Xử lý dân hay phải khởi tố Bộ Công thương và Trần Tuấn Anh ?
Thường Sơn, 21/05/2019
EVN, Petrolimex, Vũ Huy Hoàng trong quá khứ đen tối và Trần Tuấn Anh trong hiện tại đen đúa có phải là toàn bộ thủ phạm gây ra thảm họa tăng giá xăng dầu và điện khiến ít ra một nửa dân số Việt Nam bị móc túi trắng trợn, càng thêm khốn quẫn trong khi nền kinh tế đã lao vào năm suy thoái thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2008.
Trần Tuấn Anh, vợ và vụ 'lấy xe công đón người nhà tận chân cầu thang máy bay'.
Theo chân Bộ Giao thông Vận tải đòi xử lý, và trong thực tế đã chỉ điểm cho công an bắt bớ một số lái xe dám phản đối nạn BOT ‘thu giá’ rừng rú, đến lượt Bộ Công thương của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đòi xử lý ‘những cá nhân cố tình xuyên tạc về việc tăng giá điện’.
Ngày 19/5/2019, báo chí nhà nước dẫn văn bản của Bộ Công thương gửi Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ký, trong đó :
"Vì vậy, Bộ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và truyền thông tiếp tục chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện công tác thông tin tuyên truyền về chủ trường đúng đắn của Đảng, Chính phủ trong việc điều chỉnh giá điện ; phản ánh chính xác, khách quan, không đưa thông tin trái chiều về giá điện.
Đồng thời có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Phản ứng trả đũa trên hiện ra sau khi dư luận xã hội và báo chí gầm gào phẫn nộ về việc tại sao EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) đã tăng giá điện đến 8,36% vào đầu năm 2019, nhưng đến khi tính giá điện cụ thể với các hộ gia đình thì lại xảy ra quá nhiều trường hợp người dân ngã ngửa khi mức thu hàng tháng vọt đến 50 - 70% so với tháng trước – một kiễu ăn cướp trắng trợn và bất chấp luân lý giữa ban ngày ban mặt trong chế độ ‘không biết đến cuối thể kỷ này có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa’ (lời Nguyễn Phú Trọng).
Thời buổi đã trở nên đảo điên đến độ kẻ cướp đòi bắt người bị cướp.
Bế tắc toàn diện giai đoạn cuối của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đang được kết liễu bằng công cuộc vơ vét tàn mạt mang tính tư bản chủ nghĩa dã man của giới quan chức vẫn xưng hô là đồng chí : đã đến thời các tập đoàn tài phiệt xăng dầu và điện lực tăng giá phi mã bất chấp dân sinh khốn khó và cũng bất chấp phản ứng công luận.
EVN và Petrolimex (Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam) thêm một lần nữa kể từ thời Nguyễn Tấn Dũng và Bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng đội mồ sống dậy bằng hình ảnh những bóng ma tài phiệt như thế.
Petrolimex và EVN được xem là cặp ‘anh em sinh đôi’. Nếu EVN bị lỗ đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn đầu tư trái ngành những năm 2007 - 2009, Petrolimex cũng đầu tư trái ngành tương tự và rước khoản lỗ đến 10.000 tỷ đồng. Giờ đây, doanh nghiệp này đang cố nại ra đủ thứ lý do như ‘tăng giá điện, xăng có lợi cho mọi người’, ‘tăng giá để tái cơ cấu ngân sách’, ‘tăng giá để bù đắp tỷ giá và giá thành’… Tất cả những lý do này đã bị dư luận phản ứng dữ dội và vạch trần bản chất ngụy trá của chúng.
Cấp trên trực tiếp của EVN và Petrolimex vẫn là Bộ Công thương - một ‘cá mập’ lớn mà suốt từ thời cựu bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến bộ trưởng đương nhiệm là Trần Tuấn Anh, con trai của Trần Đức Lương cựu chủ tịch nước và thuộc diện cán bộ ‘hót hay nhảy giỏi’, đều trắng trợn bao che cả hai tập đoàn tài phiệt trên không chỉ cho những âm mưu tăng giá điện và xăng dầu giảm ít tăng nhiều và trực chỉ ‘nâng lên một tầm cao mới’, mà còn về hàng loạt cú xả lũ thủy điện bất nhân của EVN từ năm 2013 đến nay ở các tỉnh miền Trung mà đã trở thành tác nhân chính giết sống ít nhất hàng trăm mạng dân nghèo nơi rốn lũ.
