1. Facebooker có nick Tran Thanh Chuong ngày 4/5/2019 có bài viết chạy tội cho một sự kiện đớn hèn, tội lỗi của Đảng cộng sản Việt Nam. Để tăng độ tin cậy vào những điều lừa dối trong bài viết Phải hiểu cho đúng về Hội nghị Thành Đô, dư luận viên này tự nhận là bác sĩ, nhà thơ, nhà văn và "tôi có người bạn thân làm việc ở Bộ ngoại giao từ những năm 1980. Về sau, anh là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một nước Châu Âu. Qua anh, tôi biết được khá nhiều điều bí mật và tế nhị phía "hậu trường" liên quan đến sự kiện này"
Các ông Lý Bằng và Giang Trạch Dân đóng vai trò quan trọng tại Hội nghị Thành Đô
Rồi Dư luận viên Tran Thanh Chuong lên giọng tuyên giáo cấp phường :
"Tuyệt đại đa số nhân dân trong nước tin tưởng vào lãnh đạo Đảng ta thời đó thì đánh giá : Hội nghị này đóng vai trò tích cực và có lợi cho Việt Nam".
"Theo đánh giá của tôi, Hội nghị là kết quả tất yếu đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tình thế đất nước ta thời đó. Nó được tiến hành sòng phẳng, vị thế hai bên ngang ngửa, cả Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên giành thắng lợi lớn hơn cả là Việt Nam. Vì :
- Nhờ chấm dứt chiến tranh, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tiến tới cắm mốc biên giới để từ đó Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của nước ta.
- Phái Khmer đỏ dần dần bị loại bỏ, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen do ta ủng hộ vẫn vững mạnh nhiều năm qua. Đất nước Campuchia hòa bình, biên giới Tây Nam ổn định.
- Hội nghị là tiền đề giúp ta thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, sau đó tiến tới xóa bỏ hoàn toàn bao vây và cấm vận kinh tế.
- Chấm dứt chiến tranh không những quân đội ta chấm dứt đổ máu mà còn tạo điều kiện cho ta giảm quân từ 1,5 triệu xuống còn 0,5 triệu, giảm chi phí quân sự, tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế để nước ta có được vị thế như ngày nay.
Vậy thì, có thể gọi Hội nghị Thành Đô là một Hiệp định Hòa Bình ký kết cho cả ba dân tộc Việt-Trung-Khmer. Giá trị lịch sử của nó chẳng kém gì hai Hội nghị : Giơ-ne -vơ (1954) và Pa-ri (1973). Nếu Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ lập lại hòa bình cho nước ta một thời gian ngắn, Hiệp định Pa-ri chỉ có tác dụng buộc Mỹ rút quân về nước, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra, thì Hội nghị Thành Đô là cơ sở kiến tạo hòa bình lâu dài, bền vững cho cả ba nước đến tận bây giờ".
Suốt mấy chục năm qua, suốt mấy thế hệ người Việt bị tuyên giáo cộng sản lừa dối cho ăn bánh vẽ, nhiều người đã tỉnh ra, dễ dàng nhận ra ở bài viết Phải hiểu cho đúng về Hội nghị Thành Đô giọng tuyên giáo, giọng dư luận viên bóp méo sự thật, tuyên truyền lừa dối, răn dạy người dân như cô giữ trẻ răn dạy đám con nít ở lớp mẫu giáo. Nhưng phải ăn bánh vẽ mãi, nhiều người đã thành con nghiện, thành tín đồ bánh vẽ và Phải hiểu cho đúng về Hội nghị Thành Đô có tới hơn 2 K like, hơn 1,3 K share và tới tấp những lời tấm tắc "Một bài viết thấu đáo dù anh không là người trong cuộc. Bài viết đã làm rõ mà trên hết ta đã thấy kết quả lập lại hòa bình và những bước phát triển như ngày nay ! Một vị tướng trận mạc trong bốn cuộc chiến tranh hiểu rất rõ nên đã có những hành động đúng và đầy trách nhiệm với dân tộc" Và "Nhờ bài viết của anh mà em hiểu thêm công lao to lớn của nguyên chủ tịch nước Lê Đức Anh, ông xứng đáng được nhân dân cả nước mang ơn và ngưỡng mộ".
Đến kỉ nguyên tin học, mạng xã hội ra đời làm cho tuyên giáo cộng sản không còn độc quyền thông tin, không thể mặc sức dối trá được nữa mà một dư luận viên cấp phường vẫn nhâng nháo vào mạng xã hội, trợn trạo bịp bợm và vẫn có nhiều người háo hức, sung sướng ăn bánh vẽ cộng sản thì quá thảm hại. Thảm hại như chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam Hữu Thỉnh viết bài tâng bốc thứ thơ thiền ba xu của nhà thơ dỏm Hoàng Quang Thuận. Thảm hại như "Nhà báo quốc tế" dỏm Lê Hoàng Anh Tuấn được hết trường trung học nọ đến viện nghiên cứu kia rải thảm đỏ đón rước. Thảm hại đến mức từ lãnh đạo hội nhà báo quốc gia đến chủ tịch hội nhà báo tỉnh cùng hí hửng tháp tùng, cùng vênh váo công kênh đưa "nhà báo quốc tế" dỏm đi khắp nơi lừa bịp.
