Tháng 5 năm 2018, ‘luật bán nước’ - một cái tên bi thảm mà người dân đã gọi để lên án Luật Đặc khu - thêm một lần nữa bị hoãn trình quốc hội, sau lần bị hoãn đầu tiên xảy ra vào tháng 6 năm 2018 do bị hàng trăm ngàn người dân Sài Gòn đổ xuống đường biểu tình phản đối và lần thứ hai bị hoãn vô thời hạn vào tháng 10 năm 2018.
'Nó lừa mình !' - Phạm Minh Chính (trái) và Nguyễn Phú Trọng.
Vào sát thời điểm bắt đầu kỳ họp quốc hội tháng 5 năm 2019, dự Luật Đặc khu bất chợt bị phía chính phủ của của thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ đề nghị hoãn trình Quốc hội, với lý do là luật này chưa ‘chín’.
Còn hiện thời Chính phủ "đang tiếp tục hoàn chỉnh để báo cáo và đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh".
Hiện tượng lạ lùng là hiện chương trình xây dựng luật và pháp lệnh của cả năm 2019 và 2020 đều không có dự án ‘luật bán nước’, dù mới vào đầu tháng 4 năm 2019 Thủ tướng Phúc còn chỉ đạo cho các bộ ngành liên quan "Hoàn thiện dự án Luật Đặc khu theo hướng xây dựng một luật chung (thay vì dành cho riêng 3 đặc khu)" tại một phiên họp của Ủy ban Thường vụ quốc hội. Tinh thần chỉ đạo sắt son như thế đã khiến dư luận một lần nữa dậy sóng phản ứng về ý chí cố đấm ăn xôi của Nguyễn Xuân Phúc cùng các nhóm tài phiệt có lợi ích khổng lồ nếu ‘luật bán nước’ được thông qua.
Dư luận cũng bật lên một nghi ngờ rất lớn : sau ‘luật riêng’ của Phạm Minh Chính và Nguyễn Thị Kim Ngân, vai trò ‘luật chung’ của Nguyễn Xuân Phúc có thể được hiểu ra sao ? Liệu ông Phúc có lợi ích gì trong các phi vụ đầu cơ tài chính và chính trị của ‘luật bán nước’ ?
Còn nhớ khi đến sát kỳ họp quốc hội tháng 5 - 6 năm 2018, ‘luật bán nước’ mới được công bố một cách chính thức như sự đã rồi. Trước đó, đã không có bất kỳ một động tác nào, dù là nhỏ nhất hoặc chỉ mang tính mị dân, nhắm đến việc thông báo cho dân hoặc lấy ý kiến của dân về dự luật đặc khu.
Nhưng ngay sau khi dự luật Đặc khu được công bố, rất nhiều người dân và trí thức đã dậy lên một làn sóng phản kháng phẫn nộ, so sánh Dự luật về đặc khu kinh tế với hình thức nhượng địa mà chỉ đất nước nào nghèo đói lạc hậu mới cần đến, mặt khác họ cảnh báo nó có thể bị nước láng giềng Trung Quốc lợi dụng để di dân.
Chỉ đến khi không khí và tâm trạng bức xúc của dân chúng lên cao độ, Thủ tướng Phúc mới lộ hình để thanh minh : ‘Giao đất 99 năm không phải mấu chốt của luật đặc khu".
Nhưng khi không khí bức xúc của dân chúng và trí thức không còn là mỉa mai hay chỉ trích đối với dự luật đặc khu mà đã bùng nổ thành rất nhiều văn thư, bài viết phản bác và phản kháng, đồng thời manh nha một làn sóng biểu tình phản đối dự luật này, ông Phúc lại ‘tự diễn biến’ khi tự thay đổi quan điểm trước đó của mình sang ‘Sẽ điều chỉnh cho thuê đất đặc khu xuống dưới 99 năm’.
Không biết ngẫu nhiên hay chủ ý, dự án ‘luật riêng’ theo chỉ đạo biến tướng của Nguyễn Xuân Phúc thình lình bị xem là ‘chưa đủ chín’ chỉ vài ngày sau ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng tạm hồi phục, sau khi ông ta nhiều khả năng đã phải chịu một cơn tai biến mạch máu não không hề nhẹ nhàng.
Vào lúc này khi ‘luật bán nước’ một lần nữa bị hoãn trình ra quốc hội, phải chăng động thái đó có liên quan trực tiếp đến sự ‘tái xuất’ của Nguyễn Phú Trọng và lời cảm thán ‘Nó lừa mình !’ trước đó của ông ta, để thêm một lần Trọng buộc phải chỉ đạo ‘trảm’ dự luật phản dân hại nước này ?
Vào tháng 6 năm 2018, một tin tức đã lan tràn trong giới cách mạng lão thành ở Hà Nội : Nguyễn Phú Trọng đã có một cuộc gặp riêng kéo dài đến hai giờ đồng hồ với vài cựu quan chức thân tín để nghe báo cáo về thực chất mất chủ quyền an ninh và bị các nhóm lợi ích lợi dụng đẩy giá bất động sản trong dự luật Đặc khu, và cuối cùng ông Trọng phải thốt lên ‘Nó lừa mình !’.
‘Nó’ là ai ?
Khi đó, mối nghi ngờ rất lớn của dư luận tập trung vào ‘tứ trụ’ Huynh - Chính - Ngân - Phúc.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 19/05/2019