Nhưng EVN, Petrolimex, Vũ Huy Hoàng trong quá khứ đen tối và Trần Tuấn Anh trong hiện tại đen đúa có phải là toàn bộ thủ phạm gây ra thảm họa tăng giá xăng dầu và điện khiến ít ra một nửa dân số Việt Nam bị móc túi trắng trợn, càng thêm khốn quẫn trong khi nền kinh tế đã lao vào năm suy thoái thứ 11 liên tiếp kể từ năm 2008.
Thay vì ‘xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc’, lò của Nguyễn Phú Trọng phải làm ngay và làm nhanh việc khởi tố Bộ Công thương và bộ trưởng bộ này là Trần Tuấn Anh vì tội ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và nhiều tội danh khác về lũng đoạn thị trường, bóc lột dân chúng và ‘giết sống’ người nghèo.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 21/05/2019
****************
Xử lý người phản đối tăng giá điện là "cản trở sự phát triển"
Trung Khang, RFA, 20/05/2019
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vào ngày 19/5 vừa gửi văn bản cho Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị giao cho Bộ Thông tin và truyền thông xử lý những ai cố tình xuyên tạc về đợt "điều chỉnh giá điện" vừa qua.
Nhân viên EVN, ảnh minh họa. Courtesy EVN
"Tôi thấy cái này hơi buồn cười, áp đặt, những người phản đối tăng giá điện mà quy chụp họ xuyên tạc là không nên. Bây giờ xã hội rất văn minh, ai đúng ai sai người ta biết, mọi người đều nghĩ cho đất nước Việt Nam… Nhà bác học Lê Quý Đôn từng nói : ‘Những kẻ nịnh ta là những kẻ hại ta, những kẻ nói mặt trái của ta là tốt với ta’, ta mới thấy mặt trái để sửa. Thế cho nên đề nghị Bộ Thông tin và truyền thông xử lý những người xuyên tạc, thì ai là người xuyên tạc, thế nào là xuyên tạc, phải xác định rõ. Với cách tư duy như vậy thì đất nước khó phát triển".
Đó là nhận định của Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả Bộ Tài chính, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do từ Hà Nội hôm 20/5/2019, liên quan vấn đề này.
Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long cũng là người từng nhiều lần lên tiếng cho rằng, biểu giá điện lũy tiến của EVN là bất hợp lý.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do qua e-mail hôm 20/5 từ Sài Gòn, nhận định :
"Công chúng rất bức xúc trước thông tin Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Anh Tuấn có văn bản giải trình giá điện gởi thủ tướng chính phủ, trong đó, lại bao gồm cả nội dung "kiến nghị xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Đánh giá sự việc dưới góc độ pháp lý, tôi nhận thấy sự bức xúc của công chúng là hoàn toàn chính đáng và hợp pháp. Bởi lẽ, kiến nghị "xử lý" của ông bộ trưởng đã vi hiến một cách hiển nhiên khi xâm phạm vào hai trong số các quyền hiến định của công dân, bao gồm "quyền tự do ngôn luận" (điều 25 Hiến pháp) và "quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước" (khoản 1 điều 28 Hiến pháp)".
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Khả Thành cũng cho rằng, Hiến pháp đã quy định công dân có quyền đóng góp mọi ý kiến với quốc gia mình. Bộ Công thương cho rằng nếu nói xấu thì mới đề nghị xử lý, tuy nhiên theo ông, khái niệm này rất mơ hồ, thế nào là nói xấu, thế nào là nói thật, cần phải rạch ròi về hai khái niệm này.