Vì sự thảm hại đó, dù hơn tuần sau tôi mới đọc những lời lừa dối của bài viết Phải hiểu cho đúng… tôi phải viết những dòng này.
2. Trước hết, cuộc đi đêm Thành Đô là chuyện riêng, kín mít ở cấp chóp bu của Đảng cộng sản Việt Nam. Chuyện riêng của mấy ông Bộ Chính trị Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Đức Anh... và mấy ông già cố vấn Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Võ Chí Công... Chuyện riêng của hai đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc chứ không phải chuyện của hai nhà nước. Cơ quan đứng ra lo bảo đảm kĩ thuật cho chuyến đi đêm lén lút, tội lỗi này là ban Đối ngoại của đảng. Bộ Ngoại giao của nhà nước bị gạt ra rìa. Những người nắm giữ vị trí trọng yếu nhất ở Bộ Ngoại giao như Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, Thứ trưởng Trần Quang Cơ cũng phải ngồi nhà và chỉ được chứng kiến những chuyện đã rồi. Vì đớn hèn và ô nhục, nội dung thỏa thuận Thành Đô năm 1990 đến nay vẫn phải niêm phong kín mít, chưa dám hé ra một chi tiết nhỏ. Đến những ông bà ủy viên ban chấp hành trung ương của các khóa từ 1990 đến nay còn mù tịt thì ông cán bộ vô danh những năm 1980 mới ngơ ngác về Bộ Ngoại giao làm sao có thể biết "nhiều điều bí mật và tế nhị phía "hậu trường".
Hư cấu ra nhân vật "người bạn thân làm việc ở Bộ Ngoại giao" chỉ để ông dư luận viên mang danh "bác sĩ", "nhà thơ, nhà văn" có cớ vẽ ra bức tranh "Hội Nghị Thành Đô" rực rỡ màu hồng bằng trò lừa bịp sống sượng và cũ rich của tuyên giáo cộng sản "cả Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên giành thắng lợi lớn hơn cả là Việt Nam" !
3. Tháng 9/1989, trước cuộc gặp Thành Đô một năm, quân đội Việt Nam đã hoàn toàn rút hết khỏi Campuchia, kết thúc mười năm cuộc sa lầy quân sự đẫm máu ở Campuchia. Tháng 9/1989, trước cuộc gặp Thành Đô một năm, chiến sự ở biên giới Việt-Trung cũng hoàn toàn chấm dứt, kết thúc cuộc chiến tranh mười năm Trung Quốc xâm lược Việt Nam. Ngày đó còn làm biên tập ở xưởng phim Quân đội Nhân dân Việt Nam, tôi đã dẫn một tổ điện ảnh mang máy quay phin Konvat của Nga đi quay phim tư liệu quân Việt Nam rút khỏi Campuchia. Đơn vị lính Quân khu V rút về nước có cả mấy người đàn bà Campuchia vợ lính ôm con theo chồng ngồi trên thùng ô tô giữa những người lính Việt. Dừng chân ở Đà Nẵng, mỗi gia đình lính, chồng Việt vợ Miên được đưa đến ở tạm trong một gian nhà khách của Bộ Tư lệnh Quân khu V ở bãi biển Mỹ Khê. Những thước phim lịch sử đó nay còn trong kho phim tư liệu của Điện ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Vì vậy không có chuyện "Kết quả Hội nghị gồm hai phần được ký kết :
Phần thứ nhất : Chấm dứt xung đột biên giới giữa hai nước, bình thường hóa quan hệ Việt- Trung.
Phần thứ hai gồm bảy điều khoản về vấn đề Campuchia. Chủ yếu là : Các bên ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh. Quân đội Việt Nam rút hết về nước...
4. Trước sự sụp đổ liên hoàn của các nhà nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu, những trái tim xơ cứng và những cái đầu tăm tối, cuồng tín giáo điều cộng sản của lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam không biết đến thân phận đau thương của giống nòi Việt Nam trong nô lệ cộng sản, không biết đến đất nước Việt Nam tan hoang vì sự tàn phá của ấu trĩ, ngu dốt tham lam cộng sản, không biết đến tiến trình lịch sử của loài người đang phẫn nộ chôn vùi cái quái thai cộng sản vào hố rác lịch sử. Chỉ biết có đảng cộng sản, hốt hoảng lo mất ngai vàng vua tập thể, họ liền quên ngay tội ác của nhà nước cộng sản Trung Quốc với dân tộc, với lịch sử Việt Nam, kẻ vừa xua hơn nửa triệu quân tràn qua biên giới xâm lược Việt Nam, giết hàng chục vạn dân Việt Nam, kẻ vừa cướp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và cướp bảy bãi đá trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Họ ảo tưởng rằng Đảng cộng sản Trung Quốc với gần trăm triệu đảng viên là một sức mạnh to lớn của lực lượng cộng sản thế giới, là một cái cọc vững chắc cho Đảng cộng sản Việt Nam bấu víu trước bão táp nhân dân khi dân nổi can qua. Với ảo tưởng đó, Lê Đức Anh đã thốt ra lời :
"Mỹ và phương Tây muốn cơ hội này để xóa cộng sản. Nó đang xóa ở Đông Âu. Nó tuyên bố là xóa cộng sản trên toàn thế giới. Rõ ràng nó là kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm. Ta phải tìm đồng minh. Đồng minh này là Trung Quốc" (1).
