Đọ sức Mỹ-Trung : Đằng sau thương mại là chủ nghĩa dân tộc
Mai Vân, RFI, 17/05/2019
Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung, nhất là sau vòng đàm phán kết thúc ngày 10/05/2019 tại Washington mà không đạt kết quả, đã có dấu hiệu gay gắt hẳn lên, cụ thể là với mức thuế quan 25% mà Mỹ áp đặt trên 200 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc chính thức có hiệu lực, kèm theo mệnh lệnh của tổng thống Mỹ khởi động thủ tục áp thuế trên 300 tỷ đô la hàng nhập Trung Quốc còn lại. Bắc Kinh đã đáp trả bằng thông báo ngày 13/05 là sẽ đánh thuế lên đến 25% trên 60 tỷ đô la hàng nhập của Mỹ kể từ ngày 01/06.
Ảnh minh họa : Cờ Trung Quốc và Mỹ trên một con đường ở chợ Nghĩa Ô (Yiwu), Chiết Giang. Ảnh ngày 10/05/2019. Reuters/Aly Song
Tuy nhiên lần này, giới quan sát nhận định là phản ứng của Trung Quốc có phần dữ dội hơn, đặc biệt là với việc truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc nhập cuộc, kích động chủ nghĩa dân tộc để chống lại điều được mệnh danh là hành vi "bắt nạt" của Washington đối với Bắc Kinh.
Nhật báo Mỹ The New York Times ngày 14/05 đã nêu bật diễn biến mới này trong bài "Bộ máy tuyên truyền Trung Quốc nhắm vào Mỹ trên vấn đề chiến tranh thương mại". Hãng tin Mỹ AP ngày 15/05 thì nói thẳng thừng hơn : "Trung Quốc lớn tiếng phô trương sức mạnh, thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc xung quanh cuộc chiến thương mại". Riêng hãng tin Pháp AFP, trong một bài phân tích ngay từ hôm 13/05 đã nhận xét rằng : "Đằng sau thương chiến Mỹ-Trung là một cú va chạm giữa hai chủ nghĩa dân tộc".
Nhân định chung của AFP rất rõ ràng : "Một bên là ‘Giấc Mơ Trung Hoa’ đối chọi với bên kia là ‘Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’. Phía sau cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới còn là sự va chạm của hai chủ nghĩa dân tộc, giữa một Trung Quốc đang vươn lên và một nước Mỹ bị nỗi e ngại mất vị thế ám ảnh".
Theo AFP, từ Đài Loan, Bắc Triều Tiên cho đến các chiến dịch tuần tra của Hải Quân Mỹ ở Biển Đông, rồi các cáo buộc gián điệp, thái độ nghi kỵ và những quyết định nhắm vào tập đoàn viễn thông Trung Quốc Hoa Vi, cuộc đua tranh Mỹ-Trung sẽ tiếp diễn không ngừng, kể cả khi hai bên đạt được một thỏa thuận thương mại.
Vả lại, triển vọng có được thỏa thuận ngày thêm xa vời với việc Mỹ áp thêm thuế cuối tuần qua. Các nhà đàm phán hai bên hôm 10/05 vừa qua đã kết thúc vòng thương lượng tại Washington,mà không đạt kết quả gì và cũng không ấn định ngày họp lại.
Căng thẳng giữa hai bên còn kèm theo những nỗi bất mãn giữa hai đối thủ từng được xem là đối tác của nhau từ những năm 1970 cho đến gần đây.
Về phía Mỹ, tổng thống Donald Trump đã lấy Trung Quốc làm đối tượng công kích trong cuộc vận động tranh cử tổng thống 2016, tố cáo Bắc Kinh "ăn cắp việc làm" của người Mỹ.
Va chạm giữa hai xu hướng dân tộc chủ nghĩa
Một chi tiết mang tính chất dân tộc chủ nghĩa cực đoan từ phía Mỹ đã được AFP ghi nhận.