Trước đó, từ ngày 20 tháng 3 năm 2019, giá điện tại Việt Nam tăng thêm 8,36%. Theo Bộ Công Thương, giá điện sau khi tăng thêm 8,36% thì mỗi hộ gia đình phải trả thêm tiền điện là từ 7.000 đồng đến 77.200 đồng một tháng nếu sử dụng dưới 400 kWh. Còn các hộ kinh doanh dùng điện theo giá kinh doanh, sau khi tăng giá phải trả thêm 500 ngàn đồng một tháng, còn hộ sản xuất phải trả thêm gần 870 ngàn đồng một tháng...
Trên thực tế, tháng đầu tiên sau khi tăng giá điện, người dân phải trả tiền điện thêm rất nhiều lần, chứ không phải 8,36%.
Chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN khi trả lời Báo Tuổi Trẻ ngày 29/4/2019 cũng thừa nhận hóa đơn tiền điện trong tháng 4 năm 2019, tăng ít nhất 35%. Vì vậy người dân trên khắp cả nước lên tiếng phản đối cũng là lẽ được nhiên.
Chị Nguyễn Lai, một người dân từ Nha Trang khi trao đổi với chúng qua tin nhắn, đưa ra ý kiến của mình :
"Trong khi giá điện tăng một cách vô lý, gây bức xúc trong người dân. Thậm chí có vài tờ báo nhà nước rên rỉ cho mức lương của công nhân và dân nghèo. Trong khi đó, EVN thua lỗ do kinh doanh ngoài ngành rồi đè dân ra vặt lông vịt, thiết nghĩ người dân có quyền bức xúc trước giá điện tăng một cách vô lý như vậy. Bộ công thương kiến nghị xử phạt những cá nhân phản đối không khác gì vừa ăn cướp, vừa cào mặt ăn vạ".
Từ Sài Gòn, Nghệ sĩ Kim Chi cũng cho rằng, tăng giá điện là sai, vì tăng quá nhiều, và tăng bất thường. Chị cho rằng chuyện người dân phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, sao bây giờ lại đòi xử lý :
"Để xem họ xử lý thế nào, Chị cũng là một trong những người phản đối, chị có tham gia ký tên đó, sẵn sàng thôi… Chứ còn không thể cứ ‘cả vú lấp miệng em’ làm hoài như vậy được, Nhà nước làm ăn thua lỗ giờ tìm đủ cách móc túi dân, nên tôi cho rằng chuyện phản đối là hoàn toàn đúng đắn và cần thiết. Đối với người dân thấp cổ bé họng không phải cứ lấy quyền để mà hăm dọa xử lý, đâu phải người dân này muốn đè đầu cưỡi cổ người ta hoài được đâu".
Trước phản đối của người dân, Bộ Công Thương cho rằng có 3 nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện sinh hoạt trong tháng 4/2019 của người dân tăng cao là do : sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng tăng do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao ; do tác động của việc điều chỉnh tăng giá điện 8,36% vào ngày 20/3 và kỳ ghi chỉ số công-tơ của tháng 4 cũng nhiều hơn 3 ngày so với tháng 3.
Tuy nhiên, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long, ngoài những tác động khác, điểm quan trọng nhất là biểu giá điện lũy tiến không đúng, không hợp lý. Ông đưa ra ví dụ :
"Tôi lấy một ví dụ, có 6 cái kính, nếu bán mỗi cái giá 1 đồng thì sẽ là 6 đồng, nếu bây giờ theo chính sách phân hóa giá bán 6 cái kính đó theo giá khác nhau, có nghĩa bán cho đối tượng này giá này, đối tượng khác giá khác, nhưng làm sao để tổng số tiền bán 6 cái kính cũng là 6 đồng chứ không phải trên 6 đồng. Nếu bán 6 cái kính đó trên 6 đồng là sai, là vi phạm, đó là nguyên tắc trên giá điện, nhưng họ lại bán cao hơn, đó là điểm bất hợp lý. Như vậy người dân than phiền về giá điện lên quá là đúng".