Sợ cơn bão nhân dân loại bỏ cộng sản từ Liên Xô và Đông Âu sẽ lan tới Việt Nam, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã hành xử vô nguyên tắc, bỏ qua bộ máy nhà nước, phớt lờ Bộ Ngoại giao, nhân danh đảng hạ mình trực tiếp thậm thụt tiếp xúc với đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy và cùng viên đại sứ thiết kế ra cuộc đi đêm Thành Đô.
Đang trên giường bệnh nhưng khi được nghe báo cáo việc Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh hấp tấp hạ mình cầu cạnh Trương Đức Duy, cố vấn Lê Đức Thọ cũng phải thở dài :
"Việc anh Nguyễn Văn Linh và anh Lê Đức Anh gặp đại sứ Trung Quốc đã làm cho Trung Quốc cứng lên. Đáng lẽ không nên gặp" (2).
Còn cố vấn Phạm Văn Đồng thì nói rõ hơn :
"Trong cuộc họp Bộ Chính trị bàn về đàm phán với Trung Quốc, tôi đã nói tới ba lần là không được hớ, phải rất thận trọng với Trung Quốc. Đằng này các anh lại ngửa bài trước để họ biết hết... Trung Quốc họ nghĩ theo kiểu Đại Hán của họ và kết quả là họ ép mình. Ngoại giao là một vũ đài, phải giữ thế, không phải lúc nào cũng lật hết bài ra. Không thể đưa ngực ra cho nó đấm" (3).
5. Không khi nào vì đời sống nhân dân khó khăn do Mỹ cấm vận mà lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải vội vã bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để mở lối thoát cho nền kinh tế Việt Nam và mở cửa làm ăn cho người dân Việt Nam như sự dẫn dụ của dư luận viên cấp xã, cấp phường Tran Thanh Chuong. Với lãnh đạo cộng sản, đất nước chỉ là kho tài nguyên để họ vơ vét và nhân dân chỉ là bầy nô lệ để họ sử dụng như người nông dân sử dụng sức kéo của con trâu. Nhân dân chỉ là kho sức người để họ bóc lột và kho máu để họ làm chiến tranh củng cố và mở rộng lãnh thổ thống trị của họ mà thôi. Lịch sử cai trị của nhà nước cộng sản Việt Nam và của tất cả nhà nước cộng sản trên thế giới đã chứng minh đầy đủ điều đó. Nhà nước cộng sản Việt Nam vét của, vét máu dân ngày chiến tranh là "thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", ngày nay là tăng thuế, tăng giá vô tội vạ móc túi dân, hút máu dân bù vào ngân khố trống rỗng do làm ăn kém cỏi, thua lỗ và tham nhũng.
Lịch sử cận đại của Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan đã khẳng định muốn phát triển kinh tế, dân giầu, nước mạnh, đất nước hóa rồng, hóa hổ thì phải thiết lập mối quan hệ làm ăn đàng hoàng, văn minh, tin cậy với Mỹ và thế giới phương Tây, một quan hệ bình đẳng, sòng phẳng có luật pháp minh bạch và nghiêm ngặt. Còn vì ý thức hệ cộng sản, vì cái ngai vàng vua tập thể mà lẻn đi vào lối mòn ô nhục của Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống sang cầu cứu Trung Quốc để giữ ngôi vua tập thể thì chỉ giơ cổ ra nhận lấy cái dây xích chư hầu và rước họa Bắc thuộc về cho giống nòi. Nếu làm việc chính đáng vì dân vì nước thì Nguyễn Văn Linh, Lê Đức Anh đâu phải hấp tấp và lén lút tiếp xúc với Trương Đức Duy sau lưng Bộ Ngoại giao vậy.
6. Sau khi ngừng đấu súng ở biên giới Việt-Trung và sau khi quân đội Việt Nam rút hết khỏi Campuchia cũng là khi hệ thống nhà nước cộng sản Liên Xô và Đông Âu tan rã. Tình thế đó tạo ra cho hai Đảng cộng sản Việt Nam và Trung Quốc hai mối liên quan lớn. Mối quan tâm của Đảng cộng sản Việt Nam là cần gấp gáp bình thường hóa quan hệ giữa hai nhà nước Việt-Trung để Đảng cộng sản Việt Nam tìm liên minh, tìm sự bảo kê của đảng cộng sản đàn anh Trung Quốc hòng tồn tại trước xu thế của thời đại là rũ bỏ độc tài cộng sản khỏi đời sống chính trị thế giới. Còn Đảng cộng sản Trung Quốc lại chỉ quan tâm dành cho Khmer Đỏ do Trung Quốc nuôi dưỡng đã bị quân đội Việt Nam đánh cho tan tác vẫn có được vị trí ngang bằng với ba lực lượng chính trị khác trong cơ cấu quyền lực nhà nước Campuchia sau cuộc bầu cử dân chủ năm 1991.
