Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/05/2019

Công đoàn ngoài quốc doanh : Khai tử lồng trong giấy khai sinh

Gió Bấc

Do áp lực của EU và các định chế quốc tế, Bộ Lao động, thương binh và xã hội Việt Nam đã công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.

congdoan1

Hình minh họa. Công nhân đình công ở nhà máy sản xuất đồ chơi Keyhinge ở Đà Nẵng hôm 30/1/2008 - AFP

Đây là mong muốn, là yêu cầu mà người lao động Việt Nam đòi hỏi từ nhiều năm qua cũng như các quyền biểu tình, quyền tư do lập hội, quyền đình công nhưng không được chính quyền Việt Nam đáp ứng. Hàng chục năm qua, nhà cầm quyền Việt Nam nhân danh là tổ chức duy nhất đại diện cho người lao động đã duy trì Tổng Liên đoàn lao động như là bộ máy cai trị thứ hai để khống chế người lao động, viên chức theo quỹ đạo của đảng cộng sản.

Cái tên của trẻ sinh non và thiểu năng

Dư luận tỏ ra cảnh giác, nghi ngờ rằng việc cho phép thành lập "công đoàn ngoài quốc doanh" này là không thực tâm, là nhằm đối phó với quốc tế. Căn cứ vào não trạng, tư duy của chế độ độc tài toàn trị, căn cứ vào thực trạng hệ thống tổ chức và hoạt đông của hệ thống chính trị cầm quyền hiện nay, căn cứ vào nội dung dự thảo, có thể khẳng định rằng quy định việc thành lập công đoàn ngoài quốc doanh chỉ là một trò chơi mà giấy khai tử đã lồng sẵn trong giấy khai sinh. Những tổ chức công đoàn tự do hay độc lập ngoài quốc doanh muốn ra đời khó hơn là voi đẻ trứng và nếu có cơ may hiếm hoi nào đó hiện diện nó sẽ bị bóp chết từ trong trứng nước hoặc đã được quốc doanh hóa từ trong ruột và chỉ là công đoàn độc lập tự do cuội do đảng sinh ra.

Trước hết, xem xét nội dung các điều quy định trong dự thảo về "Công đoàn ngoài quốc doanh" người ta thấy ngay nó giống như cái cửa mở của ngỏ ngách hẹp đã treo sẵn sợi dây thòng lọng.

congdoan2

Hình minh họa. Công nhân ở xưởng may 10 ở Hà Nội hôm 20/10/2015AFP

Người Việt có câu, danh chánh thì ngôn thuận, trong khi đảng nhà nước đã lập ra tổ chức khổng lồ là Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cưỡng bách tất cả công nhân lao động viên chức nhà nước tham gia. Tổng liên đoàn này hút máu 3% lương của người lao động và còn chia phần trong 14.000 tỉ đồng ngân sách cùng với các hội đoàn quốc doanh khác, có cả Luật Công Đoàn với những ưu quyền sử dụng tài sản, quyền lợi quốc gia cho bè nhóm của họ. Họ có cả hệ thống truyền thông từ báo Lao Động cấp trung ương đến cấp ngành, địa phương.

Thế nhưng với tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh, dự thảo không dám ghi nhận cái tên chính thức mà chỉ gọi là "tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở". Định danh ấy bó hẹp vai trò chức trách của tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh chỉ bé như con kiến so với con voi khổng lồ Tổng Liên Đoàn Lao động. Sự định danh bé mọn như vậy đã quy ước mặc định cho nó không thể lớn, không có cơ may trưởng thành mà như đứa trẻ sinh non vốn mang trong người sự thiểu năng phát triển.

Con voi và cái kiến

Ngược với sự yếu ớt nhỏ nhoi đó, Tổng Liên Đoàn lao động là con voi mamút khổng lồ. Tổng liên đoàn quốc doanh được giao phó quyền lực rộng rãi là cơ quan lãnh đạo của các cấp Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thay mặt cho công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động tham gia quản lý kinh tế, quản lý Nhà nước, tham gia xây dựng pháp luật, chế độ chính sách liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công nhân, viên chức và lao động.