Trong khi Bộ Công thương kiến nghị chính phủ xử lý những ai bị cho là ‘cố tình xuyên tạc không đúng sự thật, không đầy đủ’ về đợt tăng giá điện bắt đầu từ ngày 20 tháng 3 vừa qua, thì đúng 2 tháng sau vào ngày 20/5/2019, Quốc hội Việt Nam đã yêu cầu chính phủ phải có báo cáo minh bạch về cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện…
Trung Khang
Nguồn : RFA, 20/05/2019
**********************
Quốc hội đề nghị minh bạch việc tính giá điện (RFA, 20/05/2019)
Quốc hội Việt Nam hôm 20/5 yêu cầu chính phủ phải có báo cáo minh bạch về cách tính giá điện, thời điểm tăng giá điện.
Hình minh họa. Một công nhân điện đang kiểm tra một cột điện ở Hà Nội hôm 29/2/2016 - AFP
Phát biểu tại phiên khai mạc Quốc hội, kỳ họp thứ 7 khóa 14 hôm 20/5, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh yêu cầu chính phủ phải có báo cáo đầy đủ về cơ sở của việc tăng giá điện và xăng cùng tác động của việc tăng giá tới chỉ số giá tiêu dùng và các mặt kinh tế, xã hội.
Theo báo cáo của Quốc hội, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng đầu năm tăng 2,71% so với cùng kỳ năm ngoái, và được coi là mức tăng thấp nhất trong ba năm qua. Tuy nhiên, lạm phát cơ bản bình quân 4 tháng đầu năm tăng 1,84% so với bình quân cùng kỳ năm ngoái.
Trong các tháng qua, nhiều người dân Việt Nam và một số chuyên gia tỏ ra bất bình với việc Bộ Công thương cho tăng giá điện lên 8,36% hồi tháng 3 vừa qua, ngay sau khi có một loạt lần điều chỉnh giá xăng. Giá điện tăng đột ngột đã khiến hóa đơn của nhiều người dân trong tháng 4 tăng đột biến gấp nhiều lần.
Bộ Công thương hôm 19/5 có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị chính phủ xử lý những ai cố tình xuyên tạc về đợt "điều chỉnh giá điện" vừa qua.
*******************
Kiến nghị ‘xử lý’ người bức xúc về giá điện, Bộ Công thương bị lên án (VOA, 20/05/2019)
Dư luận Việt Nam, bao gồm nhiều người có ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, đưa ra những lời lên án gay gắt nhằm vào Bộ Công thương trong dịp cuối tuần qua, sau khi bộ kiến nghị chính phủ "xử lý" những người có quan điểm phản đối đợt tăng giá điện gần đây.
Nhân viên ngành điện kiểm tra chỉ số công tơ ở Hà Nội
Kiến nghị của Bộ Công thương là một phần trong báo cáo đề ngày 17/5 gửi đến chính phủ, theo các bản tin của Thanh Niên, Người Lao Động và VnExpress.
Hôm 20/3, giá điện ở Việt Nam "tăng 8,36%", theo báo cáo chính thức của Bộ Công thương, mà bộ gọi đó là việc điều chỉnh giá "đúng quy định, quy trình, cũng như thời điểm".
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, trên mạng xã hội, nhiều người dân viết rằng số tiền họ phải trả theo hóa đơn của tháng 4 tăng "từ 35 đến 75%" so với trước, kèm theo là vô số những lời lẽ bày tỏ bất bình cao độ về mức giá tăng vọt.
Vẫn theo ghi nhận của VOA, nhiều đài, báo chính thống ở Việt Nam như VOV, VietNamNet hay Zing News cũng đã đăng các bài cho hay, người dân "sốc", "choáng váng" về mức giá tăng. Bên cạnh đó, các báo đài trong nước trích dẫn ý kiến một số chuyên gia nói rằng cách tính giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) có những điểm bất hợp lý.
Như là một động thái đáp trả những phản ứng kể trên, trong báo cáo mới đây, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Thông tin và Truyền thông "chỉ đạo" các cơ quan báo chí "không đưa thông tin trái chiều về giá điện".
Đồng thời, bộ cũng kiến nghị "có các biện pháp chấn chỉnh hoặc xử lý những cá nhân cố tình xuyên tạc, đưa thông tin không đầy đủ, khách quan về đợt điều chỉnh giá điện vừa qua nhằm kích động, gây rối trật tự, an toàn xã hội".