Tại một diễn đàn về an ninh vào tháng Tư vừa qua, bà Kiron Skinner, một quan chức bộ ngoại giao Mỹ, đã gây ngạc nhiên khi mô tả cuộc tranh đua với Trung Quốc là "một cuộc đấu với một nền văn minh thật sự khác biệt với một ý thức hệ rất khác".
Bà còn nói thêm rằng đây là lần đầu tiên mà Hoa Kỳ đứng trước "một đối thủ lớn mà không phải là người da trắng".
Bắc Kinh đã phản ứng gay gắt qua lời phát ngôn viên bộ ngoại giao Cảnh Sảng, đánh giá rằng cách xem xét quan hệ song phương trên quan điểm "va chạm văn minh và cả chủng tộc" là điều "phi lý và không thể chấp nhận được".
Về phía Trung Quốc, theo AFP, tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực đoan cũng không thua kém.
Từ lúc ông Tập Cận Bình lên cầm quyền, Trung Quốc đã chơi lá bài dân tộc chủ nghĩa, chủ tịch Trung Quốc đã "bán" cho đồng hương của ông "giấc mơ của sự phục hưng" sau thời kỳ bị phương Tây hạ nhục từ thế kỷ XIX.
Trên mạng Twitter, hôm thứ 11/05, Hồ Tích Tiến (Hu Xi Jin), chủ bút tờ Hoàn Cầu Thời Báo nhận xét : "Một cách khách quan, cuộc chiến thương mại đã củng cố hơn bao giờ hết tinh thần thù địch giữa hai xã hội Trung Quốc và Mỹ".
Đối với tổng biên tập của tờ báo Trung Quốc nổi tiếng với quan diểm dân tộc chủ nghĩa này : "Thái độ thù nghịch lẫn nhau này có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, gây nên một bước lùi nghiêm trọng của toàn bộ quan hệ quốc tế".
Bill Bishop, một nhà nghiên cứu về Trung Quốc, người phát hành bản tin Sinocism tại Mỹ, cho rằng cuộc chiến thương mại mà ông Trump đã khởi động từ năm ngoái, 2018, đã "làm cho nhiều người Trung Quốc, không chỉ riêng trong giới công chức, tin là Washington muốn ngăn cản đà vươn lên của đất nước họ".
Theo ông Bishop, Bắc Kinh muốn lợi dụng tinh thần dân tộc chủ nghĩa của người Trung Quốc, nhưng đó là "một con dao hai lưỡi" có thể phản lại chủ nhân nếu người dân cảm nhận là Bắc Kinh mềm yếu trước Washington.
Nhìn chung theo chuyên gia này, ở Trung Quốc có sự kỳ thị đối với người nước ngoài và đặc biệt là tâm lý bài Mỹ, điều đó có thể dẫn đến những lời kêu gọi tẩy chay hàng Mỹ, cho dù Bắc Kinh đến nay đã cẩn thận loại bỏ khỏi các mạng xã hội Trung Quốc những lời kêu như vậy.
Giành nhau quyền thống trị thế giới
Theo AFP, điều rõ nét là Trung Quốc và Mỹ đang ganh đua với nhau, đối đầu với nhau để áp đặt ảnh hưởng của mình lên phần còn lại của thế giới.
Trung Quốc đang cố thực hiện tham vọng này qua Con Đường Tơ Lụa Mới, một dự án hạ tầng cơ sở khổng lồ bị phía Mỹ chỉ trích là "khoe khoang".
Trên bình diện quân sự, Trung Quốc cố gắng hiện đại hóa nhanh chóng quân đội, dành cho quốc phòng một ngân sách lớn hàng thứ 2 thế giới.
Cho nên, theo ông Hoa Pha (Hua Po) một nhà chính trị học độc lập ở Bắc Kinh được AFP trích dẫn, cho dù hai bên có ký được một thỏa thuận thương mại đi chăng nữa, thì sự tranh đua giữa hai bên vẫn ác liệt. Đối với chuyên gia này, "Hoa Kỳ không sai khi tỏ ra quan ngại về Trung Quốc, vì dù vẫn là một quốc gia đang phát triển, nhưng Trung Quốc đang kiên quyết bắt kịp Mỹ".