Cuộc đi đêm Thành Đô tháng 9/1990 là cuộc giao kèo, đổi chác hai nội dung trên. Vì đầu óc tối tăm, tâm thế thấp hèn, Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã ngửa bài trước khi vào ván bài Thành Đô, đã bộc lộ sự hốt hoảng lo sợ mất ngai vàng vua tập thể, bằng mọi giá phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc để dựa vào Trung Quốc mà giữ ngai vàng cộng sản. Nguyễn Văn Linh và Lê Đức Anh đã đưa Đảng cộng sản Trung Quốc lên vị thế cứu tinh đối với số phận Đảng cộng sản Việt Nam. Từ vị thế cứu tinh đó, Đảng cộng sản Trung Quốc ép đoàn cộng sản Việt Nam đến Thành Đô do Nguyễn Văn Linh dẫn đầu phải chấp nhận mọi đòi hỏi của họ. Và Đảng cộng sản Việt Nam đã mang độc lập của đất nước, danh dự của tổ quốc, đất đai của giang sơn, tự hào của lịch sử, khí phách của giống nòi ra đánh đổi lấy bình thường hóa quan hệ Việt-Trung. Đảng cộng sản Việt Nam phải chấp nhận để Pôn Pốt, kẻ thua trận, ở vị thế ngang hàng với Hun Sen, người thắng trận, trong cơ cấu quyền lực nhà nước Campuchia.
Vì sự đổi chác ở Thành Đô ngu xuẩn, nhục nhã như vậy nên đến nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn phải giấu kín nội dung cuộc đổi chác Thành Đô như mèo giấu cứt.
Trong đoàn chư hầu ô nhục đi Thành Đô có Phạm Văn Đồng, cố vấn Ban Chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và ông cố vấn tóc bạc, mắt lòa phải có người dắt đi từng bước này phải ngậm ngùi nói về ông trưởng đoàn chư hầu, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh :
"Đã hớ, đã dại rồi mà còn nói đặt sự nghiệp cách mạng lên trên hết… Người lãnh đạo không nên làm như vậy. Với Trung Quốc, vừa qua không phải là chúng ta bình thường hóa, mà là chúng ta đã bị "phụ thuộc hóa" quan hệ" (4).
Còn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trần Quang Cơ thì nhìn nhận về cuộc gặp Thành Đô :
"Sở dĩ ta dễ dàng bị mắc lừa ở Thành Đô là vì chính ta đã tự lừa ta. Ta đã tự tạo ra ảo tưởng là Trung Quốc sẽ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa xã hội, thay thế cho Liên Xô làm chỗ dựa vững chắc cho cách mạng Việt Nam và chủ nghĩa xã hội thế giới, chống lại hiểm họa "diễn biễn hòa bình" của chủ nghĩa đế quốc do Mỹ đứng đầu. Tư tưởng đó đã dẫn đến sai lầm Thành Đô" và "Vì quá nôn nóng cải thiện quan hệ với Trung Quốc, đoàn ta đã hành động một cách vô nguyên tắc, tưởng rằng thỏa thuận như thế sẽ được lòng Bắc Kinh nhưng trái lại, thỏa thuận Thành Đô đã làm chậm việc giải quyết vấn đề Campuchia và do đó chậm việc bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, uy tín quốc tế của ta bị hoen ố" (5).
Cuộc đổi chác Thành Đô buộc Việt Nam phụ thuộc vào Trung Quốc đến mức ngày 5/8/1991, giữa cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng, Hồng Hà trưởng ban đối ngoại của đảng cộng sản cao giọng nhắc nhở cả bộ máy chính quyền :
"Từ nay trong quan hệ với Trung Quốc, các ngành cứ tập trung ở chỗ anh Trương Đức Duy (Đại sứ Trung Quốc), không cần qua sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh" (6).
7. Kí văn bản giao kèo đổi chác Thành Đô, lãnh đạo cộng sản Việt Nam chỉ có hồn cộng sản, hồn băng nhóm giang hồ cướp quyền con người, cướp quyền làm chủ đất nước của người dân, không có hồn Việt Nam, không có tư thế của lịch sử Việt Nam, của văn hóa Việt Nam :
"Như nước Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu"
(Nguyễn Trãi, Bình Ngô đại cáo).
Do đó đảng cộng sản vừa phải giấu kín văn bản đổi chác nhục nhã ở Thành Đô vừa phải tung đội ngũ dư luận viên đi lừa bịp "Hội nghị (Thành Đô) là kết quả tất yếu đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tình thế đất nước ta thời đó. Nó được tiến hành sòng phẳng, vị thế hai bên ngang ngửa, cả Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên giành thắng lợi lớn hơn cả là Việt Nam".