Kiến nghị của bộ ngay lập tức vấp phải vô số lời lên án thể hiện trên các trang Facebook cá nhân cũng như trong hai diễn đàn "Góc nhìn Báo chí-Công dân" và "Bàn luận về Kinh tế-Chính trị" gồm tổng cộng trên 260.000 thành viên.
Hai nhà hoạt động được nhiều người biết đến, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải và nhạc sĩ Tuấn Khanh, đều coi kiến nghị đó là "ngu xuẩn". Ông Hải giải thích với VOA vì sao ông có cách nhìn như vậy :
"Khi anh ra một chính sách sai trái, người dân được quyền nêu ra chính kiến của mình. Đề xuất của Bộ Công thương vô tình dập tắt tiếng nói phản biện của người dân. Thứ hai, Bộ Công thương không thể giải thích được thế nào là chống phá, hoặc là gây rối được. Mà như thế anh làm sao xử lý được ? Xử lý bằng cách nào ?"
Chia sẻ với quan điểm của ông Chu Vĩnh Hải, nhạc sĩ Tuấn Khanh nhận xét rằng kiến nghị của Bộ Công thương cho thấy bộ có một lối tư duy "không có luật pháp, không hiểu biết về hành chính, công quyền".
Nói thêm với VOA, nhà báo độc lập Chu Vĩnh Hải nhận định rằng Bộ Công thương đang mắc "sai lầm lớn" khi tìm cách hình sự hóa một vấn đề giữa người dân với ngành điện.
Nhà báo thường lên tiếng vì dân chủ và tiến bộ xã hội cho rằng sai lầm của Bộ Công thương có nguy cơ đổ thêm dầu vào lửa, khi mà sự bất bình của người dân về giá điện chưa hề lắng xuống, tròn hai tháng kể từ ngày giá tăng.
Ông Hải mô tả về những gì ông quan sát thấy :
"Người dân bức xúc về giá điện khủng khiếp lắm. Vào tháng 4, kỳ thanh toán đầu tiên sau khi tăng giá điện, thì họ còn than vãn. Nhưng đến kỳ tháng 5 này, nhận hóa đơn điện, thấy mức tăng khủng khiếp quá, rất nhiều người đã khóc. Sáng nay (20/5), tôi đi nộp tiền điện, chính bản thân cô nhân viên thu tiền điện cũng mếu máo khóc. Cô ấy bảo ‘Chúng nó là đồ ăn cướp’. Người dân họ phẫn nộ lắm".
Trong bối cảnh lòng dân như vậy, kiến nghị của Bộ Công thương chỉ dừng lại như là một sự hăm dọa hay sẽ biến thành hành động trừng phạt cụ thể, đó là một điều "khó lường", theo nhạc sĩ Tuấn Khanh. Mặc dù vậy, ông phân tích với VOA rằng ở thời điểm này, nhà chức trách Việt Nam có thể chưa "xử lý" những người phản đối giá điện tăng :
"Nhận thức của người dân càng lúc càng nhiều, sự phẫn nộ càng lúc càng lớn. Việc họ làm được lúc này tôi nghĩ tương đối là khó. Tôi không tin là họ không làm, bởi vì đối với những người cộng sản, không có gì họ không dám làm. Nhưng lúc này, cái sự dám làm cũng phải cân nhắc rất nhiều. Đặc biệt là cân nhắc với tình thế lúc này đại hội đảng, mọi thứ họ đang muốn yên lành và họ muốn không có gì bất thường xảy ra trong xã hội".
Các báo Việt Nam cuối tuần qua cho hay, Bộ Công thương nói trong báo cáo của họ gửi tới chính phủ rằng trước sự bức xúc của nhiều người dân về biểu giá điện bậc thang bị cho là "đã lạc hậu", trong thời gian tới bộ "sẽ nghiên cứu, đề xuất biểu giá điện mới với mục tiêu giảm bù chéo giữa các hộ tiêu thụ".