Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/05/2019

Làm thế nào Việt Nam có thể tránh bẫy thu nhập trung bình ?

Nguyễn Hiền

Bẫy thu nhập trung bình vẫn luôn được nhắc đến trong các buổi tọa đàm liên quan đến kinh tế.

average0

Cảnh báo về nguy cơ Việt Nam chưa giàu đã già được các thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng đưa ra tại buổi làm việc hôm 22/12/2018.

Vào tháng 1/2019, trong chương trình Chia sẻ tầm nhìn 2019, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước thu nhập trung bình thấp, bình quân đầu người chỉ ngang mức của Malaysia cách đây 20 năm, Thái Lan 15 năm.

Sau 30 năm đổi mới, theo ông Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với quy mô, tiềm lực kinh tế ngày càng mạnh. Tuy nhiên ông Dũng cũng cho hay, để tránh bẫy thu nhập trung bình thì cần cải cách thể chế.

"Khó lắm các đồng chí ạ"

Liên quan đến sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam trong phát triển kinh tế, gần đây, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 10, ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự quan ngại về tiến trình và mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế quốc gia.

"Từ năm 2001, chúng ta đã xác định đến năm 2020, nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, giờ đã trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa ?".

Từ "khó" được ông Nguyễn Phú Trọng nhắc 8 lần trong bài phát biểu của mình, và "khó lắm" được ông diễn giải như một cách để đòi hỏi sự "hiểu biết rất sâu sắc cả lý luận và thực tiễn, cả trong nước và quốc tế"trong định hình tương lai của các "đồng chí".

Trở lại với vấn đề thu nhập bình quân đầu người. Nó là gì ?

Đây là khái niệm chỉ trạng thái một nền kinh tế vượt qua mốc thu nhập thấp (1.025 USD/người) để trở thành quốc gia có thu nhập trung bình (từ 1.025 USD đến 12.475 USD/người), nhưng sau đó bị dừng lại ở khoảng thu nhập này. Lý do xuất phát từ các lợi thế vươn lên từ thu nhập thấp sang thu nhập trung bình đã không còn hoặc bị bỏ qua, hoặc không bổ sung thêm, cụ thể là về trình độ nhân công giá rẻ, dân số vàng, ưu thế về cơ sở hạ tầng, trình độ nhân lực cao.

Việt Nam, giai đoạn 2001-2005 đã vượt qua khỏi quốc gia có "thu nhập thấp" để gia nhập thu nhập trung bình, thời điểm đó, cơ chế và lợi thế quốc gia (dân số vàng, nhân công giá rẻ,…) được mở rộng. Đến năm 2018, thu nhập bình quân đầu người đạt 2.587 USD/người.

Nếu lấy tiến trình từ 2005 – 2018 thì sau 13 năm, tốc độ gia tang thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam là quá chậm chạp. Và căn cứ vào phân loại thu nhập bình quân đầu người của Ngân hàng thế giới, thì hiện tại Việt Nam vẫn là quốc gia nằm trong thu nhập trung bình thấp (từ 1.036 USD - 4.085 USD/người).