Thậm chí vấn đề công nghệ học còn có vẻ lấn át tranh chấp thương mại với nhận định cho rằng cường quốc thống trị của thế kỷ này là nước tiên tiến nhất trên mặt sáng chế.
Giáo sư Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong), thuộc Trường Quan Hệ Quốc Tế Đại Học Nhân Dân ở Bắc Kinh, khẳng định : "Chiến tranh thương mại không phải là vấn đề thặng dư hay thất thu. Chìa khóa là công nghệ cao". Đối với ông, gây căng thẳng về thương mại với Trung Quốc là cách Mỹ sử dụng để buộc Trung Quốc phải tiến hành một số thay đổi trong hệ thống kinh tế và chính sách công nghiệp.
Mai Vân
Nguồn : RFI, 17/05/2019
*****************
Trung Quốc : Mỹ phải thành thật trong đàm phán (VOA, 17/05/2019)
Hoa Kỳ phải thể hiện sự thành thật của mình nếu muốn có các cuộc đàm phán thương mại có ý nghĩa, Trung Quốc nói hôm thứ Sáu, sau khi Tổng thống Trump nâng cao rủi ro xung đột với một cú giáng mạnh vào Huawei, tập đoàn công nghệ khổng lồ của Trung Quốc.
Các công-ten-nơ hàng Trung Quốc chất đống bên cạnh lá cờ Mỹ sau khi được bốc dỡ tại Cảng Los Angeles ở Long Beach, California, ngày 14/5/2019.
Trung Quốc vẫn chưa cho biết liệu họ có sẽ trả đũa hành động leo thang căng thẳng thương mại mới nhất của Mỹ hay không, dù giọng điệu của giới truyền thông nhà nước đang trở nên ngày càng gay gắt hơn. Báo Nhân dân của Đảng Cộng sản đương quyền cho đăng một bài bình luận trên trang nhất hôm nay, khơi dậy tinh thần yêu nước trong các cuộc chiến tranh trong quá khứ.
Đồng nhân dân tệ đã giảm giá xuống mức yếu kém nhất trong gần năm tháng qua, mặc dù mức thua lỗ đã được hãm lại sau khi nhiều nguồn tin nói với Reuters rằng ngân hàng trung ương sẽ đảm bảo đồng nhân dân tệ không tiếp tục tuột dốc xuống quá ngưỡng 1 đô la đổi được 7 nhân dân tệ trong trung hạn’.
Chỉ số công nghệ Dow sụt giảm tại Thị tường Chứng khoán New York trong ngày 13/5/2019
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang rơi vào một cuộc tranh chấp thương mại ngày càng gay gắt đã chứng kiến hai bên tăng mức thuế đánh trên hàng nhập khẩu của nhau trong khi diễn ra các cuộc đàm phán, làm tăng thêm lo ngại về rủi ro đối với đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu và làm lung lay các thị trường tài chính.
Được hỏi về những bài báo trên truyền thông nhà nước nói rằng sẽ không còn các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Lục Khảng trả lời rằng Trung Quốc luôn luôn khuyến khích việc giải quyết tranh chấp song phương qua đối thoại và tham vấn.
Tại cuộc họp báo thường ngày, ông nói thêm : "Tuy nhiên, vì một số điều mà phía Hoa Kỳ đã làm trong các cuộc tham vấn thương mại trước, chúng tôi tin rằng nếu muốn đàm phán có ý nghĩa, phía Mỹ phải thể hiện sự chân thành".
Bản tin của Reuters dẫn lời ông Lục Khảng nói Hoa Kỳ nên tuân thủ các nguyên tắc là, giữa hai bên phải có sự tôn trọng lẫn nhau, phải có sự bình đẳng và hai bên cùng có lợi. Mỹ cũng phải giữ lời, ông Lu nói thêm nhưng không cho biết rõ chi tiết.
Hôm thứ Năm, Washington đưa vào danh sách đen tập đoàn Huawei, tập đoàn sản xuất các thiết bị viễn thông lớn nhất và thành công nhất của Trung Quốc. Quyết định này có thể gây khó khăn cho tập đoàn công nghệ khổng lồ này trong việc làm ăn với các công ty Mỹ.