Lãnh đạo chỉ đạo phong trào công nhân viên chức lao đông và hoạt động các cấp công đoàn trong cả nước.

Đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp về thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động.

Tổ chức hoạt động tuyên truyền, các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân viên chức và lao động, phát triển đoàn viên, xây dựng tổ chức, xây dựng đội ngũ cán bộ Công đoàn đáp ứng yêu cầu của phong trào công nhân, Công đoàn.

Giao dự toán, Thông qua quyết toán ngân sách hệ thống Công đoàn hàng năm ; tiến hành Công tác kiểm tra, nữ công và công tác đối ngoại theo đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam.

Đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng cho đoàn viên và người lao động ; Chăm lo lợi ích cho đoàn viên và người lao động ; Tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục góp phần xây dựng giai cấp Công nhân Việt Nam vững mạnh ; Xây dựng tổ chúc Công đoàn Việt Nam vững mạnh, tham gia xây dựng đảng, xây dựng chính quyền nhân dân ; Tổ chúc các hoạt động nữ công, tài chính, kiểm tra, đối ngoại (1).

Hút máu dân, phục vụ phe nhóm cầm quyền bán nước

Nực cười là trực tiếp hút máu người lao động hàng ngày hàng tháng qua công đoàn phí, tiêu tốn tiền thuế người dân qua ngân sách, mấy chục năm qua Tổng Liên đoàn ấy chưa làm một việc gì có ích cho người lao động hoặc quốc gia ngoài việc rình rập ngăn cản hoat động của công nhân như một hệ thống an ninh thứ cấp.

congdoan3

Công nhân công ty Pouyuen VietNam tại khu Công nghiệp Tân Tạo biểu tình vào ngày 9/6/2018 Courtesy of JB Nguyễn Hữu Vinh

Điển hình nhất là hai cuộc đình công của công nhân công ty Pouyuen đòi bải bỏ điều 60 luật Bảo Hiểm Xã Hội, phản đối quy định không cho lãnh bảo hiểm xã hội một lần trong Luật bảo hiểm xã hội mới có hiệu lực từ 1/1/2016 và cuộc đình công biểu tình chống bộ luật bán nước thành lập ba đặc khu cho Trung Quốc, cả hệ thống truyền thông hùng hậu của Tổng Liên đoàn quốc doanh đều cấm khẩu. Thực tế Quốc hội Việt Nam phải chấp nhận sửa Luật bảo hiểm xã hội và hoãn thông qua luật đặc khu. Điều đó cho thấy nguyện vọng, kiến nghị của công nhân là đúng đắn, sáng suốt, đáng lẽ ra họ phải được cái Tổng liên đoàn quốc doanh hỗ trợ, cùng lên tiếng. Thế nhưng, những người hút máu, ăn tiền của công nhân hoàn toàn ‘cấm khẩu" và khi lên tiếng thì lại úp chụp, quy tội cho việc biểu tình. Dùng từ khóa "Công nhân Pouyuen Vietnam đình công vì bảo hiểm mới", trang tìm kiếm của Google cho ra 2130 kết quả tìm kiếm nhưng không có thông tin nào của các báo Lao Động. Người Lao Động, hay các báo khác trong hệ thống Tổng Liên đoàn quốc doanh (2).

Tương tự, dùng từ khóa "Công nhân Pouyuen Việt Nam đình công chống luật đặc khu" có được 1730 kết quả tìm kiếm (3) Trong đó có hiếm hoi bài viết của báo Lao Động "Sáng nay, 100% công nhân PouYuen vào xưởng làm việc" với nội dung quy chụp công nhân và không dám đề cập gì đến nội dung bán nước mà người dân bức xúc (4).

