngày hôm nay và sáng mai.

Lý do là vì tôi được phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ mời gặp vào sáng mai để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019.

Nhân khi các anh em an ninh mời tôi ngồi nói chuyện, tôi thẳng thắn cho biết việc ngăn chặn tôi đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay. Vì vậy, nếu tôi không thể ra khỏi nhà vì lý do đó thì còn tốt hơn ngàn lời mà cơ quan an ninh sợ tôi nói ra.

Anh an ninh của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh giải thích rằng họ cấm tôi đi vì lẽ ra các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp tôi.

Tôi cười hỏi lại tôi đang ở tù hay đang là công dân tự do, và có luật nào yêu cầu điều đó không. Anh ấy không trả lời được. Tuy nhiên, sau đó tôi kiểm tra lại thì biết rằng anh ấy nói sai sự thật, vì việc phái đoàn Mỹ gặp tôi đã được thông báo cụ thể cho các bộ liên quan của Việt Nam một cách đàng hoàng…".

Luật sư Lê Công Định ‘tố’ như thế trên facebook của anh.

Định là một trong những khách mời của cuộc gặp giữa phái đoàn Vụ Dân chủ, Lao đông và Nhân quyền thuộc Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, dẫn đầu bởi ông Scott Busby - Trợ lý ngoại trưởng - đến Việt Nam để tiến hành cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt 2019, với một số nhà hoạt động xã hội dân sự độc lập tại nhà riêng của Bác sĩ Nguyễn Đan Quế ở Sài Gòn vào buổi sáng ngày 13/5/2019.

Cùng bị công an ngăn chặn thô bạo còn có anh Phạm Bá Hải - điều phối viên của Hội Cựu tù nhân lương tâm Việt Nam.

Vào tháng 5/2017 khi đoàn đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt của Trợ lý ngoại trưởng Virginia Bennett đến Sài Gòn sau khi kết thúc đối thoại, Bác sĩ Nguyễn Đan Quế đã bị đến hai chục công an vây chặn tại nhà riêng nhằm không cho ông tiếp xúc với phái đoàn Hoa Kỳ.

Nhưng vào lần này và khác với bà Bennett, đoàn của Trợ lý ngoại trưởng Scott Busby đã tiếp xúc và tham vấn ý kiến của các nhà hoạt động nhân quyền trước khi cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt diễn ra tại Hà Nội.

Cả hai nhà hoạt động nhân quyền gặp được phái đoàn Hoa Kỳ là Bác sĩ Nguyễn Đan Quế và nhà báo Phạm Chí Dũng - Chủ tịch Hội nhà báo độc lập Việt Nam - đều có chung ý kiến ‘không thể tin và chẳng có cơ sở nào để tin những lời hứa hẹn hay cam kết của chính quyền Việt Nam về cải thiện nhân quyền’. Bằng chứng quá rõ ràng là sau hàng chục kỳ đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt, điều được xem là ‘thành tích cải thiện nhân quyền’ của chính quyền Việt Nam không những không khá hơn mà còn tồi tệ hơn hẳn.

Một số viên chức Hoa Kỳ có lẽ chưa có mấy kinh nghiệm về các thủ thuật trả treo nhân quyền của giới lãnh đạo Việt Nam, về những lời hứa hẹn chung chung và xảo ngôn của trưởng đoàn đối thoại nhân quyền Việt Nam - một quan chức chỉ ở cấp vụ trưởng Bộ Ngoại giao và năm nào cũng có nhiệm vụ thông báo những lời hứa hẹn không hề được bảo chứng như thế.

Sau khi Thủ tướng Phúc kết thúc cuộc gặp với Tổng thống Trump ở Mỹ vào tháng 5 năm 2017 mà đã không nhận được tín hiệu nào về Hiệp định thương mại song phương Việt - Mỹ, thậm chí còn bị Trump "đòi nợ" về tình trạng nhập siêu quá nhiều của Mỹ đối với Việt Nam trong lúc Trump lại gần như không quan tâm đến vấn đề nhân quyền, giới cầm quyền Việt Nam đã bắt bớ đến gần ba chục nhà hoạt động nhân quyền chỉ riêng trong năm 2017, đồng thời đưa ra xử tù cực kỳ nặng nề đối với họ.