Động thái này diễn ra tiếp theo sau quyết định của Tổng thống Trump hôm 5/5, tăng thuế đối với 200 tỉ đôla hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, một bước leo thang tranh chấp lớn sau khi hai bên hầu như đang xích gần tới mục tiêu đạt được thỏa thuận trong các cuộc đàm phán để chấm dứt cuộc chiến thương mại.
Một quan chức chính phủ Trung Quốc hiểu biết về tình hình dự kiến Trung Quốc có thể chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh thương mại dài hạn với Hoa Kỳ.
******************
Căng thẳng Mỹ-Trung : Bắc Kinh khẳng định "kiểm soát" được tác động (RFI, 17/05/2019)
Cho dù mọi chỉ số trong tháng Tư phản ánh tình trạng kinh tế Trung Quốc bị chiến tranh thương mại tác động tiêu cực, một cơ quan Nhà nước tuyên bố trấn an : "Các tác hại này còn ở trong tầm kiểm soát".
Ảnh minh họa : đồng đô la và yuan. Reuters/Thomas White/Illustration
Theo Reuters, trong cuộc họp báo tại Bắc Kinh ngày 17/05/2019, Ủy ban quốc gia phát triển và cải cách CNDR của Trung Quốc cho biết trong tháng Tư hoạt động kinh tế bị chậm lại hơn mức dự đóan. Sản xuất công nghiệp và buôn bán lẻ đều sụt giảm cần phải được Nhà nước can thiệp hỗ trợ. Ủy ban đề nghị những biện pháp đối phó để "duy trì sinh hoạt kinh tế trong biên độ kiểm soát được".
Một chuyên gia kinh tế được báo Tài Kinh trích dẫn cũng khuyến cáo chính phủ Trung Quốc phải "can thiệp mạnh" để ổn định tình hình cho dù tăng trưởng "chưa rơi xuống đáy vực".
Cánh nay hai hôm, khi bình luận về cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng "Trung Quốc đang thua" : Bắc Kinh sẽ bơm tiền cứu guồng máy kinh tế, sẽ giảm lãi suất ngân hàng và họ sẽ thua. Để bảo vệ thị phần, để giảm giá thành để có thể cạnh tranh tại Mỹ, nhiều công ty sản xuất sẽ bỏ Hoa lục đi nơi khác làm ăn.
Mike Pomeo tiếp đối lập Hồng Kông
Washington chia sẻ quan ngại với các nhà dân chủ Hồng Kông về các quyền tự do tại lãnh thổ ngày càng bị siết chặt. Hôm thứ Năm, ngoại trưởng Mike Pompeo tiếp phái đoàn các nhà hoạt động Hồng Kông do sáng lập viên đảng Dân Chủ Hồng Kông Lý Trụ Minh (Martin Lee) dẫn đầu. Hai bên có một cuộc thảo luận về dự luật "dẫn độ", cho phép đặc khu hành chính "áp giải" một công dân Hồng Kông bị cáo buộc phạm pháp sang Hoa lục xét xử. Theo ngoại trưởng Mỹ, chế độ thượng tôn pháp luật tại Hồng Kông bị đe dọa. Mike Pompeo tuyên bố tiếp tục ủng hộ cuộc đấu tranh lâu dài bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản tại Hồng Kông.
Tú Anh
*********************
Đọ sức Mỹ-Trung : Từ thương mại đến công nghệ và chiến lược (RFI, 16/05/2019)
Sau vài tháng tương đối yên ắng, hôm 10/05/2019, cuộc chiến thuế quan Mỹ Trung nóng bỏng trở lại, với quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mức thuế từ 10% trên 200 tỷ đô la hàng nhập từ Trung Quốc chính thức có hiệu lực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 09/11/2017. Reuters/Damir Sagolj/File Photo
Không chỉ thế, ông Trump cho ra lệnh khởi động thủ tục tăng thuế trên 300 tỷ đô la hàng nhập khác từ Trung Quốc mà chưa bị thuế. Để trả đũa, Bắc Kinh cũng loan báo áp thêm thuế quan trên 60 tỷ đô la hàng nhập từ Mỹ kể từ 01/06.