Người dân không được thấy câu chữ nhem nhuốc của văn bản bán linh hồn cho quỉ ở Thành Đô. Nhưng người dân thấy rõ thực tế ứng xử đớn hèn của nhà nước cộng sản Việt Nam với Trung Quốc từ sau Thành Đô 1990 và ứng xử đớn hèn đó đã tố cáo sự bán mình của Đảng cộng sản Việt Nam cho Đảng cộng sản Trung Quốc.
Với chính sách phụ thuộc, nô lệ vào nhà nước cộng sản Trung Quốc, với thân phận chư hầu, nhà nước cộng sản Việt Nam đã phản bội cha ông, phản bội lịch sử Việt Nam kí hiệp định biên giới 1999 dâng mười lăm ngàn cây số vuông đất biên cương cho Trung Quốc.
Từ sau 1990, tất cả bia đá, tượng đồng ghi nhớ chiến công của quân dân ta trong mười năm 1979 - 1989 chiến đấu chống quân Trung Quôc xâm lược bị đục bỏ. Bia ghi tội ác của quân Trung Quốc xâm lược bị xóa sạch. Pháo đài Đồng Đăng, Lạng Sơn lịch sử, nơi hàng trăm người dân Việt Nam chạy giặc ẩn náu đã bị quân Trung Quốc xả hơi độc, đánh thuốc nổ giết chết nay chìm trong lau lách hoang vu quên lãng
Nhà trường không được dạy học sinh, sinh viên những trang sử hào hùng của cha ông chống quân của các triều đại Trung Quốc xâm lược. Người dân tưởng niệm những người con yêu của Mẹ Việt Nam đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu giữ nước chống quân Trung Quốc xâm lược, người dân biểu tình chống những hành động Trung Quốc đang tiến hành xâm lược Việt Nam đều bị công cụ bạo lực nhà nước cộng sản Việt Nam đàn áp dã man.
Từ sau 1990, nhà nước cộng sản Việt Nam hoàn toàn bỏ ngỏ biển Việt Nam cho Trung Quốc làm chủ. Quân đội bảo vệ chủ quyền lãnh thổ đã khoanh tay đứng nhìn những đoàn tàu dân đánh cá Trung Quốc nhiều như là tre tràn vào biển Việt Nam, đến nhà nước cộng sản Việt Nam cũng im lặng coi Trung Quốc làm chủ biển Việt Nam như là điều bình thường, đương nhiên. Tàu vũ trang Trung Quốc tự do ngang dọc trên biển Việt Nam, đâm chìm tàu dân Việt Nam, giết hại dân Việt Nam cũng chỉ có người phát ngôn Bộ Ngoại giao lên tiếng "quan ngại" chiếu lệ. Nhà nước Trung Quốc công bố lệnh cấm dân Việt Nam đánh cá trên biển Việt Nam, nhà nước cộng sản Việt Nam cũng câm miệng hến chấp nhận. Chỉ có hội Nghề cá của dân lên tiếng phản đối yếu ớt.
Bỏ ngỏ biển cho Trung Quốc làm chủ Biển Đông. Mở rộng cửa đón người Trung Quốc vào tàn phá đất nước Việt Nam, đón hàng hóa Trung Quốc vào giết chết nền công nghiệp sản xuất hàng hóa Việt Nam, đón văn hóa Trung Quốc vào thiết lập trong tâm hồn người Việt Nam nền văn hóa chư hầu. Sách Vòng tròn bất tử ghi nhận ý chí chiến đấu của những người lính Việt Nam giữ đảo Gạc Ma bị cấm phát hành. Nhưng lại cho dịch, in ấn số lượng lớn và phát hành rộng rãi trên cả nước hàng loạt sách ca ngợi Đặng Tiểu Bình kẻ phát động cuộc chiến tranh biên giới 1979 giết hại hàng vạn người Việt Nam.
Những sĩ quan cao cấp của quân đội, của công an phải lần lượt nối nhau sang Trung Quốc ăn cơm Tàu, học sách Tàu, thay máu Đại Việt bằng máu chư hầu. Sĩ quan cấp tướng chỉ bộc lộ lòng yêu nước, bộc lộ ý chí giữ nước chống quân Trung Quốc xâm lược liền lập tức phải rời quân ngũ như đại tướng Đỗ Bá Tỵ.
Nhà nước cộng sản Việt Nam luôn chấp hành mọi đòi hỏi, luôn thực hiện mọi dự án chỉ mang lại lợi ích cho Trung Quốc và gây thiệt hại to lớn, nhiều mặt cho Việt Nam. Dự án cho Trung Quốc vào khai thác bô xít ở Tây Nguyên, dự án cho Trung Quốc xây dựng nhà máy điện than ở Bình Thuận, dự án cho Trung Quốc trúng thầu thi công đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, dự án mở những con đường thông thống từ Trung Quốc thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam, dự án cho Trung Quốc xây dựng nhà máy đạm Ninh Bình, những đặc khu kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc chỉ nhằm "đón đại bàng Trung Quốc vào làm tổ", chỉ để biến những thế đất hiểm yếu của Việt Nam thành đất sang nhượng cho Trung Quốc được Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam sốt sắng thảo ra... Đất nước Việt Nam đang nguy khốn, nền kinh tế thoi thóp, què quặt, không thể phát triển. môi trường sống của thiên nhiên, của con người đang bị đầu độc, văn hóa chư hầu đang xâm nhập tâm hồn con người, đang tràn ngập trong đồi sống xã hội Việt Nam, an ninh quốc phòng bị bỏ ngỏ bởi những nhượng bộ, những chính sách phụ thuộc đó.