Sang năm 2018, tình hình vẫn chưa thể khả quan hơn. Cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt thường niên vẫn diễn ra tại Washington nhưng có vẻ vẫn bế tắc. Mặc dù khi đó đã nhận được tín hiệu ‘cho qua cầu’ của Liên Hiệp Châu Âu (EU) về EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam), chính quyền Việt Nam vẫn chỉ thả nhỏ giọt vài tù nhân bất đồng chính kiến như luật sư Nguyễn Văn Đài và blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Sau nhiều năm quần quật nếm trải với Việt Nam về nhân quyền, rốt cuộc có vẻ Hoa Kỳ đã rút ra một bài học đắt giá: đặc tính của chính quyền Việt Nam là luôn dùng tù nhân lương tâm để mặc cả về các hiệp định kinh tế, thương mại và viện trợ. Nhưng khi đạt được mục đích của mình, chính quyền Việt Nam lập tức trở mặt và bắt bớ người hoạt động nhân quyền.

Các nhà hoạt động nhân quyền đã đề nghị kết quả của Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt cần được chi tiết hóa bằng biên bản, trong đó nhấn mạnh những nội dung mà phía Việt Nam cam kết sẽ cải thiện nhân quyền nhưng với mốc thời gian cụ thể để tránh tình trạng ‘lưỡi không xương nhiều đừng lắt léo’. Hơn nữa, biên bản này cần được ký xác nhận bởi một quan chức Việt Nam với chức vụ bộ trưởng.

Vào lần này và khác hẳn những lần đối thoại nhân quyền trước đây, Hoa Kỳ đang có hai ưu thế nổi bật: ngay phía tước là chuyến đi Mỹ dự kiến của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, với điều kiện ông ta kịp phục hồi sức khỏe. Những lợi ích về ‘can đảm bám Mỹ để khai thác dầu khí’, cố gắng duy trì giá trị xuất siêu lên tới 35 tỷ USD hàng năm của Việt Nam vào thị trường Mỹ và thể diện cá nhân khi được tiếp đón chính thức với nghi lễ dành cho nguyên thủ quốc gia có thể khiến Trọng phải nhân nhượng một số điều kiện nhân quyền được nêu ra từ Mỹ.

Ưu thế thứ hai của Hoa Kỳ được thể hiện một cách gián tiếp qua EVFTA mà có thể sắp được ký kết và phê chuẩn vào cuối tháng 6 năm 2019, với điều kiện chính thể Việt Nam phải chấp nhận gói cải thiện nhân quyền do Nghị viện Châu Âu đòi hỏi, bao gồm Việt Nam phải ký kết và phê chuẩn 3 công ước quốc tế còn lại về lao động và công đoàn độc lập, sửa đổi Bộ Luật Lao động một cách thực chất chứ không phải chỉ để đối phó, và có thể phải ban hành Luật về Hội…

Mặc dù một nửa số khách mời đã bị công an Việt Nam ngăn cặn thô bạo, nửa còn lại vẫn nói được những gì cần nói với phái đoàn đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ. Một cuộc gặp chia sẻ, ấm áp và khá nhiều thông tin.

Nếu Hoa Kỳ tận dụng được hai ưu thế lớn mà họ đang có trong tay, cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt năm 2019 có thể sẽ mang một sắc thái khác hơn và hy vọng hơn nhiều so với con số 0 tròn trĩnh hai năm trước đó.

Mai Thanh

Nguồn : VNTB, 14/05/2019

********************

Hội đồng Liên tôn : ‘Không có nhân quyền tại Việt Nam’

TN, Người Việt, 13/05/2019

Hội đồng Liên tôn Việt Nam nói với phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ rằng tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có tự do, dân chủ và nhân quyền.

nq2

Phái đoàn Liên tôn Việt Nam ngày 13/5/2019, chụp hình chung với phái đoàn Ngoại Giao Mỹ đến Việt Nam đối thoại nhân quyền. (Hình: FB Lê Quang Hiển)

Hôm Thứ Hai 13/5/2019, phái đoàn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đến Việt Nam đã gặp một số nhà hoạt động, tổ chức hội đoàn độc lập và tổ chức tôn giáo tại Sài Gòn trước khi họ đối thoại nhân quyền với nhà cầm quyền Việt Nam trong tuần này.