Câu hỏi mọi người luôn nêu lên là thất thu thương mại của Mỹ so với Trung Quốc không phải là điều mới mẻ, và sau nhiều tháng căng thẳng, mức này còn sâu thêm, đạt kỷ lục là 420 tỷ đô la trong năm 2018, thế nhưng tại sao tổng thống Mỹ lại khuấy động vào lúc này ?
Cuộc chiến giành vị trí thống trị thế giới
Theo ông Jean-François Dufour, giám đốc DCA-Chine Analyse, một văn phòng cố vấn về thị trường Trung Quốc, vấn đề không đơn thuần là bù đắp thất thu thương mại mà là tranh giành vị trí thống trị thế giới.
Trả lời RFI, chuyên gia Dufour phân tích : "Thất thu mang tính cơ cấu có thể được phía Mỹ chấp nhận khi mà người ta vẫn trong một mô hình bất bình đẳng, tức là một mô hình trong đó Trung Quốc đóng vai trò, như người ta thường nói là công xưởng của thế giới. Nhưng từ khi Trung Quốc, vào khoảng năm 2015, loan báo ý định thay đổi vị trí với kế hoạch Made in China 2025, thì Mỹ đã thấy nguy cơ một cuộc cạnh tranh về sức mạnh kinh tế và công nghệ học có thể thay đổi hẳn ván cờ".
Ông Dufour giải thích thêm : "Hệ thống của Trung Quốc vốn khác với hệ thống của Mỹ vì đó không phải là một nền kinh tế thị trường kiểu cổ điển. Trung Quốc có một mô hình khác cho phép bóp méo quy tắc cạnh tranh quốc tế. Và những gì mà Washington có thể chấp nhận đến bây giờ, thì giờ đây không thể chấp nhận nữa trong viễn cảnh mới đó. Điều này có thể giải thích là đằng sau cái cớ thất thu thương mại, người ta đã đi đến một cuộc chiến tranh thực sự".
Trả lời RFI, bà Françoise Nicolas, giám đốc Trung Tâm Châu Á của Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) cũng đánh giá đây là vấn đề nhận thức, và Mỹ "khó chấp nhận khi thấy vị trí hàng đầu của mình có thể bị cướp mất".
Chiến tranh công nghệ
Trong mắt nhiều chuyên gia, đi kèm theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung để thống trị kinh tế thế giới, còn một cuộc chiến về công nghệ học không kém phần gay gắt.
Trong lãnh vực công nghệ học, đối với Mỹ cũng như Trung Quốc, mục tiêu đầu tiên là giữ được một sự độc lập chiến lược, cụ thể chống mưu đồ gián điệp, ăn cắp dữ liệu.
Mỹ vừa cấm tập đoàn điện thoại di động Trung Quốc China Mobile hoạt động trên đất Mỹ, để bảo vệ "an ninh quốc gia". Đây cũng là lý do Washington loại Hoa Vi khỏi việc triển khai mạng 5G, vì hai tập đoàn này thân cận với tình báo Trung Quốc. Không chỉ tại Mỹ, Washington còn vận động các nước khác loại Hoa Vi.
Tập đoàn số 1 thế giới về drone dân sự Dji của Trung Quốc cũng bị Hoa Kỳ tố cáo về các hoạt đông gián điệp, do thám từ những địa điểm chiến lược cho đến các công ty xí nghiệp. Quân Đội Mỹ cuối cùng quyết định không sử dụng loại drone này nữa.
Một ví dụ khác được nêu bật là tập đoàn ZTE, rốt cuộc được phép hoạt động tại Mỹ nhưng với điều kiện chấp nhận giám sát của nhân viên an ninh Mỹ tại văn phòng của mình trong 10 năm.