Với giao kèo Thành Đô năm 1990, sẽ còn nhiều chủ trương, chính sách, nhiều dự án lớn nhỏ trên đất nước Việt Nam tiếp tục ra đời chỉ vì lợi ích của Trung Quốc và gây nguy khốn đất nước, cho giống nòi Việt Nam.
Phạm Đình Trọng
(15/05/2019)
(1) Trần Quang Cơ, Hồi ức và suy nghĩ, tr 88
(2) Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, tr 77
(3) Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, tr 77
(4) Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, tr 93
(5) Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, tr 94
(6) Trần Quang Cơ, sách đã dẫn, tr 109
********************
Phải hiểu cho đúng về Hội nghị Thành đô
Trần Thanh Chương, vdaily.fu, 05/05/2019
Sau khi tôi đăng bài viết về Đại tướng Lê Đức Anh, có người nhắn tin hỏi tôi về vai trò của ông trong Hội nghị Thành Đô thế nào. Đây là sự kiện trọng đại thuộc hai lĩnh vực : quân sự và ngoại giao liên quan đến Trung Quốc khi Đại tướng Lê Đức Anh đương chức Bộ trưởng Bộ quốc phòng.
Giang Trạch Dân đón tiếp Đỗ Mười và Nguyễn Văn Linh tại Hội nghị Thành Đô - Ảnh minh họa
Tôi không phải nhà ngoại giao hoặc chuyên gia quân sự, mà chỉ là sỹ quan quân y, làm thơ, viết văn. Tuy nhiên từ lâu, Hội nghị Thành Đô là chủ đề tôi rất quan tâm nên đã cố gắng tìm hiểu qua các kênh truyền thông đại chúng hoặc không chính thức. Đặc biệt, tôi có người bạn thân làm việc ở Bộ ngoại giao từ những năm 1980. Về sau, anh là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại một nước châu Âu. Qua anh, tôi biết được khá nhiều điều bí mật và tế nhị phía "hậu trường" liên quan đến sự kiện này.
Đúng là Đại tướng Lê Đức Anh có vai trò rất lớn trong Hội nghị Thành Đô, mặc dù ông không tham gia Hội nghị. Thành viên tham dự gồm có :
Phía Việt Nam :
- Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam
- Đỗ Mười, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng (Thủ tướng)
- Phạm Văn Đồng, Cố vấn cấp cao
- Hồng Hà, Chánh văn phòng Trung ương Đảng
- Hoàng Bích Sơn, Trưởng ban đối ngoại trung ương Đảng
- Đinh Nho Liêm, Thứ trưởng Bộ ngoại giao
Phía Trung Quốc:
- Giang Trạch Dân, Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc
- Lý Bằng, Thủ tướng Chính phủ
- và các cán bộ chuyên ngành
Hội nghị diễn ra trong hai ngày từ 3 đến 4/9/1990 tại thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Tại sao lại tổ chức ở Thành Đô mà không phải Bắc Kinh ? Vì hai bên xác định đây là hội nghị bí mật, không muốn cho dư luận biết, bởi lúc đó Bắc Kinh đang chuẩn bị cho Á vận hội 1990 sẽ được tổ chức vào cuối tháng 9. Đã có rất nhiều nhà báo đến đây.
Tại sao lại phải bí mật ? Bởi Hội nghị này chủ yếu bàn về "chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Campuchia" mà không có các phái Campuchia tham dự. Đây là điều hết sức tế nhị và phức tạp trong một sự kiện ngoại giao lớn. Chính vì vậy, cho đến tận bây giờ, cả hai bên vẫn chưa chính thức công bố nội dung của Hội nghị. Điều đó gây nên những nghi ngờ thậm chí suy luận không tốt về Hội nghị cũng như đối với các nhà lãnh đạo nước ta, trong đó có Đại tướng Lê Đức Anh. Muốn đánh giá đúng vai trò và giá trị lịch sử to lớn của Hội nghị này, ta phải trở lại bối cảnh của Việt Nam và thế giới vào thời điểm đó.
Năm 1990, năm thứ tư của công cuộc đổi mới, nền kinh tế nước ta có phần khởi sắc nhưng tiến triển rất chậm chạp, thậm chí nhiều ngành đang trên đà suy thoái, đời sống nhân dân vẫn rất khó khăn. Nguyên nhân chủ yếu do Mỹ bao vây, cấm vận kinh tế, nước ngoài không thể đầu tư vào Việt Nam. Lúc này, hệ thống Xã hội chủ nghĩa trên đà tan rã, viện trợ của các nước anh em không còn. Đặc biệt, do hơn chục năm chiến tranh biên giới, chúng ta không thể yên ổn tập trung xây dựng đất nước. Bên cạnh đó, chi phí cho chiến tranh quá lớn với 1,5 triệu quân dàn trải hai đầu chiến tuyến Bắc, Nam.