Theo bản tin của Hội đồng Liên tôn Việt Nam, trưa ngày 13/5/2019, phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ do ông Scott Busby, Cố vấn cao cấp Cục Dân chủ-Nhân quyền-Lao động Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời là trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đến thăm và làm việc với Hội đồng Liên tôn Việt Nam tại chùa Giác Hoa, Bình Thạnh, Sài Gòn.

Phía Hội đồng Liên tôn Việt Nam gồm các vị như Hòa thượng Thích Không Tánh ; Mục sư Lê Hoàng Hoa, ông Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa hảo), Linh mục Lê Xuân Lộc, bà Chánh trị sự Nguyễn Bạch Phụng (Cao Đài), Lê Quang Hiển (PGHH), Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân (Cao đài), Thượng tọa Thích Vĩnh Phước (Phật giáo), cùng một số vị khách mời đại diện cho các tổ chức khác là Linh mục Nguyễn Duy Tân, cô Ngọc Linh, Liên đoàn Lao động Việt tự do, ông Nguyễn Thiện Nhân, Hội Nhà báo Độc lập và ông Trương Văn Kim, tù nhân lương tâm.

Bản tin viết tóm tắt cuộc tiếp xúc cho biết : "Hòa thượng Thích Không Tánh đại diện Hội đồng Liên tôn Việt Nam tường trình chung của Hội đồng Liên tôn Việt Nam và kiến nghị gởi đến phái đoàn, tiếp theo Linh mục Nguyễn Duy Tân nói rằng những ai nói Việt Nam có tự do tôn giáo là không đúng sự thật, Linh mục Lê Xuân Lộc nói có vài linh mục vì lên tiếng về quyền con người và tự do tôn giáo thì không được nhà cầm quyền cấp passport, Chánh trị sự Nguyễn Kim Lân thì cho rằng vụ đàn áp Chánh trị Sự Hứa Phi, ngăn cản không cho vô Sài Gòn tham dự cuộc gặp hôm nay là một bằng chứng hùng hồn về Việt Nam không có tự do tôn giáo, Mục sư Nguyễn Hoàng Hoa đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ quan tâm về nhân quyền khi bang giao với chánh phủ Việt Nam, Đạo huynh Lê Văn Sóc nói tại Việt Nam không có tự do, dân chủ và nhân quyền".

nq3

Nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự gặp gỡ phái đoàn Hoa Kỳ trước đối thoại Việt -Mỹ - SBTN

Đồng thời "các vị khách mời cũng nêu lên ý kiến của mình, cô Ngọc Linh nói Việt Nam chưa có công đoàn lao động độc lập, thỉnh cầu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ can thiệp trả tự do cho tù nhân lương tâm Trương Minh Đức và Hoàng Đức Bình, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng tình hình nhân quyền Việt Nam thật tồi tệ và chưa có tự do báo chí, các facebooker liên tục bị đe dọa đàn áp".

Cũng được mời đến để phái đoàn Hoa Kỳ nghe những người từng là và hiện cũng đang là nạn nhân của tình trạng đàn áp nhân quyền của chế độ Hà Nội, nhưng bị cấm ra khỏi nhà là Luật sư Lê Công Định, và như trên đề cập trong bản tin của Hội đồng Liên tôn là Chánh trị sự Hứa Phi của đạo Cao đài đã bị lực lượng Công An canh giữ chặt chẽ tại nhà.

"Nhân khi các anh em an ninh mời tôi ngồi nói chuyện, tôi thẳng thắn cho biết việc ngăn chặn tôi đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay. Vì vậy, nếu tôi không thể ra khỏi nhà vì lý do đó thì còn tốt hơn ngàn lời mà cơ quan an ninh sợ tôi nói ra". Luật sư Lê Công Định thuật lại những lời ông nói với viên chức an ninh cấm ông ra khỏi nhà, và cho hay trên trang facebook cá nhân rằng, dù bị công an ngăn chặn, ông vẫn nói chuyện qua điện thoại với phái đoàn Mỹ, kể tất cả những gì ông thấy cần phải nói với họ.