Trong buổi phát biểu vào đầu năm 2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, với tốc độ tăng trưởng tương tự như mức tang trung bình của 3 thập niên qua, thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt 18.000 USD (tức là nằm trong thu nhập cao) vào năm 2045. Nếu đặt yếu tố "tốc độ tang trưởng" trong bối cảnh hiện nay, khi Việt Nam đang tái diễn những gì đã từng diễn ra vào năm 2007 -2008, theo đó là bong bóng bất động sản, lạm phát và hạ tầng giao thông bị tắc nghẽn. Nói cách khác, nền kinh tế Việt Nam chủ yếu là một nền kinh tế liên quan đến tài nguyên cố định (đất đai), và chủ yếu là đầu tư bất động sản hơn là các kỹ nghệ trong sản xuất – kinh doanh. Việt Nam có thể được thúc đẩy bởi nguồn vốn đầu tư FDI, nhưng nó phải gắn liền với nguồn nhân lực, cải thiện chính sách, cơ sở hạ tầng, hệ thống tài chính hiệu quả - và những yếu tố này cho đến nay mới chỉ được sắp xếp lại, chứ chưa đi vào hướng cải thiện. Một ví dụ như năng suất lao động của toàn nền kinh tế dù có cải thiện theo hướng tăng qua các năm (năm 2017 tăng 6% so với 2016), nhưng năng suất lao động lại thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực (mức tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng bằng 17,6% của Malaysia ; 36,5% của Thái Lan ; bằng 42,3% của Indonesia,…). Và về trình độ của lao động, thì cuối năm 2017, mới chỉ có 21,5% lao động cả nước đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ, trong đó khu vực nông thôn rất thấp, chỉ khoảng 13%.

Tất cả những con số nêu trên cho thấy, để đạt mức 18.000 USD/người trong năm 2045 (tức 25 năm nữa), là một thách thức không nhỏ nếu Việt Nam vẫn duy trì mô hình kinh tế - chính trị như hiện nay.

Cải cách thể chế : nhanh và luôn

Trong một bài viết trên brookings [1] liên quan đến câu hỏi, làm thế nào để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, Sebastian Eckardt (Chuyên gia kinh tế hàng đầu tại Việt Nam - Ngân hàng Thế giới) và Vũ Viết Ngoạn (Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc) cũng đã thừa nhận, để trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam sẽ cần duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình ít nhất 7% trong 25 năm tới. Và "dù Việt Nam có tiềm năng đáp ứng nguyện vọng này, nhưng không có cải cách, quốc gia này có thể gặp phải sự tăng trưởng chậm lại và thiếu đi khát vọng của chính mình".

Do đó, để đạt được mục tiêu nêu trên trong bối cảnh dân số đang già hóa cũng như sự chậm chạp trong chính sách đầu tư và chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, thì theo hai tác giả, Việt Nam cần phải làm ngay những việc sau :

Đầu tiên là, đẩy nhanh đầu tư sản xuất, qua đó đòi hỏi một hệ thống tài chính hiệu quả hơn, giúp giảm chi phí tài chính và phân bổ các khoản tiết kiệm đáng kể vào khu vực sản xuất tư nhân và đầu tư cơ sở hạ tầng.

Thứ hai, thúc đẩy một lực lượng lao động sản xuất với các kỹ năng của thế kỷ XXI. Bởi ngày nay, hơn ½ các doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết, họ gặp những khó khăn trong việc tìm kiếm công nhân có kỹ năng. Và Việt Nam sẽ cần một cải cách lớn để xây dựng hệ thống đào tạo nghề toàn diện và cạnh tranh ; các trường đại học đẳng cấp thế giới.

Thứ ba, thúc đẩy đổi mới. Sự đổi mới sẽ cần trở thành động lực quan trọng hơn để tăng năng suất, cả thông qua việc nâng cấp các quy trình, công nghệ và sản phẩm của các doanh nghiệp hiện tại, nhằm thoát khỏi các doanh nghiệp năng suất thấp. Kèm theo đó, là bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, cũng như sự cởi mở trong thương mại và đầu tư.

Cuối cùng và quan trọng nhất, theo hai tác giả là thể chế, bao gồm khu vực nhà nước vẫn còn lớn, thể chế thị trường chưa hoàn chỉnh và môi trường đầu tư rườm rà tiếp tục cản trở sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam. Nếu không được giải quyết, những điểm yếu về quản trị này có thể trở thành lực cản cho sự phát triển trong tương lai.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 19/05/2019

Chú thích :

[1] https://www.brookings.edu/blog/future-development/2019/05/16/how-can-vietnam-avoid-the-middle-income-trap/

Quay lại trang chủ
Read 575 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)