Về mặt quân sự, tại biên giới phía Bắc vẫn còn xung đột nhỏ lẻ xảy ra. Trên mặt trận Campuchia, mặc dù ta đã truy đuổi tàn quân Polpot lên sát biên giới Thái Lan, nhưng lực lượng của chúng còn khá mạnh, trong khi Quân đội của Thủ tướng Hun Sen lại rất yếu. Chúng ta đã rút phần lớn Quân tình nguyện Việt Nam về nước, nhưng không dám rút hết vì bạn không đủ sức đơn độc chống lại lực lượng Khmer đỏ đang được hậu thuẫn mạnh mẽ từ Trung Quốc và phương Tây. Mặt khác, suốt 10 năm bố trí lực lượng trên vùng rừng núi hiểm trở, "rừng thiêng nước độc" dọc biên giới Campuchia-Thái Lan, bộ đội ta không những thương vong lớn trong chiến đấu mà còn hy sinh quá nhiều do mìn, sốt rét ác tính và bao căn bệnh kỳ lạ khác. Những người lính quân y tiền phương chúng tôi biết quá rõ và rất đau đớn về tổn thất lớn lao này.
Trước tình thế đó, lãnh đạo nước ta rất muốn có một hiệp ước hòa bình cho đất nước Campuchia để quân đội Việt Nam rút hoàn toàn về nước mà chính quyền của bạn do ta hậu thuẫn vẫn đứng vững. Tuy nhiên, ta không thể đàm phán trực tiếp với Khmer đỏ và các phái đối lập được. Con đường duy nhất là phải qua Trung Quốc bởi Khmer đỏ là "con bài" nằm trong tay họ.
Lúc này, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đang ở những năm cuối cùng của nhiệm kỳ lãnh đạo. Ông muốn sớm chấm dứt chiến tranh để tập trung tiềm lực xây dựng đất nước theo cương lĩnh đổi mới mà Đại hội Đảng lần thứ VI đề ra. Nguyện vọng của ông được Đại tướng Lê Đức Anh khi đó đang là Bộ trưởng Bộ quốc phòng hoàn toàn ủng hộ. Lê Đức Anh từng có 5 năm là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia. Hơn ai hết, ông hiểu rất rõ những gian nan và tổn thất của bộ đội ta trên mặt trận đặc biệt này. Và có lẽ, ông cũng là người muốn chấm dứt chiến tranh hơn tất cả.
Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh quyết định gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam lúc bấy giờ là Trương Đức Duy.
Lần thứ nhất ông gặp tại Văn phòng Trung ương Đảng, tuy chỉ mang tính chất xã giao, nhưng đã phát đi tín hiệu là : "ta muốn có một hội nghị với lãnh đạo Trung Quốc để đàm phán về bình thường hóa quan hệ Việt - Trung và lập lại hòa bình ở Campuchia". Lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã nhanh chóng đồng ý. Họ đồng ý là điều dễ hiểu. Chế độ diệt chủng do họ dựng nên và nuôi dưỡng bị thế giới lên án, chỉ còn một nhóm tàn quân có nguy cơ bị tiêu diệt, trong khi xung đột biên giới Việt - Trung đã gây tổn thất nhiều sinh mạng cho quân đội nước họ. Lãnh đạo Trung Quốc bị mất lòng dân và suy giảm uy tín trên thế giới. Lúc này, họ đang ở thế bí và cũng muốn có hòa bình, ổn định như ta.
Lần thứ hai, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh gặp Đại sứ Trương Đức Duy tại Bộ quốc phòng để bàn về nội dung cụ thể chương trình Hội nghị. Tại sao lại ở Bộ quốc phòng mà không phải ở Bộ ngoại giao theo như thông lệ ? (sự kiện này liên quan chủ yếu đến các chuyên gia ngoại giao). Nguyên nhân chính là do phía Trung Quốc không có thiện cảm với Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch. Họ cho rằng Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch có thái độ chống Trung Quốc và chỉ có Lê Đức Anh là một trong số lãnh đạo của ta muốn bình thường hóa quan hệ với họ mà thôi.
Và chẳng bao lâu sau, lãnh đạo Trung Quốc đã mời đích danh Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười, Cố vấn Phạm Văn Đồng sang dự Hội nghị Thành Đô.
Kết quả Hội nghị :
Gồm hai phần được ký kết :
1/ Phần thứ nhất : Chấm dứt xung đột biên giới giữa hai nước, bình thường hóa quan hệ Việt- Trung.
2/ Phần thứ hai gồm bảy điều khoản về vấn đề Campuchia. Chủ yếu là :
- Các bên ngừng bắn, chấm dứt chiến tranh,
- Quân đội Việt Nam rút hết về nước,
- Thành lập Hội đồng hòa giải dân tộc do Norodom Shihanouk làm chủ tịch,
- Tiến tới tổng tuyển cử, thành lập chính quyền mới.
