"Trừng trị ấu dâm – Bảo vệ trẻ em
Khi trẻ bị xâm hại, hãy gọi ngay 111"
Đó là 2 thông điệp lần lượt ở mặt trước và mặt sau của chiếc áo của phong trào "chung tay phòng chống nạn ấu dâm" tại Sài Gòn mới đây.
Điều đặc biệt là phong trào này được khởi xướng bởi một giảng viên luật và các cộng sự là những người hành nghề luật.
Giảng viên đó là anh Lưu Đức Quang tại trường Đại học Kinh tế – Luật, thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.
Hình : Anh Lưu Đức Quang (giữa) và các sinh viên (Nguồn : FB Lưu Đức Quang)
Phong trào được nhen nhóm vào trung tuần tháng 4 năm nay, sau vụ Nguyễn Hữu Linh sàm sỡ một bé gái trong thang máy của một chung cư tại thành phố.
Như anh Quang cho biết, phong trào xuất phát từ mong muốn bảo vệ con em mình của những người làm cha, làm mẹ, và từ trách nhiệm xã hội của mỗi con người [1].
Vào thời điểm ý tưởng về việc in áo hình thành, anh Quang cùng các cộng sự đã lựa chọn một trong số nhiều thông điệp mà cả nhóm đưa ra sao cho đạt được tiêu chí thẳng thắn, ngắn gọn và kèm theo giải pháp.
Kết quả là, 2 thông điệp trên đây đã được lựa chọn, trong đó, thông điệp thứ nhất (bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh) thể hiện thái độ dứt khoát đối với vấn nạn ấu dâm, còn thông điệp thứ hai với số 111 của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em thể hiện hành động cụ thể đối với tình huống thực tế. Đây là tổng đài do Cục Trẻ em thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trực tiếp quản lý, hoạt động 24/7, miễn phí, thực hiện tiếp nhận, xử lý thông tin về nguy cơ, hành vi xâm hại trẻ em [2].
100 chiếc áo đã được in cho đợt đầu và về sau là 140 chiếc áo cho đợt 2. Đến nay, toàn bộ 240 chiếc áo đã được phân phát miễn phí cho các giảng viên, sinh viên tại 2 trường đại học (ngoài trường của anh Quang là trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) và một số đối tượng khác.
Phong trào được hưởng ứng khá mạnh mẽ. Hình ảnh những người mặc chiếc áo phòng chống ấu dâm xuất hiện tràn ngập trên facebook của anh Quang và nhiều facebook khác đã cho thấy điều đó [3].
Hình : Anh Lưu Đức Quang cùng các đồng nghiệp và các sinh viên (Nguồn : FB Lưu Đức Quang)
Sự phát động và cả sự lan tỏa của phong trào ngay trong giảng viên và sinh viên, mà trước hết là giảng viên và sinh viên luật đã gây phấn khích cho những người trong giới luật học lẫn những người ngoài giới và làm phong trào ý nghĩa hơn.
Đó là bởi chính những người dạy và học luật là những người góp tiếng nói cho một xã hội có trật tự và kỷ cương, và vì thế, khiến xã hội có thêm niềm tin vào những người dạy và học luật.
Chưa có phong trào nào như vậy, hoặc nếu có nhưng hiếm hay không được biết đến (?), ngay cả tại các trường đại học lớn về luật học như Đại học Luật Hà Nội hay Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh.
Trong bối cảnh mà đa số, nếu không muốn nói là hầu hết những người dạy và học luật chỉ dạy và học luật đơn thuần, thì những người dạy được, học được và cả làm được như những người trong phong trào này thực sự đáng quý !
Nhiều người đã bày tỏ lòng cảm kích đối với phong trào cũng như đối với anh Quang và các cộng sự. Trong số đó, một facebooker đã gửi tới anh Quang sự trân trọng và lời cảm ơn vì "anh đã tử tế".
Hình : FB Quochuynh Do (được đăng để nguyên tên với sự đồng ý của facebooker này)
Phong trào, ngay từ đầu, đã để mở cho tất cả mọi người bằng cách cung cấp thông tin về nhà in tại Sài Gòn cùng các thông tin liên quan để những ai quan tâm có thể chủ động liên hệ nhà in để in áo với mẫu có sẵn [4].
Một tháng đã trôi qua và phong trào chưa dừng lại. Hi vọng phong trào sẽ đi xa hơn nữa, bởi, như một câu nói mang đầy âm hưởng luật học mà anh Quang viết trên facebook của mình, "phong trào này là của chúng ta, do chúng ta và vì chúng ta".
Vì hầu như ai trong chúng ta cũng có người thân là trẻ em, và mỗi trẻ em là một nạn nhân tiềm năng của vấn nạn ấu dâm, chúng ta càng có lý do để không thờ ơ trước vấn nạn này, và tích cực hơn, là góp phần đẩy lùi nó, bằng những hành động từ nhỏ nhất, như ý thức về các thông điệp phòng chống ấu dâm và tiếp sức truyền đi các thông điệp ấy.
Nguyễn Trang Nhung
Nguồn : RFA, 19/05/2019 (NguyenTrangNhung's blog)
Chú thích :
[1] Phòng, chống nạn ấu dâm : giảng viên làm áo tuyên truyền miễn phí
[2] 111 – tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em
[3] Facebook của anh Lưu Đức Quang
[4] Thông tin về nhà in trên facebook của anh Lưu Đức Quang