Mục tiêu cần đạt về kinh tế, chiến lược và quân sự
Theo bà Sylvie Matelli, chuyên gia thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (IFRI) : "Trung Quốc đang vươn lên mạnh về công nghệ thông tin liên lạc, và đó là những công cụ làm gián điệp. Sức mạnh của các công ty hoạt động trong lãnh vực này nằm ở chỗ họ nắm được thông tin có giá trị không chỉ về kinh tế, tài chính mà cả về chiến lược, dù đó là thông tin về đời sống cá nhân, thu thập qua các mạng xã hội, hay thông tin mang tính chiến lược hơn về các chính phủ hay công ty, tập đoàn. Và chúng ta hiện ở trong thế đối đầu này để xem ai sẽ có phương tiện và công nghệ học để thu thập một lượng tối đa thông tin ? Những thông tin đó cũng là một nguồn sức mạnh về quân sự, và cũng là một mặt trận trong cuộc chiến thương mại hiện nay".
Một ví dụ trong sự canh tranh công nghệ hoc : Trung Quốc hiện đang phát triển hệ thống định vị của riêng mình để không phải sử dụng hệ thống GPS của Mỹ. Hệ thống Bắc Đẩu (Beidou) của Trung Quốc được cho là có thể bắt đầu hoạt động vào năm 2020.
Trong lãnh vực thẻ ngân hàng, Trung Quốc đang gạt qua một bên các tập đoàn Mỹ như Visa, Master Card hay American Express với những quy định rất chặt chẽ để thay thế bằng thẻ Trung Quốc : Aliplay, WeChat, UnionPay.
"Made in China"
Sự phát triển công nghiệp và công nghệ Trung Quốc còn nằm trong chương trình "Made in China 2025" cho thấy cao vọng của Bắc Kinh và gây lo ngại ở Washington. Chương trình này có mục tiêu sử dụng công nghệ của riêng Trung Quốc ở tỷ lệ 70% cho các vật liệu, thành phần then chốt trong các lãnh vực về robot, xe hơi điện, viễn thông hay công nghệ học sinh thái. Một kế hoạch mà Washington đánh giá là "đáng sợ", và góp phần đáng kể trong việc làm quan hệ hai bên căng thẳng.
Đối với giới quan sát, nếu cả hai bên đều muốn thống trị về kinh tế, phát triển công nghệ học và bảo vệ an ninh, thì Trung Quốc còn có một mục tiêu đặc thù : Đó là kiểm soát dân chúng, giới hạn quyền tự do ngôn luận. Các mạng xã hội như Facebook, Google, Amazon hay Apple hầu như bị thay thế ở Trung Quốc bằng Baidu, Alibaba, Tencent hay Xiaomi, cũng đang nuôi tham vọng thống trị thế giới.
Bằng sáng chế
Vấn đề bằng sáng chế và tác quyền cũng nổi cộm trong cuộc chiến thương mại hiện nay.
Washington tố cáo Bắc Kinh ăn cắp công nghệ của Mỹ. Bà Sylvie Matelly nhắc lại là Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu từ lâu nay vẫn chỉ trích Trung Quốc trên vấn đề này. Theo chuyên gia của viện IFRI, Trung Quốc sao chép công nghệ học phương Tây và có xu hướng ăn cắp để phát triển công nghệ của mình. Từ mấy năm qua Mỹ và Châu Âu đã gây sức ép để Trung Quốc có một cơ chế tôn trọng tốt hơn vấn đề tác quyền. Điều trở trêu là vấn đề tác quyền được đưa ra ánh sáng vào lúc mà ngay chính Trung Quốc đang đổi thái độ, vì ngày nay họ có những công nghệ học do tự họ sáng chế mà họ cũng muốn bảo vệ.
Hiện giờ, trên bình diện quốc gia, Mỹ còn đứng đầu về số lượng bằng sáng chế được đăng ký, nhưng về mặt các công ty nộp bằng thì đứng đầu là hai công ty Trung Quốc, Hoa Vi và ZTE, và thứ ba mới là Intel của Mỹ. Theo Tổ Chức Tác Quyền Thế Giới, Trung Quốc có thể qua mặt Mỹ về tổng số lượng bằng sáng chế đăng ký ngay vào năm 2020.