Với minh chứng ấy đủ cho thấy mục đích thật sự mà đảng cộng sản Việt Nam thành lập và nuôi dưỡng cái Tổng liên đoàn quốc doanh ấy là vì các nhóm lợi ích cầm quyền hay vì quyền lợi công nhân. Điều này cũng lý giải vì sao Đảng lồng sẵn giấy khai tử trong khai sinh của công đoàn ngoài quốc doanh.

Chưa biết đến bao giờ mới có

Theo dự thảo, "người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.

Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy đinh của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký". Quy định nghe rất êm tai nhưng cụm từ "quy định của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký" là một khái niệm mệnh mông có thể kéo dài hàng trăm năm mới được cụ thể hóa. Quy định của pháp luật là quy định nào ? Cơ quan thẩm quyền là cơ quan nào tại sao không quy định ngay trong dự thảo này mà phải chờ quy định khác ? Ngay hiện nay, sau hơn 40 năm độc lập tự do nhà nước cộng sản vẫn còn nợ người dân Luật biểu tình thì quy định pháp luật và cơ quan thẩm quyền cho công đoàn độc lập sẽ còn nợ đến lúc nào ?

Chỉ có quyền đấu tranh với chủ ?

Với tư cách là một công dân, người lao động chịu sự chi phối bởi nhiều quan hệ : quan hệ với nhà nước qua chính sách thuế má, tiền lương và nghĩa vụ khác ; quan hệ với tổ chức bảo hiểm qua dịch vụ an sinh xã hội ; quan hệ với các tổ chức cung ứng dịch vụ lao động ; vv…. Thế nhưng, nhà nước Việt Nam chỉ cho phép tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh làm đại diện cho người lao động trong một quan hệ duy nhất với người chủ lao động trực tiếp. Quyền của công đoàn này chỉ đóng khung trong mối quan hệ duy nhất này. "tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể với người sử dụng lao động, đối thoại, tham vấn tại nơi làm việc theo quy định. Tham gia ý kiến xây dựng và giám sát việc thực hiện thang lương, bảng lương, định mức lao động, quy chế trả lương, quy chế thưởng, nội quy lao động, được tham khảo ý kiến về những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động là đoàn viên của mình".

Đại diện cho người lao động được tổ chức và lãnh đạo đình công. Đồng thời, tiếp nhận hỗ trợ kỹ thuật của cơ quan, tổ chức đăng ký hoạt động hợp pháp tại Việt Nam nhằm tìm hiểu về pháp luật lao động, trình tự, thủ tục thành lập tổ chức đại diện của người lao động, tiến hành các hoạt động đại diện trong quan hệ lao động sau khi được thành lập…".

Như vậy, dù tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh có được thành lập thì nó cũng yếu ớt, què quặt như đứa trẻ đẻ non, bị thiểu năng bẩm sinh chỉ có thể khóc oe oe đòi sữa mẹ mà không có quyền, không có khả năng đối thoại với những ông lớn có quyền sinh sát như Bảo Hiểm Y tế, Bảo Hiểm Xã Hội, …

Ai cũng có quyền giải thể

Tên gọi thì chông chênh, quyền hạn mong manh nhưng điều kiện để rút giấy phép, giải thể thì rộng mênh mông. Ai cũng có thể giải tán, thu hồi giấy phép hoặc giải thể những tổ chức đại diện người lao động ở cơ sở này. Dự thảo quy định rằng ; "Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bị thu hồi đăng ký khi vi phạm về tôn chỉ, mục đích hoặc đơn vị sử dụng lao động chấm dứt hoạt động hoặc tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở chấm dứt sự tồn tại trong các trường hợp hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể tổ chức đại diện người lao động".

Thuật ngữ "vi phạm về tôn chỉ, mục đích" nghe hiền hòa nhưng như cái vòng kim cô nghiệt ngã trói tổ chức này trong quan hệ chủ tớ. Chỉ cần tổ chức này đại diện cho người lao động khiếu kiện tổ chức quản lý lao động cấp huyện, xã cũng có thể bị giải thể vì "vi phạm về tôn chỉ, mục đích" huống hồ chi trong trường hợp Bảo hiểm ra những chính sách bất lợi. Tình thế trớ trêu, tổ chức quốc doanh không bao giờ bảo vệ người lao động thì có nhiều quyền, tổ chức ngoài quốc doanh có muốn thì không có quyền. Ngay cả người chủ sử dụng lao động muốn loại trừ tổ chức đại diện người lao động cũng dễ như trở bàn tay chỉ cần thủ thuật pháp lý đăng ký thay đổi hình thức, tổ chức đơn vị là xong.