Giữa tháng Ba vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới. Trong đó, bản phúc trình vẫn cáo buộc như những năm trước là chế độ Hà Nội tiếp tục đàn áp các người bất đồng chính kiến khi bỏ tù tùy tiện, ngược đãi tù nhân, siết chặt các quyền bày tỏ trên mạng, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội…

Bản phúc trình nêu ra các trường hợp cụ thể chứng tỏ chế độ Hà Nội trước nay vẫn nói một đàng làm một nẻo về nhân quyền. Phản ứng lại, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam luôn luôn cho phát ngôn viên Bộ Ngoại giao kêu là "không khách quan". (TN)

*****************

Công an Việt Nam chặn một số nhà hoạt động, chức sắc gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (RFA, 13/05/2019)

Một số các nhà bất đồng chính kiến tại Sài Gòn và các tỉnh bị công an, an ninh ngăn chặn, cấm cản, không thể đến gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ theo lời mời gặp vào sáng ngày 13/5/2019, để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019.

nq1

Một số các nhà bất đồng chính kiến tại Sài Gòn đến được nơi gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Courtesy BS Nguyễn Đan Quế

Một trong những người bị ngăn cản là Chánh trị sự đạo Cao Đài chân truyền, ông Hứa Phi, và cũng là đồng Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam cũng bị Công an Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng ngăn chặn. Ông cho Đài Á Châu Tự Do biết sự việt như sau :

"Trong chương trình người ta biết ngày 13/5 xuống Sài Gòn gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Hội đông Liên tôn Việt Nam. Bốn ngày nay, tôi bị Công an cộng sản Việt Nam ở Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng canh tôi liên tục và liên tục cho nên tôi không thể xuống Sài Gòn gặp Lãnh sự quán Hoa Kỳ cũng như Cục Dân chủ Nhân quyền mời. Công an chặn quanh nhà tôi, tôi ra đi thì công an đem những vật cản đến chặn cửa nhà tôi như giường bố, bàn ghế… Tuy tôi không đi được nhưng tôi cũng đã ủy quyền cho một số vị trong đạo Cao đài xuống dự".

Một cựu tù nhân lương tâm tại Sài Gòn, là Luật sư Lê Công Định, cũng viết trên trang cá nhân về tình trạng bị công an, an ninh ngăn cản cấm ra khỏi nhà từ trước cuộc gặp 2 ngày.

Lý do mà an ninh của Sở Công an Thành phố Hồ Chí Minh cấm Luật sư Lê Công Định đi ra khỏi nhà, được cho biết là các nhà ngoại giao Mỹ phải xin phép nhà nước Việt Nam trước khi gặp ông.

Luật sư Lê Công Định viết rằng, ông đã thẳng thắn nói với công an việc ngăn chặn đến dự buổi họp mặt sẽ gửi một thông điệp tệ hại về tình trạng nhân quyền hiện nay của Việt Nam.

Theo Luật sư Lê Công Định, việc cấm ông ra khỏi nhà đã trái với Điều 23 của Hiến pháp năm 2013, trong đó nêu rõ : "Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định".

Ngoài Luật sư Lê Công Định và Chánh trị sự đạo Cao Đài Hứa Phi còn một số nhà hoạt động khác được mời đến gặp Phái đoàn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ để trao đổi ý kiến trước cuộc đối thoại nhân quyền Mỹ-Việt 2019, như Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, ông Phạm Bá Hải.v.v… Tuy nhiên, Đài Á Châu Tự Do tạm thời chưa thể liên lạc được với các nhà hoạt động này.

Lâu nay, mỗi khi những phái đoàn Phương Tây như Hoa Kỳ và Liên Minh Châu Âu-EU có những cuộc gặp với các thành phần hoạt động, đấu tranh cho dân chủ- nhân quyền tại Việt Nam thì hầu như những thành phần được mời bị an ninh Hà Nội ngăn chặn. Nhiều người phải tìm cách trốn trước ra khỏi nhà mới có thể được chỗ gặp.

Quay lại trang chủ
Read 543 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)