Một nhà quan sát đã kết luận mỉa mai : Chúng ta đang xem một trận đấu của hai gã khổng lồ, với một kết cục hoàn toàn mờ mịt đối với mọi người.
Mai Vân
*****************
Trung Quốc trả đũa Mỹ : Lợi bất cập hại ! (RFI, 16/05/2019)
Theo Reuters ngày 15/05/2019, Trung Quốc không có bao nhiêu phương tiện để trả đũa Hoa Kỳ mà không tự hại chính mình. Và Washington sẽ không giảm áp lực, để buộc Bắc Kinh phải sửa đổi chính sách thương mại của mình, thậm chí cả mô hình kinh tế.
Các gian hàng thực phẩm Mỹ tại hội chợ SIAL ở Thượng Hải, ngày 14/05/2019. Reuters/Aly Song
Chính quyền Trung Quốc hôm thứ Hai 13/5 loan báo tăng thuế hải quan từ ngày 1/6 đối với 60 tỉ đô la hàng Mỹ, thấp hơn nhiều so với số 200 tỉ đô la hàng Trung Quốc bị Hoa Kỳ áp thuế.
Hoa Kỳ còn tấn công trên nhiều mặt trận khác, từ việc gởi các chiến hạm đến eo biển Đài Loan, hoặc siết chặt khiến tham vọng cao ngất trời của các tập đoàn viễn thông Hoa Vi (Huawei) và ZTE (Trung Hưng Thông Tấn) nay xuống còn bằng 0.
Đó là lý do khiến chính quyền Bắc Kinh tập trung sức lực để cố ký cho được một thỏa thuận, nhằm tránh một cuộc chiến tranh thương mại hao mòn, có nguy cơ ngăn cản kinh tế phát triển – theo một nguồn thạo tin. Tuy vậy cũng không thể nhượng bộ Mỹ quá nhiều, trước tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Nếu Bắc Kinh chấp nhận yêu cầu của Washington là chấm dứt các ưu đãi tài chính và thuế khóa cho một số công ty quốc doanh và trong các lãnh vực chiến lược, thì sẽ phải đặt lại vấn đề mô hình kinh tế tập trung, và nói chung là sự lãnh đạo của đảng về kinh tế.
Một nguồn tin giấu tên của Reuters cho biết : "Chúng tôi vẫn có cách đối phó, nhưng sẽ không làm đến nơi đến chốn. Mục đích là đạt được một thỏa thuận có thể được cả hai bên chấp nhận".Còn về khả năng trả đũa, thì không có cách nào mà không gây rủi ro cho Bắc Kinh.
Dịch vụ là đích ngắm ?
Từ tháng 7/2018, Trung Quốc đã áp đặt nhiều mức thuế quan, có thể lên đến 25% trên 110 tỉ đô la hàng Mỹ nhập khẩu. Theo số liệu từ Census Bureau của Hoa Kỳ, Bắc Kinh chỉ có thể đánh thuế thêm khoảng 12 tỉ đô la hàng Mỹ nữa như dầu lửa và máy bay chẳng hạn - nếu phải trả đũa đợt áp thuế mới của Washington. Ngược lại, tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa áp thêm thuế lên 300 tỉ đô la hàng hóa Trung Quốc.
Tất nhiên Trung Quốc có thể tấn công vào lãnh vực dịch vụ. Trong lãnh vực này, cán cân nghiêng về phía Hoa Kỳ với 40,5 tỉ đô la trong năm 2018. Nhưng cách này có thể không mấy hiệu quả, vì lợi tức phía Mỹ chủ yếu về du lịch và giáo dục, những lãnh vực mà Trung Quốc khó thể quay lưng – theo James Green, cố vấn của McLarty Associates.
Ông Green – nhân vật cho đến tháng Tám năm ngoái vẫn là người phụ trách về thương mại tại đại sứ quán Mỹ ở Bắc Kinh - nói thêm, Trung Quốc có thể dùng đến các rào cản phi thuế quan, chẳng hạn kéo dài thủ tục cấp phép cho nông sản.