Vấn đề quan trọng nhất là con người. Ở cấp cơ sở của đơn vị kinh tế, tổ chức hành chính sự nghiệp quyền lực quản lý thật sự nằm trong tay bộ tứ bao gồm đảng, chính quyền, đoàn thanh niên và công đoàn. Tất cả cán bộ này đều do đảng sắp xếp bổ nhiệm, điều động bố trí không phân biệt vào vị trí làm việc trước đó. Ông bí thư xã A ngủ với gái bị kỷ luật có thể được đảng bố trí làm chủ tịch Công đoàn huyện B. Việc bầu bán chỉ là trò chơi. Hầu hết cán bộ công đoàn quốc doanh là cán bộ đảng, học trường chính trị, trường công đoàn, không một ngày làm người lao động.

Lãnh đạo dễ trở thành tội phạm

Thế nhưng đối với tổ chức ngoài quốc doanh thì "Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người lao động Việt Nam đang làm việc tại đơn vị sử dụng lao động". Quy định này ngăn chặn, hạn chế người tâm huyết, có năng lực làm đại diện cho người lao động mà thiếu những người này cái thực thể đẻ non ấy đã yếu càng yếu hơn.

Ấy chưa đủ, người ta còn dự liệu những chiếc thòng lọng ngặt nghèo hơn để khai tử tổ chức công đoàn độc lập và những cá nhân có kỹ năng, tâm huyết bằng quy định tiêu chuẩn của người lãnh đạo.

"Thành viên ban lãnh đạo được bầu của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở là người không trong thời gian chấp hành hình phạt hoặc chưa được xóa án tích do phạm các tội xâm phạm an ninh quốc gia ; các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân ; các tội xâm phạm sở hữu theo quy định của Bộ luật Hình sự…"

Với những quy định mơ hồ rộng không giới hạn của các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì ai cũng có thể vướng những tội này nhất là những người có tâm huyết muốn đóng góp cải sửa xã hội. Xã hội đầy dẫy bất công nhưng một ý kiến đóng góp về giá điện bất hợp lý, ý kiến phản biện về thu phí BOT bẩn bựa… đều có thể bị xem là tội phạm hình sự. Thực tế, dù nội dung kiến nghị của công nhân Pouyuen hai lần đình công đều đúng nhưng cả hai lần những người cầm đầu đều bị khởi tố bắt giam. Mới đây, Hà Văn Nam và nhiều người khác bị bắt vì phản đối, kiến nghị về BOT bẩn. Những quy định tưởng như đơn giản, mong manh của dự thảo quy định về cái gọi là tổ chức đại diện của người lao động ‘lại rất thâm độc chứa đầy bất trắc, không chỉ là cái bình phong để đảng nhà nước dối gạt quốc gia, các tổ chức quốc tế trpng quan hệ đối ngoại mà còn là cái bẩy nguy hiểm cho những Lục Vân Tiên thời đại.

Nhưng dù sao trước sức ép quốc tế, nhà cầm quyền Việt Nam phần nào phải xuống thang, người lao động Việt Nam còn phải đấu tranh mạnh mẽ hơn để có thể xây dựng tổ chức đại diện thật sự của mình. Trước hết là phải thay đổi triệt để, phải triệt tiêu những dây thòng lọng và giấy khai tử trong dự thảo này. Phải định danh rõ ràng cho tổ chức công đoàn ngoài quốc doanh và quy đinh điều kiện ra dời, hoạt động quyền hạn của nó khả thi và bảo đảm những quyền an toàn chính tri tối thiểu cho người hoạt động công đoàn theo quy ước quốc tế.

https://youtu.be/4OtMvouUzmY

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 24/05/2019

*******************

Nhiều người lao động "cả ngày không nhìn thấy ánh mặt trời" (SGGP, 24/05/2019)

Chia sẻ tại buổi tọa đàm sáng nay 24-5, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải chia sẻ : Nhiều công nhân, lao động hiện nay đang có nước da xanh xao, vì phải làm việc cực nhọc, dậy sớm về muộn, cả ngày không kịp nhìn thấy mặt trời.

