Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

14/05/2019

Chỉ ký Công ước 98, còn 2 công ước quốc tế còn lại bỏ đâu ?

Thường Sơn

Sau gần một tháng ‘Tổng tịch’ vẫn kiên định ‘mất tích’ kể từ biến cố có thể là khá ghê gớm về tai biến mạch máu não tại ‘nhà Ba Dũng’ ở Kiên Giang, báo đảng bất chợt ồn ào đưa tin về ‘Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ trình Quốc hội phê chuẩn Công ước 98 vào 29/5’.

conguoc1

Cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ.

Vì sao Công ước 98 lại quan trọng đến mức được Nguyễn Phú Trọng chọn như một sự kiện vào ngày ‘ra mắt’ của ông ta ?

Công ước 98 có 3 nội dung cơ bản : bảo vệ người lao động và công đoàn trước các hành vi phân biệt đối xử chống công đoàn của người sử dụng lao động; bảo vệ tổ chức của người lao động không bị can thiệp, thao túng bởi người sử dụng lao động; những biện pháp thúc đẩy thương lượng tập thể, tự nguyện, thiện chí.

Công ước 98 là một trong 3 công ước quốc tế còn lại về lao động, liên quan mật thiết đến Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và công đoàn độc lập mà nhà nước Việt Nam chây ì từ quá lâu mà chưa chịu ký kết.

Tại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ, các nghị sỹ đã đòi hỏi 3 công ước còn lại của ILO cần phải được Việt Nam ký chính thức trước khi EU bỏ phiếu chấp thuận EVFTA (Hiệp Định Thương Mại Tự Do Châu Âu-Việt Nam).

Chỉ sau khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 mà nguồn cơn thực chất là vô số vi phạm nhân quyền chưa từng được cải thiện của Hà Nội, mãi đến tháng 4 năm 2019 chính thể Việt Nam mới buộc phải nhượng bộ trước Liên Minh Châu Âu (EU) về ký và phê chuẩn ít nhất Công ước 98 trong số 3 công ước chưa ký.

Với Nguyễn Phú Trọng, EVFTA có tầm quan trọng rất lớn, nếu không muốn nói là mang tính sống còn đối với nền kinh tế đang bế tắc và nền ngân sách đang lao nhanh vào hội chứng hộc rỗng ở Việt Nam. Nếu không có được EVFTA, đảng của Nguyễn Phú Trọng sẽ rơi vào tình cảnh ‘hết tiền hết bạc hết ông tôi’ sớm hơn.

Nhưng vì sao chỉ có thông tin về chính thể Việt Nam sẽ ký và phê chuẩn Công ước 98 mà không nói gì đến hai công ước quốc tế còn lại về lao động? Phải chăng chính thể này đang tìm cách qua mặt Liên Hiệp Châu Âu, ký cho có để đạt được mục tiêu có được EVFTA?

Khỏi phải nói là 3 công ước lao động còn lại thể hiện mối ‘an nguy’ đến thế nào đối với chế độ cầm quyền ở Việt Nam, vì những công ước này, đặc biệt là công ước về quyền tự do lập hội, liên quan mật thiết đến công đoàn độc lập - một định chế mà từ lâu chính quyền Việt Nam đã luôn gán ghép nó với tổ chức Công đoàn Đoàn Kết ở Ba Lan vào những năm 80 của thế kỷ XX, để từ đó quy kết cho công đoàn độc lập là nhằm thu hút, tập hợp số đông công nhân để lật đổ chính quyền.

Chiến thuật ‘câu giờ’ của chính quyền Việt Nam liên quan đến việc ký 3 công ước quốc tế về lao động là rất rõ. Hứa hẹn ‘sẽ ký’ từ trước cuộc điều trần ở Bỉ cho tới nay vẫn chỉ là một lời hứa chẳng có giá trị gì. Trong khi đó, Việt Nam vừa âm thầm vừa công khai vận động một số nước Châu Âu nhằm tác động đến Nghị viện Châu Âu để sớm thông qua EVFTA, với toan tính rằng nếu việc thông qua này diễn ra sớm trong nửa đầu năm 2019 thì Việt Nam sẽ có luôn EVFTA trong tay mà chẳng phải ký thêm bất kỳ một công ước quốc tế lao động nào.

Hãy nhớ lại cuộc điều trần về chủ đề EVFTA - nhân quyền do Ủy ban Thương mại quốc tế Châu Âu tổ chức vào ngày 10 tháng Mười năm 2018 tại Brussels, Bỉ. Khi đó, bà Granwander Hainz đã chỉ thẳng ra rằng những lời hứa về ILO của Việt Nam chỉ là lời hứa suông từ trước giờ vì chưa có gì được thực hiện, cũng như các cam kết về nhân quyền chỉ toàn có tiêu đề mà không có nội dung cụ thể.

Còn John Sifton, Giám đốc Vận động, Ban Á Châu của Human Rights Watch, đã hoàn toàn đúng khi nhận định: "Vội vàng thông qua hiệp định thương mại với Việt Nam sẽ là một sai lầm lớn. Làm như vậy là tưởng thưởng cho Việt Nam trong khi nước này chẳng làm gì cả, thông qua EVFTA là đánh đi một thông điệp tệ hại cho thấy những cam kết mà Liên Hiệp Châu Âu đã đưa ra trước đây là dùng thương mại như một công cụ để quảng bá nhân quyền trên toàn cầu không còn đáng tin".

"Hội đồng Châu Âu và Nghị viện Châu Âu cần gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng không thể phê chuẩn hiệp định EVFTA cho tới khi nào nhà nước Việt Nam có thái độ nghiêm túc muốn giải quyết những lo ngại về nhân quyền", ông Sifton nói. "Việt Nam nên hiểu rằng nếu Châu Âu trì hoãn hiệp định này thì đó là do lỗi của Hà Nội, chứ không phải của Brussels".

Thường Sơn

Nguồn : VNTB, 14/05/2019

Quay lại trang chủ
Read 549 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)