Chống Mỹ sẽ trở thành biểu tình chống chế độ ?
Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc có thể quay sang những đối thủ cạnh tranh với các công ty Mỹ, chẳng hạn mua máy bay của Airbus thay vì Boeing.
Nhưng do ông Donald Trump đã yêu cầu các công ty Mỹ khẩn cấp đưa sản xuất về lại Hoa Kỳ, nếu dùng cách trả đũa như trên, có nguy cơ thúc đẩy các doanh nghiệp mua hàng của các nước khác, hoặc rút đầu tư khỏi Hoa lục. Ông Robert Lawrence, thuộc Peterson Institute for International Economics nhận xét : "Hậu quả về trung hạn và dài hạn đã bị đánh giá quá thấp. Nếu tôi là Trung Quốc thì tôi sẽ thực sự lo lắng".
Báo chí nhà nước Trung Quốc đã trỗi lên giọng điệu dân tộc chủ nghĩa khi đàm phán thương mại thất bại vào tuần trước, và Mỹ áp thêm thuế. Nhưng các nhà quan sát nhận thấy hiện nay chính quyền Trung Quốc cố làm cho xung đột thương mại không trở thành vấn đề quá mang tính chính trị. Ông James Green nói : "Tôi không nghĩ rằng Bắc Kinh thấy có lợi ích gì trong đó, họ sợ nhất là tinh thần chống Mỹ lại nhanh chóng trở thành chống chế độ".
Đồng nhân dân tệ và dự trữ ngoại hối
Còn lại vũ khí hối đoái.
Đồng tiền Trung Quốc đã bị mất giá 2% so với đồng đô la Mỹ kể từ đầu tháng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại tăng cao.
Đồng nhân dân tệ bị sụt giá sẽ làm giảm nhẹ tác động của thuế quan Mỹ lên hàng xuất khẩu Trung Quốc, nhưng có nguy cơ khiến vốn đầu tư bỏ chạy khỏi Hoa lục, trong trường hợp giảm phát thực sự.
Chính quyền Bắc Kinh không ngừng nói rằng không có việc giảm giá đồng nhân dân tệ để tăng xuất khẩu, và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tuyên bố sẽ không sử dụng tỉ suất hối đoái để can thiệp vào xung đột thương mại.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng Trung Quốc, chủ nợ lớn nhất của Hoa Kỳ, có thể bán ra các trái phiếu chính phủ Mỹ để làm chi phí vay nợ đắt hơn. Nhưng theo các nhà phân tích, điều này khó thể xảy ra vì sẽ gây tác động dây chuyền lên dự trữ ngoại hối của Bắc Kinh, gồm 1.131 tỉ đô la vào tháng Hai – theo số liệu mới nhất của Mỹ.
Tìm khách hàng và nhà cung ứng mới
Trung Quốc cũng có thể làm giảm nhẹ hậu quả của việc Mỹ áp thuế, bằng cách đưa ra nhiều biện pháp kích cầu khác nhau.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc cũng đã tìm kiếm cách kênh khác để tiêu thụ sản phẩm, chẳng hạn qua "Một vành đai, Một con đường". Về nhu cầu nguyên vật liệu, Trung Quốc tìm các nhà cung cấp khác.
Việc mua đậu nành, sản phẩm chính mà Trung Quốc nhập từ Hoa Kỳ, đã bị ngưng lại từ khi Bắc Kinh áp 25% thuế lên hàng Mỹ nhập khẩu vào tháng 7/2018. Tuy vậy các thương nhân châu Âu cho biết trên thực tế Trung Quốc trong tháng 12 đã mua rất nhiều đậu nành Mỹ, để tỏ thiện chí. Cuộc thương chiến Mỹ-Trung đã làm lợi cho một số nước khác, đặc biệt là các quốc gia Nam Mỹ đã dự định tăng sản lượng đậu nành.
Tóm lại : một khi tìm trăm phương nghìn kế để trả đũa Mỹ, Trung Quốc cũng tự hại chính mình. Nhìn chung, "lợi bất cập hại" !
Thụy My