Chủ trì buổi tọa đàm về vai trò của báo chí viết về công đoàn và người lao động, do Báo Lao Động tổ chức sáng nay, 24-5 tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Trần Thanh Hải cho rằng, môi trường làm việc, tiền lương và các chế độ phúc lợi cho người lao động, nhất là đối với công nhân, hiện nay là vấn đề "nóng". 

congdoan4

Phần lớn công nhân đang phải làm việc rất vất vả, nhiều người không có tích lũy

Qua tiếp xúc thực tế với nhiều công nhân lao động, ông Trần Thanh Hải nhận thấy, có nhiều công nhân có nước da xanh xao, sức khỏe không tốt. Khi tìm hiểu kỹ thì được biết, môi trường, điều kiện làm việc của nhiều công nhân lao động hiện nay rất khắc nghiệt. "Nhiều người cả ngày không nhìn thấy ánh mặt trời vì phải đi làm từ lúc 5-6 giờ sáng, đến tối mịt mới trở về". Ông Trần Thanh Hải cho rằng, đây là lý do khiến nhiều công nhân có nước da xanh xao, sức khỏe không đảm bảo, thời gian làm việc nhiều, thời gian được nghỉ ngơi ít. Làm việc vất vả như thế nhưng nhiều gia đình công nhân không có nổi cái sổ tiết kiệm để có quỹ lo phòng thân lúc ốm đau, bệnh tật. 

congdoan5

Ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Trước đó, khi Quốc hội thảo luận ở tổ của kỳ họp thứ 7 này, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng "gióng tiếng chuông" về tình hình đời sống công nhân lao động hiện nay. 

congdoan6

Đại biểu quốc hội đoàn Hà Nội Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam

Theo đại biểu này, hiện nay khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng lớn và rõ. Một bộ phận không nhỏ công nhân lao động có đời sống khó khăn, thiếu thốn. Công nhân thiếu từ nhà ở, đến nhà trẻ cho con cái, nơi vui chơi, giải trí. Trong khi lương không đủ sống, nhiều người đã dính vào "bẫy" tín dụng đen.

Ông Hiểu cho biết : "Những ngày vừa qua thời tiết khắc nghiệt, nhiệt độ lên đến trên 40 độ C, nhiều công nhân và con cái họ phải sống trong những dãy nhà lợp fibroximăng chật hẹp, nóng bức". Trong khi công nhân lao động hiện nay là lực lượng đang tạo ra nhiều của cải cho xã hội, làm ra các sản phẩm để xuất khẩu.

Nói về tình hình thu nhập và đời sống của người lao động, đại biểu Ngọ Duy Hiểu cho biết, nhiều công nhân chỉ có mức lương chừng 4 triệu đồng thì mất hơn 1 triệu đồng để thuê nhà, 1 triệu đồng lo tiền cho con đi học rồi hàng chục khoản chi tiêu khác. 

Khi đời sống khó khăn, công nhân phải thắt chặt chi tiêu, con cái bị suy dinh dưỡng, điều kiện sống thiếu thốn, không được đầu tư về giáo dục, sẽ ảnh hưởng tới nguồn nhân lực và tương lai phát triển của đất nước. 

Vì vậy, đại biểu này mong có những cơ chế, chính sách tốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp, nhà sản xuất và người lao động, chăm lo nhiều hơn tới đời sống cả vật chất lẫn tinh thần của công nhân lao động. 

Văn Phúc

Quay lại trang chủ
Read 583 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)