Giá trị lịch sử của Hội nghị Thành Đô : Dù đã gần ba chục năm trôi qua, người ta vẫn chưa thôi bàn tán, tranh luận về Hội nghị này với những đánh giá khác nhau thậm chí là trái chiều. Một phần do tiến trình và nội dung Hội nghị không được công khai, nhưng chủ yếu là do những người đánh giá về nó đứng trên quan điểm, nhận thức khác nhau hoặc trên trận tuyến đối lập.
- Tuyệt đại đa số nhân dân trong nước tin tưởng vào lãnh đạo Đảng ta thời đó thì đánh giá : Hội nghị này đóng vai trò tích cực và có lợi cho Việt Nam.
- Một số ít cho rằng tại Hội nghị này ta bị lép vế, xuống nước trước Trung Quốc. Có lẽ do số này không nắm rõ nội dung của Hội nghị.
- Đặc biệt, khá nhiều người (chủ yếu ở nước ngoài) kết tội lãnh đạo Việt Nam đã đầu hàng Trung Cộng. Thậm chí họ còn tung tin là trong Hội nghị, lãnh đạo ta xin cho Việt Nam trở thành một tỉnh tự trị của Trung Quốc. Thật lố bịch và nực cười.
Theo đánh giá của tôi, Hội nghị là kết quả tất yếu đáp ứng đòi hỏi bức thiết của tình thế đất nước ta thời đó. Nó được tiến hành sòng phẳng, vị thế hai bên ngang ngửa, cả Việt Nam, Trung Quốc và Campuchia đều được hưởng lợi. Tuy nhiên, bên giành thắng lợi lớn hơn cả là Việt Nam. Vì :
- Nhờ chấm dứt chiến tranh, bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, tiến tới cắm mốc biên giới để từ đó Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của nước ta.
- Phái Khmer đỏ dần dần bị loại bỏ, chính quyền của Thủ tướng Hun Sen do ta ủng hộ vẫn vững mạnh nhiều năm qua. Đất nước Campuchia hòa bình, biên giới Tây Nam ổn định.
- Hội nghị là tiền đề giúp ta thực hiện bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây, sau đó tiến tới xóa bỏ hoàn toàn bao vây và cấm vận kinh tế.
- Chấm dứt chiến tranh không những quân đội ta chấm dứt đổ máu mà còn tạo điều kiện cho ta giảm quân từ 1,5 triệu xuống còn 0,5 triệu, giảm chi phí quân sự, tập trung nguồn lực xây dựng kinh tế để nước ta có được vị thế như ngày nay.
Vậy thì, có thể gọi Hội nghị Thành Đô là một Hiệp định Hòa bình ký kết cho cả ba dân tộc Việt-Trung-Khmer. Giá trị lịch sử của nó chẳng kém gì hai Hội nghị Giơ-ne -vơ (1954) và Pa-ri (1973). Nếu Hiệp định Giơ-ne-vơ chỉ lập lại hòa bình cho nước ta một thời gian ngắn, Hiệp định Pa-ri chỉ có tác dụng buộc Mỹ rút quân về nước, chiến tranh vẫn tiếp tục diễn ra, thì Hội nghị Thành Đô là cơ sở kiến tạo hòa bình lâu dài, bền vững cho cả ba nước đến tận bây giờ.
Trở lại với vai trò của Đại tướng Lê Đức Anh. Chúng ta phải mang ơn ông. Chính ông cùng với Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh là hai nhân vật chủ chốt kiến tạo nên thành công của Hội nghị này. Nếu không có Hội nghị Thành Đô, chiến tranh sẽ kéo dài thêm nhiều năm nữa, biết bao nhiêu chiến sỹ sẽ hy sinh và vận mệnh của nước ta sẽ đi về đâu ?
Hình như có một danh nhân nào đó từng nói, đại ý : Một vị tướng tài ba là vị tướng biết phát động chiến tranh và cũng biết kết thúc chiến tranh đúng lúc. Đại tướng Lê Đức Anh không phải là người phát động cuộc chiến tranh biên giới, nhưng ông đã biết kết thúc cuộc chiến này một cách ngoạn mục. Chỉ riêng điều này thôi, ông cũng đã trở thành một vị tướng tài ba rồi…
Hôm nay, Nhà nước ta đang tổ chức lễ tang cấp Quốc gia cho Nguyên chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh. Viết về Hội nghị Thành Đô, tôi muốn mọi người hiểu thêm về ông và cũng như là nén tâm nhang tỏ lòng thành kính, ghi nhận công lao to lớn của một vị tướng suốt đời chiến đấu cho độc lập, tự do và hạnh phúc của dân tộc Việt Nam.
Nhắc đến Hội nghị Thành Đô, tôi lại nhớ đến lời của người bạn :
- Nghề ngoại giao của chúng tôi không thẳng băng, sòng phẳng như nghề y của các anh. Nó lắt léo, tế nhị và phức tạp lắm. Có những điều nói mà không làm, hoặc làm mà không nói. Có những sự kiện phải hàng chục, thậm chí hàng trăm năm sau mới hiểu hết giá trị lịch sử của nó. Có lẽ Hội nghị Thành Đô là một trong những sự kiện như thế.
Cần Thơ 3/5/2019
Trần Thanh Chương